(Nguyễn Hữu Chương, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học và Ngôn ngữ)
1. Đặt vấn đề
Đã có nhiều nghiên cứu về nghĩa ẩn dụ của các từ trong các trường từ vựng chỉ người, bộ phận cơ thể người, động vật và thực vật tiếng Việt. Các từ điển giải thích tiếng Việt đều đã giải thích các nghĩa phái sinh ẩn dụ của từ trong các trường này. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đi vào phân loại các loại nghĩa ẩn dụ của mỗi từ, mỗi trường, cũng chưa có từ điển nào ghi chú loại ẩn dụ bên cạnh lời giải nghĩa.
Việc xác định kiểu loại nghĩa ẩn dụ của mỗi từ, của cả trường có vai trò quan trọng, bởi vì có xác định đúng kiểu loại nghĩa ẩn dụ thì mới xác định đúng được nghĩa ẩn dụ của từ. Nếu xác định không đúng hoặc không chú ý tới kiểu loại ẩn dụ thì có thể xác định nghĩa ẩn dụ của từ không được chính xác. Lấy ví dụ: Từ điển tiếng Việt, 1992 [18] đã giải thích nghĩa của từ cá heo d là: “Động vật có vú sống ở biển rất dễ huấn luyện”. Lời giải nghĩa này đã không nêu được nét nghĩa chỉ loại ẩn dụ là nét hình dáng: “có phần mắt và mõm giống con heo”. Lời giải nghĩa cho từ “bọ ngựa d” trong từ điển trên cũng mắc lỗi tương tự như vậy: “Bọ màu xanh, biết bay, bụng to và có hai càng giống như hai lưỡi hái, sống trên cây, ăn sâu bọ”. Lẽ ra người làm từ điển phải thêm nét nghĩa chỉ hình dáng là: “có hình dáng giống con ngựa”.
Việc xác định, phân loại các loại nghĩa ẩn dụ sẽ là cơ sở để ta ghi chú loại nghĩa ẩn dụ cho mỗi nghĩa phái sinh ẩn dụ của từ, giúp người tra cứu từ điển nắm được cơ sở chuyển nghĩa của từ từ nghĩa gốc sang nghĩa phái sinh là như thế nào, nhờ đó dễ hiểu quy luật chuyển nghĩa, dễ nhớ nghĩa và cách dùng của từ hơn.
Phân loại các loại nghĩa ẩn dụ của từng từ, từng trường là cơ sở để chúng ta tổng kết được chính xác hơn số lượng các kiểu loại ẩn dụ của toàn bộ vốn từ vựng, qua đó thấy được các hướng phát triển nghĩa của từ đa nghĩa trong từng trường, vai trò của mỗi trường trong chức năng định danh của từ vựng tiếng Việt.
Với tầm quan trọng như trên, trong bài viết này, chúng tôi xin nêu kết quả xác định, phân loại các loại ẩn dụ của từ trong bốn trường từ vựng đã nêu, nhận xét về vai trò biểu thị nghĩa của từ khi dùng theo phương thức ẩn dụ.
2. Vấn đề phân loại ẩn dụ
Ẩn dụ là phương thức gọi tên dựa trên những điểm tương đồng giữa hai đối tượng mới và cũ. Vì thế phân loại ẩn dụ chính là phân loại những loại tương đồng này. Các giáo trình về từ vựng học, tu từ học đều đã có phần phân loại về ẩn dụ nhưng đó chỉ là phân loại chung cho cả vốn từ vựng chứ không phân loại theo trường. Chúng tôi xin nêu một vài kết quả phân loại mà đã được nhiều người biết đến nhất.
Ở địa hạt từ vựng học, Đỗ Hữu Châu, 1962 [2,54], đã nêu ra một số loại ẩn dụ từ vựng như: (1). ẩn dụ về hình thức (mũi tầu), (2). vị trí (cổ chai), (3). chức năng, công dụng (cái đồng hồ), (4). hành động (mưa đi, mưa đến, gió thổi, mặt trời mọc), v.v. Trong công trình 1981 [3,160], ông đã nêu ra một số loại ẩn dụ từ vựng như sau: (1). hình thức (mũi thuyền, cánh buồm), (2). vị trí (ruột bút, lòng sông, ngọn núi), (3). cách thức (cắt hộ khẩu, nắm tư tưởng, đừng có vặn nhau nữa), (4). chức năng (bến xe), (5). kết quả (ấn tượng nặng nề).
Nguyễn Thiện Giáp, 1985 [8,183-185] đã nêu ra 8 loại ẩn dụ từ vựng trong từ đa nghĩa, đó là: (1). hình thức (mũi thuyền), (2). màu sắc (màu da trời), (3). chức năng (đèn điện), (4). thuộc tính, tính chất (tình cảm khô) (5). đặc điểm hay vẻ ngoài (Thị Nở, Chí Phèo, Hoạn Thư), (6). từ cụ thể đến trừu tượng (hạt nhân), (7) chuyển tên con vật sang con người (con rắn độc, con họa mi), (8). chuyển tính chất của sinh vật sang sự vật hoặc hiên tượng khác (thời gian đi, con tàu chạy).
