Không chỉ là sự thay đổi phong cách phát triển từ nghệ thuật Siêu thực thập niên 40 - 50 của thế kỷ XX, các tác phẩm của Dali dường như còn dự báo về một cuộc cách mạng mới trong hội họa: Nghệ thuật song hành với khoa học. Tác phẩm Crucifixion vẽ năm 1954 nổi tiếng nhất cho những nghiên cứu khởi đầu của Dali giai đoạn này.
Crucifixion, sơn dầu của Dali, kích thước 194,3 x 123,8cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ
Đóng đinh trên thập giá là một chủ đề tôn giáo phổ biến trong nghệ thuật phương Tây nhiều thế kỷ. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX khi vai trò của nhà thờ bắt đầu suy giảm, những tác phẩm tranh tôn giáo như thế ít được đặt hàng hơn. Dẫu vậy, đề tài này vẫn trở đi trở lại trong các sáng tác hiện đại và đương đại nhưng với lý tưởng hoàn toàn khác. Ở bức tranh này của Dali cũng vậy. Một không gian hiện đại được mở ra, Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá dường như lơ lửng giữa không trung. Phía xa là vịnh cảng Lligat ở Catalonia, Tây Ban Nha. Nền gạch của những ô bàn cờ đen trắng phía dưới chân và Đức bà Magdalene đang đứng cầu nguyện.
Dường như không có gì đặc biệt khi người ta đã quá quen với tư duy Siêu thực của Dali trong việc tạo dựng các hình ảnh đầy chất hư cấu trong một không gian dẫu thấu thị mà vẫn hết sức hư cấu. Tuy nhiên, so với phần lớn những tác phẩm sáng tác trước đó thì bức tranh này đã trở thành biểu tượng khởi đầu cho lý thuyết “hạt nhân thần bí” do Dali khởi xướng năm 1951. Ông tuyên bố, nghệ thuật hiện đại phải là sự kết hợp của những lý tưởng Công giáo, toán học và khoa học. Do đó Crucifixion (Đóng đinh câu rút) đã hướng tới chủ nghĩa cổ điển rất rõ ràng. Hình tượng Jesus đã được vẽ ra như một mẫu mực về hình họa, tỷ lệ, hướng nhìn cũng như ánh sáng một chiều. Quan sát kỹ hơn, người ta còn có thể thấy cả những mạch máu, gân tay cũng như đầu gối, bắp chân đầy chuẩn mực như bậc thầy Phục hưng Michelange cách đấy 4 thế kỷ từng đạt đến. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất, đồng thời cũng là điểm mấu chốt của tác phẩm này so với phần lớn các tác phẩm cùng chủ đề đóng đinh trên thập giá thông thường, là khối lập phương đa diện. Cũng có thể xem khối chữ thập đó giống như một Tesseract trong toán học hình học, biến đổi và chuyển động qua các diện. Ở đây chính sự nhân lên của các khối vuông mà kiến tạo nên nền cảnh cho chữ thập. Có lẽ vậy mà cái tên ban đầu của bức tranh là Corpus Hypercubus (Thể chuyển động khối).
Có quá nhiều ngữ nghĩa được thể hiện trong hình tượng mà thoạt nhìn người ta chỉ thấy tinh thần tôn giáo hiện đại. Dali cho rằng việc ông sử dụng khối lập thể như vậy là sự đồng nhất hóa giữa bản chất siêu việt của Thiên Chúa và khoa học. Và không gian không điểm tựa của hình tượng giữa bao la trời đất càng như tôn vinh tinh thần cao cả của người. Dường như không hề tĩnh lặng, khối hình chữ thập đã để lại dấu ấn riêng trên những ô bàn cờ bên dưới, khiến cho người xem mường tượng như có sự vút lên với kỹ xảo tạo ra đường chân trời thấp ở phía quá xa.
Khuôn mặt Jesus dường như ngoảnh đi hoàn toàn. Mũ gai của người cũng không được mô tả. Những vết máu thường thấy trên ngực, chân và tay cũng bị giản lược để tạo nên vẻ đẹp có phần lạnh lùng. Nó được liên tưởng tới tâm trạng hậu chiến ở một thái cực khác. Đó là sự cô độc đến rợn ngợp mà hình tượng Magdalene nhỏ bé đứng dưới chân đức chúa Trời là một thị hiện về sự lạc lõng đó. Magdalene được lấy nguyên mẫu từ vợ ông là Gala - cũng là một biểu tượng siêu thực được ông tạo dựng trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, đến tác phẩm này, hình ảnh đó vẫn tồn tại nhưng lại mang nhiều ngữ nghĩa hơn về sự đoạn tuyệt với Siêu thực. Ông muốn thiết lập nên xu hướng hoàn toàn mới mà ông cho rằng đó là con đường tất yếu của nghệ thuật. Hạt nhân, nguyên tử sẽ làm “nổ tung” nghệ thuật để bắt nó đi theo con đường khác của khoa học. Và quả vậy, nghệ thuật sau Dali, các nghệ sĩ đã tiến những bước rất dài trong việc đưa khoa học vào nghệ thuật.
Trang Thanh Hiền
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân, ngày 14.12.2015.