Hoa nghiêm kinh và Bát nhã tâm kinh – hai phương tiện giải mã thơ thiền Lý- Trần

20170818. Hoa Nghiem kinh

Ảnh: Trích đoạn Hoa Nghiêm Kinh

1. Đặt vấn đề

Mỗi bài thơ Thiền là một thế giới cao thâm, chứa đựng bao bí ẩn. Thơ Thiền Việt Nam, thơ Thiền Lý – Trần nói riêng nhiều về số lượng, sâu sắc về tư tưởng. Từng từ, từng câu thơ Thiền vốn rất phức tạp, khó hiểu.

Truyền thống Thiền Việt Nam có nguồn gốc từ Ấn Độ, chịu ảnh hưởng Thiền học Trung Hoa nhưng lại có bản sắc riêng và nhất là rất chú trọng đến kinh điển Phật giáo. Nhìn lại lịch sử Thiền Việt Nam, các phái Thiền đều có sử dụng kinh điển làm phương tiện mặc dù vẫn tôn trọng truyền thống “dĩ tâm truyền tâm” (lấy tâm truyền tâm), “bất lập văn tự” (không chú trọng ngôn ngữ)… Những bộ kinh được cho là có ảnh hưởng đến thơ Thiền Việt Nam là “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Kim Cương” (chứa đựng “Bát Nhã tâm kinh), “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Viên giác”, “Kinh Pháp Bảo Đàn”…

-       “Kinh Hoa nghiêm”: Cứu Chỉ (phái Vô Ngôn Thông) sử dụng “Vô nhị pháp môn” của “Hoa Nghiêm”… Đại Xã (phái Vô Ngôn Thông) dùng yếu chỉ “Hoa nghiêm” thuyết “Niết bàn sinh tử mặc che lồng”. Khánh Hỷ (phái Tỳ -ni – đa – lưu –chi) thuyết: “Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung” (Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong)…

-       “Kinh Kim cương” (chứa đựng “Bát Nhã tâm kinh): Cảm Thành (phái Vô Ngôn Thông) đã từng viết “Yếu chỉ Kim Cương”, Trần Thái Tông chú giải “Kim Cương tam muội”, Tuệ Trung thượng sĩ từng viết “Đoán tri “không”, “hữu” bất tương sa”…

-       “Kinh Pháp Hoa”: Chân Không (phái Tỳ -ni – đa – lưu –chi) nghe “Pháp Hoa” mà ngộ, Ngộ Ấn (phái Vô Ngôn Thông) tinh thông “Pháp Hoa”…

-       “Kinh Viên giác”:  Viên Chiếu (phái Vô Ngôn Thông)  đã tán tụng “Kinh Viên Giác”, Tính Học (phái Vô Ngôn Thông) chuyên tụng kinh “Kinh Viên Giác”…

-       “Kinh Pháp Bảo Đàn”: Tuệ Trung thượng sĩ có bài “Định huệ” tương tự phẩm “Định huệ” trong “Kinh Pháp Bảo Đàn”… 

Trong các kinh điển, “Kinh Hoa nghiêm”, “Kinh Kim Cương” (chứa đựng “Bát Nhã tâm kinh) là hai nguồn mạch quan trọng có thể giải thích nội dung ngôn ngữ trong thơ Thiền Việt Nam… Trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng ta cần quan tâm đến những tư tưởng quan trọng của “Kinh Hoa nghiêm”, “Bát Nhã tâm kinh).

2. Vài tư tưởng quan trọng trong “Kinh Hoa nghiêm”, “Bát Nhã tâm kinh)

2.1. Vài tư tưởng quan trọng trong “Bát Nhã tâm kinh”

    2.1.1.Sắc

“Sắc”: “Sự vật hiện tượng có hình tướng” (Thích Duy Lực), “hình hài của ta” (Thích Nhất Hạnh)…

     2.1.2.“Không”:

“Không”: Phiên âm chữ Hán của chữ sūnyatā (Ấn Độ), có thể dịch là Chân không diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,… (Đừng nhầm là chữ “không” (trống rỗng) của tiếng Việt. Chũ “Không” của tiếng việt đồng nghĩa với “vô” (無)của tiếng Hán.

