I. KHÁI QUÁT VỀ TÊN RIÊNG
1.1. Quan niệm về tên riêng
Tên riêng là một đơn vị thuộc mảng từ vựng, có giá trị định danh, nhưng định danh đặc biệt. Tính đặc biệt trong việc định danh của tên riêng thể hiện ở chỗ: Khác với từ trong ngôn ngữ - dùng để chỉ một lớp sự vật có các đặc tính giống nhau, tên riêng có bản chất là dùng để chỉ một người, một sự vật riêng rẽ. Điều đó có nghĩa là giữa tên riêng và sự vật được tên riêng biểu thị có sự tương ứng một - một tuyệt đối: Mỗi một người, một vùng đất, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể có một tên riêng, và mỗi một tên riêng biểu thị một người, một vùng đất, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể... nào đó cụ thể.
1.2. Các loại tên riêng
Có nhiều cách phân loại tên riêng:
– Phân loại theo nguồn gốc, có thể phân loại thành:
+ Tên riêng Việt Nam;
+ Tên riêng nước ngoài (phiên qua âm Hán Việt và phiên trực tiếp ra tiếng Việt).
– Phân loại theo bản chất sự vật được gọi tên, có thể phân loại tên riêng thành:
+ Tên người;
+ Tên địa lý;
+ Tên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể... (gọi chung là tên tổ chức).
Ngoài ra, còn có thể có tên riêng cho các động vật nuôi, các sự vật, và trong nhiều tài liệu hướng dẫn chính tả còn nhắc đến tên các danh hiệu, chức vụ, v.v. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ chọn hai loại tên riêng để phân tích tư cách âm tiết trong kết cấu chung của tên riêng (khi thật cần thiết chúng tôi sẽ có những đối chiếu với các loại tên khác, kể cả đối chiếu phân tích với tên riêng nước ngoài).
1.3. Giá trị biểu đạt của tên riêng
Đối với các tên riêng (còn gọi danh từ riêng), có thể có các quan niệm khác nhau giá trị biểu đạt, đặc biệt liên quan đến việc chấp nhận tên riêng có nghĩa hay không có nghĩa. Những người theo quan điểm về tính có nghĩa của tên riêng cho rằng, việc đặt tên cho các cá thể (trong đó, đặc biệt là con người) thường chọn các tên có ý nghĩa đẹp. Và, vì thế, nhiều người cho rằng có thể lý giải được tính lý do của tên riêng. Chúng tôi cho rằng, về bản chất, tính lý do đó liên quan đến lý do lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ để làm tên riêng mà không liên quan đến giá trị biểu nghĩa của tên riêng. Căn cứ vào chức năng của tên riêng là để gọi tên cho cá thể, chúng tôi cho rằng tên riêng, chỉ thực hiện chức năng chiếu vật – chỉ ra các cá thể được nói đến trong giao tiếp mà không có ý nghĩa như các hình vị hoặc từ ngữ thuộc về ngôn ngữ chung: Trong tiếng Việt, thuỷ là một yếu tố Hán-Việt, có nghĩa “nước” nhưng khi được sử dụng làm tên riêng, chẳng hạn, Nguyễn Thị Thu Thuỷ thì Thuỷ không có nghĩa chỉ “nước” mà thực hiện chức chức năng chiếu vật – chỉ ra người mang tên Thuỷ. Nói các khác, các hình vị, các từ ngữ được lựa chọn từ ngôn ngữ chung để đặt làm tên riêng cho sự vật không còn chứa những ý nghĩa vốn có của nó mà được dùng để thực hiện chức năng chiếu vật. Như vậy, so với các từ ngữ chung của ngôn ngữ, tên riêng không có giá trị ý nghĩa mà có giá trị chức năng. Nói về tên riêng, chúng ta không bàn đến các thành phần ý nghĩa như ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa các tên riêng với các danh từ chung có ý nghĩa chỉ một sự vật trong thế giới, như: Mặt trời. Mặt trăng, Sao Hoả, v.v. Các danh từ chung này, mặc dù, chỉ biểu thị một sự vật duy nhất trong thế giới (có phần giống các tên riêng) nhưng chúng có ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái (khác với các tên riêng).
