Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp: Thân/khôn/khọn-khỉ

Tóm tắt. Mười hai con giáp hay thập nhị chi đã hiện diện trong văn hoá Á Đông qua bao ngàn năm, nhưng chưa ai xem lại vấn đề về nguồn gốc phi Trung Hoa của các tên gọi này - nhất là nguồn gốc Việt Nam của chính các tên này như Tý/Tử-chuột, Mão/Mẹo-mèo (phần 4), Ngọ-ngựa, Hợi-gỏi-cúi phần 5)… Liên hệ của tên loài vật và tên các chi khác như Thân, Dần, Thìn, Tuất … không rõ nét và cần nhiều lý giải hơn.Phần này đi vào chi tiết của liên hệ chi thứ 9 (Thân) và tên con khỉ.

 

 

nha phong thuy chiem tinh tien tri gi ve nam binh than 2016

Từ khóa: Thân-con khỉ, mười hai con giáp, thập nhị chi…

1. Giới thiệu tổng quát

Thân là từ Hán Việt (HV), viết bằng bộ điền, giọng Bắc Kinh (BK) bây giờ là shēn (viết theo lối phiên âm/pinyin thông dụng) so với san1 Quảng Đông (QĐ), shin1, sin1 (Hẹ). Thân có các nghĩa chỉ năm, tuổi, tháng, giờ (từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều), giải thích, tường trình, tên ngắn của Thượng Hải, một họ Trung Hoa (TH) … nhưng hoàn toàn không có một liên hệ đến loài khỉ.

Ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều tương quan đến loài khỉ, chứng tỏ một liên hệ gắn bó lâu đời, như ‘Dạy khỉ trèo (leo) cây, khỉ ho cò gáy, nhăn nhó như khỉ ăn gừng, khỉ dính mắm tôm (hay nhăn nhó như khỉ dính mắm tôm, chim kêu vượn hót (hay ve kêu vượn hót), đười ươi giữ ống, khinh khỉ (lại) mắc độc già, khỉ lại là khỉ mèo vẫn hoàn mèo, khỉ chê khỉ đỏ đít, vượn lìa cây có ngày vượn rũ, dở trò tườu trò nỡm, mặt nhăn như tườu, khó tính như con nỡm, nuôi khỉ giữ nhà, đuôi nai cái dái dọc già …’. Truyện Kiều có nhắc đến vượn (1 lần, không thấy dùng khỉ, khọn…)

‘Ve ngâm vượn hót nào tày’ (câu 2571)

Hay ‘Chim kêu vượn hót bốn bề nước non’ (Lục Vân Tiên)

Văn hoá TH cũng có rất nhiều ca dao tục ngự liên hệ đến loài khỉ như ‘hầu khoái (nhanh như khỉ), hầu tôn vương (vua khỉ, ám chỉ thầy giáo), hầu tinh hầu tinh đích2 (người linh hoạt), sơn trung vô lão hổ hầu tử xưng đại vương (trong núi không có hổ thì khỉ xưng vương xưng bá, hàm nghĩa xấu), hầu niên mã nguyệt (hàm ý không biết bao lâu), xoạ hầu nhi (làm trò khỉ như con nít), sát kê hãi hầu (giết gà đe khỉ, hàm ý làm một chuyện để đe người khác), tiêm chuỷ hầu tai (miệng nhọn má heo, tướng xấu), ngũ mã lục hầu (năm ngựa sáu heo, bề bộn bê bối, lộn xộn), ý mã tâm viên - hay tâm viên ý mã (hàm ý là tính hay thay đổi) …’. Trong tiếng Việt hiện tại còn giữ một số thành ngữ HV cổ như do dự : do (yóu BK) là một loài khỉ tay chân ngắn, chạy rất lẹ nhưng hay hồ nghi - mỗi lần có tiếng người là leo lên cây ngay (theo Thiều Chửu, ‘Hán Việt Tự Điển’). Dự (yù BK) cũng là một loài vật rất hồ nghi cho nên tạo thành cụm từ HV do dự. Những cụm từ HV khác cùng nghĩa là do nghi, di do và hồ nghi (hồ là cáo – đa nghi như cáo).

Cả hai nền văn hoá TH và VN đều mang nặng hình ảnh con khỉ, khác với trường hợp thỏ và mèo (xem thêm phần 4 “Mão/Mẹo-mèo). Vì thế, để truy lùng nguồn gốc chính xác của Thân, một mặt ta phải xem những cách dùng khác nhau chỉ con khỉ trong hai ngôn ngữ và so sánh với các ngôn ngữ láng giềng – và mặt khác ta hãy xem cách viết và khắc cổ (qua tiếng TRUNG HOA) để phát hiện cũng như kiểm chứng những tương quan trên.

