Hình tượng Bồ tát trong nghệ thuật điêu khắc Đông Dương

20170804. Tuong Bo Tat

Ảnh: Tượng Bồ Tát phong cách Angkor, thế kỷ thứ XII

1. Mở đầu

Đức Phật nhập Niết Bàn vào khoảng năm 480 trước công nguyên, cũng từ đó giáo lý của Ngài bắt đầu được truyền bá trong vùng lưu vực sông Hằng (Ganga). Việc truyền bá đạo Phật tiếp tục phát triển dưới triều hoàng đế Ashoka, một nhà vua mộ đạo. Dưới thời vua Kanishka, đạo Phật thịnh vượng trong toàn bán đảo Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ VII, rồi bị suy tàn trong thời gian xâm lược của người Musulman vào thế kỷ thứ XIII. Từ đó, Phật giáo bị Ấn Độ giáo lấn át, nhưng tại vùng Nepal Phật giáo vẫn tồn tại yếu ớt và phai nhạt dần.

Mặc dù lụi tàn trên đất Ấn nhưng đạo Phật cũng đã thâm nhập vào các nước láng giềng phía Bắc, có thời kỳ Phật giáo đã thâm nhập vào tận đất Hy Lạp dưới thời hậu duệ của hoàng đế Alexandre. Ngay cả các dân tộc Trung Á như Soythes và Pharthe cũng chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Phật giáo. Bằng con đường thông thương qua các vùng sa mạc Trung Á, Phật giáo đi vào đất Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về phía Bắc sông Hằng Hà, Phật giáo vượt qua dãy núi Hy Mã Lạp và đi vào Tây Tạng. Vùng Dekkan, nhờ sự thuận lợi của đường biển của những nhà buôn và những nhà hàng hải mà Phật giáo phát triển khá mạnh, tiến đến vùng Đông Dương và các quần đảo thuộc miền Nam Trung Quốc.

2. Sự phân liệt của Phật giáo và các trường phái nghệ thuật

Đạo Phật cũng chịu sự phân liệt do các vị cao tăng bất đồng chính kiến. Cuộc phân liệt lớn nhất là vào khoảng thế kỷ thứ I công nguyên và Phật giáo bị chia ra hai phái: phái Đại thừa hay còn gọi là Bắc tông (Mahayana Buddhism) và phái Tiểu thừa hay còn gọi là Nam tông (Theravada hay Hinayana Buddhism).

Phái Nam tông phát triển về phương Nam, giữ được nhiều tính chất nguyên thủy của đạo, tức là phái mà hiện nay chúng ta thấy ở Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia.

Còn phái Bắc tông phát triển về phương Bắc, chủ trương thờ tất cả các vị Bồ Tát và thừa nhận có nhiều vô số Phật. Phật giáo Đại thừa trở thành tôn giáo chính ở các quốc gia như: Nepal, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là sơ lược mấy nét về lịch sử và phát triển của đạo Phật. Ở đây chúng tôi không đề cập nhiều về mặt lịch sử và triết lý của tôn giáo.

Về phong cách tạo hình (iconography), chúng tôi có thể rút ra một vài điểm cần chú ý về các trường phái nghệ thuật Phật giáo. Trước tiên, đạo Phật không có một kiểu mẫu nhất định nào về tượng Phật và các Bồ Tát. Hình thức tạc tượng chỉ thể hiện qua những công thức và quy chuẩn có tính chất địa phương bao trùm toàn bộ Đông Á.

Ngay ở Ấn Độ cũng có rất nhiều trường phái nghệ thuật Phật giáo khác nhau:

Trường phái Ganddhara: ở vùng Tây Bắc, chịu ảnh hưởng nghệ thuật Hellénique của Hy Lạp.

Trường phái Mathura: ở vùng trung du sông Hằng

Trường phái Gupta: ở vùng Trung Ấn.

