Truyện ngắn Võ Trường Chinh trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam 1954-1975

 (Bùi Thanh Thảo, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

           1. Dẫn nhập

           Trong dòng văn học yêu nước ở các đô thị miền Nam 1954 – 1975, Võ Trường Chinh là cây bút truyện ngắn xuất hiện muộn nhưng tạo được dấu ấn khá sâu sắc. Ông là thành viên của nhóm Việt, một bút nhóm quy tụ những người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết và tài năng. Truyện ngắn của Võ Trường Chinh được đăng trên các tạp chí Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy, chủ yếu trong khoảng thời gian 1971 – 1975.

            Đọc truyện ngắn Võ Trường Chinh, ấn tượng rõ nét nhất là “những trang viết chắc tay, trong đó có sự kết hợp nhuần nhị giữa chất hiện thực và chất lãng mạn”1. Tác giả đã tránh được sự đơn giản, một chiều hoặc thậm chí là vội vã – những điều mà người sáng tác văn thơ phục vụ mục đích đấu tranh thường dễ sa vào. Hiện thực được ông miêu tả bằng cái nhìn khá sắc sảo, chừng mực, và gắn với nó luôn là ánh sáng của niềm tin, hy vọng cùng với tinh thần tranh đấu mạnh mẽ.

            2. Những mảnh ghép hiện thực trong truyện ngắn Võ Trường Chinh

             Sáng tác của Võ Trường Chinh nằm trong chặng đường thứ hai của dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam, chặng đường 1965 – 1975. Cùng trong một dòng chủ lưu, nhưng mười năm này có những điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển văn học yêu nước. Sự xuất hiện của quân Mỹ ở miền Nam và sự lớn mạnh của cách mạng là những chất xúc tác khiến cho phong trào đấu tranh ở các đô thị ngày càng sôi nổi và quyết liệt, trong đó có mặt trận văn hoá văn nghệ. Lối nói lấp lửng hai mặt cùng với cách đọc giữa hai dòng chữ ở chặng đường đầu (1954 – 1964) đã dần được thay bằng lối nói trực diện hơn, các tác giả phản ánh hiện thực trực tiếp hơn chứ không “mượn xưa nói nay” nhiều như trước.

           Võ Trường Chinh xuất hiện trên văn đàn trong hoàn cảnh ấy, là thành viên “đến muộn” của nhóm Việt. Ông không có một văn nghiệp đồ sộ, vì vậy hiện thực toát lên từ truyện ngắn của ông cũng không hẳn là một bức tranh toàn cảnh hoành tráng mà chỉ có thể xem đó là một phác hoạ nhỏ, nhỏ nhưng ấn tượng và độc đáo. Bức phác hoạ ấy được tạo nên từ ba mảnh ghép chính, mỗi mảnh là một phần của hiện thực mà tác giả quan tâm: người nông dân, dân nghèo đô thị, và người lính quân đội Sài Gòn. Ba phần đời sống ấy không phải đến Võ Trường Chinh mới được chú ý miêu tả nhưng hoàn cảnh lịch sử và tài năng riêng đã giúp ông có được những đóng góp nhất định cho dòng văn học này.

            Mảnh ghép thứ nhất làm nên bức tranh của Võ Trường Chinh là hình tượng người nông dân. Về người nông dân, đáng chú ý nhất trong sáng tác của ông, theo chúng tôi, là hai tác phẩm: Về miệt rừng tràm (1971) và Bảy Chất (1972). Nông thôn ở đó cũng xác xơ, nông dân ở đó cũng khổ nghèo, mất mát giống như trong bao nhiêu tác phẩm khác. Ông Tốn Thẹo và ông Bảy Chất là hai lão nông có hoàn cảnh khốn khổ không khác gì nhau. Một người thì chỉ còn con dâu và các cháu, nhưng vì bị “bứng” khỏi làng xóm chôn nhau cắt rốn nên con dâu đành phải bán thân nuôi cả nhà, rồi đứa cháu gái bị trúng lựu đạn chết oan uổng (Bảy Chất). Một người thì có 3 đứa con nhưng chia thành 3 ngả: đứa “lên rừng”, đứa theo lính, đứa bị trúng bom mà chết; rồi thân già cũng thành kẻ không nhà, phải sống trên chiếc ghe cũ mà ai đó bỏ đi (ông Tốn). Những cảnh khổ ấy không hề khó tìm trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam, trong sáng tác của Tiêu Dao Bảo Cự, Huỳnh Ngọc Sơn, Phan Du… Nhưng đọc Võ Trường Chinh, chúng tôi nhận thấy dường như tác giả miêu tả sự khốn khổ đó chỉ như phương tiện, mục đích chính là xoáy vào sự phân rã, ly tán của từng gia đình, từng tế bào của xã hội. Nông thôn không còn là chốn bình yên. Với người nông dân, nghèo khổ có thể rất quen, và có thể dễ quen, nhưng ly tán thì không. Vì vậy đối với họ, cảnh nhà tan tác kẻ còn người mất, mỗi người mỗi hướng là nỗi đau khôn cùng. Chịu đựng, đương nhiên họ phải chịu đựng, nhưng họ không quen được với nó như đã từng quen với cái nghèo, thậm chí sống vui vẻ lạc quan với cái nghèo. Trong cả hai truyện ngắn trên, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhân vật chính là hai ông già. Người già thường sống bằng niềm vui bên con cháu, mà hai ông phải chứng kiến cảnh tan đàn xẻ nghé ngay trong nhà mình. Cô con dâu phải bán thân kiếm tiền làm ông Bảy đau lòng bao nhiêu thì những cô gái ngả ngớn mà con trai dắt về cũng làm ông Tốn khổ sở bấy nhiêu. Cái chết của con Thẻo khi ẵm em đi chơi làm ông Bảy đứt từng đoạn ruột, chắc cũng giống cảm giác của ông Tốn lúc hay tin con gái trúng bom khi đi chở lá dừa nước lợp nhà. Không có nhiều nước mắt, nhưng cái dáng lưng còng đi vì nỗi đau của hai ông đủ khiến người đọc quặn lòng.

