GS Hoàng Như Mai: Bản lĩnh để sống một đời…

Điều thầy dặn chúng tôi còn thấm thía hơn nhiều: “Hãy nghĩ bằng đầu của mình, hãy tìm chân lý từ trí tuệ và tình cảm của mình chứ đừng a dua theo người khác”.

 

Chiều 27/9, khi còn ở Đà Nẵng, tôi nhận được tin báo từ anh Phạm Thành Hưng: “Thầy Nguyễn Kim Đính vừa báo tin buồn: GS Hoàng Như Mai đã từ trần”. Dọc đường từ sân bay về nhà, anh Nguyễn Hùng Vỹ gọi: “Anh biết tin chưa, thầy Mai mất rồi”.

Ai cũng biết, ở vào tuổi thầy, khó ai cưỡng lại mệnh trời. Nhưng với chúng tôi, nhận tin vẫn cứ thấy có gì nhoi nhói ở trong tim. Thế là lại thêm một người thầy nữa rời cõi thế, một trong những “sư biểu” của khoa Ngữ văn* yêu quý của nhiều thế hệ học trò về cõi vĩnh hằng.

Mái đầu bạc khả kính

Là học trò, lại có một thời gian được làm đồng nghiệp nhỏ của thầy ở một bộ môn nhưng tôi không cùng nhóm chuyên môn, chỉ thỉnh thoảng họp bộ môn mới có dịp được ngồi nghe thầy trao đổi công việc, trò chuyện về chuyện đời. Ngày ấy, đám cán bộ trẻ chúng tôi coi các thầy ở bộ môn như những bậc cha chú về tuổi đời, những sư phụ lừng lững về nghề nghiệp. Các thầy muốn truyền dạy cho chúng tôi nhiều điều về nghề nghiệp, nhưng do bản thân chúng tôi nhút nhát nên cứ ngại gần gũi các thầy. Nghĩ lại mới thấy thiệt thòi biết bao nhiêu. Vì sau đó không lâu, thầy chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh.

GS Hoàng Như Mai
Ảnh GS Hoàng Như Mai in trong cuốn sách ảnh Tâm & Tài – Họ là ai của Nguyễn Á. 

Năm 2003, độ cuối tháng 10, sau 20 năm tôi mới có dịp đến thăm GS Hoàng tại nhà riêng của thầy nhân một chuyến công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong trí nhớ của tôi, ngôi nhà bây giờ thầy ở rộng và đầy đủ tiện nghi hơn nhưng lại không thơ mộng và hấp dẫn tôi bằng căn phòng ở phố Nguyễn Du, ngay góc hồ Thiền Quang những đêm mùa thu ướp đầy mùi hoa sữa. Đâu đó trong phòng khách, phòng làm việc của thầy vẫn phảng phất hơi hướng của căn phòng xưa trong ngôi nhà cổ với những bức tường rêu phong, với những vòm cây lá xanh thẫm về mùa hè và trơ trụi, già cả về mùa đông, với những cơn gió lạnh thổi thốc lên từ mặt hồ.

Thành phố Hồ Chí Minh không có cái lạnh se se của mùa đông Hà Nội nên cảnh sắc  khác, không khí khác. Lúc này thầy đã bước sang tuổi 85, nhưng GS Hoàng vẫn còn nguyên cái phong thái tự tại ung dung thủa nào, vẫn cách nói chuyện sôi nổi và cuốn hút khi xưa và đôi mắt thầy, thật lạ, có hai vòng con ngươi cứ ánh lên những cái nhìn trẻ trung và hồn hậu như thủa chúng tôi còn ngồi ở giảng đường, như bị thôi miên vì cách giảng hấp dẫn đến kỳ lạ của thầy.

Ngày tôi vào trường, tóc thầy đã bạc quá nửa và trong số các thầy cô giáo của khoa, GS Hoàng được đồng nghiệp và học trò quý trọng trước hết vì thầy thuộc thế hệ hàng đầu về tuổi tác, tri thức nghề nghiệp và sự từng trải. Không biết tự bao giờ câu thành ngữ “thầy già, con hát trẻ” đã được thừa nhận như một chân lý hiển nhiên. Thầy có một mái đầu bạc khả kính, một giọng thuyết giảng trầm ấm và lôi cuốn vô cùng.

