Đời sống tâm linh của người miền Trung trong một số sáng tác của Nguyễn Minh Châu những năm 1980

20170814. Nguyen Minh Chau

1. Đời sống tâm linh - một nét văn hóa đặc sắc của làng xã miền Trung - được Nguyễn Minh Châu tâm huyết thể hiện trong tác phẩm của mình. Nhà văn đã mang lại cho người đọc những trang viết rất tinh tế và sâu sắc về tín ngưỡng, phong tục cùng những trạng thái tâm lí, tinh thần đầy bí ẩn của con người vùng đất quê hương.

Trong sách Văn hóa tâm linh [1] của Nguyễn Đăng Duy, đời sống tâm linh chính là đời sống hướng về những giá trị tinh thần thuần khiết, thiêng liêng, cao cả được đúc kết qua lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc và nhân loại. Hướng đến thế giới tâm linh dường như là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người, đồng thời là một trong những cách để con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Có thể nói, lọc bỏ những yếu tố có màu sắc thần bí và mê tín dị đoan, phần tinh tuý, trong sáng của đời sống tâm linh sẽ hiện ra, đó là những giá trị văn hoá đầy bản sắc và chứa đựng ý nghĩa nhân văn.

Quan tâm khai thác con người tâm linh là một trong những phương diện đổi mới của quan niệm nghệ thuật về con người của văn học thời kì đổi mới. Chúng ta đều biết rằng trước 1975, do yêu cầu lịch sử, từ quan điểm phản ánh luận, văn học thường chỉ quan tâm đến con người hiện thực, con người giai cấp, con người cộng đồng, con người hành động, con người phi thường; phần con người tự nhiên, con người cá thể, con người đời thường, đặc biệt là con người tâm linh ít được chú ý thích đáng. Có thể nói, con người tâm linh là một phương diện rất quan trọng trong sự khám phá về con người. Quan tâm khai thác chiếm lĩnh đời sống tâm linh sẽ giúp nhà văn soi chiếu, khơi lật những phương diện chân thật, tinh tế mang chiều sâu bản chất nhất của con người và đời sống. Bằng trực giác nhanh nhạy, sắc bén của “người mở đường tài hoa và tinh anh”, với việc quan tâm khai thác thế giới tâm linh trong con người, Nguyễn Minh Châu đã góp phần làm cho chiều sâu phản ánh và cảm nhận cuộc sống của văn chương tiệm cận gần hơn với sự đa diện, đa thẩm mĩ trong việc đi sâu khám phá cuộc sống và con người thời hậu chiến.

2. Những góc nhìn khám phá đời sống tâm linh

2.1. Văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đã cho thấy trong tâm thức của người miền Trung nói riêng, của người Việt nói chung, những người chết vì nghĩa cả bao giờ cũng được ngưỡng mộ, tôn kính. Vì thế, những người có công với dân, với nước, những người làm ích nước lợi dân đều được lập bàn thờ. Họ trở thành thần thánh. Không chỉ những bậc anh hùng được thành kính tôn sùng, những người đã hy sinh vì nghĩa cả trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc cũng đã được hóa thân, trở thành thiêng liêng. Nguyễn Minh Châu đã miêu tả cảnh cả làng Hiền An (Mảnh đất tình yêu) hướng về ngày giỗ trận. Nhà văn đã thể hiện sự giao cảm giữa người sống và người chết, giữa cõi dương và cõi âm qua sự “trở về” của tất cả bà con làng Hiền An nhân ngày giỗ trận: “Sáng ngày ra vừa mở mắt, làng đã đầy ắp người đã chết… Từ khắp gò đống, tha ma, ngổn ngang kéo lên hàng trăm ngàn vị khách của làng lũ lượt đi trên đường làng” [2]. Văn hóa tâm linh ăn sâu trong nếp cảm nếp nghĩ của mỗi con người miền Trung, trở thành dấu ấn văn hóa vừa thiêng liêng vừa gần gũi của vùng đất này. Trong tâm thức của họ, dường như không có ranh giới giữa cõi âm và cõi dương: “... theo quan niệm của “dân kẻ bể” làng tôi thì cõi âm và cõi dương cũng như hai nhà bố mẹ và con cái, bước qua một cái “bờ rào” là sang nhà nhau được.” [3]. Cậu bé Quy đã tận mắt chứng kiến ông ngoại “nói chuyện” với người cha đã hy sinh của mình: “Tôi cố lắng tai nghe thử xem ông tôi nói với bố tôi những gì nhưng chỉ nghe được mấy tiếng lí nhí… Tôi biết đó là thứ ngôn ngữ nói chuyện với người chết...” [4]. Ở đây, sự gặp gỡ giữa người sống và người chết trong khi thờ cúng chính là cội nguồn của cái thiêng trong đời sống tâm linh. Người Việt thường nói “có thờ có thiêng”. Cho nên cái linh thiêng ấy bao trùm lên cả sự sống và cái chết, nó nối cái tâm của người sống với tổ tiên ông bà, với người đã khuất. Thực chất, bằng trực giác nhạy bén của mình, Nguyễn Minh Châu đưa vào tác phẩm những cảnh này để nói lên tình cảm ruột rà máu thịt, tình cảm bà con, làng xóm rất gần gũi thân thuộc và thiêng liêng. Các thế hệ gắn kết với nhau, đùm bọc, truyền cho nhau niềm tin, nghị lực để giữ gìn và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, hướng về những điều mơ ước mà vì nó bao thế hệ nối tiếp nhau cùng theo đuổi, cùng chịu gian khó, hy sinh để thực hiện: “Những lớp người đã chết nhưng những điều mơ ước còn lại mãi mãi” [5]. Đây cũng chính là cốt lõi giá trị của đời sống văn hóa tâm linh.