II. MỖI ÂM TIẾT TRONG TÊN RIÊNG NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT TỪ HAY TÊN RIÊNG NGƯỜI VIỆT LÀ MỘT CỤM TỪ
2.1. Về các âm tiết chỉ họ và tên
Dạng cơ bản của tên riêng người Việt là kết cấu ba thành phần họ + lót + tên (Nguyễn Đình Chiểu ) và kết cấu hai thành phần họ + tên (Nguyễn Du). Căn cứ vào cấu tạo tối thiểu có thể thấy chức năng định danh của tên riêng người Việt thuộc về hai bộ phận chính: họ và tên. Giữa họ và tên có thể có hoặc không có tiếng lót. Xét về mặt sử dụng thì họ và tên là hai bộ phận có quan hệ với nhau tương đối lỏng lẻo, có thể vận dụng độc lập, tách bạch nhau trong giao tiếp.
– Có thể dùng họ để chỉ cá thể mang tên riêng, Chế Lan Viên viết: Xưa Nguyễn yêu ai mà khổ vậy (chỉ Nguyễn Du), hoặc có thể dùng: Những tư tưởng của cụ Phan (để chỉ Phan Bội Châu),...
– Hiện nay, trong lời nói hằng ngày, để chỉ cá thể mang tên riêng, chúng ta thường dùng tên, ví dụ: Giang, Trang, Sơn, Linh, Hương …
Như vậy, dễ dàng nhận thấy đặc điểm nổi bật của tên riêng người Việt là tính kém chặt chẽ về mặt kết cấu. Các bộ phận chỉ họ và tên trong tên riêng người Việt có thể tách bạch nhau mà trở thành các định danh biệt lập, và có khả năng vận dụng độc lập khi nói và viết.
2.2. Về âm tiết ngoài họ và tên
2.2.1. Tiếng lót đặc biệt
Một số nhà khoa học có đề cập đến âm tiết thứ hai trong tên riêng người Việt như là yếu tố tạo nên họ ghép hoặc họ kép. Ví dụ: Lê Xuân Thại, Nguyễn Văn Thạc cho rằng “Về cấu tạo ngữ âm, phần nhiều họ chỉ có một âm tiết. Một số ít có hai âm tiết, ta thường gọi là họ kép, như Tôn Thất, Nguyễn Khoa...” [6, tr.66] Nguyễn Lân cũng cho rằng ngoài họ đơn, Việt Nam còn có họ kép (như Hồ - Đắc, Nguyễn - Lê). Theo những người này, họ kép là họ có cấu tạo đa âm tiết, trong đó các thành tố gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời hoặc thay thế bằng một thành tố nào khác. Còn họ ghép là họ có cấu tạo đa tiết, gồm họ bố (chính) và họ mẹ. Dương Lan Hải không thừa nhận có “họ kép” trong tiếng Việt, nhưng lại cho rằng, Việt Nam có “họ ghép”. Tác giả viết: “Chúng ta không có họ kép, nhưng có họ ghép”. [1, tr.55]
Do tính cố định, bắt buộc các tiếng lót kiểu Khoa, Đắc, Tấn... có xu hướng cố kết với tiếng chỉ họ, làm thành một tổ hợp đa tiết (thường là song tiết) chặt chẽ, đến nỗi gây ấn tượng cho rằng, chúng vốn là thành phần kết cấu của một kiểu họ (họ kép), giống kiểu họ kép thực thụ của Trung Quốc: Gia Cát (Lượng), Tư Mã (Thiên)...
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, trong các tổ hợp được gọi là “họ kép” như Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Nguyễn Tấn..., yếu tố sau Khoa, Đắc, Tấn... chỉ nên coi là một loại tiếng lót đặc biệt, có tính chất cố định, bắt buộc, được chọn dùng có ý thức, nhằm phân biệt các chi trong một họ lớn và là dấu hiệu để nhận biết quan hệ thích tộc giữa những người thuộc cùng một gia tộc. Sự phân biệt trên chủ yếu có giá trị trong phạm vi một họ nhất định, không mang ý nghãi rộng ra toàn xã hội. Và, trong thực tế, nhiều trường hợp không thể phân biệt được đâu là thành phần thứ hai của “họ kép” và đâu là tiếng lót trong tên người có họ đơn. Ví dụ: Khoa trong Nguyễn Khoa Điềm là thành phần của họ kép hay là tiếng lót, hoặc thành phần của tên ghép Khoa Điềm?
