Vấn đề ngôn ngữ của học sinh dân tộc thiểu số trong giáo dục phổ thông (Trường hợp học sinh người M’nông tỉnh Đăk Nông)

(Nguyễn Công Đức, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học
của Khoa VH&NN)

1. Chương trình 135 của Chính phủ về vùng Tây Nguyên đã được triển khai thực hiện gần 4 năm qua nhằm phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo tại các xã, thôn, buôn làng đặc biệt khó khăn đã đem lại một số kết quả khích lệ ban đầu đối với đời sống kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Đến nay, Chương trình này đang triển khai thực hiện giai đọan 3. Tuy những kết quả ban đầu do Chương trình mang lại, dù được nhìn nhận và đánh giá là tích cực, nhưng hãy còn nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra, nếu chưa thực sự giải quyết một cách căn cơ, tòan diện, thì vị tất đã có thể bảo lưu được một số kết quả ban đầu; đó là  còn chưa nói đến triển vọng sẽ đạt được những mục tiêu cơ bản về kinh tế-văn hóa-xã hội của Chương trình 135 đề ra khả dĩ đáp ứng được sự mong đợi của các tộc người Việt Nam ở Tây Nguyên, trong đó các tộc người thiểu số bản địa là hết sức quan trọng – như nhận định và đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu và các nhà quản lí xã hội trong những cuộc Hội thảo sơ kết việc triển khai thực hiện Chương trình 135 trong những giai đọan vừa qua. Rõ ràng, để đạt được kết quả một cách tất yếu và bền vững không thể không tập trung giải quyết một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, có tính nền tảng, căn nguyên, đó là vấn đề giáo dục – dân trí phát triển bền vững của mọi mặt đời sống xã hội. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Đảng và Nhà nước đã xác định rõ : “ giáo dục là quốc sách hàng đầu ”. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều vấn đề cấp bách đặt ra, vì trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược giáo dục nói chung, chiến lược giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó có vùng Tây Nguyên, đã bộc lộ không ít những bất cập, nên Hội nghị Trung ương VIII, khóa XI vừa mới diễn ra, giáo dục là một trong những vấn đề trọng tâm có tính cấp thiết được đưa ra bàn thảo trong Hội nghị.

2. Thực trạng của công tác giáo dục ở Tây Nguyên nói chung, ở Tỉnh Đăk Nông nói riêng, một tỉnh mới được tái lập gần 10 năm nay, ngày 1/ 1/ 2004, cũng đã đặt ra nhiều vấn đề có tính đặc thù về giáo dục của một địa phương cụ thể ở vùng Tây Nguyên rất cần được quan tâm nghiên cứu nhằm từ đó mà tìm ra những phương sách phù hợp, cụ thể, thực tế và khách quan để đưa giáo dục và dân trí, đặc biệt là đối với các tộc người thiểu số, trước hết là tầng lớp thanh thiếu niên dần dần trong một kế họach trung hạn, khỏang 10 đến 12 năm đạt được mặt bằng chung về giáo dục và dân trí có thể so với nhiều địa phương khác trong tòan quốc khả dĩ tạo nền tảng thực tế cho sự phát triển bền vững về mọi mặt : kinh tế - văn hóa - xã hội, và cả những lĩnh vực như an ninh – quốc phòng của địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê cũng như của Tỉnh Đăk Nông, tính đến năm 2011, dân số tòan tỉnh là 516.300 người. Do những chuyển biến về cơ cấu dân số - tộc người, mà từ ba bốn tộc người thiểu số bản địa ở đây như M’nông, Ê Đê, Mạ,…, thì nay, Đăk Nông có tới trên dưới 40 tộc người thiểu số cư trú, sinh sống. Tuy vậy, là một dân tộc thiểu số bản địa từ lâu đời, người M’nông vẫn chiếm một số lượng cao nhất với xấp xỉ 40.000 người ( cụ thể là 39.964 người ); có lẽ đến nay, 11/ 2013, dân số M’nông chắc có thể đã vượt hơn 40.000 người ( theo số liệu của Tổng cục thống kê : tỉ lệ tăng tự nhiên dân số ở Tỉnh Đăk Nông, trong đó có dân tộc thiểu số M’nông : 2010 # 15,2%, 2011 # 14,4%, 2012 # 15,7% ) rất cần thiết phải khảo sát một cách tòan diện, khách quan, sâu sắc để trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khả tín đạt được góp phần cho các cấp quản lí hữu quan họach định những chính sách, kế họach vĩ mô cũng như vi mô của địa phương một cách tương thích với sự phát triển chung của địa phương, trước hết là phát triển giáo dục và nâng cao mặt bằng dân trí cho dân tộc thiểu số bản địa có số lượng cao nhất trong các thành phần dân tộc thiểu số hiện nay ở Đăk Nông – như vừa đề cập ở trên là dân tộc M’nông. Vì lẽ, chính những tác động của chính sách cũng như kế họach của các cấp chính quyền địa phương về giáo dục, văn hóa – xã hội theo chiều hướng tích cực của sự phát triển bền vững các mặt xã hội – văn hóa đối với tộc người M’nông sẽ có khả năng đa hưởng và cộng hưởng đối với cộng đồng các tộc người thiểu số khác của địa phương cả trên các bình diện tâm lí – văn hóa truyền thống lẫn trên bình diện giáo dục – xã hội,… Và cũng có thể từ những kết quả đạt được do những chính sách, kế họach phù hợp của các cấp quản lí hữu quan đối với sự phát triển giáo dục và dân trí đối với dân tộc M’nông, mà từ đó có những điều chỉnh kế họach cho phù hợp với tâm lí – văn hóa đối với các tộc người thiểu số của tỉnh nhà ( vì nhiều dân tộc thiểu số chuyển di từ những vùng cao Phía Bắc Việt Nam vào đây, nên những khác biệt về tâm lí – văn hóa truyền thống là điều không thể không quan tâm ).

