Góp thêm tư liệu về cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch" & tác giả Trần Dân Tiên

Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 340, ra ngày 10/5/2017 có bài “Điểm lại những tác phẩm về Tiểu sử Bác Hồ xuất hiện sau ngày độc lập” của PGS Song Thành (Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Trong bài viết của mình, tôi chỉ góp thêm tư liệu để làm rõ thêm những điều xung quanh cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” và tác giả Trần Dân Tiên. Bài viết này chỉ là “góp thêm” để vấn đề được rộng mở hơn.

Cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện”, bản tiếng Trung, in tại Thượng Hải (1949

HOÀN CẢNH RA ĐỜI

Sau khi đánh tan cuộc tấn công của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc thu đông 1947, chính phủ kháng chiến Việt Nam DCCH đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành mở rộng quan hệ đối ngoại tạo cuộc đột phá về ngoại giao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng mùa xuân năm 1948 đã được Tổng bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn ngoại giao đầu tiên có 10 người, gồm đại biểu các đoàn thể nhân dân… ra nước ngoài để tuyên truyền về đường lối chính sách của Chính phủ kháng chiến Việt Nam DCCH.     Đây là đoàn ngoại giao đầu tiên ra nước ngoài mà không hề có một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào.

Mười người, đó là:Nguyễn Chương - Ủy viênXứ uỷ Bắc Kỳ (sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); Trần Mai - Phụ trách tỉnh đội dân quân Nghệ An (lấy vợ là Việt kiều Thái Lan); Lê Đức Chỉnh - Cán bộ trung đoàn trưởng (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT); Nguyễn Văn Dậu - Cán bộ trung đoàn trưởng (về sau đi cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sang công tác tại Capuchia, từ đó mất liên lạc); Trần Thanh - Cán bộ sinh viên (giảng viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài); Ngô Điền- Sinh viên (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Campuchia); Nguyễn Văn Hướng - Cử nhân khoa học (trước khi nghỉ hưu là Vụ trưởng – Ủy ban Khoa học Nhà nước – nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Song Tùng - Đại diện thanh niên khu IV (sau này là Đại sứ Việt Nam tại CHDC Đức); Nguyễn Minh - Công nhân trường Kỹ nghệ thực hành (Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước khi nghỉ hưu); Hoàng Nguyên: Cử nhân Luật (sau này làm Vụ trưởng Bộ Ngoại giao).

Khi đoàn lên đường, đã nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như sau:

“Gửi các đồng chí lên đường!

            Một, chúc các đồng chí lên đường, chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió.

            Hai, các đồng chí đi đường sẽ cực khổ, công tác sẽ khó khăn. Các đồng chí phải đem toàn tinh thần và nghị lực của thanh niên yêu nước mà chịu đựng, phấn đấu, khắc phục mọi sự gian nan để tranh thắng lợi.

            Ba, từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí phải luôn nhớ rằng: Mình là đại biểu cho thanh niên yêu nước, ra ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho Kiều bào và để giúp họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam.

           Bốn, các đồng chí phải: ở trong nội bộ thì thương yêu giúp đỡ nhau, phê bình và học tập nhau. Trong công tác thì cố gắng làm cho đầy đủ nhiệm vụ, làm cho xứng đáng lòng tin cậy của anh em thanh niên, của đoàn thể và của đồng bào.

       Mong rằng các đồng chí sẽ nhớ kỹ những lời thành thật đó, và sẽ làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó.

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ.

Chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 02 – 1948.

Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Hướng, một thành viên trong đoàn ngoại giao được triệu tập lên Việt Bắc để chuẩn bị lên đường. Ông đến muộn nên đi chuyến sau. Khi đi, có một cán bộ Văn phòng Chủ tịch phủ đã đưa ông cuốn sách được đánh máy trên giấy pơluy bằng tiếng Pháp. Đó chính là cuốn sách sau này được dịch ra tiếng Việt và in trong nước năm 1955 mang tên: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”. Ông Nguyễn Văn Hướng kể lại với người viết bài này: Một số trang đều có bút tích sửa chữa một vài lỗi. Đã được xem trên báo nhiều công văn, chỉ thị hoặc lời kêu gọi của Chính phủ nên ông Hướng rất sung sướng nhận ra:“Đó là bút tích của Bác Hồ”.