Giờ giảng của thầy cuốn hút chúng tôi từ lượng tri thức khoa học một phần, một phần vì những câu chuyện về đời sống văn nghệ, về các nghệ sĩ mà thầy quen biết, từ những chuyện thầy đã trải qua… về cách thầy giảng mà như đang diễn trên sân khấu. Có lẽ tất cả những điều ấy đã làm cho thầy như cách xa chúng tôi hơn, thầy như thần tượng nhưng khó gần.

Trong ngôn từ thầy dùng ở những câu chuyện trao đổi giữa giờ giải lao với các anh lớn tuổi, tôi cứ thầy có một cái gì đó hơi trịnh trọng, như một sự giữ gìn nào đó, rất kín đáo, khó nắm bắt, khó nghi ngờ nhưng vẫn cứ tồn tại. Từ dạo đó, tôi đã lờ mờ cảm thấy rằng đằng sau những gì thầy giảng, ẩn chứa một nỗi niềm nào đó, một mong mỏi nào đó, không hướng đến một ai nhưng như hướng tới một mục đích: sẽ có lúc phải cân nhắc lại một cái gì đó, xem xét lại một thái độ nào đó với những hiện tượng văn học này hay kia.

Những cảm nhận mơ hồ của tôi những năm ấy, sau này đã được khẳng định ở những lần chúng tôi họp tổ chuyên môn ở nhà thầy, khi không khí xã hội đã có những đổi thay và những năm sau, khi không khí đổi mới đã góp phần điều chỉnh nhiều giá trị, nhiều quan niệm.

Đó là chuyện về sau. Còn những năm ấy, chúng tôi cảm nhận được ở thầy một tâm hồn tinh tế, một thái độ ứng xử rất mẫu mực, một cách nói ra những nhận xét của mình rất tài hoa đậm chất văn hoá Hà thành. Thầy vẫn rất hay đùa vui, thường xuyên bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trong các câu chuyện các thầy trong tổ trao đổi với nhau nhưng lúc nào tôi cũng thấy thầy lịch lãm và từng trải. Tôi đã có lần tự hỏi: sao ở thầy nét gì cũng có vẻ chuẩn mực nhưng mà uyển chuyển, nhuần nhuyễn thế.

Sau này, cũng rất ngẫu nhiên, tôi đã nghe thầy lý giải về nguyên nhân của sự chừng mực ấy với GS Hà Minh Đức nhân một lần họp tổ chuyên môn ở nhà thầy. Bắt nguồn từ một lý do rất riêng nhưng rất đáng trân trọng: thầy muốn để mẹ không bao giờ phải phiền lòng về mình vì thầy đã chứng kiến nỗi khổ tâm của bà về những hành vi “thiếu chừng mực” của một người anh của mình. Lúc nghe thầy nói thế, tôi cứ thấy rưng rưng vì sự cảm hoá của tình mẫu tử nó diễn ra muôn vẻ mà lòng nhân ái và nỗi lo cho con cái của người mẹ mới cao quý làm sao.

Hãy nghĩ bằng đầu mình, đừng a dua người khác

Góp nhặt các câu chuyện thầy kể ở trên giảng đường xen giữa các bài giảng, kết hợp với những chuyện thầy kể cho chúng tôi trong lần đi lấy tư liệu cho bộ phim về trường đại học Đông Dương, tôi hình dung cuộc đời sóng gió và những công việc thầy yêu thích trong hơn 60 năm làm việc.

Thầy cho chúng tôi xem tấm thẻ sinh viên Luật khoa của thầy do đại học Đông Dương cấp, kể cho chúng tôi nghe chuyện thầy đang học Y khoa để trở thành bác sĩ nhưng rồi bỏ dở, chuyện mang bọc tiền của Chính phủ để đưa sinh viên trường Trung cấp Sư phạm sang Trung Quốc những năm kháng chiến nhưng lại đánh rơi dọc đường, được một người nào đó nhặt được, tìm cách để gói tiền vào chỗ dễ nhận thấy nhất bên đường đi kèm theo lời phê bình rất thấm thía về hành vi đánh rơi tiền có thể sẽ làm thiệt hại cho cách mạng… Mọi chuyện đều hấp dẫn và cứ mang dáng vẻ của chuyện cổ tích. Thầy nói về những tấm lòng của những người đi kháng chiến, đến khát vọng và những băn khoăn trong một đời cầm bút và công việc “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mỏi) của mình và những thầy cô khác của chúng tôi.