            Nếu chỉ dừng lại ở đó, người nông dân của Võ Trường Chinh cũng có giá trị phản ánh hiện thực, nhưng với mục đích phê phán hoàn cảnh xã hội là chính. Điều làm cho họ trở nên đặc biệt lại chính là điều hết sức quen thuộc: tình yêu quê hương làng xóm. Tình cảm ấy có lẽ người nông dân nào cũng có, thời đại nào cũng có, và văn chương thời nào cũng miêu tả. Trong dòng văn học yêu nước ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ, rất nhiều cây bút thành công với hai khuynh hướng: phê phán thực tại và hướng về quê hương. Đọc Tiêu Dao Bảo Cự, người đọc rùng mình với cảnh tù đày tra tấn dã man trút xuống người nông dân vô tội. Đọc Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc, người đọc thấy ấm lòng với tình quê chan chứa, thấy muốn “tìm về dân tộc” như một bến đỗ bình yên. Võ Trường Chinh lại kết hợp cả hai điều đó. Đọc truyện ngắn của ông, người đọc nhận ra trong hoàn cảnh hết sức bất thường ở miền Nam lúc bấy giờ, giữ cho được điều bình dị thường ngày trong trái tim mình chính là điều làm nên vẻ đẹp của hình tượng người nông dân. Khi nỗi đau cá nhân quá lớn, người ta dễ quên mọi thứ khác quanh mình. Nhưng nhân vật của Võ Trường Chinh thì không. Với người đàn ông có vẻ “sống ngất ngơ và hơi khật khùng” như ông Bảy Chất, quê hương vẫn là cái gì đó đằm thắm, thiết tha trong nỗi nhớ của ông, khi bị bắt bỏ làng vào xóm tạm cư. Ông vẫn thường ra sông nhìn về hướng xóm cũ, thậm chí đón ghe lính đi “hành quân” về để nghe ngóng tin tức từ nơi ấy cho đỡ nhớ. Nỗi nhớ da diết đến nỗi câu hát ru em của con Thẻo “dìa sông ăn cá, dìa đồng ăn cua” nhiều lúc làm ông phát cáu. Sự cáu bẳn ấy là dồn nén của nỗi nhớ, của niềm hy vọng mỏi mòn sắp hoá thành tuyệt vọng. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà dòng sông trở nên quá đỗi thân thương với cả hai ông già. Dòng sông khiến ông Bảy nguôi ngoai, vì nước sông chảy qua xóm tạm cư chắc cũng về ngang xóm cũ:

           “Lão đã bao lần thả đôi mắt lờ đờ theo từng con nước lớn cho trôi dạt về từng ụ đất, bãi lau, khóm bầu, hàng dừa, len theo ngàn con rạch nhỏ mà tìm tới mái nhà xưa, tới tận gốc xoài, gốc mít chắc vẫn còn tươi mát như ngày nào lão bỏ đi.”