2. Phụ âm đầu th-

2.1 Phụ âm đầu th- của Thân tương ứng3 với âm sh- của giọng BK như các thí dụ sau

Tiếng TH (giọng BK) Tiếng HV Giọng Quảng Đông

Shén thần (thần thánh) san4

Shèn thận (thận trọng) san6

Shĕn thẩm (thẩm định) sam2

Shēn Thân (chi Thân) san1

Shēng sinh/sanh (sinh đẻ) sang1

Shàn thiện (làm) sin6

Shàng thượng (cao) seung6

Shāo thiêu (đốt) siu1

Shí thập (mười) sap6

Shì thích (thích hợp) sik1

Shī thi/thơ si1

Shōu thu/thâu (thu nhận) sau1

Shŏu thủ (tay) sau2

Shù thụ (cây) syu6

Shuĭ thuỷ (nước) seui2

Shùn thuận (thuận lợi) seun6

… … …

Liên hệ sh-th trên còn phù hợp với liên hệ s-t khi so sánh giọng BK và tiếng HV như

Tiếng TH (giọng BK) Tiếng HV Giọng Quảng Đông

Sài tái (cửa ải) choi3, sak1

Sāi tai (má, quai hàm) soi1

Sān tam (số ba) saam3, saam2

Sàn tán (tan ra) saan2, saan3

Sāng tang (đám ma) song1, song3

Sú tục (phong tục) juk6

Sù túc (nghiêm túc) suk1

Sòng tống (tiễn đưa) sung3

Suàn toán (tính toán) syun3

Suī tuy (tuy vậy) seui1

… … …

Các phụ âm s- và sh- của tiếng TH bây giờ, đi ngược dòng thời gian, âm Hán Trung Cổ vẫn còn giữ âm xát – nhưng khuynh hướng tổng quát của tiếng HV là chuyển các phụ âm xát s/sh của TH thành phụ âm tắc cùng vị trí phát âm (đầu lưỡi) t/th như bảng so sánh trên. Khuynh hướng này còn hiện diện khi ta xem cách phát âm của các phương ngữ vùng ven biển ở Bắc phần như Thái Bình, Nam Định, Nam Hà … hay những vùng lân cận như Thanh Hoá phản ánh qua tiếng Mường4 như thuống/xuống, thốt/dột, thìn/gìn..; Cùng với đảo Hải Nam phản ánh qua tiếng Lê. Thật là một sự tương đồng với lịch sử phát triển của nước Việt Nam, khoảng thời Đường khi mà biên giới vẫn còn trong khu vực trên, khi tiếng Hán Việt nhập vào tiếng' Việt một cách có hệ thống (như qua liên hệ s/sh-t/th trên); Và sau đó với nền độc lập của dân Việt (từ năm 939, Ngô Quyền lập nước Đại Cồ Việt) và tiến trình bành trướng lãnh thổ mà chữ Nôm cũng bắt đầu có cơ sở vững chắc để phát triển. Tóm lại, liên hệ shēn (BK) và Thân HV cho thấy âm này đã nhập vào tiếng Việt, theo khuynh hướng chung s/sh-t/th, khoảng thời Đường Tống về sau. Điều này phù hợp với các tên HV khác của 12 con giáp, cũng nhập vào tiếng Việt trong thời kỳ văn hoá TH cực thịnh này.

2.2 Thật ra, khi đi ngược dòng thời gian tới đời tiền Hán, ta sẽ thấy Thân đọc khác hơn nhiều. Vết tích của cách đọc rất cổ này còn thấy khi ta xem cách đọc của các chữ Hán đã dùng chữ Thân làm thành phần hài thanh (HT). Chữ Thân thường được dùng làm thành phần HT như thần (tiên) HV, viết bằng bộ kỳ hợp với thân; thân (duỗi ra) viết bằng bộ nhân hợp với chữ Thân HT; thân (thắt lưng) HV viết bằng bộ mịch hợp với chữ Thân HT …v.v… Nhưng khi hợp với bộ thổ thì lại đọc là khôn – là một quẻ trong bát quái đã có rất lâu đời. Khôn5 HV hay kūn BK trong bát quái chỉ đất, ruộng, bùn … và hợp với thổ thì chỉ lặp lại nghĩa - chỉ có cách giải thích là thành phần HT (chỉ âm đọc) mới có lý hơn. Như vậy ta có thể thấy một liên hệ giữa Thân và khôn : nhưng khôn hay khọn còn có nghĩa là con khỉ trong tiếng Việt Cổ6. Theo Huỳnh Tịnh Của thì con khọn là con khỉ, làm tuồng mặt con khọn là làm mặt khỉ, làm con khọn là làm chẳng nên sự gì6 – nghĩa này cũng có trong “Tự điển Việt-Hoa-Pháp” của Gustave Hue (1937).

