Khi văn học và điện ảnh kết giao

Một lần nữa, mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh lại được nhắc đến trong buổi giao lưu với nhà văn người Pháp David Foenkinos, tổ chức mới đây tại TPHCM. Dù hiệu quả đến đâu cũng không thể phủ nhận văn học trước hết vẫn là chất liệu quý giá cho các bộ phim. 

Cánh đồng bất tận -  bộ phim chuyển thể từ tác phẩm  của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Cánh đồng bất tận - bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Tuy nhiên, cần có cái nhìn như thế nào về mối quan hệ này, nhất là để không làm tác giả và bạn đọc phiền lòng về tác phẩm gốc lẫn tác phẩm phái sinh? 

“Mỏ vàng” của điện ảnh 

David Foenkinos, một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp hiện nay, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây được chú ý như Sự đảo ngược của chứng ngu, Chỉ tại vợ tôi gợi tình, Mối tình Paris, Những lần ta chia tay và gần đây là Charlotte. Bên cạnh sự nghiệp văn chương lừng lẫy, David Foenkinos còn tạo được dấu ấn trong vai trò đạo diễn và biên kịch. Đặc biệt, tiểu thuyết Mối tình Paris đã được chính Foenkinos chuyển thể thành phim và cùng lúc được đề cử 2 giải César dành cho phim đầu tay và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Ngoài ra, tiểu thuyết Hoài niệm của anh cũng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do Jean-Paul Rouve đạo diễn. 

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là người có tác phẩm được chuyển thể thành phim nhiều nhất với hàng loạt cái tên đã và đang sắp sửa được bấm máy như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Ngồi khóc trên cây, Nữ sinh… Sau Nguyễn Nhật Ánh, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng là mảnh đất tiềm năng cho điện ảnh. Rất nhiều tác phẩm của chị đã được chuyển thể thành phim như Cánh đồng bất tận, Đời như ý, Nước như nước mắt…, truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc cũng vừa được chuyển thể thành phim Gạo chợ nước sông do Huỳnh Tuấn Anh làm đạo diễn, đang trong quá trình tiền kỳ. Chưa kể, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư còn được nhiều sân khấu lựa chọn chuyển thể thành kịch. 

Ngoài những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư, còn phải kể đến Hương ga được chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú, Quyên từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ, Đảo của dân ngụ cư từ truyện ngắn cùng tên của Đỗ Phước Tiến, Đời cát từ Ba người trên sân ga của Hữu Phương… Xa hơn nữa là những tác phẩm của các nhà văn lão làng như Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu…

Trên thực tế, nhiều bộ phim được chuyển thể từ văn học đã trở thành những bộ phim được khán giả yêu thích, “đốt cháy” phòng vé, hay đạt được thành tích cao tại các liên hoan phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Đảo của dân ngụ cư, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận... Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng may mắn như vậy và khi đó, phim phải chịu sự so sánh với tác phẩm văn học. Trong một số trường hợp, nhà văn và độc giả còn tỏ thái độ “bằng mặt mà không bằng lòng”, thậm chí là bất bình với chính bộ phim chuyển thể!

Ứng xử với phim chuyển thể

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh, David Foenkinos cho biết: “Tôi có cảm giác đó là 2 lĩnh vực nghệ thuật, điểm chung là đều kể một câu chuyện. Khi làm phim, tôi không cố gắng nói hết nội dung được chuyển tải trong sách, vì tôi không nghĩ là điện ảnh có thể chuyển tải được hết. Thậm chí có lúc, trong quá trình chuyển thể, tôi còn phải sáng tạo, thay đổi nhân vật mà ban đầu không có”. 

Trong buổi ra mắt tác phẩm Cảm ơn người lớn mới đây, có một độc giả tỏ ra lo lắng khi bộ phim Mắt biếc được chuyển thể thành phim sẽ không còn hay như truyện. Độc giả này còn mong muốn nhà văn can thiệp để bộ phim không làm “hỏng” tác phẩm gốc. Đáp lại, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, khi các đạo diễn mời ông làm cố vấn tuyển diễn viên, ông thường từ chối. Bởi vì việc sản xuất một bộ phim hoàn toàn khác với việc viết một cuốn sách. “Chất lượng một bộ phim phụ thuộc vào rất nhiều người như đạo diễn, biên kịch, quay phim, người dựng phim… Nếu muốn đồng hành cùng bộ phim, tôi phải tham gia từ đọc kịch bản, chọn diễn viên, ra hiện trường, góp ý cho các cảnh quay, dựng phim... Nhưng nếu can thiệp quá nhiều như vậy, tôi không còn là nhà văn nữa mà là phó đạo diễn mất rồi. Bởi vậy, khi có ai đó ngỏ lời, tôi thường từ chối ngay từ đầu”, nhà văn nói.

Cũng trong một chương trình giao lưu cùng chủ đề, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, điện ảnh và văn học là 2 ngôn ngữ nghệ thuật, phương tiện khác nhau để tiến tới 1 chỉnh thể nghệ thuật. Văn chương phương tiện là ngôn từ, còn điện ảnh chủ yếu là hình ảnh. “Không có văn chương nào phi ngôn từ và chúng ta biết rằng, điện ảnh chưa chắc cần tới ngôn từ. Có những tác phẩm phim câm đến bây giờ vẫn là kiệt tác. Ngôn từ là phụ, chứ không phải là chính của điện ảnh. Như vậy, một bên phương tiện là ngôn từ, một bên là hình ảnh, 2 phương tiện rất khác nhau. Điều đó cho ra những sản phẩm hoàn toàn khác nhau. So sánh rằng phim này hay hơn tác phẩm hoặc dở hơn là khiên cưỡng”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói. 

Tiến sĩ Đào Lê Na đồng tình: “Khi dùng từ cải biên thì mang ý nghĩa thay đổi. Nếu thay đổi, tại sao mình phải đi so sánh nó giống hay khác theo các tác phẩm. Lúc nào, khán giả cũng có 2 xu hướng: bộ phim này hay hoặc dở hơn tác phẩm văn chương. Cơ bản chúng ta quên mất đó là 2 thể loại khác nhau. Văn chương có ngôn ngữ của văn chương và điện ảnh có ngôn ngữ của điện ảnh”. 

Bản thân các tác phẩm văn học đã mang một sức hấp dẫn riêng, việc tìm đến những tác phẩm này để chuyển thể thành phim là một sự kết hợp “đôi bên cùng có lợi”: điện ảnh có một chất liệu quý giá để làm phim, còn văn chương có thêm một đời sống để tiếp cận độc giả. Hay nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đây sẽ là cơ hội để “độc giả được thưởng thức một  món ăn tới những 2 lần”. Vậy nên, cần hơn cả là cái nhìn rạch ròi, xem văn học và điện ảnh là 2 thể loại tách biệt, có đời sống riêng. Lúc đó, việc thưởng thức các tác phẩm này trở nên dễ dàng và khách quan hơn.

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 21.11.2018.

Thông tin truy cập

63670262
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13980
17595
63670262

Thành viên trực tuyến

Đang có 720 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website