Một ngày thu, một nữ văn sĩ tìm lên vùng núi cao thuê ngôi nhà trọ của một cô nhi viện để viết sách và lấy lại sức khỏe. Bà sống giữa thiên nhiên tươi đẹp với những cây bắp ngô, trái bí và hạt dẻ. Bà nhờ cô nhi viện tìm một người chẻ giúp bà số củi để đốt lò sưởi. Một buổi chiều, có chú bé khoảng 11-12 tuổi, nhỏ và gầy đến gặp bà. Chú bé tên là Gie-ri, đã ở viện mồ côi từ năm bốn tuổi. Bà đồng ý để chú bé chẻ đống củi vì bà thấy chú rất thành thạo.
Bà nhận xét: “Tóc chú có màu vàng hoe của những trái bắp khô, đôi mắt chú, rất thành thực, gợi nhớ đến vùng núi khi trời sắp có cơn mưa”. Chú bé im lặng khi bà cho ít tiền sau khi xong việc mỗi ngày và có lúc đã giúp bà trông chú chó khi bà đi vắng. Một buổi tối, chú bé đến gặp bà, bên cạnh lò sưởi, kể chuyện mấy ngày bên cạnh chú chó. Chú bé bảo với nữ văn sĩ: “Bà hơi giống mẹ em, nhất là trong bóng tối, như lúc này bà ngồi bên lò sưởi”. Rồi chú bé khoe đã được mẹ, đang ở một tỉnh khác, đến thăm để cho bộ đồ vào năm ngoái và sắp tới mẹ sẽ tặng một đôi giày trượt patin. Chú bé bảo sẽ dùng tiền bà cho để mua tặng mẹ một đôi bao tay. Mùa hè nào mẹ cũng đến đón chú bé.
Nghe tới đó, bà cảm thấy giận người mẹ đã bỏ mặc đứa con ở viện mồ côi trong mấy năm trời với chút ít quà gửi đến. Và bà cũng cảm thấy giảm bớt lòng thương hại với đứa trẻ.
Một sạp bán sách, báo ở Sài Gòn trước 1975. Ảnh: TL
Mùa thu tàn, chú bé vẫn đến giúp bà, nói chuyện với bà nhiều hơn bên lò sưởi, thỉnh thoảng tặng bà những chiếc lá mùa thu đỏ rực rỡ và chạy chơi với chú chó. Đến một ngày, bà chia tay chú bé vì sáng hôm sau phải ra đi. Chú bé nghe xong lẳng lặng bỏ đi không nói một lời. Sáng hôm sau, bà đến cô nhi viện trả chìa khóa, và nói với giám đốc viện là muốn chào từ giã chú bé đã đến giúp bà suốt mấy tháng qua. Bà được cho biết là chú bé có vẻ không được khỏe hay có gì buồn, không ăn sáng và đã đi lên núi từ sớm. Bà muốn hỏi thăm về mẹ của chú bé, vì sao phải đưa bé vào đây.
Nhưng bà vội đi, nên chỉ xin gửi bà giám đốc viện một số tiền nhờ mua quà cho chú bé, miễn không trùng với món quà là đôi giày trượt patin mà mẹ chú bé sẽ cho. Bà giám đốc già nhìn lên và dường như không hiểu lời của nữ văn sĩ: “Ở đây, các em nhỏ không được chơi patin... - Bà nhíu đôi lông mày hỏi lại - Và thưa bà, Gie-ri là một em bé mồ côi. Gie-ri đâu còn mẹ!”.
Đó là câu chuyện Mùa hè mẹ tới mà tôi được đọc trong báo Tuổi Ngọc từ năm bằng cỡ tuổi chú bé trong truyện. Mùa hè năm 1973 nhiều mưa, tôi ôm tờ báo to trên tay, ngồi bên cửa sổ đế lấy ánh sáng từ bên ngoài cửa sổ. Tôi nhận ra cách kể chuyện rất gần gũi của nhà văn Rawlings là tác giả truyện ngắn trên, cũng là tác giả cuốn Con nai tơ tôi đã đọc nhiều lần trước đó.