      Tham khảo thêm “Từ điển Phật học”: “Trong Tiểu thừa, tính Không nhằm nói về thể tính của con người và được sử dụng như một tính từ (s: śūnya). Ðại thừa đi thêm một bước nữa, sử dụng Không như một danh từ (s: śūnyatā), xem Không là vạn sự, vạn sự là Không, tức mọi hiện tượng thân tâm đều không hề có tự tính (s: svabhāva). Mọi pháp đều chỉ là những dạng trình hiện (呈現; e: appearance; g: erscheinung), chúng xuất phát từ tính Không, là không. Tính Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật”.

(Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách, Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995).

2.1.3.“Sắc tức thị không”:

(Tức thị: Không khác gì).

“Sự vật có hình tướng” hoặc “thân thể này” chẳng khác gì cái chân không diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,…

2.1.4.“Không tức thị sắc”: Cái diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,… không khác gì sự vật có hình tướng hoặc thân thể này.

2.2. Vài tư tưởng quan trọng trong “Kinh Hoa nghiêm”

      Đây là bộ kinh đồ sộ, cao thâm. Chúng ta có thể đi vào nó thông qua tác phẩm độc đáo nhỏ gọn: “Yếu chỉ Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh” (Duy Tắc thiền sư) (Thích Duy Lực dịch).

      Theo Duy Tắc Thiền sư cũng như truyền thống triết học Phật giáo, bản thể và mỗi sự vật hiện tượng thường được miêu tả từ ba phương diện: Thể (mặt bản thể) (tánh), Tướng (mặt hiện tương, biểu hiện), Dụng (mặt ứng dụng, hoạt động). Trong tác phẩm “Yếu chỉ Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”, có 4 vấn đề cần quan tâm (theo kiến giải của Duy Tắc thiền sư):

2.2.1. Sự sự vô ngại

Sự sự vô ngại là tư tưởng quan trọng. Sự sự vô ngại: tất cả giới hạn, phân cách của sự vật xứng với tánh dung thông, một tức nhiều, nhiều tức một, lớn vào nhỏ, nhỏ vào lớn, trùng trùng vô tận, nên gọi là "sự sự vô ngại pháp giới".

2.2.2. Đồng thời cụ túc

     Tất cả sự vật hiện tượng đồng thời đầy đủ trong một  sự vật hiện tượng, mỗi sự vật hiện tượng đều có sự tương trợ lẩn nhau.

2.2.3. Nhất đa tương dung

Một sự vật hiện tượng dung nạp nhiều sự vật hiện tượng, nhiều sự vật hiện tượng ở trong một sự vật hiện tượng, mỗi sự

vật hiện tượng chẳng đồng mà đồng, đồng mà chẳng đồng.

2.2.4. Chư pháp tương tức

Tất cả sự vật hiện tượng vốn chẳng có khác, nên sự vật hiện tượng kia tức sự vật hiện tượng này, sự vật hiện tượng này tức sự vật hiện tượng kia, tương tức với nhau.

Có thể tóm lược chìa khóa các ý vừa nêu đối với  “Kinh Hoa Nghiêm” là “Ý niệm về tương tức và tương nhập”(Cái này là cái kia, cái này trong cái kia…) (Nhất Hạnh, Trái tim của Bụt, Nxb Tôn giáo, H. 2005).

Từ những tư tưởng từ hai bộ kinh điển nổi tiếng này, chúng ta có phương tiện để đi vào thế giới thơ Thiền. Khảo sát “Thiền uyển tập anh”, “Thơ văn Lý Trần” (tập I, II) chúng ta thấy dấu vết tư tưởng hai bộ kinh này trong thơ Thiền Việt Nam đồng thời từ đây ta có cơ sở tìm hiểu thơ Thiền.

