Các từ chỉ địa hình dễ hiểu lầm ở Nam Bộ

20171030 Bung Binh ThienẢnh: Búng Bình Thiên (nguồn: wikipedia)

1. Khái quát

Nam Bộ là địa bàn sông nước nên các từ chỉ địa hình hầu hết đều gắn với sông nước. Đặc biệt, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do địa hình nhìn chung bằng phẳng nên các đường nước thường có hình dạng rất phức tạp, dẫn đến có rất nhiều từ chỉ địa hình mà phần lớn chúng đều mang tính địa phương nên không phải ai cũng hiểu rõ.(1) Cá biệt, trong số đó, có những từ chỉ địa hình “kỳ dị” mà ngay cả dân địa phương cũng ít có người hiểu rõ, do đó dễ dẫn đến hiểu lầm.(2) Hiểu lầm tức hiểu sai nguồn gốc/ ý nghĩa của địa danh và gây bất nhất về mặt chữ viết, làm trở ngại về mặt thông tin.

Từ chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ đã được giới thiệu trong một số bài viết(3) và trong Lê Trung Hoa (2015), Từ điển địa danh Nam Bộ (bản thảo). Tuy nhiên, trong các công trình này, các từ chỉ địa hình chỉ được giới thiệu chung chứ chưa chú trọng vào các từ dễ bị hiểu lầm. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi tập trung cắt nghĩa những từ chỉ địa hình khá “kỳ dị” ở Nam Bộ có nguy cơ bị hiểu lầm như: búng + X, cái + X, cống + X, gãnh + X, tràm + X, voi + X.

 

2.  Các từ chỉ địa hình dễ hiểu lầm 

2.1.  Búng + X

Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của định nghĩa: Búng “chỗ nước sâu làm ra một vùng”. Theo chúng tôi, búng chính là biến âm của bung/ bụng, là chỗ sông sâu và phình rộng ra như cái bụng, cũng gọi là bùng binh. Chữ búng này được ghi trong Dictionarium Anamitico-Latinum (1772) của P. J. Pigneaux và Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) của J. L. Taberd (mục từ Búng, Búng nước).

Do là một đoạn sông phình to nên búng có xoáy nước rất nguy hiểm cho ghe thuyền. Ngoại trừ búng Bình Thiên ở An Giang có hình dáng hơi khép kín, là dấu tích của một khúc sông bị chuyển dòng, các búng khác ở Nam Bộ không có hình dạng gì đặc biệt lắm. Về mặt cắt ngang, nó chỉ là khúc sông phình ra; về mặt cắt dọc thì (có khi) nó sâu hơn những đoạn khác, do đó tạo nên các luồng nước xoáy, có nguy cơ làm chìm ghe thuyền. Chẳng hạn: búng Bò, búng Đình, búng Xuyến (Vĩnh Long), búng Tàu (Hậu Giang, Sóc Trăng), xẻo Búng, búng Bình Thiên (An Giang)…Búng là tiếng Nôm, vốn chỉ hình dáng vật phình ra (có khuynh hướng tròn):

Chung búng má kèn chỉ vẻ mặt không hài lòng (sụ mặt), hai má hơi phình ra;

Miệng nhai cơm búng(4) chỉ hành động người lớn nhai cơm và thức ăn trong miệng rồi lừa ra để đút trẻ con ăn;

Búng ngón tay là hành động dùng đầu ngón tay cái kềm chặt đầu ngón còn lại tạo thành hình tròn rồi đột ngột buông ra. Đây cũng là cách đo kích thước của một vật nhỏ gọn: Con cá lóc bự (to) bằng một búng tay.

Hiện nay có nhiều trường hợp do không hiểu nghĩa của từ búng nên người ta tưởng lầm là bún (món ăn làm bằng bột gạo chín, có hình sợi) vì dân Nam Bộ phát âm hai từ này giống nhau. Chẳng hạn: rạch Búng Bò bị viết sai thành rạch Bún Bò (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Búng Xáng bị viết sai thành Bún Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Sông Sài Gòn, đoạn chảy ngang thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng một chỗ phình rộng ra gọi là Búng, nên chợ gần đó cũng gọi là chợ Búng, nhưng có người không hiểu nên gọi/ viết là chợ Bún.

2.2. Cái + X

Từ cái trong những địa danh có cấu tạo cái + X đã được Lê Trung Hoa nghiên cứu khá kỹ trong bài viết “Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc thành tố chung cái trong địa danh Nam Bộ”.(5) Trong bài viết này, Lê Trung Hoa đã dùng nhiều cứ liệu để bác bỏ các quan điểm sai lầm sau đây:

-  Quan điểm cho cái này nghĩa là “lớn” (vì thực tế ở Nam Bộ toàn bộ đường nước có tên gọi cái + X đều nhỏ);

-  Quan điểm cho rằng cái này là biến âm của kẻ, chỉ nơi, xứ, chỗ (vì thực tế nó để chỉ đường thủy chứ không phải chỉ vùng đất);

-  Quan điểm cho rằng cái này có nguồn gốc Khmer (vì tiếng Khmer gọi là prêk [rạch], không có đối ứng về ngữ âm với cái).

Từ đó, ông chứng minh rằng “Cái là danh từ, có nghĩa là nhánh sông hay con rạch. Về nguồn gốc, cái không thể phát xuất từ tiếng Khmer hay tiếng Hán, vì trong hai ngôn ngữ này không có từ hay từ tổ nào có âm na ná mà có ý nghĩa là con rạch. Có lẽ đây là một từ Việt cổ mà đến thế kỷ XIX, nó đã không còn khả năng dùng độc lập, chỉ còn xuất hiện trong các từ ghép hay từ tổ và trở thành địa danh.”

Thế nhưng trong công trình Lột trần Việt ngữ (1972), Bình Nguyên Lộc đã chứng minh rằng, trong ngữ hệ Mã Lai (mà theo ông thì tiếng Việt 100% có nguồn gốc Mã Lai) không có từ cái, mà đó chính là cách dịch âm của từ 个 (bính âm: ), danh từ đơn vị trong tiếng Hán mà người Việt tiến hành từ thời Bắc thuộc. Thật ra, ngữ nguyên này đã được ghi nhận từ năm 1898, trong Dictionnaire annamite - français của J. F. M. Génibrel: Cái []: cái nhà, cái bàn.(6) Trong chữ Hán,

个  và 個 được dùng như nhau (âm ) nhưng chữ Nôm thì dùng 個 để ghi âm cái.