Ta còn có thể nhận ra liên hệ giữa khôn và khỉ khi xem cách dùng chữ Nôm khôn : chỉ có chữ Nôm khôn trong các từ HV khôn, khốn, khổn mới có nghĩa tốt và tích cực là lanh lợi qua các tục ngữ như ‘ khôn ăn người, dại người ăn’, ‘khôn ba năm, dại một giờ’… Để ý chữ Nôm khôn viết bằng chữ khôn (quẻ) và thần HV viết bằng bộ ký/thị hợp với chữ khôn còn có nghĩa là khôn (tài trí hơn người). Theo người viết, tính từ khôn có nguồn gốc là danh từ chỉ con khỉ, loài vật khôn lanh và gần loài người nhất. Cách dùng này còn thấy trong phạm trù nghĩa của tiếng Hán hầu (hóu BK) : con khỉ, lanh lẹ (khôn, ít thấy dùng). Tóm lại ta có thể khôi phục một dạng âm rất cổ của Thân là *khân/khiôn hay khọn, hay chính xác hơn là kh-sh theo tiến trình : *khiôn > *shiēn (BK) > Thân (HV). Nói cách khác, tiếng Hán đã mượn từ tiếng Việt Cổ âm *khôn hay khọn (con khỉ), sau biến âm thành shēn (BK) và nhập ngược vào tiếng Việt qua dạng Thân. Ta đã đưa ra các tương quan sh-th rất rõ nét như trên, còn tương quan kh-sh có thể nhận ra được khi so sánh tiếng Mường7 và tiếng Việt

Tiếng Mường khunh khao khào không khổng…

Tiếng Việt sún (răng) sao (tinh HV) sào sông sống…

(đọc s- theo giọng Nam, giống như sh-)

Khi đi ngược dòng thời gian đến thời Đường Tống, âm Hán Trung Cổ của Thân cũng khác gì mấy so với shēn BK bây giờ : vẫn còn giữ thanh bình, Pulleyblank8 phục hồi âm cổ của shēn là *c.in so với dạng *syin của Baxter8. Tuy nhiên, dạng phục hồi âm Hán Thượng Cổ (thời tiền Hán trở về trước) theo Baxter là *hljin, không mấy khác dạng *khrin của tác giả Li Fang Kuei, William G. Boltz9 và gần với dạng tiếng Saek Cổ - xem bảng so sánh các tên 12 con giáp phần 2; Tiếng Saek mới lại dùng tiếng vok5 gần với dạng vok tiếng Mường hơn. Điều quan trọng với các dạng trên là phụ âm đầu đều có vị trí cuối lưỡi (gốc lưỡi k và thanh hầu h) so với phụ âm đầu lưỡi sh- và th- , tương tự như nhận xét ở trên. Vài dữ kiện sau chứng tỏ thêm là shēn BK đã từng đọc là *khon/*khan; Chữ thân HV hay shēn BK viết bằng bộ mục hợp với chữ Thân HT : chữ này rất ít thấy10 có nghĩa là cấp tốc, mau chóng … tương đương với khẩn HV (viết bằng bộ mịch, như cách dùng khẩn cấp, jĭn BK). Các tiếng TH cùng nghĩa khẩn cấp là jí BK (cấp kỳ), pò BK (bách, cấp bách), cù BK (xúc), qiè (thiết, như cấp thiết) … mà dạng shēn không còn thông dụng nữa ! Ngoài ra, thân viết bằng bộ mộc hợp với chữ Thân HT có nghĩa là cây đã chết (theo Từ Nguyên là ‘thụ mộc tự tử’) mà tiếng Việt ta dùng là cây héo, cây khô hay khản11. Khản mực (mực khô), khản thuốc … đã từng hiện diện thời Alexandre de Rhodes (tự điển Việt-Bồ-La 1651 có ghi). Tóm lại, ta có cơ sở để thành lập dạng Thượng Cổ *khian/*khian của shēn BK hay Thân HV.

