Cảm quan hiện thực, con người trong hồi ký văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975

Nguyễn Quang Hưng

Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng)

Tóm tắt

Trong đời sống văn học, các thể loại luôn được đặt trong quan hệ đồng đẳng về giá trị. Hồi ký là một trong những thể loại đặc biệt trong diễn trình văn học Việt Nam. Ở hồi ký, bức tranh thời đại được đan dệt bằng một hệ thống sự kiện mang tính xác thực. Từ những thông tin cụ thể, những trang hồi ký không dừng lại ở những con số thống kê, những sự kiện khô khan mà là những trang đời, trang văn giàu tính thẩm mỹ và đậm giá trị nhân bản.

Từ khóa: Hồi ký, đặc trưng thể loại, cảm quan về hiện thực, tính xác thực

Đặt vấn đề

            Từ sau 1975, một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự đa dạng hóa của đời sống văn học là sự vận động, đổi mới về mặt thể loại. Ở những giai đoạn trước, từ quan niệm của từng cộng đồng văn học, có những thể loại được xem là trụ cột, trung tâm, cũng có những thể loại chỉ nằm ở ngoại vi/cận văn học. Từ sau đổi mới, trong sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật, “cái nhìn thể loại” cũng có sự thay đổi. Trong sự vận động tự thân của từng thể loại, sự bình đẳng thể loại ngày càng đậm rõ trong quan niệm, trong tâm thế tiếp nhận của công chúng độc giả. Theo Bakhtin: Trong đời sống văn học, các thể loại luôn được đặt trong quan hệ đồng đẳng về giá trị, song mỗi thể loại là sự thể hiện “một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người” [1]. Hồi ký là một trong những thể loại đặc biệt trong diễn trình văn học Việt Nam. Đây là một tiểu loại của ký, xuất hiện muộn, một thể loại “trẻ” nhưng chủ thể sáng tạo “già”, là những tác giả đã trải qua một hành trình sáng tác lâu dài.

          Nhu cầu tự thân của thể loại, cùng với sự đa dạng hóa cũng như sự dung hợp thể loại đã tạo được một diện mạo hồi ký phong phú, làm nên một mảng sinh động, mới mẻ trong đời sống văn học. Nhiều tác phẩm hồi ký ra đời gây xôn xao dư luận và trở thành hiện tượng văn học, thể hiện rõ sự phát triển thể loại trong quá trình đổi mới tư duy nghệ thuật. Mỗi thiên hồi ký là những bức tranh hiện thực của đất nước. Nhiều số phận, nhiều cảnh ngộ, nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ được nhìn nhận lại từ điểm nhìn hiện tại theo hướng đa chiều, thấu tình, đạt lý. Nhiều thiên hồi ký tái hiện các giai đoạn lịch sử-xã hội-văn học qua các thời kỳ, giàu tính thẩm mỹ, được cộng đồng văn học đón nhận.  

Hiện thực lịch sử-xã hội_ Những thông tin về sự thật được mỹ hóa

            Nhìn từ đặc trưng thể loại, hồi ký nhằm thông tin sự thật, đòi hỏi tính chân xác. Tuy vậy, tác phẩm hồi ký không chỉ chú ý đến việc làm sao chuyển tải thông tin mà còn phải viết sao cho hay, cho hấp dẫn người đọc. Nghĩa là, hồi ký phải là những thông tin về sự thật được mỹ hóa qua cảm hứng của nhà văn. Trong sự tiếp nhận những lý thuyết mới mẻ của văn học toàn cầu, như một xu thế tất yếu, hồi ký cũng mang trong bản thân thể loại nhiều yếu tố hiện đại. Những tác phẩm hồi ký văn học từ sau 1975 không chỉ cung cấp những lượng thông tin phong phú, đa chiều mà còn đáp ứng được những khoái cảm thẩm mỹ trong tầm đón đợi của người đọc hiện đại. Sức hấp dẫn của những thiên hồi ký (Cát bụi chân ai, Hồi ký Song Đôi, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Trong mưa núi…) là ở mỹ cảm nghệ thuật; ở nội dung đa dạng, phong phú; từ hình thức thể hiện mới mẻ, cũng như từ tấm lòng, trách nhiệm đối với cõi người, cõi nghề của nhà văn.    