Ở địa hạt tu từ học, các nhà nghiên cứu cũng phân loại ẩn dụ dựa trên những nét tương đồng, nhưng cũng có những cách gọi tên khác nhau. Cù Đình Tú, 1983 [17, 279], dựa vào những nét tương đồng giữa hai đối tượng, đã nêu ra 5 loại ẩn dụ tu từ thường gặp nhất. Đó là: (1). trạng thái (Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh), (2). hành động (Con sông nhỏ hứng đủ trăm dòng suối trút xuống), (3). cơ cấu (Thầy quen nhẫn nại như một người đan rổ: tay bắt từng nan một, uốn nắn cho khéo vào khuôn vào khổ. Nhiều nan bị gẫy nhưng rổ vẫn thành rổ), (4) . nhân hóa (Vì sương nên núi bạc đầu), (5). phúng dụ (Con cò chết rũ trên cây, Cò con mở sách xem ngày làm ma).
Các nhà tu từ học khác như Định Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa [9] và [10] phân loại ẩn dụ tu từ thành những loại như: ẩn dụ, ẩn dụ bổ sung, nhân hóa, vật hóa, phúng dụ. Nguyễn Nguyên Trứ nêu ra 2 loại ẩn dụ tu từ là: nhân hóa và phúng dụ [15, 101].
3. Khái niệm ẩn dụ
Thuật ngữ ẩn dụ trong tiếng Anh hiện nay là “metaphor”. Trong tiếng Hy Lạp là từ “metapherein” trong đó “meta” có nghĩa là “từ bên này đưa qua bên kia” và “pherein” có nghĩa là “mang, mang đi”. Cả từ có nghĩa là “vận chuyển, chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, nhượng” [19].
Định nghĩa của Aristotle, 335, trong Poetics: “Ẩn dụ là dùng cái tên của vật này để chỉ vật khác theo cách lấy chủng (genus) để chỉ loại (species) hoặc lấy loại để chỉ chủng, hoặc lấy loại để chỉ loại, dựa theo sự tương đồng (analogy). Ví dụ: “Man is a wolf” (Con người là chó sói)” [1].
Định nghĩa của từ điển Wikipedia, the free encyclopedia: “Ẩn dụ là cách dùng một từ hay cụm từ vốn là tên của vật này để chỉ một vật khác trên cơ sở của tính tương đồng của vật được gọi tên và vật được miêu tả, mà trong đó không có từ so sánh “like” hoặc “as”. Ví dụ: “The moon is a ghostly galleon” (Mặt trăng là một chiến thuyền ma quỉ). Cụm từ: “a ghostly galleon” có nghĩa ẩn dụ là thoắt ẩn, thoắt hiện”. [19].
Đỗ Hữu Châu, 1962, định nghĩa: “Ẩn dụ là cách gọi tên của sự vật này bằng tên của sự vật khác; giữa chúng có mối liên hệ tương đồng” [2, 54].
Nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng định nghĩa ẩn dụ là cách gọi tên vật này bằng tên của vật khác dựa trên những điểm tương đồng giữa hai sự vật, đó là: Nguyễn Văn Tu, 1976 [16], Nguyễn Lân, 1966 [theo 20], Cù Đình Tú, 1983 [17], Nguyễn Thiện Giáp, 1985 [8], Nguyễn Nguyên Trứ, 1988-1989 [15], Lê Đức Trọng, 1993 [14], Đinh Trọng Lạc (chủ biên) – Nguyễn Thái Hòa, 2001 [9], Đinh Trọng Lạc, 2005 [10], v.v.
4. Nhận diện và phân loại các loại ẩn dụ
4.1. Tổng kết phân loại các loại ẩn dụ ở bốn trường từ vựng:
Loại ẩn dụ Trường |
hình dáng |
vị trí |
tính chất |
chức năng |
màu sắc |
Người |
+ |
+ |
+ |
+ |
|
Bộ phận cơ thể người |
+ |
+ |
+ |
+ |
+ |
Động vật |
+ |
+ |
+ |
+ |
+ |
Thực vật |
+ |
+ |
+ |
|
+ |
Bảng tổng kết đã cho thấy số lượng các loại ẩn dụ dùng trong các trường có sự khác nhau. Phần sau đây xin phân loại và dẫn ví dụ cụ thể hơn.
4.2 Ẩn dụ hình dáng
4.2.1. Nhận xét chung
Các ẩn dụ hình dáng bị nhân tố khách quan qui định vì mỗi loại sự vật có một hình dáng riêng. Các từ hay từ tố chỉ hình dáng có khi đứng ở vị trí trung tâm (bọ điện tử, bướu cây), có khi đứng ở vị trí phụ làm định ngữ phân biệt loại (cá ngựa d, bọ ngựa d, gấu ngựa d). Khi làm định ngữ phân biệt loại, tên gọi có khi chỉ hình dáng của cả sự vật như “ngựa” trong “bọ ngựa d”, có khi chỉ chỉ một bộ phận của sự vật như “ngựa” trong “cá ngựa d”, “gấu ngựa d”, v.v. Những trường hợp tên gọi chỉ chỉ bộ phận của sự vật thường gây khó hiểu cho người sử dụng vì nó mơ hồ về nghĩa.
Các nhà làm từ điển cần giải thích cho chính xác loại ẩn dụ hình dáng này.
4.2.2 Phân loại các loại nghĩa ẩn dụ hình dáng trong bốn trường từ vựng (chúng tôi ghi từ loại cho từ đơn, từ ghép, không ghi từ loại cho cụm từ tự do).