Trong tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, việc ngưỡng vọng với những người lính hi sinh lại đến trong sự xúc động thật thiêng liêng, thành kính. Khi kiểm tra hành trang của các sĩ tử trong hang đá, Quỳ tình cờ gặp chính mình trên những trang nhật kí của các chiến sĩ trẻ đã hi sinh, chị đã xúc động “nghĩ đến những chữ vô cùng trừu tượng thiêng liêng như Đất nước, Tổ quốc...” [6]. Nhưng hơn thế, Tổ quốc thiêng liêng, lớn lao tan chảy trong huyết mạch mỗi người để rồi trong hình bóng các anh chính là hình ảnh thân thương của quê hương, làng xóm: “Tôi lại còn hình dung thấy làng quê của từng anh với những người thân sống chung dưới một mái nhà, những bờ đê, một khúc sông ngầu phù sa chảy qua làng, một lối ngõ, tiếng tre kẽo kẹt và màu hoa xoan tím rắc li ti trên vạt đất ẩm, và chiếc gầu sắt tây chạm vào thành giếng kêu lanh canh” [7]. Thật khó để tìm ra gianh giới giữa cái Thiêng và cái Thực. Tất cả dường như tan hòa để chỉ còn đọng lại là cảm giác thân thương, bình dị, ấm áp của hai tiếng Quê hương.

Trên trang viết của Nguyễn Minh Châu, ta còn bắt gặp cách nghĩ, cách đánh giá về sự hy sinh, mất mát gắn với tâm thức truyền thống của người Việt. In đậm trong tiềm thức của Quỳ là hình ảnh những người lính trong trung đoàn K đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Họ xứng đáng được ngưỡng mộ và tôn kính. Hiểu như thế ta mới cắt nghĩa được sự xúc động của Quỳ trước sự hy sinh của những người trẻ tuổi trong cuộc kháng chiến vừa qua. Trên đường đi công tác, khi ngang qua một ngôi chùa, bắt gặp pho tượng “ngàn tay ngàn mắt”, Quỳ đã nghĩ đến tập thể những người lính trong trung đoàn K: “Tôi đứng ngẩn ngơ trước bức tượng hồi lâu, rồi y như có một thứ tâm linh nào đó mách bảo cho tôi biết, lập tức tôi liền nghĩ ngay đến trung đoàn K. và anh ấy đang ở một nơi rất xa xôi, cả hai như vừa hoà chung vào nhau trong hình ảnh một con người có ngàn mắt ngàn tay” [8].

Đi theo hành trình tâm tưởng, hành trình suy tư của Quỳ người đọc được lắng mình trong sự đa diện của thế giới tâm linh như gương mặt “giàu sắc thái biểu cảm” của chị. Quỳ cảm nhận rất rõ: “Trên đường về, nhìn lên vách đá hay lá cây, tôi đều thấy một khuôn mặt người lính vừa đi khuất phía sau”. Tâm linh vốn là phần thiêng liêng trong ý thức, chính vì thế khi gặp những hoàn cảnh thiêng liêng, điều tâm niệm ăn sâu vào tiềm thức được bật ra. Quỳ đã thức dậy mối giao cảm thiêng liêng với những người lính đã đi xa để khiến chị luôn cảm nhận các anh vẫn ở bên, đang đồng hành trên mỗi chặng đường. 

