Cách đây bốn năm, giữa năm Giáp Ngọ rõ ràng, bỗng dưng tôi loay hoay viết bài tiếng Pháp và lẩn thẩn hỏi : tác dụng của chó đá là gì (« A quoi ça sert un chien de pierre ? »), không lẽ năm Mậu Tuất này cầm tinh con Chó mà lại làm ngơ, không nói gì về cái tục lệ kỳ lạ vẫn hiện hữu nhiều nơi trong nước.
Như tên gọi, chó đá người ta đục trên đá, trông giống con chó, có cả đầu, tai, mõm, mình và bốn chân. Nhưng đúng chó đá là vật vô tri, đặt nó ở đâu thì nó ngồi đấy, có vẫy gọi nó cũng không nhúc nhích, đuôi không phất phơ, lưỡi không liếm, không sủa, và nhất là khỏi sợ nó cắn. Thế thì tại sao lại mất công ngồi đục đá tạo thành hình con chó ? Trả lời câu hỏi này không dễ, nhưng không phải là không có người đã làm.
Khi đi theo quân đội viễn chinh Pháp tiến đánh xứ Bắc kỳ, bác sĩ quân y Edouard Hocquard đã đưa ra một cách lý giải : « Giữa không trung thường ẩn náu bao loại hung thần, chúng tìm cách đột nhập vào trong nhà để quấy nhiễu chủ nhân ; nhưng vì chúng chỉ di chuyển được trên một tuyến thẳng, nên cứ đặt trước cửa ra vào một tấm chắn thật cao : vậy là chúng va vào đấy không thể đi xa hơn, và không tác quái với những người trong nhà được nữa » (Dr Hocquard, Une campagne au Tonkin, -Một chuyến hành quân ở Bắc Kỳ-, Hachette, Paris, 1892, tg. 210). Nhận xét này rất quan trọng, diễn tả tư duy khá phổ biến trên thế giới, cho là « cái nhìn độc địa » (« le mauvais œil »), chỉ có thể di chuyển trên tuyến thẳng, và vì vậy, nếu gặp một vật gì ngăn chặn, thì nó không đi vòng được và bị chặn đứng lại. Vật ngăn chặn như thế thuộc nhiều loại : phổ biến hơn cả là bức « bình phong » xây bằng gạch, đá, hoặc làm bằng tre đan, hoặc là hàng cây (trong những nền văn minh thực vật), hòn giả sơn, hay là những con chó đá đặt ngay trước nhà, sát cổng vào.
Chính bác sĩ Hocquard, khi chụp bức ảnh « Đền thờ ở Nam Định », đã vô tình chụp luôn một con chó đá rất lớn đặt ở phía hữu khi ta nhìn vào nơi này. Rất có thể cũng còn con chó đá khác đặt ở phía tả mà vì có bức tường nên chúng ta không thấy. Đây là một « đôi » chó đá, một con bên phải, một con bên trái, chứ không phải là thứ chó « độc », nghĩa là chỉ có một con.
Ành: Đôi chó đá khổng lồ, đặt hai bên ban thờ thổ thần trong nghĩa trang làng Đại Từ (Ảnh Đ.T.H., 1989).
(Xin xem toàn văn ở tập tin đính kèm)