Điều quan trọng là, do áp lực của kết cấu tên người Việt: họ + lót + tên, trong đó thành phần đứng đầu (đơn âm tiết) luôn luôn được coi là tiếng chỉ họ, thành phần đứng cuối (đơn âm tiết) cũng luôn luôn được xem là tiếng chỉ tên, còn thành phần đứng giữa là tiếng lót, nên yếu tố đứng sau trong cái gọi là họ kép thường được người Việt tri giác như là tiếng lót, giống như mọi tiếng lót khác, và có thể tách khỏi họ và tên để trở thành yếu tố biệt lập.
Còn về cái gọi là “họ ghép”? Yếu tố thứ hai trong “họ ghép” cũng nên coi là một loại tiếng lót, được chọn dùng theo ý thích cá nhân hoặc gia đình. Không giống ở “họ kép”, yếu tố thứ hai trong “họ ghép” không phải là một từ cố định nào đó, dùng cho hết thảy mọi thành viên trong một họ, mà là tiếng chỉ họ của mẹ người có tên. Và nếu thừa nhận tiếng Việt có họ ghép thì số lượng họ ghép trong tiếng Việt sẽ là vô số. Do đó, tính quy ước xã hội của họ ghép rất yếu ớt. Bởi vậy, yếu tố thứ hai của họ ghép cũng chỉ nên xem là một loại tiếng lót đặc biệt mang tính quy ước riêng trong phạm vi một gia đình. Khi yếu tố chỉ họ mẹ là một thành phần được đưa vào có tính ngẫu nhiên thì quan hệ giữa tiếng chỉ họ bố và tiếng chỉ họ mẹ là một quan hệ lỏng lẻo. Nói cách khác, kết cấu “họ ghép” càng dễ dàng được tri giác như là một tiếng lót, có thể tách khỏi yếu tố thứ nhất để trở thành yếu tố biệt lập.
2.2.2. Tiếng lót
Trước đây, tiếng lót trong tên nữ có xu hướng phân biệt với tiếng lót tên nam. Để phân biệt tên nữ với tên nam, trong tên nữ người ta dùng từ thị làm tiếng lót, và hầu như chỉ dùng một từ ấy mà thôi. Tiếng lót cho tên nam thì phong phú và đa dạng hơn. Nói chung có thể dùng bất cứ một từ nào làm tiếng lót cho tên nam, tuỳ ý thích của người đặt tên. Nhưng theo thống kê, tiếng lót được dùng nhiều nhất là văn. Thực tế hiện nay cho thấy, tiếng lót có thể được lựa chọn khá tự do, tuỳ ý như Văn, Đình, Bình trong Nguyễn VănHải, Vũ Đình Hoạt, Trần Bình Minh... Song, trong nhiều trường hợp có thể nhận thấy rằng, người Việt thường thích dùng những từ có ý đẹp, để đi liền với tiếng chỉ tên, làm thành một từ, hoặc một tổ hợp từ mang một ý nghĩa thể hiện được một ước mong, sở thích của người mang tên: Nguyễn Ái Quốc, Trần Đại Nghĩa, Hồ Anh Dũng. Ở trường hợp này cũng có thể coi tổ hợp Ái Quốc, Đại Nghĩa, Anh Dũng là tên ghép. Lúc đó, tiếng lót là zéro hay vắng khuyết như tên người có cấu trúc họ + tên ghép.
Một khi thành phần chỉ họ và chỉ tên là những yếu tố biệt lập, có thể tách riêng khỏi kết cấu tên người, thì tiếng lót, cả tiếng lót đặc biệt như Khoa, Đắc... lẫn tiếng lót tự do, như Văn, Đình... cũng có khả năng trở thành yếu tố biệt lập hoặc được tri giác như yếu tố biệt lập.
Nói tóm lại, các tiếng trong tên riêng người Việt hoạt động tự do, độc lập làm cho kết cấu của tên riêng của người Việt là kết cấu lỏng lẻo giữa các âm tiết. Mỗi âm tiết trong tên riêng người Việt có tư cách là một từ. Và, về bản chất, tên riêng người Việt là một cụm từ.