2.3 Như vậy liên hệ th-kh (Hán Việt-Việt) còn để vết tích khác ngoài Thân-khôn/khọn không ? Nếu ta chỉ có thể tìm ra nhiều trường hợp tương tự thì dĩ nhiên là sức thuyết phục của liên hệ th-kh phải tăng thêm nữa. Hãy xem vài trường hợp sau :

2.3.1 Toản hay toàn HV : viết bằng bộ kim hợp với chữ toản/toàn HT, zuān/zuàn BK. Tiếng Việt là khoan, dùi … Chữ toản/toàn HT lại được viết bằng hai chữ tiên/tiến ở trên hợp với chữ bối ở dưới – hai chữ tiên/tiến ở trên đọc là thân (shēn). Liên hệ khoan-toản so với zuān-shēn cho thấy phụ âm đầu lưỡi tương ứng với phụ âm cuối lưỡi kh-

2.3.2 Toả HV nghĩa là đóng kín lại, xiềng … giọng BK bây giờ là suŏ viết bằng bộ kim hợp với chữ toả HT mà tiếng Việt là khoá.

2.3.3 Khâu là một biến âm của thiêu HV. Thiêu viết bằng bộ thủ hợp với chữ triệu HT, giọng BK bây giờ là tiāo, có nhiều nghĩa với nhiều biến âm đặc biệt như thiêu-thêu (thêu thùa), thiếu là khiêu (khích) hay gợi, khêu, khều, khèo, quều, quấy, quậy, khuấy …với âm điệu (khiêng, điệu đi) cho ra đèo, đìu …Với âm thao cho ra tháo (gỡ)12 …

Với bao nhiêu dạng khác nhau của tiāo BK trong tiếng Việt, ta không thể không nghĩ rằng có lẽ nguồn gốc của tiāo BK là từ phương Nam chăng ?

2.3.4 Thím tiếng Việt có âm tương ứng là kiểm tiếng Tiều (Triều Châu, cháozhōu) - giọng BK bây giờ là shĕn (thẩm), so với giọng Quảng Đông là sam2 (mà ta thường nghe là xẩm, bà xẩm). Nếu đề nghị của Paul Benedict13 chính xác thì tiếng Hán đã từng mượn các tên gọi họ hàng như chú, thím … thời tiền Hán. Điều này có thể giải thích phần nào các dạng của kiểm (coi kỹ, xét – jiăn BK) viết bằng bộ mộc và thẩm (coi kỹ, xét – shĕn) viết bằng bộ miên : liên hệ k-sh là một liên hệ rất cổ, đã hiện diện khi chữ Hán bắt đầu có hệ thống quy củ từ đời Tần trở về sau. Điều này cũng giải thích liên hệ khôn-Thân.

Không những thế, tương quan thân-cận/gần, thù-cừu (địch), kỳ/thị (bộ thủ 113, thần đất)...v.v… cho thấy liên hệ k-sh từ thời kỳ ban sơ khi chữ viết TH bắt đầu chững chạc. Điều này cũng cho thấy khuynh hướng xa dần các từ phương Nam trong vốn từ TH hiện nay như đã viết. Tuy nhiên, đây không phải là chủ đề phần này - cốt cho thấy mối dây liên hệ của hai âm khôn và Thân đã có từ thời Thượng Cổ - do đó rất khó nhận ra được !

2.3.5 Kiểm là gò má (nghĩa cổ) viết bằng bộ nhục hợp với chữ thiêm HT cũng cho thấy liên hệ k-th , bây giờ thường dùng chỉ mặt mày, giọng BK bây giờ là jiăn, liăn (kiểm, liệm). Các từ khác thường thấy hơn là miàn BK (diện, miến), yán BK (nhan)…

2.3.6 Khuông HV viết bằng bộ hệ hợp với chữ vương nghĩa là sửa lại, chữa, giỏ tre … có thể viết bằng bộ trúc hợp với chữ khuông HT chỉ giỏ tre. Tiếng Việt còn có các dạng thùng, thúng để chỉ cái giỏ liên hệ đến khuông qua biến âm kh-th. Khuông HV đọc là kuāng BK bây giờ, so với hong1 QĐ, kiong1, siong1 Hẹ - để ý dạng siong1 Hẹ, có thể đã trở thành *shiong1 và trở thành thúng, thùng tiếng Việt.

3. Nguyên âm â của Thân

Nguyên âm â tương ứng với nguyên âm ē của shēn, xem bảng so sánh sau

Tiếng TH (giọng BK) Tiếng HV Giọng Quảng Đông

Chén trần (bụi) chan4

Chèn sấm (lời tiên tri) cham3

Fēn phân (chia) fan1

Fĕn phấn (bột) fan2

Gèn cấn (quẻ cấn) gan3

Hén ngấn (vết) han4

Kĕn khẩn (thành khẩn) han2

Zhĕn chẩn (khám bệnh) chan2

Zhèn chấn (rung) jan3

Shĕn thẩm (xét kỹ) sam2

Shēn Thân (chi Thân) san1

Shén thần (tiên) san4

Shèn thận (cẩn thận) san6

… … …

Vào thời kỳ Đường Tống, shēn BK đọc cũng khá giống như bây giờ, với nguyên âm gần với i hơn là e – theo Pulleyblank hay Baxter (sđd). Người viết không hoàn toàn đồng ý với dạng phục hồi trên vì âm â (của Thân HV) cho thấy có thể là –ia hay –iơ (gần nguyên âm sau hơn) dựa trên các giọng Quảng Đông, Hẹ … nên dạng Hán Cổ của Thân là *khân/khôn, nếu nhấn mạnh phụ âm đầu thì ta có dạng *khiân/khiôn.

