Cuộc đời Võ Hồng (1921-2013) phiêu bạt qua nhiều vùng đất, trải qua nhiều công việc. Điều đó đã giúp nhà văn trau dồi vốn sống dày dạn để hun đúc nên khối gia tài văn học khá đồ sộ. Nhà văn có hơn 30 đầu sách đã in với 17 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, truyện dài, ngoài ra ông còn viết tùy bút, bút ký, khảo cứu, phê bình, đoản văn và làm thơ. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Võ Hồng được nhà phê bình văn học Nguyễn Huệ Chi đánh giá “là một trong những cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học dưới chế độ Sài Gòn xét cả nội dung sáng tác cũng như thành tựu nghệ thuật”(1). Ông cũng là nhà văn có vị trí quan trọng trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (1976) và vẫn tiếp tục sáng tác và được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến.
Cũng như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc mang hồn riêng của Nam Bộ, Võ Hồng là nhà văn đã thể hiện được những bản sắc riêng của vùng đất Nam Trung bộ. Đúng như Hoàng Như Mai nhận xét: “Võ Hồng là nhà văn của những mảng đời êm ả trong gia đình, trong quê hương Việt Nam, nhà văn của những tình cảm truyền thống đậm đà tính nhân văn của con người Việt Nam ”(2). Có một điều đặc biệt là hầu như toàn bộ tác phẩm của ông, đều gắn bó với mảnh đất Nam Trung bộ. Những thành phố và vùng quê như: Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Nha Trang, Đà Lạt… đã được nhà văn chụp lại bằng những giác quan tinh nhạy và tái hiện sống động với tài năng và tấm lòng của một người con nặng tình với quê hương. Chính vì vậy mà những ai chưa từng đặt chân đến vùng đất này, đọc những truyện ngắn của Võ Hồng cũng có thể hình dung con người và cuộc sống nơi đây một cách sống động. Sáng tác của ông hầu hết là những truyện có thực đối với chính tác giả, những nhân vật trong tác phẩm đều là những người quen biết thân thuộc của ông.
1. Hình ảnh Đà Lạt trong truyện ngắn
Tấm lòng tha thiết yêu mến quê hương và kỷ niệm đơn sơ, mộc mạc được nhà văn mô tả thật hồn hậu: “Quê hương của tôi đây, tuổi nhỏ của tôi đây! Nhưng sao mà xa cách hững hờ như tôi là người khách lạ? Lỗi của tôi hết. Tôi ra đi mười năm không hề dừng bước ghé thăm một ngày. Con chim bay về tổ cũ và đang đứng ngẩn ngơ nhìn cái tổ ngày nhỏ của nó” (Người về đầu non). Trong những tác phẩm tiêu biểu viết về Đà Lạt, Võ Hồng miêu tả tập trung trong Hoài cổ nhân, Hoa bươm bướm,… Hoài cố nhân là tập truyện đầu tay được xuất bản sau hai mươi năm cầm bút, kể từ 1939. Năm 1959 Hoài cố nhân được nhà xuất bản Ban Mai in, phát hành và Nguyễn Văn Xuân, Đồ Tấn Xuân, Đồ Hứa viết bài điểm sách phê bình, tỏ lời khen. Năm 1969 Hoài cố nhân được nhà xuất bản Lá Bối tái bản. Lần in này có thêm 2 truyện Hà Vi và Rồi trái cây sẽ chín với tranh bìa và phụ bản của Đinh Cường. Trong tập này, truyện ngắn Hoài cố nhân lấy bối cảnh chủ yếu là những năm trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra và một thời gian ngắn khi cả nước đã bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm được viết khá kĩ lưỡng và công phu, với khoảng 37 trang sách Võ Hồng đã tái hiện câu chuyện tình yêu từ tấm bé đến thuở đi học và lúc trưởng thành của hai nhân vật Lý và Xuân. Nhờ cốt truyện diễn biến theo thời gian gần như suốt đời của nhân vật, nhà văn Võ Hồng có điều kiện miêu tả lại cảnh học trò trường làng, trường phủ tại Phú Yên và cảnh trọ học tại Hà Nội cùng những biến động lịch sừ của đất nước. Cuộc đảo chính Nhật 9.3.1945… Chính phủ Trần Trọng Kim … Cách mạng tháng Tám … Toàn quốc kháng chiến… liên tiếp bao nhiêu biến cố dồn dập ghi dấu nơi tập truyện đầu tay này. Không gian của tác phẩm trải rộng từ một làng quê ở nông thôn Phú Yên, ra thủ đô Hà Nội đến thành phố cao nguyên Đà Lạt. Truyện như thước phim tư liệu lưu giữ được những chi tiết về hiện thực Phú Yên, Hà Nội, Đà Lạt cùng những tâm tư, tình cảm và suy nghĩ, của những con người trong xã hội bấy giờ. Và dường như Võ Hồng còn muốn biện minh, giãi bày trước người đọc về ảo tưởng, lầm lạc của một số người Việt Nam có học thức, của cả một số nông dân ở các làng thôn nước ta, khi phát-xít Nhật chiếm đóng, với chiêu bài mị trá “Đại Đông Á” của chúng. Bài “Một buổi chiều ở Đà Lạt” trích từ Hoài cố nhân có thể được xem đó là bài tả cảnh Đà Lạt đầu tiên trong văn chương Việt Nam.
