Hệ thống phân loại nhạc cụ Trung Quốc (kỳ 1)

20170731. Phau

Huân: nhạc cụ giống như sáo, hình quả trứng, làm bằng đất nung hoặc gốm

Kỳ 1: KIM, THẠCH, THỔ, TI (SẮT, ĐÁ, ĐẤT, TƠ)

Có nhiều phương pháp phân loại nhạc cụ khác nhau, tất cả tùy thuộc vào thời kỳ và nền văn hóa sử dụng chúng. Nhạc cụ được phân loại thành nhóm theo đặc điểm chung của chúng. Cách phân loại có thể dựa trên chất liệu chế tác nhạc cụ, tiếng nhạc phát ra từ nhạc cụ, âm vực của nhạc cụ và vị trí của nhạc cụ trong dàn nhạc. Trung Quốc là quốc gia có hệ thống phân loại nhạc cụ lâu đời nhất (xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên). Hệ thống này chia nhạc cụ thành 8 nhóm dựa vào chất liệu chế tác, bao gồm Kim (kim loại), Thạch (đá), Thổ (đất nung), Ti (tơ), Mộc (gỗ), Trúc (tre, trúc), Bào (quả bầu) và Cách (da). Những nhóm này tạo nên 8 loại âm sắc cho dàn nhạc, gọi là “bát âm” (八音). "

Nhạc cụ Trung Quốc dùng để độc tấu hoặc chơi chung trong những dàn nhạc lớn (thí dụ trong cung đình ngày xưa) hoặc trong những dàn nhạc nhỏ (phòng trà hoặc nơi công cộng). Thông thường, nhạc truyền thống Trung Quốc không có nhạc trưởng hay bất kỳ bản tổng phổ nhạc nào và cũng không có ký hiệu loại nhạc cụ khi biểu diễn. Nhìn chung, nhạc được học bằng cách nghe và nhớ từ những nhạc sĩ tiền bối rồi chơi lại và không có sự giúp đỡ. Từ thế kỷ 20, những bảng tổng phổ nhạc trở nên phổ biến hơn và trong những dàn nhạc lớn đã có người chỉ huy (nhạc trưởng).

Hệ thống phân loại nhạc cụ Trung Quốc có liên quan đến Phật giáo và quan niệm về Âm – Dương, Bát quái (Càn, Khảm, Cung, Ly, Cấn, Chấn, Khôn, Đoài).  Dưới đây là tám nhóm nhạc cụ:

  1. 1. KIM (金 – NHẠC CỤ BẰNG KIM LOẠI)

-     Bạt (鈸, Latin hóa: bo), còn gọi là chazi (镲子): một loại chũm chọe.

-     Biên chung (phồn thể: 編鐘, giản thể: 编钟, bính âm: biān zhōng, Latin hóa: bianzhong): loại nhạc cụ cổ xưa bao gồm một bộ chuông đồng thiếc, dùng để chơi giai điệu. Bộ chuông chùm này được dùng như nhạc cụ đa âm. Một số Biên chung có niên đại từ 2000 đến 3600 năm qua. Chúng được treo trên một cái khung gỗ và gõ bằng một cái dùi. Biên chung và Biên khánh là hai nhạc cụ quan trọng trong nhạc cung đình và nghi lễ của Trung Quốc thời xưa. Một số bộ Biên chung được nhập khẩu vào cung điện Hàn Quốc trong triều đại nhà Tống (宋朝) và người Hàn gọi nó là pyeongyeong. Ngày nay, nhạc cụ này vẫn được dùng trong nhạc lễ và nhạc cung đình Hàn Quốc. Riêng tại Nhật Bản, có một nhạc cụ tương tự Biên chung và người ta gọi nó là  hensho. Biên chung chưa được khám phá và hiểu rõ cho tới năm 1978, lúc đó người ta tìm thấy một bộ 65 chuông trong hầm mộ hầu tước Tăng Hầu Ất (曾侯乙), người đã chết vào năm 430 trước Công nguyên. Biên chung có một đoạn hình thấu kính chứ không phải hình tròn, miệng chuông có mặt nghiêng cho thấy rõ cấu trúc bên trong, còn bề mặt ngoài của những cái chuông lớn có 36 núm hoặc bướu, đặt đối xứng thành 4 nhóm (mỗi nhóm 9 núm) quanh thân chuông. Hình dáng đặc biệt này giúp chuông có khả năng sản xuất hai giọng nhạc khác nhau, tùy thuộc vào cách gõ vào chúng. Khoảng cách giữa những nốt trên mỗi chuông là quãng ba thứ hoặc trưởng, tương đương khoảng cách 4 hoặc 5 nốt trên đàn piano.   

-     Bình la (平锣, Latin hóa: pingluo): một loại chiêng bằng.

-     Bính linh (碰铃; bính âm: pènglíng, Latin hóa: pengling): một cặp chũm chọe nhỏ, đeo ngón tay, có hình cái bát hoặc những cái chuông nối bằng đoạn dây thừng nhỏ. Khi chơi người ta gõ chúng vào nhau.

-     Đại bạt (大鈸, latin hóa: dabo): chũm chọe lớn.

-     Đại khánh (大磬, Latin hóa: daqing):  một loại chuông lớn.

-     Đại la (大锣, Latin hóa: daluo): một loại chiêng phẳng, cao độ âm thanh giảm khi gõ bằng dùi bịt đầu.

-     Dẫn khánh (引磬, Latin hóa: dianqing): loại chuông nhỏ đảo ngược, đóng vào một đầu của tay cầm nhỏ bằng gỗ.

-     Đang tử (铛子, Latin hóa: dangzi ), còn gọi là Đang đang (铛铛, Latin hóa: dangdang): một loại chiêng phẳng, tròn, nhỏ, định âm, treo lơ lửng bằng cách cột dây tơ quanh khung kim loại tròn, nằm trên một cán gỗ.

-     Đồng cổ (铜鼓): trống đồng.

-     Duy thuần (帷錞, Latin hóa: weichun): chuông treo cổ xưa.

-     Khai lộ la (开路锣, Latin hóa: Kailuluo): một loại chiêng.

-     Khánh (磬, Latin hóa: qing): một loại chuông hình cái bát, sử dụng trong nhạc Phật giáo và những nghi lễ khác.

-     Kinh bạt (京鈸, Latin hóa: jingbo): một loại chũm chọe.

-     Kính la (镜锣, Latin hóa: jingluo): một loại chiêng bằng nhỏ sử dụng trong nhạc truyền thống của tỉnh Phúc Kiến.