3. Vận dụng tư tưởng Bát Nhã và Hoa Nghiêm khám phá thơ Thiền Lý –Trần

3.1. Thiền phái Tì- ni – đa – lưu- chi

1. Thị đệ tử - Vạn Hạnh thiền sư
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch:

Dạy đệ tử

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

            Sắc (thân thề) từ biểu hiện sang ẩn tàng, trở về bản thể (chân không diệu hữu).

            Cây cỏ trong tiết xuân đâm chồi nẩy lộc. Đến mùa thu , cỏ cây rụng lá, héo úa theo nhịp tuần hoàn của vũ trụ mỗi năm.

            Có thể xem xuân đến thu là vòng thịnh suy của cỏ cây trong năm. Ở đây chúng ta có thể hiểu là vòng thịnh suy của đời người (sinh – lão – bệnh – tử).

            Vì thiền sư hiểu lẽ tuần hoàn này là trở về với bản thể (triết lý của Bát Nhã tâm kinh) (không phải trở về cái trống rỗng hay hư vô!) nên không sợ hãi.

            “Không” là “diệu hữu”, không hình tướng nhưng là dạng tồn tại của bản thể (Tánh). Xét từ phương diện Tướng (có hình sắc, thấy được), qua cái nhìn trần thế thì có sinh (tồn tại), từ (không tồn tại). Nhưng qua cái nhìn “Bát Nhã tâm kinh” thì “sắc” (“sắc” ở đây là thân thể của mỗi người) và “không” là một, tồn tại trong nhau. Mất – còn, sinh - tử tồn tại tương ứng trong nhau. Mất là để trở về bản thể.

            Thạnh suy như vậy không đáng sợ hãi. Nó chỉ như hạt sương ở đầu ngọn cỏ vào buổi sớm. Hạt sương long lanh, sáng chói vào buổi sớm. Khi mặt trời lên, nó trở về với hơi nước, với nước (nước là chất liệu cơ bản như đất, nước, gió, lửa,…), hòa vào không khí rồi có cơ hội lại trở về theo cơn mưa, theo dòng sông…

            Vì vậy, bài thơ nhẹ nhàng, lạc quan, trong trẻo… Giọt sương ở đây cũng chứa cả thế giới: Gồm nước, mặt trời, nhận thức của người đang bàn luận về nó… (theo triết lý Hoa Nghiêm”).

2. Chân Không thiền sư

Lại hỏi: Sắc thân hư nát rồi thì sao?

Sư đáp lời vị tăng hỏi đạo:

Xuân đến xuân đi ngờ xuân hết

Hoa nở, hoa tàn, ấy vẫn xuân.

(Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận

Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân).

Vị tăng còn nghĩ ngợi, thiền sư Chân Không quát…

            Xuân đến – xuân đi theo nhịp “sắc” – “không”. Xuân không tận (hết) mà nó vẫn tồn tại, “vẫn là xuân”. Vì tuần hoàn của thời tiết vẫn nằm trong thế giới bản thể vũ trụ. Nó vẫn là hiện hữu.

            Đó là cái nhìn ở phương diện bản thể. Còn ở phương diện “tướng” (biểu hiện) của mùa xuận: có đến, có đi, chấm hết (tận).

            Còn phương diện “dụng” (hoạt động, tác dụng) của mùa xuân: Mùa xuân tươi đẹp đi qua làm cho lòng người đau buồn, nhớ tiếc. Tuổi xuân đi qua, con người nhớ tiếc, tuồi già đến làm con người sợ hãi…

            Bài thơ giúp con người giác ngộ đạo lý sinh tử, không sợ hãi mà vẫn lạc quan trên những đợt sóng sinh tử.

3. Khánh Hỷ thiền sư (Tăng thống):

Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không

Học đạo vô qua phỏng tổ tông

Thiên ngoại mịch tâm nan địch thế

Nhân gian thực quế khởi thành tùng

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung

Đại dụng hiền tiền quyền tại thủ

Thùy tri phàm thánh dữ tây đông?

