Tình dục và đồ ăn vẫn đứng cạnh nhau, hòa vị với nhau trong điện ảnh của Trần Anh Hùng, song chỉ ở tác phẩm mới nhất The Taste of Things (tên tiếng Pháp La passion de Dodin Bouffant, chuyển thể từ tiểu thuyết của Marcel Rouff, ở Việt Nam được phát hành dưới cái tên Muôn vị nhân gian) khi hai thức ấy vượt giới tuyến khỏi nhu cầu để tồn tại của con người, trở thành phương tiện để con người tận hưởng hạnh phúc “đã có”, tình yêu mới thoát khỏi trạng thái tiềm năng để trở thành cảm giác vẹn toàn.
Trong The taste of things (2023), Trần Anh Hùng kể câu chuyện tình yêu nguyên thủy nhất, đồ ăn là bằng chứng cho tình yêu. Thiên đường của Dodin (Benoît Magimel) và Eugénie (Juliette Binoche) là căn bếp. Nơi đó, hai mươi năm làm việc bên nhau, Dodin trở thành Napoleon của ẩm thực, còn Eguénie trở thành người nấu ăn cho Dodin. Ẩm thực là điều kiện sống và cũng là mục đích sống, là nghề nghiệp và cũng là duyên nghiệp, là danh tiếng và cũng là cuộc chơi, là nghệ thuật của những mối quan hệ và cũng là sự khoái thú của các giác quan, là di sản chung và cũng là tài năng cá nhân làm giàu có di sản ấy,…
Làm phim cũng như làm bếp
Trần Anh Hùng không thêm vào một nghĩa mới nào trong cái bể nghĩa dạt dào về đồ ăn, thức uống, ông chỉ xác quyết niềm tin khán giả cũng có thể ăn được khi những món ăn sinh ra từ căn bếp và bày ra trên màn ảnh. “Tôi cũng ăn không thua kém gì các ông mà không cần cắn một miếng nào”. Nữ chủ nhân của căn bếp, Eguénie nói với những người vừa dùng bữa như vậy khi họ dời phòng ăn đến để cảm ơn và ca ngợi cô. Eguénie giải thích cô đã ăn món cá bơn bằng ánh mắt chăm chú, bằng đôi tay mẫn cảm tiếp nhận kết cấu lúc chế biến. Trần Anh Hùng đã học từ chính các đầu bếp trong việc xử lý nguyên liệu điện ảnh sao cho đồ ăn cũng ngon và cảm động với khán giả khi nó ngon và cảm động với những thực khách trong thế giới phim.
Như sự “hy sinh màu sắc cho hương vị” để có món súp tuyệt tác của Dodin, Trần Anh Hùng mang đến những lựa chọn thẩm mỹ thuần khiết vốn rất khác so với phong cách điện ảnh của ông. Trần Anh Hùng giúp khán giả của ông tập trung vào thính giác và thị giác để làm ra cái xúc giác, vị giác. Không sử dụng nhạc nền, mỗi cảnh phim của The taste of things đều rộn vang tiếng động. Tiếng dụng cụ làm bếp lanh canh, tiếng dao sơ chế lách cách, tiếng thực phẩm tiếp xúc lửa nóng lèo xèo, tiếng nước hầm lục bục, tiếng cảm ơn cùng tên gọi của từng nguyên liệu được tuyên xưng ấm áp từ những đôi môi Pháp…như những đặc ngữ của nghề nghiệp tạo ra bản giao hưởng căn bếp, kích thích sự năng sản chuyển động của chiếc máy quay đang thông báo sự trôi chảy của nhịp điệu, mạch đời, ưa tuôn trào, ưa ú tim bất trắc.