            Hồi ký được xem là thể loại thời đại. Ở hồi ký, bức tranh thời đại được đan dệt bằng một hệ thống sự kiện mang tính xác thực. Tác giả hồi ký văn học thường là những nhà văn có hành trình sống và hành trình sáng tác lâu dài. Họ từng trải qua những trường đoạn cuộc đời, luôn trăn trở, nhìn lại, chiêm nghiệm về những năm tháng đã qua. Người kể chuyện quá khứ, qua hồi ức, với tư cách là nhân chứng, là người trong cuộc, đã tái hiện chân thực những sự kiện lịch sử- xã hội trọng đại của đất nước qua các thời kỳ.

Với hồi ký, việc “ghi chép” hiện thực một thời lại diễn ra trong hồi ức, là hiện thực được lựa chọn, và gây ấn tượng sâu sắc với người kể nên nó luôn ám ảnh, buộc phải viết ra, phải giải tỏa. Hiện thực ấy được tái hiện với một trạng thái cảm xúc riêng, được nhìn nhận, đánh giá lại bằng nhận thức chủ quan và bằng kinh nghiệm sống của người viết. Do vậy, người viết hồi ký khi tái hiện hiện thực không giữ thái độ khách quan như các sử gia. Hiện thực trong hồi ký cũng không thể so với các tư liệu gốc, các chứng tích mang tính lịch sử mà nó chỉ là một phần cơ sở để xác minh hiện thực trên phương diện lịch sử, xã hội. Điều quan trọng nhất, thông qua các sự kiện, các chi tiết liên quan đến tiểu sử, cũng như qua cách đánh giá, nhìn nhận, thái độ tình cảm trước những gì được kể đến, tác giả hồi ký gián tiếp bộc lộ mình trong tính khuôn khổ của sự thật lịch sử, qua đó làm tăng thêm ý nghĩa xã hội và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Vì vậy, các nhà lý luận quan ngại rằng người viết hồi ký “do thời gian lùi xa, nhiều sự kiện nhớ không chính xác, nhớ nhầm hoặc tưởng tượng thêm mà không tự biết”; “Hồi ký chỉ thực sự có giá trị khi người viết tuyệt đối trung thực với chính mình và có trách nhiệm với xã hội... không tô vẽ cho mình và thêm thắt cho người khác” [4].

         Là tiểu loại của ký, với hồi ký tính xác thật của việc ghi chép các sự kiện là đặc trưng quan trọng. Từ điểm nhìn hiện tại, lùi về những thời kì lịch sử đã xa, các nhà văn viết hồi ký gặp gỡ nhau ở điểm chung là thiên về tái hiện những sự kiện trọng đại của đất nước. Đối với thế hệ nhà văn tiền chiến, đã từng sống và sáng tác trong những năm tháng trước cách mạng, ký ức về những tháng ngày gian khổ vẫn ám ảnh. Dẫu thuộc khuynh hướng lãng mạn (Anh Thơ, Huy Cận), hiện thực (Tô Hoài) hay trữ tình chính trị (Tố Hữu)… thì trong hồi ký của thế hệ nhà văn này đều in đậm hiện thực đen tối một thời. Trong nhiều trang hồi ký, hiện thực cuộc sống đương thời được tái hiện sống động đến từng chi tiết. Với cái tôi chứng kiến - hồi ức, các tác giả đã miêu tả sự kiện ở điểm nhìn khách quan, không phân tích hay bình luận mà cứ để người đọc tự cảm nhận (Hồi ký Song Đôi, Cát bụi chân ai, Nhớ lại một thời…). Với Cát bụi chân ai Chiều chiều, nhà văn Tô Hoài đã chứng tỏ bản lĩnh, cá tính, sự trải đời, tinh đời. Yếu tố chi tiết về đời tư đã mờ đi, thay vào đó là những vấn đề xã hội, thế sự được soi chiếu qua lăng kính của nhà văn người kể chuyện. Chuyện đời, chuyện nghề với mọi biểu hiện phức tạp, tinh vi nhất đã hiện lên khá cận cảnh. Đứng ở điểm nhìn cuối cuộc đời và cũng là ở cuối thế kỷ, tác phẩm của Tô Hoài thông qua những mảng hiện thực phong phú của cuộc sống đời thường đã tái hiện sinh động, sâu sắc bức tranh về những chặng đường lịch sử đầy biến cố lớn lao của dân tộc. Tô Hoài không đi vào diện rộng như các nhà sử học, những cái ông nắm bắt được là những vấn đề điển hình, là mang tính biểu trưng hoặc gây ấn tượng đặc biệt cho nhà văn.        