           Dòng sông thành “người bạn thân thiết nhất đời còn lại” của ông Tốn, bởi sông “hiền hoà (…) im lặng bền bỉ vô cùng, không bao giờ chán ông và ông cũng không bao giờ chán nó”. Mà không phải chỉ có ông, người dân nào ở xóm cũng thương dòng sông như vậy, thương cả hai hàng dừa nước bên sông. Lính bắt dân đốn hết dừa nước vì sợ Việt Cộng. Cảnh tượng này không đổ giọt máu nào nhưng dễ khiến người ta rơi nước mắt:

            “…dân làng cầm dao mác, âm thầm, lủi thủi từng đoàn, ngày này qua ngày khác đốn hết những hàng dừa thân yêu từ bao đời vẫn che chở nắng mưa cho họ. Ông Tốn Thẹo và nhiều người khác đã khóc mỗi khi thấy những khoảng trống trải ngày càng nhiều hai bên bờ sông.” (Về miệt rừng tràm)

           Nếu người dân tiếc đồng lúa, ai đó có thể bảo vì họ sợ đói; nhưng tiếc hàng dừa nước bên sông, nỗi niềm có lẽ nặng về tình cảm hơn. Chính những chi tiết nhỏ này cùng với lời văn mộc mạc nhưng hàm súc làm cho hình ảnh người nông dân trong truyện ngắn Võ Trường Chinh trở nên đầy đặn hơn, chân thật hơn. Người đọc không chỉ cảm thương cho nỗi khổ ly tán, mất mát người thân mà còn cảm thông với niềm đau lìa quê, với nỗi nhớ quê của họ. Mà chính điểm này mới chạm được đến trái tim đa số người đọc, bởi tình quê là cái chung nhất của con người, bất kể hoàn cảnh, bất phân chiến tuyến. Nếu nỗi đau riêng của người nông dân được miêu tả như một cung bổng, vang động, xé lòng, thì cái tình đối với quê hương làng xóm như một cung trầm, trầm bổng hoà quyện vào nhau, da diết, day dứt, đọng mãi trong lòng người.

           Mảnh ghép thứ hai trong bức tranh của Võ Trường Chinh là hình ảnh dân nghèo đô thị, rõ nhất là qua hai truyện ngắn Bán máuSống thảm. Bác Tám (Bán máu) có vợ bị tù, con trai lớn bị thương cụt 2 chân, 4 đứa con còn lại mỗi ngày xúc cá ở ống cống kiếm cái ăn. Việc chạy xích lô trong cảnh khó khăn, loạn lạc không đảm bảo mỗi ngày có tiền đong gạo và mua thuốc, bác đành làm người quen mặt với bệnh viện bằng việc bán máu. Gia đình trong Sống thảm thì hoàn cảnh đúng như tên truyện: cha thất nghiệp sanh ra rượu chè, đi tỉnh kiếm kế sinh nhai, lái xe chở hàng lậu rồi bị bắt, bị thương, mất trí; mẹ và 2 em gái buôn bán tần tảo, bệnh tật; em trai hư hỏng theo lính không biết sống chết thế nào; chị gái vừa đi làm vừa bán thân, rồi bị bắt. Điểm chung ở những truyện này là tác giả điểm qua rành rọt từng người trong gia đình, càng rõ thì càng thấy xót xa. Người nghèo ở thị thành cũng khổ, nhưng cái khổ có khác với nông dân. Họ không có bụi rau sau hè để hái luộc khi thiếu gạo nấu cơm, không có dòng sông trước nhà để tìm vài con cá cho lũ trẻ. Lũ trẻ thị thành phải tự đi tìm cá trong các ống cống, cũng không phải để cải thiện bữa ăn mà là bán kiếm cái ăn. Chúng cũng trở thành miếng mồi ngon của bao thói hư tật xấu lan tràn ngoài xã hội: “chúng hút thuốc, đánh bài, nói tục rồi cãi cọ, chửi nhau vang rân cả xóm” (Sống thảm). Không thể nói ai khổ hơn ai, chỉ thấy họ rất giống nhau ở sự khó nghèo, nhà nào cũng ly tán với những mẫu số chung: đi lính, bị thương, chết chóc, đi tù, hư hỏng, sa đoạ. Chỉ có điều, người nghèo đô thị không có dòng sông, cánh đồng hay khu rừng an ủi khi họ khốn cùng, lạc lõng. Ông Bảy Chất, ông Tốn Thẹo có thể tâm sự với dòng sông mong vơi nỗi buồn đau. Còn với gia đình trong Sống thảm thì ngay cả bữa ăn cũng không thể gọi là sum vầy:

           “Mỗi người như ăn lấy cái phần buồn khổ, đắng cay, cô đơn của mình, đó là cái phần độc nhất còn lại không thể chia sớt cho kẻ khác được hay sao?”