-     La (phồn thể: 鑼, giản thể: 锣, Latin hóa: luo, bính âm: luó): có nghĩa là cồng chiêng, một loại nhạc cụ ở Đông Á và Đông Nam Á. Loại có núm thường được gọi là “cồng”, còn loại không núm gọi là chiêng (hay chiêng bằng). Cồng chiêng có ba loại chính: 1. Loại treo: là những đĩa kim loại tròn, bằng phẳng nhiều hay ít, được treo bằng dây thừng thẳng đứng qua những lỗ nhỏ gần đỉnh mép; 2. Loại có núm hay bướu: có núm lồi ở phần giữa và thường được treo, gõ theo chiều ngang; 3. Loại bát: có hình dạng cái bát, tựa trên những cái đệm, có vẻ giống chuông hơn là cồng chiêng. Cồng chiêng được làm chủ yếu bằng đồng thiếc hoặc đồng thau, nhưng có nhiều hợp kim khác cũng được sử dụng. Nhạc cụ này phát ra hai loại âm thanh riêng. Về cơ bản, một cái chiêng có bề mặt bằng sẽ rung ngân theo nhiều kiểu, cho giọng “thô” hơn là chiêng định âm. Loại chiêng này đôi khi được gọi là tam-tam để phân biệt với cồng định âm. Trong những dàn nhạc gõ ở Indonesia, một số cồng được chế tạo một cách có chủ ý để thêm vào nốt đập từ 1 đến 5 Hz.

-     Lạt bá (喇叭, Latin hóa: laba): một loại kèn trumpet bằng đồng thau, dài, thẳng, không có van bấm.

-     Nao (nạo) (鐃): có thể ám chỉ một loại chuông cổ hoặc những cái chũm choẹ lớn. Trong loại này còn có Thương nao (商鐃).

-     Nguyệt la (月锣, Latin hóa: yueluo): một cái chiêng nhỏ không bằng phẳng, giữ bằng dây trong lòng bàn tay và gõ bằng dùi nhỏ, sử dụng trong nhạc Triều Châu.

-     Phong la (风锣, Latin hóa: fengluo): chiêng gió, một loại chiêng bằng lớn, gõ bằng dùi bịt đầu.

-     Phương hưởng (phồn thể: 方響; giản thể: 方响; bính âm: fāngxiǎng; Latin hóa: fang hsiang): một bộ thanh kim loại định âm (metallophone) cổ xưa. Nhạc cụ này bao gồm 16 thanh hình chữ nhật bằng sắt, định âm, nằm trong một cái khung và được xếp thành hai dãy. Những thanh này được gõ bằng một cái búa để phát ra giai điệu âm thanh. Các thanh có chiều dài và rộng bằng nhau nhưng độ dầy thì tăng dần. Những thanh mỏng hơn phát ra giọng trầm hơn, còn những thanh dầy thì phát ra nốt cao hơn. Vào thời xưa, Phương hưởng là nhạc cụ phổ biến trong nhạc cung đình Trung Quốc. Nó được đưa vào Hàn Quốc, nơi đây gọi nó là banghyang (tiếng Hàn: 방향). Ở Nhật Bản có một nhạc cụ tương tự gọi là hōkyō (kanji:  方響 – kanji là chữ Nhật, viết với gốc từ Hán).

-     Thâm ba (深波, Latin hóa: shenbo): một loại chiêng bằng và sâu, sử dụng trong nhạc Triều Châu; còn gọi là Cao biên đại la (高边大锣, Latin hóa: gaobian daluo).  

-     Thập diện la (十面锣, Latin hóa: shimianluo): 10 cái chiêng nhỏ định âm trong một cái khung.

-     Thuần (錞; Latin hóa: chun, bính âm: chún): chuông cổ xưa.

-     Thương nao (商鐃, Latin hóa: shangnao): một loại chuông cổ xưa.

-     Thủy bạt (水鈸, Latin hóa: shuibo): những cái chũm choẹ nước.

-     Tiểu bạt (小鈸, Latin hóa: xiaobo): những cái chũm choẹ nhỏ.

-     Tiểu la (小锣, Latin hóa: xiaoluo): một cái chiêng bằng nhỏ có độ cao âm thanh nâng lên khi gõ bằng cạnh của cái dùi gỗ bằng.

-     Trung bạt (中鈸, Latin hóa: zhongbo): những cái chũm choẹ có kích cỡ trung bình; còn gọi là Nao bạt (鐃鈸, Latin hóa: naobo hay zhongcuo).

-     Vân la (phồn thể: 雲鑼, giản thể: 云锣, bính âm: yúnluó, Latin hóa: yunluo): nghĩa là “chiêng mây”, một nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc. Thời xưa, người ta còn gọi nó là Vân ngao (雲璈). Vân la là một bộ 10 cái chiêng định âm nhỏ gắn trong một khung gỗ. Mỗi chiêng có đường kính khoảng 9-12 cm, chiều cao của khung khoảng 52 cm. Nhìn chung, các chiêng Vân la có đường kính tương đương nhau nhưng khác nhau về độ dầy. Chiêng dầy hơn phát ra giọng cao hơn. Người ta thường sử dụng Vân la trong dàn nhạc gõ và hơi ở miền bắc Trung Quốc. Những hình vẽ xưa cũng miêu tả loại Vân la nhỏ hơn chỉ có 5 chiêng, những cái này có cán, được giữ trong một bàn tay và gõ bằng tay khác. Loại Vân la hiện đại hóa đã phát triển từ loại Vân la truyền thống để sử dụng trong dàn nhạc lớn, hiện đại của Trung Quốc. Nó lớn hơn và có 29 chiêng trở lên với đường kính khác nhau. Loại hiện đại cao khoảng 2m, kể cả một giá đỡ có hai chân chống trên sàn (riêng khung chỉ cao khoảng 1m). Chiều rộng của khung khoảng 1,4m. Đôi khi loại Vân la truyền thống được gọi là Thập diện la (十面锣), tức chiêng 10 mặt, để phân biệt với loại Vân la hiện đại. Có một nhạc cụ tương tự gọi là ulla (tiếng Hàn: 운라), cái này có nguồn gốc từ Vân la, được dùng trong nhạc Hàn Quốc. Nhã nhạc Việt Nam sử dụng một nhạc cụ tương tự gồm ba cái chiêng, gọi là Tam âm la.

- Vân tranh (云铮, Latin hóa: yunzheng): một cái chiêng bằng nhỏ sử dụng trong nhạc truyền thống ở tỉnh Phúc Kiến.

2. THẠCH (石- BẰNG ĐÁ)

-     Biên khánh (giản thể: 编磬, chính thể: 編磬, bính âm: biānqìng, Latin hóa: bianqing): loại nhạc cụ cổ xưa bao gồm một bộ chuông đá hình chữ L treo bằng dây trên khung gỗ và được gõ bằng một cái dùi để phát ra giai điệu âm thanh. Biên khánh và Biên chung là hai nhạc cụ quan trọng trong nhạc cung đình và nghi lễ của Trung Quốc thời xưa. Ở Hàn Quốc có một nhạc cụ nhập khẩu tương tự như Biên khánh, gọi là pyeongyeong. Nhạc cụ này vẫn được dùng trong nhạc lễ và nhạc cung đình Hàn Quốc.

-     Đặc chung (特鐘, Latin hóa: Teqing): một phiến đá lớn duy nhất treo bằng dây trong khung gỗ và được gõ bằng dùi.