Từ đó có thể suy đoán rằng từ cái chỉ nhánh sông hay con rạch ở Nam Bộ có nguồn gốc từ tiếng Hán chứ không phải bản địa.

Trong Di cảo Trương Vĩnh Ký (tr. 252-264), danh mục đối chiếu các địa danh Việt-Khmer có 9 địa danh có sự đối ứng giữa từ cái (Việt) và prêk (Khmer): Cái Cát - Prêk khsắc, Cái Lá - Prêk cau pona càk, Cái Thia - Prêk lau tie, Cái Muối - Prêk ambil, Cái Dầu Thượng - Prêk chotal khpòs, Cái Mơn Lớn - Prêk mơn thom, Cái Tàu Thượng - Prêk sampou lơ, Cái Cối - Prêk thbàl, Cái Trầu - Prêk mlu.(7) Prêk trong tiếng Khmer được dịch âm sang tiếng Việt là rạch. Như vậy, từ cái này tương đương về nghĩa với từ rạch. Bằng chứng là hầu hết các thủy lộ có tên cái

+   X đều có thể thay bằng rạch + X. Chẳng hạn: Cái Bát → Rạch Bát, Cái Bần → Rạch Bần, v.v... Tuy nhiên, không thể dịch dứt khoát cái = rạch, vì cái có khi còn chỉ nhánh sông, tức sông nhỏ đổ ra sông lớn, chẳng hạn: sông Cái Cỏ, sông Cái Dầu Thượng, sông Cái Mơn Lớn, sông Cái Muối, v.v... Đồng thời, không phải con rạch nào cũng có thể gọi là cái + X, ngoại trừ những con rạch đổ nước ra sông lớn.

Ngoài ra, cũng phải xác định rằng cái này ra đời trước rạch, bằng chứng là có thể nói Rạch Cái X chứ không thể nói Cái Rạch X.

Tóm lại, cái này chính là đường thủy nhỏ tự nhiên(8) ăn ra sông lớn chứ không có nghĩa là lớn như nhiều người tưởng lầm. Cái này là loại từ (cái + X) chứ không phải tính từ như trong trường hợp X + Cái (như sông Cái, đường Cái, bờ Cái, v.v.). Ở Nam Bộ có nhiều sông lớn và nhiều nhánh sông nhỏ hay rạch ăn thông với nó nên số đường thủy có tên cái + X rất nhiều (hơn 350 tên). Miệt vườn Nam Bộ nằm dọc theo hệ thống sông Mekong nên là khu vực có mật độ cái đổ nước ra sông cao nhất: Cái Bè, Cái Cối, Cái Lá, Cái Lân, Cái Nhỏ, Cái Nứa, Cái Rắn, Cái Sơn, Cái Thia (Tiền Giang); Cái Cấm, Cái Cát, Cái Cau, Cái Chát Lớn, Cái Chát Nhỏ, Cái Cối, Cái Gà, Cái Hàng, Cái Lứt, Cái Mít, Cái Mơn, Cái Muồng, Cái Ngang, Cái Nhum, Cái Nứa, Cái Ớt, Cái Quao, Cái Sơn, Cái Tắc, Cái Tôm, Cái Tre, Cái Trê, Cái Ván, Cái Xoài (Bến Tre); Cái Bần, Cái Bát, Cái Bầu, Cái Cá, Cái Cầu, Cái Chúc, Cái Cơ, Cái Cui, Cái Dầu, Cái Đôi, Cái Lá, Cái Lóc, Cái Sâu, Cái Sơn, Cái Tháp, Cái Tàu, Cái Tràm Dưới, Cái Tràm Trên (Vĩnh Long); Cái Hạt, Cái Bè Cạn, Cái Da Nhỏ, Cái Dao Dưới, Cái Dao Trên, Cái Dầu, Cái Dầu Bé, Cái Đôi, Cái Dứa, Cái Gia Nhỏ, Cái Hạt, Cái Nín, Cái Sao, Cái Sâu, Cái Sơn, Cái Tắc, Cái Tàu, Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, Cái Xép (Đồng Tháp); Cái Hóp, Cái Già, Cái Già Bến, Cái Già Trên (Trà Vinh), v.v...

Bảng 1: Tiêu chí phân biệt sông, kinh (kênh), cái và rạch

Kích thước đường thủy Thiên tạo / Ăn ra sông Cách gọi tên
Nhân tạo
Lớn Thiên tạo Ăn ra sông lớn hơn hoặc không Sông
Lớn hoặc nhỏ Nhân tạo Ăn ra sông hoặc không Kinh (kênh)
Nhỏ Thiên tạo Ăn ra sông Cái (hoặc rạch)
Nhỏ Thiên tạo Không ăn ra sông Rạch

2.3. Cống + X

Hiện nay, ở Nam Bộ có hàng trăm địa danh cống + X. Phần lớn các cống này đều là công trình thủy lợi ngầm dưới đất(9) giúp nước lưu thông. Cống hiểu theo nghĩa đó là các loại cống hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu thủy lợi (tưới tiêu nước) vừa phục vụ giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, từ mấy trăm năm trước, khi vùng đất Nam Bộ còn thưa vắng người và giao thông đường thủy là chủ yếu, giao thông đường bộ hầu như chưa đặt ra, nghĩa là chưa có các cống ngầm như hiện nay, vậy mà khi đó đã có địa danh cống. Chẳng hạn: Cống Môn 槓門 ở thôn Tân Kiểng, tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An thời Gia Long.(10) Vậy chắc hẳn cống này không giống như các cống ngầm hiện nay chúng ta biết mà phải là một dạng địa hình đặc biệt nào khác.

