Chữ Quốc ngữ thuở giao thời: Giữa những biến cố chính trị

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp, chữ Quốc ngữ bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Âu hóa nền quốc học Việt Nam và như một thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì đến Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục chữ Quốc ngữ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới.

20200212

Học sinh trường La San Taberd – được thành lập sau khi trường Adran đóng cửa. Tên trường đặt theo tên của giám mục Jean-Louis Taberd. Nguồn ảnh: flickr

Việc ghi tiếng Việt bằng mẫu tự Latin không phải là một hiện tượng đơn lẻ, chữ Quốc ngữ mà ta dùng hiện nay cũng chỉ là một trường hợp trong số hàng trăm ngôn ngữ đã được ghi lại dựa trên bảng chữ cái Latin. Công cuộc này được thực hiện ở tất cả các nước có dấu chân của các Thừa sai đến truyền giáo kể từ Phục Hưng (chỉ riêng Dòng Tên, từ năm 1540 đến 1773 đã soạn 164 cuốn từ điển, 165 cuốn ngữ pháp và 430 văn bản của 134 ngôn ngữ và 6 thổ ngữ” (Kloter 2007), chưa kể các Dòng khác tham gia vào quá trình truyền giáo như Đa Minh, Phan Sinh). Nhưng điều đặc biệt là, nếu không có những biến cố chính trị, lối viết theo mẫu tự Latin ở Việt Nam mãi vẫn chỉ là sản phẩm của ngữ học truyền giáo và chỉ được sử dụng trong khuôn khổ Giáo hội.

Khởi đầu từ những quyết định chính trị của chính quyền thuộc địa

Bước đầu vào nhà trường Nam Kỳ

Chúng ta đều biết, việc người người Pháp đổ bộ vào Cửa Hàn năm 1858 rồi đến khi họ đổ bộ vào Sài Gòn năm 1859 đã làm thay đổi tình hình chính trị của Việt Nam. Nền giáo dục và sự lựa chọn chữ viết của chúng ta cũng thay đổi theo.

Tới năm 1861, trường Adran Sài Gòn được thành lập. Người Pháp bắt đầu mở trường học và họ buộc phải lựa chọn tiếng Pháp hay tiếng Việt. Nếu dạy bằng tiếng Việt thì chọn chữ Nho hay chữ Quốc ngữ. Đại đa số người Pháp lựa chọn chữ Quốc ngữ vì theo họ chữ Nho quá khó. Theo Lucien de Grammont, trí thông minh của người Annam và Trung Quốc dồn vào việc học chữ thành ra khoa học các nước này không phát triển nổi. Hơn nữa việc học chữ Quốc ngữ còn cho phép trẻ con Annam học nhanh hơn, chỉ cần vài tháng là biết đọc, biết viết, trong khi cần phải mất mười năm mới giỏi được chữ Nho. Hơn nữa, chữ Quốc ngữ là trung gian để người Annam học chữ Pháp.

Một dòng quan điểm khác là của đô đốc Bonard, đến Sài Gòn năm 1861, ông chủ trương tôn trọng văn hóa và phong tục bản địa. Ông tổ chức dạy chữ Nho cho trẻ con bản xứ, còn người Pháp thì nên học chữ Quốc ngữ. Nhưng Bonard chỉ ở Nam Kỳ 2 năm, sau đó về Pháp vì lý do sức khỏe. Đô đốc Grandière lên thay, chủ trương mở trường học và dạy chữ Quốc ngữ.

Chính vì vậy, ngay từ năm 1864, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ được dạy song song ở trường học. Ở thời kỳ này chữ Quốc ngữ cũng đã bắt đầu được dạy trong nhà trường tuy thời lượng còn ít. Đến năm 1871, Dupré ra quyết định theo đó các học trò phải viết các bài khóa bằng chữ Quốc ngữ ở kỳ thi đọc và viết bằng tiếng Việt. Ngày 17.11.1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân. Nền giáo dục này được tuyên bố là miễn phí và tự do, tuân theo qui định chung của giáo dục quốc dân ở Pháp.

