Từ kịch nói Sài Gòn đến kịch nói TP.HCM

20170823. Kich KimCuong

Kịch nói là loại hình nghệ thuật của phương Tây, du nhập vào nước ta từ cuối TK XIX. Nơi đầu tiên kịch nói đặt chân tới là Sài Gòn - mảnh đất được biết đến với sự năng động, cởi mở, thuộc khu vực Nam Bộ. Trải qua quá trình thích ứng với văn hóa, thăng trầm xã hội của Sài Gòn, kịch nói đến nay đã mang một phong vị riêng, để lại dấu ấn đặc sắc trên vùng đất này.

1. Sài Gòn - Nam Bộ điểm đến của kịch nói phương Tây

Theo Hoàng Như Mai: “Cái loại hình kịch nói (thoại kịch) được giới thiệu với người Sài Gòn từ những gánh hát Tây, khi nhà hát Đô Thành được xây dựng thì hàng năm bọn Pháp lại đón các đoàn kịch sang diễn. Các công chức và thân hảo của thành phố được mời đi xem”. Như vậy, vào năm 1863 đã có các gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn để giải sầu cho khách viễn chinh, ban đầu họ hát tại nhà của Thủy Sư Đề đốc tại nơi gọi là Công trường Đồng hồ (góc Tự Do và Nguyễn Du ngày nay), lúc ấy nhà thờ lớn chưa có. Như vậy, những đoàn kịch của Pháp đã có mặt tại Sài Gòn sớm hơn cả Hà Nội, Hải Phòng.

Cũng cần phải nói thêm rằng, năm 1907 tạp chí Sân khấu đã được ấn hành, giới thiệu, phê bình các vở diễn tại nhà hát Đô Thành, như vậy, tờ báo chuyên về nghệ thuật sân khấu đã ra đời đầu tiên tại vùng đất Sài Gòn. Năm 1918, Lê Quang Liêm (Đốc Phủ Bảy) cộng tác với ký giả Đặng Thúc Liêng cho công diễn vở kịch Hoàng tử Cảnh du Tây hay còn gọi là Gia Long tẩu quốc, một vở được viết theo lối văn biền ngẫu, được diễn theo cách nói lối, phong cách giống kịch cổ điển Pháp, hoàn toàn không có ca nhạc. Năm 1933-1934, Lê Văn Đức (Jacques Lê Văn Đức) thành lập đoàn kịch nói có tên là Đức Hoàng Hội, nhưng tồn tại không lâu. Báo Phụ nữ tân văn ghi nhận “chẳng bao lâu người ta không nghe thấy tiếng Đức Hoàng Hội nữa. Kịch vừa sinh ra đó rồi mất liền đó. Thì ra người Nam mình ít ưa cái cách nói chuyện”. Tuy nhiên: “Nói là người Nam mình không ưa thì cũng chưa đúng lắm. Phải nói rằng: Nhu cầu xem hát của công chúng Sài Gòn đã được thỏa mãn bởi sân khấu cải lương, một loại hình ca kịch dân tộc hiện đại, sinh ra do nhu cầu cải cách của khán giả” (1).

2. Những dấu ấn của kịch nói Sài Gòn - TP.HCM

Thăng trầm các ban thoại kịch

Trước đây, diễn kịch nói ở Sài Gòn chỉ là hình thức diễn tài tử, diễn chơi với mục đích từ thiện, diễn xong thì nhà ai nấy về. Ban kịch Dân Nam ra đời, hoạt động như một đoàn kịch chuyên nghiệp, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Anh Lân, Vân Hùng, Hoàng Mai, Xuân Phát, Anh Sơn, Kim Cương, Túy Hoa, Túy Phượng, Tuyết Vân, Túy Hồng, Thu Cúc, Tường Vi... Đến năm 1959, số ban kịch nói tham gia với đài truyền hình đã lên đến 30 như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Vũ Đức Duy, Gió Nam, Sống, Trường Thủy, Bạch Tường, Đen Trắng... Lúc này kịch nói đã có nhiều nghệ sĩ lừng danh như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng và những giáo sư, đạo diễn về kịch nghệ cũng lên sân khấu như: Mỹ Tín, Vũ Đức Duy, nhiều nghệ sĩ được khán giả ái mộ như: Túy Hoa, Kiều Hạnh, Bích Sơn, Mỹ Chi, Tú Trinh, Anh Lân, Vân Hùng, Huỳnh Thanh Trà, Ngọc Đức, Khả Năng, Xuân Phát, Hoàng Mai…