Thật vậy, hai chữ 槓門 này được Lý Việt Dũng (Sđd) dịch là cống Môn (nghĩa là tên một cái cống) còn Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đào Duy Anh dịch là cửa cống,(11) nghĩa là cả hai nhóm dịch giả đều thống nhất dịch 槓 là cống. Tuy nhiên, 槓 là chữ Hán được chữ Nôm mượn dùng để ghi âm cổng. Do đó chữ 槓 được các tự điển/ tự vị trước đó như Dictionarium Anamitico - Latinum (1772) của P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum (1838) của J. L. Taberd và Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của đọc là cổng, nghĩa là lối ra vào.

Chữ (Nôm) cổng 槓 này phải được hiểu là lối ra vào (đường tưới tiêu nước cũng chính là lối ra vào của nước) chứ không thể hiểu là cái cửa cổng, vì đương thời các ngôi chợ ở Nam Kỳ thậm chí còn chưa có mái che thì làm gì có cửa cổng.(12)

Ở  vùng Đồng Tháp Mười ngày trước có nhiều địa danh cống + X kiểu này. Đây là một bồn trũng nước tự nhiên nhiễm phèn nặng, không thể canh tác, do đó cần phải đào kinh tiêu úng rửa phèn thoát nước ra sông. Từ thời Nguyễn đã có nhiều đồn điền được lập ven Đồng Tháp Mười để tiến hành công việc này: Đào các kinh nhỏ từ nội đồng ra kinh lớn để tháo nước trong bồn trũng ra sông. Do đó, khảo sát ở địa bàn tỉnh Tiền Giang hôm nay, tức vùng ven Đồng Tháp Mười, thấy có nhiều địa danh xưa như: cống Bà Kỳ (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy), cống Bà Láng (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè), cống Bà Xá, cống Cả Sơn (xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy), cống Bộng, cống Đình, cống Ông Chủ, cống Tượng (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước), cống Chùa (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy), cống Dứa (xã Tân Hội, huyện Cai Lậy), cống Huế (xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy), cống Trâu (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè). Vùng đất này thuộc Đồng Tháp Mười, trước năm 1975 còn hoang vu, đường bộ chưa phát triển, nhưng các địa danh cống + X thì có trước đó từ rất lâu. Điều đáng nói hơn nữa là, từ xưa tới nay, tại các địa điểm tương ứng với các địa danh này chưa từng có cái cống ngầm nào được xây dựng cả. Nhất là đối với trường hợp cống Trâu, cống Tượng thì rõ ràng các cống này không thể là dạng cống ngầm như ngày nay (vì nếu như vậy thì trâu và voi/ tượng không thể chui vào đó(13)). Vậy các cống này là dạng địa hình gì?

Khảo sát thực tế tại các địa điểm có các địa danh nêu trên, dễ nhận thấy đây chính là các con kinh nhỏ tiêu nước từ nội đồng ra kinh lớn. Vậy các cống đang đề cập ở đây hoàn toàn khác với cống ngầm như ta biết ngày hôm nay, mà chính là các con kinh nhỏ dùng để thoát nước ở Đồng Tháp Mười. Các cống này là đường kinh nhỏ lộ thiên nên mới được sách Gia Định thành thông chí ghi bằng chữ các tự điển/ tự vị xưa nêu trên đọc theo âm Nôm là cổng (lối ra vào).

Hiện nay, ở Đồng Tháp Mười, người dân vẫn còn dùng từ cống để chỉ các con kinh thoát nước nhỏ này. Con kinh nào có quá nhiều cống thoát nước nhỏ kiểu này thì sẽ có hình dáng giống như các khoanh dây buộc dày khít trên đòn bánh tét, nên gọi là kinh Bánh Tét.(14) Khi đó, các cống (kinh nhỏ) này được gọi là cựa gà.(15)

Đồng thời, do đường bộ đã phát triển song song với nhu cầu thủy lợi và giao thông thủy nên nhiều cống ngày xưa giờ đã được nạo vét rộng ra và bắc cầu lớn hẳn hoi tại những điểm có đường bộ đi ngang. Do đó, từ vài chục năm nay đã xuất hiện các tên gọi: cầu Cống Bộng, cầu Cống Chùa, cầu Cống Huế, cầu Cống Tượng, v.v..., hiểu là cây cầu bắc ngang cống (kinh) Bộng, cống (kinh) Chùa, cống (kinh) Huế, cống (kinh) Tượng, tương tự như cầu Rạch Tượng. Như vậy, các địa danh mới này cũng góp phần cho biết các cống này có trước cầu (nên mới gọi là cầu Cống X) và nó vốn là con kinh, bởi nó là con kinh thì người ta mới bắc cầu ngang qua, chứ nếu đã là cái cống ngầm thì còn bắc cầu qua nó làm chi nữa.

Cuối cùng, điều đáng nói nữa là, cái cống (kinh nhỏ) thoát nước ngày xưa vốn chủ yếu xuất hiện ở vùng mới khai hoang để tiêu úng, đến sau này, khi các đô thị phát triển dẫn đến nhu cầu thoát nước tại đây rất cao, thì hàng loạt cống ngầm thoát nước mới xuất hiện và vẫn gọi là cống. Hệ quả là, ngày nay người ta biết đến cống (ngầm) chủ yếu ở các đô thị, trong khi nó vốn có xuất xứ từ xưa ở những vùng xa xôi hẻo lánh vừa mới khai hoang. 

2.4. Gãnh + X

Từ gành

Việt Nam có rất nhiều sông ngòi, địa hình lại phức tạp nên dòng chảy của các con sông thường không được suôn sẻ mà nhiều trường hợp có đá ngầm nổi lên dưới lòng sông, khiến cho dòng nước bị co thắt lại, chảy xiết và tạo nhiều xoáy nước rất nguy hiểm. Rất nhiều từ điển/ tự điển tiếng Việt gọi các đoạn sông như vậy là ghềnh (miền Bắc) hay gành (miền Trung và Nam Bộ), tức hầu hết đều cho gành là biến âm của ghềnh.(16)

Xét trên khía cạnh duy danh thì quả thực trải dài từ Bắc vào Nam có sự chuyển biến dần từ ghềnh sang gành. Khảo sát các địa danh từ Bắc vào Nam có thể nhận thấy: ở miền Bắc chỉ có địa danh mang yếu tố ghềnh, không có địa danh mang yếu tố gành; ở miền Trung vừa có địa danh mang yếu tố ghềnh, vừa có địa danh mang yếu tố gành còn ở Nam Bộ không có địa danh mang yếu tố ghềnh(17) mà chỉ có địa danh mang yếu tố gành.