Cuối cùng, là trường phái Amaravati ở vùng Đông Nam, gần cửa sông Krishna. Nó được thể hiện trong những hang động ở Ajanta, hang động Bamyan ở Afghanistan.

Khi nhìn vào vấn đề tạc tượng qua các thời đại, chúng ta có thể thấy sự khác biệt về cách thể hiện tượng Phật khác nhau ở Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và nước cổ Chămpa ở miền Trung Việt Nam. Chúng ta cũng có thể nhận thấy những nét đặc thù khác nhau của các tượng Phật theo kiểu Indo-greek, Indo-Seỳtha, kiểu tượng Khmer, kiểu tượng Trung Quốc, kiểu tượng Nhật.

Trong phái Đại thừa (Mahayana Buddhism), người ta thờ vô số Phật và Bồ Tát, cho nên vấn đề làm sao, lúc đến một cái chùa có thể nhận ra được tượng nào là tượng của Đức Phật và tượng nào là tượng Bồ Tát. Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu khảo cứu về các kiểu tượng Bồ Tát mà tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) gọi là Boddhisatva Alokitesvara.

3. Hình tượng Bồ tát ở Đông Dương

3.1. Bồ Tát trong văn hóa Chăm và Óc Eo

Ở Champa, Lokesvara hay Alokitesvara (Quan Thế Âm Bồ Tát) được thờ phổ biến nhưng không có nhiều tượng kích thước lớn. Di tích Đồng Dương ở Quảng Nam là nơi tìm thấy rất nhiều tượng Lokesvara tuyệt đẹp, thuộc thời đại Indravarman II của vương quốc Champa. Những pho tượng này hầu hết được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Người Campuchia có rất nhiều tượng Lokesvara thời xa xưa để lại nhưng đẹp nhất là pho tượng tìm thấy tại tỉnh Kiên Giang hồi thập niên 1950 và nghe đâu nó đã thuộc về bộ sưu tập của bà Nam Phương vợ vua Bảo Đại. Ngoài ra, còn có ba pho tượng như vậy cũng được tìm thấy tại miền Nam Việt Nam và hai trong số đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. HCM.

Những tượng Lokesvara thường được thể hiện trong tư thế ngồi nhưng rất dễ nhận ra vì thường trên búi tóc bó cao của Bồ Tát người ta thường chạm hình vị Phật Amitabha (A Di Đà). Pho tượng phát hiện tại Kiên Giang thể hiện một loại hình đơn giản, tượng chỉ có hai tay, tay trái cầm hoa sen. Các tượng Bồ Tát khác thì ngoài vật cầm tay là hoa sen còn có chuỗi tràng hạt, bình nước Cam Lồ và quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Các tượng của Campuchia thời cổ xưa thường thể hiện Bồ Tát theo những qui chuẩn nói trên và cách thể hiện trong tư thế tọa thiền, có tượng trong tư thế đứng, có tượng trong tư thế đang đi. Điều đó gợi cho các học giả ý nghĩ rằng: phải chăng đây là kiểu tượng của một nhân vật thần hóa?

Tượng Lokesvara có nhiều hình dạng khác nhau, thường có bốn, sáu, tám, 10 tay hay thậm chí đến nghìn tay. Người nghệ nhân Á Đông thể hiện một tác phẩm nghệ thuật với một ý nghĩa thuần túy bằng trực giác, những cái tượng trưng cho nhà Phật phù hợp với ước vọng và niềm tin của xã hội mà họ đang sống. Sự thể hiện nhiều cánh tay là biểu hiện cho quyền năng vạn thế siêu phàm của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì vậy vai trò của người tạc tượng là phải tổng hợp được cái trừu tượng trong ý nghĩa dân gian. Tượng không phải là một sự trình bày Bồ Tát dưới dạng nhân thần, mà còn gợi ý cho thiện nam, tín nữ có thể cảm nhận niềm tin thông qua pho tượng.