3. THỔ (土 - BẰNG ĐẤT NUNG)

-     Huân (phồn thể: 塤, giản thể: 埙, bính âm: xūn, Latin hóa: xun): một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của Trung Quốc. Huân là nhạc cụ giống như sáo, hình quả trứng, làm bằng đất nung hoặc gốm, tương tự như ocarina nhưng không có miệng thổi chốt bằng gỗ. Huân có một số kích cỡ khác nhau. Nó có một lỗ thổi ở phần trên và nhìn chung có 8 lỗ bấm (3 lỗ cho mỗi ngón trỏ, giữa và áp út của hai bàn tay, 1 lỗ cho mỗi ngón cái). Ở Hàn Quốc, có một nhạc cụ tương tự gọi là hun (tiếng Hàn: 훈), còn ở Nhật Bản có một nhạc cụ giống hệt gọi là tsuchibue (chữ thuần Nhật: つちぶえ ; chữ Nhật viết với gốc từ Hán: 土笛), có nghĩa là sáo bằng đất nung.

- Phẫu (缶 hoặc 缻; bính âm: fǒu, Latin hóa: fou): loại trống cổ xưa bao gồm một bình gốm hoặc một bình, lọ, chậu bằng hợp kim pha đồng đỏ, cái này được gõ bằng que. Phẫu có niên đại từ thời nhà Hạ hoặc nhà Thương, thời đó nó được dùng trong nhạc lễ. Về sau, Phẫu trở thành nhạc cụ chuẩn trong những dàn nhạc Nho giáo. Phẫu là nhạc cụ chưa được xác định cho tới khi người ta khám phá gần 500 nhạc cụ trong những hầm mộ của giới quí tộc ở Việt Quốc (越國) thuộc thành phố Vô Tích (無錫), tỉnh Giang Tô (江蘇). Trước lúc khai mạc Olimpic mùa hè ở Bắc Kinh năm 2008, người ta đã biểu diễn loại Phẫu hiện đại để chào mừng. Khoảng 2.008 nghệ sĩ trống và diễn viên múa cùng đồng diễn, đánh loại Phẫu lớn hình vuông bằng những cái dùi đỏ. Những cái Phẫu này được bố trí i-ốt phát sáng màu trắng, tạo thành hình vuông chung quanh, cho phép chúng phát ra âm thanh và cả việc phơi bày làm kinh ngạc, trong đó có những mẫu tự Trung Quốc và những hình dáng khác. Trong nhạc lễ Nho giáo Hàn Quốc, người ta chơi một nhạc cụ làm từ bình đất sét, gọi là bu (tiếng Hàn: 부), loại này có nguồn gốc từ trống Phẫu Trung Quốc.

4. TI (絲- BẰNG TƠ

Ngày xưa người Trung Quốc thường dùng tơ để làm dây đàn, còn ngày nay thường dùng dây kim loại hoặc nylon. Nhóm này bao gồm hầu hết các nhạc cụ dây và được phân chi như sau:

a. Chi gảy:

Cổ cầm (chữ Hán: 古琴; bính âm: gǔqín, Latin hóa:guqin): đàn zither 7 dây, có âm vực rộng khoảng 4 quãng tám. Các dây của loại đàn này được chỉnh giọng theo quãng âm trầm. Âm trầm nhất của dây thấp hơn nốt đô trung khoảng 2 quãng tám hoặc bằng nốt thấp nhất trên đàn cello.

Cổ tranh (古箏, Latin hóa: guzheng): đàn zither 16 đến 26 dây với những ngựa đàn có thể di chuyển. Nhạc cụ này khá giống nhiều loại đàn châu Á, thí dụ như koto Nhật Bản, yatga Mông Cổ, gayageum Hàn quốc và đàn tranh Việt Nam. Người ta dễ nhầm lẫn giữa nhạc cụ này với Cổ cầm (loại zither ít dây hơn và không có ngựa đàn).

Độc huyền cầm (phồn thể: 獨弦琴, giản thể: 独弦琴, bính âm: dúxiánqín, Latin hóa: duxianqin); còn gọi là Nhất huyền cầm (一弦琴, Latin hóa: yixianqin). Độc huyền cầm là loại đàn 1 dây; độ căng của dây thay đổi tùy theo cách sử dụng vòi đàn mềm dẻo bằng bàn tay trái. Nhạc cụ này rất giống đàn bầu Việt Nam.

Không hầu: Konghou (箜 guzheng 篌): loại đàn harp cổ xưa. Trong triều đại nhà Minh (1368-1644), nhạc cụ này đã có lúc mai một, đến thế kỷ 20 mới phục hồi trở lại. Phiên bản hiện đại của loại đàn này không giống như loại cổ xưa. Đặc điểm chính phân biệt loại Không hầu đương đại với loại đàn harp dàn nhạc phương Tây nằm ở chỗ: những dây đàn được xếp thành hai hàng để người chơi có thể sử dụng các kỹ thuật nâng cao như rung (vibrato) và biến âm (bending tones). Hai hàng dây còn tạo thuận lợi để chơi những nhịp điệu nhanh và âm bội.

Liễu cầm (柳琴, Latin hóa: liuqin): đàn lute nhỏ, 4 dây, cần đàn có ngăn phím, thân đàn hình quả lê. Các dây đàn được mắc cao trên ngựa đàn, còn mặt đàn hướng âm có hai lỗ thoát âm dễ nhận ra. Phần lớn Liễu cầm là phiên bản thu nhỏ của đàn Tỳ bà nhưng có âm vực cao hơn Tỳ bà. Nhạc cụ này có vị trí đặc biệt trong nhạc Trung Quốc, dù là nhạc đại hòa tấu hay độc tấu. Khi chơi Liễu cầm người ta giữ nó thấp hơn đàn Tỳ bà, giữ ở tư thế chéo giống như đàn Nguyễn và Nguyệt cầm. Họ dùng miếng gảy để gảy dây và sử dụng kỹ thuật tương tự cách chơi đàn Nguyễn và Nguyệt cầm, ngược lại Tỳ bà được chơi bằng những ngón tay. Ngày xưa, người ta thường làm nhạc cụ này bằng gỗ liễu, còn ngày nay, nghệ sĩ chuyên nghiệp thường dùng phiên bản làm bằng gỗ đàn hương đỏ hoặc gỗ hồng sắc. Loại Liễu cầm hiện đại có mặt đàn hướng âm làm bằng đồng mộc (桐木), còn mặt lưng là gỗ đàn hương đỏ.

Nguyễn (chữ Hán: 阮; bính âm: ruǎn, Latin hóa: ruan): đàn lute có thân đàn hình mặt trăng. Nhạc cụ này có 5 kích cỡ: gaoyin-, xiao-, zhong-, da- và diyin-; đôi khi gọi là Nguyễn cầm (阮琴, Latin hóa: ruanqin ).

