Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh: Diễn giải ‘Truyện Kiều’ bằng ngôn ngữ ba lê

Sau 5 tháng tạm dừng các kế hoạch tập luyện và biểu diễn, hiện nay các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM đã hào hứng trở lại sàn tập với vở múa Ballet Kiều và chờ gặp khán giả vào ngày 20.6. Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh, tác giả kịch bản và tổng đạo diễn, chia sẻ những ấp ủ về tác phẩm tâm huyết của mình và những cộng sự.

Hình ảnh trong các buổi tập "Ballet Kiều". Ảnh: Phúc Hải

Truyện Kiều được xem là một mẫu mực về vẻ đẹp của ngôn ngữ. Với Ballet Kiều, vẻ đẹp ấy sẽ được ballet (ba lê) hiện lên như thế nào, thưa chị?

Với tôi, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vừa gần gũi, dung dị lại vừa đồ sộ về giá trị nhân văn, đến nỗi tôi cần phải chia sẻ với mọi người bằng thứ ngôn ngữ mà tôi giỏi nhất - đó là múa ballet.

Khi triển khai dàn dựng Ballet Kiều, tôi đã nghĩ phải chắt lọc những gì mà đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất và những gì không phải là thế mạnh của nghệ thuật múa. Nhiều chuyên gia e dè với Truyện Kiều vì kiệt tác này đồ sộ về thi ca, về ngôn từ, còn tôi thì tin nghệ thuật múa sẽ không làm khán giả thất vọng khi vẽ lên không gian đượm chất thơ, trữ tình và vẽ lên hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên... thật điển hình mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du, với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục để mỗi người xem mà suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.

Biên đạo múa Tuyết Minh. Ảnh: Diễm Mi

Tôi nghĩ có sáu điều làm nên sự thu hút của  Ballet Kiều. Thứ nhất là lối đặt vấn đề bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật lologame, khi mà cảnh múa ballet dưới nước được tôi đạo diễn khá kỳ công và sự quyết tâm thể hiện của nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền. Chúng tôi đã phải ghi hình thành hai concept và đầm mình dưới nước 7 tiếng đến 8 tiếng đúng vào lúc Hà Nội đang tiết trời mùa Đông, và phải nhịn thở rất lâu để lặn xuống thì mới có thể múa và ghi hình, nhưng hiệu quả nghệ thuật tương tác và chở ý đồ của vở diễn thì rất hiệu quả.

Thứ hai là sự kết hợp của kết cấu ngôn ngữ múa, tôi khá tự tin vào cách tìm kiếm, sáng tạo của tôi và biên đạo múa Phúc Hùng khi tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của Tuồng, Chèo, và vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở Kiều.

Thứ ba là âm nhạc được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống Tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống... Phần nhạc viết cho những đại cảnh, trữ tình được giao cho nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng. Còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống rất phá cách. Sự tương phản trong âm nhạc giúp cho chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi biên đạo và diễn viên có đất để thể hiện nghệ thuật biểu diễn, tạo phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn.

20200622 2

Hình ảnh trong các buổi tập "Ballet Kiều". Ảnh: Phúc Hải

Thứ tư, trang trí sân khấu và thiết kế ánh sáng chúng tôi chú ý đến tạo hình mỹ thuật và đánh khối bằng ánh sáng tạo không gian cho cảnh diễn, nhưng tất cả phải chở ý đồ của vở diễn chứ không chỉ trang trí cho đẹp. Phần này được giao cho họa sĩ Anh Dũng và nghệ sĩ Phúc Hải.

Thứ năm, về thiết kế phục trang nhà thiết kế Khánh Diệp đã tạo ra những bộ trang phục biến tấu từ áo tứ thân, áo the của người Việt nhưng phải tôn lên được đường nét cơ thể cho vũ công ballet, đặc biệt là đôi chân của các nữ vũ công khi lên giày mũi cứng, đối với nam vũ công là sự bay bổng, chất liệu nhẹ nhàng khi bay, nhảy, thực hiện các kỹ thuật khó như tua trên không, hay những kỹ thuật bê đỡ.