4. Phụ âm cuối –n

Phụ âm cuối n vẫn còn duy trì trong các dạng vay mượn như shēn, Thân và từ dạng nguyên thuỷ *khọn. Điều này phù hợp với các cặp từ chàn BK- chiên HV (rung động), dàn BK – đản HV (sinh ra), diàn BK - điện HV, fèn BK - phấn (khởi) HV, jiàn BK - tiễn HV (mũi tên), lín BK – lân (kỳ lân) HV, mín BK – dân (nhân dân) HV, pín BK - tần (tần số) HV, săn BK - tản HV (rời rạc), tàn BK – thán HV (than, cacbon), yín BK – ngân (bạc) HV … Điều này còn cho thấy thời kỳ các tên (HV) 12 con giáp nhập vào tiếng Việt gần đây, vì vẫn duy trì nhiều đặc tính phát âm từ tiếng Hán (Trung Cổ).

5. Thanh điệu

Thanh bình (thanh ngang) của Thân tương ứng với thanh bình của giọng BK như sau

Tiếng TH (giọng BK) Tiếng HV Giọng Quảng Đông

Bā Ba (tên nước) ba1

Chē xa/xe che1, geui1

Dāo đao/dao dou1

Dōng đông (hướng) dung1

Fēng phong (gió) fung1

Hēng hanh (thuận lợi) hang1

Huā hoa (bông) fa1

Jīng kinh (thủ đô) ging1

Tān tham (tham lam) taam1

Sān tam (số ba) saam1

Xī tây (hướng) sai1

… … …

6. Các nhận xét tổng quát và kết luận cho phần 6

6.1 Tiếng TH giọng BK bây giờ có hóu chỉ con khỉ, hay là hầu HV14 so với giọng QĐ là hau4, Hẹ là heu3… viết bằng bộ khuyển (con chó). Tiếng Đại Hàn won- chỉ con khỉ, có thể gốc là yuán BK (viên HV, con vượn).

6.2 Người xưa thường tránh gọi tên khỉ để tránh xui xẻo (giống như kiểu kỵ huý) nên có những tiếng nói khéo như sơn công (ông ở trên núi, con khỉ), con nỡm, con bú dù với ý mắng mỏ

6.3 Tườu là con khỉ - có thể liên hệ đến nao/nươu (biến âm n-đ-t, phụ âm đầu lưỡi). Nao HV hay náo BK là tiếng Hán Cổ cũng có nghĩa là khỉ viết bằng bộ khuyển rất ít gặp.

6.4 Voọc là một tiếng mà người viết chưa từng dùng – nhưng đã hiện diện từ lâu trong tiếng Mường7 như woc khà (khỉ già), woc pé (vọp bẻ, chuột rút), woc tôc (khỉ độc) …

Cách nói ‘khỉ mốc’ có lẽ cho ta thấy vết tích của vóc là mốc với biến âm v-m, như vũ-múa, vụ-mùa, vũ-múa, vọng-mong... Trong vốn từ TH hiện nay còn một chữ rất ít gặp là quặc/quắc HV viết bằng bộ khuyển hợp với chữ quặc HT (loài khỉ sống ở khu vực phía tây TH) hay bộ trĩ hợp với chữ quặc HT (con vượn) : giọng BK bây giờ là jué hay yuè so với gwok3 (gần với âm voc nhất), fok3. Cách dùng khỉ mốc cho thấy một dạng khác của vóc (vok, con khỉ) qua biến âm m-v : một số điệp ngữ theo thói quen chỉ là sự kết hợp của các từ cũ mới cùng một nghĩa như heo cúi, hỏi han, giá cả, khỉ đột, khỉ mốc..Theo người viết, đây là tàn tích của tiếng phương Nam trong ngôn ngữ TH mà càng ngày càng hiếm dần – cũng như tên 12 con giáp vậy (xem thêm các phần 1, 2, 3 cho thấy khuynh hướng tổng quát này). Tiếng Việt còn dùng vóc để chỉ hình dạng, như ‘vóc ngọc mình vàng’, ‘ăn vóc học hay’… mà trong văn chương ta thấy thân HV được dùng nhiều hơn ! Quá trình đẩy lùi các tiếng Việt Cổ như vọc, vóc và thay vào đấy bằng những chữ Hán (Việt) như thân-vóc, tứ-tư-bốn … là kết quả của giao lưu văn hoá tự nhiên và lâu dài theo dòng ‘lịch sử’.