Nguyệt cầm (月琴, bính âm: yuèqín, Latin hóa: yueqin), còn được đánh vần là yue qin hay yueh-ch'in và gọi là moon guitar, moon-zither, gekkin, la ch'in, hay laqin. Nguyệt cầm là loại đàn lute có thân đàn gỗ rỗng ruột, hình tròn (đôi khi có hình bát giác); cần đàn ngắn có ngăn phím, 4 dây chỉnh thành  2 cặp (mỗi cặp có giọng giống nhau). Nhìn chung, chỉnh dây cách nhau một quãng năm đúng. Theo truyền thuyết, Nguyệt cầm được phát minh vào đời nhà Tần. Nó là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc kịch Bắc Kinh, thường giữ vai trò chơi giai điệu chính thay cho nhóm đàn dây cung kéo. Cái tên Nguyệt cầm ứng dụng cho tất cả nhạc cụ có thân đàn tròn, kể cả đàn Lạp nguyễn, tuy nhiên, hiện nay Nguyệt cầm được xếp vào nhóm riêng, chứ không thuộc họ Lạp nguyễn.

Sắt (chữ Hán: 瑟; bính âm: , Latin hóa: se): đàn zither 25 dây, có âm vực rộng tới 5 quãng tám. Nhạc cụ này có các ngựa đàn di chuyển được (tài liệu cổ cho biết loại đàn này có 13, 25 hoặc 50 dây). Đàn Sắt có thể là tổ tiên của nhiều loại đàn zither ở châu Á, kể cả đàn Cổ tranh Trung Quốc và đàn Koto Nhật Bản.

Tam huyền (三弦, La tin hóa: sanxian): loại đàn lute 3 dây, có cần đàn dài, không ngăn phím. Theo truyền thống, thân đàn có hình chữ nhật được làm hơi tròn, phần trên bọc da rắn. Người ta chế tạo nhạc cụ này có nhiều kích cỡ, phục vụ cho những mục đích khác nhau. Trong thế kỷ 20, phiên bản 4 dây khá phát triển. Nhìn chung, loại Tam huyền ở miền bắc Trung Quốc lớn hơn, dài khoảng 122 cm, trong khi đó loại ở miền nam thường dài khoảng 95 cm. Tam huyền có giọng khô, phát ra âm thanh lớn như đàn banjo. Loại Tam huyền lớn có âm vực rộng 3 quãng tám. Theo truyền thống, nhạc cụ này được chơi bằng một miếng gảy cứng và mỏng, làm bằng sừng thú, nhưng ngày ngay phần lớn người chơi đều sử dụng miếng gảy bằng chất dẻo (tương tự miếng gảy đàn guitar) hoặc dùng những móng tay để gảy, đặc biệt là trong kỹ thuật vê (tremolo). Ngoài ra, người ta còn sử dụng kỹ thuật khác như tạo hòa âm hay đánh vào lớp da của nhạc cụ bằng miếng gảy hoặc móng tay (có thể sánh với kỹ thuật chơi đàn tsugaru-jamisen ở miền bắc Nhật Bản).

- Tần cầm (秦琴, bính âm: qínqín, Latin hóa: qinqin): loại đàn lute gảy dây có thân đàn gỗ, cần đàn mảnh khảnh có ngăn phím; thân đàn hình tròn hoặc lục giác (đã làm tròn các cạnh). Thông thường Tần cầm chỉ có 2 dây đàn, được dùng trong những dàn nhạc địa phương chơi nhạc cụ tre và dây tơ. Tần cầm còn được gọi là Mai hoa cầm (梅花琴, Latin hóa: meihuaqin) - thân đàn có hình hoa mai. Tần cầm rất phổ biến ở miền nam Trung Quốc, kể cả Quảng Đông, Hồng Kông và Macau. Tần cầm khá giống với đàn sến của Việt Nam.

- Tỳ bà (琵琶, bính âm: pípá, Latin hóa: pipa ): loại đàn lute có 4 hoặc 5 dây, đôi khi còn được gọi là đàn lute Trung Quốc. Nhạc cụ này có thân đàn gỗ, hình quả lê với số ngăn phím từ 12 đến 26 ngăn. Tỳ bà xuất hiện vào đời nhà Tần (221 - 206 trước CN) và phát triển mạnh trong triều đại nhà Hán. Nó là một trong những nhạc cụ Trung Quốc phổ biến nhất, được chơi gần 2000 năm qua tại đất nước này. Một số nhạc cụ tương tự khác ở Đông Á và Đông Nam Á có nguồn gốc từ loại Tỳ bà này, bao gồm đàn biwa Nhật Bản, bipa Hàn quốc và Tỳ bà Việt Nam.

b. Chi kéo:

Bà cầm (琶琴, Latin hóa: paqin): nhạc cụ cung kéo hiện đại.

Bản hồ (板胡, bính âm: bǎnhú, Latin hóa: banhu): loại đàn fiddle 2 dây với dây cung kéo chen giữa hai dây. Nhạc cụ này có bộ phận cộng hưởng âm thanh bằng quả dừa, mặt trên bằng gỗ, chủ yếu sử dụng ở miền bắc Trung Quốc. Khi chơi người ta giữ Bản hồ ở tư thế thẳng đứng. Đôi khi loại đàn này còn được gọi là “banghu”, vì nó thường được dùng trong nhạc kịch bangzi ở miền bắc, thí dụ như ở tỉnh Thiểm Tây.

Cách hồ (革胡, Latin hóa: gehu): loại đàn bass 4 dây, có cung kéo; chỉnh giọng và chơi giống cello. Trong thế kỷ 20 nhạc sĩ Dương Vũ Sâm (杨雨森, 1926-1980) đã phát triển nhạc cụ này. Nó là nhạc cụ hỗn hợp giữa họ đàn Hồ cầm với cello phương Tây. Bốn dây được chỉnh từ thấp đến cao là Đô, Sol, Rê, La – giống hệt cách chỉnh đàn cello. Không giống những nhạc cụ khác trong họ Hồ cầm, Cách hồ có ngựa đàn không tiếp xúc với lớp da rắn. Hiện nay còn có loại Cách hồ giọng contrabass, đóng vai trò là đàn double bass. Cuối thế kỷ 20, Cách hồ trở thành nhạc cụ hiếm, thậm chí là ở Trung Quốc. Ngày nay, loại đàn này được dùng chủ yếu ở Hồng Kông và Đài Loan, dù cello đang trở thành nhạc cụ thay thế nó khá phổ biến. Thêm vào đó, cũng có những nhạc cụ Trung Quốc khác có khả năng đóng vai trò thay thế âm vực bass của Cách hồ, thí dụ như đàn Lạp nguyễn (nhạc cụ sử dụng cấu trúc và chất acoustic của đàn Nguyễn), kèn lapa (nhạc cụ hơi tương tự oboe, xuất hiện trong thế kỷ 19) và morin khuur (tiếng Mông Cổ: морин хуур), còn gọi là bass matouqin (nhạc cụ dây, cung kéo của Mông Cổ).