           Con người buồn khổ, đắng cay đã tội nghiệp lắm rồi; không có ai, không có cái gì sẻ chia còn đáng thương gấp bội. Đọc những truyện ngắn này, ở những đoạn này, người đọc cảm thấy bức bối, ngột ngạt chính vì nhiều sự kiện u tối dồn dập xảy đến với các nhân vật. Tác giả hình như cố tình tạo ra sự dồn dập ấy, để lột tả đời sống dân nghèo đô thị. Với những truyện về nông dân, bên cạnh những chi tiết đau thương luôn luôn có những chi tiết gợi sự yên bình, dù chỉ thoáng chốc, chủ yếu từ cảnh quê và tình quê. Con người đô thị hình như lạc lõng hoàn toàn. Như vậy, với mảnh ghép thứ hai này, Võ Trường Chinh muốn người đọc không phải chỉ thấy cảnh khổ của dân nghèo đô thị mà còn phải thấu hiểu tâm tình của họ, hiểu nỗi cô đơn, bơ vơ, hiểu niềm khao khát được sẻ chia từ trong sâu thẳm tâm hồn họ. Hiểu để đừng chỉ trách họ hay thương họ như một kẻ từ trên cao nhìn xuống, mà hiểu để cảm thông bằng tình cảm chân thành nhất, nhân bản nhất của con người.

            Mảnh ghép thứ ba được Võ Trường Chinh tạo nên từ hình ảnh người lính. Họ là những người dân Việt, đi lính phục vụ Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đề tài này khá phổ biến trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam, bởi người lính cũng chính là một trong những loại nhân vật mà các tác giả tập trung xây dựng nhằm kêu gọi mọi người thức tỉnh trước ánh hào quang giả tạo xung quanh việc đi lính, và cũng nhằm thức tỉnh chính người trong cuộc. Với Bảy Chất, Đồn Kinh Xáng, Sống thảmCâu chuyện anh Bường, người đọc được Võ Trường Chinh hé lộ một góc khác trong chân dung người lính. Nếu với Huỳnh Ngọc Sơn, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Âu Hồng… sự tham lam, háo sắc, tàn nhẫn là nét chủ đạo của người lính thì với Võ Trường Chinh, bức chân dung ấy nhiều màu sắc hơn, có những đường nét lạ hơn. Cái chung với các tác giả khác được Võ Trường Chinh thể hiện trong truyện ngắn Bảy Chất: đám lính đi hành quân về mang theo “chiến lợi phẩm” toàn là của cải của bà con để lại khi bị bắt rời nhà lên xóm tạm cư, trong đó có cả cây thánh giá bằng đồng của ông Bảy. Và khi bị phát hiện, bị đòi lại, họ chẳng những không trả mà còn sẵn sàng ném lựu đạn nhằm “giải tán” đám đông, khiến ông Bảy vì đòi lại cây thánh giá – biểu tượng của đức tin về mặt tinh thần – thì lại mất đứa cháu gái mà ông yêu quý. Sự tham lam, tàn nhẫn ấy cũng tương tự như trong Thằng khùng (Huỳnh Ngọc Sơn), Tự do hay là chết (Tiêu Dao Bảo Cự), Những đứa con hoang câm điếc của chiến tranh (Nguyễn Âu Hồng). Góc nhìn này cho thấy những lầm lạc của người lính, có thể vì họ được “huấn luyện” bởi những luận điệu sai lệch về cuộc chiến, cũng có thể lòng tham sẵn có trong mỗi người đã không được chế ngự bằng kỷ luật thích hợp (nói cách khác, họ không được dạy rằng nhân dân là đối tượng để họ bảo vệ chứ không phải để vơ vét). Cái chết của Thiện trong Sống thảm cũng là kết cục thường thấy trong truyện về người lính, vì họ “có súng nhưng không làm chủ được đời mình”. Người lính không phải đối tượng chính của truyện Bảy ChấtSống thảm, nhưng chỉ với một vài chi tiết nhỏ như thế cũng tạo nên một phương diện đáng chú ý ở họ.