Võ Hồng kế thừa sự thành công của văn học lãng mạn tiền chiến như nhiều lần ông thừa nhận, nên đã tạo ra những câu văn đẹp, trong sáng cả ý lẫn lời với cách diễn đạt rất chân thành tha thiết: “Những buổi chiều ở Đà Lạt thật buồn. Mùi nhựa ngo cháy thơm trong bếp pha với hơi sương lạnh nhắc tôi nhớ đến những ngày hồi cư, những ngày chạy giặc phiêu lưu ở Cầu Đất, Trạm Hành. Mùi nhựa ngơ dính liền với buổi chiều, với sương mờ đục, với hơi lạnh ẩm ướt” (Trở về – Trích Bên kia đường). Cảnh buổi chiều Đà Lạt được vẽ nên bằng một màu tối buồn, thấm đượm cảm xúc. Cái buồn không trĩu nặng, nó len lỏi, bao phủ, lẩn quất như mùi nhựa ngơ, như hơi sương lạnh. Câu văn nhẹ, thanh âm bằng trắc trải đều. Tác giả viết nên những câu văn này bằng chính tình cảm của mình, những câu văn được tuôn trào từ chính nội tâm của tâm hồn nhà văn tạo nên sức biểu cảm cao. Âm thanh rất thực, những hình ảnh so sánh chính xác mang tính hàm súc cao. Nếu không có những tình cảm sâu đậm với Đà Lạt thì Võ Hồng khó có thế viết nên những câu văn tinh tế như vậy.
Nhìn chung hình tượng nhân vật trong tác phẩm của Võ Hồng đã chọn cho họ lẽ sống hướng đến những chuẩn mực tốt đẹp, đến đạo đức với vẻ đẹp đôn hậu, bao dung của trái tim đầy trắc ẩn, nhân văn nên họ chấp nhận những thiệt thòi khi phải chôn vùi những ước mơ, tình yêu thật sự để sống và hy sinh cho người khác, sổng có mục đích, gắn bó với những người xung quanh, biết làm giàu cho cuộc sống vật chất và làm đẹp cho tâm hồn của mình.
Có thể nói đứng ở góc độ nào Võ Hồng cũng để tâm hồn mình trở về với quê hương, cội nguồn và ông thể hiện điều đó trên từng trang viết bằng một giọng văn gần gũi, bình dị đến gần gũi lạ kì. Một đứa trẻ xa quê nhớ về cha mẹ, tố ấm gia đình (Nhánh rong phiêu bạt), một ông ngoại luôn để trí nhớ lãng đãng trôi về cố hương và những ngày xưa cũ (Ông ngoại của bạn tôi). Nhàn trong Gió cuốn, Tuyết trong Khoảng trống sau lưng đều trăn trở với tình yêu quê hương của mình… Hình ảnh của pháo tre, đèn chai… giờ đã lui vào quá khứ nhưng nó đã “hóa tâm hôn”, thành hoài niệm tha thiết trong truyện ngắn Võ Hồng.