Cao hồ (高胡, Latin hóa: gaohu): loại đàn 2 dây có cung kéo, mặt trên thân đàn bọc da trăn. Nhạc cụ này còn được gọi là Việt hồ (粤胡, Latin hóa: yuehu). Cao hồ thuộc họ Hồ cầm, âm vực cao hơn Nhị hồ (chỉnh cao hơn một quãng bốn, từ Sol 4 đến Rê 5). Năm 1920, nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc Lữ Văn Thành (文成, 1898–1981) đã phát triển nhạc cụ này từ loại Nhị hồ, sử dụng nó trong nhạc và nhạc kịch Quảng Đông. Cao hồ có cấu trúc tương tự Nhị hồ, nhưng có thân đàn nhỏ hơn một chút (thường hình tròn).

Da hồ (椰胡, bính âm: yēhú, Latin hóa: yehu): loại đàn 2 dây có cung kéo thuộc họ Hồ cầm. Nhạc cụ này có thân đàn làm bằng phần cứng của quả dừa khô, dây đàn thường là dây tơ. Da hồ có nhiều kích cỡ khác nhau. Trong nhạc Triều Châu, nó là nhạc cụ lãnh đạo, được chỉnh giọng khá cao. Trong nhạc Quảng Đông, Da hồ có thể khá lớn và thường được chỉnh giọng tương đối thấp, thấp hơn Nhị hồ (thường dưới một quãng tám so với Cao hồ). Da hồ được dùng để đệm nhạc địa phương và những vở nhạc kịch ở nhiều vùng khác nhau, bao gồm Quảng Đông, Phúc Kiến và Đài Loan. Da hồ là nhạc cụ quan trọng trong nhạc của người Triều Châu và Khách gia nhân (客家人). Ở Đài Loan, nhiều loại Da hồ được dùng trong nhạc kịch Đài Loan được gọi là Xác tử huyền (壳仔弦). Loại chủ yếu ở miền bắc Trung Quốc cũng có thân đàn là hộp cộng hưởng bằng quả dừa và mặt hướng âm gỗ nhưng được chỉnh giọng khá cao và có âm sắc tươi sáng hơn. Có một số nhạc cụ liên quan với Da hồ là đàn gáo Việt Nam, saw u Thái Lan và tro u Campuchia.

Đại bà cầm (大琶琴, Latin hóa: dapaqin): loại Bà cầm bass.

Đại đồng (大筒, Latin hóa: datong): loại đàn fiddle 2 dây thuộc họ Hồ cầm. Theo truyền thống, Đại đồng có thân đàn bằng tre (một đầu bịt da rắn), cần đàn làm bằng gỗ cứng. Ngày xưa dây đàn làm bằng tơ, ngày nay thay bằng dây thép. Đại đồng được dùng làm nhạc cụ đệm cho nhạc truyền thống của tỉnh Hồ Nam, chủ yếu là nhạc kịch Hoa cổ hí (花鼓戏). Do đóng vai trò này nên nó còn được gọi là Hoa cổ đại đồng (花鼓大筒). Khi chơi loại đàn này người ta giữ nó thẳng đứng trên vạt áo. Đại đồng dễ bị nhầm lẫn với Đại Nghiễm huyền, một loại đàn sử dụng ở Đài Loan và Phúc Kiến.

- Đại đồng huyền (大筒弦): nhạc cụ cung kéo.

Đại hồ (大胡, bính âm: dàhú, Latin hóa: dahu); loại đàn lớn có cung kéo, được chơi ở tư thế thẳng đứng. Đại hồ có một hộp cộng hưởng âm thanh lớn bịt da trăn ở một đầu. Giống phần lớn những thành viên khác trong họ Hồ cầm, loại đàn này có 2 dây, âm vực thấp hơn 1 quãng tám so với Nhị hồ nhưng kích cỡ lớn hơn khá nhiều. Ngựa đàn của Đại hồ thường nằm trên phần giữa của lớp da trăn một chút để tránh kéo căng da. Năm 1930, người ta sử dụng Đại hồ trong dàn nhạc và loại đàn này là thành viên tenor trong họ Hồ cầm, nhưng đến cuối thế kỷ 20, nhạc cụ này đã rơi vào quên lãng, một phần của lý do này là vì nó quá cồng kềnh và khó diễu tấu (do cung nằm giữa hai dây đàn nên khó chơi ngón bật (pizzicato). Thay vào đó, người ta sử dụng loại Cách hồ lớn, Đê âm cách hồ và Lạp nguyễn (hoặc cello hay double bass) để giữ giọng trầm hơn trong những dàn nhạc qui mô của Trung Quốc.

Đại nghiễm huyền (大广弦, bính âm: dàguǎngxián, Latin hóa:daguangxian): đàn fiddle 2 dây sử dụng ở Đài Loan và Phúc Kiến, chủ yếu do người Mâm nam ngữ (閩南語) và Khách gia nhân (客家人) sử dụng. Nhạc cụ này còn gọi là Đại đồng huyền (大筒弦, Latin hóa:datongxian), Nghiễm huyền (广弦, Latin hóa: guangxian) và Đại quản huyền (大管弦, Latin hóa: daguanxian).

Đê âm cách hồ (低音革胡, bính âm: dīyingehu, Latin hóa: diyingehu), còn gọi là Bội cách hồ (倍革胡, Latin hóa: beigehu) hay digehu: loại đàn contrabass 4 dây, có cung kéo trong họ Hồ cầm. Nó có cách chỉnh dây và chơi giống double bass.

Đề cầm (提琴, bính âm: tíqín, Latin hóa: tiqin): là tên gọi chung cho một số loại đàn 2 dây, cung kéo trong họ Hồ cầm. Người ta sử dụng nhóm nhạc cụ này trong nhạc Đài Loan, Phúc Kiến, Quảng Đông và Triều Châu …

Đê hồ (低胡, bính âm: dīhú, Latin hóa: dihu): nhóm nhạc cụ có 2 dây và cung kéo thuộc họ Hồ cầm. Đê hồ có một hộp cộng hưởng lớn bịt da rắn ở một đầu và có ba kích cỡ: 1. Tiểu đê hồ (小低胡, Latin hóa: xiaodihu) – loại đê hồ nhỏ, chỉnh giọng thấp hơn một quãng tám so với erhu. Nó là thành viên giọng tenor trong họ Hồ cầm (Nhị hồ là thành viên giọngsoprano, còn Trung hồ là thành viên giọng alto); 2. Trung đê hồ (中低胡, Latin hóa: zhongdihu): âm vực thấp hơn một quãng tám so với Trung hồ (chỉnh Sol-Rê như hai dây giữa của cello). Nó là thành viên bass trong họ Hồ cầm; 3. Đại đê hồ ((大低胡, Latin hóa: dadihu) – loại đê hồ lớn, chỉnh giọng Rê-La, thấp hơn 2 quãng tám so với Nhị hồ hoặc thấp hơn 1 quãng tám so với Tiểu đê hồ.

Đê huyền cầm (低絃琴, Latin hóa: dixianqin ): nhạc cụ cung kéo.