BẢN DỊCH TIẾNG ANH CỦA HOÀNG NGUYÊN

Vượt Trường Sơn sau bao ngày gian khó, lần lượt qua Pắc xan, Bôrikhan – ta thường gọi là Bùng Càn, Băng Cốc (Thái Lan), Đoàn đến Miến Điện (nay gọi là Myanma). Tại thủ đô Ranggun, có một cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam DCCH do bác sĩ Trần Văn Luân, một đồng chí Nam Bộ, đứng đầu. Mỗi thành viên trong Đoàn đều nhận công tác mới. Ông Hoàng Nguyên – cũng là một thành viên trong Đoàn - được cử làm Giám đốc Phòng thông tin Việt Nam do chính phủ Miến Điện cho phép thành lập. Nhiệm vụ của Phòng là thu thập thông tin thế giới gửi về trong nước đồng thời phát hành các bản tin tuyên truyền cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngoài các bản tin ra đều đặn gần như hàng tuần, Phòng thông tin Việt Nam còn ra những cuốn sách nhỏ. Trong đó có hai cuốn nguyên văn tiếng Pháp, đó là: “Cuộc tiến công lên Việt Bắc”, trình bày rõ kế hoạch và sự thất bại của thực dân Pháp. Và cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” tác giả Trần Dân Tiên.

Sau ngày kháng chiến toàn quốc từng làm Trưởng phòng báo chí Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Nguyên nhận ra ngay cuốn sách rất có lợi đối với công tác tuyên truyền đối ngoại. Trong khi viết bài tuyên truyền, những tin tức thế giới thu thập được làm ông trăn trở. Thế giới biết rất ít thông tin về Việt Nam. Ngay Liên Xô trong công tác tuyên truyền quốc tế về Việt Nam và Đông Dương cho thấy: từ năm 1935 – 1940 xuất bản 27 cuốn sách và bài báo, năm 1941 – 1945 chỉ có 7 và những năm 1945 – 1947 chỉ có 4. Những bài viết về châu Á trong năm 1946 – 1947 chỉ có 1 bài nói về Việt Nam, trong khi đó có 10 bài nói về Trung Quốc, 9 bài nói về Triều Tiên, 11 bài nói về Nhật Bản. Năm 1948 không có bài nào nói về Việt Nam (Nguồn: Tài liệu trường ĐH Washington, Servic de traduction de la presse russe).

Các nước đế quốc tư bản chủ nghĩa thời đó, dùng nhiều mánh khoé xuyên tạc về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam. Nước Mỹ trong chiến tranh thế giới từng được Việt Minh giúp đỡ ở chiến khu. Nhưng khi Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là Hồ Chí Minh tám lần gửi điện văn công hàm đến Tổng thống Mỹ Truman, với đề nghị lập được mối quan hệ liên lạc thường xuyên, chính thức hay không chính thức với Chính phủ Mỹ, cả tám lần đều không có câu trả lời, dù là một tín hiệu nhỏ nhoi cho biết họ đã nhận được các bức điện đó.

Các Đảng Cộng sản châu Âu hoài nghi đường lối cách mạng Việt Nam. Họ thắc mắc vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán (11/11/1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện cho người đứng đầu Chính phủ Liên Xô các ngày 22/9/1945, 21/10/1945, tháng 9/1947 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch - Đặc phái viên của Hồ Chủ tịch – sang Thuỵ Sĩ để gặp một phái viên của Chính phủ Xô Viết. Ông còn mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Xtalin yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề xung đột Pháp – Việt ra Liên Hợp Quốc… Nhưng tất cả đều không có lời đáp …Việt Nam bị cô lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh, được coi là một nhà dân tộc chủ nghĩa.

