Lần ra Hà Nội vừa rồi trước ngày sinh nhà văn - nhà báo Vũ Trọng Phụng (20-10), tôi ghé thăm nhà lưu niệm ông.
Khi tôi bấm chuông, một người đàn ông ra mở cửa, cho biết: "Đây đúng là nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng nhưng mọi hiện vật đã chuyển đi nơi khác, nhà này đã thuộc về chủ mới. Phần mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng được đưa về nghĩa trang Quán Dền (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội; góc đường Lê Văn Lương).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nguyện vọng của gia đình cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, với sự giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1988, bà Vũ Mỵ Hằng (con gái nhà văn) cùng ông Nghiêm Xuân Sơn (con rể) đã xin phép chính quyền các cấp di chuyển phần mộ của ông từ nghĩa trang Quán Dền về ngay vườn nhà, nằm trong mảnh đất hiện nay con cháu ông đang sinh sống. Năm 1992, gia đình sửa lại nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng và xây đắp lại mộ phần bằng đá đỏ. Đến năm 1995, xây mới nhà lưu niệm và tôn tạo khu vực mộ. Từ đó, nhà lưu niệm và mộ cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã trở thành một địa chỉ văn hóa của các thế hệ cầm bút, của các bạn trẻ yêu thích văn học, của khách xa gần đến thăm viếng, tìm hiểu.
Tại nhà lưu niệm đã trưng bày những kỷ vật đơn sơ mà vô giá của Vũ Trọng Phụng, như thẻ nhà báo, sổ tay, giấy khai sinh và các ảnh chụp của nhà văn với bạn bè; các tác phẩm của ông được in qua các thời kỳ, các bài văn, bài báo viết về ông… Đó chính là công sức mà con gái và con rể nhà văn đã kỳ công sưu tầm gây dựng nên, biểu hiện cho tấm lòng hiếu kính mẹ cha.
Căn nhà này trước đây là nhà lưu niệm cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh: HUỲNH DŨNG NHÂN
Khu lưu niệm và mộ phần cố nhà văn Vũ Trọng Phụng có diện tích khoảng 300 m2 do ông Nghiêm Xuân Sơn xây dựng và giữ gìn. Ông Sơn đã có đơn đề nghị được xếp hạng di tích từ tháng 5-2004. Tháng 10-2004, Ban Quản lý Di tích và danh thắng (thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội) có công văn hồi đáp mang nội dung "hoan nghênh" và "sẽ tiếp tục nghiên cứu". Đến tháng 12-2009, ông tiếp tục "hành trình" đơn đề nghị. Các cấp có thẩm quyền và liên quan cũng đã có công văn ủng hộ hoặc đề nghị giải quyết cho nguyện vọng của gia đình. Tuy nhiên, mong ước của ông Sơn không trở thành hiện thực. Ông mất năm 2016, đến ngày nay thì nhà lưu niệm của Vũ Trọng Phụng cũng không còn.
Một người cháu của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng cho biết hiện tại gia đình không còn giữ nhà lưu niệm và cũng không có ý định xây dựng lại nhà lưu niệm nữa. Phần đất trước đây là nhà lưu niệm đã chuyển đổi sang mục đích khác.
Ban Quản lý nghĩa trang Quán Dền thông tin: Trước đây, mộ phần cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã ở nghĩa trang Quán Dền nhưng sau đó gia đình muốn xây dựng nhà lưu niệm nên đã chuyển mộ phần về tư gia. Sau khi nhà lưu niệm không còn thì mộ phần Vũ Trọng Phụng lại được chuyển ra nghĩa trang Quán Dền hồi trước Tết Kỷ Hợi 2019.
Ông Đỗ Đình Việt, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), cho biết phường và cá nhân ông đã khuyên con cháu ông Vũ Trọng Phụng nên giữ lại nhà lưu niệm vì rất quý nhưng họ không thể tiếp tục duy trì vì nhiều lý do khác nhau. Về lý do ông Nghiêm Xuân Sơn từng nhiều lần đề nghị xem xét cấp di tích cho nhà lưu niệm nhưng việc cấp phép chậm trễ dẫn đến không giữ được nhà, ông Việt giải thích do hồ sơ xin cấp phép không đầy đủ (!?).
Thật sự đây là điều đáng tiếc cho một tên tuổi lớn như Vũ Trọng Phụng và các thế hệ độc giả yêu quý những tác phẩm để đời của "Vua phóng sự đất Bắc".