Giác hồ (角胡, bính âm: jiǎohú, Latin hóa: jiaohu): loại đàn 2 dây cung kéo thuộc họ Hồ cầm. Nó có hộp cộng hưởng làm từ sừng bò; một đầu hộp cộng hưởng đển trống, đầu còn lại bịt da rắn. Nhạc cụ này chủ yếu do tộc người Mèo (Miêu -苗), Đồng tộc (侗族) và Ngật lão tộc (仡佬族) ở vùng Guangxi sử dụng.

Hề cầm (奚琴, bính âm: xīqín, Latin hóa: xiqin): loại đàn 1 dây có cung kéo. Thời xưa, nhạc cụ này của người Xi ở vùng Trung Á. Vào đời nhà Đường (618-907), lần đầu tiên nhạc cụ này xuất hiện ở Trung Quốc, khi ấy người ta dùng thanh tre để kéo dây đàn. Đến triều đại nhà Tống (960-1279), loại đàn này phát triển mạnh, thanh tre được thay bằng cung lông đuôi ngựa. Người ta cho rằng Hề cầm là nhạc cụ nguyên thủy của họ Hồ cầm Trung Quốc và những nhạc cụ dây cung kéo của Mông Cổ.

H cầm (胡琴, bính âm: húqín, Latin hóa: huqin): họ của các loại đàn dây cung kéo để dọc; bao gồm những nhạc cụ có cần đàn thẳng nối với thân đàn tròn, lục giác hoặc bát giác. Chúng thường có 2 dây đàn (ngoại trừ đàn Tứ hồ có 4 dây chỉnh thành 2 cặp), thân đàn bọc da rắn trên mặt hướng âm (phần lớn là da trăn) hoặc gỗ mỏng. Chúng có chốt chỉnh cho từng dây riêng, phần lớn đều có dây cung đuôi ngựa nằm giữa các dây. Loại Hồ cầm phổ biến nhất là Nhị hồ (chỉnh giọng ở âm vực trung), Trung hồ (chỉnh giọng thấp hơn) và Cao hồ (chỉnh giọng ở âm vực cao). Người ta thường dùng các nhạc cụ thuộc họ Hồ cầm trong nhạc Quảng Đông. Những loại đàn này được tin là có nguồn gốc từ nhạc cụ gọi là Hề cầm (奚琴, Latin hóa: xiquin)- loại đàn do người du mục Xi ở vùng Trung Á sử dụng.

Trong thế kỷ 20, loại Hồ cầm lớn, giọng bass, thí dụ như Đại hồ, Cách hồ và Đê âm cách hồ tương tự như đàn double basse phương Tây, nhưng được thiết kế để có âm sắc hòa hợp với họ Hồ cầm truyền thống. Nhìn chung, những nhạc cụ này có 4 dây và bàn phím, được chơi giống như cách chơi đàn cello và double basse, rất khác biệt so với họ Hồ cầm truyền thống.

Hồ lô cầm (葫芦琴, Latin hóa: huluqin): đàn fiddle 2 dây có thân đàn quả bầu do tộc người Naxi ở Vân Nam sử dụng.

Hồ lô hồ (http://en.wikipedia.org/wiki/Traditional_Chinese_characters, phồn thể: 葫盧胡, giản thể: 葫芦胡, bính âm: húlúhú, Latin hóa: huluhu): loại đàn fiddle 2 dây, cung kéo, thuộc họ Hồ cầm. Nó có thân đàn quả bầu với một mặt làm bằng gỗ mỏng. Nhạc cụ này chủ yếu do tộc người Zhuang (tiếng Thái Lan: ผู้จ้วง ) sống ở vùng tự trị Guangxi (miền nam Trung Quốc) sử dụng.

Hòa huyền (和弦, Latin hóa: hexian): đàn fiddle lớn sử dụng chủ yếu ở Hakka, Đài Loan.

Kinh hồ (京胡, bính âm: jīnghú, Latin hóa: jinghu): loại đàn fiddle 2 dây, chỉnh giọng cách nhau một quãng năm, dây cung kéo nằm giữa hai dây đàn không thể tách ra được. Ngày xưa, dây đàn làm bằng tơ, nhưng ngày nay thay bằng dây thép hoặc nilon. Không giống như những nhạc cụ khác trong họ Hồ cầm (Nhị hồ, Cao hồ và Kinh hồ…), loại đàn này được làm bằng tre. Nó có thân đàn hình trụ, mặt trên bọc da rắn giống như cái màng căng, phía trên là ngựa đàn. Kinh hồ có ngoại hình nhỏ nhất và có âm vực cao nhất trong họ Hồ cầm, chủ yếu sử dụng trong nhạc kịch Bắc Kinh.

     Kinh nhị hồ (京二胡, bính âm:  jīng èrhú, Latin hóa: jing erhu): loại đàn thuộc họ Hồ cầm, rất giống Nhị hồ. Nhạc cụ này có âm vực thấp hơn Kinh hồ, giữ nhiệm vụ hỗ trợ Kinh hồ trong dàn nhạc kịch Bắc Kinh. Kinh nhị hồ có thân và cần đàn bằng gỗ với hai dây đàn (giữa hai dây là lông đuôi ngựa của cung kéo). Trước đây người ta dùng dây tơ, nhưng từ năm 1960 họ thường dùng dây thép. Khi chơi nghệ nhân  giữ đàn thẳng đứng, cho thân đàn tựa vào đùi trái. Năm 1920, nhạc sĩ Vương Thiếu Khanh (王少卿) đã phổ biến Kinh nhị hồ khắp nơi, khởi đầu từ đoàn hát Mai Lan Phương (梅兰芳).  

Lạp nguyễn (拉阮, Latin hóa: laruan): loại đàn lute 4 dây với cần đàn có ngăn phím, thân đàn tròn. Ngày xưa, dây đàn làm bằng tơ, nhưng từ thế kỷ 20, dây đàn được làm bằng thép. Đàn Lạp nguyễn hiện đại có 24 ngăn phím với 12 nốt nửa cung trên mỗi dây, giúp mở rộng âm vực hơn so với loại 13 ngăn phím trước kia. Những ngăn phím thường được làm bằng ngà. Thời gian gần đây, người ta dùng thanh kim loại gắn trên gỗ để làm ngăn phím. Loại thanh này giúp giọng sáng hơn so với loại bằng ngà. Đôi khi người ta còn gọi Lạp nguyễn là Nguyễn cầm ((阮琴), đặc biệt là ở Đài Loan.

Lôi cầm (雷琴, Latin hóa: leiqin): loại đàn 2 dây có cung kéo. Nó có một hộp cộng hưởng bằng kim loại bịt da rắn và một bàn phím dài không ngăn phím. Hai dây đàn đi qua trên một ngựa đàn nhỏ nằm trên da rắn, gần mép trên. Khi diễn tấu, người chơi ngồi trên ghế, tựa thân đàn vào vạt áo rồi giữ đàn theo tư thế thẳng đứng hoặc gần thẳng. Không giống Nhị hồ và những nhạc cụ khác trong họ Hồ cầm, các dây đàn của Lôi cầm được ép chạm vào bàn phím theo cách chơi đàn Tam huyền.