Bảng 2: Sự phân bố tên gọi ghềnh/ gành ở ba miền

Địa danh miền Bắc Địa danh miền Trung Địa danh Nam Bộ
Yếu tố ghềnh + +/ - -
Yếu tố gành - +/ - +

Tuy nhiên, thực tế cho thấy gành ở Nam Bộ có nghĩa khác hẳn so với ghềnh

ở  Bắc và Trung: “Gành: chỗ đất đá gio gie bên mé biển”.(18) Lý do vì Nam Bộ có địa hình nhìn chung bằng phẳng, ngoại trừ một vài đoạn ngắn ở thượng nguồn sông Đồng Nai ra, hầu như khắp Nam Bộ không có ghềnh sông nào nguy hiểm như ở miền Bắc và Trung. Ngược lại, hầu hết các sông ở Nam Bộ đều có lượng phù sa cao, bồi đắp nên các bãi sông ven biển, tạo thành các doi đất lấn ra mé biển. Phương ngữ Nam Bộ gọi các doi đất này là gành. Khảo sát địa danh Nam Bộ chúng tôi ghi nhận được 10 địa danh mang yếu tố gành: Gành Hào, Gành Hào Lớn, Gành Hào Bé, Gành Rái (huyện Cần Giờ, TP HCM); Gành Dao, Gành Dầu, Gành Dinh Cậu, Gành Lớn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); Gành Hào (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau); cầu Gành (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

…  đến gãnh

Ngoài 10 địa danh có yếu tố gành nói trên, ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre còn có 4 địa danh bắt đầu bằng yếu tố gãnh: gãnh Mù U (xã Bảo Thạnh), gãnh Bà Hiền(19) (xã An Thủy), gãnh Trên gãnh Dưới (xã An Hòa Tây).

Vậy gãnh là gì? Gãnhgành có liên hệ gì về nghĩa với nhau không?

Tra bản đồ, dễ nhận thấy các gãnh nói trên đều nằm sát cửa sông thuộc hệ thống sông Mekong. Nơi đây có lượng phù sa lắng đọng cao nhất nên hình thành các doi đất lấn dần ra cửa sông, hướng ra biển. Do là khu bãi bồi mới định hình, hẻo lánh và nước nhiễm mặn nặng khó canh tác nên cư dân thưa thớt, là nơi định cư của dân nghèo khó, sa cơ.

Như vậy, gãnh đích thực chính là gành, tức dạng địa hình doi đất gie ra ở cửa sông.

Nơi chôn nhau cắt rốn của Phan Thanh Giản ở gãnh Mù U nên ông lấy hiệu là Lương Khê 梁溪,(20) biệt hiệu là Mai Xuyên 梅川. Lương 梁 là dải đất doi ra mé sông, Khê 溪 là dòng nước, vậy Lương Khê nghĩa là nơi dòng nước có doi đất ở mé sông, tức là cách dịch Hán hóa từ gãnh trong tiếng Việt. Còn Mai Xuyên chính là con sông ven bờ có nhiều cây nam mai (tức cây mù u). Tóm lại, hiệu và biệt hiệu của Phan Thanh Giản chính là cách dịch Hán hóa của gãnh Mù U, nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Nói cách khác, hiệu và biệt hiệu của Phan Thanh Giản đã góp phần minh định nghĩa của địa danh gãnh Mù U: gãnh đây chính là gành (doi đất ven sông/ biển), còn mù u (cũng gọi là nam mai - cây mai phương nam) là tên một loài cây thân gỗ thường mọc ở mép nước, lá tròn, cứng, hoa trắng, trái tròn màu xanh, khi chín chuyển sang màu nâu.(21)

Nhưng tại sao dân địa phương không gọi là gành như những nơi khác mà lại gọi là gãnh?

Có thể lý giải như sau:

Ở  vùng này có hai doi đất lớn ven cửa sông, lẽ ra gọi là gành Mù Ugành Bà Hiền (gành Trên gành Dưới nhỏ hơn nhiều nên không bàn tới). Tuy nhiên, hai tổ hợp này (gành Mù Ugành Bà Hiền) toàn vần bằng, riêng gành Bà Hiền toàn thanh huyền, gây khó khăn trong việc phát âm. Trong trường hợp này tiếng Việt sẽ xuất hiện luật dị hóa (dissimilation) về mặt phát âm, biến gành thành gãnh, tức biến thanh huyền thành thanh ngã cùng âm vực.(22) Hiện tượng biến thanh huyền thành thanh ngã để tạo ra từ mới đồng nghĩa là khá phổ biến trong tiếng Việt, chẳng hạn: cồi (còi)→ cỗi, hầm → hẫm, rồi → rỗi.

Hiện tượng đắp đổi giữa hai thanh điệu cùng âm vực(23) như vậy là rất phổ biến để cấu tạo nên từ láy và chi phối quy luật biến âm trong tiếng Việt, đến mức trở thành một thứ mẹo luật chính tả.(24)

Một khi gành Mù U biến âm thành gãnh Mù U, gành Bà Hiền biến âm thành gãnh Bà Hiền thì tự nhiên gành Trên gành Dưới ở bên cạnh cũng sẽ bị “hưởng ứng” cái đà dị hóa này mà biến âm thành gãnh Trên, gãnh Dưới. Kết quả là trong khi 10 gành khác vẫn cứ là gành thì riêng 4 cái gành ở Ba Tri bị biến âm thành gãnh mà trong đó thường được nhắc tới là gãnh Mù U.