         Là nhà thơ cách mạng, chặng đường thơ của Tố Hữu trùng khít với những chặng đường lịch sử. Những sự kiện lớn nhỏ của đời, của đất nước đều in dấu ấn trong tập hồi ký Nhớ lại một thời. Tập hồi ký làm sống lại một thời hoạt động cách mạng và một thời thơ của Tố Hữu.

Về mặt lý thuyết, “xét từ gốc gác và bản chất, thì ký không nhằm thông tin thẩm mỹ, mà là thông tin sự thật” [3]; “Tìm mọi cách can dự trực tiếp vào đời sống, ký trở thành loại hình văn học thời sự, một thể văn xung kích theo sát các vấn đề nóng hổi, cấp bách của hiện thực mang ý nghĩa xã hội rộng lớn” [4]. Là tiểu loại của ký, hồi ký cũng mang trong bản thân nó những đặc trưng cơ bản của thể loại thiên về ghi chép xác thực. Tuy vậy, khác với ký ở “tính thời sự, tính can dự trực tiếp”, hồi ký cung cấp những tài liệu của quá khứ. Những thiên hồi ký văn học sau 1975… giàu lượng thông tin, những sự kiện lịch sử, những góc khuất của đời sống xã hội hiện ra cụ thể đến từng chi tiết, dẫu có những chi tiết các nhà văn nhấn mạnh, kể lại làm đau lòng.

Trong hồi ký sự kiện đóng vai trò quan trọng. Hệ thống sự kiện trong hồi ký được xâu chuỗi, kết hợp đậm nhạt khác nhau đã làm nên diện mạo đời sống những năm tháng khốc liệt. Trên con đường ký ức của các nhà văn, những sự kiện lịch sử tiêu biểu hiện ra như những thước phim quay chậm. Có những sự kiện được kể lướt qua nhưng cũng có khi, một sự kiện được nhà văn dừng lại miêu tả tỉ mỉ, công phu. Nhiều lúc, trong mạch trần thuật, nhà văn lắp ghép, đan lồng những tình huống, những khúc đoạn không đồng nhất về thời gian, không gian. Qua con đường ký ức, những sự kiện dẫu chắp vá, lắp ghép theo quy luật trí nhớ vẫn đủ độ xác thực. Đó là những đặc điểm nổi bật nhất của tác phẩm hồi ký. Mỗi nhà văn chọn một cách thể hiện riêng, nhưng trong hồi ức về những năm tháng không thể nào quên ấy được tái hiện sinh động. Hiện thực lịch sử- xã hội- con người khúc xạ qua thời gian và cảm xúc vẫn tươi mới trong những hồi ký của Tô Hoài, Hoàng Minh Châu, Đào Xuân Quý,….

Trong hồi ký Hoàng Minh Châu (Mất để mà còn) chiến tranh hiện ra trong những trang hồi ký không chỉ lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn sử thi, mà còn là đau thương mất mát. Bức tranh đời sống chiến đấu trong hồi ký của Phan Tứ được tái hiện sinh động như không hề có độ lùi thời gian. Là nhà văn-chiến sĩ, từng xông pha giữa chiến trường bom đạn, Phan Tứ đã ghi lại một cách xác thực những sự kiện, sinh hoạt chiến trường (Trong mưa núi). Ma Văn Kháng hướng ngòi bút về miền núi, làm phong phú thêm một mảng hiện thực đa chiều (Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương). Cuốn hồi ký chuyển tải biết bao chuyện đời, đầy ắp chất liệu hiện thực đời sống, lịch sử, xã hội. Trong lớp lớp những câu chuyện quá khứ là gương mặt đất nước một thời vừa nhọc nhằn, ngổn ngang nhưng tươi đẹp; là số phận những con người bất hạnh, những chân dung biếm họa, những bạn bè gắn bó thân thiết trên những bước đường đời và những bạn văn mới, cũ thuộc nhiều thế hệ… Tất cả đều được Ma Văn Kháng kể tên, điểm diện. Có thể thấy qua những trang sách hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài non một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của người viết văn. Theo nhà văn Hồ Anh Thái từ câu chuyện của một đời người, “từ số phận một cá thể, soi chiếu qua lịch sử, người đọc có thể hình dung ra một thời đại” [2]. 