Lục giác huyền (六角弦, Latin hóa: liujiaoxian): đàn fiddle 2 dây có thân đàn hình lục giác, tương tự như đàn jing erhu; sử dụng chủ yếu ở Đài Loan.

Mã cốt hồ (giản thể: 马骨胡, chính thể: 馬骨胡, bính âm: mǎgǔhú, Latin hóa: maguhu): loại đàn 2 dây cung kéo thuộc họ Hồ cầm. Nhạc cụ này có thân đàn làm bằng xương đùi ngựa (hoặc bò cái hay la). Đầu trước thân đàn (hộp cộng hưởng âm thanh) bọc da rắn (hoặc da cá mập hay da ếch); đầu cần đàn chạm khắc hình đầu ngựa, do người Zhuang và Buyei ở vùng Guangxi (miền nam Trung Quốc) sử dụng.

Mã đầu cầm (馬頭琴, Latin hóa: Matouqin, Mông Cổ: morin khuur): loại đàn 2 dây có cung kéo, xuất phát từ Mông Cổ. Nó là nhạc cụ truyền thống quan trọng nhất của người Mông Cổ, được công nhận là biểu tượng quốc gia của đất nước này. Tên gốc của Mã đầu cầm là morin khuur (tiếng Mông Cổ: морин хуур), đọc đầy đủ là morin-u toloγai tai quγur. Mã đầu cầm có hộp cộng hưởng hình thang, đầu cần đàn chạm khắc hình đầu ngựa. Dây đàn làm bằng đuôi ngựa, mắc song song và chạy trên một ngựa đàn gỗ gắn trên thân đàn (hộp cộng hưởng) rồi đến hai chốt chỉnh dây trên đầu cần đàn dài. Khi diễn tấu người ta giữ đàn gần như thẳng đứng, đặt hộp cộng hưởng trên vạt áo hoặc giữa hai chân.

Ngải tiệp khắc (艾捷克, Latin hóa: aijieke): nhạc cụ cung kéo 4 dây, sử dụng ở Tân Cương, khu vực đông nam Trung Quốc, tương tự như đànkamancheh.

- Ngưu thối cầm hay Ngưu ba thối (牛腿琴 hay 牛巴腿, Latin hóa: niutuiqin hay niubatui): đàn fiddle 2 dây do người Dong ở tỉnh Quí Châu sử dụng.

Nhị hồ (二胡, bính âm: èrhú, Latin hóa: erhu), còn gọi là Nam hồ (南胡, Latin hóa: nanhu), đôi khi phương Tây gọi là đàn violin Trung Quốc hoặc đàn fiddle 2 dây Trung Quốc: Nhị hồ là nhạc cụ 2 dây, sử dụng độc tấu cũng như hoà tấu trong ban nhạc hoặc dàn nhạc lớn. Nhị hồ là nhạc cụ linh hoạt, phổ biến nhất trong họ Hồ cầm. Người ta sử dụng Nhị hồ trong nhạc truyền thống và nhạc đương đại.

Nhị huyền (二弦, bính âm: èrxián, Latin hóa: erxian): đàn fiddle 2 dây, thuộc họ Hồ cầm, sử dụng trong nhạc Triều Châu, Nam Quan Khu (Phúc Kiến) và Quảng Đông. Phần lớn cần đàn của loại Nhị huyền làm bằng gỗ cứng (thường là toan chi (酸枝) - gỗ hồng sắc hoặc tử đàn (紫檀) - gỗ hồng sắc hay đàn hương). Khoang âm thanh được làm từ một đoạn tre lớn với một vòng gỗ cứng hình vòm dán keo vào phần đầu trước. Phần sau của khoang âm thanh không bọc lưới mắt cáo như đàn Nhị hồ hay Cao hồ. Hiện nay người ta sử dụng Nhị huyền để đệm cho tiếng hát của nhân vật Đại hầu (大喉) trong nhạc kịch Quảng Đông cũng như tất cả vai trong Cổ khang việt kịch (古腔粵劇). Nhị huyền trong thời kỳ đầu có hai hình thức: loại đóng vai đàn Bang tử (梆子), chỉnh giọng La-Mi và loại lớn hơn một chút, đóng vai đàn Nhị hoàng (二黃), chỉnh giọng Sol-Rê.

Tam hồ (三胡, bính âm: sānhú, Latin hóa: sanhu): loại đàn 3 dây, trong đó có 1 dây bass truyền thống. Tam hồ là phiên bản của đàn Nhị hồ, phát triển từ năm 1970. Người Di (彝族) ở tỉnh Vân Nam sử dụng nhạc cụ truyền thống cũng có 3 dây và cung kéo giống như đàn Tam hồ, gọi là đànYizu sanhu (người ta cho rằng nhạc cụ này phát triển từ loại Hề cầm vào đầu triều đại nhà Thanh).

Tát tha nhĩ (萨它尔, Latin hóa: sataer): loại đàn lute cần dài sử dụng ở Tân Cương.

Thiết huyền tử (鐵弦仔, Latin hóa: tiexianzai): đàn fiddle 2 dây có còi khuếch đại âm thanh bằng kim loại, sử dụng ở Đài Loan. Nhạc cụ này còn gọi là Cổ xuy (xúy) huyền (鼓吹弦, Latin hóa: guchuixian).

Thổ hồ (土胡, bính âm: tǔhú, Latin hóa: tuhu): loại đàn 2 dây cung kéo thuộc họ Hồ cầm. Nhạc cụ này có hộp cộng hưởng làm bằng quả bầu nậm; hai dây đàn chỉnh giọng cách nhau môt quãng năm; âm vực thấp hơn Mã cốt hồ. Loại đàn này chủ yếu do những tộc người ở miền nam Trung Quốc sử dụng, đặc biệt là tộc người Zhuang ở vùng tự trị Guangxi sử dụng trong dàn nhạc Bát âm của họ. Thổ hồ còn được dùng ở tỉnh Vân Nam. Khi chơi người ta giữ đàn thẳng đứng.

Tranh ni (筝尼, Latin hóa: zhengni): đàn zither cung kéo, do người Zhuang ở Guangxi sử dụng.

Trung hồ (中胡, bính âm: zhōnghú, Latin hóa: zhonghu): loại đàn fiddle 2 dây, âm vực thấp hơn Nhị hồ. Trung hồ là thành viên giọng alto trong họ Hồ cầm (tương tự như đàn viola châu Âu được dùng trong dàn nhạc truyền thống Trung Quốc). Trung hồ khá giống Nhị hồ, nhưng lớn hơn một chút, 2 dây được chỉnh cách nhau một quãng năm, từ La đến Mi hoặc từ Sol đến Rê (cách chỉnh sau tương đương với 2 dây thấp nhất của violin).

Trụy cầm (phồn thể: 墜琴, giản thể: 坠琴, bính âm: Latin hóa: zhuiqin): đàn fiddle 2 dây có bàn phím.

