Một số vấn đề về dạy và học tiếng Việt ở trường phổ thông

Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ nên dạy cái gì? Câu hỏi này đặt ra tưởng như thừa lại hết sức cần thiết và cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà giáo dục học văn chưa trả lời được một cách rõ ràng và dứt khoát.

20211122 2

Vì vậy hậu quả mà học sinh phổ thông đặc biệt là học sinh cấp II gánh chịu là phải học một bộ sách giao khoa tiếng Việt hết sức nặng nề nhưng không mấy thiết thực, vì đó là một bộ giáo trình tiếng Việt ở bậc đại học được rút gọn và được thay thế bằng một hệ thống thuật ngữ có vẻ dễ hiểu hơn.. Cùng với bộ sách giáo khoa, học sinh còn bị "tra tấn" bởi một phương pháp dạy học theo một qui trình đơn điệu, máy móc và khô khan. Hiện nay, sách giáo khoa tiếng Việt, Bộ đã ban hành và đang là pháp lệnh. Do đó, vấn đề chúng ta cần bàn và nên bàn một cách thiết thực là dạy như thế nào trên cơ sở bộ sách giáo khoa tiếng Việt hiện có.

Trước khi bàn vấn đề dạy như thế nào đối với bộ sách giáo khoa tiếng Việt hiện có, cũng nên làm rõ một số vấn đề thuộc chương trình và sách giáo khoa.

1. Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ là dạy kiến thức về tiếng Việt hay dạy tiếng Việt với tư cách là một công cụ để giao tiếp và tư duy?

Theo chương trình qui định của Bộ, sách giáo khoa tiếng Việt vừa dạy kiến thức tiếng Việt vừa dạy kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh nhưng trong đó phần dạy kiến thức tiếng Việt vẫn là chủ yếu. Trong các nhiệm vụ của bộ môn tiếng Việt thì nhiệm vụ số một được Bộ qui định như sau: Cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống về tiếng Việt, làm cơ sở cho việc trau dồi và phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh... Thông qua các chức năng chủ yếu của ngôn ngữ, tiếp tục rèn luyện cho các em kỹ năng nghe, đọc, viết tiếng Việt văn hóa... (1) So sánh với nhiệm vụ và yêu cầu cơ bản của việc dạy - học tiếng Việt ở cấp II phổ thông do Bộ qui định trước cải cách giáo dục là: Phát triển ngôn ngữ và tư duy của học sinh, làm cho các em đọc, nói, viết đúng tiếng Việt, hiểu được cách diễn đạt bằng tiếng Việt của người khác và có khả năng xem xét, suy nghĩ hợp lô-gích (2) thì chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt cải cách giáo dục là một thụt lùi đáng tiếc. Sở dĩ có tình trạng nước đôi vừa dạy kiến thức vừa dạy kỹ năng sử dụng ở trường phổ thông đối với bộ môn tiếng Việt như đã nói ở trên, nguyên nhân chủ yếu là do chưa phân biệt rạch ròi đối với trường phổ thông thì tiếng Việt là môn học đối tượng như các môn học khác hay chỉ là môn học công cụ? Theo tôi cần phải khẳng định một cách dứt khoát rằng, đối với trường phổ thông thì tiếng Việt chỉ là môn học công cụ và không nên coi là môn học đối tượng. Những tri thức về tiếng Việt mà trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh chỉ nên giới hạn ở một mức độ tối giản và phải bằng một con đường khác không giống như con đường hình thành tri thức của các môn học đối tượng. Tiếng Việt với tư cách là môn học công cụ thì những tri thức mà bộ môn này cung cấp cho học sinh phải bằng con đường chấp nhận và dần dần tự ý thức hóa trong quá trình học tập và rèn luyện. Để kết thúc những điều trình bày trên đây, tôi xin dẫn chứng thêm nhiệm vụ bộ môn tiếng Việt do Bộ qui định cho trường Cao đẳng sư phạm để có thể thấy rõ hơn sai lầm của chương trình và sách giáo khoa tiếng Việt phổ thông đã mắc phải. Chương trình môn tiếng Việt của trường Cao đẳng sư phạm diện rộng, với thời gian 310 tiết chưa kể 85 tiết tập làm văn, có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Cung cấp những kiến thức cơ bản, hiện đại và có hệ thống về ngôn ngữ học và tiếng Việt (về các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách).