Chúng tôi muốn phân tích ý nghĩa nhiều “đầu” của kiểu tượng Lokesvara. Ở đây chúng tôi muốn giới thiệu thêm về một pho tượng Quan Âm của Tây Tạng (Tibet) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. HCM. Pho tượng này có 11 chiếc đầu và 14 cánh tay; có hai cánh tay được thể hiện trong tư thế của người tụng kinh, những cánh tay còn lại thì cầm các linh vật khác nhau. Trước hết, chúng ta cần hiểu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu hiện cho tư tưởng “phổ độ chúng sanh”, mà lẽ ra Ngài đã thành Phật từ lâu nhưng vì lòng từ bi sâu sắc mà Ngài đã tự nguyện tái sinh thành nhiều kiếp ở trần thế để cứu vớt những sinh linh tội lỗi. Với lòng từ bi bác ái của mình, Ngài sẵn lòng bảo vệ chúng sinh thoát khỏi những tai nạn như lụt lội, hỏa hoạn và dịch bệnh…

3.2. Tượng Bố Tát trong văn hóa Campuchia

Tại ngôi chùa Banteai Chmar nằm dưới chân núi Dangrek, thuộc miền Tây Bắc Campuchia có thờ một pho tượng Lokesvara nhiều tay dưới dạng phù điêu (bas-relief). Còn việc thể hiện Quan Âm có nhiều đầu thì cụ thể và vĩ đại hơn hết là ngôi tháp bốn mặt tại điện Bayon, vốn do Jaya Varman VII, một vị vua mộ đạo xây dựng. Vị vua này có uy quyền to lớn về mặt chính trị, ngôi tháp bốn mặt mà ông xây dựng nhằm ca ngợi tấm lòng từ bi, đức hiếu sinh của Bồ Tát trải rộng khắp bốn phương, tám hướng, đồng thời cũng nói lên quyền lực của nhà vua bao trùm toàn cõi dương gian và có thể sánh với quyền năng của Bồ Tát. Tòa tháp này là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị về hình tượng Bồ Tát tại Campuchia và Đông Nam Á.

Cũng có một kiểu tượng Quan Âm khác phổ biến ở Campuchia mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong các sưu tập Khmer của các Bảo tàng ở Đông Nam Á. Kiểu tượng này thể hiện Đức Quan Âm khoác một chiếc áo choàng giống như áo giáp của các kỵ sĩ châu Âu thời trung cổ. Thực ra, đó là sự thể hiện đầy đủ trên thân thể Ngài với hằng hà sa số những tượng Phật bé xíu. Những tượng Phật đó bao gồm trên cả móng tay, móng chân của Ngài nữa. Vấn đề này các nghệ nhân phương Đông giải thích là trên mỗi lỗ chân lông của Quan Âm cũng có thể sinh ra hàng nghìn vị Phật và các vị Bồ Tát khác, để khắp mọi nơi đều có mặt Ngài tựa như ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuống trần gian.

Trên một bức phù điêu tại ngôi đền Neak Pean thuộc khu di tích Angkor Wat, Bồ Tát được thể hiện dưới hình hài của một con ngựa thần khổng lồ tên là Balaha. Ngôi đền này được xây dựng trên một hồ nước có thể là nơi tôn thờ vị Bồ Tát Dược Sư. Còn về hình tượng con ngựa thì theo Phật thoại, Đức Bồ Tát có lần hóa thân thành một con ngựa để cứu 500 người lái buôn Ấn Độ sắp chết đuối ngoài biển khơi. 500 con người thoát chết này đã kết đôi lứa với một giống đàn bà ăn thịt người mà trong truyền thuyết gọi là Dạ Xoa (Raksasis). Do đó bên hông, chân và đuôi ngựa người ta chạm những xâu đầu lâu treo lủng lẳng, một bức phù điêu kế tiếp cho thấy con ngựa đang bay lên trời.