Đến năm 1882, thống đốc Lafont quyết định tất cả các văn bản tiếng Việt cần được viết bằng chữ Quốc ngữ và kể từ năm 1886, tất cả nhân viên hành chính đều phải biết chữ Quốc ngữ mới được tuyển. Trong chương trình học năm 1889, các thành viên của Hội đồng giáo dục quốc gia thống nhất chương trình dạy, trong đó có nhấn mạnh đến việc học sinh phải biết đọc, viết chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, làm các phép tính bằng chữ Quốc ngữ.



Ngày 17.11.1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân

 

Lan rộng ra Bắc và Trung Kỳ

Sau hiệp ước Protectorat năm 1884-1885, chữ Quốc ngữ lan rộng ra cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Rất nhanh chóng, số lượng các trường dạy chữ Quốc ngữ lên đến 117 trường năm 1887 (theo Pascale Bezançon, 2002). Các trường do chính quyền bảo hộ thay thế dần dần trường làng, hệ quả là trường do Pháp mở tăng lên nhanh chóng và số học sinh theo học chữ Hán giảm đáng kể. Trường Quốc học được thành lập năm 1896 để dạy tiếng Pháp cho những người sẽ là quan lại. Trường Hậu Bổ thành lập năm 1897 dạy cả tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.

Rút kinh nghiệm từ hệ quả của việc xóa bỏ chữ Nho ở Nam Kỳ “dẫn đến sự bất ổn trong xã hội bản địa đồng thời làm giảm giá trị đạo đức của người dân ở Nam Kỳ...Việc học chữ Nho sẽ luôn cần thiết cho người dân An Nam. [Điều đó] cho phép họ không mất đi sự tiếp xúc với văn học cổ điển và với nền văn minh Trung Hoa mà họ gắn bó” như toàn quyền Simoni đã nhận xét năm 1910, ông đề nghị cần dạy chữ Quốc ngữ song song với chữ Hán. Chính vì vậy ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, mỗi tuần vẫn có vài giờ chữ Hán trong chương trình học.

Quyết định của thống đốc Lafont ban hành năm 1878.

Giao điểm của các luồng tranh luận đối nghịch

Tuy được đưa vào nhà trường và đời sống bằng quyết tâm chính trị nhưng có thể nói việc áp dụng chữ Quốc ngữ vào nền giáo dục không hề đơn giản và vấp phải rất nhiều khó khăn. Vì dẫu sao chính quyền Pháp khởi xướng cũng là kẻ đi chinh phục và không dễ thuyết phục người dân chấp nhận một lối viết khác thay thế chữ viết đã gắn bó suốt 19 thế kỷ.

Chữ Quốc ngữ đứng vào lằn ranh giữa hai làn sóng ủng hộ và phản đối quyết liệt, mà bên ủng hộ với đại diện là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, những người theo học trường Dòng phải đương đầu với nhóm các nhà Nho truyền thống như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, v.v. Cuộc đối địch không thuần xảy ra giữa hai hệ chữ viết của một ngôn ngữ mà còn giữa hai thái độ chính trị, những niềm tin tôn giáo khác nhau: Thiên chúa giáo với Khổng giáo và các tôn giáo khác trước đó đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân.

Những sĩ phu ủng hộ chữ Quốc ngữ cho đó là vũ khí sắc bén trong công cuộc phổ biến tân học, khai dân trí, truyền bá tư tưởng yêu nước tiến tới giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà. Theo Trương Vĩnh Ký: “Chữ Quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này”. Ông cho rằng loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý do: “Thứ nhất, do nạn mù chữ đại trà trong dân, tiếp theo là chữ Hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ Quốc ngữ”.