 

Khi tôi đem những băn khoăn của mình về ý kiến cho rằng những giáo sư người Pháp của đại học Đông Dương mang tư tưởng thực dân, nô dịch, ra hỏi thầy, thầy trầm ngâm một lát rồi bảo: Tôi không tin tất cả là như vậy. Tôi cũng không có đủ tư liệu để nói về các GS người Pháp vì tôi chỉ học ở đó có mấy năm. Nhưng, cứ như những gì tôi biết về các GS Luật thì có lẽ chỉ có một người thể hiện tư tưởng thực dân và coi thường người Việt Nam thôi còn phần lớn họ là những trí thức, những người tôn trọng tự do và tinh thần dân chủ. Nghề của họ là vậy.  Những GS ấy dạy chúng tôi về bình đẳng, về tôn trọng pháp luật, về việc phải hành nghề một cách công bằng và chỉ tôn thờ lẽ phải. Vì vậy, tôi cho rằng họ là những người tôn trọng tư tưởng tự do và không mang tư tưởng nô dịch đâu. Tôi tiếp nhận những tinh thần ấy từ họ đấy. Còn trong hoàn cảnh ấy, có kết tội họ như vậy cũng có lý do nhưng đó là lý do lịch sử. Tôi đã đem điều này hỏi hai vị GS khác học ở đại học Đông Dương sau thầy một vài khoá, các GS ấy cũng đồng tình với quan điểm của thầy.

Một kỷ niệm nữa về thầy cứ gây trong tôi cảm giác gai gai người vì có một cái gì đó thiêng liêng. Thầy kể rằng vào năm 1972 khi phải xếp những dự định còn dang dở lại để đi sơ tán lần thứ 2, thầy cứ có một nỗi lo lắng mơ hồ về một lần đi xa có nhiều bất trắc. Lúc này thầy đã ngoài năm mươi rồi nên câu thơ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam cứ ám ảnh thầy.

Trước lúc nhận quyết định đi sơ tán thầy đã để nhiều thời gian đi qua nhiều phố phường Hà Nội, chỉ để nhìn lại một góc phố, một mái nhà, một hàng cây, một địa chỉ quen và không quen nào đó và cố ghi nhớ một dấu ấn nào đó về thành phố của mình. Đi như sợ không còn thời gian đi nữa. Ngắm như thể để thoả một nỗi nhớ nhung, để giải toả một điều gì khắc khoải. Thầy còn nói là thầy cố để nguyên mọi thứ trên bàn làm việc, kể cả trang sách đang đọc dở, không thu dọn bất cứ thứ gì để không gợi cảm giác chia xa, để một lúc nào đó trở về nhà lại không bị cảm giác phải đi xa ám ảnh, để lại tiếp tục công việc đang làm.

Cái tâm trạng làm sao buộc được cánh thời gian (thơ của GS Hoàng) khi con người đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh” cũng là điều dễ hiểu. Thầy nói thế nhưng với chúng tôi, lúc nào thầy cũng trẻ trung, hấp dẫn. Trẻ trung ở trang phục. Hấp dẫn ở cách nói truyền cảm. Cuốn hút người nghe ở cách giảng như đang diễn trên sân khấu, ở nụ cười thường trực trên môi, ở đôi mắt như có những ánh nhìn thật mạnh mẽ, trực diện mà nồng nàn.

Tôi nhớ cuối những năm 1970, rất nhiều sinh viên các khoa Sử, Triết, Kinh tế trên đường đến nhà ăn phải đi qua giảng đường có giờ thầy dạy lại đứng chen chân quanh cửa sổ để nghe thầy giản, quên cả chuyện ăn uống. Làm nghề như thế, hỏi có niềm hạnh phúc nào hơn? Tôi nghĩ ở đó không chỉ có tri thức, không chỉ có tài năng mà còn có một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà… mới có được những giờ giảng để đời như thế.

