Tiêng nước tôi - Tiếng Việt mến yêu

Đối với người Việt hiện nay, các từ sau đây được coi là từ láy âm: buồn bực, non nớt, gớm ghiếc, hỏi han, nguôi ngoai, …Trong các từ đó, chỉ có một yếu tố có nghĩa, là nguôi, buồn, hỏi, gớm, non và có một yếu tố vô nghĩa: ngoai, bực, ghiếc, han, nớt.

 

Nhưng nếu dõi theo các bước phát triển của tiếng Việt qua các tác phẩm văn học cổ và từ điển cổ, ta sẽ thấy các yếu tố “vô nghĩa” vừa nêu đều là những từ đơn hẳn hoi.

Trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexanrde de Rhodes, bực là “có tang” và áo bực là “áo tang”. Như vậy, buồn bực là “buồn như có tang”. Còn nớt, cũng trong từ điển trên, có nghĩa là “đẻ thiếu tháng” và non nớt có nghĩa là “đẻ non” hay “đẻ thiếu tháng”. Và ghiếc ở thế kỷ XVII có nghĩa là “buồn nôn”.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi mô tả thái độ của Tú Bà lúc đón Thúy Kiều, tác giả viết:

Trước xe lơi lả han chào

Lơi lả han chào tức là Tú Bà đã “hỏi chào” Kiều một cách lả lơi.

Còn trong Đại Nam quốc âm tự vị (1895-1896) của Huỳnh Tịnh Của, bên cạnh từ ngưôi ngoai, tác giả còn ghi một dạng cổ nguôi hoai. Chúng ta biết rằng từ hoai ngày nay còn xuất hiện trong cụm từ phân hoai, nghĩa là “phân (chuồng) bớt hôi”. Vậy từ hoai có nghĩa là “phai, bớt” và hoai đã bị nguôi đồng hoá âm đầu thành ngoai.

Đồng hóa là hiện tượng hai âm khác nhau nhưng đứng gần nhau, âm này đã bị âm kia đồng hóa, là làm cho âm này giống với nó, như chỉ trỏ thành chỉ chỏ, rũ liệt thành rũ riệt (đống hóa âm đầu), phản ánh thành phả ảnh, tự vẫn thành tự vận, nước miệng thành nước miếng (đồng hóa thanh điệu), y nguyên thành y nguy, cà dái dê thành cà dế dê (đồng hóa vần).

Xin nêu thêm một số từ chịu tác động của luật đồng hóa: chăn sóc thành săn sóc, trong chẻo (thế kỷ XIX) thành trong trẻo, héo don thành héo hon,…

Một số từ vốn là một thành ngữ hay một câu tục ngữ rút gọn lai:

Tang tóc bắt nguồn từ một thành ngữ bốn tiếng mà A.de Rhodes có ghi lại: để tang để tóc, vì theo phong tục ngày xưa người khi đang để tang thì không được hớt tóc.

Còn từ dòm dỏ bắt nguồn từ tục ngữ dòm giỏ ngó oi. Dòm dỏ là “Để ý quan sát theo dõi vì tò mò, hoặc vì có ý thèm muốn” (Từ điển tiếng Việt). Còn oi là “giỏ đựng cua, đựng cá đánh bắt được”. Ở đây, từ giỏ đã bị từ dòm đồng hóa âm đầu (giỏ thành dỏ).

Trong các từ sau đây, chúng ta cứ nghĩ vần của các tiếng đứng sau những từ này không có nghĩa gì cả. Nhưng khi tập hợp chúng lại, ta thấy không phải vậy.

Vần -ằn của các từ sau đây đều mang nét nghĩa “tiêu cực, xấu”: dữ dằn, vụn nằn, tục tằn, nhọc nhằn, cộc cằn,…

Còn vần -ắn, -ặn của các từ sau đây đều mang ý nghĩa “tích cực, tốt đẹp”:

Xinh xắn, nhỏ nhắn, tươi tắn, vuông vắn, đúng đắn, đứng đắn,…

Nhã nhặn, đều đặn, lành lặn, tròn trặn, vừa vặn,…

Tiếng Việt của chúng ta còn bao điều kỳ lạ và lý thú nếu chúng ta quan tâm nghiên cứu đến nơi đến chốn. Càng hiểu rõ đặc điểm của tiếng mẹ đẻ, chúng ta càng yêu thích và bảo vệ.

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 926, ngày 1-5-2016, tr. 11-12.

Thông tin truy cập

63694480
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14772
23426
63694480

Thành viên trực tuyến

Đang có 598 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website