Trong những năm chiến tranh chia cắt, Quảng Trị trở thành tuyến lửa. Nơi đây, bao nhiêu người con quê hương đã ngã xuống. Họ chiến đấu và hy sinh cho đất nước được trường tồn, do vậy trong tâm thức những người còn sống, họ không bao giờ mất đi mà ngược lại, họ hóa thân, siêu thăng để hòa quyện vào đất cát quê nhà. Lê Bá Dương đã viết về sự siêu thăng đó bằng những áng thơ bi tráng:

Đò lên Thạch Hãn, ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm

Và các anh mãi còn đó trong ca khúc Cỏ non Thành Cổ của nhạc sĩ Tân Huyền. Viết về vùng đất thiêng, truyện ngắn Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu đã tìm đến những cơ tầng của thế giới tâm linh sâu thẳm đó. Hai biểu tượng đầy ám gợi chạy dọc suốt thiên truyện dài là: núi Đợi và cỏ lau. Biểu tượng tạo cho người đọc những dòng suy tưởng, những thức nhận sâu xa về sự hóa thân, sự trường tồn của linh hồn dân tộc…..

Có thể nói, cảm xúc ngưỡng vọng, thành kính với những người hi sinh vì Tổ quốc đã tạc dựng nên bức tượng đài thiêng liêng trong tâm thức mỗi người. Đây chính là giá trị văn hóa cao đẹp neo giữ lòng người hướng đến cội rễ của truyền thống dân tộc.

2.2. Trong đời sống tâm linh của người Việt nói chung, người miền Trung nói riêng, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành thuần phong mỹ tục và được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với Cỏ lau, nhà văn cũng đã chạm đến vẻ đẹp gốc rễ, sự thiết tha với cội nguồn, luôn khắc khoải hướng vọng về quá khứ của những con người miền Trung. Nơi đây, tục thờ cúng trở thành một truyền thống có ý nghĩa trường tồn và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi gia đình. Nơi vùng núi Đợi với thế giới cỏ lau bạt ngàn ta gặp những con người đang “sống về mồ về mả”, sống với sự giao cảm tâm linh đầy huyền nhiệm. Thai trong suốt mười sáu năm trời đã sống bằng dưỡng chất từ những kí ức tình yêu với Lực, dù chị đã trở thành vợ của người khác. Đi bất cứ nơi đâu chị cũng đem theo phần mộ của anh như để tìm một sự trú ẩn cho linh hồn nhiều khổ đau của chị. Chẳng năm nào chị quên ngày giỗ của anh, ngày thường lại càng chăm cúng “cúng ở nhà xong lại còn ra đồng cúng” - như lời đứa con gái chị hồn nhiên nói với “ông khách”. Hình ảnh Thai trong những ngày chạy di tản, dù đang ở cữ mới được nửa tháng nhưng vẫn tất tả lo cúng giỗ cho Lực, gieo vào lòng người đọc những cảm xúc đầy trân trọng, thiêng liêng, thành kính. Mất anh, điều đó cũng có nghĩa chị đã mất tất cả, chỉ còn lẽ sống duy nhất duy trì nghị lực sống trong chị ấy là sự nối kết với linh hồn anh qua những lần cúng giỗ. Với Phi Phi cũng thế, dù lẫn trong đám đàn bà “ăn sương” buôn bán, phe phẩy ở ngã ba đường nhưng chính sự ngưỡng vọng, tha thiết hướng về người tình chết trận khiến chị luôn tiềm ẩn vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết, thanh cao. Phi Phi luôn ý thức về sự khinh bỉ của người đời đối với hạng đàn bà như chị nhưng với chị điều đó chẳng có ý nghĩa gì: “tôi giả lại cái vinh dự, vinh quang với lại những gì gì cho các ông, tôi chỉ thiết có một chút nắm xương của người tình của tôi đang bị lẫn lộn với đất ở đây” [9]. Chị đã cùng đám bạn thân thiết lăn lộn nơi vùng núi Đợi tìm bằng được phần hài cốt của Phi. Có thể nói đức tin cùng mối giao cảm tâm linh đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, thành sợi dây vô hình gắn kết người sống với người đã chết. Cũng như thế, bao người dân nơi vùng núi Đợi sau chiến tranh đã tìm về lại mảnh đất quê hương. Đối với họ, quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi chở che, nuôi lớn con người mà hơn hết đó chính là phần máu thịt, thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người. Quê hương gắn với cốt nhục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ; quê hương còn là sự hy sinh của biết bao anh em bộ đội giải phóng…. Quay về lại mảnh đất quê hương chính là hành trình trở về nguồn cội, là sự tìm về nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Vì thế trong những ngày đầu khai hoang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, dù chưa có gì để bày cỗ cúng bái nhưng nhà nào cũng mang theo bát hương cùng mấy thẻ hương để đốt lên cho người đã khuất. Tục thờ cúng người chết, với người miền Trung nói riêng, người Việt nói chung, đã trở thành một đạo lí sống tốt đẹp, giúp con người ta không bao giờ dứt lìa khỏi mối liên hệ với quá khứ và nhất là đem lại cho con người nguồn sức mạnh tinh thần vô giá.