Tôi vẫn nhớ khi thầy đọc câu thơ của Trần Huyền Trân: Nhớ xưa cùng vỗ bụi giầy, vỗ đùi ha hả thơ mày, rượu tao mà rùng mình vì cái ngang tàng, cái sảng khoái của người viết như được sống lại, được truyền thêm cảm hứng qua giọng đọc của thầy, thấy được cái bi tráng, cái lẫm liệt của hình ảnh Áo bào thay chiếu anh về đất, sông Mã gầm lên khúc độc hành trong câu thơ của Quang Dũng. Những năm ấy (1972-1973) những câu thơ hay như thế, những câu thơ hay của Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ… mà nhiều người chê vì những lý do khác nhau đã được thầy “điều chỉnh”, trả lại cho chúng giá trị đích thực. Tôi nhớ mãi những lời thầy bình về mấy câu:

                          Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm

                          Nàng là hương hay nhan sắc lên hương

                          Nét ngời châu rung ánh sáng nghê thường

                          Lệ tích lại với hai hàng đũa ngọc

                          Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

                          Vài chút sương còn đọng ở hàng mi

Lời bình đã mới lạ và hay nhưng điều thầy dặn chúng tôi còn thấm thía hơn nhiều. Thầy dạy: mấy câu thơ này có người bảo là truỵ lạc. Nhiều người đã đồng tình với điều đó. Tôi thì không. Tôi cho đó là những câu thơ đẹp nhất, hay nhất tả nhan sắc người phụ nữ. Các anh, các chị hãy đọc cho kỹ, hãy ngẫm cho sâu xem có chút gì gọi là truỵ lạc ở những câu đó không? Già như tôi vẫn còn thấy rung cảm mà không phải là những rung cảm xấu xa nào mà chỉ có cảm xúc hướng tới cái đẹp. Hãy nghĩ bằng đầu của mình, hãy tìm chân lý từ trí tuệ và tình cảm của mình chứ đừng a dua theo người khác.

Những năm tháng ấy mà dám nói như thế ở giảng đường đại học là sự dũng cảm. Thầy là như thế và chúng tôi đã được gợi mở từ những điều thầy gợi là hãy tự kiểm nghiệm mọi chuyên ở đời, không nông nổi và cũng đừng a dua. Thầy đã bao lần nói như thế, dạy chúng tôi những điều tương tự, thầy có thể quên nhưng chúng tôi lại nhớ suốt đời.

Ngồi viết những dòng này như nén nhang dâng lên thầy, trong tôi lại trở đi trở lại một ý nghĩ: những người như thầy, dành cả đời mình đi theo tiếng gọi của lương tri, như con tằm nhả tơ, tận tâm với nghề, tận lực với đời, dạy học trò những điều gan ruột, như người xưa nói “hối nhân bất quyện”, có khi nào thầy phải phiền lòng về chúng em, những học trò của thầy không?

Em tin là có nhưng cũng đành tạ lỗi với thầy vì chúng em, dù sao vẫn cứ là học trò, dù ngoan nhất cũng không tránh khỏi lỗi lầm của thủa còn đi học. Cầu chúc cho thầy thanh thỏa cõi vĩnh hằng vì tất cả những gì thầy đã dâng cho đời, không phải ai cũng đủ tài năng và bản lĩnh, nhất là bản lĩnh để sống một đời như thầy đã sống.

Giáo sư, NGND Hoàng Như Mai:

- Sinh ngày 3 tháng 8 năm Kỷ Mùi (26/9/1919) tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang.

-Quê quán: thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

-Học sinh trường Bưởi Hà Nội.

-Học Đại học Y khoa và Đại học Luật trước Cách mạng tháng Tám.

-Hiệu trưởng trường Tư thục Phan Thanh, Thái Bình (1948).

-Hiệu trưởng trường Sư phạm Việt Bắc (1951).

-Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (1953).

-Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959).

-Cán bộ giảng dạy  trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1980).

-Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trương Vĩnh Ký (1997đến nay).

-Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1988 đến nay).

-Được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1982)

-Được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1990)

-Được tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất

Các tác phẩm và công trình tiêu biểu:

-Sáng tác:

+Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948)

+Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001)

+Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001).

+Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993)

-Nghiên cứu:

+Văn học Việt Nam hiện đại (Nxb. Giáo dục, 1961)

+Trần Hữu Trang – soạn giả ca kịch cải lương (1982)

+Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986)

+Nhận định về cải lương (1986)

+Giới thiệu sân khấu cải lương (1986)

+Thơ một thời (1989)

+Hoàng Như Mai tuyển tập (Nxb Giáo dục, 2005)

Nguồn: Khoavanhoc.edu.vn

Phạm Quang Long

*Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp HN.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/142381/gs-hoang-nhu-mai--ban-linh-de-song-mot-doi-.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63687968
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8260
23426
63687968

Thành viên trực tuyến

Đang có 1006 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website