            3. Quyết định số 53-CP, ngày 22/2/1980 của Hội đồng Chính phủ “ Về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số” đã thể hiện một chủ trương khả chấp của Hội đồng Chính phủ lúc bấy giờ, cả về mặt quan điểm lẫn phương diện có tính chất hướng dẫn, chỉ đạo chung đối với các công tác liên quan đến tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số lúc ấy, nhất là đối với các dân tộc thiểu số ở Phía Bắc . Song, do hòan cảnh và những điều kiện về kinh tế-xã hội-lịch sử lúc đó ở Phía Nam, đặc biệt là vùng Tây Nguyên cũng như những khu vực có các cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú ở vùng Duyên hải Trung Bộ đã không thể thực hiện được vì cơ sở thực tế của hòan cảnh xã hội cũng như các điều kiện cần và đủ của vùng này.

            Chẳng hạn, năm 1982, theo tinh thần của Quyết định 53 – CP của Hội đồng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Đăk Lăk ( bao gồm cả Đăk Nông hiện nay) đã yêu cầu UB KH-KT Tỉnh cùng với Sở giáo dục lúc bấy giờ triển khai công việc nghiên cứu, xây dựng / cải tiến chữ viết cho tộc người thiểu số M’nông ; đồng thời, biên sọan một số công trình nghiên cứu về tiếng M’nông, tài liệu học tập tiếng M’nông và một số sách vở công cụ hỗ trợ kèm theo. Sau hơn 4 năm làm việc, các công trình liên quan đã được UBND Tỉnh phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM và Chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. HCM nghiệm thu với đánh giá tích cực. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu và ứng dụng ấy, do hòan cảnh xã hội – kinh tế, đã không thể thử nghiệm và triển khai trên thực tế. Cho nên, đến nay, tuy hòan cảnh kinh tế - xã hội đã khác nhiều so với trước đây, nhưng sự phát triển về giáo dục và mặt bằng dân trí của tộc người thiểu số M’nông ( hiện nay, sinh sống phần lớn ở Tỉnh Đăk Nông ), trước hết là tầng lớp thanh thiếu niên đã không phát triển một cách tương thích với thời gian và hòan cảnh xã hội cũng như các điệu kiện hiện nay.

4. Như vừa có một vài nhận xét về thực trạng giáo dục và dân trí nêu trên của lứa tuổi thanh thiếu niên – lứa tuổi trong thời kỳ học tập của học sinh các cấp người M’nông, rõ ràng là vấn đề hết sức cấp thiết liên quan đến sự phát triển bền vững mọi mặt con người – kinh tế - xã hội chẳng những đối với riêng các thế hệ tộc người M’nông, mà còn liên quan đến sự phát triển chung của Tỉnh Đăk Nông và của cả vùng Tây Nguyên.

Một vài số liệu tổng kết năm học 2012 – 2013, cho thấy thực trạng giáo dục phổ thông các cấp của học sinh các dân tộc thiểu số ở Đăk Nông, trong đó phần đa số là học sinh người M’nông là rất đáng báo động.