Nói tóm lại, các gãnh này là biến âm của gành, tức doi đất lớn sát mé

sông, gần cửa biển. Có nhiều người không hiểu điều này nên giải thích sai lầm, rằng gãnh này là biến âm của rãnh, tức đường nước nhỏ hẹp. Cách giải thích này tưởng chừng như hợp lý, vì nó xuất hiện ở miền Tây, nơi hiện tượng nói trại âm “g” thành “r” vốn khá phổ biến. Nhưng nếu căn cứ vào thực địa nơi có các địa danh có yếu tố gãnh + X sẽdễ nhận ra ở đó không có rãnh (đường thoát nước nhỏ) nào cả, vì là doi đất bồi ven cửa sông.

2.5. Tràm + X

Nam Bộ là vùng đất thấp nên thuận lợi cho cây tràm phát triển, do đó mà có hàng trăm địa danh có yếu tố Tràm. Tuy nhiên, phần lớn các yếu tố Tràm này đứng sau một loại từ khác theo công thức X + Tràm, chẳng hạn: rạch Tràm, lung Tràm, cầu Tràm, v.v... Cá biệt, ở Nam Bộ lại có vài chục địa danh mà yếu tố Tràm lại đứng đầu để làm loại từ theo công thức Tràm + X. Trong trường hợp này, Tràm vốn là danh từ khối lại được dùng làm loại từ.

X + Tràm: Tràm là danh từ khối;

Tràm + X: Tràm là loại từ.

Con số thống kê Tràm + X này lên tới 29 tên (Tràm Cát, Tràm Chẹt, Tràm Chim, Tràm Chúc, Tràm Cù Lao Dài, Tràm Chúc, Tràm Cù Lao Dung, Tràm Cu, Tràm Cứa, Tràm Dơi, Tràm Gộc, Tràm Lạc, Tràm Láng, Tràm Lầy, Tràm Lớn, Tràm Lụt, Tràm Một, Tràm Mù, Tràm Sập, Tràm Sình, Tràm Soái, Tràm Thẻ, Tràm Thuật, Tràm Tròn, Tràm Tôm, Tràm Trích (Tràm Chích), Tràm Tróc, Tràm Trổi, Tràm Xuyên,…), cho thấy đây chính là một hiện tượng chuyển loại của từ đáng quan tâm.(25)

Học giả An Chi, trong một loạt bài viết,(26) đã ra sức chứng minh rằng các địa danh nói trên thực ra có công thức Chằm + X, bị siêu chỉnh Chằm thành Tràm, vì ông cho rằng chỉ có Chằm mới có tư cách loại từ còn Tràm thì không.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chủ trương rằng trong Tràm + X thì Tràm là loại từ chứ không phải do Chằm bị nói trại thành. Bởi lẽ, từ xưa tới nay ở Nam Bộ không hề có bất kỳ địa danh nào có công thức Chằm + X cả. Và cho tới hôm nay cũng chưa có ai chỉ ra được ở Nam Bộ (từng) có cái chằm nào, ngược lại có đến ít nhất 29 địa danh Tràm + X.

Hơn nữa, giả sử cứ cho là Chằm Chim bị siêu chỉnh thành Tràm Chim thì tại sao cho tới hôm nay ở Nam Bộ vẫn còn ít nhất 2 địa danh có công thức tương tự như Tràm Chim (Loại từ “Tràm” + danh từ khối), mà yếu tố sau không thể nào tương hợp được về nghĩa với yếu tố đứng trước nếu yếu tố đứng trước là Chằm:

-  Tràm Kiến (xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Nếu là Chằm Kiến thì kiến sao lại ở nơi chằm là vùng ngập nước?

-  Tràm Lựu (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Nếu là Chằm Lựu thì lựu làm sao sống được dưới chằm nước?

Vả lại, xét về mô hình trọng âm thì Chằm Chim [sic] là một danh ngữ có cấu tạo danh từ + định ngữ nên có mô hình trọng âm [0 – 1](27) (nghĩa là trọng âm nằm

ở  âm tiết sau). Mô hình này cho thấy tiếng đầu (Chằm) bị nhược hóa (reduction) nên chịu sự đồng hóa (assimilation) mạnh mẽ về ngữ âm của tiếng sau (Chim), mà trước hết là âm CH-. Ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có con rạch tên là Tràm Sập.(28) Chính danh là Tràm Sập nhưng dân gian thường nói trại thành Sầm Sập [sic], tức là tiếng đầu (Tràm) yếu nên bị tiếng sau (Sập) đồng hoá, biến TR-thành S-.

Theo quy luật đồng hóa này, giả sử có tồn tại địa danh Chằm Chim thì âm CH- trong Chằm phải được bảo lưu để đồng hóa với âm CH- trong Chim. Vậy mà ông An Chi lại chủ trương ngược lại: Âm CH- ở đây bị “siêu chỉnh” thành TR-, tức là dị hóa (dissimilation). Một âm tiết yếu, đang bị đồng hóa, có khi nào bỗng dưng “vùng dậy” để dị hóa như vậy hay không, nếu không có chủ ý cá nhân của một người nào đó?

Nếu lập luận như ông An Chi thì, tại sao 100% dân Nam Bộ lại phải “quyết tâm” từ bỏ âm CH- (âm mặt lưỡi, dễ phát âm) để đổi lấy âm TR- (âm quặt lưỡi, khó phát âm)?(29) Tại sao lại có chuyện chuyển đúng thành sai, chuyển dễ thành khó như vậy được?

Do đó, về các địa danh Tràm + X, chúng tôi vẫn chủ trương rằng Tràm này ban đầu là danh từ khối nhưng được chuyển thành loại từ dùng để chỉ một loại địa hình trũng thấp bao la mà cây tràm chiếm ưu thế. Kiểu loại từ này kể ra cũng khá đặc biệt và mang đậm dấu ấn sáng tạo của lưu dân người Việt ở địa bàn mới phương Nam buổi đầu, nơi mà cây tràm đóng vai trò chủ đạo.(30) Đặc biệt và mới mẻ không có nghĩa là không có tư cách ra đời và tồn tại. Trái lại, như thế đó mới thực là biểu hiện của quy luật sáng tạo không ngừng của ngôn ngữ.(31)

Tóm lại, trong các địa danh Tràm + X ở Nam Bộ, Tràm là loại từ chỉ một dạng địa hình, tương tự như lung, láng… chứ không phải là từ chỉ chủng loại (cây tràm).