Đại diện cho bên phản đối áp dụng chữ Quốc ngữ là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, theo cụ đó là thứ chữ của kẻ "xâm lược Tôn giáo và xâm lược lãnh thổ".  Sau này Phạm Quỳnh có tổng hợp lại ý kiến của bên phản đối chữ Quốc ngữ trên Nam Phong Tạp Chí (1927): “[họ cho rằng] Phàm văn tự, có khó khăn mới thâm thúy. Nay chữ Quốc ngữ dễ quá, đứa bé lên năm, học trò sơ học mở quyển sách ra cũng đọc lau láu được ngay, thì cái văn chương sản xuất bằng thứ chữ ấy tất là thô thiển bỉ tiện, không xứng đáng là văn chương được”. Theo ý Phạm Quỳnh, chính chữ Quốc ngữ là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy.


Báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ về việc đưa chữ Quốc ngữ và chữ Pháp vào kỳ thi Hương ở Nam Định. 


Không chỉ vậy, chữ Quốc ngữ cũng là giao điểm trong chủ trương dạy và học của chính những người Pháp cai trị. Trong việc áp dụng chữ Quốc ngữ sẽ có lợi cho người Pháp học tiếng Việt vì chúng ta hiểu rằng khi người Việt nói tiếng Việt thì chỉ cần học cách viết nhưng đối với người nước ngoài học tiếng Việt, họ sẽ phải học tiếng Việt thông qua con chữ- hiển nhiên chữ Quốc ngữ dễ học hơn với người Pháp vì cùng nằm trong mẫu tự Latin. Nhưng cũng có luồng ý kiến phản đối, như tại hội nghị Thuộc địa được tổ chức tại Paris năm 1889, Aymonier (giám đốc trường Thuộc địa) phản đối việc dạy chữ Quốc ngữ vì chữ viết này ghi lại một tiếng nói, và tiếng nói đó lại quá nghèo nàn1. Theo Aymonier, mục tiêu chủ yếu của nền học chính thuộc địa phải là dạy tiếng Pháp cho người Việt. Biết chữ Quốc ngữ không có lợi ích gì cho việc này. Việc giảng dạy thứ chữ này tại trường học bản xứ như vậy là phí phạm vô ích. Nên dồn tiền cho học chữ Pháp. Nếu chữ Pháp quá khó thì dạy một thứ tiếng Pháp tóm gọn.

Émile Roucoules là hiệu trưởng trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, thuộc phe ủng hộ chữ Quốc ngữ, đã lên tiếng phản bác Aymonier qua bài “Tiếng Pháp, Quốc ngữ và nền học chính tại Đông Dương – Trả lời ông Aymonier” ( Le français, le quốc-ngữ et l’Enseignement public en Inchochine – Réponse à M. Aymonier): “Dùng chữ Quốc ngữ theo đường hướng chúng tôi đã đề xướng có lợi điểm tức khắc là không cắt đứt với quá khứ và tạo ra những thói quen tập tục… Thứ chữ này sẽ là một phương tiện dù chậm nhưng chắc chắn và cần thiết… để truyền bá những ý niệm đầu tiên, khơi mào cho mọi việc”.

Bước ngoặt và các phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ

Ngày 6.6.1898, Toàn quyền Ðông Dương đặt thêm một kỳ thi phụ cho khoa thi Hương trường thi Nam Ðịnh. Môn thi gồm năm bài tiếng Pháp và có phần dịch sang tiếng Việt (bằng chữ Quốc ngữ). Cuộc cải cách dạy học truyền thống của Việt Nam diễn ra vào năm 1906: các trường làng đặt dưới sự kiểm soát của cả các quan và Ty Giáo dục của Pháp. Cấu trúc chương trình dựa vào mô hình giáo dục của Pháp, chia thành 3 cấp: Ấu học, Thiếu học và Trung học (Trịnh Văn Thảo, 1995). Chữ Hán được dùng để dạy các môn luân lý, còn chữ Quốc ngữ được dùng để dạy Toán, các môn khoa học, lịch sử và địa lý.



Lớp học của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguồn: Vietnamnet. 