6.5 Đười ươi là tiếng dùng để chỉ loài khỉ lớn – có thể liên hệ đến một chữ Hán10 ít gặp là lì BK lei6 QĐ viết bằng bộ khuyển hợp với chữ lợi HT, tần số dùng là 77 trên 430747376. Lợi hay lời có thể đọc như đời và cho ra dạng đười (ươi). Tinh HV hay tinh tinh (xīng BK) cũng chỉ loài khỉ lớn, như hắc tinh tinh vậy.

6.6 Các dạng khác để chỉ con khỉ10 trong tiếng Hán Cổ rất ít gặp như yù (ngu HV viết bằng bộ nhựu) là tượng hình theo Thuyết Văn; duy viết bằng bộ trùng hợp với chữ chuy nghĩa là khỉ đuôi dài, wèi/wĕi/yòu BK wai2, wai6 QĐ… có thể liên hệ đến vok – là kết quả của một số âm cổ đã tách ra làm hai dạng môi và thanh hầu (mã-ngựa : mă-wŭ, quạ-ô…) trước đây hơn hai ngàn năm ! Đây là những vấn đề cần được khảo cứu sâu thêm và không nằm trong phạm vi các bài viết này.

6.7 Độc HV, dù BK viết bằng bộ khuyển hợp với chữ thục HT, nghĩa là con khỉ (lớn), một mình (độc thân), già mà không con … Không thấy dùng nghĩa con khỉ trong tiếng TH nữa. Tàn tích còn trong tiếng Việt qua cách dùng ‘khỉ đột’.

6.8 Xem các cách khắc cổ trên giáp cốt văn và chung đỉnh văn, ta có thể thấy hai nguồn gốc khác nhau của chữ thân : (a) có hình hai luồng khí (điện) từ trên và dưới chạm nhau ở giữa (b) hình hai bàn tay bám vào một thân cây hay dây – theo người viết thì có thể gợi ý cho ta là hình con khỉ đang trèo (cây) hay không ? Xem thêm hình trang cuối.

Tóm tắt phần 6 về Thân là có thể từng đọc là *khôn, *khon (vì là thành phần HT của chữ khôn, một quẻ trong bát quái cổ đại), hay gần như vậy qua các liên hệ thân-khẩn, thân-khan (các liên hệ chỉ còn vết tích trong tiếng Hán Cổ) – thêm vào đó là phạm trù ngữ nghĩa của Thân và vóc, voc (con khỉ, tiếng Mường) cho ta có cơ sở giải thích Thân chính là khọn, tiếng Việt Cổ.

7. Phụ chú và phê bình thêm

1. Morris Swadesh (1909-1967) là nhà ngôn ngữ học người Mỹ. Ông đề nghị phương pháp xác định thời gian tách rời (length of separation) của hai ngôn ngữ cùng một nguồn, bằng cách tìm ra bao nhiêu chữ đã thay đổi khi so sánh số vốn từ căn bản. Đây cũng là nền tảng của một ngành ngôn ngữ học mới gọi là Glottochronology (môn học xác định tuổi của ngôn ngữ). Chính phương pháp này đã đưa ngôn ngữ học, một ngành theo truyền thống khoa học nhân văn, trở nên một ngành ngôn ngữ định lượng (quantitative linguistics) và đem môn này đến gần các ngành khoa học chính xác khác.

Từ lúc lý thuyết của Morris Swadesh ra đời đã có những khảo cứu từ những ngôn ngữ khác nhau trên thế giới cho thấy kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên cũng có nhiều tranh luận về các tiền đề cơ bản của lý thuyết này : như tốc độ thay đổi không phải là một hằng số. Đây là tiền đề cốt lõi để cho ta có thể tính ra thời gian, tương tự như phương pháp tính tuổi bằng cách dùng carbon-14. Các nhận xét khác là ảnh hưởng của văn chương viết vào tiếng nói và biến cố lịch sử, xã hội (chiến tranh xâm lăng, cách mạng…) ngoài khả năng tiên đoán của lý thuyết trên và đương nhiên làm cho ngôn ngữ thay đổi ít nhiều. – hay tốc độ thay đổi của ngôn ngữ không luôn luôn đều đặn. Thành ra có học giả không tin mấy vào phương pháp tính ‘tuổi ngôn ngữ’ như vậy, cũng như cho rằng mỗi chữ đều có ‘đời sống riêng’ của chúng ! Những năm gần đây cho thấy các phương pháp toán xác suất được dùng để tăng phần chính xác, như công trình nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ Gray và Atkinson (2003) cho thấy tiếng tiền Ấn-Âu (proto Indo-European) hiện diện khoảng 7000 năm TCN (Trước Công Nguyên).