2.6. Voi + X

Nếu để ý sẽ thấy hầu hết các địa danh Voi + X đều đối ứng với các mõm đất gie ra ở mé sông thuộc ĐBSCL như: (cầu) Voi Cái Mòi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), voi Chùa (xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), (ấp) Voi Đình (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An), (ấp) Voi Lá (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An), (ấp) Voi Lá (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An), (kinh) Voi Vàm (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), (chợ) Voi Vịnh Lở (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp).

ĐBSCL là vùng châu thổ trũng thấp được phù sa sông Mekong bồi đắp, nên địa hình nhìn chung trũng thấp, không thuận lợi cho loài voi sinh sống. Vả lại, người dân ĐBSCL có thói quen dùng tượng phổ biến hơn là voi, chẳng hạn: cống Tượng, láng Tượng, lung Tượng, núi Tượng,(32) v.v…

Nhưng quan trọng hơn, xét về mặt ngữ pháp, nếu voi là danh từ khối thì không thể kết hợp chặt với danh từ khối khác phía sau để làm thành địa danh, mà chỉ có thể nhìn nhận voi là loại từ, tức do doi bị nói trại thành, vì trong phương ngữ Nam Bộ voi với doi được phát âm giống nhau. Nói cách khác Voi + X này chính là hình thức viết sai chính tả từ Doi + X: (cầu) Doi Cái Mòi, doi Chùa, (ấp) Doi Đình, (ấp) Doi Lá,(33) (kinh) Doi Vàm, (chợ) Doi Vịnh Lở.

3. Một vài nhận xét

Địa danh, ngay bản thân danh xưng này đã mang nội hàm tính địa phương và tính thực tiễn sâu sắc. Do đó, nghiên cứu địa danh, ngoài những kiến thức chung về ngôn ngữ học ra, còn phải vận dụng một loạt kiến thức về địa phương như: lịch sử địa phương, địa lý địa phương, ngữ âm địa phương v.v… Những vấn đề về địa phương như thế buộc người nghiên cứu phải ra công đi điền dã để thâm nhập thực tế địa bàn thay vì chỉ trông cậy vào từ điển/ tự điển và các công trình khảo cứu sẵn có. Một bộ từ điển/ tự điển dù có uy tín đến đâu cũng không thể thay thế cho thực tiễn địa lý và thực tiễn ngôn ngữ, xã hội.(34)

Đặc biệt, Nam Bộ là địa bàn mới, có quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, ngôn ngữ mạnh mẽ, cách phát âm địa phương lại khá dễ dãi nên dễ dẫn đến nhầm lẫn, ngay cả đối với chính quyền địa phương. Địa danh dân gian thì có thể chấp nhận những hình thức đa dạng, phong phú, nhưng một khi nó trở thành địa danh hành chính và địa danh chỉ công trình xây dựng thì cần phải chuẩn hóa để bảo đảm tính chính xác, tránh trở ngại về mặt thông tin. Thực tế cho thấy các địa danh có công thức búng + X, cái + X, cống + X, gãnh + X, tràm + X, voi + X ở Nam Bộ đang bị rất nhiều người hiểu lầm, kể cả một số chuyên gia về tiếng Việt và chính quyền địa phương. Do đó, nội dung bài viết này, như đã nêu trên, cần phải được quan tâm tranh luận để chỉnh lý, bổ sung hay phủ chính.

L C L

CHÚ THÍCH

  1. Chẳng hạn: ao, bãi, bàu, bùng binh, búng, bưng, cái, cạnh, cổ cò, cổ hũ, cồn, cù lao, đầm, đảo, đập, đìa, dớn, gành, gãnh, gãy, giáp nước, giồng, hồ, hố, hóc, hòn, khém, kinh/ kênh, láng, lòng, lung, mũi, mương, ngã, ngọn, rạch, rộc, rỏng, sình, tắc/ tắt, tràm, trấp, ụ, vàm, vịnh, vũng, xáng, xẻo/ xép, v.v…
  2. Thậm chí chính quyền địa phương có khi cũng hiểu lầm, hiểu sai địa danh, dẫn đến viết sai địa danh. Chẳng hạn, viết Búng Xáng thành Bún Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), Tràm Một thành Trầm Một (xã Tân Hòa Thành, Tân Phước, Tiền Giang), Doi Vàm thành Voi Vàm (xã Tam Giang Tây, Ngọc Hiển, Cà Mau), viết Doi Lá thành Voi Lá (thị trấn Bến Lức và xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An), v.v…
  3. Chẳng hạn: Nguyễn Hữu Hiệp (2011), “Diện mạo các thủy hình, thủy mạch đặc trưng; khẩu ngữ về trạng thái nước và những tiếng người Nam Bộ thường dùng trong sinh hoạt đời sống có cội nguồn từ sông nước”, tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 (41); Nguyễn Hữu Hiếu (2014), “Ở đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ có nước lũ”, Ấn phẩm Đồng Tháp xưa & nay, số 38; Lê Trung Hoa (2012), “Từ địa phương Nam Bộ chỉ địa hình trong địa danh Việt Nam” (bản thảo).

(4)                          “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” (Ca dao).