Theo website của Đài Phát thanh – Truyền hình Đăk Nông, ngày 15 tháng 3 năm 2013:

            Đến hết năm học 2012 – 2013, tòan tỉnh có 46.527 học sinh dân tộc thiểu số trên tổng số 140.085 học sinh tòan tỉnh, chiếm 33,4%. Trong số đó, học sinh dân tộc thiểu số M’nông và dân tộc Mông ( theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến ngày 1 / 4 / 2009, người Mông có 21.952 người ) là 22.283 em, chiếm tỉ lệ 47,9% ( trong tổng số học sinh là người dân tộc thiểu số trên tòan tỉnh ).

            Học sinh dân tộc thiểu số có xu hướng giảm mạnh theo từng cấp học, từ dưới lên trên. Cụ thể là, ở bậc tiểu học, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 41,6% trong tổng số học sinh tiểu học tòan tỉnh. Ở cấp trung học cơ sở, tỉ lệ đó là 30,2%. Đến cấp trung học phổ thông, tỉ lệ chỉ còn 19,9%.

            Cũng theo website trên, học sinh dân tộc thiểu số học kém chiếm tỉ lệ ngày càng cao tỉ lệ thuận với cấp học từ tiểu học đến trung học cơ sở rồi đến trung học phổ thông. Cụ thể như sau : cấp tiểu học, có 18% học sinh dân tộc thiểu số học kém; cấp trung học cơ sở, con số đó là 26%; đến cấp trung học phổ thông,  tỉ lệ học sinh học kém ( người ta nói theo lối uyển ngữ là học sinh có học lực yếu ) là một con số rất đáng lo ngại và rất đáng suy nghĩ: 38%. Một nhận định như vậy là vì, cấp trung học phổ thông là cấp học có tầm quan trọng đặc biệt. Vì từ cấp học này, học sinh mới có thể đi vào các trường đại học hoặc cao đẳng hoặc chuyên nghiệp, tức là đi vào “cỗ máy cái” của nền giáo dục quốc gia để được đào luyện, mà sau một thời gian nhất định, “những học sinh phổ thông” trước kia mới trở thành những con người có thể có năng lực góp phần vào việc làm nền tảng, làm “ cơ sở hạ tầng” cho sự phát triển bền vững những mặt liên quan của từng vùng và của quốc gia. Rõ ràng, những con số về con người – học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học phổ thông trong thực trạng giáo dục nêu trên, cho thấy, có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển nhiều mặt của địa phương. Đến 2010, tòan tỉnh Đăk Nông có 1.148 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm khỏang 7,98% trên tổng số cán bộ, công chức cả tỉnh ( Tạp chí Mặt trận – Cơ quan của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – số 83[ 9-2010 ] ) cho thấy hệ lụy của thực trạng giáo dục như chúng tôi nhận định  trên đây.

            Thực trạng giáo dục, trước hết là giáo dục phổ thông các cấp của học sinh dân tộc thiểu số M’nông, như những số liệu mà chúng tôi thu thập và nêu ở trên, đương nhiên là có nguyên do của nó. Theo chúng tôi, một nguyên do có tầm quan trọng đặc biệt, đó là ngôn ngữ / tiếng nói cùng với đó là cách nhận thức, cách quan niệm và phương thức hiện thực hóa ngôn ngữ trong họat động giáo dục ở  nhà trường phổ thông các cấp một cách cụ thể và thực tế trong bối cảnh của một quốc gia thống nhất, đa ngôn ngữ  cần / nên diễn ra như thế nào, thì mới có thể đạt được của công tác giáo dục, trước hết là giáo dục tiểu học. Xin trích một đọan trong bài Phóng sự trên tờ Tin tức của Ngân hàng Thế giới về Dự án giáo dục tiểu học cho học sinh dân tộc thiểu số ở Việt Nam do Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản, tổ chức Cứu trợ trẻ em ( save the children ) và Ngân hàng Thế giới đồng quản lí, số ra ngày 4 / 3 / 2013 : “Ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái, Điện Biên và Quảng Trị ở Việt Nam, nhiều học sinh dân tộc thiểu số không thích đi học. Do không nói được tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức dùng trong giảng dạy ở nhà trường – các em cảm thấy rất khó hiểu được bài. Thầy cô giáo phải thường xuyên đến từng nhà học sinh để vận động các em đến trường ”.