Nắm bắt sự đồng điệu của việc điện ảnh và ẩm thực không chỉ ở sự lựa chọn và phức hợp các thành phần, Trần Anh Hùng còn chăm chú ở các giai đoạn, sao cho việc làm bếp cũng nuôi dưỡng sự chờ đợi và làm ngạc nhiên sự thưởng thức thành quả như làm phim. Nguyên liệu được trưng ra cũng quan trọng như lúc chế biến, việc đun nấu cũng quan trọng như việc bày biện, việc nhai nuốt cũng quan trọng như việc phát biểu cảm tưởng, sự sành sỏi của người ăn cũng quan trọng như tài năng của người đầu bếp …Thông qua việc nấu ăn và thưởng thức, sự hấp dẫn của ẩm thực được gia cố, thăng hoa ở chính mối quan hệ của con người với con người, con người với đồ ăn. Đồ ăn bao giờ cũng được toàn vẹn, độc sáng trong những cận cảnh, còn cảm xúc bao giờ cũng được giãi bày trong những điển tích, ví von khái quát khiến người xem như nắm giữ được cái linh hồn, dư vị của mỗi bữa tiệc. Thật tài tình vì đôi mắt đôi tai của chúng ta được làm vui thích, ấn tượng, còn tâm trí có thể lưu cữu được sự độc đáo của món khai vị, món chính và món tráng miệng. Thậm chí trong cái ngất ngây, chúng ta có thể đối sánh cấu trúc phim với quá trình khơi dậy, phát triển phong nhiêu của các loại rượu, thứ tự được dùng trong bữa tiệc.
Bộ phim đã khoản đãi người xem nhiều sự việc: cuộc truyền nghề, kế hoạch “mời cơm” hoàng tử mà thực bụng là khoe tài, lời cầu hôn, dự định thành hôn, bệnh tật và cái chết, tuyệt vọng chán chường với hồi sinh … Song phủ trùm lên mạch phim tưởng như thiếu chắc chắn, mọi thứ dở dang đi từ chỗ thực sang không thực ấy, là tình yêu của hai kẻ trọng tài, hiểu người, gần gụi mà không vơi hấp lực. Tình yêu của hai căn phòng và một căn bếp qua hai mươi năm đã có muôn vàn đêm chàng gõ cửa phòng nàng, nàng thấp thỏm để cửa chờ đợi, đã có muôn vàn bữa ăn nàng nấu cho chàng khiến phải lòng hương vị ấy, và rồi chính chàng phải đọc vị để lời cầu hôn vốn đã có nhiều lần được cất cánh, thành tựu… Đó là cái đã có trong lời Thánh Augustin mà Dodin mang ra giải thích cho sự kiên định của mình: “Hạnh phúc là tiếp tục mong cầu những cái đã có”. Như vậy, tình yêu nuôi dưỡng tài năng ẩm thực, và đến lượt mình, vị đầu bếp tài ba dùng ẩm thực để chinh phục người mình yêu.
Thế giới nghệ sĩ
Thế giới phim của Trần Anh Hùng là thế giới của các nghệ sĩ, lối sống nghệ sĩ với cảm quan và hành xử căng đầy cảm xúc nên sự vật sự việc dù khốc liệt luôn được tập kích dưới vẻ quyến rũ, thơ mộng. Trong The taste of things, tài năng đã đưa Dodin và Eugénie thành những nghệ sĩ của ẩm thực, mọi hoạt động nghề nghiệp của họ cũng tương xứng với những thực hành nghệ thuật. Bởi vậy, để cá nhân hóa một nền ẩm thực lừng danh, Trần Anh Hùng đã kìm giữ phong cách điện ảnh đôi khi duy mỹ, phù phiếm tránh cái bẫy của sự trình diễn choáng ngợp, hương xa. The taste of things đã thường trực thuần phác và đột ngột rực rỡ.