Cùng với một loạt các cải tổ và đàn áp, nước Việt Nam dưới mắt người Pháp xem như đã được bình định, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu đặt để những cơ chế về hành chính, giáo dục để cai trị các xứ thuộc địa và bảo hộ. Các cơ chế chính quyền của Triều đình nhà Nguyễn dần dần hoặc bị thay thế hoặc bị làm suy yếu đi không còn thực quyền. Hán học, nền tảng của công cuộc đào tạo sĩ phu, quan chức nhà Nguyễn, theo đó cũng tàn tạ nhường chỗ cho lớp quan chức mới xuất thân từ các trường Pháp-Việt. Chữ Quốc ngữ từ trong Nam lan ra đất Bắc, xen vào các kỳ thi; biết chữ Quốc ngữ trở thành một yêu cầu để bước vào quan trường.

Năm 1919, vua Khải Định ra chiếu rằng: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn”2. Sự kiện đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam và đánh dấu sự phổ biến rộng hơn của chữ Quốc ngữ trong các văn bản hành chính và trong giáo dục.

Bước ngoặt quyết định dẫn đến sự lan rộng mạnh mẽ của chữ Quốc ngữ là do chính các sĩ phu người Việt trong hàng ngũ Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục. Phong trào Duy Tân phát động từ năm 1905 ở Quảng Nam với ba lãnh tụ: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Phong trào chủ trương dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và đặc biệt dạy văn hóa, phổ biến kiến thức.

Ðông Kinh Nghĩa Thục khai giảng tháng 3 năm 1907 tại phố Hàng Ðào, Hà Nội, chương trình noi theo đường lối tân học của Trung Quốc và Nhật Bản. Trong các sĩ phu sáng lập có cụ cử Lương Văn Can, thục trưởng của Trường; cụ huấn Nguyễn Quyền, giám học; cụ án Nghiêm Xuân Quảng… và một số nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, v.v.  Mục đích của phong trào là: “khai trímở những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là nghĩa thục). Dùng chữ quốc ngữ để dạy là lợi khí để khai dân trí, nhưng hợp với chiêu bài “khai hoá” mà người Pháp không có lý do gì cấm”.

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp, chữ Quốc ngữ bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Âu hóa nền quốc học Việt Nam, và như một thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì đến Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục chữ Quốc ngữ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới.□

------------

Chú thích :

1 Thực ra quan điểm của Aymonier cho rằng tiếng Việt nghèo nàn và không diễn đạt được các tư tưởng siêu hình cũng giống như quan điểm của các Giáo sư Đại học Sorbonne vào thế kỷ 16 với tiếng Pháp. Vào thời đó, ngôn ngữ và chữ viết Latin được dạy trong trường Đại học ở Pháp và tiếng Pháp chỉ là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.

2 Việt Nam là nước cuối cùng xóa bỏ nền khoa cử Nho học. Nhật Bản đã bỏ các kỳ thi này năm 1868, Hàn Quốc năm 1894 và Trung Quốc năm 1904.

3 Ở trường bản xứ, trường địa hạt điều hành do quỹ thuộc địa tài trợ, các trường tổng điều hành dựa vào ngân sách các tỉnh, các trường khác sống do trợ cấp của các làng hay các tư nhân.

Tài liệu tham khảo

Aymonier, Etienne François & Roucoules, Emile. 2018. Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19. Lại Như Bằng dịch và chú giải.  Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới.

Bezançon, Pascale. 2002. Une colonisation éducatrice ? L’expérience indochinoise (1860-1945), Paris : l’Harmattan.

Brocheux, Pierre & Hémery, Daniel. 1994. Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954, Paris : Éditions La Découverte.

Cao, Huy Thuần. 2017.  Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa ở Việt Nam, Thành Phố Hồ Chí Minh : Nhà xuất bản Hồng Đức.

DeFrancis, John. 1977. Colonialism and Language Policy in Vietnam, Paris-New York : Mouton Publishers-The Hague.

Grammont, Lucien de . 1863. Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine, Paris : Imprimeur de la préfecture et de la mairie.

Kelley, Liam C.. 2012. « Imagining the Nation in Twentieth Century Vietnam » Presented at the 4th Engaging With Vietnam: An Interdisciplinary Dialogue Conference .

Pascale Bezançon. 2002. Une colonisation éducatrice ? L’expérience indochinoise (1860-1945), Paris : l’Harmattan.