2. Hình ảnh Đà Lạt trong tiểu thuyết
Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, Võ Hồng làm việc ở Đà Lạt và ông mượn khung cảnh này để viết truyện Hoa bươm bướm. Đây là tập mở đầu trong bộ truyện ký trường thiên Như cánh chim bay. Hoa bươm bướm nói đến cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền những ngày kháng chiến đầu tiên, những vụ tản cư chạy giặc từ Đà Lạt xuống Tháp Chàm, Phương Cựu và đáp ghe ra Phú Yên. Tác phẩm đã khắc họa rõ nét khung cảnh sinh hoạt của người dân miền Trung mà cụ thể là nhân dân Phú Yên, Nha Trang, Đà Lạt thời tiền chiến và trong cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Tác phẩm tập trung lấy khung cảnh Đà Lạt và những vùng phụ cận làm địa điểm cho câu chuyện, xoay quanh các nhân vật chính như Quỳ, Luân, Thức, Trang… Đó là thời điểm xuất hiện quân đội Nhật, nhân dân nổi dậy giành chính quyền, cuộc kháng chiến bắt đầu… Ẩn đằng sau hiện thực đó tác giả đã thể hiện rõ tâm trạng dằn vặt, lo âu trước sự hủy diệt của chiến tranh và trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước. Bằng cái nhìn của một nhà chép sử, Võ Hồng đã ghi lại chân thực tình hình phức tạp ở Đà Lạt trong những ngày Nhật đảo chính, cuộc kháng chiến bùng nổ và những sinh hoạt của người dân. Võ Hồng cũng ghi lại những khó khăn tổn thất, những lúng túng của quân dân ta ở Đà Lạt trong những ngày đầu đối phó với quân thù. Tình hình chính trị phức tạp, người dân sống trong sự hoang mang không biết nên tin phe nào – Nhật hay Cách mạng. Nhật đảo chính, bom đạn nổ ra liên miên, người dân tản cư về vùng tự do sống một cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Họ phải sống trong cảnh chiến tranh “chỉ có màu xám của chăn dạ”, “vị mặn rát của những bữa cơm ăn với cá khô” và “trái su su luộc chấm muối trở nên món ăn căn bản của hai bữa cơm hàng ngày. Nước cũng thành vấn đề vì muốn lấy được nước phải trèo qua một sườn núi để xuống hố nước mà lấy. Mồi buổi sáng, người lớn được quyền rửa mặt với một tách nước, trẻ em thì m iễn…”. Hình ảnh Đà Lạt được Võ Hồng miêu tả một cách khá tinh tế: “Ngoài kia, nắng nhẹ vàng nhạt trải lên đồi thông liên tiếp. Vài gọn mây mỏng trôi lãng đãng về cuối trời xa. Da trời xanh hiện ra nơi khung cửa…” hoặc “Nàng đi ngược con đường Duy Tân, lững thững bước ở trên vỉa hè. Khu chợ nhộn nhịp… Giá trị của Hoa bươm bướm không chỉ ở cốt truyện, chủ đề, tính cách nhân vật mà còn ở tấm lòng của nhà văn đối với buổi đầu kháng chiến thông qua giọng văn trong sáng và trau chuốt…
Trong tác phấm Thiên đường trên cao, Võ Hồng miêu tả những nạn nhân của xã hội nghiệt ngã, xô bồ, phức tạp thành thị miền Nam lúc bấy giờ. Trinh – một nữ sinh xinh đẹp trường Lycée Yersin Đà Lạt (bây giờ là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), cha mẹ giàu có nhưng lại không quan tâm đến con cái, những rạn nứt về tinh thần ngày càng lớn. Vì một lần buồn chán, Trinh đã hút thuốc phiện và đã hủy hoại cuộc đời mình bằng thứ chất trắng nguy hiểm đó. Cô nghiện nặng và để có tiền hút cô phải làm gái điếm, khi cô nhận ra sự sa ngã của mình thì tấm thân cô đã bị hoen ố. Mặc dù vậy cô vẫn quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời nhờ tình yêu của Khải và sự giúp đỡ của những người bạn như: Trâm, Thiết, bác sĩ Lâm … Nhưng Trinh không thể chiến thắng được cái xã hội cay nghiệt, bất công, cái “xã hội thích đạp người ta xuống hơn là nâng người ta lên, xã hội thích chửi bới hơn là khen ngợi”. Trinh đã âm thầm chọn cho mình cái chết. Võ Hồng đã đau đớn trước số phận của Trinh, đau đớn cho những thân phận làm người. Là chứng nhân của thời thế Võ Hồng không the thản nhiên trước ám ảnh đen tối của xã hội suy đồi do chiến tranh gây ra: “Trinh cũng đang là nạn nhân, nếu không có nửa triệu binh sĩ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam thì cần sa, bạch phiến cũng chưa xâm nhập quy mô và nhanh chóng như vậy. Đó là chưa tìm hiểu xem bởi nguyên nhân nào mà nàng đã dấn bước vào con đường sa đọa đó. Nhưng dẫu chưa tìm hiểu đích xác, người ta cũng biết rằng chiến tranh là nguyên nhân của sự trạng không chính thì phụ, không gần thì xa”. Thiên đường trên cao được viết năm 1974, khung cảnh và con người Đà Lạt được mô tả trong tác phẩm cũng là tiêu biếu cho xã hội miền Nam Việt Nam, Võ Hồng đã tố cáo tội ác của kẻ thù với thủ đoạn tinh vi nhằm “Hủy diệt màu xanh trong tâm hồn” gây nên những cái chết phi lý, vô nghĩa: Thuyên chết vì tham vọng làm giàu, Trinh chết vì không vượt qua được cái xã hội đã làm cho tấm thân cô bị hoen ố.
