Nghĩ về văn chương đồng thời nghĩ về nghề giáo, giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng học văn ở bậc phổ thông là học làm người, học làm giàu tâm hồn và trí tuệ. Do đó, dạy văn ở phổ thông chủ yếu là dạy người, dạy văn ở đại học chủ yếu là dạy nghề.
Giáo sư Huỳnh Như Phương trong buổi giao lưu "Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn" - Ảnh: TRẦN MẶC
Điều này được giáo sư đề cập đến trong buổi trò chuyện với chủ đề Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn, diễn ra vào sáng 5-11 tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đến dự sự kiện có nhà văn Trần Bảo Định, TS Bùi Thanh Truyền, TS Trần Hoài Anh, TS Trần Đình Lâm, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, nhà văn Từ Nguyên Thạch, nhà văn Trần Nhã Thụy... cùng nhiều giảng viên, nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên từ nhiều trường đại học.
Mở đầu buổi trò chuyện, PGS Lê Quang Trường - trưởng khoa văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - cho biết tình hình giáo dục các ngành khoa học xã hội và nhân văn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành đào tạo đứng trước nguy cơ giải thể. Điều đó góp phần đặt ra định hướng giảng dạy và nghiên cứu văn học trong bối cảnh hiện nay.
Bàn về điều này, giáo sư Huỳnh Như Phương nhận xét: "Học văn và dạy văn không tách rời nhà trường. Nhà trường như thế nào thì dạy văn thế ấy. Có lẽ chưa bao giờ việc học văn, và liên quan với đó là việc dạy văn, đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay.
Chưa bao giờ sách báo, tài liệu tham khảo, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo đầy nhiệt huyết như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ môn văn bị giảm sút uy tín trước mắt nhìn xã hội và bị phàn nàn nhiều trong dư luận như hiện nay".
Nhà giáo Huỳnh Như Phương cho rằng "dạy văn ở phổ thông chủ yếu là một nghệ thuật; dạy văn ở đại học chủ yếu là một khoa học" - Ảnh: P.VŨ
Cũng theo tác giả Ước vọng cho học đường, cần phân biệt giữa học văn ở bậc phổ thông và học văn ở bậc đại học. "Dạy phổ thông là dạy người chứ không phải dạy nghề. Dạy đại học mới là dạy nghề để ra đời làm việc, có một nghề nghiệp và sống với nghề đó bằng những lý thuyết, phương pháp" - giáo sư chia sẻ.
Sở dĩ cần phân biệt hai cấp học là để thấy được tầm quan trọng của từng phương pháp tiếp cận và giảng dạy. Nhưng giáo sư cũng cho biết học văn ở bậc phổ thông và học văn ở bậc đại học không những không tách rời mà còn có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau.
Nội dung và nghệ thuật dạy văn ở phổ thông thành công sẽ tác động đến chất lượng dạy văn ở đại học. Ngược lại, dạy văn ở đại học, nhất là các trường sư phạm, được đổi mới sẽ góp phần đổi mới việc dạy ở phổ thông.
Học văn là học cách ứng xử với quá khứ, đối mặt với hiện tại và dự báo cho tương lai. Vì vậy mà chúng ta cần cả văn chương dấn thân lẫn văn chương viễn mơ, cần cả tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết hiện thực lẫn tiểu thuyết viễn tưởng. Học văn là để mở rộng chiều kích cuộc đời ta, để ta không biến thành "con người một chiều kích" (One - Dimensional Man) như Herbert Marcuse cảnh báo từ những năm 60 thế kỷ trước. GS Huỳnh Như Phương |
Trò chuyện tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thanh Truyền - trưởng khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM - đặt ra những trăn trở lớn về mặt trái của việc giáo dục cùng với vai trò của người thầy trong đời sống hiện tại.
Đáp lại điều này, nhà phê bình Huỳnh Như Phương cho rằng cuộc sống có nhiều mặt và mọi người phải chọn lựa phương hướng mình muốn tiếp cận, không thể chăm chăm vào mặt xấu mà bỏ qua những điều tốt, cũng như không thể chỉ nhìn vào điều tốt mà né tránh những thiếu sót.
Nói riêng về ước vọng của mình cho học đường, giáo sư mong muốn khi nghĩ về trường học, học sinh sẽ có những giấc mơ đẹp chứ không còn là những "cơn ác mộng" như đã từng.
Suy cho cùng, giáo dục là để đào tạo những con người tốt hơn, mang đến tương lai tốt đẹp hơn chứ không phải một chuỗi những lý luận và quy tắc. Như nhà giáo Huỳnh Như Phương đã đúc kết: "Học văn là học sống ở đời giữa muôn người, cũng đồng thời là học làm người tự do lựa chọn [...] Học văn là học kinh nghiệm làm người ở đời để mà chính mình tự quyết lấy cuộc đời mình. Vì không ai có thể thay ta đưa ra lời giải bài toán cuộc đời ta.
Người học văn vì tiếp xúc với nhiều cuộc đời trong sách vở nên có thể lúng túng, lưỡng lự, phân vân và băn khoăn khi va chạm với cuộc đời thực tế. Ta tham khảo từ những cuộc đời đó để rồi đưa ra giải pháp của riêng ta".
Tập sách Ước vọng cho học đường tập hợp 20 bài viết của tác giả Huỳnh Như Phương trong suốt nhiều năm, từ góc nhìn của người làm nghề cho đến những bài viết trao đổi, tọa đàm về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục. Đây được xem là quyển sách kỷ niệm với nghề giáo của ông trước khi về hưu, dành thêm thời gian cho việc viết tản văn, truyện ngắn. |
Trần Mặc
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 05.11.2022.