Niềm tin thiêng liêng cùng những điều huyền nhiệm từ thế giới tâm linh luôn có tác dụng bao bọc con người trong một lẽ sống  thấm đẫm những giá trị văn hóa tốt đẹp. Có thể nói trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, đức tin cùng sự thành kính, ngưỡng vọng với những người đã khuất của người dân miền Trung đã trở thành một giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của vùng đất này. Trong khoảnh khắc hồi tưởng hay sự tự vấn của người sống với người đã chết, những kí ức, những kỉ niệm, kỉ vật ngày thường khi chia xa bỗng được trân trọng đến thành thiêng liêng hóa. Khúng (Phiên chợ Giát) khi mất đi đứa con trai thân yêu, nỗi đau khiến lão như tê liệt và trong hoàn cảnh đau đớn đó lão chỉ biết ôm lấy “cái kỉ vật vô cùng quý báu” mà con lão để lại, dù đó là cái ba lô bẩn thỉu, rách rưới, chẳng khác gì “chiếc đẫy của đứa ăn mày”. Trong cơn say của nỗi đau đớn tuyệt vọng, lão mân mê trên tay đôi đũa vót dở của con những mong tìm được chút hơi ấm còn sót lại. Khoảnh khắc Lực (Cỏ lau) tự vấn lương tâm mình về cái chết của Phi gieo vào lòng người đọc những ám ảnh da diết về sự tồn tại đầy quyền uy của thế giới tâm linh trong đời sống con người. Bởi nếu không thế thì Lực đã không phải day dứt về những tội lỗi trong quá khứ của mình với người đã khuất. Chiến tranh đã đi qua, cỏ lau đã mọc lên tươi tốt, phủ kín trận địa ngày nào trong một màu xanh bạt ngàn. Tuy nhiên, mặc cảm tội lỗi trong Lực thì không một cánh rừng cỏ lau nào có thể che phủ được.

2.3. Cũng có khi niềm tin tâm linh không gắn với những gì huyền nhiệm, thiêng liêng của linh hồn người đã khuất mà gắn với hiện thực trong sự day trở, cắn rứt của lương tâm con người. Phần thiêng liêng trong ý thức đã khiến nhân vật họa sĩ (Bức tranh) phải tự mở ra biết bao phiên tòa lương tâm để phán xét chính mình: “Ít hôm tôi lại đạp xe trở lại ngôi quán đó, nhưng vừa chớm đến nơi thì tôi đã cắm cổ đạp thật nhanh, cố giấu mặt đi. Mỗi lần đạp vụt qua khỏi cái quán cắt tóc ấy, tôi phóng hẳn sang một đoạn phố khác, cứ sợ đôi mắt người thợ cắt tóc nhìn theo” [10]. Rõ ràng đời sống tâm linh ở đây có tác dụng giáo dục nhân cách, thanh lọc tâm hồn con người, hướng họ đến việc tu dưỡng nhân cách sống có văn hóa.