            5. Một nhận định như vậy, quả thực không phải là điều mới mẻ. Vì lẽ, kể từ năm 1980 với Quyết định 53 – CP của Hội đồng Chính phủ đến Thông tư số 1/GD-ĐT “ Hướng dẫn việc dạy học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số ” của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3 tháng 2 năm 1997, rồi đến Thông báo số 1760/VP, Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng “ V/v biên sọan chương trình và SGK dạy tiếng dân tộc ” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 11 tháng 3 năm 2004, tuy nhiên, từ những định hướng vĩ mô đó, cho đến nay, những kết quả khả chấp đối với giáo dục phổ thông nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng trên thực tế hãy còn ở tương lai. Trong tiến trình họach định chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô liên quan đến việc dạy và học tiếng dân tộc, Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “ Về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi ” ban hành tháng 11 năm 2004, là cơ sở đúng đắn trên bình diện xã hội – chính trị nhằm mục tiêu tổng quát là tạo dựng cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục ở các vùng dân tộc, miền núi. Thực hiện Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, năm 2005, Bộ Nội vụ cùng với UBND Tỉnh Đăk Nông, mà trực tiếp là Sở Nội vụ có sự phối hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với một số cơ quan, đơn vị liên quan như Ban dân tộc Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ của Tỉnh,  đã đề nghị một số nhà chuyên môn của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện một số công trình về dạy và học tiếng M’nông cho cán bộ, công chức người Kinh, trong đó có đội ngũ công chức, giáo viên tiểu học cũng như việc dạy và học tiếng Việt cho cán bộ, công chức người M’nông. Đồng thời, một số tài liệu, sách vở có tính chất công cụ hỗ trợ cũng được biên sọan nhằm phục vụ một cách thiết thực, hiệu quả cho mục đích đã xác định của Đề tài. Sau gần 2 năm thực hiện, các công trình thuộc đề tài này được Bộ Nội vụ và UBND Tỉnh tổ chức nghiệm thu vào cuối năm 2006. Tuy được đánh giá vào lọai tốt, song theo tôi, những kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu này cũng mới chỉ là bước đầu. Vì lẽ, có thể nói, do một số khó khăn của điều kiện thực hiện, mà trong suốt quá trình triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã phải trừu tượng hóa một số phương diện thực tế có liên quan đã khiến cho tác dụng thực tiễn của đề tài hãy còn hạn chế. Cho nên, để đạt được hiệu quả thực tiễn như tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kế thừa một số kết quả đạt được bước đầu đó, công việc rất nên được tiếp tục.

            6. Như vậy, rõ ràng là, từ quan điểm đến chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô có thể đúng, song điều quan trọng hơn nhiều là cách nhận thức hiện trạng của thực tế khách quan và phương pháp thực hiện, cả các thủ pháp, thao tác thực hiện có thực tế và cụ thể hay không, thì mới khả dĩ mang lại một hiệu quả thực tiễn khả chấp.

            Với một thực trạng giáo dục phổ thông các cấp, đặc biệt là cấp tiểu học như phác thảo sơ nét ở những phần trên của bài viết này thông qua một số dữ liệu định lượng thu thập được từ hiện trạng giáo dục các cấp phổ thông năm học 2012 – 2013 ở Tỉnh Đăk Nông, thiết nghĩ,  nên triển khai sớm một số công việc có tính cấp thiết như đề nghị dưới đây, để trong một thời gian ngắn có thể đạt những mục tiêu ban đầu về bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông các cấp cùng với việc nâng cao dân trí cho cộng đồng tộc người thiểu số M’nông, trước hết là học sinh phổ thông. Đồng thời cũng qua đó mà  khả dĩ khắc phục một cách căn bản hiện tượng bỏ học và sự giảm mạnh về số lượng học sinh phổ thông dân tộc thiểu số theo học tại các cấp học này, cụ thể là học sinh M’nông theo trình tự cấp học từ thấp lên cao. Song song với việc bảo đảm số lượng học sinh người dân tộc thiểu số ở các cấp học phổ thông, thì đó cũng chính là làm giảm bớt một cách cơ bản tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số học kém ở các cấp học phổ thông của địa phương.