Giai đoạn 1954 - 1970, do thị hiếu của khán giả thay đổi nên hình thức Đại nhạc hội ăn nên làm ra. Nhiều ban kịch đã tổ chức diễn kịch ngắn xen trong các chương trình đại nhạc hội để có đất sống chứ không dàn dựng các vở diễn có thời lượng dài nữa. Lúc này tại Sài Gòn đã có hiện tượng chạy tăng đe (chạy show) tức trong một đêm có ban kịch diễn ở Sài Gòn rồi chạy vào Chợ Lớn hoặc xa hơn là từ Sài Gòn chạy đi Mỹ Tho, Biên Hòa, Long Xuyên… Nhưng so với những năm trước thì năm 1961 gặp nhiều khó khăn về chính sách quản lý của chính quyền, tình hình chiến sự, thiếu soạn giả, biểu diễn, rạp hát. Năm 1962, “Sài Gòn lúc này với 2 triệu dân nhưng có 5 rạp hát đầy đủ tiện nghi, còn các rạp còn lại chưa đáp ứng được nên các đoàn hát phải đi lưu diễn các nơi khác”(2)… Điều này đã đánh dấu sự xuống cấp của thoại kịch. Bên cạnh đó, hiến pháp của chính quyền Sài Gòn đồng ý cho mọi người có quyền tham gia và hưởng thụ các hoạt động văn hóa văn nghệ nhưng lại bắt những người đứng đơn xin diễn thoại kịch phải đóng thuế. Đồng thời, nhiều bài viết của các tác giả, nhà soạn kịch, ký giả, các nhà hoạt động chuyên môn… phân tích về kỹ thuật biểu diễn của diễn viên khá chi tiết, họ được xem là những người cung cấp lý luận đầu tiên về kịch nói. Tác giả Mỹ Tín đã nhận định: “Sự thành công của kịch sĩ trên sân khấu do kỹ thuật diễn xuất quyết định, nếu lý trí không nắm vai trò chủ động thì kịch sĩ tránh sao khỏi những trường hợp diễn ra ngoài công thức, quy tắc, lề luật” (3). Trong giai đoạn này, một hội đồng giám khảo cuộc thi về thoại kịch cũng đã được thành lập (5 - 8 - 1960) với chủ tịch hội đồng Vi Huyền Đắc cùng các ủy viên Vũ Khắc Khoan, Vũ Đức Duy… Những năm 1970 - 1975, do trào lưu các phim Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan tràn vào miền Nam nên phần lớn các rạp đều được tận dụng để chiếu phim, thu lợi nhuận dẫn đến các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm diễn. Hơn nữa, do tình hình chiến sự và sự sụp đổ từ từ của chính quyền Sài Gòn nên sự phát triển của kịch nói cũng không nhận được sự quan tâm của công chúng lẫn chính quyền.

Dấu ấn của kịch Kim Cương

Kịch là loại hình nghệ thuật ra đời tương đối muộn, tuy nhiên, để có diện mạo như ngày nay, kịch Nam Bộ đã trải qua một số dấu mốc quan trọng. Thứ nhất là sự chuyển đổi của các nghệ sĩ biểu diễn cải lương sang lĩnh vực kịch nói. Tiêu biểu cho hướng đi này là nghệ sĩ Kim Cương và các ban kịch, đoàn kịch của một số nghệ sĩ khác, họ là những người đã có mặt và làm nghề tại Sài Gòn trước năm 1975, sáng tạo nên những vở diễn phù hợp với từng giai đoạn. Nghệ sĩ Kim Cương xuất thân là diễn viên cải lương, bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, cộng với sự am hiểu về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã cho ra đời thể loại kịch gắn liền với tên tuổi của bà, đó là kịch Kim Cương. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cải lương, lại ảnh hưởng từ Tây học, Kim Cương lên sân khấu lúc 6 tuổi, phụ trách Đoàn Cải lương Năm Phỉ - Kim Cương từ năm    1954 - 1957, sau đó đoàn tự ý giải thể, chuyển sang diễn kịch nói, đóng phim, đến cuối năm 1959 thành lập ban kịch Kim Cương. Nền tảng văn hóa Nam Bộ đã góp phần tạo nên một thương hiệu kịch Kim Cương không thể nhầm lẫn được. Với những vở diễn về thân phận người phụ nữ, về mẹ như: Tôi là mẹ, Trà hoa nữ, Nước mắt con tôi, Sắc hoa màu nhớ, Vùng bóng tối, Cuối đường hạnh phúc, Người nuôi hy vọng, Khát sống, Huyền thoại mẹ… đặc biệt hai vở Lá sầu riêng (Duyên kiếp lỡ làng), Dưới hai màu áo (Ai là vợ) đã mê hoặc khán giả xem kịch kể cả trước năm 1975 và sau này. Có thể nói, kịch Kim Cương đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc làm giàu nền kịch nghệ Việt Nam.