4.2.2.1 Ẩn dụ hình dáng trong trường các từ chỉ con người nói chung.
Có hình dáng giống cơ thể con người: (cây) bụt mọc d, (củ) nhân sâm d, hòn Phụ Tử.
4.2.2.2 Ẩn dụ hình dáng trong trường các từ chỉ bộ phận cơ thể người:
(1) Giống đầu hay một bộ phận nào đó ở trên đầu: sọ d (khoai sọ d, sọ dừa d), bướu d (bướu cây), mắt d (mắt tre, mắt mía, mắt dứa, mắt na, mắt lưới, mắt võng, mắt rổ, mắt cáo d, mắt xích d, mũi d (mũi đất d, mũi tên d, mũi nhọn d, mũi dao, mũi kim, mũi Né, mũi Cà Mau, mũi tiến công), môi d (hoa môi d, môi trên d, môi dưới d), miệng d (miệng giếng, miệng bao tải, miệng bát, miệng cái nhọt, miệng núi lửa), mồm d (tàu há mồm d), khẩu d (cửa khẩu d, khẩu súng d, khẩu mía), họng d (họng súng), lưỡi d (lưỡi dao d, lưỡi dao cạo d, lưỡi lê d, lưỡi kiếm d, lưỡi liềm d, lưỡi cưa d, lưỡi cày d, lưỡi rìu d, lưỡi gà d kèn, sáo), răng d (bánh xe răng cưa d, răng bừa, răng lược), tai d (mũ tai bèo d, quạt tai voi d, tai cối xay), tóc d (dây tóc d (bóng đèn), râu d (râu tôm, râu ngô, ăng ten râu d), v.v.
(2) Giống phần tay: tay d (tay tre), móng d (đục móng d, móng cụt không lụt thì bão, khuỷu d (trục khuỷu d), v.v.
(3) Giống ở phần thân: vai d (vai cày d), ruột d (ruột gà d (bút máy), ruột bút bi d, ruột xe đạp d), bụng d (bụng chân d), tim d (môi trái tim), phổi d ( đường phổi d), v.v.
(4) Giống ở phần chân: đùi đĩa d (xe đạp), cẳng d (cẳng tre, cẳng nhãn),v.v.
(5)Giống khí chất: mạch d (mạch nước, mạch điện, mạch vữa, mạch cưa, mạch đá ngầm), v.v.
4.2.2.3. Ẩn dụ hình dáng trong trường các từ chỉ động vật
(1) Giống cả bầy con vật: bầy d (bầy trẻ con), bầy giặc, v.v.
(2) Giống cả con vật: bọ d (bọ điện tử d, bọ ngựa d, bọ rùa d, cá cóc d, cá voi d, cá mập d (xe cá mập), cuốc chim d, dưa chuột d, con chuột d ( máy tính), con chạch d (đê), cỏ gấu d, cỏ sâu róm d, đá ong d (tổ ong), ốc vít d, con ốc d (xe), xoài tượng d, rồng rắn d, người nhái d, đầu ruồi d, v.v.
(3) Giống ở phần đầu con vật: cây sọ khỉ d (Cây xà cừ có quả tròn như cái sọ con khỉ), (mắt) bồ câu d, bờm d (bờm tóc), cá heo d, cá hổ d, cá ngựa d, cá mối d (Cá biển có 2 mắt ở phía trên của đầu giống mắt của con mối), cá tai tượng d, cú mèo d, chén mắt trâu d, gấu chó d, gấu lợn d, gấu mèo d, gấu ngựa d, hoa mõm chó d, hoa mào gà d, khăn mỏ quạ d, mỏ hàn d, mỏ lết d, xương mỏ ác d, giày mõm nhái , vòi nước d, vòi rồng d, vòi voi d, mũi lưỡi trai d, v.v.
(4) Giống phần chi trước con vật: cá chuồn d (Loài cá biển có đôi vây trước như cánh con chuồn chuồn, bay lên khỏi mặt nước được), cá chim d (Cá biển vảy nhỏ, hai vây to ví như đôi cánh chim), càng d (càng xe bò, càng pháo, càng súng máy, bom ba càng d), cánh gà d (Hai bên sân khấu), cánh tay d , cánh tay đòn d, cánh cung d, cánh đồng d, (da) đồi mồi d (Vết hình tròn giống vảy con đồi mồi có ở da chân và da tay người lớn tuổi).
(5) Giống ở phần bụng con vật: (bàn) bầu dục d, bong bóng d (Trời mưa bong bóng phập phồng, bong bóng xà phòng), ruột tượng d, vẩy d (Vết thương đã đóng vẩy), tơ d (tơ chuối, tơ đay), (mình) cá trắm d, bụng cóc, đường xương cá, v.v.
(6) Giống ở phần chi sau con vật: vó d (Ngã chổng vó (nhân hóa), hoa móng rồng d, chân rết d (đường chân rết, các công ty chân rết), chân vịt d (tàu thủy), v.v.
(7) Giống ở phần đuôi con vật: ngòi d: Phần ngòi chích ở đuôi con ong (ngòi bút d, ngòi pháo d, ngòi nổ d, ngòi nước), đuôi d (cờ đuôi nheo d, đuôi mắt d, (tóc) đuôi gà d, (tóc) đuôi sam d, cà dái dê d, v.v.
(8) Giống ở phần lông con vật: bút lông d.
