Bảo tàng online của phim Việt: Tại sao không?

Thực trạng di sản điện ảnh Việt bị lãng quên phần lớn và không được tận dụng giới thiệu, quảng bá đúng tầm khiến không khỏi chạnh lòng khi chúng ta nhìn sang các nền điện ảnh phát triển trên thế giới. 

20240301 3

Trần Phương không chỉ là “A Phủ” mà còn là đạo diễn tài năng. Ba bộ phim nổi bật do ông làm đạo diễn (từ trái qua): Tội lỗi cuối cùng, Săn bắt cướp và Dòng sông hoa trắng.

Đến nay, nền điện ảnh Việt Nam đã có hơn 1000 bộ phim nếu chỉ tính riêng các phim truyện của nền điện ảnh cách mạng mà chưa kể những phim của điện ảnh miền Nam trước 1975. Thống kê này chưa tính đến số lượng khổng lồ phim truyền hình, phim tài liệu và phim ngắn. Nhưng, hiện vẫn chưa có một trang cơ sở dữ liệu nào về phim Việt – điều mà các nước khác đã làm từ lâu với di sản phim ảnh của họ.   

Nhiều tác phẩm, nghệ sĩ điện ảnh Việt mất dấu trong lịch sử

10 năm trước, diễn viên Hồ Kiểng mất đi, người ta mới biết ông giữ kỷ lục Guinness “nghệ sỹ đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam” với hơn 200 bộ phim. Thế nhưng, trừ một số vai nổi bật như lão nông ăn cá sống trong “Những nẻo đường phù sa”, ông Ba tốt bụng trong phim “Đất phương Nam”, lão nông bất lực khi con gái bị hãm hiếp trong “Người đẹp Tây Đô” hay ông chồng đại gia bị sát hại trong “Mùa hè lạnh”, 200 vai diễn khác của ông gần như ít được biết đến. 

Năm 2020, khi NSND Trần Phương mất đi, hầu hết các báo đều giật tít liên quan đến A Phủ – vai diễn quen thuộc của ông. Đó là vai diễn nổi bật của Trần Phương nhưng sự nhất loạt dùng nó như nhận diện thương hiệu của người nghệ sỹ này khiến công chúng có thể không mường tượng đầy đủ sự nghiệp của ông. Không chỉ là kép đẹp với nhiều vai diễn chính phụ trong các phim “Bình minh trên rẻo cao”, “Truyện vợ chồng anh Lực”, “Chị Tự Hậu”…, Trần Phương còn đóng góp cho điện ảnh trên cương vị đạo diễn gần 20 bộ phim, trong đó chỉ cần với “Tội lỗi cuối cùng” (bộ phim đưa Phương Thanh thành ngôi sao với vai diễn để đời Hiền cá sấu), “Săn bắt cướp” (bộ phim đưa Trọng Trinh thành tài tử khiến bao thiếu nữ say mê), “Dòng sông hoa trắng” (bộ phim về các nữ biệt động gây xúc động lòng người)…, đủ để tôn vinh ông là một đạo diễn tài năng. 

Đạo diễn Đặng Nhật Minh – tên tuổi kỳ cựu bậc nhất của điện ảnh Việt Nam là người hiếm hoi được nhiều khán giả quen thuộc danh mục các bộ phim do ông thực hiện. Chắc người Việt Nam không ai không biết đến tác phẩm điện ảnh kinh điển “Bao giờ cho đến tháng 10”. Những người ít nhiều quan tâm đến điện ảnh chắc cũng không xa lạ những bộ phim xuất sắc “Thương nhớ đồng quê” và “Mùa ổi”. Giới nghiền phim có lẽ cũng đã thuộc nằm lòng những “Hà Nội mùa đông năm 46” hay “Đừng đốt”. Còn những người tìm hiểu sâu hơn về phim Việt chắc cũng đã tìm xem “Cô gái trên sông” và “Trở về”. Tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta còn biết ông có ba bộ phim hầu như không được nhắc đến là “Chị Nhung” (phim đầu tay đồng đạo diễn với Nguyễn Đức Hinh năm 1970), “Những ngôi sao biển” (1973) và “Ngày mưa cuối năm” (1978), chưa kể bộ phim cuối cùng “Hoa nhài” (2022). 