Kịch nói ngày hội tụ

Ngày 22 - 5 - 1975, tàu Đồng Nai cập bến cảng Sài Gòn mang theo các nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói Nam Bộ từ miền Bắc về và sân khấu kịch nói đã có thêm một đơn vị chuyên nghiệp nữa cùng tồn tại, thúc đẩy kịch nói thành phố phát triển. Từ lúc có mặt ở Sài Gòn, Đoàn Kịch nói Nam Bộ đã biểu diễn những vở đã diễn ở miền Bắc như:Chuông đồng hồ điện Kremli, Hòn đảo Thần Vệ nữ, Người ven đô... sau đó Đoàn kết hợp với các nghệ sĩ từ trong chiến khu ra. Ngày 3-9-1976, Đoàn được đổi tên thành Đoàn Kịch Cửu Long giang, đến ngày   31-5-1977, Bộ Văn hóa đã quyết định chuyển giao Đoàn Kịch Cửu Long giang về cho  UBND TP.HCM quản lý, năm 1988 chuyển thành Đoàn Kịch nói Thành phố, đến năm 1997 đổi tên lần nữa thành Nhà hát Kịch Thành phố. Sau ngày đất nước thống nhất các nhóm kịch từ trong chiến khu trở về, góp phần không nhỏ làm phong phú nền kịch nghệ thành phố lúc bấy giờ. Ngày 21-8-1997, Nghị quyết 90-CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển các hoạt động y tế, giáo dục, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật. Từ cơ sở này mà hàng loạt các sân khấu xã hội hóa ra đời, vai trò của sân khấu công lập cũng được đánh giá đúng mức, tạo nên bức tranh đa sắc màu của kịch nói tại nơi đây. Nhiều đoàn nghệ thuật hoạt động trên lĩnh vực kịch nói chuyên nghiệp, các nhóm kịch, các tụ điểm diễn kịch cũng ra đời trong giai đoạn này có thể kể như: Đoàn Nghệ thuật Sân khấu trẻ (Đoàn Kịch trẻ), Sân khấu Hài 135 Hai Bà Trưng, Sân khấu Kịch Sài Gòn, Sân khấu Kịch Idicaf… đặc biệt là sự ra đời của CLB Sân khấu thể nghiệm 5B sau này là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ với hướng đi riêng về sân khấu thể nghiệm. Ngoài những thành công mang tính đột phá của loại hình sân khấu nhỏ, bắt đầu với vở diễn Dạ cổ hoài lang thì giai đoạn này là giai đoạn thành công của những vở diễn lớn mang tính chất hoành tráng. Nhà hát Hòa Bình đã đứng ra hạch toán với các nghệ sĩ theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện những vở diễn lớn như Tình nghệ sĩ (1992), Anh sui chị sui (1995)… Giai đoạn cực thịnh này của sân khấu TP.HCM đã tạo nên những tên tuổi mới, được công chúng ái mộ như đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Công Ninh, Minh Hải, Trần Văn Hưng, Hoa Hạ, Trọng Nam, Nguyễn Thị Minh Ngọc… bên cạnh các đạo diễn gạo cội như: Đoàn Bá, Trần Minh Ngọc, Huỳnh Nga, Ca Lê Hồng, Bạch Lan, Lê Văn Tỉnh, Thanh Hạp, Thu An, Minh Quân… Bên cạnh đó không thể không kể đến lực lượng diễn viên mới như: Thành Lộc, Minh Hoàng, Thanh Hoàng, Việt Anh, Hữu Châu, Hồng Vân, Quốc Thảo, Thanh Thủy, Phương Linh…

Gần đây, khi cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều người không có đủ thời gian để bước vào rạp hát ngồi xem hết một vở kịch dài thì đất Sài Gòn - TP.HCM xuất hiện loại hình kịch cà phê giúp họ vừa giải trí vừa thư giãn theo gu của mình. Bên cạnh đó, khi phong trào phim kinh dị, phim ma của phương Tây hút khán giả thì những người làm kịch nói ở Nam Bộ đã nhanh chóng cho ra lò loại kịch ma, kịch có yếu tố kinh dị, gây nên hiện tượng sốt vé. Sau đó một thời gian, khán giả bắt đầu bội thực với cách làm ăn xổi ở thì, kịch nói TP.HCM hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng mới khi các rạp thiếu vắng khán giả, chất lượng vở diễn không cao.

So với một số loại hình nghệ thuật khác, kịch nói xuất hiện ở nước ta khá muộn, nhanh chóng hình thành màu sắc riêng, mang phong thái riêng, trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, phản ánh kịp thời những vấn đề của cuộc sống xã hội. Ngày nay, kịch nói đã trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc đối với một bộ phận người dân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Để có được bộ mặt kịch nói TP.HCM như ngày nay là cả một quá trình vận động, phát triển, phấn đấu của biết bao thế hệ nghệ sĩ. Hy vọng rằng, trong giai đoạn khó khăn này, kịch nói TP.HCM cũng như kịch nói Nam Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục mang đến những dấu ấn mới, xứng đáng là nơi đi trước về trước của kịch nói Việt Nam.

_______________

1. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, Địa chí văn hóa TP.HCM, tập III, Nxb TP.HCM, 1998.

2. Trịnh Văn, Nền ca kịch cải lương đã đi đến đâu, Tạp chí Văn đàn, số 22, 1961, tr.12.

3. Mỹ Tín, Nhân nghe nhà soạn kịch Vy Huyền Đắc diễn thuyết, Tạp chí Văn đàn, số 11,1961, tr.5.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : HUỲNH CÔNG DUẨN

Thông tin truy cập

63688568
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8860
23426
63688568

Thành viên trực tuyến

Đang có 904 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website