Ý thức cá nhân và hiện đại hóa văn học Việt Nam

                                                                                                Trần Ngọc Hồng(*)

 

 

 

 1. Vào những năm đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã chuyển mình từ quỹ đạo trung đại sang hiện đại. Điều này gắn liền với nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quan điểm văn học, tư duy nghệ thuật, sự phát triển của thể loại ngôn ngữ, văn tự v.v. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến vai trò của ý thức cá nhân trong buổi đầu của sự hiện đại hóa văn học Việt Nam. Đây cũng là điều liên quan đến một vấn đề quan trọng  bậc nhất trong bản chất của văn học là quan niệm nghệ thuật về con người.

 

 

 

 2.  Nói đến ý thức cá nhân là nói đến toàn bộ sự tồn tại của con người trong những mối quan hệ cụ thể. Nó gắn với những nhu cầu vật chất, tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ của mọi đối tượng. Tuy nhiên, trong thời kì trung đại, vì những lí do lịch sử xã hội nhất định, con người cá nhân không được quyền tồn tại với những nhu cầu của chính nó. Như vậy cũng có nghĩa con người chỉ còn là công cụ cho những giá trị trừu tượng. Đặc điểm này làm nên tính chất phi ngã của văn chương đương thời. Đó cũng là kết quả của quan điểm Văn dĩ tải đạo ngự trị trong đời sống văn học dân tộc suất cả nghìn năm. Nó hủy hoại cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Chỉ có những nghệ sĩ lớn mới thật sự vượt lên trên những giới hạn của thời đại. Điều này gắn liền với phút nổi loạn của con người cá nhân. Đó cũng là lúc văn học thực sự tiếp cận với các giá trị chân-thiện-mĩ.

 

 

 

     Con đường hiện đại hóa của văn học Việt Nam dưới một góc độ nào đấy là sự nối tiếp truyền thống nói trên. Nó vừa biểu hiện sự dân chủ hóa trong văn học vừa biểu hiện của tư tưởng nhân đạo. Đó là toàn bộ giá trị của cái mà chúng ta gọi là vai trò của kiến thức cá nhân trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Về điều này giáo sư Phan Cự Đệ : “ Sự sáng tạo nghệ thoật là của một cá nhân. Do đó, sự giải phóng cái Tôi của chủ thể sáng tạo đã làm nở rộ một thời kì văn học có những bông hoa giàu hương sắc.1

 

 

 

      Sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học gắn liền với hành trình của chính nó trong xã hội. Trong thời kì trung đại, khi con người bị xem là công cụ, phương tiện cho những giá trị trừu tượng thì sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học chỉ là phút nổi loạn của chính nó. Bước vào thời kì hiện đại, khi xã hội đã xuất hiện những tiền đề cần thiết cho sự tồn tại của con người cá nhân thì con người cá nhân hiện ra một cách tự nhiên như sự tồn tại của chính nó. Trên bình diện chung, cảm hứng khẳng định con người cá nhân gắn liền với sự xuất hiện của các giai tầng xã hội như vô sản, tư sản, tiểu tư sản, tiểu thị dân v.v. Nó tấn công vào sự thối nát, mục ruỗng của tầng lớp quý tộc, tăng lữ bằng tiếng cười châm biếm, đả kích. Điều này đã thật sự diễn ra ở các nước phương Tây vào thời đại phục hưng. Đó cũng là cơ sở xã hội của tập truyện ngắn Mười ngày của Bocacxio. Nó được xem như điểm xuất phát trong sự phát triển của văn học hiện đại.

 

 

 

      Ở Việt Nam, cảm hứng khẳng định con người cá nhân gắn liền với một thời đại khi mà thực dân Pháp tiến hành bình định và khai thác thuộc địa trên đất nước ta. Nó dẫn tới sự thay đổi cơ cấu kinh tế xã hội, sự hành thành các đô thị mới, sự xuất hiện các giai tầng xã hội mới, sự thay đổi lí tưởng thẩm mĩ mới v.v. Không phải ngẫu nhiên tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc lại gắn liền với một chặng đường mà chế độ thực dân Pháp thống trị trên đất nước ta. Đó cũng là khi văn hóa dân tộc thoát ra khỏi ảnh hưởng văn hóa khu vực, hội nhập với văn hóa thế giới mà cụ thể là văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp. Nó được dự báo bằng truyện ngắn Thầy Lazaro Phiền (1887) và tiếp đó là sự xuất hiện của những trào lưu văn học rộng lớn như lãng mạn chủ nghĩa, hiện thực chủ nghĩa.