Trong cuộc sống riêng của mình, tình cảm của Võ Hồng dành cho người vợ thân yêu quê Đà Lạt luôn luôn là nỗi nhớ thương dù thời gian hai người sống bên nhau thật ngắn ngủi. Ông quen bà tại Đà Lạt. Thành phố cao nguyên xinh đẹp đó là quê hương bà. Khi thành phố Đà Lạt bị giặc xâm chiếm, ông bà về quê hương Phú Yên của ông. Người phụ nữ Đà Lạt ấy đã cùng ông sống những ngày khó khăn nhất và bà đã để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc. Những năm cuối đời sống một mình trong ngôi nhà cũ kỹ trên một con phố nhỏ của Nha Trang, Võ Hồng treo bức chân dung Lý Linh diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc – người đóng vai Tống Khánh Linh trong bộ phim nhiều tập cùng tên. Ông nói: “Cảnh Tống Khánh Linh đi trên đường của thành phố Mạc Tư Khoa mùa tuyết lạnh, mặc y phục màu đen… rất giống vợ tôi…”(3). Mồi lần kể về những tháng ngày ngắn ngủi vợ chồng sống bên nhau Võ Hồng luôn dành cho vợ những tình cảm đằm thắm, da diết khi nói về một người con của Đà Lạt. Trong những trang viết của Võ Hồng, nhân vật nữ bao giờ cũng hiện lên hết sức đẹp đẽ, đáng trân trọng mang vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu. Chắc hẳn ông đã lấy cảm hứng từ hình ảnh người vợ thân yêu của mình. Người phụ nữ Đà Lạt ấy đã trở thành nguyên mầu hóa thân vào trong từng trang viết của ông, được Võ Hồng tái hiện thấp thoáng trong tập Hoài cố nhân (truyện Ngày xưa). Sau đó là nhân vật Quì trong Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay, là người mẹ trong truyện Người anh vắng mặt (tập Vẫy tay ngậm ngùi). Sống với bà, ông nhận ra tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tạo hóa ban tặng riêng cho người phụ nữ … Có nhiều tình cảm với Đà Lạt, Võ Hồng đặc biệt yêu thích bản nhạc Ai lên xứ hoa đào. Trong thời gian sống và dạy học tại Nha Trang, vào dịp nghỉ hè Võ Hồng thường đi Đà Lạt sống giữa rừng thông, sương mù và cỏ tranh.
Tình cảm dành cho Đà Lạt từ khung cảnh, con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết đã làm cho tác phẩm của Võ Hồng mang một màu sắc tinh tế về mảnh đất cao nguyên Nam Trung bộ này. Không chỉ là một nhà giáo giàu tâm huyết, một nhà văn tài năng, ông còn là tấm gương về một nhân cách sống mà học trò và người yêu văn học nhiều thê hệ kính trọng. Viết về quê hương, Võ Hồng bắt đầu bằng một tình yêu ruột thịt như con với mẹ. Mở rộng thêm một chút còn là ý thức lưu giữ một nếp sống, một nét văn hóa của người miền Nam Trung bộ – Đà Lạt mà ít người biết đến. Khung cảnh và con người Đà lạt được nhà văn Võ Hồng đưa vào sáng tác của mình thật tự nhiên, sinh động bằng một bút pháp tài tình với cách miêu tả thật chân thành, thể hiện trong những trang văn đầy cảm xúc chất chứa tấm lòng sâu sắc của nhà văn đối với vùng đất mà một thời tác giả đã gắn bó và nhất là nơi ấy có nhiều kỷ niệm về người vợ thân yêu của mình – một người phụ nữ Đà Lạt mà cho đến cuối cuộc đời mình – Võ Hồng vẫn đau đáu một niềm tiếc thương vô hạn.
Trong bài Hương hoa không bao giờ phai nhạt, Trần Hữu Tá viết: “Khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trải nghiệm: dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau. Thông điệp đậm chất nhân văn “người yêu người, sống để yêu nhau” … là nguồn cảm hứng tưởng như không vơi cạn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài hơn nửa thế kỷ của Võ Hồng. Thông điệp ấy được ông chuyển tải một cách tự nhiên, chân thành, bằng một lối diễn đạt tinh tế, trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ”(4). Phải chăng những thông điệp ấy của nhà văn Võ Hồng còn mãi với những con người Đà Lạt hôm nay.
Nguyễn Đình Hảo (TS. Khoa Ngữ văn và Văn hóa học, Trường Đại học Đà Lạt)
Nguồn: Nghiên cứu Văn học, số 10.2016, trang 94-100.
__________
(1), (2) Nguyễn Thị Thu Trang (Biên soạn): Võ Hồng nhà văn và tác phẩm. Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên Xb, 2003, tr.6, 8.
(3) Nhiều tác giả: Hồi ức của Võ Hồng, trong sách Văn chương và nhân cách Võ Hồng. Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 171.
(4) Trần Hữu Tá: Lời giới thiệu, trong sách Tuyển Tập Võ Hồng. Nxb. Văn Nghệ – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr.8.