           

Dịch:

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không

Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông

Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy

Thế gian trồng quế đâu thành tòng

Đầu lông trùm cả càn khôn thảy

Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong

Đại dụng hiện tiền tay nắm vững

Ai phân phàm thánh với tây đông”

(Bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ)

            Bài thơ có 4 câu đầu chịu ảnh hưởng Bác Nhã tâm kinh, 4 câu sau chịu ảnh hưởng của Hoa Nghiêm.

Bốn câu đầu: Người nghi hoặc, người hỏi đạo đi tìm đạo quyết tâm phá cửa “Sắc” – “Không”, nhưng chi hoài công. Vì triết lý này không chỉ được hiểu qua câu trả lời, qua ngôn ngữ mà cần sự thể nghiệm.

Bốn câu sau là sự kiến giải đạo lý dựa vào kinh “Hoa Nghiêm”. Qua tính tương tức – tương nhập (cái này đi vào cái kia, hàm chưa cái kia, và là cái kia) mà ngộ được “tánh” (bản thể). Khi có thì ai cần bỏ phàm tìm thánh hay bỏ Đông độ tìm Tây phương (nhận thức nhị nguyên).

Bản thể trong trường hợp này là Chân không diệu hữu. Tướng – Thể - Dụng dung thông, tương tức – tương nhập nhau. Được Thể nhưng không lìa, không bỏ Tướng và Dụng. Tướng và Dụng (thậm chí “đại dụng”) ở đây là sinh hoạt đời thường trong hiện tại (hiện tiền).

Bài thơ là khúc hợp tấu cao siêu, tuyệt vời của tư tưởng “Bát nhã’ và “Hoa Nghiêm”.     

3.2. Thiền phái Vô Ngôn Thông

1. Cáo tật thị chúng - Mãn Giác thiền sư

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

            Dịch:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

            Bài thơ này được nhiều người biết đến, kể cả chương trình đại học, thậm chí trung học…

            Hai câu đầu: Sự tuần hoàn dịch biến (tương tự như thơ của Vạn Hạnh thiền sư).

            Vận động của vũ trụ, của những nhân duyên trùng trùng lên nhau: Cái già (lão) – tử - cái chết gây phiền não khổ đau.

            Xuân tàn – “hoa lạc tận”, những cành hoa mai trên cõi nhân gian đều rã rời.

            Nhưng hiện lên “nhất chi mai” (một cành mai). Một cành mai tương tức – tương nhập với tất cả những cành mai. Một trong tất cả- tất cả trong một (Triết lý Hoa Nghiêm).

            Cành mai trước sân là Tướng của mùa xuân, nó tương thông với tất cả những cành mai trong trời đất, nó cũng tương thông với tất cả vũ trụ (trong đó có cả Mãn Giác thiền sư, có cả chúng ta và nhiều người khác…). Nó cũng tương thông với vẻ đẹp (mai) và niềm hạnh phúc, sức sống của vũ trụ (xuân)…

            Bài thơ đẹp, đáng yêu, đầy sinh khí. Người tiếp nhận đi từ hai cả hai phương tiện là bát Nhã và Hoa Nghiêm sẽ dễ hiểu hơn.

2. Thị tịch – Ngộ Ấn thiền sư

Diệu tính hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị can.

Dịch:

Hư vô tính diệu khó vin noi
Riêng bụng hư vô hiểu được thôi
Trên núi ngọc thiêu màu vẫn nhuận
Trong lò sen nở sắc thường tươi

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

            Hai câu đầu: “Diệu tính hư vô” chính là Chân không diệu hữu. Đều này được trình bày ở bát Nhã tâm kinh nhưng hành giả phải được ngộ hơn là hiểu nên khó “vin noi”. Chỉ có tự ngộ ở mỗi cá nhân mới nhận thức rõ “diệu tính” này. 

