Vài nét về bút danh và nghệ danh Việt Nam

1.Khá nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam thay vì dùng họ tên thật ghi dưới tác phẩm hoặc giới thiệu trước khi trình diễn nghệ thuật, lại dùng các bút danh và nghệ danh. Tại sao có hiện tượng này? Ta có thể nêu những nguyên nhân dưới đây.

2.Nguyên nhân:

Dưới chế độ phong kiến, hầu hết các văn nghệ sĩ vốn là nhà Nho khi sáng tác văn học đều dùng hiệu, như Nguyễn Trãi lấy hiệu Ức Trai, Nguyễn Du có hiệu là Thanh Hiên,…

Một số hiệu nói lên hoài bão, niềm tự hào về quê hương, Tổ quốc, hoàn cảnh đặc biệt của mình: Phan Bội Châu có hiệu là Sào Nam (luôn nghĩ về đất nước như chim Việt luôn làm tổ ở cành phía Nam: Việt điểu sào nam chi); Nguyễn Khuyến lấy hiệu là Quế Sơn (thắng cảnh ở quê hương ông); Sương Nguyệt Anh là hiệu của bà Nguyễn Thị Xuân Khuê, (vì bà là quả phụ),…

Một số người có tên chính do cha mẹ đặt lúc còn nhỏ quá nôm na, dung dị, nay đã có danh phận trong xã hội nên ngại nói công khai những tên đó.

Nhiều họ tên thật thường không nói lên được tính văn nghệ, hoặc tính hài hước như ngành nghề mình đang làm, định xây dựng cái tốt, cái đẹp qua ngòi bút như minh mong muốn,…

Một số tên chính không có trong vốn từ tiếng Việt: Trần Khánh Giư, Nguyễn Thị Khuê Giung, Lê Văn Khình,…

Các nhà báo thường viết nhiều bài trong một số báo hoặc một trang báo, nếu ghi một bút danh thì sẽ gây nhàm chán cho bạn đọc nên phải tạo thêm bút danh mới.

2.Để tạo ra bút danh, các văn nghệ sĩ nước ta thường sử dùng các phương thức sau đây:

a)Nói lái:

Nói lái họ và tên chính: Trương Đình thành Trinh Đường.

Nói lái tên đệm với tên chính và bỏ họ: (Nguyễn) Thứ Lễ thành Thế Lữ.

Nói lái tên đệm với tên chính và giữ họ: Nguyễn Đức Thông thành Nguyễn Đông Thức.

Nói lái họ với tên chính, giữ nguyên tên đệm: Trương Bá Cần thành Trần Bá Cương, Nguyễn Huy Lư thành Lữ Huy Nguyên, Lê Đức Vượng thành Vương Đức Lệ,

Tác giả nói lái họ tên thật rồi bỏ bớt một tiếng: Đặng Trần Thi (1921-1949) thành (Thị) Trần Đăng.

Nói lái hai từ thành tên chính với ý hài hước: Phù Thăng thành Thằng Phu (Lục Văn Phu).

b)Nói ngược:

Nói ngược họ và tên thật: Trần Hoàng thành Hoàng Trần.

Nói ngược họ và tên đệm: Lê Phong Sừ thành Phong Lê.

Nói ngược tên đệm và tên chính: Nguyễn Thái Dương thành Dương Thái.

c)Xáo chữ: Thay đổi vị trí các con chữ thành những từ khác với từ gốc.

Thay đổi vị trí của các con chữ trong tên chính: (Nguyễn Gia) Trí thành Rist

Thay đổi vị trí của họ và tên chính: Nguyễn Tuân thành Ân Ngũ Tuyên.

Thay đổi các chữ cái của tên đệm và tên chính: (Trần) Khánh Giư thành Khái Hưng.

Thay đổi vị trí các con chữ trong họ và tên chính: Nguyễn (Văn) Hàm thành Ngũ Hà Miên.

d)Đánh vần:

Đánh vần tên chính: Lê Ngã thành Lễ (Nguyễn Thứ Lễ), Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Điều lấy nghệ danh Điêu Huyền vì hai tiếng này ghép lại thành tên chính của ông; soạn giả cải lương Quy Sắc thành Quý (Nguyễn Phú Quý-1924-2010), Huyền Kiêu thành Kiều (Bùi Lão Kiều).