Làm việc trên gác ngôi nhà gỗ, là trụ sở Phòng thông tin Việt Nam, tại đường Boundary Road, ông Hoàng Nguyên bắt tay vào dịch sách từ tiếng Pháp sang Anh ngữ. Ở Băng Cốc (Thái Lan) ông đã say mê cuốn này vì tư liệu phong phú về cuộc đời Hồ Chủ Tịch. Qua từng trang sách, chân dung người cầm lái con tàu cách mạng Việt Nam hiện lên gần gũi như mọi người bình thường nhất từ thuở Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh. Tất cả đều từ hai bàn tay lao động cùng với sức sáng tạo của trí tuệ mà ra. Chứ không phải như khi học trường Bưởi, thế hệ của ông được nghe những lời rỉ tai về Nguyễn Á Quốclà một nhà cách mạng xuất quỷ nhập thần, chu du bốn biển, mật thám Pháp – Anh không tài nào bắt nổi. Có cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hồi đó còn tạo ra nhân vật Nguyễn Ái Quốc võ nghệ siêu quần, anh hùng hảo hán… Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” nghệ thuật viết truyện của Trần Dân Tiên dí dỏm đã cuốn hút ông. Dồn cả tâm sức vào cuốn sách, ông Hoàng Nguyên dịch say sưa, cẩn thận, tỉ mỉ. Những chỗ nào còn chưa chắc chắn về thuật ngữ tiếng Anh, ông trao đổi cùngmột đồng chí Đảng viên Đảng Cộng sản người Ấn Độ tên là Valeju sống trong cơ quan như mọi người Việt Nam khác.

Khi bản thảo hoàn chỉnh, ông Valeju giúp đỡ hiệu đính lại lần cuối cùng. Bản dịch Anh ngữ của ông Hoàng Nguyên lập tức được phổ biến ra nhiều nơi khác.

Cùng với bản dịch tiếng Trung tại Thượng Hải - Trung Quốc, bản dịch tiếng Thái và tiếng Việt tại Thái Lan… “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” làm tài liệu nền tảng cơ sở vững chắc trả lời câu hỏi thắc mắc của thế giới về Việt Nam.

CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY

Đó là một trang giấy đánh máy viết ngày 24/9/2002 của ông Hoàng Nguyên. Thời gian này, ông đang tập trung viết hồi ký về Hội nghị Genève nhân kỷ niệm 50 năm hội nghị này (1954 - 2004). Những năm trước khi ông Hoàng Nguyên qua đời (2007), tôi có vài dịp qua thăm ông. Kể cả khi ông mất, tôi vẫn giữ liên hệ với gia đình. Tư liệu này do bà Ngô Thị Mỹ Văn, vợ ông Hoàng Nguyên cung cấp cho tôi. Ông Hoàng Nguyên viết về cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”như sau:

Về cuốn sách“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”ký tên tác giả Trần Dân Tiên

“Đó là vào đầu năm 1948. Nhà nước Việt Nam DCCH mới thành lập, đã phải lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên thế giới, rất ít người biết về nước Việt Nam mới và về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy phải giới thiệu về nước Việt Nam cách mạng và về vị lãnh tụ của nước đó.

Nhằm mục đích đó, Tổng bí thư hồi đó là đồng chí Trường Chinh đã phái một đoàn anh em thanh niên đi ra nước ngoài, theo hướng sang Thái Lan, để làm “ngoại giao nhân dân”. Và có lẽ cũng nhằm mục đích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho viết cuốn sách nói trên để giới thiệu và nói qua về những công việc cách mạng mà mình đã làm.

Tôi, Hoàng Nguyên, là nằm trong số anh em được đồng chí Trường Chinh lựa chọn đi làm “ngoại giao nhân dân” và đồng chí Nguyễn Văn Hướng cũng nằm trong số đó. Trước hết, tôi là người đã chờ tại một nơi gần nhà ở của Hồ Chủ Tịch tại an toàn khu (ATK) để đợi Người làm xong cuốn sách đó, thì sẽ mang đi ra nước ngoài. Nhưng vì có một việc gì đó, không đợi lâu được, cho nên đồng chí Nguyễn Văn Hướng đã thay tôi đợi. Sau chính đồng chí Nguyễn Văn Hướng là người cầm cuốn sách đó đưa sang Băng Cốc, và cuốn sách lập tức được dịch từ tiếng Pháp - vì Hồ Chủ Tịch đánh máy cuốn sách đó bằng tiếng Pháp - sang tiếng Thái và tiếng Việt để phổ biến cho người Thái và Việt kiều. Sau tôi (Hoàng Nguyên) đã đưa bản tiếng Pháp sang Rangoon, là nơi tôi được cử sang làm tuyên truyền đối ngoại tại Phòng Thông tin trực thuộc Cơ quan đại diện của ta do bác sĩ Trần Văn Luân làm thủ trưởng. Tại Rangoon, tôi đã bắt tay vào dịch cuốn sách sang tiếng Anh, với sự hiệu đính của một người Ấn Độ làm việc tại cùng cơ quan, là anh Valenju. Sau khi có bản Anh văn, cuốn sách đã được gửi sang Praha - Tiệp Khắc, là nơi ta cũng có một cơ quan đại diện, để nhân lên và phổ biến ra nhiều nơi khác trên thế giới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn nghệ (1955)