            Tuy nhiên, bên cạnh đó, Võ Trường Chinh còn cho thấy một gam màu khác trong chân dung người lính, u ám hơn, buồn bã hơn, nhưng đồng thời lại cũng trong sáng hơn. Hai sắc thái này có vẻ mâu thuẫn nhưng lại thống nhất trong những nhân vật này: đời họ u ám nhưng tâm hồn họ ít nhiều còn giữ được sự trong sáng quý giá của một con người lương thiện. Sáu Do và những “đồng đội” ở đồn Kinh Xáng (trong truyện ngắn cùng tên) không tham lam, không tàn nhẫn, cũng không thích chiến tranh. Họ sống mòn mỏi ở cái đồn hiu hắt ấy, ngày đêm trông ngóng hoà bình để về quê cày ruộng, gầy dựng lại cuộc sống cho gia đình. Anh Bường (Câu chuyện anh Bường) từng đi lính, quay lại đời thường khi đã thành phế binh, rồi cũng may mắn lấy được vợ. Khi hết tiền, bị vợ bỏ, anh đi giữ nhà cho chủ Mỹ, rồi nhận ra vợ cũ vào mua vui cho ông chủ, rồi dạt ra gầm cầu sống kiếp ăn mày. Số phận anh Bường có nhiều khúc quanh hơn, nhưng tựu trung cũng buồn như đời lính hiu hắt của Sáu Do. Chỉ có điểm khác là dù sao họ vẫn giữ được chút trong sáng ở tâm hồn, nếu có lầm lỗi thì cũng đã trả giá và đã biết quay đầu. Sáu Do là hình ảnh tiêu biểu cho những người nông dân bị buộc vào lính, tâm hồn họ cho dù có thế nào cũng chỉ thuộc về ruộng đồng, họ có quan tâm đến cuộc chiến cũng chỉ là ở một việc duy nhất: bao giờ kết thúc để họ về lại đời nông dân quen thuộc. Anh Bường có khác hơn, vào lính chủ động hơn, có mục đích rõ ràng hơn: đi lính vì muốn trả thù Hai Tam, kẻ đã ức hiếp mình ở quê. Nhưng đời lính khiến anh nhận ra mình đã lầm:

           “Trước kia, nghĩ tới đó, Bường trút hết mọi hờn căm lên đầu Hai Tam. Bây giờ nghĩ tới đó, Bường lại tức bực giận mình, kẻ đang tiếp nối đời ô nhục của cha ông mỗi ngày, ở một nơi không phải là đồng ruộng thân yêu. Mối thù của Bường theo mỗi ngày quân trường mà đổi sắc lúc nào anh cũng không kịp hay biết.”

           Kẻ nhận lãnh hậu quả của sự trả thù không phải Hai Tam mà chính là anh, người đem đời mình làm tay sai ô nhục. Kết quả của đời lính không phải vinh quang như anh đã từng mơ mà chỉ là sự tàn phế và ám ảnh không dứt:

           “Nhiều đêm Bường mơ thấy anh đang cầm họng súng xa lạ chĩa bắn đời mình, bắn vào đồng ruộng quê cha, bắn vào vùng đất Kinh Mười sáng ngời ước mơ ngày nào.”

           Sự tự ý thức đó tuy chưa mang tầm vóc gì lớn lao, chỉ là tự ý thức trong hoàn cảnh riêng của nhân vật, nhưng nó là điều rất đáng ghi nhận, bởi nó được hình thành không phải bằng sự thuyết giảng của ai khác mà chính bằng sự trải nghiệm của bản thân anh Bường. Người đọc nhớ đến người lính xưng “tôi” trong Những vòng hoa nguỵ tín của Thế Vũ, cũng chán ngán cuộc chiến vì chứng kiến sự giả dối của chính quyền, vì nhận ra mình chỉ là công cụ cho mưu đồ của kẻ khác. Nhưng để ý thức được như vậy, họ phải nếm trải quá nhiều. Lời hứa của chính quyền và thực tế chiến trường khác nhau đến nỗi họ trở nên hoang mang, không biết mình phải chiến đấu vì cái gì:

           “…một điều đã ám ảnh tôi và những người khác quanh tôi từ rất lâu rồi: thực ra, tôi đang chiến đấu cho ông tiểu đoàn trưởng, cho ông trung tá, cho ông tướng, cho ông tổng thống hay cho cá nhân tôi, hay cho tất cả những điều mà tôi đã nghe vẽ vời trên những bức tường cũ trong các thành phố lớn nhỏ, những điều như tự do, độc lập, đất nước, quê hương, dân tộc, tổ quốc, những điều như bản thân, gia đình, hoà bình, no ấm?” (Những vòng hoa nguỵ tín)

           Chính vì vậy mà sau mấy năm ở lính, tâm thế của họ chỉ là:

           “Ban đầu chúng tôi thấy đó là một việc làm đáng ngao ngán, sau thấy đó là một cực hình và cuối cùng điều đó là một việc không thể tra vấn thêm nữa, mỗi người nhận chịu như nỗi mệt mỏi và buông xuôi ê chề.”

           Và khi mọi thắc mắc về cuộc chiến, về bản thân không có lời giải đáp, sự băn khoăn sau cùng của họ là “nên chết đi hay trở thành què cụt mà trở về”. Chắc cũng như anh Bường, chỉ có thành phế binh thì họ mới có cơ hội thoát khỏi cuộc chiến để về quê. Chính vì thế, người đọc thấy thương hơn là thấy giận họ.

