Hơn lúc nào hết, lúc này, kịch nói được người người mong mỏi, thúc giục: “Bật đèn lên!” - dẫu biết rằng, phía trước luôn bộn bề những trăn trở, âu lo…
Vở kịch “Chén thuốc độc” tái xuất trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội dịp kỷ niệm 100 năm kịch nói. Ảnh: Hòa Nguyễn.
Chênh chao đứt gãy…
Ngay từ khi xuất hiện (giới nghiên cứu lấy dấu mốc từ vở kịch “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được công diễn năm 1921), kịch nói đã được chú ý để dần dần giành được vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, nhất là sau khi Việt Nam được độc lập, thống nhất.
Và, giai đoạn hoàng kim nhất của kịch nói chỉ có thể kéo dài trong ba thập niên 70, 80 và 90 của thế kỷ trước. Đó là những năm tháng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn về vật chất nhưng khán giả vẫn xếp hàng dài trước rạp hát để mua vé xem kịch; nghệ sĩ thì ăn ngủ ngay tại cánh gà và mệt nhoài vì có ngày chạy sô 4 - 5 suất diễn.
“Có những thời điểm lễ tết, tôi “đóng đô” ở rạp Công nhân cả tuần, cùng đồng nghiệp đón hết lượt khán giả này lại đến lượt khán giả khác. Thậm chí, tôi đã từng ngất trên sân khấu vì mệt quá khi lần thứ 4 vào vai Nguyễn Trãi trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa” cho một ngày biểu diễn.
May mắn có một khán giả là bác sĩ đã chạy lên cấp cứu để 30 phút sau tôi lại xuất hiện trở lại như chưa hề có sự cố nào cả”, cố NSND Trần Hạnh đã từng cười khà khà và kể như vậy về những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông.
Vậy nhưng, niềm vui với nghề của cố NSND Trần Hạnh và có lẽ cũng là của rất nhiều nghệ sĩ khác cùng thời với ông đã dần trở thành những ký ức xa xăm, đôi khi chợt vẳng lại để mà nhớ nhung, để mà luyến tiếc.
Cũng vì, bắt đầu từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, rạp hát ngày càng thưa thớt ngày sáng đèn, khán giả không còn nao nức rủ nhau đi xem kịch vào bất cứ thời điểm nào có thể mà dần dần trở nên thờ ơ, lảng tránh. Cứ thế, kịch nói chênh chao vì nỗi buồn đứt gãy khán giả ngày càng lớn, và đến giờ cũng đã hơn 30 năm.
Tất nhiên, vẫn có một số đơn vị phía Bắc cố gắng xoay xở sáng đèn ở một thời điểm nào đó với những chùm hài kịch bông phèng, chùm kịch tạp kỹ theo dự án kết hợp với các doanh nghiệp hay biểu diễn nhân mùa liên hoan, dịp kỷ niệm… Chỉ có điều, phần lớn các suất diễn thường là khán giả vé mời đã ở tuổi cha chú, ông bà chứ không phải là những khán giả tự nguyện bỏ tiền ra mua vé để đến với kịch nói.
Ở phía Nam xuất hiện những mô hình sân khấu kịch nhỏ (xã hội hóa), ban đầu bán vé cũng khá nhộn nhịp nhưng cũng chỉ có thể căng mình được mươi năm đầu với những vở kịch mạng nặng tính giải trí… bọt bèo, cố gắng hớt tiếng cười thưa thớt của khán giả. Mấy chục năm qua, nghệ sĩ kịch không thể sống được bằng nghề, họ chỉ có thể nuôi dưỡng niềm đam mê bằng những bươn trải công việc bên ngoài nhà hát, đơn vị nghệ thuật.
Thế nên, không thể cho rằng, kịch nói vẫn duy trì sáng đèn đến giờ bằng những đêm diễn cho khán giả vé mời là chính, hay gắng đáp ứng thị hiếu giải trí tầm thường của một bộ phận khán giả. Trái lại, thực tế này đang là nỗi buồn sâu thẳm của kịch nói, vì đấy là minh chứng rõ nhất về sự đứt gãy khán giả của kịch nói – loại hình nghệ thuật được mệnh danh là thời thượng nhất của sân khấu.
“Khi khán giả không bỏ tiền ra mua vé thì cách thưởng thức nghệ thuật của họ theo kiểu có thì xem mà không có cũng không sao. Còn khán giả tự nguyện mua vé xem kịch là họ luôn có những mặn mà, đắm say, coi kịch là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mình. Nhiều khi nhu cầu của họ đã gián tiếp thúc giục nhà hát khẩn trương lên lịch dàn dựng vở mới và biểu diễn.
Có điều đáng buồn là, hai hình thái này xảy ra có phần bị đối lập về hoàn cảnh: Có phải khi no cơm ấm cật thì khán giả chỉ chờ vé mời mới tới rạp, lúc thắt lưng buộc bụng thì vẫn có thể dè xẻn đôi ba đồng để mua vé xem kịch?”, cố Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận từng băn khoăn làm phép so sánh như vậy.
