Đại sứ tiếng Việt - Tại sao không?!

Cuối tháng 11 vừa rồi, Uỷ ban người Việt ở nước ngoài tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt theo Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Nhiều đề xuất thú vị được đưa ra, trong đó có dự án “Đại sứ Tiếng Việt”.

"TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM!"

Một lần, trong trại hè “Vui cùng tiếng Việt” tổ chức tại Vác-sa-va (Ba Lan), tôi thấy một cậu chàng quãng 7-8 tuổi đứng thập thò ở cửa, miệng mấp máy hát theo bài hát các bạn đang được học. Đến gần hỏi thì cậu ấp úng nói mấy câu bằng tiếng Ba Lan: “Cháu cũng là người Việt Nam!”. Nghe câu nói ấy, cho dù không vang lên bằng tiếng Việt, tôi vẫn thấy rung động. Nó giống như một tiếng chuông trong trẻo ngân sâu xa trong lòng, từ tiềm thức của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước người.

Một cậu bé khác người Na Uy gốc Việt, Philip, năm ấy 10 tuổi, tham gia trại hè, nghe tiếng Việt nhưng đáp bằng tiếng Anh. Khi bế mạc trại, cậu nói với bố:

⁃ Khi nào về lại Oslo, bố đưa con sang thăm bà thường xuyên nhé! Con muốn trò chuyện với bà.

⁃ Nhưng bà không nói tiếng Anh, không biết tiếng Na Uy?

⁃ Con muốn học tiếng Việt với bà! Con là người Việt Nam mà!

Khỏi nói ông bố đã hạnh phúc thế nào. Anh vội kể ngay chuyện này với tôi, ngạc nhiên vì cảm hứng tiếng Việt lần đầu tiên đến với con trai nhờ trại hè.

Nhớ câu chuyện của Philip và bố, tôi lại nhớ niềm mong mỏi của một ông bố Việt khác ở Nga. Anh ước con gái anh, cô bé Alixa tóc nâu mắt xanh biếc, có thể tâm sự với bà nội mình. Trước đó, trong một lần về phép, cô cháu bé bỏng chỉ có thể ôm bà nũng nịu mà không nói chuyện gì với bà được. Sau một thời gian tích cực học tiếng Việt, khi cô bé đứng lên ghế, dõng dạc tự giới thiệu: “Con là Alixa, con là người Việt Nam, xin đọc một bài thơ…”, người bố đã rưng rưng. Anh nghĩ đến sự hài lòng của mẹ, đến tình thân, tình ruột rà ấm áp đã được nối liền bằng tiếng Việt.

20220131 3

Trại tiếng Việt Stuttgart (Đức) do Hội người Việt Stuttgart và CLB Đọc sách cùng con tổ chức tại Đức năm 2018.

ĐẠI SỨ TIẾNG VIỆT

Cuối tháng 11 vừa rồi, Uỷ ban người Việt ở nước ngoài tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt theo Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Nhiều đề xuất thú vị được đưa ra, trong đó có dự án “Đại sứ Tiếng Việt” nhằm tìm kiếm và tôn vinh cá nhân xuất sắc trong việc truyền bá, giữ gìn tiếng Việt nơi xa xứ. Các chính sách đãi ngộ, những phần thưởng hấp dẫn được bàn đến. “Đại sứ Tiếng Việt” sẽ như một danh hiệu cao quý để phấn đấu, một cái cớ để truyền thông sâu rộng, cổ vũ tinh thần yêu tiếng Việt, văn hoá Việt ở kiều bào.

Tuy nhiên, nghĩ đến những câu chuyện đáng yêu của từng đứa trẻ trong quá trình dạy và vun đắp tình yêu tiếng Việt nhiều năm qua của mình, tôi chạnh nghĩ, “thành tích” không bao giờ có thể là động lực bền vững cho một tình yêu!

Tình yêu ngôn ngữ, văn hoá của dân tộc là mạch nguồn trong lành tự thân trong mỗi con người, chỉ cần được khơi thông. Là than hồng ủ ấm trong tim, chỉ cần được tiếp gió cho bùng cháy.