Khám phá con người từ góc nhìn bên trong, bằng trực giác nhạy bén, Nguyễn Minh Châu không chỉ cho thấy thế giới tâm linh gắn với những điều huyền nhiệm, thiêng liêng hay với niềm tin mãnh liệt... mà ông còn cho người đọc thấy vẻ đẹp tâm linh con người trong những biểu hiện tưởng chừng bản năng, đời thường nhất. Đọc Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành người đọc ấn tượng bởi tình yêu đam mê, mãnh liệt của Quỳ và trung đoàn trưởng Hòa. Chính vì yêu Hòa tha thiết nên khi Hòa mất đi, Quỳ đã chìm sâu trong nỗi đớn đau của sự cô độc: “Như một con chim đã mất bạn... Đến bây giờ tôi mới hiểu được trong tất cả mọi sự mất mát, thì mất một con người là không có gì bù đắp được, không sao lấy lại được” [11]. Sự ra đi của Hòa đã mang theo một phần đời của Quỳ để rồi mãi mãi trong quãng đời còn lại của chị, khoảng trống thiếu anh đã khiến chị rơi vào những giấc mơ của sự hoang tưởng. Đây chính là phần bản năng thiêng liêng của tình yêu mãnh liệt.

Quỳ mang bức chân dung đa diện của người đàn bà đẹp và người đọc cứ đi từ ấn tượng này đến ấn tượng khác: vẻ đẹp thiên tính nữ, cá tính, sự quyết liệt, độc đáo, phi thường... Thật khó để lí giải về “con mắt và tâm hồn nữ giới” khi nghe câu chuyện chị kể về tiểu đội nữ lái xe của chị với hành động vượt ra ngoài khả năng và sự tượng tưởng: “Làm sao một đám đàn bà con gái có thể đưa anh em thương binh qua lọt cái cửa tử S. Trong khi...các chiến sĩ lái xe nam giới sừng sỏ đang phải ôm nhau nằm lại bên ngoài cái trọng điểm hoặc rải rác trên dọc đường” [12]. Chỉ có thể lí giải bằng bản năng thiên phú của người đàn bà là bản năng chở che, nuôi dưỡng, vun trồng sự sống: “Tôi đã trông thấy, trong một phút, tất cả cái phần sâu thẳm như một thứ thiên phú riêng của tâm hồn những người đàn bà chúng tôi: Đó là bản năng chăm lo, bảo vệ lấy sự sống của con người - do chính chúng tôi mang nặng đẻ đau sinh ra” [13]. Chính ở chi tiết này, Nguyễn Minh Châu đã đụng đến vùng sâu thẳm nhất, nơi chất chứa những điều vừa thiêng liêng vừa cao cả là cõi tâm linh.

Đến với Phiên chợ Giát, người đọc lại thấy được những nét bản năng rất chân thực của người nông dân lao động. Ở Khúng, đó là vẻ đẹp thiêng liêng của bản năng sinh tồn, bản năng của tình phụ tử... hay cả bản năng cảnh giác trước những người có chức có quyền vốn dường như là nét tâm lí cố hữu của người nông dân cũng được Nguyễn Minh Châu tinh tế khơi lật trên trang viết: “Về phần lão Khúng, mặc dầu ông Bời lúc nào cũng tỏ ra thân mật, bình đẳng, nhưng riêng lão Khúng bao giờ cũng để một khoảng cách với kẻ bề trên” [14].  Nhân vật Khúng gây ấn tượng với người đọc bởi sự thô nhám, gai góc, xù xì nhưng cũng chính ở nhân vật này toát lên mạnh mẽ nhất sức sống của người nông dân lao động. Nguyễn Minh Châu luôn rất tinh tế trong mỗi góc nhìn cuộc sống, đặc biệt khi viết về con người. Nhà văn luôn mang đến sự chân thật đến từng chân tơ kẽ tóc khi khai thác vẻ đẹp thanh khiết, chân thực từ phần bản năng trong mỗi con người.

