Cải lương qua 1 thế kỷ: Buổi đầu 'cải cách hát ca theo tiến bộ'

20180404 cai luongNghệ sĩ Kim Cương (trái) và Phùng Há trong vở 'Mộng hoa vương'
ẢNH: GIA ĐÌNH NGHỆ SĨ KIM CƯƠNG CUNG CẤP
Cải lương được ghi nhận khởi đầu vào năm 1918, như vậy tính đến nay đã tròn 100 năm.
Một thế kỷ phát triển rực rỡ và thăng trầm xen lẫn, để rồi cải lương đã trở thành một di sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân tộc.
 
Đâu là vở cải lương đầu tiên ?
Gần đây có vài tư liệu dẫn theo hồi ký 50 năm mê hát của học giả Vương Hồng Sển, cho rằng vở cải lương đầu tiên là vở Gia Long tẩu quốc diễn tại “nhà hát Tây” Sài Gòn vào ngày 16.11.1918, tuy nhiên không có thêm nhiều chi tiết về vở diễn này.
Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng vở cải lương đầu tiên là vở Kim Vân Kiều do gánh hát thầy Năm Tú trình diễn tại Mỹ Tho vào năm 1918. Đạo diễn Hồng Dung, con gái của NSND Năm Châu, Phó chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP.HCM, giảng viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, cũng khẳng định: “Riêng tôi biết thì Kim Vân Kiều của ông Trương Duy Toản mới là vở cải lương đầu tiên. Lúc đó đang thịnh hành ca ra bộ, ông Trương Duy Toản viết nhiều lớp riêng lẻ cho nghệ sĩ ca, rồi sau ông ghép các lớp lại với nhau, bố cục lại chặt chẽ, thành ra một tuồng”. Thầy Năm Tú vốn dân du học ở Pháp nên thích lối diễn kịch của Pháp, vì vậy thầy ủng hộ ông Trương Duy Toản, thậm chí còn đứng ra dàn dựng bố cục. Và Mỹ Tho mới là cái nôi hình thành nên đờn ca tài tử, ca ra bộ, lẫn cải lương.
Dù chưa có sự thống nhất đâu là vở đầu tiên, song có thể thấy thời điểm cả 2 vở diễn xuất hiện đều là năm 1918. Như thế cả 2 vở đều đã tròn 100 tuổi.
Đến năm 1920, cách gọi những vở diễn canh tân hát bội và ca ra bộ là “cải lương” đã xuất hiện, với câu đối được lưu truyền đến ngày nay: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
 
Những nghệ sĩ và gánh hát lừng danh
Trong giai đoạn mở đầu của cải lương, nổi lên một tên tuổi lớn, tài hoa. Đó là NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu). Ông vừa là kép hát đẹp trai, vừa là soạn giả, đạo diễn, kiêm luôn bầu gánh và thầy dạy cho thế hệ nghệ sĩ thập niên 1950, 1960, 1970. Nói 5 trong 1 cũng không ngoa.
Năm Châu là người Mỹ Tho, tham gia gánh hát thầy Năm Tú từ năm 1922, đến 1925 ông sang gánh Tái Đồng Ban, 1929 sang gánh Huỳnh Kỳ của Bạch công tử Lê Công Phước, 1936 về gánh Trần Đắc và 1948 thành lập gánh Việt kịch Năm Châu của riêng mình. Trong mấy chục năm đó, ông đã sánh vai với NSND Phùng Há, cô đào tài sắc tuyệt vời, làm nên những trang rất đẹp cho cải lương.
Gánh Trần Đắc là nơi Năm Châu đã thăng hoa nhiều nhất với hàng loạt vở cải lương phóng tác từ tiểu thuyết Pháp như Giá trị và danh dự (từ Le Cid của Corneille), Bằng hữu binh nhung(Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas), Túy Hoa Vương Nữ (Marie Tudor của Victor Hugo)... khác hẳn với các tuồng từ truyện Nôm VN hoặc từ tích truyện Tàu mà đa số gánh lúc bấy giờ hay diễn. Loạt tuồng này làm nền cho xu hướng “cải lương xã hội” sau này phát triển mạnh mẽ, và làm nền cho gánh Việt kịch Năm Châu của ông ra đời với phương châm “Thật và Đẹp”. Cải lương của Năm Châu rất hiện đại, tiết tấu nhanh, ít bài ca lê thê, bố cục chặt chẽ. Ông để lại 50 vở dài và vô số vở ngắn, mà Men rượu hương tình, Sân khấu về khuya là hai tác phẩm hay nhất. Ông còn kêu thầy giáo về dạy chữ cho nghệ sĩ trong gánh.
Gánh Trần Đắc và gánh Năm Phỉ còn có một tài năng khác là soạn giả Trần Hữu Trang. Ông để lại những tuyệt tác như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu. Cây viết của ông xoáy vào những hiện thực xã hội cay đắng, đến bây giờ vẫn còn ăn khách.
Cũng không thể không nhắc tới gánh Phước Cương. Ông Nguyễn Ngọc Cương (cha của NSND Kim Cương) du học ở Pháp và mê kịch Pháp. Bên đó, ông quen với Bạch công tử Lê Công Phước, con của đại điền chủ miền Tây, cũng mê kịch như ông. Thế là khi về nước hai người hùn nhau lập gánh cải lương Phước Cương vào năm 1926. NSND Kim Cương nhớ lại: “Hồi đó lúc đầu ba tôi kêu mấy ông thợ hớt tóc ráp vô đờn ca chơi mỗi ngày, rồi soạn lời, soạn động tác cho cô Năm Phỉ, cô Năm Xoàn… ra bộ. Thợ hớt tóc nhưng là tay đờn thứ dữ chứ không phải nghiệp dư đâu. Bà nội tôi thấy vậy bèn chọn ngày chúa nhựt cho các nhóm lên biểu diễn tại bộ ván gõ trong nhà, ai tới coi thì chồng 10 đồng xu trả cho bà”. Từ đó thúc đẩy ông Lê Ngọc Cương lập luôn gánh hát. Gánh thu hút những tên tuổi ăn khách như Phùng Há, Ba Vân, Tám Danh, Năm Phỉ… Sau này khi Bạch công tử tách ra lập gánh riêng là Huỳnh Kỳ và cưới bà Phùng Há, thì ông Lê Ngọc Cương một mình quản lý Phước Cương. Lúc ấy dân gian có câu “Nam Cương, Bắc Ứng”, nghĩa là trong Nam nổi tiếng bầu Cương, ngoài Bắc nổi tiếng bầu Ứng, đều thuộc hàng đại bang. Ông Nguyễn Ngọc Cương còn có công đào tạo rất nhiều nghệ sĩ trẻ như Ái Liên, Bạch Mai, Mỹ Tiên, Năm Nghĩa, Năm Phồi, Bảy Bửu… NSND Bảy Nam, mẹ của Kim Cương, đã phụ với chồng lèo lái gánh Phước Cương, và khi ông mất thì bà một mình chèo chống, vừa làm bầu, vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa viết tuồng, vừa nuôi con.
Nguồn: Báo Thanh niên, ngày 02.4.2018.

Thông tin truy cập

63688548
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8840
23426
63688548

Thành viên trực tuyến

Đang có 899 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website