Roucoules, Emile. 1889. « Étude sur l’instruction publique en Cochinchine », Bulletin de la Société des Études Indo-chinoises de Saigon, 2e semestre, séance du 23 octobre 1889, p. 31.

Trinh, Van Thao. 1995. L’école française en Indochine, Paris : Karthala.

Lettre du Résident supérieur P.I au Tonkin, à Messieurs les Résidents chefs de province du Tonkin, administrateurs maires de Hanoi et de Haiphong et commandants de territoires militaires, Hanoi, le 1er juin 1910, Bulletin administratif du Tonkin, année 1910.

Bulletin Officiel de la Cochinchine française. 1878. Arrêté relatif à l’emploi légal de la langue annamite en caractères latins du 6 avril 1878, p. 110-111.

Khai dân trí
Chữ Quốc ngữ góp phần rất lớn vào công cuộc khai dân trí đặc biệt vào đầu thế kỷ 20. Trong tình cảnh đa phần dân Việt mù chữ, khai dân trí tức là làm cho dân trước tiên biết đọc, biết viết. Biết đọc rồi thì cần đọc gì ? Ngay từ năm 1865, ở Nam Kỳ đã xuất hiện tờ Gia Định báo với các mục lớn là công vụ, tạp vụ để phổ biến cho dân các thông tin cũng như các kiến thức thường thức. Sau đó là các tạp chí như Thông loại khóa trình (1888), Nhựt trình Nam Kỳ (1897), Phan Yên báo (1898), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907)… Ở Bắc Kỳ, xuất hiện Đăng cổ tùng báo (1907), Đông Dương tạp chí (1913)… Ngoài ra, rất nhiều sách khoa học, văn chương, nghệ thuật, triết học của Pháp được dịch sang tiếng Việt. Rất nhiều các tác phẩm văn học của Việt Nam được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… Trong cuốn Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thể kỷ 19, tác giả Lại Như Bằng (2018) trích theo Annulaire de Cochinchine française 1887, có đưa ra số liệu về tỷ lệ học sinh theo học tại các trường Pháp và trường bản xứ3. Số lượng trẻ con Nam Kỳ theo học tổng cộng là 27.256 em, trong khi dân số của Nam Kỳ năm 1887 là 1.765.135 (theo số liệu do Lại Như Bằng sưu tầm). Như vậy tỷ lệ trẻ con đi học trên tổng số dân ở Nam Kỳ thời kỳ này là 1,54%. Sau năm 1919, nền giáo dục thuộc địa gánh trên vai sức nặng lớn hơn, vì các học trò theo học trường làng với thầy đồ đến trường bản xứ học. Số lượng học sinh tăng hơn hẳn. Theo số liệu trong cuốn L’école française en Indochine của Trịnh Văn Thảo (1995), năm 1931-1932, tỷ lệ trẻ con đi học trên tổng số dân là 18% tính bình quân trên cả nước. Đây mới chỉ là số lượng trẻ con đi học tính trên phần trăm tổng số dân. Như vậy nếu chúng ta tính cả những người đã học xong và biết chữ, thì tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam thời điểm này phải lên đến trên 20%. Theo Liam C. Kelly (2012), sự phổ biến kiến thức mới thông qua lối viết mới (chữ Quốc ngữ) ở đầu thế kỷ 20 gây ra một sự ngắt quãng về thế hệ giữa các trí thức người Việt. Theo Kelly, những người “Việt mới” này không còn nghĩ như các thế hệ trước đó. Bởi những khái niệm như dân tộc, tổ quốc, quốc dân, văn minh, khai hóa, tiến hóa, ái quốc tâm, cạnh tranh, chủng tộc được đưa vào chương trình dạy học. Chính những khái niệm mới mà người học trò được học dưới mái trường đã thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc với những câu hỏi về quyền con người, về Tổ Quốc, về độc lập, về tự do.

Phạm Thị Kiều Ly

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 10.02.2020.

Thông tin truy cập

63694263
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14555
23426
63694263

Thành viên trực tuyến

Đang có 531 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website