Người xem phim quen thuộc với diễn viên hơn là để ý đến những người đứng sau máy quay, vì thế người ta nhớ đến sự nghiệp của Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới, Thúy An… chứ ít ai biết rõ danh mục phim của các tên tuổi gạo cội như các đạo diễn Khôi Nguyên, Hồng Sến, Huy Thành, Hải Ninh… hay những cống hiến âm thầm của những nhà quay phim kỳ cựu như Khương Mễ, Nguyễn Đăng Bảy, Lê Đình Ấn, Trần Trung Nhàn… và sự miệt mài không mệt mỏi của những thành phần xuất sắc khác như các họa sỹ thiết kế Mỹ thuật Đào Đức, Phạm Nguyên Cẩn, Phạm Quang Vĩnh, Mã Phi Hải…, các kỹ sư âm thanh Bành Bắc Hải, Trần Kim Thịnh, Tạ Quốc Khánh, Mai Thế Hồng…, những người làm dựng cảnh như Nguyễn Khánh Nội, Trần Trung Trực, Lê Đình Hoạch, Trịnh Trọng Sơn…, những chuyên gia phụ trách đạo cụ như Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Quang Nhật, Lê Anh Triều, Vũ Anh Tú… hay những phù thủy tiếng động như Minh Tâm, Minh Thu, Minh Khánh, Mạnh Kiên… Công chúng Việt có lẽ không nhiều người biết rằng ngoài sự nghiệp ca khúc đồ sộ, các nhạc sỹ như Phú Quang, Thanh Tùng, Phó Đức Phương cũng có một gia tài nhạc phim không kém phần đáng nể.

Hơn 1000 bộ phim (chỉ tính riêng phim điện ảnh) là một kho tàng không hề nhỏ, gắn với biết bao công sức của các nghệ sỹ và thành phần đoàn phim, nhưng số khán giả quan tâm và biết đến kho tàng này còn ít ỏi. Với phim xưa, đa phần khán giả chỉ biết tên những tác phẩm quen thuộc như “Biệt động Sài Gòn”, “Ván bài lật ngửa”, “Cánh đồng hoang”, “Đến hẹn lại lên”, “Mẹ vắng nhà”, “Con chim vành khuyên”… mà lãng quên hàng trăm tác phẩm khác dù chưa quen thuộc bằng nhưng cũng ít nhiều có giá trị nghệ thuật (hoặc nếu chỉ là tác phẩm tuyên truyền thì cũng có giá trị soi chiếu thời đại). Với phim nay, có không ít tác phẩm hay nhưng không có duyên phủ sóng nên vẫn chỉ được biết trong diện hẹp. Là “Sống trong sợ hãi” của Bùi Thạc Chuyên hay “Dịu dàng” của Lê Văn Kiệt gây ấn tượng sâu sắc cho người yêu điện ảnh mà chỉ chiếu mấy ngày đã lủi thủi rời rạp. Là “Trăng nơi đáy giếng” của Nguyễn Vinh Sơn hay “Những đứa con của làng” của Nguyễn Đức Việt thậm chí không được công chiếu mà chỉ đến với khán giả đôi lần trong các tuần phim dịp giải Cánh diều vàng hay Bông sen vàng. Là “Cha và con và” của Phan Đăng Di đạt thành tích quốc tế mà đến nay sau gần 10 năm vẫn chưa một lần đến với khán giả trong nước một cách chính thức hay là “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi” của Chung Chí Công gây bùi ngùi khi đạo diễn phải viết tâm thư kêu gọi tiếp sức để phim “được sống” đời rạp… Còn đáng ngậm ngùi hơn khi những tác phẩm đầy rung động như “Tôi vào đời” của Nguyễn Quốc Hưng, “Cỏ dại” của Đinh Đức Liêm hay “Hoa đào ngày Tết” của Nguyễn Xuân Sơn thậm chí còn chẳng mấy ai biết tới. 

Cơ sở dữ liệu điện ảnh online: Vì sao Việt Nam mãi chậm chân? 