           Như vậy, với những màu sắc sáng tối khác nhau, có thể thấy Võ Trường Chinh nhìn người lính quân đội Sài Gòn bằng cái nhìn tương đối khách quan và đa chiều. Ông không tập trung nhiều vào tội lỗi hay sai lầm của họ mà dành tấm lòng bao dung để nghĩ về họ như người anh em bị thời cuộc đẩy sang bên kia chiến tuyến. Họ sẽ phải trả giá, nhưng vẫn luôn có một tia hy vọng dành cho họ. Anh Bường cuối cùng trở thành ăn mày, đêm mưa gió ấy không biết có về không, nhưng có bà cụ ăn mày ở gầm cầu đang chờ anh, có lẽ đó là mẹ anh. Người đọc thấm thía với bài học nhân sinh: không bao giờ là muộn để quay đầu… Đó cũng là lý do để bây giờ, sau 50 năm nhìn lại, người đọc vẫn thấy cái nhìn của Võ Trường Chinh là hợp lý. Với người lính, có trăm ngàn lý do để họ vào lính, có trăm ngàn nguyên nhân để họ cầm súng bắn lại đồng bào, nhưng dù sao họ cũng là con dân nước Việt, dù sao cũng không ai trải nghiệm hai lần qua cùng một cuộc chiến để luôn luôn sáng suốt nhận ra đâu mới là chính nghĩa. Tất nhiên họ có sai lầm, tất nhiên trong số họ có không ít người cầm súng vì ý thức rõ ràng chứ không phải lầm đường lạc lối, nhưng dẫu sao cũng cần cái nhìn khách quan để thấy “không ít” không có nghĩa là tất cả.

            Với ba mảnh ghép như trên, bức tranh hiện thực mà Võ Trường Chinh tạo ra đã phác hoạ được vài nét chính yếu của xã hội miền Nam những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thông qua tình cảnh người nông dân, dân nghèo đô thị và người lính cộng hoà. Cảnh khổ của dân nghèo làm người đọc mủi lòng, tội lỗi của người lính làm người đọc phẫn nộ, nhưng trên tất cả những điều đó là sự lắng đọng, xót xa, là sự rung cảm trước tâm tình của họ. Tác giả dùng hoàn cảnh xã hội như cái đòn bẩy để làm bật lên những tình cảm nhân bản nhất của con người, cho nên đọc truyện ông, cái ám ảnh nhất chưa phải là hoàn cảnh éo le của nhân vật mà chính là tâm tư, trạng thái con người trong hoàn cảnh ấy. Chính điều đó đã chạm được tới phần người nhất của mỗi người.

            3. Ánh sáng của niềm tin, hy vọng và lời kêu gọi đấu tranh

            Đọc Võ Trường Chinh, bên cạnh bức tranh hiện thực với “cảnh” (khổ) và “tình”, người đọc còn nhận thấy ở đó lấp lánh niềm hy vọng, niềm tin và cả lời kêu gọi đấu tranh. Thật ra, với dòng văn học yêu nước ở đô thị miền Nam trước 1975, phủ định thực tại và kêu gọi đấu tranh là mục đích chính, nhưng kết hợp và kết hợp nhuần nhuyễn, đậm chất văn chương là việc không hề dễ dàng. Rất nhiều truyện ngắn hay như Tự do hay là chết (Tiêu Dao Bảo Cự), Người bắt ruồi (Nguyễn Hoàng Thu), Đứa con của loài bò sát (Huỳnh Ngọc Sơn)… đã nhìn hiện thực bằng cái nhìn chính diện, phơi bày hiện thực bằng những chi tiết “lạnh lùng”, nhưng niềm tin và lời kêu gọi đấu tranh trong những tác phẩm đó, nếu có, là cái mà người đọc phải “đọc giữa hai dòng chữ”. Với Võ Trường Chinh, tình hình có khác đi một chút. “Ánh sáng” trong trang viết của ông thường “công khai”, có khi được thể hiện bằng lời, có khi thông qua việc xây dựng hình tượng, nhưng chủ yếu là tập trung ở phần kết truyện. Điều này có thể là mạo hiểm, nhưng lại rất cần thiết cho dòng văn học yêu nước tồn tại công khai trong lòng các đô thị miền Nam lúc bấy giờ.