Hai câu sau: “Phần’, “lô trung”: Thiêu cháy, trong lò lửa. Ta có thể liên hệ thiền sư Chân Không “Hỏa kiếp đỗng nhiên hào mạt tận; thanh sơn y cựu bạch vân phi - Lửa kiếp thiêu tàn sạch mảy mai, non xanh như cũ mây trắng bay” (Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn).

            Lửa ở đây là lửa kiếp, lửa tam muội (ta có thể liên hệ lửa trong nạn hồng thủy trên trái đất). Lửa này ẩn dụ cho sự chuyển hóa từ mê sang ngộ. Dù có “buông tay từ đầu sao trăm thước” (theo cách nói của thiền chỉ sự đốn ngộ) thì mỗi sự vật trong thế giới này vẫn không thay đổi).

            Đây là diễn tả quá trình chuyển đổi quyết liệt từ mê sang ngộ trong khoảnh khắc triệt ngộ. Từ nhận thức mới, hành giả nhìn lại thế giới trần thế này. Thế giới trần thế có những phiền não, khổ đau đang thiêu đốt tâm hồn.

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc, 
Lửa cùng thông như đúc buồng gan

                        (Cung oán ngâm khúc)

            Trong cái nhìn sau chứng đạo (hậu đắc trí), ngọc vẫn sáng đẹp, sen vẫn nở tươi.

            Bài thơ an nhiên trong những phiền lụy, khổ đau, sinh tử…

  1. Bản Tịnh thiền sư:

Huyễn thân bản tự không tịch sinh

Do như kính trung xuất hình tượng.

            Dịch:

Tự nơi không tịch có thân mình

Mường tượng trong gương bóng với hình

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

            Huyễn thân (sắc), “tự không” (vốn là chân không diệu hữu). Tuy vắng lặng như đó là Thể của bản thể.

            Sắc – không: không lìa cũng không rời, cả hai là một.

            Nhận thức này có thể ví dụ hình bóng trong gương. Gương không lưu giữ hình bóng (vô chấp). Gương phản chiếu tất cả sự vật hiện tượng. Gương ví dụ cho tâm, sự vật hiện tượng muông hình vạn trạng là Tướng. Tâm thâu nhiếp sự vật hiện tượng, tương tức- tương nhập sự vật hiện tượng.

            Bài thơ là những ví dụ, ẩn dụ để biểu đạt triết lý sắc – không, triết lý bản thể.

 

3.3. Thiền phái Thảo Đường

1. Hoa điệp (Thị tật) – Giác Hải thiền sư

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.

Dịch:

Xuân sang hoa bướm khéo quen thì

Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ

Nên biết bướm hoa đều huyền ảo

Thây hoa mặc bướm, để lòng chi.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Xuân lai: Tướng của bản thể.

Hoa bướm: Tướng của bản thể.

Hoa bướm: Biểu hiện của bản thể.

Huyễn: Không có tự tánh riêng biệt, luôn vận động biến đổi (vô thường). Đó là tính chất của bản thể. 

Bài thơ nhấn mạnh tinh thần vô chấp, không bận lòng. Tác giả bài thơ chấp không chăng?

3.4. Thiền phái Trúc lâm và những sáng tác liên quan

1. Tự tại - Tuệ trung thượng sĩ

Đằng thử vô đoan tiệm tiệm xâm,
Quy lai chung lão ký sơn lâm.
Sài môn mao ốc cư tiêu sái,
Vô thị vô phi tự tại tâm.

Nanh chuột giây bìm cứ lấn xâm,
Về thôi, già gửi chốn sơn lâm.
Nhà tranh cửa liếp phong quang chán,
Phải trái đều không, tự tại tâm.

(Bản dịch của Đào Phương Bình)

Hai câu đầu: Cái già đến gặm nhấm đời người.

Câu 3: về nơi ẩn dật.

Bài thơ là vẻ đẹp đơn sơ và tấm lòng ung dung tự tại vì: Phải (Tướng), Trái (Tướng) cũng là “không” (Thể).