Mùa hè mẹ tới tiếp tục làm tôi xao động, sau cảm giác buồn se sắt khi đọc Con nai tơ, đến chi tiết con nai hiền lành của Cu Tý bị bắn chết và sau đó thằng bạn Diều Rơm tật nguyền của Cu Tý cũng qua đời. Câu chuyện chú bé mồ côi không khiến tôi khóc, nhưng tôi nhớ mình đã ôm ghì mẹ khi bà đi bán về, ướt lướt thướt. Tôi nhận ra có những đứa bé trên đời đã và đang sống rất buồn, khao khát một tình thương đơn giản nhiều người có và đang dửng dưng với nó.
Trước khi đến với sách, những tờ tạp chí và truyện tranh lôi cuốn những đứa trẻ chúng tôi. Ban đầu, chỉ riêng cái bìa tạp chí với màu sắc rực rỡ đã đủ tạo niềm vui lấp lánh trong mắt khi được cầm lên rồi. Trước khi gắn bó với tờ tuần báo Thiếu Nhi đầy tính giáo dục, tôi nhận ra mình yêu văn chương từ những truyện ngắn trên báo Tuổi Ngọc, không phải là tờ Tuổi Ngọc tuần báo của tuổi vừa lớn khổ nhỏ sau này mà là Tuổi Ngọc khổ lớn “tuần báo của yêu thương”, ra đời số đầu từ tháng 7.1969. Chị Bạch Liên, con một nhà khá giả trong xóm đã mua đủ hết 24 cuốn của bộ này và người lần lượt đọc hết và đọc rất kỹ - không phải chị Liên hay chị Vân của tôi, người được cho mượn về - mà là tôi.
Tôi đọc và luôn trì hoãn yêu cầu trả lại bộ báo. Tôi thương những nhân vật trong đó và bộ báo như cánh cửa thông ra một thế giới rộng lớn và đa dạng. Ở đó có những chú bé miền Bắc lanh lợi, tán dóc bằng những từ lạ tai trong truyện của Vũ Mộng Long, có không khí một thị xã mùa đông tôi chưa từng đặt chân tới, có cuộc sống thiên nhiên thơ mộng ở một vùng núi châu Âu tuyết phủ.
Khi đọc truyện ngắn Cái tủ chè của mẹ tôi của Hoàng Hải Thủy, lúc đầu tôi thích thú với cách miêu tả chi tiết đời sống miền Bắc ngày xưa, với cái tủ chè khảm ốc từ nhóm thợ của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, dẫn đến chuyện chú bé nhiều lần dùng chìa khóa giả mở hộp phấn của mẹ để lấy tiền ăn gỏi thịt bò khô đu đủ xanh. Đọc đến đó, tôi thấy xấu hổ vì thói vô tư lấy tiền cắc của má thường để trong túi áo bà ba móc trên giá để mua đậu phộng hay kẹo để nhâm nhi mà không cảm thấy tội lỗi. Chú bé trong truyện khi bị bắt gặp ngỡ sẽ bị la mắng, nhưng điều chú nhận chỉ là tiếng thở dài và câu nói “mẹ buồn lắm” khi bà ngồi thừ người trong bóng chiều mùa thu xám đang đi dần vào tối bên khung cửa sổ.
Cảm giác khó chịu lan tỏa trong lòng thằng bé 12 tuổi khi đọc những dòng đó và tôi biết mình phải bỏ thói xấu kia.
Tạp bút Một ấu thời hà khắc của Viên Linh mở rộng cho tôi thêm góc nhìn về một thời xa xôi ở vùng đất xa lạ xứ Bắc mà tôi không thể tưởng tượng mình sẽ được đến khi đất nước còn chia cắt. Tác giả khi là chú bé tám tuổi, ban đầu học chữ nho đến khi có ông chú đi Hà Nội về bắt bỏ bút lông gạt, bỏ nghiên mực tàu, xé giấy bồi, sau khi cãi nhau với người ông một trận kịch liệt. Chú bé được học chữ quốc ngữ. Cùng trong truyện có thân phận người phụ nữ trong nhà.