            Phần lớn nhân vật của Võ Trường Chinh được xây dựng khá đầy đặn, trong đó theo chúng tôi, thành công nhất là hình tượng ông Tốn Thẹo (Về miệt rừng tràm) và ông Bảy Chất (trong truyện ngắn cùng tên). Thành công không phải chỉ ở hoàn cảnh đáng thương của hai ông (như đã phân tích ở trên) mà còn ở vẻ đẹp của hình tượng. Nếu ông Tốn hiện lên như một lão nông mạnh mẽ, đậm chất hào hùng thì ông Bảy gây ấn tượng bởi chất Nam bộ đậm nét và tình cảm gắn bó với quê hương. Ông Tốn có quá khứ hào hùng (từng dùng gậy tầm vông đánh Tây), lại ngang tàng không nghe, không tin lời chiêu dụ của chính quyền (vào “làng” sống cho “an toàn”), thà sống lây lất trên chiếc ghe cũ nát mà được tự do. Hình ảnh ông Tốn gắn với dòng sông, với rừng tràm khiến người đọc liên tưởng đến ông Tư Vườn Chim, một nhân vật độc đáo của Anh Đức trong Giấc mơ ông lão vườn chim. Cũng là lão nông, cũng khoẻ khoắn, cũng bám đất bám rừng, cũng sẵn sàng đương đầu với kẻ thù. Sự khác biệt giữa công khai – bí mật, giữa vùng tạm chiếm – vùng giải phóng càng làm cho sự tương đồng trong hình tượng trở nên thú vị. Còn ông Bảy, nỗi “tương tư” xóm làng đến bồn chồn gan ruột của ông chính là kết tụ tình yêu đơn sơ nhất nhưng sâu nặng nhất của người nông dân đối với đất nước, quê hương. Bên cạnh hai hình tượng đẹp đó là những người dân nghèo trong Đồn Kinh Xáng, họ không rõ mặt rõ tên nhưng tấm lòng thì luôn sáng rõ:

           “Dân trong vùng chạy tứ tán, có người chẳng bao giờ thấy trở lại. Tuy nhiên, số người bám làng bám đất vẫn đông như từ muôn thuở trước, dù cho có bị tát về các khu tạm cư ở chợ quận BL nhiều lần, họ vẫn thun lại làng cũ, tụ cứng trong hai xã LH thượng và hạ. Họ dính liền với đất như nước dính liền với bờ sông Vàm đẹp đẽ. Tát hết nước thì sẽ không còn có sông, mà phá bờ tới đâu thì nước lấn tới đó. Những người còn lại, sống chết cũng vì câu nói chắc nịch như thế của một người nào đó trong làng.”

           Những hình ảnh đẹp như thế mang lại cho người ta sự yên lòng, niềm tin tưởng, dù Mỹ và chính quyền có dùng thủ đoạn nào đi nữa thì miền Nam vẫn không bao giờ thiếu những con người tình nghĩa, sắt son.

            Những chi tiết gợi niềm tin, hy vọng, kêu gọi đấu tranh trong truyện Võ Trường Chinh có thể xuất hiện bất ngờ nhưng không khiên cưỡng. Bác Tám (Bán máu) cứu người thanh niên tấn công trại lính như một phản xạ tự nhiên, có lẽ vì những ngày tháng rong ruổi khắp thành phố đã cho bác thấy nhiều điều đáng tin về những người như cậu ấy chăng? Cô gái trong Sống thảm thấy ánh sáng của tình thương yêu chính vì khi ở tù cô được ở gần những người nghèo và người làm chính trị. Ông Bảy Chất cùng bà con kéo nhau lên quận chính vì cái xác con Thẻo nặng trĩu trên tay ông, nỗi đau đứt ruột hoá thành hành động một cách hết sức tự nhiên. Ông Tốn không chỉ bỏ lên rừng một mình mà còn dắt theo những cậu thanh niên, thiếu niên ở làng, bởi ông đã kể và họ đã hiểu chỉ có đi “về miệt rừng tràm” mới tìm thấy tự do. Hình ảnh ông Tốn hiên ngang với mái tóc bạc phơ không khác gì một trang dũng tướng. Chất lãng mạn trong những tác phẩm này được xây dựng trên nền hiện thực, vì vậy nó không xa rời thực tế mà càng khiến cho niềm tin và lý tưởng được khẳng định thêm, khiến cho lời kêu gọi đấu tranh càng mạnh mẽ và hiệu quả.