MẠN ĐÀM VỀ BẢN THẢO CUỐN SÁCH

Như vậy, qua những tư liệu nói trên của Nhà ngoại giao Hoàng Nguyên (1924 – 2007), chúng ta thấy đã có nhiều bản dịch cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”ký tên tác giả Trần Dân Tiên. Nguyên bản cuốn sách viết bằng tiếng Pháp. Sau đó, cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và tiếng Thái để phổ biến cho Kiều bào ở Thái Lan, dịch sang tiếng Anh để làm đối ngoại ở châu Âu…

PGS.TS Đức Vượng trong nghiên cứu của mình cũng xác nhận tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, bản thảo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp. Ông Đức Vượng còn cho biết thêm: Bản dịch sang tiếng Việt nhan đề: “Tiểu sử Hồ Chí Minh” do Xuân Hiên dịch vào khoảng từ năm 1945 đến năm 1947. Năm 1948, tác phẩm này được Valenju, chuyên gia tiếng Anh, dịch sang tiếng Anh và được phát hành tại nước ngoài. Tiếp đó, vào năm 1949, tác phẩm được dịch sang tiếng Trung Quốc, do Bát nguyệt san xã xuất bản tại Thượng Hải.

Nội dung bản tiếng Trung được in ở Thượng Hải năm 1949 có những đoạn và có chương không có trong bản tiếng Việt in tại Việt Nam năm 1955 mà tôi sẽ dẫn ở phần kết của bài viết này.

Năm 1955, Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Việt. Sau đó, tác phẩm này được tái bản nhiều lần.Tiếc rằng, với ấn phẩm có trong tay, tôi không tìm được những thông tin về số lượng in hay nơi in cuốn sách này cùng những người chịu trách nhiệm cho ra đời cuốn sách. Song, ngay trong Lời Nhà xuất bản đề tại Hà Nội, tháng 8/1955 đã viết rõ: “Nhà xuất bản Văn nghệ nhận được tập bản thảo của ông Trần Dân Tiên nhan đề “Những mẩu chuyện  về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, viết năm 1948. Như lời thanh minh của tác giả: tập bản thảo này không phải là một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, mà chỉ là một “quyển chuyện giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nước Việt Nam DCCH”.

Ấn hành cuốn sách, Nhà xuất bản Văn nghệ hy vọng “nó sẽ góp một phần nhỏ vào việc biên soạn một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch và đáp ứng một phần nào lòng mong mỏi của đồng bào ta”.

Cuốn tiểu sử Hồ Chủ tịch đã được Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960.

Về tên tác giả cuốn sách, PGS.TS Đức Vượngcho biết: “Theo ông Vũ Kỳ, tên tác giả là Trần Dân Tiến chứ không phải Trần Dân Tiên. Ông giải thích rằng “Dân Tiến” là “dân tiến lên”. Nhưng các lần xuất bản đều ghi là Trần Dân Tiên, không thấy bản in nào ghi là Trần Dân Tiến”.

Còn người viết bài này, cũng được Nhà văn Sơn Tùng khi còn khỏe, trong dịp trao đổi, đã dặn dò: Tên tác giả là Trần Dân Tiến, nhưng khi đưa bản thảo do bị mờ nên khi in bị mất dấu sắc, mà thành Trần Dân Tiên. “Trần mà như thế kém gì tiên”, cũng là một cái tên có ý nghĩa – Nhà văn Sơn Tùng giải nghĩa.

Vậy tác giả Trần Dân Tiên là ai? Điều này còn có những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng đây chính là một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS.TS Đức Vượngkhẳng định đây không phải bút danh của Hồ Chí Minh.