Năm 1990, một khán giả yêu điện ảnh người Anh tên là Col Needham đăng lên internet một bài đăng mang tựa đề “Those eyes” về các nữ diễn viên có đôi mắt đẹp. Nhiều người dùng internet khác phản hồi bằng việc bổ sung các diễn viên yêu thích của họ. Sau đó, Col Needham tạo một danh sách “Các diễn viên nam”, rồi một người dùng khác tạo một danh sách “Các đạo diễn”… Đến cuối năm 1990, chủ đề đã phát triển thành một danh sách bao gồm gần 10.000 bộ phim điện ảnh và truyền hình cùng các diễn viên xuất hiện trong đó. Cơ sở dữ liệu được mở rộng dần sang các thành phần đoàn làm phim và thêm tiểu sử nghệ sỹ cũng như tóm tắt cốt truyện của các phim… Col Needham, vốn xuất thân là một lập trình viên đã phát triển từ những dữ liệu này và viết phần mềm để xây dựng nên website IMDB (Internet Movies Database – Cơ sở dữ liệu phim trên internet). 

Nhiều bộ phim hay nhưng ít khán giả quan tâm (từ trái qua): Dịu dàng (Lê Văn Kiệt), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Những đứa con của làng (Nguyễn Đức Việt).

Công ty IMDB do Col Needham thành lập vào năm 1996 sau đó được (người lúc ấy chưa là tỷ phú) Jeff Bezos mua lại vào năm 1998, thành một công ty con của tập đoàn Amazon. Đến nay thì những người yêu điện ảnh trên thế giới chắc ít ai không biết đến trang web này (www.imdb.com). Trang IMDB hiện nay là một cơ sở dữ liệu khổng lồ về phim, nghệ sỹ và các chương trình truyền hình trên thế giới (có một số phim Việt Nam) với hàng chục triệu thành viên và con số có lẽ là gấp nhiều lần những khách truy cập. Nó hoạt động trên ưu thế thông tin, với danh mục hàng triệu phim từ xưa đến nay, đi kèm là các thông tin phim mục như danh sách cast and crew (diễn viên và các thành phần đoàn phim), thể loại phim, giới thiệu tóm tắt nội dung, các giải thưởng đã đạt được… Quan trọng hơn, nó cho phép người dùng (đăng ký thành viên của website) để lại bình luận nhận xét về phim và chấm điểm bộ phim. 

Đã từ rất lâu, IMDB trở nên quen thuộc với công chúng điện ảnh nhờ hai tính năng hữu ích của nó: Tra cứu thông tin về phim và nghệ sỹ trong lịch sử; Cung cấp cái nhìn tham khảo về chất lượng của các bộ phim từ xưa đến nay thông qua điểm số và các bình luận nhận xét. Với mô hình nhiều ưu việt này, không lạ khi sau đó đã có rất nhiều người học hỏi, bắt chước IMDB. Ở Mỹ năm 1998 có thêm website Rotten Tomatoes hiện giờ cũng phát triển rực rỡ và trở thành một kênh tham khảo nằm lòng với công chúng điện ảnh. Ngoài ra còn có website Metacritic ra đời năm 1999 mở rộng không chỉ đánh giá phim ảnh mà cả âm nhạc, được coi là sân chơi của dân bình phim chuyên nghiệp, website Letterboxd ra đời năm 2011 quy tụ giới mê phim thực thụ, website Big Cartoon Database về phim hoạt hình… 

Nhiều nền điện ảnh trên thế giới cũng đã học tập mô hình này và xây dựng những website cơ sở dữ liệu phim ảnh của đất nước mình. Có thể kể đến trang Han Cinema tất tật thông tin về điện ảnh Hàn Quốc bằng tiếng Anh ra đời năm 2003, trang KMDB (Korean Movie Database) đủ mọi thông tin về điện ảnh Hàn bằnh tiếng Hàn. Ở Trung Quốc còn kế thừa và phát triển mô hình này lên một tầm cao hơn với siêu website Douban, không chỉ là cơ sở dữ liệu về phim ảnh mà còn âm nhạc, sách báo, chương trình truyền hình… Những website này đóng góp rất nhiều vào việc giới thiệu, quảng bá điện ảnh của đất nước họ cho công chúng. Thậm chí, website Douban lọt Top 5 mạng xã hội đông người dùng nhất giữa hàng ngàn trang web của đất nước tỷ dân. 