1/ Nghiên cứu một cách tòan diện và chuyên sâu ngôn ngữ M’nông, không chỉ ở bình diện nội tại của ngôn ngữ, mà còn cần thiết phải nghiên cứu tiếng nói của dân tộc M’nông ở phương diện họat động của nó; tức trong mối quan hệ thực tế giữa ngôn ngữ M’nông với xã hội, vị trí của nó trong sự giao tiếp xã hội chung cũng như riêng trong cộng đồng tộc người,…Và bằng vào những kết quả nghiên cứu như vậy mà biên sọan các tài liệu dạy và học tiếng M’nông cho các đối tượng công chức nói chung, công chức giáo dục phổ thông các cấp nói riêng một cách tối ưu, về thời gian cũng như hòan cảnh xã hội – kinh tế hiện thời nhằm trong một thời gian không dài, các công chức giáo dục bậc tiểu học liên quan có thể sử dụng được tiếng M’nông trong các họat động giáo dục. Vì lẽ, chỉ có như vậy mới khả dĩ phù hợp với hòan cảnh kinh tế - xã hội của địa phương hiện nay.

2/ Đồng thời, những dữ liệu về tâm lí – văn hóa, về khung cảnh xã hội – văn hóa, môi trường và điều kiện sinh sống,…của tộc người thiểu số M’nông ghi nhận được qua nghiên cứu của những ngành khoa học liên quan trên địa bàn thực tế sẽ rất có tác dụng lớn đối với cách nhìn tổng thể sự kiện sẽ góp phần thiết thực trong công việc biên sọan các tài liệu dạy – học tiếng M’nông cũng như các tài liệu công cụ bổ trợ cho việc dạy – học tiếng một cách phù hợp hơn, hiệu quả hơn.

3/ Bên cạnh, các cứ liệu thu thập được từ việc nghiên cứu điền dã, tức khảo sát trực tiếp ngay trên thực địa về hiện trạng cụ thể của sự phân bố bất tự giác cũng như theo kế họach trước nay của học sinh các cấp phổ thông người M’nông trên các khu vực của tòan tỉnh trên các mặt xã hội học, ngôn ngữ học xã hội, xã hội học – nhân học,…rất cần thiết làm cơ sở cho việc định dạng và thiết kế từ chương trình dạy và học tiếng M’nông cho đội ngũ giáo chức bậc tiểu học liên quan đến công tác kế họach hóa theo hướng tối ưu đối với một số cán bộ, giáo viên trực tiếp quản lí và đào tạo cho học sinh phổ thông người M’nông ở cấp tiểu học, tránh cách thức thực hiện theo lối đại trà ( thực chất là lối làm việc theo kiểu “ cào bằng ” ) như trước nay từng thực hiện, nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội và để hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

7. Có thể nói rằng, Tỉnh Đăk Nông – một tỉnh vùng cao Phía Nam bao gồm nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là tộc người M’nông – một tộc người bản địa lâu đời ở vùng đất này, nếu thực hiện được một cách phù hợp và hiệu quả việc giáo dục tiểu học cho học sinh người M’nông bằng chính ngôn ngữ của tộc người thiểu số bản địa sẽ có một tác động tích cực không chỉ đối với giáo dục phổ thông ở Đăk Nông, mà còn có khả năng tác động đến công tác giáo dục bậc tiểu học đối với cả vùng Tây Nguyên. Đồng thời, đây cũng là việc làm phù hợp với Luật phổ cập giáo dục tiểu học , ban hành ngày 16 tháng 8 năm 1991, tại điều 4 có ghi : “ Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt. Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học ”.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin lược trích một vài đọan trong Phóng sự đăng trên tờ Tin Tức của Ngân hàng Thế giới :

 

Tin tức 

Phóng sự

Việt Nam: Trẻ em dân tộc thiểu số thích đến trường nhờ những bài học gần gũi cuộc sống

4 Tháng 9 Năm 2013

Nhờ những bài học song ngữ và tài liệu học tập thiết kế riêng, trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam thấy trường học trở nên gần gũi hơn.

Các nét chính của bài viết

  • Học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa ở Việt Nam rất khó để hiểu được bài học vì các em không nói được tiếng Việt, ngôn ngữ chính thức giảng dạy trong nhà trường.
  • Nhờ một dự án do Ngân hàng Thế giới quản lý, những bài học song ngữ và tài liệu học tập thiết kế riêng giúp trường học trở nên gần gũi và thú vị hơn cho học sinh.
  • Phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia với học sinh và giáo viên để xây dựng thư viện, thiết kế tài liệu học tập và nâng cấp thiết bị dạy học để các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái, Điện Biên và Quảng Trị ở Việt Nam, nhiều học sinh dân tộc thiểu số không thích đi học. Do không nói được tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức dùng trong giảng dạy ở nhà trường – các em cảm thấy rất khó hiểu được bài. Thầy cô giáo phải thường xuyên đến từng nhà học sinh để vận động các em đến trường.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi.  Từ năm 2010, càng ngày càng có nhiều học sinh yêu thích đến trường. Thậm chí, các em còn đi học sớm để kịp ghé đọc sách ở thư viện mới của trường trước khi giờ học bắt đầu.