Bỏ dấu thành tên chính: Tuấn Thừa Sắc tức Tuân (Nguyễn Tuân).

Đánh vần họ và tên chính của bút danh thành tên chính của tác giả: Đinh Thị Huyền (Nguyễn Đình).

đ)Liên tưởng:

            Trong tiếng Việt có từ láy (la) chí chóe nên nhà vẽ tranh biếm họa Nguyễn Hải Chí (1943-2003) lấy bút danh Chóe, vì khi nghe đến tiếng Chóe, người ta liên tưởng tới tên chính của ông: Chí.

            Tác giả Cao Bá Thao lấy bút danh Thao Thao vì trong tiếng Việt có thành ngữ thao thao bất tuyệt nên khi nghe bút danh này, người ta nhớ đến tên chính của ông: Thao.

e)Mô phỏng theo tên người nổi tiếng:

            Ơ đầu thế kỷ 20, nhà thơ trào phúng nổi danh nhất là Trần Tế Xương, đỗ tú tài nên người ta thường gọi ông là nhà thơ Tú Xương. Thế là hàng loạt người làm thơ trào phúng sau ông muốn tôn ông là “sư phụ” nên gán bút danh của mình với từ Tú: Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Tú Nạc, Tú Sụn, Tú Da, Tú Quỳ (Phan Quỳ), Tú Kếu (Trần Đức Uyển), …

            Tiếp theo là hàng loạt các từ chỉ học vị của chế độ giáo dục phong kiến nối gót xuất hiện:

            Cử: Cử Tạ (Phạm Văn Giáo), Cử Yên, Cử Tương,..

            Đồ: Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn), Đồ Tố (Ngô Tất Tố), Đồ Gàn (Bàng Bá Lân),…

            Học: Học Phi (Chu Văn Tập), Học Tăng,…

            Nhiêu: Nhiêu Phạm (Mai Đăng Phạm).

            Trạng: Trạng Đớp.

            Trước Cách mạng Tháng Tám, một số nhà thơ, nhà văn khá thành công trên văn đàn, từ khởi đầu bút danh của họ cũng được nhiều người đương thời và các thế hệ sau tiếp bước:

            Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam)-Nhất Lang (Nguyễn Tuân), Nhất Tuấn,…

            Tam Lang (Vũ Đình Chí)- Tam Ích (Lê Nguyên Tiệp), Tam Mộc,…

            Xuân Diệu –Xuân Thiều, Xuân Quỳnh, Xuân Giao,…

            Huy Cận –Huy Du, Huy Thục, Huy Trâm,…

            Văn Cao – Văn Vỹ, Văn Chung, Văn Đen,…

            Thế Lữ - Thế Nguyên, Thế Uyên, Thế Phong…

            Một số văn nghệ sĩ sử dụng từ đứng sau:

            Thị: Thượng Tân Thị, Duy Minh Thị, Ưng Bình Thúc Giạ Thị…

            Tử: Đồ Nam Tử (Nguyễn Trọng Thuật)- Hàn Mặc Tử, Thanh Tùng Tử,…

            Lang: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Vũ Lang (Vũ Đăng Bằng),…

            Sau năm 1945, một số nghệ sĩ nổi danh cũng được người ái mộ tiếp bước bằng cách dùng các từ đứng trước chỉ màu sắc:

            Bạch: Bạch Lan, Bạch Tuyết, Bạch Huệ,…

            Bích: Bích Khê, Bích Thuận, Bích Sơn,…

            Hồng: Hồng Phong, Hồng Giao, Hồng Chương,…

            Thanh: Thanh Lãng, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, ,.

            Một số từ chỉ các vật quý hiếm cũng được yêu thích:

            Mỹ: Mỹ Châu, Mỹ Linh, Mỹ Lệ,…

            Ngọc: Ngọc Cẩm, Ngọc Giàu, Ngọc Lan,…

            3.Trên đây chỉ là một số bút danh và nghệ danh phổ biến. Còn nhiều kiểu nghệ danh, bút danh rất độc đáo mà ta chưa có dịp nói đến. Khi nào có dịp, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm.

Thông tin truy cập

60515921
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7432
12997
60515921

Thành viên trực tuyến

Đang có 260 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website