(9) Giống ở động tác của con vật: bơi bướm đg, bơi ếch đg, bơi chó đg, v.v.
4.2.2.4. Ẩn dụ hình dáng trong trường các từ chỉ thực vật
(1) Giống cả cụm cây: cụm d (cụm thi).
(2) Giống cả cây: bòng bong d (Mớ xơ tre sau khi vót có hình dạng bùng nhùng như mớ dây leo bòng bong), Bữa thấy bòng bong che trắng lốp (N.Đ.Chiểu): Cái dù trắng phồng lên như mớ bòng bong), cải cúc d, cây d (cây nước, cây số d, cây rơm, cây bút, cây cột, cây nến, cây sào, cây chông), v.v.
(3) Giống phần ngọn cây: ngọn d (ngọn núi, ngọn đồi, ngọn đèn, ngọn nến, ngọn cờ),v.v.
(4) Giống các phần ở thân cây:
. Giống thân cây: bấc d: Lõi cây bấc trắng xốp (bấc đèn d, bấc (sậy), bấc (cây ngô), sợi d (sợi dây điện, sợi bún, mì sợi, sợi tóc), bản d: Tấm ván (bản vẽ d, bản photocopy, cái thước rộng bản), v.v.
. Giống cành, lá, búp cây, gai: chi d: Cành cây (chi trên, chi dưới, chi nhánh d, (chi nhánh sông, chi nhánh ngân hàng)), gạc d (gạc nai), lá d (lá chắn d, lá tôn, tôn lá, lá thư, lá đơn, lá bài, lá phổi, lá gan, thép lá, mắt lá răm, lông mày lá liễu), đa d (bọ đa d), búp d (búp sen (nụ sen), búp hồng (nụ hoa hồng)), gai d (dây thép gai d, gai ốc d, bệnh gai cột sống, gậy d (bọ gậy d).
. Giống hoa: hoa tai d, hoa tay d, mắt hoa/ hoa mắt, pháo hoa d, (dấu) hoa thị d, cá mè hoa d, chữ hoa, bông d (phương ngữ NB) (bông tai d, pháo bông d, nụ cười d, cười (nụ), nụ hôn d.
. Giống quả: bầu d, (bầu rượu, bầu vú, có bầu (chửa), má bầu), ruốc bông d (bông gòn), bột d (thuốc ho bột, vôi bột, bó bột, cá bột d), buồng d (buồng gan, buồng phổi, buồng trứng d), quả d, (quả cân d, quả đấm d, quả đất d, quả lắc d, quả thận, quả tim, quả trứng, quả bom, quả bóng, cá quả d), trái d (trái tim d, trái đất d), trái bom, trái lựu đạn, hạt d (hạt cát, hạt mưa, viêm họng hạt), cau d (chuối cau d), gạo d (thịt lợn gạo), lê d (dưa lê d), mặt trái xoan d, múi giờ d, múi trái đất, múi dù d, múi thịt.
(5) Giống ở phần gốc: rễ d (tóc rễ tre), tỏi d (cái tỏi gà),v.v.
4.3. Ẩn dụ vị trí
4.3.1. Nhận xét chung
Nghĩa ẩn dụ vị trí của từ, từ tố tùy thuộc vào vị trí của các bộ phận của người, động vật, thực vật.
4.3.2. Ẩn dụ vị trí trong trường các từ chỉ người
(1) Vị trí cao: vua d (xe vua), thánh d (bậc thánh), cha chú d (bậc cha chú),v.v.
(2) Vị trí thấp: con cháu d (hạng con cháu), đàn em d (bậc đàn em), đồ con nít, v.v.
4.3.3. Ẩn dụ vị trí trong trường các từ chỉ bộ phận cơ thể người
4.3.3.1. Các ẩn dụ chỉ vị trí từ cao xuống thấp ở bề ngoài
(1) Ẩn dụ chỉ vị trí cao nhất, trên hết: đầu d ( người đứng đầu nhà nước, cán bộ đầu ngành, đầu đảng d, đầu lĩnh d, đầu sỏ d, đầu nậu d, v.v.
(2) Ẩn dụ chỉ vị trí trước hết: đầu trò d, đầu têu d, đầu gối d, đầu tiên d, đầu đề d, đầu hôm d, đầu lòng d, đầu máy d, đầu mặt d, đầu mẩu d, đầu mối d, đầu nước d, đầu tay t, đầu tiên d, đầu sóng ngọn gió, đầu đường xó chợ, v.v.
(3) Ẩn dụ chỉ vị trí tận cùng: đầu dây d, đầu hồi d, v.v.
(4) Ẩn dụ chỉ vị trí bề mặt: mặt đất d, mặt trăng d, mặt trời d, mặt đường, mặt nước, mặt tiền nhà, mắt trái, mặt phải (của tấm vải), v.v.
(5) Ẩn dụ chỉ một phương diện nào đó: mặt trái d (mặt trái của vấn đề), mặt khác d, Cái gì cũng có hai mặt, mặt tốt, mặt xấu, v.v.
(6) Ẩn dụ vị trí chỉ mép, cạnh: mi d (mi cửa sổ), mép d (mép bàn, mép nước), má d (má bàn chân, má giày, má phanh d), sườn d (sườn núi), lườn d (lườn thuyền),v.v.
(7) Ẩn dụ chỉ vị trí phía sau: gáy d (gáy sách), lưng d (lưng tủ), v.v.