Tác giả nhớ mỗi khi nhà có khách đàn ông, thì “cùng với mấy con ngan, con ngỗng giữ nhà, là y như đàn bà con gái trong nhà, mẹ tôi, thím tôi, cô tôi vội vã lẩn vào sau cánh cửa”. Suốt thời gian có khách, chỉ người cô chưa chồng được xuất hiện đâu đó, thấp thoáng. Những phụ nữ khác nếu có việc gì cần làm, phải đi phía xa xa, đi vòng dưới sân phía trước hay vòng quanh nhà phía sau. Phụ nữ muốn đi từ đầu nhà tới đầu kia, dù là những lúc thường, cũng không bao giờ được đi trên thềm gạch. Phải xuống sân, đi ra mé sân, rồi mới băng ngang nếu không muốn đi phía sau.
Lúc đó chú bé trong truyện cảm thấy mình oai, nhưng sau ngẫm nghĩ thấy đó là dấu ấn của một thời hà khắc. Câu chuyện chỉ vỏn vẹn một trang, kết thúc đột ngột khiến tôi hụt hẫng. Sau này, khi theo nghề viết, tôi nghĩ cấu trúc bài vậy là đủ. Tác giả đã nói hết những điều cần nói bằng những kỷ niệm đọng lại ở tuổi thơ.
“Tuổi Ngọc bộ cũ”, trong những ngày mưa hè tuổi nhỏ, chỉ là một cái khe cửa để người trẻ cảm nhận cuộc sống qua văn chương”. Ảnh: TL
Sau này, tôi được đọc lại bộ Tuổi Ngọc khổ lớn nhờ anh Trần Hữu Nghiêm, có bài viết trong bộ này, cho mượn. Ở số 6 ra tháng 8.1969, tôi nhận ra bài viết ở tuổi 15 của anh: bài Quê hương trong trí nhớ viết về cảm xúc từ một vùng đất cao su mà anh tả như cảnh thiên đường khiến một đứa trẻ sinh ra ở phố thị như tôi ngơ ngẩn. Ở đó có tơ trời trắng nõn như bông trôi chầm chậm, đi qua con đường mòn trong hàng cao su điểm vàng những cánh hoa nhỏ xíu sẽ thấy cánh đồng lúa đẹp như tranh thủy mặc, xa xa có vài căn nhà tranh có giàn bầu giàn bí. Trời ở đó trong sáng, soi bóng trên dòng suối lững lờ. Nhưng tác giả khiến người đọc thất vọng vì cảnh quê đã nhanh chóng thay đổi vì chiến tranh.
Anh nhìn quê hương điêu tàn sau hàng rào kẽm gai mà tiếc nuối và vẫn mong có ngày tái tạo một quê hương thật đẹp. Khi tôi bảo còn giữ ấn tượng khi đọc bài viết này hồi nhỏ, có thể tác giả không tin nhưng đó là sự thật. Nó đã chạm đến cảm xúc và khao khát hiểu biết của tôi về một chân trời xa lạ chưa đến bao giờ và một sự hủy hoại của cái đẹp chưa bao giờ được nhìn ngắm.
Có thể “Tuổi Ngọc bộ cũ”, trong những ngày mưa hè tuổi nhỏ, chỉ là một cái khe cửa để người trẻ cảm nhận cuộc sống qua văn chương, nói như Trương Trào. Ở tuổi quá trung niên, những câu chuyện trong đó đọc lại vẫn thấy cảm giác dung dị, vẫn làm xao động. Không tạo ra nhiều ẩn ý hay làm văn chương, được viết một cách chân thành, các tác giả tài năng ấy chỉ bằng lòng chân thật cũng đủ khiến người đọc, dù đã đến tuổi “ngắm trăng ngoài sân” hay “ngắm trăng trên đài cao” (Trương Trào), còn cảm xúc vẹn nguyên khi đọc lại vì chúng đã thấm đậm từ lần đầu đọc hồi thơ bé.
Nguồn: Người đô thị, ngày 30.9.2018.