  1. Trong Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
  2. Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon, p. 61. Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ cũng ghi nhận ngữ nguyên này.
  3. Trích trong Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn, tr. 255-264.
  4. Đường thủy nhân tạo gọi là kinh (kênh). Tuy nhiên, trong quá trình làm thủy lợi, người ta thường dựa theo các con rạch (thiên tạo) để đào thành kinh, làm xuất hiện các tên gọi phức tạp như Kinh Rạch + X (như kinh Rạch Cơ, kinh Rạch Dinh, kinh Rạch Già, v.v...) hoặc Kinh Cái + X (như kinh Cái Hố, kinh Cái Nước, kinh Cái Sắn, v.v...).
  5. Hoặc có khi lộ thiên.
  6. Theo Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr. 121 (phần dịch), 245 (phần nguyên văn).
  7. Theo Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 86.
  8. Trong hồi ký Xứ Đông Dương (L’Indo-chine française, 1905), Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho biết: “Ở Nam Kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi chúng ta đến. Ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên một mảnh đất rìa làng”. Paul Doumer (1905, tái bản 2016), L’Indo-chine française (Xứ Đông Dương), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 122.
  9. Trường hợp này chỉ có thể hiểu cống Trâu là con kinh nhỏ có trâu lội hay nằm vùng ở đó. Tương tự đối với cống Tượng.
  10. Chẳng hạn: kinh Bánh Tét ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
  11. Chẳng hạn: Cựa Gà ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.
  12. Chẳng hạn: Văn Tân chủ biên (1967), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội; Lê Ngọc Trụ (1967), Việt ngữ chánh tả tự vị, Khai trí xb, Sài Gòn; Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (1972), Tự điển Việt Nam, Khai trí xb, Sài Gòn; Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội; Hoàng Phê chủ biên (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng; Vũ Văn Kính (2002), Đại tự điển chữ Nôm, Nxb Văn nghệ, TP HCM, v.v...
  13. Ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vốn có địa danh cầu Gành, nhưng do cách viết của người miền Bắc nên hiện nay bảng hiệu cầu được viết cầu Ghềnh. Theo Phan Đình Dũng-Nguyễn Thanh Lợi (2010), Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, tr. 402.
  14. Huình Tịnh Paulus Của (1895-1896, tái bản 1998), Đại Nam quấc âm tự vị, Nxb Trẻ, TP HCM, tr. 348. Định nghĩa này được Lê Ngọc Trụ chép theo trong Việt ngữ chánh tả tự vị.

(19)                        Tiếng đồn gái gãnh Bà Hiền,

ăn thuần hậu, ấy duyên với mình (Ca dao).

  1. Tập san Sử địa, số 7 (năm 1967), tr. 175.
  2. Địa bàn Bến Tre có mật độ sông nước cao nhất ĐBSCL (cả tỉnh là 3 dải cù lao) nên có rất nhiều mù u. Chính Lãnh binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng) xuất thân từ Bến Tre đã có sáng kiến dùng trái mù u làm vũ khí để đánh Pháp, gọi là “trận chiến mù u”.
  3. Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (Sđd, tr.536) ghi nhận gảnh (dấu hỏi) là biến âm của gành, tức là đã vi phạm luật biến âm cùng âm vực.
  4. Âm vực cao gồm các thanh: ngang, sắc, hỏi; âm vực thấp gồm các thanh: huyền, nặng, ngã.
  5. Để viết đúng dấu hỏi, dấu ngã xưa nay có mẹo luật được phát biểu bằng đôi câu lục bát theo kiểu khoán yêu như sau: “Anh Huyền mang nặng ngã đau,/ Em Ngang sắc thuốc hỏi đau chỗ nào”. Thí dụ: đằng đẵng (huyền - ngã), chậm rãi (nặng - ngã), trắng trẻo (sắc - hỏi), thăm thẳm (ngang - hỏi).
  6. Từ năm 2013 đến nay, học giả An Chi có tới 5 bài viết về địa danh Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đăng trên Năng lượng mới/ Petrotimes (các số ra ngày 15/4/2013, 06/6/2014, 22/3/2015, 11/4/2015, và 19/4/2015). Đó là chưa kể bài của ông trước đó trên Kiến thức ngày nay số 599 (1/4/2007). Sở dĩ ông An Chi phải viết nhiều bài như vậy là vì có nhiều bài tranh luận với ông về đề tài này, mà tiêu biểu là hai ông Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Thanh Thuận.

Trong 5 bài đăng trên Năng lượng mới, ông An Chi dùng rất nhiều lý lẽ và dẫn chứng để bảo vệ quan điểm: “Gút lại, xin khẳng định rằng “tên cúng cơm” của Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đơn giản và chính xác là Chằm Chim chứ không phải “Trầm Chim” hay “Tràm Chim” gì cả” (Petrotimes ngày 15/4/2013). Và ông đưa ra công thức mà ông cho rằng theo đó địa danh Chằm Chim [sic] bị “siêu chỉnh” (hypercorrection): Chằm Chim → Trầm Chim

Tràm Chim.

Trong khi đó, các quan điểm tranh luận với ông An Chi thì ra sức bảo vệ danh xưng “Tràm Chim”: “Tên gọi Tràm Chim, trong đó Tràm là một dạng địa hình sông nước đặc biệt ở Nam Bộ… chỉ nơi trũng thấp, nước ngập quanh năm” (Nguyễn Hữu Hiếu, “Bàn về địa danh Tràm Chim”, Xưa & Nay số 447, tháng 5/2014).

Vấn đề tưởng phức tạp đó cuối cùng được ông An Chi gút lại: “Nếu… tác giả Nguyễn Hữu Hiếu mà chứng minh được rằng trong tiếng Việt, người ta có thể nói theo cách của những danh ngữ trên đây [Xoài Chim, Mít Chim, Nhãn Chim] thì chúng tôi sẵn sàng tuyên bố rằng những bài chúng tôi đã viết về “Tràm Chim” đều vô giá trị” (Petrotimes ngày 22/3/2015).

Như vậy, cả hai quan điểm đối lập trên đều thống nhất nhau ở chỗ nhìn nhận địa danh Tràm Chim/ Chằm Chim [sic] có cấu tạo theo công thức: Loại từ + danh từ khối

Vấn đề chỉ còn là: Một bên (ông An Chi) thì cho rằng, trong “Tràm Chim” thì “Tràm” không thể là loại từ còn một bên (ông Nguyễn Hữu Hiếu) thì cho rằng “Tràm” chính là loại từ.

Do phủ nhận loại từ “Tràm” nên ông An Chi cho rằng “Tràm Chim” là “một cái tên méo mó, vô nghĩa” (vì nó không tuân theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt) và ông đề nghị tên khác là “Chằm Chim” (với loại từ “chằm” là “vùng đất thấp và rộng bỏ hoang, thường bị ngập nước”).