            Thông thường, trong hồi ức về hiện thực đời sống xã hội, những bước ngoặt lịch sử không diễn ra theo thứ tự thời gian biên niên. Hiện thực trong hồi ký được tái dựng theo dòng thời gian từ quá khứ xa đến quá khứ gần thời điểm của nhà văn kể. Tuy nhiên, có thể thấy, do những dụng ý nghệ thuật của mỗi nhà văn mà dòng hồi ức về những quãng đời đã được tác giả có cách bố trí, sắp xếp các sự kiện hay các nhân vật có liên quan theo những trật tự nhất định theo logic của trí nhớ, cảm xúc hoặc của logic tư duy. Hiện thực đời sống những năm sau chiến tranh khơi gợi cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Nguyễn Khải tâm sự: “Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy dẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ” (Gặp gỡ cuối năm). Nhiều tác phẩm ra đời từ “cái hôm nay ngổn ngang bề bộn” và gây ấn tượng mạnh mẽ với lối đổi mới tư duy nghệ thuật và một cách tiếp cận hiện thực đa chiều.           

      Trong hồi ký, “cái hôm nay” không xuất hiện đồng thời trên những trang văn. Khác với “hiện tại chưa hoàn kết của tiểu thuyết”, thời gian trong hồi ký là thời gian quá khứ, nhưng dẫu qua độ lùi thời gian, độ lắng sâu của cảm xúc, hiện thực ngổn ngang đó vẫn tươi ròng sự sống. Dấu ấn những sự kiện chính diễn ra trên toàn đất nước, độ giao thoa giữa cũ và mới trong đời sống xã hội, những đột biến lớn lao trong đời sống tinh thần của từng cá nhân; sự lựa chọn của người trí thức trước sự chuyển đổi lịch sử… Tất cả những vấn đề lớn của cuộc sống sau chiến tranh đều được thể hiện trong hồi ký của các nhà văn đã trải qua một hành trình sáng tác gắn với từng chặng đường đổi thay của dân tộc.

Lấy “sự thật khách quan của đời sống và tính xác thực của đối tượng làm cơ sở”, nhiều tác giả hồi ký đã ghi chép một cách trung thực những sự kiện đã lùi vào quá khứ nhưng vẫn nóng bỏng, nhức nhối đối với một thế hệ nhà văn. Nhớ lại một thời, các tác giả hồi ký ghi lại cụ thể những mâu thuẫn nảy sinh bi kịch. Trải lòng mình trên trang hồi ký, các tác giả không ngần ngại ghi chép lại, phơi bày ra những sự thật trần trụi, đau lòng. Tuy vậy, những sự kiện được tái hiện trong những trang hồi ký không đơn thuần là ghi chép, thông tin mà thông qua những cuộc đời riêng, các nhà văn đã lý giải, đối thoại với quá khứ với tầm nhìn nhân bản, nhân đạo hơn. Nhiều trang hồi ký đã trở thành tấm gương phản chiếu chân thật một mảng khuất của quá khứ, qua đó bộc lộ những trăn trở, ngẫm suy đầy trách nhiệm của nhà văn, đặc biệt là thế hệ những nhà văn trong cuộc. Từ những thông tin cụ thể, những trang hồi ký văn học sau 1975 không dừng lại ở những con số thống kê, những sự kiện khô khan mà là những “thông tin về sự thực của các giá trị nhân sinh”, là những trang đời, trang văn giàu tính thẩm mỹ và đậm giá trị nhân bản.