(8) Ẩn dụ vị trí chỉ chỗ nối: cổ d (cổ chai, cổ chày d, cổ tay d, cổ chân d, v.v.
(9) Ẩn dụ chỉ vị trí ở giữa: thân bài d, lưng d (lưng núi, lưng bát cơm, lưng trời), lưng chừng d, bụng d (bụng máy bay), rốn d (rốn ao, rốn chảo, cà rụng rốn).
(10) Ẩn dụ chỉ vị trí thấp nhất: đít d (đít nồi), trôn d (Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn), chân d (chân bàn, chân ghế, chân tường, chân núi, chân mây cuối trời, chân răng, chân tơ kẽ tóc), gót d (gót giày),v.v.
(11) Ẩn dụ chỉ vị trí trọng yếu: huyệt d (Đánh trúng tử huyệt của kẻ thù), thóp d (Biết thóp anh ta sợ ma họ càng trêu tợn), tim d (Nói trúng tim đen), v.v.
(12) Ẩn dụ chỉ toàn bộ phần bên ngoài: xác d, (xác pháo, xác ve, xác xe tăng), v.v.
4.3.3.2. Ẩn dụ chỉ vị trí ở bên trong: cốt d (bê tông cốt thép, chè cốt nước dừa), lòng d (lòng chảo d, lòng đào d, lòng trắng d (trứng), lòng đen d (mắt), lòng đường d, lòng máng d, lòng sông d, lòng bàn tay), ruột d (ruột bánh mỳ, ruột bầu, rút ruột công trình); tim d (tim đường, tim đèn), tâm d (tâm đường tròn, trọng tâm d, tâm điểm d), v.v.
4.3.4. Ẩn dụ vị trí trong trường các từ chỉ động vật:
(1) Ẩn dụ chỉ vị trí cao nhất: đầu đàn d ( nhà khoa học đầu đàn), đầu trộm đuôi cướp, v.v.
(2) Ẩn dụ chỉ vị trí trước hết, sau cùng: đầu đuôi d (đầu đuôi câu chuyện, đầu xuôi đuôi lọt, giấu đầu hở đuôi), v.v.
(3) Ẩn dụ chỉ vị trí bên ngoài: bì d (cân trừ bì, bao bì d, phong bì d, bì thư d), chất độc màu da cam, v.v.
(4) Ẩn dụ chỉ vị trí là một bên: ăn cánh đg, kéo bè kéo cánh đg, v.v.
4.3.5. Ẩn dụ vị trí trong trường các từ chỉ thực vật
(1) Ẩn dụ chỉ vị trí đầu tiên hay nguồn phát sinh: ngọn d (nơi đầu sóng ngọn gió), ngọn nguồn d, ngọn ngành d, mầm mống d (mầm mống tội ác, mầm mống bệnh tật), gốc d (quê gốc, bản gốc), v.v.
(2) Ẩn dụ chỉ vị trí là một bộ phận sinh ra từ một nguồn gốc: chi d (Họ Nguyễn có nhiều chi), chi nhánh d, v.v.
(3) Ẩn dụ chỉ vị trí là phần nối với phần gốc: cuống d (cuống vé, cuống rốn,cuống huân chương), cuống họng d, v.v.
(4)Ẩn dụ chỉ vật ở vị trí bên ngoài: vỏ chai d, vỏ não d, vỏ xe d, vỏ bọc d, vỏ bào d, vỏ ốc, vỏ hến, vỏ chăn, vỏ đạn, vỏ phích, vỏ bao thuốc, vỏ bánh mỳ),v.v.
(5) Ẩn dụ chỉ cả bên ngoài và bên trong: xơ múi d.
(6) Ẩn dụ chỉ kết quả: nhân quả d, kết quả d, hậu quả d, v.v.
(7) Ẩn dụ chỉ vị trí gốc, cơ bản: căn bản d: rễ + gốc (tiếng Anh căn bản), gốc rễ d, quan hệ dây mơ rễ má, v.v.
(8) Ẩn dụ chỉ vị trí bên trong: lõi d (lõi thép), cốt lõi d (cốt lõi của vấn đề), hạt nhân d (vũ khí hạt nhân, Cán bộ đoàn giỏi là hạt nhân của tổ chức đoàn), v.v.
4.4 Ẩn dụ tính chất
4.4.1. Nhận xét chung: Các danh từ cũng có nghĩa biểu trưng ẩn dụ chỉ tính chất. Căn cứ vào nghĩa biểu vật của từ, ta có thể chia loại nghĩa ẩn dụ tính chất thành những loại nhỏ hơn. Sau đây là những loại ẩn dụ tính chất trong bốn trường từ vựng.
4.4.2. Ẩn dụ tính chất trong trường các từ chỉ người
Các từ ngữ chỉ người cũng được dùng theo nghĩa ẩn dụ để chỉ tính chất. Có thể chia loại ẩn dụ tính chất trong trường này thành một số loại nhỏ hơn.
(1) Ẩn dụ tính chất chỉ trí tuệ, nhận thức: bác học d (Văn chương bác học (khó hiểu)), thánh d (Nói như thánh. Thánh thật), thánh tướng d ( Nói thánh tướng. Nói thánh nói tướng), thần d (Đoán như thần. Đúng là thần dược), thần thánh d (cuộc kháng chiến thần thánh), tiên d (thuốc tiên), bù nhìn d (vua bù nhìn, chính phủ bù nhìn), v.v.
