Bàn thêm về nguồn gốc chữ Quốc ngữ

Được coi là đại diện cho ngôn ngữ, chữ viết in đậm dấu vết chặng đường một dân tộc đã đi qua. Vì thế cần nghiên cứu lịch sử các loại chữ viết dân tộc ta từng sử dụng trong hơn 2000 năm qua. Đó là chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Bài này sẽ bàn về nguồn gốc và mối tương quan của ba loại chữ viết đó.

Vào khoảng thế kỷ II trước CN, khi phong kiến Trung Quốc chiếm nước ta và bắt dân ta học chữ Hán, tổ tiên ta đã học theo cách đọc chữ bằng tiếng Việt mà không đọc bằng tiếng Hán, và gọi chữ Hán đã Việt hóa phần ngữ âm là chữ Nho. Mỗi chữ Nho ứng với một âm Hán - Việt. Như vậy, người Việt chỉ học chữ mà không học tiếng Hán, nhờ thế học chữ Hán dễ hơn và có chữ để dùng.

Nhờ có chữ viết, dân tộc ta thoát khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại văn minh có chữ để ghi lại lịch sử. Việc dùng chữ Hán mà không nói tiếng Hán còn giúp dân ta một mặt vẫn đạt yêu cầu học chữ của kẻ cai trị, mặt khác lại giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ, qua đó tránh được thảm họa ngôn ngữ bị Hán hóa, dân tộc bị Trung Quốc hóa sau nghìn năm Bắc thuộc. Rõ ràng, chữ Nho là một sáng tạo ngôn ngữ xuất sắc của người Việt.

Chữ Hán chủ yếu là loại chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), tương tự những chữ tượng hình vẽ con vật hoặc chữ số 1, 2, 3… , các dân tộc đều hiểu ý nghĩa của các ký hiệu biểu ý ấy nhưng đọc bằng tiếng của họ. Tổ tiên ta đã lợi dụng tính chất đó để đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng vì là chữ Hán mượn về nên chữ Nho vẫn là chữ biểu ý và không ghi được hệ ngữ âm của tiếng Việt. Trên thực tế chữ Nho không ghi được được ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, chỉ một số ít người trong giới quan lại và giới tinh hoa biết dùng, và chỉ dùng để viết (bút đàm), không dùng để nói.

Để sửa nhược điểm ấy, vào khoảng từ thế kỷ XII, tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông gốc chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, qua đó làm ra chữ Nôm. Đây là bước thử nghiệm tiến tới tạo một loại chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph) ghi được tất cả các âm tiếng Việt.

Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều. Ảnh: Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường 1866. Nguồn: Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm.

Chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, kết hợp cả hai yếu tố biểu ý và biểu âm. Ban đầu chữ Nôm mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, dần dần ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý, được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Tương tự chữ Hán, mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết. Vì tiếng Việt giàu âm tiết nên có rất nhiều chữ Nôm. “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng sưu tầm 9.450 chữ Nôm trong đó có gần 3.000 chữ Nôm tự tạo, ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt.

Chữ Nôm từng có thời được gọi là “Quốc ngữ” hoặc “Quốc âm”, tức chữ của “tiếng nói nước ta”. Tuy không phải là chữ Hán nhưng do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập, lại chưa được đông đảo giới trí thức và chính quyền phong kiến nước ta thừa nhận. Vì vậy việc phát triển và hoàn thiện chữ Nôm gặp nhiều khó khăn. Tuy thế, văn thơ chữ Nôm, tức văn thơ tiếng Việt, do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tỏ ra trội hơn hẳn văn thơ chữ Nho, từng làm nên nền văn học chữ Nôm tỏa sáng rực rỡ với những tác phẩm tiếng Việt của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI), Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII-XIX) v.v…

Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều… và bản dịch chữ Nôm các tác phẩm chữ Hán như Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm khúc, v.v.. Trong 200 năm sau khi chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chưa được sử dụng, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm để viết tài liệu giảng đạo.

Dù sao, vì các ký tự vuông trong chữ Nôm không phải là chữ cái có thể ghép vần cho nên mức độ ghi âm tiếng Việt còn kém chính xác, nhiều chữ phải đoán âm đọc.

Thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes, Alexandre de Rhodes v.v… đến nước ta truyền giáo. Dòng Tên mang tên Chúa Jesus cao cả, chỉ tuyển người có học vị tiến sĩ1, yêu cầu nhà truyền giáo phải thông thạo ngôn ngữ và tuân theo phong tục tập quán của dân bản xứ.