2. theo cuốn Ngữ Lâm Thú Thoại tác giả Triệu Bá Bình và Thời Học Tường (NXB Tứ Thư - Tứ Xuyên 2002) - bản dịch tiếng Việt - hiệu đính Nguyễn Ngọc San – NXB Văn Hoá Thông Tin (2005) Hà Nội.

3. có những trường hợp ngoại lệ như chữ sư viết bằng bộ cân nghĩa là thầy giáo, giọng BK bây giờ là shī so với si1 QĐ, su1, se1 Hẹ hay sai1 Minnan (Đài Loan). Dạng thầy

cho thấy liên hệ sh-th có hệ thống, so với dạng sư có thể nhập tiếng Việt vào rất sớm (phạm trù nghĩa của sư liên quan đến người đi tu theo đạo Phật, mà vẫn còn gọi là thầy).

Số viết bằng bộ phọc, giọng BK bây giờ là shù … Có những quy luật âm thanh nào chi phối lúc s trở thành t- hay vẫn giữ nguyên dạng s- ? điều này cần khảo cứu thêm cho rõ.

4. tương quan s/sh-t/th của giọng BK và tiếng HV cho ta thêm một cái móc thời gian xác định khi tiếng Hán nhập vào tiếngViệt (thời Đường Tống) – và các phương ngữ Thái Bình, Nam Định vẫn còn tàn tích biến âm này (sao sáng sạch sẽ phát âm là thao sáng thạch thẽ…). Sau đó vài thế kỷ thì dân ta định cư khá vững vàng ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi …nơi mà các phương ngữ còn giữ liên hệ a-ô (như Nam-Nôm, làm-lồm…) cũng cho ta thêm một cái mốc xác định thời gian hình thành chữ Nôm.

Tiếng Mường thuổng là xuống, thảng là rắn (đọc như zắn, giọng Bắc), thảo là ráo (đọc như záo giọng Bắc) … cho thấy các phụ âm xát chuyển ra tắc. Tiếng Hải Nam (Lê) có các âm toa là san (núi), ta (tam HV), tap3 (thập HV) … cũng cho thấy khuynh hướng đổi âm xát ra âm tắc như trên. Xem thêm “Nghiên Cứu về chữ Nôm”, Lê Văn Quán, NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội (1981). Đây không phải là chủ đề của phần này nhưng đáng được lưu ý và khảo cứu sâu xa hơn. Để ý tiếng Chàm, tiếng Acheh (ở bắc đảo Batak, Inđônêsia) và tiếng Mã Lai theo thứ tự này : tha/sa/satu (số một), thalipan/si-kunơng/sembilan (chín), tha-pluh/si-ploh/sepuluh (mười) … Biến âm s/z (xát) ra t (tắc) không chỉ xẩy ra cho khu Đông Nam Á, nhưng cũng cho họ Ấn Âu khi so sánh tiếng Đức và tiếng Anh essen/eat (ăn), hassen/hate (ghét), mussen/must (phải), Strasse/street (con đường), sie/they (họ, chúng nó), Zinn/tin (thiết) … cho thấy sự hoán chuyển hai âm cùng vị trí phát âm (đầu lưỡi) khá phổ thông. Biến âm s-t trong ngôn ngữ Hy Lạp cũng giải thích một nghi vấn từ hồi nhỏ lúc người viết học tiếng Pháp, Anh - tại sao các danh từ analysis (phân tích), synthesis (tổng hợp), psychosis (chứng loạn thần kinh) … khi đổi ra tính từ lại có các dạng analytic, synthetic, psychotic … hay gloss (lời dẫn) lại có dạng glot- trong các từ glottis (thanh môn) – vì giọng Ionic (một phương ngữ Hy Lạp) là glossa (tiếng nói) mang dạng glotta trong giọng Attic …v.v…

5. thời Xuân Thu Chiến Quốc gọi đất là khối lớn, khối và khôn có thể dùng thay cho nhau – theo Vương Ngọc Đức, Diêu Vĩ Quân, Trịnh Vĩnh Tường trong cuốn “Bí ẩn của bát quái” - bản dịch tiếng Việt của Trần Đình Hiến – Văn Hiến (1997).