“Qua nghiên cứu và đối chiếu với nhiều loại văn bản, chúng tôi cho rằng, tác phẩm này do Hồ Chí Minh kể, còn người ghi là một số người giúp Bác trong công việc soạn thảo văn bản hồi năm 1945 – 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Có người đưa ra tên của những người ghi là Phan Mỹ, Hoàng Minh Giám, Trần Đình Long, Vũ Kỳ… Người (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – KMS) có viết thêm vào một số đoạn”

Ông Đức Vượng còn dẫn chứng thêm: “Trong bài “Hồ Chí Minh – Đời riêng” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đăng trên báo Nhân Dân, số xuân Tân Mùi – 1991 – không thấy nói gì đến tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” và tác giả Trần Dân Tiên” [1].

BẢN DỊCH TIẾNG TRUNG IN TẠI THƯỢNG HẢI (1949)

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện” (Tiểu sử Hồ Chí Minh) của tác giả Trần Dân Tiên do Trương Niệm Thức dịch sang tiếng Trung Quốc, in bằng chữ Hán (riêng tên tác giả bằng chữ Việt), Bát nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, chương 27 không có trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, bản tiếng Việt (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955).

Chương này có tên “Những người khách Mỹ của Cụ Hồ trước Cách mạng tháng Tám”. Dưới đây, tôi xin trích một đoạn trong chương 27 qua bản dịch của dịch giả Phác Can - bút danh của PGS Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để khép lại bài viết này.

“Thiếu tá Tô-mát dẫn toán của anh và các chiến sĩ tình nguyện thuộc quyền anh ở lại cơ sở làm việc. So với người Mỹ, Tô-mát là người gầy bé. Nhưng anh ta là người làm việc không biết mệt mỏi, suốt ngày sục trong rừng, kiểm tra đường sá, nghiên cứu sân bãi, hoặc giảng bài quân sự cho các thanh niên “Việt Minh”. Có lúc anh mạo hiểm đi đến gần trạm gác của quân Nhật, khiến các chiến sĩ tình nguyện “Việt Minh” phải buộc anh lui về.

“Nếu các anh gặp chuyện gì không may, thì chúng tôi biết thưa với cụ Hồ Chí Minh, lãnh tụ của chúng tôi như thế nào?” Người thanh niên cùng đi nói với anh.

“Cho tôi đi tới thêm một chút nữa thôi”. Viên thiếu tá nài nỉ. “Cả các anh và tôi chúng ta đều giấu cụ Hồ Chí Minh, không nói gì về việc này”.

Người Mỹ và người Việt Nam trở thành những đôi bạn rất thân thiết, họ chung sống với nhau rất hữu nghị, sánh vai nhau làm việc. Những lúc nghỉ ngơi, họ thảo luận với nhau đủ mọi vấn đề, đặc biệt là thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế. Cụ Hồ Chí Minh nói rằng Cụ rất khâm phục và tôn kính tổng thống Ru-dơ-ven. Khi tổng thống Ru-dơ-ven tạ thế, tất cả các báo chí bí mật của “Việt Minh” đều có đăng tiểu sử của tổng thống, các nơi đều tổ chức lễ tưởng niệm. Tổng thống là người bạn vĩ đại của các dân tộc bị áp bức, cái chét của tổng thống khiến dân tộc Việt Nam thương tiếc một cách sâu sắc. Cụ Hồ Chí Minh nói:

“Đó là một bậc vĩ nhân có dũng khí vĩ đại, ông ta dám nói dám làm”.

Cụ Hồ Chí Minh rất bận, hằng ngày việc liên lạc với những người khách Mỹ của Cụ cần rất nhiều thì giờ. Người Nhật ở cách Bộ tư lệnh của Cụ không xa, có thể nghe thấy tiếng súng, lúc nào cũng có thể bị đánh úp. Đại hội đại biểu của “Việt Minh” sắp họp. Không những thế, Cụ lại bị ốm: làm việc nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá và đi nhiều quá.

Để giúp Cụ lấy lại sức khỏe, những người bạn Mỹ của Cụ khuyên Cụ ăn những thứ đồ hộp được chở tới bằng máy bay…/.


[1]PGS.TS Đức Vượng: Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài, NXB Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 20.

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/gop-them-tu-lieu-ve-cuon-sach-nhung-mau-chuyen-ve-doi-hoat-dong-cua-ho-chu-tich-tac-gia-tran-dan-tien

Thông tin truy cập

63661625
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5343
17595
63661625

Thành viên trực tuyến

Đang có 1248 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website