Phía ông Nguyễn Hữu Hiếu thì cho rằng tràm là một dạng địa hình sông nước” nên có tư cách là loại từ, xuất hiện trong các địa danh thuộc tỉnh Đồng Tháp như: Tràm Dơi, Tràm Sình, Tràm Cù Lao Dung, Tràm Thầy Ba Vỹ. Để củng cố thêm lập luận, ông Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, “Người Việt Nam Bộ thường phát âm /tr/ thành /ch/ chớ không ngược lại; [] phương ngữ Nam Bộ không có từ tố [sic] chằm để chỉ vùng ngập nước hoang hóa đầy lau sậy”. Và ông kết luận: “Địa danh Chằm Chim chỉ là một địa danh ảo”.

  1. Như ở chú thích số 25.
  2. [0] là khinh âm, [1] là trọng âm.
  3. Nằm ở ranh giới giữa hai xã Phú Mỹ và Hưng Thạnh.
  4. Mặc dù vẫn có một bộ phận phát âm lẫn lộn, nhưng phần lớn dân Nam Bộ vẫn phát âm phân biệt CH- và TR-. So với CH-, TR- khó phát âm hơn nhiều. Trẻ con tập nói thường nói âm môi (“mẹ”, “má”, “mum”…) và âm mặt lưỡi (“cha”, “chơi”…) trước, các âm tiết khác thường nói đớt quy về một trong hai âm này. Riêng phần lớn người dân tỉnh Bến Tre đều không phát được âm TR-.
  5. Ở Nam Bộ hiện nay vẫn còn hàng trăm địa danh có từ Tràm đã chứng tỏ điều này.
  6. Thực tế phương ngữ Nam Bộ còn có một loại từ chỉ địa hình còn đặc biệt hơn nữa là từ gãy trong địa danh gãy Cờ Đen ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đầu thế kỷ XX, tại đây chỉ có 2 con kinh là kinh Lagrange và kinh Quatre Bis hợp thành một góc nhọn gãy khúc. Tại đây người ta cắm một cây cờ đen làm hiệu, nên gọi là gãy Cờ Đen. Ngôi chợ mọc lên tại đó gọi là chợ Gãy tương tự như chợ Giồng, chợ Gò, chợ VàmGãy ở đây đích thị là loại từ chỉ một dạng địa hình sông nước, tương tự như Tràm trong Tràm Chim.
  7. Địa danh núi Tượng đã có từ lâu đời còn tên xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên, An Giang) chỉ xuất hiện từ năm 2003.
  8. Doi Lá là doi đất ven sông có nhiều cây dừa nước mọc (loại cây dùng để lấy lá lợp nhà). Ở Nam Bộ, ngày trước người ta dùng lá dừa nước để lợp nhà rất phổ biến, nên từ thường để chỉ là dừa nước, chẳng hạn Đám lá tối trời (nơi Trương Định lập căn cứ chống Pháp) chính là vùng rừng lá dừa nước.
  9. Không thể biện luận như ông An Chi: Trong các thế kỷ trước, ở Nam Bộ có vài bộ từ điển ghi nhận từ chằm thì nhất định thời đó ở Nam Bộ phải có chằm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. An Chi (2007, 2015), các bài viết về địa danh Tràm Chim đăng trên Kiến thức ngày nay số 599 (1/4/2007) và Năng lượng mới/ Petrotimes (các số ra ngày 15/4/2013, 06/6/2014, 22/3/2015, 11/4/2015, và 19/4/2015).
  2. Bình Nguyên Lộc (1972), Lột trần Việt ngữ, Nxb Nguồn xưa, Sài Gòn.
  3. Hoàng Phê chủ biên (2008), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
  4. Huình Tịnh Paulus Của (1895-1896, tái bản 1998), Đại Nam quấc âm tự vị, Nxb Trẻ, TP HCM.
  5. Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  6. J.L. Taberd (1838), Dictionarium Anamitico - Latinum, J.Marshnam, Serampore (Bengale).
  7. J. F. M. Génibrel (1898), Dictionnaire annamite - français, Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon.
  8. Lê Công Lý (2015), “Tại sao gọi là gãnh Mù U?”, tạp chí Xưa & Nay, số 466, tháng 12/2015.
  9. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn.
  10. Lê Ngọc Trụ (1967), Việt ngữ chánh tả tự vị, Khai trí xb, Sài Gòn.
  11. Lê Trung Hoa (2005), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  12. Lê Trung Hoa (2015), Từ điển địa danh Nam Bộ, Đề tài Quỹ Nafosted (bản thảo).
  13. Lê Trung Hoa (2016), “Từ địa phương Nam Bộ chỉ địa hình trong địa danh Việt Nam” (bản thảo).
  14. Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (1972), Tự điển Việt Nam (2 quyển), Khai trí xb, Sài Gòn.
  15. Nguyễn Hữu Hiệp (2011), “Diện mạo các thủy hình, thủy mạch đặc trưng; khẩu ngữ về trạng thái nước và những tiếng người Nam Bộ thường dùng trong sinh hoạt đời sống có cội nguồn từ sông nước”, tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 (41).
  16. Nguyễn Hữu Hiếu (2014), “Ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ có nước lũ”, Ấn phẩm Đồng Tháp xưa & nay, số 38.
  17. Nguyễn Hữu Hiếu (2014), “Bàn về địa danh Tràm Chim”, tạp chí Xưa & Nay số 447 (tháng 5/2014).
  18. Nhiều tác giả (1967), tập san Sử địa, số 7, Sài Gòn.
  19. Paul Doumer (1905, tái bản 2016), L’Indo-chine française (Xứ Đông Dương), Nxb Thế giới, Hà Nội.
  20. Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi (2010), Hỏi đáp về Biên Hoà – Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
  21. P.J. Pigneaux (1772), Dictionarium Anamitico - Latinum, bản chép tay.
  22. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  23. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
  24. Văn Tân chủ biên (1967), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  25. Vũ Văn Kính (2002), Đại tự điển chữ Nôm, Nxb Văn nghệ, TP HCM.

*    Lê Công Lý, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129), 2016

Thông tin truy cập

63687587
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7879
23426
63687587

Thành viên trực tuyến

Đang có 1012 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website