(2) Ẩn dụ tính chất chỉ tính nết: bồ tát d (lòng bồ tát), Của người bồ tát, của mình lạt luộc (Lấy của người khác đem cho thì tỏ ra hào phóng rộng rãi như bồ tát còn của mình thì giữ chặt không chịu bỏ ra tí gì (lạt luộc), bụt d (lành như bụt), nặc nô d (Người phụ nữ dữ dằn làm nghề đi đòi nợ thuê thời phong kiến. Hiện nay người ta dùng từ này để chỉ những người phụ nữ ghê gớm, dữ dằn, nghịch ngợm: con nặc nô, đám con gái nặc nô), nhân d (vô nhân t, bất nhân t, có nhân t), v.v.
(3) Ẩn dụ tính chất chỉ mức độ cao, tầm cỡ lớn: bụt d (Bụt trên tòa gà nào mổ mắt), ông d, cha d (con ông cháu cha, cá ông d), vua d (được làm vua thua làm giặc, vua cờ, vua dầu lửa, v.v), tổ d (giữ như giữ mả tổ),v.v.
(4)Ẩn dụ tính chất chỉ khối lượng to, nhỏ: bố d (bao bố d, to tổ bố), hộ pháp d (người hộ pháp, bàn tay hộ pháp), con d (cái nồi con, xe con, cái thìa con),v.v.
(5) Ẩn dụ tính chất chỉ mối liên hệ di truyền, gần gũi, nhân quả: họ d (họ tre, gà thuộc họ chim, họ ngôn ngữ), họ hàng d (nhóm ngôn ngữ có quan hệ họ hàng), cha d, con d (cha nào con nấy), v.v.
4.4.3. Ẩn dụ tính chất trong trường các từ chỉ bộ phận cơ thể người
(1) Ẩn dụ chỉ tính chất chính, phụ: cốt tủy d (nội dung cốt tủy), râu ria d (chi tiết râu ria), v.v.
(2) Ẩn dụ chỉ khối lượng lớn, nhỏ: tóc d (sợi tóc chẻ làm tư), tơ tóc d (“Của tuy tơ tóc nghĩa so muôn trùng” (Nguyễn Trãi)), v.v.
(3) Ẩn dụ chỉ mức độ khó, dễ: xương d (Việc ấy xương lắm), xương xẩu d (việc xương xẩu khó ăn),v.v.
(4) Ẩn dụ chỉ tính chất gần gũi, di truyền, nhân quả: máu d (Một giọt máu đào hơn ao nước lã), máu thịt d (quan hệ máu thịt), (Tinh thần yêu nước đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt Nam), máu mủ d (quan hệ máu mủ), huyết thống d (Anh em ruột thì có quan hệ huyết thống), ruột d (anh em ruột, học trò ruột, mối hàng ruột),v.v.
(5) Ẩn dụ chỉ tính liên tục, mạch lạc: mạch d (Ngủ một mạch từ tối đến sáng, Đi một mạch từ chợ về nhà, mạch văn, mạch suy nghĩ), mạch lạc d (Văn viết mạch lạc), v.v.
4.4.4. Ẩn dụ tính chất trong trường các từ chỉ động vật
(1) Ẩn dụ tính chất chỉ phẩm chất trí tuệ, nhận thức: bò d (Đứa đầu bò), cáo d (Tên cáo già), cù lần d (Anh chàng cù lần), gà mờ t (tay gà mờ), gà què ăn quẩn cối xay, v.v.
(2) Ẩn dụ tính chất chỉ tính nết: cáy d (Người như con cáy), cóc tía d (gan cóc tía), chó d ( đồ chó, chó sói d (Đồ chó sói), chó dại cắn càn, mèo mả gà đồng, đầu trâu mặt ngựa, dê cụ d, gấu t (Hắn rất gấu), lang sói d (Quân lang sói), lươn lẹo t (Tính tình lươn lẹo), đĩ ngựa t (Thứ đĩ ngựa), hủi d (lười như hủi, đồ hủi), nọc d (Nói chạm nọc tham lam của anh ta là anh ta nổi cáu), miệng hùm gan sứa, khẩu Phật tâm xà, (mắt) cú vọ d, v.v.
(3) Ẩn dụ chỉ tính chất của hành vi, hành động: trò mèo d, dã tràng d (công dã tràng), hùng hổ t (Giặc hùng hổ kéo tới), hứa hươu hứa vượn, hến d (câm như hến), ma d (hồ sơ ma, công ty ma), ma quái d (trò ma quái), yêu ma d (Đám yêu ma ra sức đục khoét tài sản của nhà nước), yêu ma chước quỉ (Địch giở những thủ đoạn yêu ma chước quỉ), yêu quái d (Đám yêu quái tham nhũng), yêu tinh d (Mụ ta là con yêu tinh), điều ong tiếng ve (gây khó chịu), ong bướm d (trò yêu đương ong bướm), tin vịt d, cháy nhà ra mặt chuột.
(4) Ẩn dụ tính chất chỉ mức độ, tầm cỡ, vị thế: cò con t (Làm ăn kiểu cò con), chúa sơn lâm d, chuột sa chính gạo, chó nhảy bàn độc, rồng d (Rồng đến nhà tôm), tôm tép d (Hạng người tôm tép), v.v.