 

 

 

      Nói tới vai trò của con người cá nhân trong quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc cũng là nói tới sự thay đổi của lí tưởng thẩm mĩ. Trước đó, trong thời kì trung đại, cái đẹp của con người được phản ánh trong văn học là cái đẹp của một lớp người, một cộng đồng với hệ thống quy phạm nhất định. Giờ đây cái đẹp đó trong văn học là cái đẹp gắn liền với nhu cầu cụ thể của một con người cụ thể. Nó làm nên sự khác biệt của văn học trong hai thời đại. Về đặc điểm này, nhà phê bình Hoài Thanh đã viết : “  Các cụ ta ưa những màu đỏ choét ; ta lại ưa những màu xanh nhạt … Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya ; ta nao nao vì tiếng gà lúc đứng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi ; ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình, muôn trạng : cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi … cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu …”.

 

 

 

      Sự thay đổi lí tưởng thẩm mĩ đó cũng là biểu hiện sự thay đổi của tư duy nghệ thuật. Nếu tư duy nghệ thuật trong thời trung đại được xác lập trên cơ sở nhận thức nhất thể hóa với mục đích kí ngụ, tượng trưng, giáo huấn thì tư duy nghệ thuật hiện đại được xác lập trên cơ sở nhận thức, cá thể hóa nhằm mục đích tự bộc lộ tất cả những gì của chính nó. Vì vậy đối tượng của văn học hiện đại là cái đời thường trong sự vận động của chính nó được nhận thức một cách chủ quan hoặc khách quan tùy theo cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Chân dung Tản Đà qua cái tôi trữ tình trong thơ ông là điển hình cho điều này.Đó là nhà nho mang văn chương đi bán phố phường bằng tất cả sự ngông nghênh của một con người có tài và biết rằng mình có tài. Trong lịch sử của nhà nho, chưa bao giờ có một con người như vậy. Cũng chính vì thế mà Tản Đà được xem là cái gạch nối của hai thời đại.

 

 

 

3. Khi ý thức cá nhân tham gia vào tiến trình vận động của văn học thì văn học tự nó cũng bước vào một chặng đường mới mà chúng ta gọi là chặng đường của thời kì hiện đại. Nó diễn ra trong văn học Việt Nam một cách vô cùng phức tạp. Điều này được nhìn nhận trước hết ở sự xuất hiện của truyện ngắn Thầy Lazaro Phiền. Đây là tác phẩm viết bằng quốc ngữ với những biểu hiện hết sức mới mẻ về nội dung cũng như hình thức. Nó chưa từng có trong văn học dân tộc ở chặng đường trước đó. Tuy nhiên, một cánh én không làm nên mùa xuân. Sự xuất hiện của Thầy Lazaro Phiền không được hưởng ứng và nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Thực tế đó cho thấy truyện ngắn này như một thứ quả chín sớm mà đời sống xã hội, đời sống văn học chưa hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để nó tồn tại và phát triển.

 

 

 

      Hơn 20 năm sau, kể từ khi Thầy Lazaro Phiền ra đời thì những gì Nguyễn Trọng Quản nói trong tác phẩm của mình mới lại xuất hiện ở những tác phẩm như : Hoàng Tố Oanh hàm oan (Trần Chánh Chiếu), Phan Yên ngoại sử (Trương Duy Toản), Phùng Kim Huê ngoại sử (Lê Hoàng Mưu) Nghĩa hiệp kì duyên (Nguyễn Chánh Sắt) Châu về hiệp phố (Phú Đức) Cay đắng mùi đời (Hồ Biểu Chánh) v.v Đây là sự phát triển rầm rộ của văn xuôi quốc ngữ Nam bộ. Về bản chất là khác hẳn với văn học truyền thống. Nó được xem như một nét son trong lịch sử văn học dân tộc. Thành tựu này được các văn sĩ Bắc Hà đẩy lên một đỉnh cao mới mà tiêu biểu là những sáng tác của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nam Xương v.v. Sự xuất sắc của những tác phẩm này được tập hợp bằng hàng loạt các tác phẩm mà chúng ta gọi là Truyện ngắn Nam phong. Tất cả những tác phẩm này ở những mức độ đậm nhạt khác nhau đều in dấu ấn của con người cá nhân. Nó là biểu hiện của một kiểu sáng tác mới, kiểu sáng tác khác hẳn kiểu sáng tác của thời kì trung đại.

 

 

 

      Quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc đã thật sự hoàn thành ở chặng đường 1932-1945. Lúc này ý thức cá nhân của người nghệ sĩ đã được phát triển một cách đầy đủ. Nó được biểu hiện ở cá tính sáng tạo của người cầm bút. Những tác phẩm như Tình già (Phan Khôi), Mua áo (Đông Hồ) có thể được xem là Tuyên ngôn nghệ thuật mới của thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Bộ mặt văn học hiện đại lúc này được nhận diện bằng Phong trào thơ mới, Tiểu thuyết TLVĐ, Tiểu thuyết hiện thực phê phán, v.v với sự phong phú của các phong cách nghệ thuật như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao v.v Đó là biểu hiện của một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc.