Và sự rực sáng ấy đã sáng riêng cho không gian của tình yêu, trường đoạn Dodin “đãi tiệc” cho Eugénie. So với bữa tiệc ồn ào ở trường đoạn đầu bộ phim, đây là bữa tiệc mà sự lãng mạn đã tìm được đường bay vừa phiêu lãng vừa tế vi. Dodin lặng lẽ chăm chú và sáng tạo từng món ăn ở gian bếp để phục vụ Eugénie ở phòng ăn. Việc thụ hưởng ẩm thực đạt được ý nghĩa đích thực của nó, làm ra khoái cảm được nhìn ngắm người yêu mình ăn của chàng đầu bếp, và sự xúc động biết ơn ngấn lệ của nàng thực khách. Và từ đây mở ra một loạt những liên tưởng giữa các cảnh phim, giữa cảnh phim với thế giới nghệ thuật ngoài kia. Hình ảnh Dodin nhai cánh hoa và sáng tạo ra món tráng miệng bắt nối với hình ảnh đầu tiên của bộ phim, Eugénie nhai cà rốt khi vừa bới gọt từ vườn. Tác phẩm điêu khắc bằng đường của Dodin trong món tráng miệng bắt nối với tác phẩm điêu khắc bằng thạch cao White Blank của Trần Nữ Yên Khê, vợ đạo diễn Trần Anh Hùng đã có dịp triển lãm tại Việt Nam. Hình dáng trái lê ngâm trên đĩa match cut với hình dáng khỏa thân của Eugénie trên giường. Trước đó, là một cảnh khoả thân trong bồn tắm của Eugénie hẳn đã khiến khán giả kịp liên tưởng đến họa phẩm The tub của Edgar Degas. Rõ ràng, như Dodin kiên định với lời cầu hôn của mình, Trần Anh Hùng kiên định với niềm tin hoán đổi các giác quan nơi khán giả. Và như Dodin thành công trong lần cầu hôn, Trần Anh Hùng đã thành công khi khán giả cũng được dự phần hạnh phúc.
Bộ phim đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes 2023 The taste of things như gợi nhắc đến bộ phim đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc nhất của LHP Cannes 1993 Mùi đu đủ xanh ở việc ẩm thực được hiện lên trong sự thích thú khám phá học hỏi dưới mắt nhìn bé thơ giúp/học việc, riêng tư ở chỗ phong vị quê nhà đạo diễn với những cách chế biến ẩm thực rất đổi Việt Nam. Bộ phim đánh dấu 30 năm sự nghiệp điện ảnh của Trần Anh Hùng tưởng trở nên dung dị rõ ràng quá đỗi, song kết thúc bằng một xử lý táo bạo bậc nhất. Cách hoàn kết bộ phim là trở lại thế giới phim một lần nữa, làm sống dậy cái vắng bóng, minh định một hào quang. Bằng một cú máy, nhà làm phim đã mang quá khứ đặt vào hiện tại, then chốt một nụ cười, thả đi một ánh nhìn, nụ hôn, lời thủ thỉ để vẫy vào vô tận. Kể ra, sự dũng cảm này thật đáng, vì ánh nhìn ấy, nụ cười ấy, lời thủ thỉ ấy là của tình yêu. □
———-
Điện ảnh của Trần Anh Hùng nói về tình dục nhưng không phải ở hoạt động làm tình mà ở hậu kì của nó, gần thì tỉ tê soi ngắm chỗ cơ thể buông rời, xa thì ở thành tựu hôn sự sinh nở. Điện ảnh của Trần Anh Hùng là đồ ăn, nhưng không thụ hưởng cái sướng khoái của hoạt động ăn uống, mà ở tiền kì của nó, chỗ lưỡi dao, ngọn lửa không chỉ chế biến, làm chín mà còn gợi ra cái khao khát khám phá quện bén. Điện ảnh của Trần Anh Hùng, lời thoại ưa rổn rảng miêu tả đồ ăn, lời thoại ham nhịp phách khơi nhắc chuyện chăn gối. Anh nói về điều này nhưng lại hướng khán giả đến những điều khác, ví như chỗ chăn gối trong Xích lô (1995), không phải gương mặt của Như Quỳnh hay Lương Triều Vĩ đang tã tời tâm trạng, đôi khi người xem thích thú gieo mắt vào những vỏ trái cây nhiệt đới trông như vừa được nhón ra từ tranh Paul Gauguin rơi vãi dấp dính trên chiến địa hoan lạc.