3.3. Mối liên hệ với Trung Hoa và Tây Tạng

Ở Trung Hoa và Nhật Bản có đến 30 kiểu tượng Quan Âm khác nhau nhưng cả hai nơi này đều có một quan điểm chung là người ta thể hiện Quan Thế Âm là một vị nữ thần. Hơn ai hết, các nhà tu hành hiểu rõ nhất về truyền thuyết của Ấn Độ kể về hình tượng Quan Âm nguyên thủy là một vị nam thần nhưng việc biến Ngài thành một nữ thần thì cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục.

Phật giáo Mật tông (Tantranism) chịu nhiều ảnh hưởng của giáo phái Shiva. Ở Tây Tạng có nhiều kiểu tượng Quan Âm được thể hiện dưới hình dạng của một phụ nữ mang tên là Tara, vị nữ thần tiêu biểu cho sức mạnh và lòng đại từ, đại bi của nhà Phật. Còn tại Campuchia, người ta cũng thường thấy kiểu tượng Bồ Tát có ba mặt, trong đó có một khuôn mặt là phụ nữ. Ngoài ra, kiểu tượng Bồ Tát Tara còn mang một tên khác là Prajanaparmita nhằm biểu trưng cho trí tuệ siêu việt của Phật giáo. Tượng này đôi khi lại được thể hiện trong tư thế ngồi, đầu có búi tóc nhô cao, phía trước có hình Đức Phật Amitabha. Trong nghệ thuật Khmer, Tara hay Prajanarmita thường được thể hiện dưới dạng phù điêu.

4. Kết luận

Cũng giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, Phật giáo đã dung hòa các yếu tố văn hóa bản địa để tạo nên một nền văn hóa đặc sắc trên xứ Đông Dương của chúng ta. Một trong những nét đặc sắc của tín ngưỡng tôn giáo vùng này là tục thờ kính Thiên vương (Devajaya), sự đồng hóa một kẻ cầm quyền với thượng đế được dùng để nâng đức vua lên đến địa vị thần thánh hoặc bán thần. Đây là sự phối hợp tuyệt vời thích hợp với tính chất chính trị thần quyền của chính quyền Khmer và các nước Đông Dương. Sự sáp nhập giữa hoàng gia và thần linh thậm chí còn tác động lên các pho tượng Bồ Tát qua hành vi gắn thêm châu báu và vương miện vào các pho tượng này.

Một nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Đông Dương là khuynh hướng thiên về hình thể đầy đặn và có ba chiều. Khác với Ấn Độ, nơi mà đa số các công trình kiến trúc trên đá là phù điêu nổi cao với các bức tượng lớn được tạc theo khuôn mẫu thống nhất ở mọi phía. Có thể thấy sự ảnh hưởng này ở Campuchia vào khoảng thế kỷ thứ VI rồi sau đó ảnh hưởng sang Thái Lan, Java và các vùng khác. Các pho tượng sau này là những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc nhất về hình tượng không gian ba chiều của chúng. Hơn nữa, theo ghi chép của thư tịch Ấn Độ và Trung Hoa thì vùng đất này có nhiều vàng, đó cũng là lý do tại sao ngày nay giới khảo cổ phát hiện được nhiều tượng bằng vàng nằm rải rác khắp nơi.

Tài liệu tham khảo

  1. Coedré Goerge (1953), Lịch sử các nước Viễn Đông chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ (Đào Khải Từ dịch), SG, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
  2. Lê Thị Liên (2003), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ X,  Luận án tiến sĩ Khoa học Lịch Sử, Viện khảo Cổ học.
  3. Marellet L. (1968), Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và Bà La Môn giáo ở Đông Dương (Đào Khải Từ dịch), Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Phan Anh Tú, TS., Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP. HCM.

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 2-3 (82-83), tháng 3-5.2016

Thông tin truy cập

63694086
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14378
23426
63694086

Thành viên trực tuyến

Đang có 469 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website