2. Đốn tỉnh - Tuệ Trung thượng sĩ

Đoán tri không hữu bất tương sa (sai),
Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba.
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh,
Ma-ha bát nhã tát-bà-ha.

Dịch:

Biết rằng "không", "có" chẳng cách xa,
"Sống", "chết" nguyên từ đợt sóng ra.
Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,
Hoa cười năm mới: hoa năm qua.
Ba sinh: gió thổi, đuốc lòe tắt,
Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.
Muốn hỏi thế nào là cứu cánh,
Ma-ha bát nhã, tát-bà-ha!

(Bản dịch của Huệ Chi)

Câu 1, 2: Từ Bát Nhã tâm kinh. Ví dụ thường gặp trong kinh sách Phật giáo: Nước (bản thể) (tánh)  – sóng (hiện tượng) (tướng).

Câu 3,4: Từ Hoa Nghiêm.

Câu 5,6: Cõi đời chuyển biến.

Câu 7: Câu hỏi phổ biến của người tìm đạo.

Câu 8: Trích nguyên văn trong Bát Nhã tâm kinh.

3. Kệ vân trong Cư trần lạc đạo (Trần Nhân Tông)

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối kính vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch:

Cõi trần vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên.
Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm,
Vô tâm trước cảnh, hỏi gì Thiền.

(Bản dịch của Huệ Chi)

Câu 1, 2: Cái dụng của đạo; Tùy duyên.

Câu 3: Tâm không vướng mắc vì biết rõ Chân không diệu hữu.

Không cần hỏi (mạc vấn thiền) vì ngôn ngữ không diễn tả hết (Ngôn ngữ đạo đoạn), chỉ cần trải nghiệm thực tế. Trở về thực tại (đối cảnh). Cảnh là biểu hiện của bản thể, tương tức – thẩm thấu với bản thể, cảnh chính là bản thể…

Vì vậy không cần phải hỏi Thiền, luận Thiền.

Bài thi kệ ung dung tự tại, đôn hậu, luôn đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho người đọc.

Bài kệ có ảnh hưởng đến thanh phong của Thiền phái Trúc lâm. Ngày nay chúng ta vẫn còn gặp bài kệ này như sức sống bất diệt trong khói lửa chiến tranh qua tác phẩm ‘Đội gạo lên chùa” (Nguyễn Xuân Khánh)…

Có nhiều phương thức, cấp độ nghiên cứu thơ Thiền Việt Nam. Kết hợp tư tưởng “Bát Nhã” và “Hoa Nghiêm” là một trong rất nhiều phương tiện đi vào thơ Thiền. Với hai phương tiện này, những bài thơ Thiền khác hứa hẹn sẽ có cách lý giải tương đối dễ hiểu. Đây chỉ là một đề xuất, rất mong những chỉ giáo của những bậc tôn túc, các bậc tiền bối…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách (1995), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  2. Nhất Hạnh (2005), Trái tim của Bụt, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  3. Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý Trần diện mạo và đặc điểm, Nxb ĐHQG Tp. HCM.
  4. Yếu chỉ Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh (Duy Tắc thiền sư) (Thích Duy Lực dịch):

http://www.tosuthien.com/kinh-sach/chu-kinh-tap-yeu/yeu-chi-kinh-hoa-nghiem/yeu-chi-kinh-hoa-nghiem

  1. Giả Đề Thao, Đàn Kinh tinh hoa trí tuệ, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  2. Thiền uyển tập anh (2014) (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Thích Thanh Từ (1992), Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb Tổng hợp, Tp. HCM.
  4. Đoàn Thị Thu Vân (1981), Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam Thế kỷ XI - XIV, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nxb Văn học, Hà Nội.
  5. Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý, Trần  (T1), Nxb  KHXH, Hà Nội.
  6. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý, Trần (T2, Q Thượng), Nxb KHXH, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên san 2015

Thông tin truy cập

60518050
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9561
12997
60518050

Thành viên trực tuyến

Đang có 247 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website