Trụy hồ (phồn thể: 墜胡, giản thể: 坠胡, bính âm: zhùihú, Latin hóa: zhuihu) còn gọi là zhuiqin hay zhuizixian: Loại đàn 2 dây có cung kéo. Trụy hồ có cấu trúc tương tự đàn Tam huyền, có khả năng tiến hóa từ loại đàn này. Không giống những nhạc cụ trong họ Hồ cầm (thí dụ như Nhị huyền), Trụy hồ có bàn phím không ngăn phím. Khi diễn tấu dây đàn thường chạm vào bàn phím. Người ta sử dụng Trụy hồ để đệm cho thể loại hát kể. Phiên bản hiện đại hơn của nhạc cụ này gọi là Lôi cầm, phát triển ở Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ở Nhật Bản có một nhạc cụ liên quan với Trụy cầm được gọi là kohyu.

Tứ hồ (四胡, bính âm: sìhú, Latin hóa: sihu): loại đàn 4 dây cung kéo thuộc họ Hồ cầm. Nó có hộp cộng hưởng âm thanh và cần đàn làm bằng gỗ cứng; một đầu hộp cộng hưởng bịt da trăn, bò hoặc da cừu. Bốn dây đàn được chỉnh thành 2 cặp có cao độ giống nhau. Tứ hồ có một số kích cỡ: loại có giọng thấp nhất chỉnh Đô, Đô, Sol, Sol; loại có kích cỡ trung bình chỉnh giọng Sol, Sol, Rê, Rê; loại có kích cỡ nhỏ nhất chỉnh Rê, Rê, La, La. Khi chơi người ta giữ nhạc cụ này thẳng đứng, đặt hộp cộng hưởng trên vạt áo. Tứ hồ có liên quan với nền văn hóa Mông Cổ. Ngoài người Mông Cổ sử dụng, Tứ hồ còn được người Nội Mông Cổ (内蒙古) sống ở vùng tự trị tại Trung Quốc sử dụng. Tứ hồ còn được dùng như nhạc cụ truyền thống ở tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Người ta còn sử dụng Tứ hồ làm nhạc cụ đệm cho thể văn kể chuyện ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác.  Có vài loại đàn tương tự Tứ Hồ, thí dụ như đàn dörvön chikhtei khuur Mông Cổ và đàn byzaanchy của người Tuvan sống ở miền nam Siberi. Ở Trung Quốc, dörbön chikhtei khuu được xem là bí danh của đàn Tứ hồ, người Trung Quốc gọi nó là Hồ ngột nhĩ (胡兀尔) hay Đô nhật bôn tề hòa hồ nhĩ (都日奔齐和胡尔).

Xác tử huyền (壳仔弦, Latin hóa: kezaixian): đàn fiddle 2 dây có thân đàn bằng quả dừa, sử dụng trong nhạc kịch Đài Loan.

Yết tranh (phồn thể: 軋箏, giản thể: 轧筝, bính âm: yàzhēng, Latin hóa:yazheng): loại đàn zither dài, tương tự như Cổ Tranh nhưng kéo đàn bằng cách dùng một cọng lúa miến tẩm nhựa thông, một que tre hoặc một đoạn gỗ cây đầu xuân. Yết tranh phổ biến trong triều đại nhà Đường, nhưng ngày nay ít được sử dụng, ngoại trừ trong nhạc dân gian ở một số nơi thuộc miền bắc Trung Quốc, nơi mà người ta gọi nó là Yết cầm (phồn thể:軋琴, giản thể: 轧琴, Latin hóa: yaqin).

c. Chi gõ:

Dương cầm (揚琴, Latin hóa: yangqin): loại đàn dulcimer hình thang, gõ bằng búa, có nguồn gốc từ Trung Á (ngày nay là Iran). Nhạc cụ này có nhiều kiểu khác nhau, rất phổ biến không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Đông Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan. Đôi khi, người ta còn gọi nó là đàn santur và cimbalom. Theo truyền thống, loại đàn này gắn những dây đồng thiếc (dù những nhạc cụ dây xưa hơn của Trung Quốc sử dụng dây tơ, do đó, có thể người ta gắn dây tơ cho Dương cầm, vì nó được phân loại là nhạc cụ dây tơ). Kể từ năm 1950, loại đàn này còn được gắn dây hợp kim (thép pha đồng đỏ) để giúp nó có âm sắc sáng hơn và giọng lớn hơn. Loại Dương cầm hiện đại có thể có 5 nguồn ngựa đàn và có thể bố trí dây theo thang âm nửa cung. Loại Dương cầm truyền thống chỉ có 3 hoặc 4 nguồn ngựa đàn và vẫn được sử dụng rộng rải. Khi diễn tấu, người ta dùng hai dùi tre nhẹ bịt đầu cao su (còn gọi là búa) gõ vào các dây đàn để tạo giai điệu âm thanh. Nhạc sĩ chuyên nghiệp thường mang theo một số bộ dùi, mỗi bộ sẽ tạo giọng khác biệt đôi chút cho loại đàn này. Nhìn chung, Dương cầm là nhạc cụ độc tấu lẫn hòa tấu. 

Tiêu vĩ cầm (焦尾, Latin hóa: jiaoweiqin): nhạc cụ gõ.

Trúc (筑, bính âm: zhú Latin hóa: zhu): loại zither cổ xưa, gõ hoặc gảy bằng một que. Dù hiện nay không còn nữa, song vẫn còn những mẫu vật rất cổ được bảo quản. Loại đàn này có 5 dây, niên đại xấp xỉ khoảng năm 433 trước Công nguyên, được phát hiện trong lăng mộ của hầu tước Tăng Hầu Ất (曾侯乙) ở Tùy Châu, tỉnh Hồ Nam,Trung Quốc. Nhạc cụ này trở nên phổ biến trong thời Chiến quốc, khi người chơi nhạc cụ này nổi tiếng nhất là Cao Tiệm Li (高漸離), đã thu hút sự chú ý khi biểu diễn cho Tần Thủy Hoàng (秦始皇, 259-210 trước CN) thưởng thức. Loại đàn này vẫn còn phổ biến qua triều đại nhà Tùy và nhà Đường, nhưng sau đó mai một trong triều đại nhà Tống. Rất ít thông tin về nhạc cụ này, song người ta tin rằng nó là loại đàn zither có thân đàn gỗ hình chữ nhật với các dây đàn bằng tơ hoặc dây ruột thú, được chơi bằng một que mỏng. Mặc dù một số tài liệu cổ cho biết cách chơi loại đàn này là gõ (ý muốn nói rằng que nẩy lên trên dây đàn theo cách gõ đàn dulcimer để tạo ra âm thanh), nhưng có khả năng người ta gảy nó bằng que theo cách chơi đànkomungo Hàn Quốc.

(hết kỳ 1)

(Tổng hợp từ Wikipedia (tiếng Anh, tiếng Hoa) và tài liệu khác)

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 2 và 3 (82&83), tháng 3, 5 năm 2016

Thông tin truy cập

63696954
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17246
23426
63696954

Thành viên trực tuyến

Đang có 188 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website