Hiện thực đời người - Cảm hứng thế sự đời tư

Sự phát triển của thể hồi ký cũng chứng tỏ kinh nghiệm cá nhân đang trở nên có giá trị hơn và hồi ký chính là một cách nhìn trực diện vào cái tôi của người viết. Với cá nhân mỗi nhà văn, bằng hồi ức về cuộc đời mình, tác giả viết hồi ký chẳng cần phải tìm kiếm thế giới ở đâu xa mà ở chính trên gương mặt đầy dấu ấn thời gian của mình. Viết hồi ký cũng là cách sòng phẳng với quá khứ bởi dù có nhớ và quên, thật và giả, chủ quan và khách quan,… thì nhà văn cũng không thể lẫn tránh được chính mình. Có lẽ đấy là lý do chủ yếu để nhà văn thời đổi mới tìm đến thể hồi ký như tìm đến một cách tiếp cận không chỉ với hiện thực bề mặt mà còn với hiện thực bên trong đầy phức tạp và bí ẩn của con người.

Điểm chung của phần lớn các hồi ký là đều đề cập số phận con người trong những thời đoạn khốc liệt nhất của lịch sử. Bằng vài nét phác họa nhưng đầy ấn tượng, Tô Hoài dừng lại lâu hơn ở số phận của những người nông dân trong những cơn biến thiên lịch sử (Cát bụi chân ai). Đó là số phận của những con người, những gia đình trong cơn lốc của cơ chế thị trường (Chiều chiều). Phan Tứ quan tâm đến số phận của những người dân miền cao trong những năm tháng chiến tranh. Hồi ký Trong mưa núi chủ yếu viết về sinh hoạt chiến đấu của nhà văn và đồng bào dân tộc Ka Tu. Những con người chân chất, nghèo khổ nhưng trung thực trước sau như một. Ma Văn Kháng đặc biệt quan tâm đến số phận của người trí thức. Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương là những trang tự bạch, trong đó nhà văn cúi xuống lòng mình để nói lên những mảnh đời trí thức trong một xã hội “bề bộn, ngổn ngang”. Trên những trang hồi ký, các tác giả đã đề cập đến bao số phận con người trước hiện thực cuộc sống từ thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường rất chân thực, nhiều chiều, phơi mở cả những góc khuất bằng chính sự trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân của người viết. Vì vậy hồi ký văn học đã cho ta những cảm nhận và suy ngẫm về những vấn đề một thời thật chân thực và thấu đáo.

            Nhiều hồi ký đặt trọng tâm ở sự trăn trở “nhận đường”, “lên đường” của văn nghệ sĩ và những “số phận” không đồng hành. Trong hồi ký văn học từ sau 1975, song song việc tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn, dòng chảy văn chương, đời sống văn học nước nhà cũng được các tác giả tái hiện với cái nhìn cận cảnh, chân xác. Hai dòng chảy này được phản ánh trong mối quan hệ biện chứng, trong đó, cuộc đời nhà văn cũng bị chi phối và tác động bởi những biến thiên của lịch sử-xã hội. Với tư cách là người trong cuộc viết lại đời mình, một trong những sự kiện các tác giả hồi ký văn học quan tâm nhất là sự trăn trở, “nhận đường”, “lên đường” của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ nhà văn từng sáng tác trước 1945. Những trăn trở này đã trở thành cảm hứng trong sáng tác, đồng thời cũng là thước đo giá trị của sự nghiệp văn học của mỗi tác giả trong dòng chảy lịch sử. Nó đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ văn nghệ sĩ đương thời, quan niệm văn nghệ và thái độ của người nghệ sĩ đối với thời cuộc. Với mỗi nhà văn, sự kiện “nhận đường” và “lên đường” trở thành dấu ấn sâu đậm trong hồi ức. Thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Thời gian đã giúp nhà văn nhìn nhận lại nhiều sự việc. Những trang hồi ký đã tái hiện lại biết bao số phận của con người trước thời cuộc. Công cuộc “nhận đường”, “lên đường” của các thế hệ văn nghệ sĩ là một cuộc kiếm tìm đầy khó khăn; là một hành trình để đổi thay, là một cuộc “lột xác” khiến bao người nghệ sĩ phải đau đớn, dằn vặt. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến đối với các văn nghệ sĩ là nỗi trăn trở, day dứt “nhận đường”. Đau đớn, dằn vặt, nhưng rồi phải “lột xác”. Tâm trạng này là của cả một thế hệ. Dẫu hành trình dài ngắn, bằng phẳng chông chênh có khác nhau, nhưng rồi cái “tôi” cá nhân đã tìm được tiếng nói chung với cái “ta” cộng đồng. Cảm hứng hồi sinh lấp lánh trên những trang viết của văn nghệ sĩ một thời.

