Nghệ thuật và đời người
Nhật Bản vẫn giữ và trình diễn gần 250 vở kịch Nô. Kho báu này được gây dựng từ thế kỷ XIV. Trước đó, sân khấu Nô chỉ phục vụ tôn giáo và dân gian, diễn trong chùa và lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Sự xuất hiện của hai cha con Kan’ami và Zeami giúp Nô hoàn thiện, chiếm lĩnh đỉnh cao nghệ thuật. Người Nhật truyền nhau, với bàn tay của thiên tài, Nô như viên ngọc được chau chuốt, mài giũa, loại bỏ phần thô để trở thành bảo vật. Giá trị ấy nằm ở kịch nghệ và nội dung đậm chất thiền.
Nhật Bản nổi tiếng với thơ haiku, trà đạo, kiếm đạo… nhưng không đâu tinh thần thiền tông lại hấp dẫn hơn trên sân khấu Nô. Zeami là người theo đạo Phật nên những gì ông viết đều toát ra tinh thần Phật giáo đại thừa. Mỗi vở chỉ có một diễn viên chính, ban đầu xuất hiện dưới lốt người kể lại câu chuyện đời mình, rồi sau hiện nguyên hình là một linh hồn và được độ thoát. Cả vở kịch như một giấc mộng tan đi. Theo từng lớp lang, nghe từng câu thơ, điệu hát trên sân khấu Nô, người xem rời khỏi cuộc sống thực tới không gian mộng tưởng và quay trở về sau khoảng khắc thinh không, giác ngộ.
Nhân vật trung tâm trên sân khấu Nô luôn đeo mặt nạ, với 3 bản thể: Quân thể, lão thể và nữ thể. Bản thể của người anh hùng là hành động, nhiệt tâm, của người già là trầm tư xuất thế, còn của người con gái là sự hài hòa hoàn hảo của hai yếu tố trên. Phần nhiều dựa trên tích trong kho tàng văn chương cổ điển nhưng các vở Nô, dưới luận thuyết của Zeami chạm đến nguyên lý thăm thẳm của nghệ thuật và đời người.
Chẳng hạn “Sơn mụ” lấy từ truyện cổ nhưng không thuần kể sự tích nữ thần núi. Chuyện là có một vũ nữ hát hay, nổi tiếng đóng vai sơn mụ. Một ngày, cô hành hương và gặp người đàn bà, đó chính là sơn mụ thực sự nhưng không hề xinh đẹp như cô vốn đóng vai. Rồi người ấy nhảy múa, hát cô nghe về những tháng ngày lang thang trên nhân gian, lẩn vào cuộc đời, để làm nở hoa bốn mùa, để đỡ bó củi cho tiều phu, để làm nhẹ guồng sợi của các thôn nữ…
Nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản Nhật Chiêu phân tích, nhân vật sơn mụ tượng trưng cho nguyên lý của tình yêu, thiên nhiên và nghệ thuật. Các nghệ sĩ giống như cô vũ nữ, cảm hứng từ tình yêu, thiên nhiên mà sáng tạo nghệ thuật. Khi cả hai đồng điệu sẽ tạo nên sức mạnh. Đó là lý luận từ kịch Nô mà Zeami đã làm hiện hữu cái hư ảo, biến triết lý trừu tượng thành đời sống.
Từ bí truyền đến công truyền
Nghệ thuật kịch Nô gồm 9 luận thuyết của Zeami bàn về lý thuyết viết kịch như thế nào, diễn xuất ra sao và những yếu tố để đánh giá một tác phẩm hay… Ngoài ra phần đầu còn có những bài dẫn nhập của học giả phương Tây. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt và dự kiến ra mắt độc giả trong tháng 7 này. |
Không chỉ đem hào quang cho sân khấu Nô bằng những vở kịch, Zeami còn đưa ra luận thuyết sâu sắc về nghệ thuật này. Tuy nhiên, trong 600 năm kể từ lúc ông phát triển Nô, người Nhật chỉ được tiếp cận sân khấu Nô với vai trò khán giả. Quan niệm Đông phương rằng một luận thuyết, một tư tưởng cần ẩn thâm sâu khiến cho những gì Zeami viết ra chỉ bí mật trao truyền cho đệ tử. Mãi đến năm 1908, trong một cuốn sách cũ, người ta tình cờ phát hiện “mật mã” để khám phá kịch Nô.
“Mật mã” ấy như những viên gạch nền xây dựng nên cái đẹp. Zeami gọi Nô là sân khấu của cái đẹp, là nghệ thuật của u huyền, sánh đôi với khái niệm khác là hoa. Một là vẻ đẹp ẩn giấu của thế giới nội tâm tinh tế, một là kỹ năng biểu diễn xuất thần. Dung hợp nó là bóc tách được những gì tinh túy nhất của Nô, cũng như thể hiện được yếu tính của nghệ thuật Nhật Bản. Luận thuyết của Zeami bởi vậy, tuy đề cập đến một loại hình sân khấu nhưng sâu xa nói về cuộc đời và giá trị nguồn cội của con người. Từng nhân vật, hành động, lời ca, ý thơ và cả chất thiền trong đó đến từ đời sống nhưng ở đời sống thì có nhiều trở lực, nó phải mượn sân khấu để thể hiện được sự toàn bích của mình.
Năm 1963, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Zeami, thế giới xưng tụng ông là “siêu sao sân khấu của mọi xứ sở, mọi thời đại”. Cuốn sách Nghệ thuật kịch Nô tập hợp các lý luận của Zeami được xuất bản và tái bản liên tục tới nay. Sở dĩ công khai vì sân khấu Nô có độ sâu sắc hơn so với các loại hình sân khấu khác và cũng phải đối mặt với nguy cơ bị quên lãng theo thời gian. Bí truyền được người Nhật công truyền để gợi nhớ và giải thích, phổ biến cái hay, ý nghĩa văn hóa đặc sắc của đất nước.
Không thịnh hành như trước nhưng Nô vẫn là nghệ thuật đỉnh cao của Nhật Bản và được các thế hệ coi trọng, bảo tồn. Người Nhật không chấp nhận có “tay viết non”, càng không chấp nhận tách kịch Nô khỏi đời sống. Lối bài trí tối giản, với hàng hoa mở đường cho nghệ sĩ đi ra và cây tùng làm nền sân khấu vẫn được giữ nguyên. Nghệ sĩ phải khổ luyện hàng chục năm, đạt tới yêu cầu khắt khe mới được trình diễn. Chỉ khác là trước kịch mục thường diễn 5 vở thì giờ 2 - 3 vở, có xen một hài kịch để khán giả thư giãn.
Nhìn vào toàn bộ quá trình phát triển của kịch Nô và đóng góp của Zeami với sân khấu Nô có giá trị soi chiếu rất lớn đối với nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đó là kinh nghiệm người Nhật giữ gìn cũng như biện chứng cho giá trị văn hóa của mình. Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Việc giữ di sản chèo, tuồng, cải lương… cũng vậy. Ta học hỏi thông qua những phân tích về diễn xuất, cách truyền tải nguyên lý nghệ thuật trong kịch Nô để làm giàu thêm sân khấu Việt. Đặc biệt, các luận thuyết của Zeami cũng làm ta phải chú ý tới phần lý luận sân khấu mà ở Việt Nam thường thiếu”.
Hải Đường
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 24.7.2018.