Như đã biết, cha Francisco de Pina đến Việt Nam năm 1617, chỉ ba năm sau đã cùng các giáo sĩ khác biên soạn tài liệu giáo lý bằng chữ Nôm. Giáo sĩ Girolamo Maiorica trong khoảng 1632-1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh Truyện viết năm 16462. Kho lưu trữ thư tịch chữ Nôm hiện còn giữ được nhiều tài liệu của các giáo sĩ  Gaspar d’ Amaral, Antoine Barbosa…

Vì đối tượng truyền giáo là nông dân, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dĩ nhiên các tài liệu giảng đạo chữ Nôm phải dùng từ ngữ của dân thường. Từ đây có thể suy ra hai điểm:

- Thứ nhất, chữ Nôm thời đó đã ghi được phần lớn các âm “thuần Việt” dân dã;      

- Thứ hai, các vị giáo sĩ rất giỏi chữ Nôm ấy không thể không nhận thấy đây thực sự là loại chữ có yếu tố biểu âm ghi được hệ thống ngữ âm của tiếng Việt; nhưng chỉ vì dùng ký tự vuông của Hán ngữ nên ghi âm chưa thật chính xác, và khó học, khó phổ cập. Họ cũng hiểu rằng việc chữ Nôm đã tồn tại 500 năm và từng làm nên những tuyệt tác văn thơ chứng tỏ tiếng Việt thích hợp với chữ biểu âm. Ngày nay, ngôn ngữ học hiện đại cho biết tiếng Việt và tiếng Hán tuy đều là ngôn ngữ đơn âm tiết nhưng chỉ tiếng Việt do giàu âm tiết nên mới thích hợp với chữ biểu âm.3

Với nhận thức như vậy, các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học kể trên dĩ nhiên đã nảy ra ý tưởng dùng chữ cái La tinh để phiên âm chữ Nôm, biến thứ chữ có yếu tố biểu âm Hán hóa ấy thành thứ chữ biểu âm La tinh hóa dễ học dễ dùng cho việc truyền giáo của họ.

Rõ ràng, phiên âm một thứ tiếng đã có chữ viết ghi lại âm của tiếng đó thì đơn giản nhiều so với việc phiên âm một thứ tiếng chưa có chữ viết - ở thời xưa, đó là một công trình lao động sáng tạo cực kỳ phức tạp, cần nhiều người làm trong hàng trăm năm.

Thực tế cho thấy, các giáo sĩ kể trên dù ít người và làm việc phân tán nhưng đã tạo ra chữ Quốc ngữ trong thời gian ngắn kỷ lục: từ năm 1617 đến 1649.4 Họ đã nhanh chóng tìm ra các chữ cái La tinh phù hợp thay cho các ký tự vuông ghi âm tiếng Việt trong chữ Nôm. Năm 1617 Francisco de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ La tinh. Năm 1631 Gaspar d’ Amaral đến Đàng Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, đến năm 1634 đã làm xong một cuốn từ vựng tiếng Việt. Trong mấy cuộc gặp tại Macao (1630-1631), các giáo sĩ đã xác định được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649 Rhodes rời Việt Nam mang theo bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). Năm 1651 Từ điển này được in và xuất bản tại Roma, đánh dấu chữ Quốc ngữ Việt Nam chính thức ra đời.

Trong mấy chục năm làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, chủ yếu do hệ thống ngữ âm của tiếng Việt cực kỳ phong phú và mới lạ. Vấn đề phức tạp nhất là phải sáng tạo ra hệ thống ký hiệu thể hiện được các thanh điệu sắc, huyền, hỏi. ngã, nặng, và các con chữ thể hiện được các ngữ âm không có trong bộ chữ La tinh như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ. Bộ ký hiệu và con chữ ấy làm nên cái gọi là “giày và mũ” trong nhận xét của một học giả nổi tiếng Trung Quốc: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.”5. Thực ra “mũ, giày” ấy là những sáng tạo hợp lý tới mức người Việt xưa nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc ngữ nào không có các ký hiệu và con chữ đó. Ngoài ra các giáo sĩ thông thái ấy đã hiệu chỉnh các âm tiếng Việt mà chữ Nôm chưa ghi được chính xác, và hiện đại hóa phần ngữ pháp của chữ viết, như áp dụng các dấu ngắt câu, ngắt đoạn, viết hoa v.v…

20200624

Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm sưu tập tư liệu chữ Hán, Nôm trong các thư khố của Pháp. Ảnh: Fb Nguyễn Tuấn Cường.

Chữ Quốc ngữ có hình dạng khác xa chữ Nôm, nhưng về bản chất, cả hai đều là các hệ chữ viết ghi âm tiếng Việt; chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La thể hiện rất rõ mối tương quan với cấu tạo chữ Nôm 6.

Cuối cùng, các giáo sĩ Dòng Tên kể trên đã phiên âm và biến đổi chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm La tinh hóa về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Như vậy chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được La tinh hóa và hiện đại hóa.

