TTO - Tippi Hedren nổi tiếng trên màn ảnh Hollywood khi được mệnh danh là "mỹ nhân tóc vàng cuối cùng" của Alfred Hitchcock - ông vua phim kinh dị của điện ảnh thế giới.
Tippi Hedren (phải) và diễn viên Kiều Chinh - Ảnh: NVCC
Thế nhưng, với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, bà được biết đến nhiều hơn khi được coi là "mẹ đỡ đầu của ngành làm móng".
Người phụ nữ vừa bước sang tuổi 90 này cũng là người bảo trợ cho nữ diễn viên Kiều Chinh gia nhập Hollywood sau năm 1975...
"Người đẹp tóc vàng" cuối cùng của Alfred Hitchcock
Vóc dáng khá nhỏ bé (chỉ cao 1,63m), nhưng nhờ gương mặt xinh đẹp và mái tóc vàng rực rỡ, Tippi Hedren khởi nghiệp với vai trò người mẫu tại New York trước khi lấn sân vào ngành công nghiệp giải trí của Hollywood.
Năm 1962, khi xem Tippi đóng trong một quảng cáo trên truyền hình của Đài NBC, đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock đã cho trợ lý của mình liên hệ với bà và ngay lập tức ký hợp đồng để Tippi Hedren đóng vai chính trong bộ phim kinh dị The birds (Đàn chim dữ), quay vào cuối năm 1962 và trình chiếu vào năm 1963.
Trong bộ phim The birds, Tippi Hedren đóng vai Melanie Daniels - cô con gái xinh đẹp của một chủ báo giàu có ở San Francisco. Khi bị tay luật sư chơi khăm trong một cửa hàng bán chim cảnh, Melanie quyết định lái xe đến vịnh Bodega (phía bắc của San Francisco) để trả đũa.
Nhưng tình cờ, cô và những người dân trong thị trấn này trở thành nạn nhân của một đàn chim dữ vô cớ tấn công bất cứ người nào chúng nhìn thấy ngoài đường... Từ một cô gái trẻ đến thị trấn để trả đũa kẻ chơi khăm mình, Melanie trở thành người phụ nữ mưu trí và dũng cảm cứu giúp nhiều đứa trẻ vô tội - nạn nhân của đàn chim dữ.
Thời điểm đầu thập niên 1960, khi kỹ xảo điện ảnh chưa phát triển nhưng Alfred Hitchcock vẫn biến The birds trở thành một bộ phim kinh dị rùng rợn và hồi hộp, đặc biệt ở những cảnh đàn chim dữ hàng ngàn con lao xuống tấn công thường dân. Bộ phim thành công vang dội về doanh thu và đến nay vẫn được xem là một trong những kiệt tác điện ảnh của Alfred Hitchcock.
Ngay từ vai diễn trong bộ phim đầu tay, Tippi Hedren đã thành công và nổi tiếng nhanh chóng. Hitchcock khen ngợi Tippi có một vai diễn mang tính đột phá, đồng thời cũng giúp bà nhận được giải thưởng Quả cầu vàng và Photoplay cho diễn viên mới xuất sắc nhất.
Vai diễn Melanie Daniels trong The birds của Tippi Hedren cũng được tạp chí uy tín Premiere bình chọn là 1 trong 100 nhân vật điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nhờ thành công ấn tượng này, Tippi tiếp tục được mời đóng vai chính trong bộ phim tiếp theo của Hitchcock là Marnie (1964), đóng chung với ngôi sao người Scotland là Sean Connery, người cũng vừa thành công với vai diễn trong bộ phim James Bond đầu tiên (Dr. No năm 1962).
Tuy nhiên, mối quan hệ công việc giữa Hitchcock và Hedren đổ vỡ và kết thúc sau bộ phim này do một số bất đồng trong quá trình quay phim.
Sự nghiệp điện ảnh sau đó của Tippi Hedren lên xuống thất thường, trong đó có lần hợp tác thất bại với Charles Chaplin trong bộ phim A countess from Hongkong (1967) hay bộ phim bom tấn về thế giới động vật hoang dã có tên là Roar (1981) mà bà đóng vai chính kiêm sản xuất. Tippi Hedren tiếp tục xuất hiện trong các bộ phim, sân khấu và cả truyền hình.
Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn tham gia đóng các vai nhỏ trong các bộ phim hài với những diễn viên trẻ như phim Citizen Ruth (1996) của đạo diễn Alexander Payne hay I Heart Huckabees (2004)...
Những đóng góp của bà cho điện ảnh đã được vinh danh với nhiều giải thưởng, trong đó có giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim The Beauvais Cinemalia năm 1994 ở Pháp.