2. Rèn luyện kỹ năng đọc, nói, kỹ năng vận dụng đúng và thành thạo các qui tắc dùng từ, đặt câu, bồi dưỡng khả năng tự rèn luyện kỹ năng thực hành tiếng Việt.

3. Thông qua việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng, giáo dục tinh thần tôn trọng và yêu quí tiếng Việt (3)

Ba nhiệm vụ này được qui thành hai nhiệm vụ của bộ môn tiếng Việt ở trường phổ thông, có khác chăng là ở trường Cao đẳng sư phạm có thêm phần kiến thức về ngôn ngữ học với tỷ lệ thời gian chiếm 1/5. Sự lầm lẫn nói trên là ngọn nguồn gây bao tai họa cho cả giáo viên và học sinh vì họ phải dạy và phải học một chương trình quá tải và thực sự không cần thiết lắm.

Do phải cung cấp những kiến thức mà chương trình và sách giáo khoa qui định nên đến lượt người dạy lại tiếp tục "hành hạ" học sinh bằng cách dắt dẫn học sinh đi lại chính con đường mà các nhà ngôn ngữ học đã đi. Từ việc quan sát, phân tích các hiện tượng ngôn ngữ cụ thể rồi khái quát rút ra các khái niệm, các qui luật... Để né tránh sai lầm này, trong chỉ đạo Bộ có hướng dẫn phải dành hơn một nửa thời gian của tiết học tiếng Việt cho việc luyện tập thực hành. Mặc dầu Bộ qui định như vậy, nhưng qua dự giờ, theo dõi nhiều giáo viên dạy, chúng tôi thấy trên thực tế phần lớn giáo viên đều loay hoay với việc truyền thụ kiến thức, hình thành khái niệm nên không còn bao nhiêu thời gian để luyện tập thực hành. Còn luyện tập và thực hành như thế nào cũng là những vấn đề đáng phải bàn. Với cấu tạo bài học của sách giáo khoa hiện nay thì phần luyện tập, thực hành chủ yếu là để củng cố các tri thức về tiếng Việt đã được cung cấp ở phần lý thuyết. Đó là thực trạng đáng buồn hiện nay của bộ môn tiếng Việt ở trường phổ thông từ khâu chương trình đến sách giáo khoa và cả cách giảng dạy ở trên lớp.

2. Dạy tiếng Việt với tư cách là một công cụ giao tiếp thì nên dạy cái gì?

Đóng góp quan trọng nhất của Xô-Xuya là tách hoạt động ngôn ngữ ra làm hai mặt: mặt xã hội và mặt cá nhân. Tương ứng với mặt xã hội là ngôn ngữ, còn tương ứng với mặt cá nhân của hoạt động ngôn ngữ là lời nói. Theo Xô-Xuya, ngôn ngữ là cần thiết để cho lời nói có thể hiểu được và gây được tất cả những hiệu quả của nó; nhưng lời nói lại cần thiết để cho ngôn ngữ được xác lập; và về phương diện lịch sử, sự kiện lời nói bao giờ cũng đi trước (4)