Nói về sự đứt gãy này, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn cho rằng, thực tế ấy “đáng gọi là “bi kịch trắng khán giả” và “Kịch - thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã thật sự mất trắng khán giả”.
Bà Thái dẫn giải: “Sân khấu Nhà nước, sân khấu tư nhân, sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu “xã hội hóa”, các hội diễn kịch toàn quốc, kịch địa phương của Thủ đô Hà Nội, của TPHCM… tất cả đều không tìm được người xem. Các nhà hát, rạp hát, các điểm diễn sân khấu ở các thành phố lớn Việt Nam đều bị đứt mạch kịch trường hàng đêm, bởi sáng đèn hằng đêm mới là mạch sống của sân khấu Việt”.
Đành lòng thế sao?
Kịch nói bị đứt gãy khán giả vì chưa thể đối thoại với đương thời – điều mà cách đây 3 - 4 thập kỷ kịch nói đã làm được bằng những vở diễn đặc sắc như vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ. Ảnh: NHTT.
Đã có không ít cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong những năm qua để mổ xẻ về sự đứt gãy khán giả của sân khấu nói chung và kịch nói nói riêng. Xoay đi, xoay lại thì người trong nghề vẫn thường hay đưa ra cái nguyên nhân khách quan “to đùng” của cả thế giới, rằng: Vì sân khấu không thể giành khán giả với những ngành giải trí khác như phim, ca nhạc, game show, truyền hình thực tế…
Những ngành giải trí kia vô cùng hấp dẫn, rất nhiều chiêu trò nên đã lôi kéo khán giả của sân khấu. Và có không ít đạo diễn, nghệ sĩ tài năng cũng bỏ sân khấu mà đi theo những hào quang đầy danh lợi ấy. Thêm nữa, hai năm qua dịch Covid-19 khiến sân khấu không thể hoạt động, làm cho khán giả đã xa cách lại càng cách xa vời vợi…
Quả là những nguyên do ấy không sai, nhưng nếu chỉ ngồi đó than thở và đổ lỗi cho khách quan mà tự bản thân không nỗ lực vượt ra khỏi những khó khăn khách quan ấy thì có lẽ là không chỉ trong hơn 30 năm qua mà có lẽ còn phải thêm vài chục năm thậm chí là cả trăm năm nữa thì kịch nói vẫn sẽ cứ đành lòng “mất trắng” khán giả như thế.
Đôi lúc, những “cựa quậy” nhỏ nhoi, manh mún của một bộ phận nghệ sĩ còn đắm say với nghề cũng chỉ có thể nhen nhúm giây lát rồi sẽ lại lịm tắt. Vì vậy, điều cần hơn cả để có thể kéo khán giả trở lại rạp phải là một cuộc cách mạng tự làm mới mình của cả ngành sân khấu, đặc biệt là kịch nói bằng việc mở những bàn tròn mổ xẻ một cách quyết liệt về “tổ hợp” quyết định cho sự thành bại của sân khấu kịch, gồm: Nhà quản lý – ê-kíp sáng tạo (tác giả, đạo diễn, diễn viên) và xu hướng khán giả.
Thực ra không phải không có những tọa đàm, bàn thảo không kém phần gay gắt, đụng chạm đến từng thành phần, từng vấn đề. Điển hình như: Vì sao vẫn còn đó đội ngũ quản lý nghệ thuật hành chính, thiếu tâm huyết và sự hiểu biết về đặc thù của sân khấu? Vì sao ở thời đại 4.0 mà thiết kế sân khấu vẫn cũ kỹ, cục mịch và bị đè nặng bởi những bục bệ cồng kềnh? Vì sao nghệ sĩ diễn xuất hời hợt rồi vội chạy show lo cơm áo, gạo tiền?
Liệu có phải kịch nói vẫn có nhiều vở hay nhưng khán giả không quan tâm hay vì kịch nói đã đánh mất đi bản thể của chính mình là “đối thoại với đương thời” nên khán giả xa dần vì biết chắc rằng nếu có đến rạp cũng chỉ là buông những nụ cười vô thưởng vô phạt chứ nào có được đối thoại với những vấn đề họ đang quan tâm, họ đang mong muốn tìm lời giải đáp?
Mỗi khi nhắc đến điều này dường như ai cũng cùng nhắc nhớ về Xuân Trình, Võ Khắc Nghiêm, Sỹ Hanh, Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Tất Đạt, Lê Duy Hạnh…, nhất là Lưu Quang Vũ – những tác giả góp sức làm nên thời kỳ hoàng kim của kịch nói bằng những kịch bản văn học “đối thoại với đương thời”, để khán giả đến rạp được hòa vào cảm xúc của nhân vật vở diễn và lúc ra về sẽ lắng lại để ngẫm ngợi, nghĩ suy.