            Không chỉ dừng lại ở đó, Võ Trường Chinh còn mạnh dạn đặt vào tác phẩm của mình hình ảnh những người làm cách mạng. Đó là anh thanh niên tấn công trại lính được bác Tám cứu (Bán máu). Không có nhiều chi tiết về anh, nhưng chỉ sự xuất hiện lặng lẽ đó thôi cũng đủ khơi dậy niềm tin và lý tưởng của người khác. Bằng chứng rõ nhất chính là bác Tám. Người đàn ông gầy yếu trước đó ngất lịm trong bệnh viện vì máu không chảy kịp để mà bán, bỗng trở nên nhanh nhẹn, sáng suốt và hết sức dũng cảm. Bác “nguỵ trang” chiếc xích lô của mình, bác qua mặt cảnh sát, cứu được anh thanh niên, dù chưa hề thấy mặt mũi anh ta, cũng không cần một lời giải thích nào của anh. Sự xuất hiện và hành động của anh hình như đã chạm đúng niềm mong mỏi âm thầm của người phu xe nghèo khổ, khiến bác thấy phấn khởi dù đang tự nguyện làm một việc vô cùng nguy hiểm. Hình ảnh phía cách mạng còn xuất hiện nhiều lần trong Về miệt rừng tràm:

             “Trước đây, mỗi sáng dân làng còn phải đi đắp lại vài quãng đường bị phá, cho xe từ quận lên, nhưng từ khi không xe nào dám đi nữa thì dân làng khỏi tốn công đắp lại. Con đường vẫn còn đó, không ai dùng tới nhưng vẫn như nhắc nhở sự hiện diện của những bóng người nào quanh đây.”

             “Con đường chạy từ quận lên được mở lại nhưng chỉ vài tuần sau thì sáng sáng toán lính áo đen lại tập trung dân đi phá mô. (…) Những bóng người lẩn quất đâu đây ngày càng nhiều, đầu đại bác mỗi đêm mỗi nổ dữ hơn.”

             “Bên kia sông đã nghe thấy tiếng loa vang vang lịnh truyền, những câu hò hát nao nao lòng người, có khi như xốc dậy cỏ cây sông nước. Súng từ đồn bên này bắn qua không đủ làm lời loa nhỏ đi chút nào. Súng từ đồn bên này bắn qua không đủ làm lời loa nhỏ đi chút nào.”

           Không có con người nào cụ thể, chỉ có con đường và tiếng loa, nhưng người đọc lại như thấy hàng đoàn người ẩn hiện đằng sau nó. Tiếng loa vang vang lịnh truyền ấy chính là tiếng lòng của bao nhiêu con người ngày đêm trông đợi, là lời kêu gọi của non sông. Đây chính là những chi tiết làm nên niềm tin, hy vọng cho người đọc, cũng là sự gửi gắm gan ruột đầy dũng cảm của tác giả.

            4. Võ Trường Chinh xuất hiện muộn, số lượng tác phẩm không thật nhiều, nhưng những truyện ngắn của ông đã thật sự giành được một vị trí đáng kể trong dòng văn học yêu nước thành thị miền Nam trước 1975. Ông đem lại cho người đọc niềm cảm thương trước một bức tranh hiện thực tăm tối của những kiếp người đau khổ, nhưng đồng thời cũng chính từ đó ông châm ngòi cho những tia hy vọng, cho niềm tin, cho ý chí bừng sáng. Trong truyện của ông, đau thương vừa đủ khiến người ta căm phẫn, căm phẫn vừa đủ khiến người ta nuôi ý chí hành động, và hành động cách mạng – dù không nhiều - nhưng cũng vừa đủ động viên người ta đứng dậy và tiến lên phía trước. Là văn học công khai ở vùng tạm chiếm, truyện ngắn Võ Trường Chinh đến được với công chúng trong hình hài như thế đã là điều rất đáng mừng. Ngoài tài năng của tác giả, không thể không kể đến những yếu tố ngoại cảnh: Võ Trường Chinh xuất hiện muộn (muộn nhất trong nhóm Việt), khi tình hình đã thay đổi nhiều, Mỹ đổ quân vào miền Nam nhưng đầu những năm 1970 đã lúng túng, sa lầy, phong trào đấu tranh đến hồi sôi nổi, cách mạng lớn mạnh… Thời gian qua đi, hoàn cảnh đổi khác, mục đích tuyên truyền tức thời không còn nhưng những tác phẩm của Võ Trường Chinh vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả, bằng giá trị văn chương và vẻ đẹp nhân văn.

BTT.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn, Trường Sơn Ca, Võ Trường Chinh (1997), Tuyển tập truyện ngắn Việt, NXB Trẻ TP.HCM
  2. Huỳnh Như Phương (2008), Những nguồn cảm hứng trong văn học, NXB Văn nghệ, TP.HCM
  3. Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB TP. Hồ Chí Minh

________________

 

1 “Lời tựa”, Huỳnh Như Phương, in trong Tuyển tập truyện ngắn Việt, NXB Trẻ, TP.HCM, 1997, tr.14.

 

 

 

 

 

Thông tin truy cập

63610970
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18292
10905
63610970

Thành viên trực tuyến

Đang có 464 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website