Có anh bạn vong niên đi công tác gửi ảnh đến cho chúng tôi và thông báo: ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng có đường Bùi Giáng. Hỏi thêm tôi được biết: đường Bùi Giáng thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND thành phố do Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh ký ngày 8-12-2016.
Tôi nhớ cách đây mấy năm – năm 2013 Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) có tổ chức Hội thảo về Bùi Giáng. Đây là hội thảo về Bùi Giáng đầu tiên do một khoa văn đại học công lập tổ chức. Rất đông người yêu mến Bùi Giáng đã đến tham dự. Thế nhưng sau Hội thảo có vài người viết bài phê thơ Bùi Giáng trên một tờ báo ít người đọc. Họ chỉ ra rất nhiều câu thơ kỳ quặc của ông. Tôi nghĩ rằng: nếu chỉ ra thơ kỳ của Bùi Giáng thì ngồi cả ngày nói không hết. Thơ Mới hay như thế mà Hoài Thanh từng chẳng than thở rằng: "Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở." (Nhỏ to, Thi nhân Việt Nam 1932-1941)? Nói chung thơ dở rất nhiều, chuyện ấy nói làm gì, cái chính là tìm được thơ hay. Bùi Giáng có những câu hay mà không ai làm được. Ví dụ:
Em về mấy thế kỷ sau,
Nhìn trăng còn thấy nguyên màu ấy không?
(Mai sau em về, Bùi Giáng đười ươi chân kinh, NXB. Hội Nhà văn, 2012, tr.64)
Câu thơ thật lạ, thật ám ảnh, vừa có màu sắc Phật giáo, vừa có nỗi u hoài siêu hình vũ trụ.
Bài Mắt buồn thì thật đáng phục:
Bây giờ riêng đối diện tôi,
Còn hai con mắt khóc người một con.
(Bùi Giáng đười ươi chân kinh, sđd, tr.60)
Tứ thơ kỳ lạ ấy đã gợi hứng, gợi ý cho ca khúc Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn. Đoạn ca từ tuyệt diệu dưới đây là sự triển khai tứ thơ Mắt buồn:
Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ
Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi
Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ
Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay
Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi.
Từ khi Hàn Mạc Tử mất, chưa ai làm được bài thơ nào như thế!
Hồi học đại học thỉnh thoảng tôi thấy Bùi Giáng ở trên đường với trang phục kỳ dị: đeo vỏ lon lủng lẳng và mặc quần áo rách bươm, nhưng không có dịp hầu chuyện ông và chưa hiểu hết cái hay cái lạ của thơ ông. Đọc thơ ông, người ta hay cười, nhưng người ta cũng yêu quý ông với một tình cảm ít nhà thơ nào có được. Phải chăng vì đời thì tỉnh, ông thường điên, đời thì khôn ngoan, ông thường ngu vụng? Nhưng Tình thơ càng ngu vụng thì thơ càng hay - Viên Mai nói thế, tôi cũng nghĩ như thế!
Tháng 7 năm 2017
Đoàn Lê Giang