Phân tích quy tắc viết hoa hiện hành - “viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên người” [4], dễ dàng nhận thấy, việc viết hoa tên riêng người Việt là dựa theo quy tắc lấy từ làm đơn vị viết hoa. Điều này cũng nhất quán với việc viết hoa tên người nước ngoài (kể cả phiên qua âm Hán Việt, lẫn phiên thẳng ra tiếng Việt hay viết nguyên dạng) – lấy từ làm đơn vị viết hoa. So sánh: Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Vla-di-mia I-lich Lê-nin, Karl Heinrich Marx, v.v.
III. TÊN ĐỊA LÝ LÀ MỘT TỪ
3.1. Tên địa lý đơn âm tiết và tên địa lý đa âm tiết trong tiếng Việt
Tên địa lý Việt Nam có thể có cấu tạo gồm 1 âm tiết: làng Cót, làng Chuông, sông Hồng, sông Đáy, châu Á… với tên riêng địa lý đơn âm tiết, dễ dàng xác định tư cách từ của các âm tiết đó.
Tuy nhiên, cũng cần làm rõ các trường hợp trung gian giữa tên riêng địa lý đơn âm tiết với tên riêng địa lý đa âm tiết.
Các tên địa lý thường được dùng kèm sau các danh từ chung, các thuật ngữ địa lý, hành chính như sông, núi, hồ, làng, xã, quận, huyện, khu... Ví dụ, sông Hồng, núi Tam Đảo, hồ Trúc Bạch, xã Chiến Thắng, huyện Từ Liêm, tỉnh Thái Bình, quận Đống Đa...
Do đặc tính này, nhiều tên địa lý, nhất là các tên một âm tiết, có xu hướng gắn kết chặt chẽ với danh từ chung gây ra cảm giác rằng, danh từ chung cũng thuộc thành phần cấu tạo của tên địa lý. Chẳng hạn, không thể nói *đi Hôm mà phải nói đi chợ Hôm v.v... Từ đó nhiều người đề nghị phải coi danh từ chung đó là yếu tố đầu của tên địa lý.
Tuy nhiên, xét trong toàn bộ hệ thống, các danh từ chung đi kèm trước tên địa lý phải được coi là yếu tố biệt lập, nằm ngoài kết cấu tên địa lý. Có thể nói Trên dãy Tam Đảo luôn luôn có mây mù hoặc cũng có thể nói Trên hòn Tam Đảo luôn luôn có mây mù. Điều này chứng tỏ rằng, mối quan hệ giữa danh từ chung đứng đầu tên với bộ phận sau nó là rất lỏng lẻo, tuỳ tiện và có thể lựa chọn biến thể, hoặc có thể bỏ.
Ở đây, cần phân biệt điều vừa nói với trường hợp với tên địa lý do riêng hóa các danh từ chung mà thành, như Cầu Giấy, Sông Bé, Bến Lức, Bãi Cháy, Vũng Tàu, v.v. Trong trường hợp này, các yếu tố cầu, sông, bến, bãi, vũng... đã mất tính chất của các danh từ chung như khi chúng đứng một mình hoặc đứng trước các tên địa lý khác như cầu Thăng Long, sông Vàm Cỏ, bến Nhật Tảo, bãi An Dương và đã trở thành các yếu tố cấu thành của tên địa lý. Những tên địa lý dạng này (Cầu Giấy, Sông Bé, Bến Lức, Bãi Cháy, Vũng Tàu…) được coi là các tên địa lý đa âm tiết, khác với các trường hợp làng Cót, làng Chuông, sông Hồng, sông Đáy… nêu trên.
3.2. Vai trò của âm tiết trong tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt
Đối với các tên địa lý đa âm tiết (gồm nhiều âm tiết) thì mỗi âm tiết đó có đủ tư cách là từ như các âm tiết trong tên riêng người Việt hay không?
Câu trả lời là không.