Thứ sáu và cũng là thế mạnh tiên quyết để tôi rất rất yên tâm khi dựng Ballet Kiều là tôi có một dàn diễn viên hùng hậu và đang ở phong độ cao về kỹ thuật, kỹ xảo và dạn dày kinh nghiệm sân khấu tại Đoàn múa của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Vở Ballet Kiều có nhiều tuyến nhân vật chính diện và phản diện, mà nhân vật nào cũng cần phải rất xuất sắc thì mới làm nên được Kiều “Made in Việt Nam”.

Chọn lát cắt ba lần Kiều gặp Đạm Tiên và bốn lần Kiều đánh đàn để dàn dựng, chị muốn gửi gắm gì đến công chúng?

Chủ đề của Ballet Kiều là thể hiện giá trị của “Đạo làm Người”, bởi tư tưởng của đại thi hào Nguyễn Du không máy móc ở Nho, Lão hay Phật giáo mà đi đến cốt tủy nhất của “Đạo” và “Đời”.

15 lưu lạc của Kiều chính là hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc “Trăm năm trong cõi người ta”. Ba lần Kiều gặp Đạm Tiên không ai khác chính là gặp cái tôi “bản ngã” của chính mình. Trải qua 15 năm biến cố, thăng trầm chẳng qua chỉ là cái hẹn của chính mình tại sông Tiền Đường để nhận ra linh hồn ca nhi Đạm Tiên như cầu nối trung gian giữa “Mệnh trời” với “Trần thế”, “Cõi tâm linh” giao cảm với “Trần gian”. Qua đó, người đời nhận ra thói đời hờ hững, dễ quên, bạc bẽo, nhận ra được thiện ác ở đời, nhận ra được luật nhân quả chứ không phải là thuyết “Thiên mệnh” để những người tài hoa như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải không bị trôi lăn trong cái vòng Tài – Mệnh; không bị chi phối trong xã hội mua quan bán tước để rồi “Chữ tài liền đi với chữ tai một vần” mà hướng đến “Chữ Tâm” trong đạo làm con bán mình cứu Cha của Kiều, đạo vợ chồng giữ trinh tiết với Kim Trọng, đạo làm tôi mà trung với Vua khuyên Từ Hải ra hàng.

Toàn bộ vở diễn với 3 hồi, 15 cảnh thông qua các sự biến để thể hiện “Chân tâm”, “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Hình ảnh trong các buổi tập "Ballet Kiều". Ảnh: Phúc Hải

Ballet là một loại hình nghệ thuật phương Tây, trong khi Truyện Kiều lại đậm đặc tinh thần Á Đông, một điển hình là hình ảnh Kiều đánh đàn. Chọn bốn lần Kiều đánh đàn có phải là một thách thức chị dành cho mình?

Khi chọn ballet để dàn dựng, trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu, có nghĩa là tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn ballet.

Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa Phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt. Vì vậy, mỗi cử chi, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh – khí - thần của các lớp diễn.

Hình ảnh trong các buổi tập "Ballet Kiều". Ảnh: Phúc Hải

Đối với nghệ thuật biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm trong dàn dựng các vở diễn lớn sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí, tức là không bật ra được tính cách nhân vật và không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn. Thách thức lớn nhất của cả biên đạo và diễn viên là phải hòa hợp ballet (văn hóa phương Tây) với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa Phương Đông đậm bản sắc Việt.

Tôi không định mô phỏng Thúy Kiều đánh đàn thật mà ở trường đoạn sông Tiền Đường khi giữa sát na của cái chết và sự sống Kiều gặp linh hồn ca nương Đạm Tiên thì chính Đạm Tiên sẽ dùng tiếng đàn để thức tỉnh Thúy Kiều, dùng cái đẹp của nghệ thuật phá màn đêm u minh để Kiều nhận ra bản ngã của mình, vươn đến cái đẹp của tâm. Hay trong các trường đoạn Kiều gặp Kim Trọng, Ghen Hoạn Thư, Bạch My Thần và Duyên cưới Rồng… thì mọi sự biến, tính cách và mối quan hệ giữa các nhân vật đều xoay quanh tiếng đàn hay ý đàn mà cụ Nguyễn Du đã dùng ngòi bút của mình để rút ra những câu thơ trác tuyệt.