Tôi đã gặp những con người bền bỉ khơi mạch nguồn trong, giữ cho lửa đượm, không mảy may tính toán thiệt hơn, không chờ ai khen mình. Những cô giáo ở trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Warszawa) dẫu đã có tuổi vẫn cặm cụi chăm chút từng bài thơ, câu đố, trò chơi tiếng Việt để chia sẻ với trò. Nhóm Cánh diều (Paris) hơn mười năm nay bền bỉ gặp nhau, dạy trẻ ngôn ngữ và văn hoá Việt thông qua nghệ thuật. Hội người Việt ở Stuttgart luôn đau đáu với việc tổ chức các hoạt động cộng đồng để thổi hồn Việt vào cuộc sống của thế hệ trẻ…

Bên cạnh các lớp học tiếng Việt vẫn được duy trì ở nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta còn có các bà mẹ, ông bố Việt kiên trì trò chuyện với con, học tiếng Việt cùng con, nhen nhóm trong đứa trẻ nhà mình một cảm tình từ đó lớn dần lên thành tình yêu đối với những giá trị văn hoá Việt và niềm tự hào: “Tôi là người Việt!”. Thậm chí, cảm tình đặc biệt với Việt Nam còn được từ họ, con cái họ truyền tới những người bạn bản xứ. Vì thế, tất cả họ, từng người, đều là một “đại sứ Tiếng Việt”!

Tại trại tiếng Việt tổ chức ở nước ngoài, con em người Việt sẽ được tìm hiểu về tiếng Việt thông qua các tác phẩm văn học.

Cho nên, tôi mạo muội đề xuất một dự án “Đại sứ Tiếng Việt” không nhằm “tung hô, trao giải, thành tích” mà nhằm “lan toả”. Bất kì ai muốn trở thành “đại sứ” đều có thể đăng kí tham gia. Họ sẽ được cung cấp phương pháp, các công cụ hỗ trợ dạy tiếng Việt, được kết nối theo nhóm, được chia sẻ, cổ vũ trên các diễn đàn, các mạng xã hội.

Sau một thời gian nhất định, những gì họ làm sẽ được cập nhật. Danh hiệu “Đại sứ Tiếng Việt” không trao tặng cho một cá nhân như một vương miện hay trao cho một tập thể như một bằng khen thêm vào bảng thành tích. Chỉ cần bạn dạy được tiếng Việt cho một người, có kết quả cụ thể về bốn kĩ năng - bạn đã là “Đại sứ” ở cấp độ 1. Sức ảnh hưởng của bạn càng rộng - cấp độ của “đại sứ” càng cao. Cứ như vậy, chúng ta sẽ có các “đại sứ” lan toả tình yêu tiếng Việt trên khắp thế giới.

Trao giải thưởng cho một người một năm để truyền thông, để “cạnh tranh” nhau vì một danh xưng không có sức mạnh lan toả bằng sự tự đánh giá, “tự trao danh hiệu”: mình đang xứng đáng là một người bền bỉ yêu và say mê quảng bá tiếng Việt. Nếu vẫn muốn nhấn mạnh một phong trào, có thể nghĩ đến hệ thống biểu tượng nhận biết các “đại sứ” được trao ra từ Ban đại diện người Việt ở các địa phương như huy hiệu, vòng tay, áo phông, khăn… in dòng chữ “Đại sứ Tiếng Việt”.

Tôi tin rằng, niềm vui và tự hào ấy sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến những người trẻ để họ cũng chung tay với các bậc cha chú trong công việc phải làm lâu dài, muôn đời này!

VĨ THANH: TIỀM NĂNG "ĐẠI SỨ" TRONG TƯƠNG LAI

Một bạn nhỏ ở Đức, tên là Quân học lớp 5, tự hào kể với mẹ về … uy lực của tiếng Việt. Khi các bạn trong lớp rất mất trật tự, lớp trưởng nói thế nào cũng bị lờ đi. Quân liền đứng dậy nói to: “Im-lặng!”. Tất cả im bặt! Và từ đó, rất nhiều bạn người Đức của Quân quan tâm đến Việt Nam, muốn… học tiếng Việt! Anh trai Quân tên là Phong, lại say sưa kể với mọi người về các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, em đặc biệt chia sẻ rất hay về Trường Sa, Hoàng Sa mà em thu nhận được trong thời gian tham dự trại mùa Thu “Tiếng Việt đi khắp năm châu”, trong một niềm xúc động chân thành. Chẳng phải Phong và Quân đều có cơ hội là “đại sứ” hay sao?!

Một bạn nhỏ khác, Hà My, học cùng người Nga. Hà My mê truyện Nguyễn Nhật Ánh và miệt mài dịch từng chương cho các bạn đọc. Họ rất thích thú, mong ngóng từng ngày, rồi có người tò mò muốn học tiếng Việt. Hà My đã trở thành một “đại sứ” nhỏ của văn hoá Việt.

Tôi tin, các “đại sứ Tiếng Việt” mang niềm tự hào “là người Việt trong tim” ở khắp nơi trên thế giới sẵn sàng lên tiếng nếu chúng ta biết gửi đến họ lời hiệu triệu thân thương.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 31.01.2022.

Thông tin truy cập

63608992
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16314
10905
63608992

Thành viên trực tuyến

Đang có 530 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website