Từ sau 1975, đặc biệt sau đổi mới, trong môi trường xã hội - văn hóa được dân chủ hóa, ý thức và cá tính được tôn trọng, tâm lý tiếp nhận thay đổi, nhiều hiện tượng văn học được cộng đồng nhìn nhận, khẳng định. Trên xu hướng đó, hồi ký cũng góp phần thẩm định lại những tác phẩm trong quá khứ, qua cái nhìn của người trong cuộc, của chứng nhân. Nhiều tác phẩm hồi ký văn học đề cập những “vụ án” văn chương, mà một trong những hiện tượng gây chấn động bao thế hệ là Nhân văn giai phẩm. Những tác giả viết hồi ký ít nhiều đều là người trong cuộc, muốn hay không muốn, dư chấn Nhân văn giai phẩm vẫn còn ám ảnh. Chiều chiều, Nhớ lại… đã cho thấy cuộc đời của những người nghệ sĩ trong dòng lịch sử dân tộc với bao nỗi  nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, của trăn trở với nghề hay những nghị lực phi thường.

            Nhìn chung, xuất phát từ nhu cầu đáp ứng những đòi hỏi của con người trong xã hội hiện đại luôn mong muốn được tiếp cận sự thật, nhận thức quá khứ, chiêm nghiệm cuộc sống thì tự thân hồi ký đã đảm trách được nhiệm vụ khai thác hiện thực ở bề rộng lẫn chiều sâu. Hơn thế nữa, nhu cầu người viết hồi ký không cần phải xây dựng cốt truyện một cách công phu, nhân vật với những tình huống lôi cuốn, hấp dẫn. Tất cả chỉ cần thành thật, sòng phẳng với quá khứ bằng những ấn tượng, tâm trạng của mình cũng như những cảm nhận còn lại sau năm tháng, những suy nghiệm được chắt lọc từ chính sự từng trải của bản thân mình.

            Từ đặc trưng thể loại, hồi ký mang tính chủ quan, hiện thực trong hồi ký văn học do tác giả là người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến, nhớ lại, cho nên những sự kiện dù có tính phổ quát vẫn đậm màu sắc cá nhân. Hiện thực trong hồi ký văn học đều gắn liền với một không gian, sự kiện, con người... rất cụ thể. Hiện thực nhớ lại, tái dựng trong hồi ký là hiện thực khúc xạ qua cảm xúc tâm trạng, đúc kết những trải nghiệm của người viết hơn là tạo lập một văn bản có tính hư cấu, hoặc đơn thuần ghi chép những sự kiện. Cảm quan về hiện thực trong hồi ký văn học vừa có tính chân xác theo lối điểm, vừa có bề sâu, mang đậm nhân cách văn hóa của người cầm bút.

Kết luận

         Hồi ký văn học Việt Nam từ sau 1975 đã khẳng định được vai trò thể loại với những biểu hiện phong phú về nội dung, những đổi mới về phương thức biểu đạt. Thành công đó khiến hồi ký không còn là tiếng nói cá nhân, tiếng nói của ngày hôm qua, mà chuyển tải được những vấn đề lớn có ý nghĩa khái quát cho mọi thời đại. Một trong những cơ sở làm nên giá trị của hồi ký giai đoạn này là bản thân nó hướng đến “cự ly gần” của sự thật, đáp ứng được xu hướng tiếp nhận văn học của công chúng. Và hồi ký đã thỏa mãn được hướng tiếp nhận từ nhiều góc độ: văn hóa, văn học, lịch sử, mỹ học...

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB Bộ Văn hóa thông tin - thể thao -Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.

[2]. Ma Văn Kháng (2010), “Con đường, hồi ức”, www.tienphong.vn/van.../ma-van-khang-con-duong-hoi-uc-174810.tpo.

[3]. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[4]. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Lý luận văn học (tập 2), Tác phẩm và thể loại văn học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[5]. Lý Hoài Thu (2002), “Sự vận động của thể loại văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2016, tr.49-54

Thông tin truy cập

63700255
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20547
23426
63700255

Thành viên trực tuyến

Đang có 145 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website