(5) Ẩn dụ tính chất chỉ khối lượng: đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được bát nước sáo, miệng hùm gan sứa, tôm hùm d, v.v.
(6) Ẩn dụ tính chất chỉ tuổi tác: cốc đế d, nai d (con nai tơ), cưa sừng làm nghé, v.v.
(7) Ẩn sụ tính chất chỉ tốc độ: rùa d (đi như rùa), sên d (đi như sên), cắt d (lao như cắt),v.v.
(8) Ẩn dụ tính chất chỉ nhiệt độ: da gà d (Người da gà (da nóng)).
4.4.5. Ẩn dụ tính chất trong trường các từ chỉ thực vật
(1) Ẩn dụ tính chất chỉ phẩm chất của trí tuệ, nhận thức: lõi d (lõi đời t), bé hạt tiêu (khôn), gạo cội d (Tay thợ gạo cội), óc bã đậu, v.v.
(2) Ẩn dụ tính chất chỉ tính nết, ý chí: tiết d: Cái đốt tre (tiết tháo d, tiết hạnh d, tiết nghĩa d, thủ tiết đg), lá d (lá mặt lá trái), rơm d (anh hùng rơm), mo d (mặt mo), v.v.
(3) Ẩn dụ chỉ tính chất của hành vi, hành động: bỗ bã t (Ăn nói bỗ bã), học gạo đg, chanh chua t (Ăn nói chanh chua), v.v.
(4) Ẩn dụ tính chất chỉ mức độ, tầm cỡ, phẩm chất: bấc d (tiếng bấc tiếng chì), bèo d (giá bèo, Phận bèo bao quản nước sa), bèo bọt d (giá bèo bọt), cây d (cây văn nghệ, cây đa cây đề), lá cải d (tờ báo lá cải), rơm d (quyền rơm vạ đá), rơm rác d (hạng người rơm rác), rác rưởi d (thứ người rác rưởi), v.v.
(5) Ẩn dụ tính chất chỉ số lượng, khối lượng: rừng d (rừng người, rừng cờ).
(6) Ẩn dụ tính chất chỉ tuổi tác: măng d (trẻ măng), măng non d (lứa tuổi măng non), mầm non (trường mầm non), v.v.
(7) Ẩn dụ tính chất chỉ phẩm chất gốc: bản d (bản chất d, bản năng d, bản thân d, bản thể d), căn bản t: rễ cây, gốc cây (kiến thức căn bản), căn cơ t: rễ cây, nền nhà (tính căn cơ), thâm căn cố đế: rễ cây sâu, cuống hoa vững), v.v.
(8) Ẩn dụ tính chất chỉ vị giác: ngậm bồ hòn làm ngọt, ớt d (Ăn phải ớt), mía d (Nói như mía lùi), mật d (Lời nói đường mật), v.v.
(9) Ẩn dụ tính chất chỉ tính bất định: cao su d (giờ cao su).
4.5. Ẩn dụ chức năng
4.5.1 Ẩn dụ chức năng trong trường các từ chỉ con người nói chung
Ẩn dụ chức năng chỉ hành động: bù nhìn d (ông vua bù nhìn, chính phủ bù nhìn), cha d (cha cố d, cha xứ d, cha đẻ của bom nguyên tử, Hồ Chủ tịch là người cha của Quân đội Nhân dân Việt Nam (sáng lập), tổ d (ông tổ của nghề mộc), v.v.
4.5.2. Ẩn dụ chức năng trong trường các từ chỉ bộ phận cơ thể người
(lá) phổi d (Rừng Cần Giờ là lá phổi của TP Hồ Chí Minh).
Số lượng các từ mang nghĩa ẩn dụ chức năng trong trường từ vựng này ít, hầu hết là những từ mang nghĩa hoán dụ, chẳng hạn: gan dạ t, thương tâm t, nóng gáy t, ngậm miệng đg, bẻn mép t, v.v. [4].
4.5.3. Ẩn dụ chức năng trong trường các từ chỉ động vật
(1) Ẩn dụ chức năng chỉ hành động: cò mồi d (Đám cò mồi chèo kéo người bệnh trước cửa bệnh viện), mọt d (Đám quan chức tham nhũng mọt dân), vây cánh d (Giám đốc và vây cánh của ông ta....), trâu d (Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu), trâu ngựa d(Kiếp trâu ngựa), chó săn d (Lũ chó săn làm tay sai cho giặc), con bài d (con bài chính trị), con cờ d (con cờ chính trị), con đội d (Hai nhịp cầu gối trên một con đội), con lắc d, con lăn d, con rối d, con số d, con tính d, con xỏ d, v.v.
(2) Ẩn dụ chức năng chỉ sự vận động: con chạy d (con chạy của thước), con nước d, v.v.
Trường thực vật không có loại ẩn dụ chức năng.
4.6. Ẩn dụ màu sắc
4.6.1. Ẩn dụ chỉ màu sắc trong trường các từ chỉ bộ phận cơ thể người: (cây) huyết dụ d, (màu) máu d, v.v.
4.6.2. Ẩn dụ chỉ màu sắc trong trường các từ chỉ động vật: (màu) cánh gián d, (màu) cánh kiến d, (màu) cánh trả d, nhãn da bò d, (màu) gạch cua d, (đất) gan gà d, đất thịt d, v.v.