“Sân khấu thời hiện đại vẫn chưa xây dựng được hình tượng “Người thời đại mình” – Ngày nay người đó là ai? Có còn là người chiến sĩ bảo vệ biển đảo quê hương? Hay là doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học? Tác giả liệu có không e ngại lôi ra ánh sáng những mặt tối của hành vi bề ngoài rất đáng trân trọng (sự dối trá) và thử viết rất đời thường – bình dị nhưng ý lại sâu sắc?”, NSND Trần Minh Ngọc trăn trở đặt câu hỏi với các tác giả hôm nay.
Thế nhưng tiếc là, những kỳ cuộc đó gần như chỉ để cho những người tóc trắng phơ nghe còn những thành phần, bộ phận đang trực tiếp nắm “sinh mệnh” của sân khấu kịch thì ít khi thấy mặt. Nhiều lần, các bậc lão làng bức xúc thắc mắc gần xa để rồi buồn rầu trước sự thật là các cụ nói thì các cụ nghe rồi bỏ đó!
Có thể hy vọng
Nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đã không khỏi buồn lòng khi dịp kỷ niệm kịch nói tròn 100 tuổi nhưng không thể tụng ca về thế hệ nối tiếp mà chỉ có thể “bóc trần” sự thật về thực trạng của kịch nói trong đời sống xã hội hôm nay đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì mất trắng khán giả. Dẫu vậy, mọi người luôn tin rằng, kịch nói sẽ là loại hình nghệ thuật tiên phong của sân khấu nước nhà có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đầy khó khăn này.
Cũng bởi lẽ, sau những game show giải trí đầy sôi động với những hotgirl, idol, khán giả vẫn luôn khát khao tìm về những không gian sân khấu lắng đọng mà rất thời sự như kịch nói để có thể khóc cười, tức giận, đau đớn, cật vấn… trước những thói đời biến hóa muôn hình, muôn vẻ. Nhu cầu ấy của khán giả chưa bao giờ vơi bớt ở bất kỳ thời đại nào vậy nên chưa khi nào họ quay lưng lại với sân khấu.
Chỉ có điều, những vở diễn hôm nay liệu đã đủ sức chạm đến cảm xúc, đáp ứng được những khát khao của khán giả và có dám “đối thoại với đương thời” hay không? Thật dễ minh chứng về điều này với những vở kịch Lưu Quang Vũ được sáng tác cách đây 30 - 40 năm vậy mà sao mỗi lần được biểu diễn trở lại là khán giả liền kéo đến xem?
Rất đơn giản là vì họ được cười hả hê để rồi tự hổ thẹn với căn bệnh sĩ dường như có ở ngay trong họ (vở “Bệnh sĩ”); họ được tức giận, đối thoại với không ít kẻ được trao sứ mệnh là “đầy tớ của nhân dân” nhưng lại sống lạnh lùng, vô cảm của với nhân dân (vở “Lời thề thứ 9”); họ cũng khôn xiết ngậm ngùi vì sao bây giờ làm người tốt khó quá (vở “Người tốt nhà số 5”)…
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn lạc quan gửi gắm niềm “hy vọng” về một tương lai mới của kịch nói, tất nhiên phải đi từ những quyết tâm đồng bộ từ nhà quản lý đến đội ngũ sáng tạo. Bà Thái lý giải, năm xưa, đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi từng dùng thần thoại Hy Lạp để ví von: Trong chiếc hộp kín mà Pandora “đoảng vị” đánh đổ từ trên đỉnh trời đã làm rơi xuống mặt đất nhiều tai ương chướng họa, thì may thay, Pandora ngó vào hộp thấy còn sót lại một thứ, là “hy vọng”.
Từ niềm hy vọng này, bà Thái liên tưởng tới câu của J.K.Rowling: “Ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay cả trong giai đoạn đen tối nhất, chỉ cần ai đó bật đèn lên”. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái sẵn sàng mong đợi: “Đúng vậy chỉ cần người - sân - khấu nào đó ở Hà Nội, Sài Gòn hay bất kì đâu đó, BẬT ĐÈN sân khấu lên!”.
“Không có giải pháp nào khi đứng trước một thực tế khách quan phũ phàng: Sân khấu ít người xem. Diễn viên đổ lỗi cho đạo diễn, đạo diễn đổ lỗi cho tác giả, tác giả đổ lỗi cho người quản lý, người quản lý đổ lỗi cho cơ chế? Cuối cùng bế tắc vẫn hoàn bế tắc... Vậy giải pháp nào để sân khấu kịch nói nói riêng và sân khấu nói chung phát triển, nếu chúng ta chưa dũng cảm nhận ra thực tế là lỗi nằm ở tất cả các khâu sáng tạo ra tác phẩm sân khấu mà người quản lý có lẽ phải là người chịu trách nhiệm lớn hơn tất cả”. Tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du |
Bình Thanh
Nguồn: Giáo dục và Thời đại, ngày 30.11.2021.