Cũng có thể hình dung ngôn ngữ là cái khái quát, cái trừu tượng, vì nó là sản phẩm của toàn xã hội, còn lời nói là cái cụ thể, cái sinh động vì nó là sản phẩm của từng cá nhân. Theo Xô-Xuya thì ngôn ngữ tồn tại dưới dạng tiềm năng trong mỗi bộ óc hay nói đúng hơn, trong các bộ óc của một tập thể, vì ngôn ngữ không có mặt đầy đủ trong một người nào, nó chỉ tồn tại một cách vẹn toàn trong quần chúng (5) . Ngôn ngữ được hình thành dần dần ở đứa trẻ thông qua quá trình tập dượt và tiếp thu, rồi được định hình trong bộ óc. Từ những nhận thức trên đây, chúng tôi cho rằng: đối với học sinh phổ thông thì bộ môn tiếng Việt không nên đi sâu vào những cái khái quát, trừu tượng của ngôn ngữ mà nên dành nhiều thời gian để cung cấp cho học sinh những cái cụ thể, sinh động của lời nói. Dạy theo sách giáo khoa cải cách về cơ bản là dạy ngôn ngữ vì trong đó phần lớn là dạy các khái niệm của ngôn ngữ học nói chung chứ không riêng gì tiếng Việt, như: danh từ, đại từ, số từ,... Nếu nói bằng hình ảnh thì dạy như vậy là dạy cái màu xám của tiếng Việt. Chính lời nói là cái xanh tươi phong phú sinh động của tiếng Việt mà nhà trường cần cung cấp cho học sinh, vì đó là cái mà học sinh cần mà đang thiếu. Tóm lại, đối với học sinh, đặc biệt là học sinh cấp I, cấp II thì dạy tiếng Việt không nên dạy lý thuyết (tức là không nên dạy ngôn ngữ, mà chỉ nên dạy cây đời (tức là dạy lời nói)). Cũng cần nói thêm rằng, giữa ngôn ngữ và lời nói có một sự gắn bó và lệ thuộc lẫn nhau hình như khó lòng tách ra được. Nhưng về điểm này, Xô-Xuya cũng đã khẳng định: Ngôn ngữ vừa là công cụ vừa là sản phẩm của lời nói. Nhưng mặc dầu có những mối liên hệ đó, ngôn ngữ và lời nói vẫn là hai sự vật hoàn toàn tách biệt nhau.

Với kết cấu bài học gồm ba phần như trong sách giáo khoa, nên khi dạy tiếng Việt giáo viên thường dắt dẫn học sinh đi theo con đường qui nạp để hình thành các khái niệm, qui tắc và cuối cùng là luyện tập để củng cố các tri thức đã học được. Con đường đó chỉ có thể áp dụng khi tiếng Việt trở thành một môn học đối tượng như các môn toán, lý, hóa... Còn theo quan niệm của chúng tôi, ở trường phổ thông, tiếng Việt chỉ là một môn học công cụ thì phải thiết kế lại bài giảng và dạy theo một cách khác. Để minh họa cho những điều trình bày trên, tôi xin lấy một bài dạy cụ thể. Bài chúng tôi chọn là một bài khô khan nhất trong các bài khô khan có trong sách giáo khoa. Đó là bài Số từ.

Với kết cấu bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt, lớp 6, tập 2 thì giáo viên phải từ những ngữ liệu có sẵn rồi dắt dẫn học sinh hiểu thế nào là số từ chỉ số lượng và thế nào là số từ chỉ thứ tự và số hiệu. Ý nghĩa và hoạt động ngữ pháp của hai loại số từ. Và cuối cùng là làm một số bài tập để ghi nhớ những điều đã học về số từ. Đứng về mặt lời nói mà xét, người Việt có những cách dùng số từ riêng và cách dùng số từ của người Việt qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ và lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta phong phú vô cùng. Dạy số từ tiếng Việt mà không cung cấp cho học sinh biết sự phong phú trong cách dùng số từ của người Việt là một thiếu sót lớn.

Vì vậy, khi dạy bài này tôi không đi theo con đường đó. Mở đầu có thể thông qua một cuộc đàm thoại ngắn, tôi cho học sinh biết ngay hai loại số từ trong tiếng Việt. Sau đó tôi dành một số thời gian thích đáng để kiểm tra xem vốn liếng về cách dùng số từ của học sinh. Kết quả với học sinh lớp 6, vốn liếng của các em về cách dùng từ còn rất hạn chế. Các em cũng chỉ có thể nêu được một số câu tục ngữ, thành ngữ và một vài cách nói quen thuộc có dùng số từ. Khi các em đã cạn vốn, tôi bắt đầu cho các em biết những cách dùng số từ rất độc đáo, rất lạ của nhân dân ta, qua kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đố văn thơ... mà các em chưa biết hoặc có biết nhưng không nhớ vì chỉ mới nghe một vài lần. Và thế là chỉ trong 30 phút vốn liếng sử dụng số từ xưa đến nay qua bao thế hệ đã hiện ra mồn một trước mắt và trong đầu các em.