“Em thích đến trường vì em có thể đọc sách trong nhà nấm [thư viện ngoài trời],” một học sinh lớp 4 ở trường tiểu học Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái hào hứng kể. “Các thầy cô còn đẩy xe sách truyện đi quanh để cho chúng em chọn nữa.”

Bắt đầu thực hiện từ năm 2010, dự án Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số ở 3 tỉnh vùng khó khăn của Việt Nam đã mang đến một phương pháp học trực quan sinh động  hơn cho khoảng 31.000 học sinh ở 49 trường tiểu học.

Dự án được tài trợ thông qua Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản, và được tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Ngân hàng Thế giới đồng quản lý. Trong dự án này, các trợ giảng giúp giải thích bài học cho học sinh bằng tiếng địa phương. Ở một số trường, tiếng Việt còn được dạy như ngôn ngữ thứ hai. Phương pháp này giúp các em học sinh hiểu bài dễ dàng hơn.

Dưới sự chỉ dẫn của các thầy cô, các em học sinh tự tạo ra những cuốn sách riêng của mình bằng từ ngữ, hình ảnh và tranh vẽ của chính mình. Vì nội dung gần gũi với cuộc sống của mình nên các em rất say mê đọc. Đồng thời, việc đọc nhiều lại giúp các em cải thiện căn bản vốn tiếng Việt của mình.

Để cho việc học càng trở nên thú vị hơn, các lớp học còn trưng bày quần áo dân tộc, đồ chơi truyền thống từ các lễ hội dân gian và nhạc cụ dân tộc, Những câu chuyện lịch sử địa phương, những chi tiết thú vị từ cuộc sống cộng đồng được đưa vào sử dụng như những nội dung dạy và học.

Ý tưởng chính của dự án là thay thế cách học vẹt như hiện nay bằng những lớp học tương tác, sinh động hơn. Nhờ cách học mới, học sinh hiểu bài nhanh hơn và cũng gần gũi với thầy cô hơn.

Open QuotesEm thích đến trường vì em học được nhiều điều hay. Em muốn trở thành cô giáo. Close Quotes Lê Triệu Như Ý , Học sinh lớp 3 người dân tộc Dao ở Yên Bái

Trước khi có dự án, các em học sinh thường thấy các bài học rất chán, nhất là ở các lớp học cả ngày. Các em thường ngủ gật trong lớp và không thích học. Nhưng bây giờ vừa học vừa chơi, các em làm bài nhanh hơn và tốt hơn hẳn.

“Trước năm 2010, ở chỗ chúng tôi có rất nhiều trẻ em bỏ học,” ông Bùi Kim Đồng, cán bộ phòng Giáo dục Văn Chấn, Yên Bái chia sẻ. “Bây giờ chúng tôi không gặp phải vấn đề này ở các vùng sâu, vùng xa nữa.”

Người dân trong cộng đồng địa phương cũng tham gia động viên trẻ đến trường thông qua việc giúp đỡ xây dựng thư viện và làm công cụ giảng dạy và đồ chơi dùng trong lớp học.

Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của cha mẹ học sinh và cộng đồng, dự án đã hỗ trợ nâng cấp các phòng học, nhà vệ sinh và cả bếp ăn nhà trường, giúp cho việc đi học của các em càng vui hơn.

Hơn 6.500 giáo viên đã nhận được sự giúp đỡ của dự án thông qua các khóa đào tạo thường xuyên và các cuộc gặp gỡ để trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm. Giáo viên cũng cải thiện được kỹ năng giảng dạy khi tự thiết kế tài liệu, công cụ học tập.

Kết thúc vào tháng 6 năm 2013, dự án đã thực sự giúp trường học trở nên gần gũi hơn với học sinh và giúp các em trở nên tự tin hơn.

“Em thích đến trường vì em học được nhiều điều hay. Em muốn trở thành cô giáo,” Lê Triệu Như ý, học sinh lớp 3 người dân tộc Dao ở Yên Bái chia sẻ. 

Thông tin truy cập

60880236
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4092
18331
60880236

Thành viên trực tuyến

Đang có 819 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website