 

 

 

4. Sự tương ứng của văn học hiện đại với ý thức cá nhân được nhìn nhận trước hết ở đối tượng phản ánh. Đó là cái đời thường trong cuộc sống hằng ngày. Đặc điểm này lí giải bức tranh cuộc sống được cảm nhận trong văn học. Nó là sự đồng hóa hiện thực theo quy luật của cái đẹp. Mỗi một con người đều có thể tìm về soi mình trong cái gương văn học. Điều kì diệu là nhờ có ý thức cá nhân mà trong tấm gương đó không chỉ hiện lên một nét tâm trạng, một khoảnh khắc đời sống mà trong nhiều trường hợp còn là lịch sử một đời người, lịch sử một xã hội. Đây là sự thống nhất của tầm vi mô và vĩ mô trong sự phản ánh của văn học hiện đại. Nói cách khác trong văn học hiện đại, vua chúa và người ăn mày đều có giá trị như nhau với tư cách là những điển hình văn học.

 

 

 

      Vai trò của ý thức cá nhân cũng được biểu hiện sâu sắc ở chủ thể phản ánh. Đó chính là cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó được xem như kết quả của hệ thống, quan điểm, nhận thức, thói quen, sở thích, gu thẩm mĩ v.v. Điều này giải thích vì sao cùng một đối tượng như nhau nhưng lại hiện ra rất khác nhau trong sáng tác của những nhà văn khác nhau. Nói như vậy để thấy rằng trong văn học hiện đại điều quan trọng không phải là phản ánh cái gì mà là phản ánh như thế nào. Chính ý thức cá nhân của người nghệ sĩ sẽ góp phần quyết định trong việc giải quyết vấn đề đó.

 

 

 

      Cuối cùng, khi nói đến vai trò của ý thức cá nhân trong đời sống văn học cũng là nói tới công chúng của văn học. Đó là toàn bộ các thành viên trong đời sống xã hội quan tâm đến văn học mà trước hết là bộ phận công chúng mới hình thành như vô sản, tư sản, tiểu tư sản, tiểu thị dân v.v. Những con người này là công chúng mới của văn học. Nó gắn liền với nền văn minh đô thị. Tất cả đều mang trong mình cái tôi của con người cá thể, tư nhân, hiện đại và được đặt trong những mối quan hệ cụ thể gắn liền với những nhu cầu cụ thể. Họ đến với văn học là đến với mình, chia sẻ nỗi niềm, tìm kiếm tri âm tri kỉ. Nền văn học mới phải thỏa mãn nhu cầu chính đáng đó của con người. Đó là nền văn học hiện đại. Nó xuất hiện gắn liền với nhu cầu khẳng định của ý thức cá nhân trong đời sống mỗi một con người.

 

 

 

      Như vậy vai trò con người cá nhân được nhìn nhận ở đối tượng phản ánh, chủ thể phản ánh, công chúng độc giả. Sự thống nhất của những yếu tố này là chìa khóa quan trọng nhất giải mã sự xuất hiện của văn học hiện đại. Nó như quy luật tất yếu của sự phát triển. Điều này giúp cho ta hiểu một cách sâu sắc, sinh động, sự sáng tạo văn học theo một quy trình khép kín với mối liên hệ giữa các yếu tố theo công thức :

 

                  NHÀ VĂN è CUỘC SỐNG è TÁC PHẨM è CÔNG CHÚNG

 

_______________________________________          

 

 

 

                                                                 Tháng 2-2010 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chú thích

 

1.            Phan Cự Đệ ; Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945 ; Trang 233 ; NXB Văn hóa thông tin ; Hà Nội 2000

 

2.            Hoài Thanh ; Thi nhân Việt Nam ; Trang 11 ; NXB Văn học ; Hà Nội 1988

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.            Con mặt thơ ; Đỗ Lai Thúy ; NXB Lao Động ; Hà Nội 1994

 

2.            Con đường sáng tạo ; Nguyễn Hữu Hiệu ; NXB Trẻ ; TP.HCM 2002

 

3.            Thi nhân Việt Nam ; Hoài Thanh Hoài Chân ; NXB Văn Học ; Hà Nội 1988

 

4.            Thơ mới - Những bước thăng trầm ; Lê Đình Kỵ ; NXP TP.HCM ; 1989

 

5.            Thơ – Thi pháp và chân dung ; Đặng Tiến ; NXB Phụ Nữ ; Hà Nội 2009

 

6.            Tâm lý văn nghệ ; Chu Quang Tiềm ; NXB TP.HCM 1991

 

7.            Lí luận văn học ; R.Wellek và A.Warren ; NXB Văn Học 2009

 

8.            Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 ; Bằng Giang ; NXB Trẻ 1998

 

9.            Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỉ XX ; T.1 ; T.2 ; NXB Văn Nghệ 1999

 

10.        Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945 ; Mã Giang Lân …

 

 

 

 


* Giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV-ĐHQG TP.HCM

 

Thông tin truy cập

63670314
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14032
17595
63670314

Thành viên trực tuyến

Đang có 692 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website