Thời gian còn lại tôi lần lượt chỉ ra những cái tinh tế, phong phú và cả những sự biến hóa trong cách dùng số từ của tiếng Việt. Chẳng hạn, nghĩa xác định và không xác định của số từ tiếng Việt, đặc biệt là nghĩa không xác định như: Một mất mười ngờ, Mười voi không được bát nước xáo, Một trăm con gái rửa chân cầu này. Trăm năm trong cõi người ta, Dẫu xa nhau ba vạn chín ngàn ngày không xa,...; những cách dùng số từ rất đặc biệt, có vẻ như bất thường: Ba chân bốn cẳng, Một chân bước ra ba chân bước lại, Mồm năm miệng mười,...; sự phong phú trong việc vừa dùng số từ thuần Việt vừa dùng số từ Hán Việt như: Một, hai, ba, bốn, nhất, nhì, ba, tư... Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua... Những sự biến âm trong khi dùng số từ, cùng một số từ nhưng trong những kết hợp khác nhau lại có những cách biến âm khác nhau như: mười và mươi (mười ba / ba mươi), một và mốt (mười một / hai mươi mốt), năm, lăm và nhăm, (một trăm linh năm, mười lăm, hai mươi lăm / nhăm...) Vì thời gian có hạn nên chỉ mách bảo cho học sinh được đôi điều như vậy. Qua theo dõi chúng tôi thấy học sinh không những hứng thú học tập mà còn tỏ ra tiếc rẻ, thòm thèm vì thời gian quá ít. Và cũng nên cho học sinh thòm thèm để các em tìm tòi và sáng tạo thêm. Với dạng bài cung cấp khái niệm chúng tôi đều dạy theo cách đó.

Dạy tiếng Việt theo quan niệm và phương pháp như chúng tôi trình bày là dạy cái xanh tươi của tiếng Việt, và quan trọng hơn, đằng sau sự xanh tươi đó là cả một nền văn hóa Việt. Dạy tiếng Việt không chỉ cho các em hiểu được cách nói của người Việt mà còn cho các em hiểu cả cách nghĩ và hiểu được tâm hồn người Việt

Cũng cần nói thêm rằng theo cách dạy của chúng tôi thì những tri thức mà sách giáo khoa yêu cầu, cuối cùng cũng đến với học sinh, nhưng đến bằng một con đường khác. Tri thức nào đã đến với học sinh thì sẽ ở lại với các em lâu dài. Còn dạy theo sách giáo khoa và cách dạy hiện nay thì những tri thức đó khắc đến rồi cũng khắc đi, đúng như dân gian nói: "Chữ thầy rồi lại trả cho thầy" mà thôi.

Trên đây là một số quan điểm và phương pháp dạy học tiếng Việt ở trường phổ thông mà chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm trong mấy năm qua. Kết quả của những thực nghiệm này đã đến với sinh viên thông qua các tiết dạy mẫu do tôi thực hiện ở trường phổ thông. Và kết quả đó, một lần nữa đã được kiểm nghiệm trong đợt thực tập sư phạm của sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Huế vừa qua. Hiện nay các em không sợ phải dạy tiếng Việt như sinh viên các khóa trước đây, trong khi đi thực tập sư phạm. Hầu hết các em đều thích dạy tiếng Việt và sẵn sàng nhận dạy nhiều tiết tiếng Việt. Và kết quả của đợt thực tập về môn tiếng Việt các em đều đạt điểm khá và giỏi. Kết quả này cũng được trường phổ thông của hai huyện Hương Trà và Hương Thủy ghi nhận, trong đợt thực tập sư phạm đầu năm 1991.

Võ Xuân Trang

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 50/07&8-1992.

-------------------------------

(1) Tài liệu bồi dưỡng giáo viên phục vụ thay sách CCGD lớp 6, tr.17 do Cục các trường sư phạm, Bộ giáo dục ấn hành, 1985.

(2) Dạy ngữ pháp lớp 6, Nhà xuất bản giáo dục, 1976, phần hướng dẫn chung trang 6-7.

(3) Chương trình cao đẳng sư phạm, Bộ môn tiếng Việt và văn học, áp dụng từ năm học 1988 - 1989, Bộ giáo dục, Hà Nội, 1988.

(4) Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, 1973, tr.45.

(5) Sách đã dẫn, trang 37.

Thông tin truy cập

63609257
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16579
10905
63609257

Thành viên trực tuyến

Đang có 611 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website