4.6.3. Ẩn dụ chỉ màu sắc trong trưởng các từ chỉ thực vật: da cam d, nâu d / nu d (màu nâu), chàm d, lục d, than d (giấy than d), bột d (công tử bột), mun d (gỗ mun, đũa mun), v.v.
5. Kết luận
1. Hầu hết các từ chỉ con người, bộ phận cơ thể người, động vật, thực vật đều được dùng theo nghĩa ẩn dụ. Hai trường từ vựng là trường chỉ các bộ phận cơ thể người và động vật có 5 loại ẩn dụ: hình dáng, vị trí, tính chất, chức năng, màu sắc. Hai trường từ vựng chỉ con người và động vật có 4 loại ẩn dụ. Trường từ vựng chỉ con người có 4 loại ẩn dụ là: hình dáng, vị trí, tính chất, chức năng. Trường từ vựng chỉ thực vật có 4 loại ẩn dụ là: hình dáng, vị trí, tính chất, màu sắc.
2. Việc chọn dùng từ theo nghĩa ẩn dụ cũng như hoán dụ bị nhân tố khách quan qui định. Chẳng hạn, vì cái đầu con người, con vật ở vị trí cao nhất, trên hết, trước hết, tận cùng cho nên người ta đã dùng từ đầu d theo nghĩa ẩn dụ chỉ vị trí trên hết, trước hết của vật: đầu van, đầu núi, đầu đường, đầu máy bay, v.v. Hiểu được đặc điểm của sự vật khách quan sẽ là cơ sở để suy ra nghĩa ẩn dụ.
3. Phân loại ẩn dụ là tiền đề để xác định đúng nghĩa ẩn dụ của từ, thấy được các hướng phát triển nghĩa của mỗi từ, mỗi trường trong vốn từ vựng của ngôn ngữ.
4. Phân loại ẩn dụ theo trường là cơ sở để chúng ta có một cái nhìn tổng quan về các loại ẩn dụ có trong mỗi trường, và trên cơ sở so sánh nghĩa của các từ khác trường nhưng gần nghĩa, ta có thể phân biệt được sự khác nhau tinh tế về nghĩa của những từ gần nghĩa này, chẳng hạn giữa các từ: “ngọn nguồn” và “đầu nguồn”, “ngọn ngành” và “đầu ngành”,v.v.
5. Ngay ở bước phân loại ẩn dụ, chúng ta đã có thể thấy được là sự chuyển nghĩa theo ẩn dụ diễn ra trong cùng trường hay khác trường. Cùng trường như: bụng (người) ® bụng chân, đầu (người) ® đầu gối, đầu ngón tay, đầu ngón chân; khác trường như: rốn (người) ® rốn biển, rốn ao, rốn cà, v.v.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. R.E.Asher – J.M.Y.Simpson – The Encyclopedia of language and linguistics, Volum 5, p2452 – 2458, UK Pergamon Press Oxford. New York. Seoul. Tokyo, First edition,1994.
2. Đỗ Hữu Châu – Giáo trình Việt ngữ, tập 2 (Từ hội học), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1962.
3. Đỗ Hữu Châu – Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1981, tái bản 1999.
4. Nguyễn Hữu Chương – Từ điển ẩn dụ, hoán dụ tiếng Việt, Đề tài NCKH, ĐHQG, TPHCM, 2012.
5. Trần Văn Cơ – Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ), NXB KHXH, 2007.
6. Nguyễn Đức Dân – Ngữ nghĩa thành ngữ và tục ngữ, sự vận dụng, Tạp chí ngôn ngữ số 3/1986.
7. Lê Văn Đức – Việt Nam tự điển (quyển thượng và quyển hạ), Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
8. Nguyễn Thiện Giáp – Từ vựng học tiếng Việt, NXB ĐH và THCN, Hà Nội, 1985.
9. Đinh Trọng Lạc (chủ biên) – Nguyễn Thái Hòa – Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2001.
10. Đinh Trọng Lạc – 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2005.
11. G. La Koff and M.Johnson – Metaphors we live by, The University of Chicago Press, Chicago and London, 2003.
12. N.E.Renton – Metaphorically Speaking: A dictionary of 3,800 picturesque idiomatic Expressions, Warnerbooks, A time Warner Company, USA 1992.
13. Hoàng Trinh – Từ ký hiệu học đến thi pháp học (giải thưởng Hồ Chí Minh), NXB Đà Nẵng, 1997.
14. Lê Đức Trọng – Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (Việt – Anh – Pháp – Nga), NXB TP Hồ Chí Minh, 1993.
15. Nguyễn Nguyên Trứ - Đề cương bài giảng về phong cách học, Khoa Ngữ văn, ĐHTH TP Hồ Chí Minh, niên khóa 1988 – 1989.
16. Nguyễn Văn Tu – Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH và THCN, Hà Nội, 1976.
17. Cù Đình Tú – Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB ĐH và THCN, Hà Nội,1983.
18. Viện KHXHVN – Viện ngôn ngữ học – Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, Việt Nam, 1992.
19. Wikipedia, the free encyclopedia (http://en.wikipedia.org/wiki/metonymia/metaphor).
20. Nguyễn Như Ý (chủ biên) – Hà Quang Năng – Đỗ Việt Hùng - Đặng Ngọc Lệ - Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (tái bản lần thứ ba), NXB Giáo dục, 2001.