Trong khi các nền điện ảnh phát triển trên thế giới đã xây dựng các trang web cơ sở dữ liệu phim từ hai chục năm trước thì Việt Nam cho đến nay vẫn bỏ trống lĩnh vực này. Cần nói rõ một chút sự khác biệt giữa nền điện ảnh Việt Nam và các nền điện ảnh của các quốc gia phát triển trên thế giới. 

Trong khi nền điện ảnh các nước phát triển đã hoàn thiện khá toàn diện các mặt thì điện ảnh Việt vật lộn trong cơn khủng hoảng hậu cơ chế bao cấp. Thập niên 1990 đầu 2000, điện ảnh quốc doanh đình đốn và điện ảnh tư nhân mới vừa được cho phép xuất hiện thì còn non trẻ, cần một khoảng thời gian để trưởng thành. 

Vì thế, không kể những hãng phim tư nhân chết yểu trong thời kỳ phim thị trường đầu thập niên 1990 thì những hãng phim tư nhân sớm sủa như Thiên Ngân Galaxy (thành lập 1994), BHD (thành lập 1996) phải sang thế kỷ 21 mới bắt đầu sản xuất những bộ phim đầu tiên. Tương tự thế, lĩnh vực phát hành mãi đến đầu những năm 2000 vẫn còn là độc quyền của Fafim Việt Nam, và phải cho đến sau đó mới có sự tham gia rồi thay thế bởi các đơn vị phát hành tư nhân và nước ngoài. Rồi lĩnh vực chiếu bóng cũng tương tự với sự xuất hiện muộn mằn của các tập đoàn kinh doanh rạp chiếu nước ngoài, từ Megastar năm 2005, đến Lotte Cinema năm 2008… thay thế cho hệ thống chiếu bóng quốc doanh dần đóng cửa. 

Ở một lĩnh vực rất phát triển của điện ảnh thế giới là tổ chức liên hoan phim, Việt Nam cũng đi chậm đến hàng chục năm so với ngay các nước trong châu lục. Trong khi Nhật Bản có LHP Tokyo từ năm 1985, Trung Quốc có LHP Thượng Hải từ 1993, Hàn Quốc có LHP Busan từ năm 1996, Thái Lan có LHP Bangkok từ năm 2003 thì phải đến năm 2010 Việt Nam mới có LHP quốc tế đầu tiên là LHP quốc tế Việt Nam (VNIFF) do một công ty tư nhân khai sinh – tiền thân của LHP quốc tế Hà Nội sau này. Vì thế, cũng dễ hiểu khi ở lĩnh vực xây dựng website cơ sở dữ liệu, đến giờ, sau hơn 20 năm so với thế giới, vẫn chưa có một website tương tự về phim Việt. 

Nếu có một cơ sở dữ liệu online về các phim Việt (phim điện ảnh, phim tài liệu, phim truyền hình, phim ngắn), thông tin về chúng sẽ được lưu lại và lan tỏa hơn, đời sống của chúng trong lòng khán giả cũng sẽ dài rộng hơn so với chỉ được điểm phim trên mặt báo vào dịp ra mắt. Đây sẽ là một kênh để quảng bá rất tốt cho phim Việt, giúp tác phẩm của những người làm nghề được hệ thống hóa đầy đủ và được giới thiệu đến các đối tượng khán giả rộng lớn hơn là cộng đồng nhỏ những “mọt phim”, và trong tương lai khi cơ sở dữ liệu này phát triển hơn sẽ là một kênh quảng bá hữu ích điện ảnh Việt Nam đến với thế giới. Không chỉ thế, việc cho khán giả đánh giá (chấm điểm và bày tỏ nhận xét) về các bộ phim và các nghệ sỹ cũng khiến gạn đục khơi trong, là một kênh tham khảo tốt cho khán giả có cái nhìn tổng quan về giá trị hay dở của các bộ phim. 

Chúng ta kỳ vọng một thư viện phim mục online như thế sẽ ra mắt vào một tương lai gần. “Bảo tàng online” của phim Việt, tại sao không! □

Hoàng Lê

Nguồn: Tia sáng, ngày 20.12.2023.

Thông tin truy cập

60892108
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15964
18331
60892108

Thành viên trực tuyến

Đang có 519 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website