6. theo “Từ Điển từ Việt Cổ” của Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện – NXB Văn Hoá Thông Tin – Hà Nội (2001). Nghĩa này cũng được nhắc lại trong “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của (1895).

7. dựa vào “Từ điển Mường-Việt” Nguyễn Văn Khang chủ biên –Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành – NXB Văn Hoá Dân Tộc – Hà Nội (2002).

8. dựa vào các cuốn “Lexicon of reconstructed pronunciation in early Middle Chinese, late Middle Chinese, and early Mandarin” (1991 – NXB University of British Columbia) của Edwin G. Pulleyblank và “A Handbook of Old Chinese Phonology” (1992 – NXB Mouton de Gruyter) của William H. Baxter.

9. dựa vào bài viết “Some Old Chinese loan words in the Tai languages’ của tác giả Li Fang Kuei đăng trong bộ ‘Harvard Journal of Asiatic Studies’ *:333-342; Cũng như bài viết “The old Chinese Terrestrial Rames in Saek” của William Boltz đăng trong cuốn “Studies in the Historical Phonology of Asian Languages” (1991 – NXB Benjamin).

10. tần số dùng của chữ này là 12 trên 237243358 theo tài liệu trên mạng chinalanguage.com/cgi-bin/view.php?query … Theo Từ Nguyên (Beijing, 2004), thân (bộ mục hợp với chữ Thân) là ‘tật tốc’ hay mau chóng, nhanh nhẹn. Tiếng Việt còn có dạng tức tốc - đổi thanh nặng của âm tật thành thanh sắc tất/tức để tương ứng với tốc trong quá trình thành lập chữ kép này.

11. các tiếng HV hạn (hạn hán) hay hàn BK, gān BK, khản, khan (khàn), cạn … có thể là những dạng từ một gốc chung *kan.

12. tác giả Lê Ngọc Trụ phân tích khá rõ ràng trong cuốn “Tầm Nguyên Tự điển Việt Nam” – NXB Thành Phố HCM – 1993. Các cách phát âm điệu-thao-thiêu được ghi rõ ràng trong Khang Hy Tự Điển hay Từ Nguyên như thao = thổ + đao (thiết) …v.v…

13. theo tác giả Paul Benedict trong cuốn “Austro-Thai Language and Culture” - từ các bài viết năm 1967 được bổ túc nhiều dữ kiện ngôn ngữ để in thành sách năm 1975. Ta nhận thấy các từ thẩm, kiểm đã nhập vào tiếng Việt có hệ thống (dựa nhiều trên quy luật âm thanh thời Đường Tống) so với thím hay kiểm (tiếng Tiều) đã có từ lâu. Còn xẩm, bà xẩm phản ánh âm gần đây của giọng Quảng Đông, cho thấy nhập vào tiếng Việt chỉ vài trăm năm sau này mà thôi. So sánh cách dùng bài ‘xập xám’ (thập tam HV) tức là bài 13 lá, âm ‘xập xám’ gần với âm Quảng Đông và nhập vào (qua đường khẩu ngữ) gần đây mà thôi.

14. hầu HV viết bằng bộ khuyển hợp với chữ hầu HT (tước thứ hai trong năm tước) – có nhiều chữ (đọc là hầu) được thành lập bằng chữ hầu HT như vậy : (a) bộ thực hợp với chữ hầu HT là cơm khô, lương thực khô - để ý khô là nghĩa và âm chính (b) bộ khẩu hợp với chữ hầu HT là cuống họng với ý chính là cổ ….Nhưng rõ ràng nhất là khi bộ kỳ/thị hợp với chữ hầu HT là cầu (xin, chữ hiếm) và câu HV (rất hiếm gặp) viết bằng bộ mịch hợp với chữ hầu HT là loại nút thắt hình kiếm … Liên hệ giữa hầu và *khâu/khơi- khỉ khôi-khôn có thể đã hiện diện khi các dân tộc cổ (Bách Việt, Hán …) vẫn còn sống gần nhau, đây là một tương quan rất xưa cần được khảo sát thêm.


Tài liệu tham khảo

1. Paul Benedict (1975), Austro-Thai Language and Culture,

2. Lê Ngọc Trụ (1993 tái bản), Tầm Nguyên Tự điển Việt Nam, NXB Thành Phố HCM,

3. Nguyễn Văn Khang chủ biên, Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002), Từ điển Mường-Việt, NXB Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội

[1] Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, - Úc

Thông tin truy cập

63679779
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
71
23426
63679779

Thành viên trực tuyến

Đang có 326 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website