Các âm tiết trong cấu tạo tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt có đặc điểm cơ bản là kết hợp với nhau chặt chẽ, làm thành một chỉnh thể, được sử dụng nguyên khối khi nói và viết. Mỗi âm tiết không thể tách ra sử dụng độc lập. Chúng ta thường nói đầy đủ, nguyên khối các tên riêng địa lý tiếng Việt, như thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Ninh Bình… mà không dùng từng âm tiết như thành phố Đà hay thành phố Nẵng, tỉnh Ninh hay tỉnh Bình…, chúng ta cũng không thể nói và viết Hoàng, Liên hay Sơn một mình, để chỉ tên núi Hoàng Liên Sơn, mà phải nói, viết đầy đủ các thành phần của nó: Hoàng Liên Sơn. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp một vài tên địa lý nói tắt, như (tàu) Phòng (Hải Phòng), (lên) Thái (Thái Nguyên), (lên xứ) Lạng (Lạng Sơn), (vào xứ) Nghệ (Nghệ An)... nhưng chủ yếu dùng trong khẩu ngữ. Tính chặt chẽ về kết cấu giữa các âm tiết trong tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt, về bản chất, cũng giống với các âm tiết trong tên riêng địa lý và tên riêng người nước ngoài phiên trực tiếp ra tiếng Việt: Ác-hen-ti-na, La Ha-ba-na, Sô-lô-khốp,... Cũng như tên riêng địa lý tiếng Việt, tên riêng địa lý nước ngoài - đôi khi cũng được nói tắt, như Bun (Bun-ga-ri), Hung (Hung-ga-ri), Ru (Ru-ma-ni)...nhưng cũng chỉ gặp trong ngôn ngữ nói, hầu như không dùng trong ngôn ngữ viết.
Xét trong mối quan hệ với các kiểu từ phân loại theo cấu tạo của tiếng Việt, dễ dàng quy các tên riêng địa lý đa âm tiết tiếng Việt vào loại từ đơn đa âm tiết, kiểu như: bồ hóng, mồ hôi, lê ki ma, …
Phân tích quy tắc viết hoa hiện hành - “viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên địa lý” [4], dễ dàng nhận thấy, quy tắc viết hoa tên địa lý không giống như quy tắc viết hoa chỉ người (lấy từ làm đơn vị viết hoa) mà chọn bộ phận của từ làm đơn vị viết hoa.
VI. KẾT LUẬN
Đối chiếu tên riêng người Việt với tên địa lý tiếng Việt, chúng ta thấy có một sự đối lập rõ rệt giữa tên người với tên địa lý: đối lập lỏng - chặt về kết cấu. Giữa các yếu tố cấu tạo tên chặt và tên lỏng có sự khác nhau về cấp độ: một bên là từ một bên là âm tiết, và giữa tên chặt và tên lỏng cũng có sự khác nhau về cấp độ ở bậc cao hơn - một bên là cụm từ một bên là từ đơn đa âm.
Nhìn trong quan hệ với quy tắc viết hoa tên riêng hiện hành – viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết trong tên riêng chỉ người và tên riêng địa lý, có thể thấy quy tắc viết hai loại tên riêng này giống nhau về hình thức những khác nhau về bản chất, một bên lấy từ làm đơn vị viết hoa, còn một bên lấy bộ phận của từ là đơn vị viết hoa
Đối chiếu với tên riêng nước ngoài (phiên qua âm Hán Việt và phiên trực tiếp ra tiếng Việt) có thể thấy trong tên riêng người Việt và tên riêng người nước ngoài phiên qua âm Hán Việt, các âm tiết có kết cấu lỏng lẻo bao gồm các từ tương đối độc lập, trong khi đó, các âm tiết của tên riêng địa lý đa âm tiết, tên riêng người nước ngoài và tên địa lý nước ngoài có kết cấu chặt chẽ - mỗi âm tiết chỉ là một yếu tố trong một từ đa âm tiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Lan Hải (1972), Bàn thêm một số điểm xung quanh việc viết hoa tên riêng, Ngôn ngữ, số 1.
[2] Anh Hiền (1972), Bàn thêm về quy tắc viết hoa tên riêng chỉ người và chỉ đất trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 3.
[3] Nguyễn Lân (1972), Góp ý kiến về vấn đề quy tắc viết ho, Ngôn ngữ, số 2.
[4] Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 13-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[5] Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt (Ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ, ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo)).
[6] Lê Xuân Thại (1973), Nhìn lại cuộc thảo luận về quy tắc viết hoa, Ngôn ngữ, số 2.
[7] Phan Thiều (1972), Bàn về quy tắc viết hoa tên người, tên đất trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1.
ABSTRACT
By studying, comparing proper names of the people and geographical names (place names) of Vietnam, ways of representing - for example, the looseness and tightness of structures differ - are found. On that basis, the author explores the role played by syllables in forming such proper names. These are issues that relate to the ways of forming Vietnamese proper names and need to be further studied.
Đỗ Việt Hùng - GS.TS.,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 2 (22) 2013