2.4. Trong sự gắn bó thiết thân với miền Trung, Nguyễn Minh Châu dành sự “si mê” đặc biệt với Quảng Trị - vùng đất được mệnh danh là “quê hương của chiến tranh và khổ ải”. Nơi đây có vẻ đẹp phong phú của đời sống tâm linh của người Việt nói chung, lại có vẻ đẹp sâu sắc, thâm trầm của vùng đất hứng chịu quá nhiều những đau thương, mất mát. Vẻ sâu sắc, thâm trầm không chỉ được in dấu trong thế giới tâm hồn mỗi con người mà còn hiện hữu nơi nơi, đến cả đáy sông, bãi cỏ… Chẳng thế mà với Nguyễn Minh Châu, cỏ lau dường như đã thực sự trở thành một-thế-giới chứa đựng bao huyền nhiệm tâm linh. Đây là nét riêng trong đời sống tinh thần của vùng đất này, cũng là nét riêng trong sự khám phá của Nguyễn Minh Châu về đất và người miền Trung nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Hiểu tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người nhất là trên lĩnh vực tinh thần, Nguyễn Minh Châu đã khai thác thế giới tâm linh của con người qua mối giao hòa với thiên nhiên. Trong những tác phẩm như Mảnh đất tình yêu, Phiên chợ Giát, Cỏ lau,… người đọc bắt gặp hình ảnh con người trò chuyện tâm tình với các loài cây cỏ, với đất mẹ, hay cảm nhận về sự tồn tại của những giá trị vĩnh hằng trong cuộc sống con người. Các nhân vật tìm về với thiên nhiên như tìm về với thế giới tâm linh của mình. Ở đó, họ có thể đạt được sự bình an trong tâm hồn, có thể tìm được trạng thái cân bằng cho đời sống tinh thần. Người ông ngoại của Quy có một khả năng kì lạ, ấy là tài nói chuyện với cây cỏ muông thú: “Ông tôi có thể ngồi nói chuyện suốt ngày với biển cả, thậm chí có thể trò chuyện tâm sự thân mật với cả con dã tràng” [15]. Có lẽ chỉ với những con người miền Trung với cuộc sống như đánh đu cả số phận, cả cuộc đời mình với thiên nhiên mới có được khả năng thần diệu đó. Sự giao cảm đem lại cho con người những khoảnh khắc bình an và nhất là giúp con người có thể lắng nghe, có thể thấu hiểu tâm tính của thiên nhiên đặng mà biết cách ứng xử cho phù hợp. “Cửa” Hiền An vốn nổi tiếng là một cái cửa “hỗn” nhất, tàu thuyền khó vô, khó ra nhất. Đội tàu đánh cá của Phan đã bao phen gặp phải khó khăn khi ra vào cửa biển “khó chịu” này. Những kinh nghiệm mà ông ngoại Quy trong phút hấp hối truyền lại cho Phan là những lời khuyên về sự gần gũi, hòa thuận với thiên nhiên: “Hãy thành tâm kiên nhẫn tìm hiểu, hỏi han nó. Rồi nó khắc bảo cho mà biết cái quy củ của nó.” [16]. Chỉ có sự thành tâm kiên nhẫn tìm hiểu thiên nhiên con người mới tìm được sự bình yên cho cuộc sống của mình.

3. Quan tâm đến phần sâu kín trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân miền Trung, Nguyễn Minh Châu đã nói được điều mà ông tâm đắc: nơi những làng quê miền Trung khô cằn, lam lũ, hoang tàn luôn ăm ắp tràn trào một đời sống tinh thần phong phú. Những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của con người nơi đây luôn gắn với vẻ đẹp căn cốt, bền vững của một đời sống tâm linh thuần khiết, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

            Đời sống tâm linh cùng những nét văn hóa cổ truyền của làng quê miền Trung đã làm nên “tầng đời nền móng” vững chắc cho vùng đất và con người nơi đây. Soi vào bề dày văn hóa ấy, người đọc vừa thấy được bản sắc riêng của vùng văn hóa miền Trung, vừa thấy được sự hòa điệu trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc. Đặc sắc và tài năng của Nguyễn Minh Châu chính là ở chỗ đó.

Chú thích

[1] Nguyễn Đăng Duy (2001), Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[2]  Nguyễn Minh Châu (2001), Mảnh đất tình yêu, (trích từ Nguyễn Minh Châu toàn tập, Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.1008.

[3] [4] [5] Nguyễn Minh Châu (2001), Mảnh đất tình yêu, Sđd, tr. 1007, tr. 855, tr.1010.

 [6] [7] [8]  Nguyễn Minh Châu (2010), Truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 208, tr.355, tr.195.

[9] Nguyễn Minh Châu (1999), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 513.

[10] [11] [12] [13] [14] Nguyễn Minh Châu (2010), Truyện ngắn, Sđd tr.50, tr.192, tr.217, tr. 218, tr. 120.

 [15] [16] Nguyễn Minh Châu (2001), Mảnh đất tình yêu, Sđd tr. 763, tr. 879.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Toan Ánh (2002), Văn hoá Việt Nam - những nét đại cương, Nxb Văn học.

2. Trần Lê Bảo (2009), “Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số 2-2009.

3. Nguyễn Đăng Duy (2001), Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

 

ThS. Thái Thị Phương Thảo, Trường Đại học Khánh Hòa

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016

Thông tin truy cập

60829036
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2758
9068
60829036

Thành viên trực tuyến

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website