Truyện Kiều là một tác phẩm đáng tự hào của dân tộc ta, tiếc là công chúng trẻ vẫn còn thờ ơ với nó. Khi thực hiện Ballet Kiều, chị có nghĩ đến đối tượng khán giả này không?

Tôi nghĩ khán giả vẫn luôn ở đó, không xa rời hay đi đâu cả, điều quan trọng là định hướng của những người làm văn hóa. Một đất nước có nền tảng truyền thống với các loại hình nghệ thuật và chiều sâu văn hóa như Việt Nam thì không có lẽ gì ta cứ bỏ công sức, tiền của để mô phỏng lại những tác phẩm của thế giới.

Chúng ta cần học tập, tiếp thu tinh hoa thế giới nhưng phải quay lại sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật mới trên nền tảng truyền thống dân tộc. Tuy nhiều khó khăn nhưng nếu mình không quyết tâm đi thì 10 năm, 20 năm trôi qua rất nhanh nhìn lại ta chẳng có gì để lại.

Hình ảnh trong các buổi tập "Ballet Kiều". Ảnh: Phúc Hải

Dàn dựng một vở múa chỉ để diễn một, hai suất sẽ rất lãng phí. Chị có kế hoạch gì để tác phẩm được diễn lâu dài không?

Đã có một số lời mời cộng tác đưa Ballet Kiều vào show diễn du lịch, nhưng tôi và e-kip đang trong quá trình tập trung vào nghệ thuật và thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của năm 2020 là chào mừng Đại hội Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, và quảng bá Ballet Kiều ra Bắc. Với tác phẩm này, tôi muốn giới thiệu với cả nước những gương mặt ballet trẻ xuất sắc ngành múa phía Nam nói riêng và một đội ngũ hùng hậu các nghệ sĩ ballet trẻ đang có nhiều thành tích hoạt động nghệ thuật nổi bật mà ít có điều kiện được thỏa sức trên sân khấu chuyên nghiệp.

Sau khi có tương tác của khán giả, chúng tôi sẽ cùng rút kinh nghiệm và tiếp tục gọt giũa để tác phẩm được tốt hơn. Tôi là người đã chọn đi trên con đường xã hội hóa nghệ thuật từ năm 2003 nên tôi tin nếu chúng tôi làm tốt, vở diễn mang lại giá trị kiến thiết tâm hồn cho khán giả thì tự thân vở diễn sẽ thu hút được sự đầu tư nghiêm túc của các đối tác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giải trí, nghệ thuật.

Ballet Kiều là dự án múa nghệ thuật do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam kết hợp với Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM tổ chức thực hiện.

Đây là vở diễn chào mừng Đại hội Hội nghệ sĩ múa Việt Nam khóa VI vào tháng 7.2020 và kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm do nghệ sĩ Tuyết Minh đảm nhiệm vị trí tổng đạo diễn, kịch bản múa và biên đạo, nghệ sĩ Phúc Hùng là đồng biên đạo, âm nhạc do nhạc sĩ Việt Anh và Chinh Ba đảm nhiệm.

Các diễn viên tham gia vở diện, gồm: Hoàng Yến, Khang Ninh, Minh Tú, Kim Tuyền, Kim Dung, Phi Điệp, Đức Nhuận, Sùng A Lùng, Minh Hiền… Ballet Kiều sẽ diễn tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 20.6 và tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 8 tới.

Lâm Hạnh thực hiện

Nguồn: Người đô thị, ngày 11.6.2020.

Thông tin truy cập

63694476
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14768
23426
63694476

Thành viên trực tuyến

Đang có 600 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website