Giả sử thời ấy chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì việc làm chữ của các giáo sĩ sẽ vô cùng khó khăn vì chữ Nho vốn là chữ Hán. Thực tiễn cải cách chữ viết ở Trung Quốc đã chứng tỏ không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành chữ biểu âm.

Năm 1582 giáo sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci đến Trung Quốc truyền giáo. Ông rất giỏi Hán ngữ, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách phiên âm chữ Hán. Năm 1605 Ricci đưa ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ cái La tinh, nhưng phương án này chỉ giúp người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau, giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng của Ricci nhằm mục tiêu tạo ra một thứ chữ biểu âm có thể thay thế chữ Hán mà họ muốn loại bỏ. Nhưng mọi cố gắng ấy đều bất thành. Năm 1958 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ cái La tinh, nhưng chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ viết. Từ đầu năm 1986 Nhà nước Trung Quốc không còn nhắc tới mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.

Tóm lại, việc dùng chữ cái La tinh phiên âm chữ Nôm đã thành công ngay từ đầu thế kỷ XVII trong khi mọi cố gắng phiên âm chữ Hán cho tới nay vẫn chưa có kết quả. Vì sao vậy? Vì chữ Nôm có yếu tố biểu âm, chữ Hán không có yếu tố ấy. Nói cách khác, không có chữ Nôm thì các giáo sĩ đáng kính nói trên sẽ không làm được chữ Quốc ngữ. Đến đây có thể kết luận: Bằng việc sáng tạo chữ Nôm, tổ tiên ta đã góp phần quan trọng dẫn đến sự hình thành chữ Quốc ngữ.

***

Đã hơn trăm năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí thức tiên tiến đầu thế kỷ XX ca ngợi là Hồn của đất nước, công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Lẽ tự nhiên, dân tộc Việt Nam giàu truyền thống nhân văn uống nước nhớ nguồn không bao giờ quên công lao của những người đã góp phần làm ra loại chữ viết kỳ diệu ấy. Đáng tiếc là cho tới nay công luận trong nước vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu cần vinh danh, và cơ quan công quyền có trách nhiệm thay mặt dân giải quyết vấn đề này dường như cũng chưa tỏ thái độ rõ ràng. Đây không phải là công việc quá khó. Để tình trạng trên kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân tộc văn minh. Vấn đề này đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và chính quyền cần sớm có kết luận cùng hành động tri ân.

Thời thuộc Pháp, có thể vì để đề cao “mẫu quốc” mà các sách giáo khoa ở ta đều quy công trạng làm ra chữ Quốc ngữ cho giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Quan điểm ấy trở thành chính thống trong một thời gian dài. Gần đây dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không phải người Pháp như Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar d’Amaral, António de Fontes… và đóng góp của cộng đồng giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, và đóng vai trò “thẩm định” trong quá trình thí điểm sử dụng chữ Quốc ngữ. Sự thay đổi quan điểm như vậy là hợp tình hợp lý.

Chúng tôi cho rằng dù thế nào cũng phải mãi mãi tôn vinh công trạng làm ra chữ Nôm của tổ tiên ta, một sáng tạo ngôn ngữ góp phần quyết định sự hình thành chữ Quốc ngữ  –– thành quả kết hợp trí tuệ của nền văn minh Việt với nền văn minh Ki Tô giáo. □

Tiếng nói của các dân tộc ở gần nhau thường ảnh hưởng lẫn nhau. Trong bốn nước từng sử dụng chữ Hán, tiếng Việt và tiếng Hán cùng là ngôn ngữ đơn âm tiết (còn gọi đơn lập, monosyllabic) cho nên tiếng Việt rất dễ chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, dễ bị Hán hóa khi phong kiến Trung Quốc chiếm đóng nước ta hơn 10 thế kỷ. Tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên thuộc loại ngôn ngữ chắp dính nên không dễ bị Hán hóa. Thế nhưng Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc vẫn giữ được “Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 20.6.2020.

----

Ghi chú:

[1]  https://tuoitre.vn/chu-quoc-ngu-nhung-nguoi-dau-tien-khai-sang-20191206213804476.htm

[2]  https://vi.wikipedia.org/wiki/Girolamo_Maiorica . Lã Minh Hằng: “Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”

[3]  Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”. TC Tia Sáng số 11 (5/6/2020)

[4]  Phạm Thị Kiều Ly: “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo”. TC Tia Sáng số   (2019).

[5]  Nguyễn Hải Hoành: “Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam rất nực cười?”

[6]  Nguyễn Ngọc Quân: “Chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La trong tương quan với cấu tạo chữ Nôm đương thời”.

Thông tin truy cập

63613209
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20531
10905
63613209

Thành viên trực tuyến

Đang có 693 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website