Bà cũng từng được xuất hiện trên Đại lộ danh vọng (Walk of Fame) bên cạnh con gái (Melanie Griffith - cũng là diễn viên nổi tiếng từng đoạt Oscar) và cháu ngoại là Dakota Johnson (nữ diễn viên chính trong bộ ba phim 50 sắc thái).
Mẹ đỡ đầu ngành công nghiệp làm móng của người Việt
Di sản của Tippi Hedren không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh mà còn cả những hoạt động nhân đạo và môi trường, đặc biệt là với cộng đồng người Việt tại Mỹ - nơi bà được xem là "mẹ đỡ đầu" cho ngành công nghiệp làm móng (nail) có trị giá hơn 8 tỉ USD.
Hiện nay hơn 80% thợ làm móng ở Nam California, 51% tính trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ là người Việt. Rất nhiều người thợ làm móng ngày nay tại Mỹ là hậu duệ của 20 người phụ nữ Việt làm móng đầu tiên mà Tippi Hedren nhận bảo trợ và đào tạo vào tháng 6-1975.
Thời điểm đó, Tippi Hedren và bác sĩ Larry Ward - một nhà nhân đạo của tổ chức phi lợi nhuận Food for the Hungry - đã mở Hope Village (Ngôi làng Hi vọng) tại California với mục đích thành lập một trung tâm tái định cư để giúp đỡ người di cư ổn định cuộc sống sau chiến tranh nơi đất khách quê người.
Không chỉ giúp đỡ người Việt Nam có nơi sinh sống tạm thời, Tippi Hedren còn đào tạo và giúp họ có công việc mới trên đất Mỹ: làm móng (nail). Nhận thấy sự khéo léo và chăm chỉ của phụ nữ Việt Nam, Tippi Hedren đã mời chuyên gia về đào tạo nghề làm móng cho 20 phụ nữ Việt Nam tại Hope Village.
Đây được coi là bước đầu tiên cho sự bùng nổ các tiệm nail do người Việt sở hữu sau này và dần dần trở thành một ngành công nghiệp hàng tỉ đôla tại Mỹ. Vì vậy Tippi Hedren còn được cộng đồng người Việt tại Mỹ gọi là "mẹ đỡ đầu của nghề làm móng" của người Việt khắp năm châu.
Tippi Hedren (giữa) nhờ thợ làm móng Dusty Cootes dạy nghề cho nhóm 20 phụ nữ Việt Nam vào năm 1975 - Ảnh từ phim tài liệu Nailed It của Adele Free Phạm
Mối thâm tình giữa Tippi & Kiều Chinh
Trong chuyến đến Mỹ công tác cho dự án khảo cứu điện ảnh của Sài Gòn trước 1975 do Hội đồng Anh tại Việt Nam tài trợ, tôi đã đến nhà riêng của nữ diễn viên Kiều Chinh để phỏng vấn bà.
Trong căn phòng làm việc của Kiều Chinh, nơi diễn ra cuộc phỏng vấn kéo dài suốt 6 tiếng đồng hồ, tôi nhận thấy có khá nhiều bức hình chụp bà với Tippi Hedren và được bà cho biết đó là người bảo trợ và ân nhân của mình sau năm 1975.
Kiều Chinh cho biết bà gặp Tippi Hedren lần đầu tiên vào năm 1965 khi nữ diễn viên của Hollywood sang miền Nam Việt Nam cho các hoạt động nhân đạo của bà. Sau ngày 30-4-1975, Kiều Chinh định cư tại Canada.
Và từ một nữ diễn viên hàng đầu tại miền Nam Việt Nam, có hãng phim riêng và từng đóng phim với các tài tử Hollywood, Philippines, Ấn Độ; Kiều Chinh phải bắt đầu cuộc sống mới tại Canada với nghề... dọn dẹp chuồng gà để kiếm sống. Bà làm công việc vất vả cực nhọc này với số tiền 2 đôla một giờ.
Không thể tiếp tục công việc nặng nhọc này, Kiều Chinh quyết định dùng số tiền ít ỏi kiếm được để gọi điện thoại đường dài sang Mỹ nhờ người quen giúp đỡ.
Sau nhiều cuộc điện thoại bất thành với những tài tử Hollywood nổi tiếng từng đóng chung phim với bà như Burt Reynolds, Glenn Ford và William Holden; Kiều Chinh quyết định dùng 15 đôla cuối cùng để gọi cho một người mà bà chỉ gặp một lần ngắn ngủi cách đó hơn 10 năm: nữ diễn viên Tippi Hedren.
Rất may mắn là Tippi Hedren nhận được cuộc gọi của Kiều Chinh và cũng là lúc mà bà vừa thành lập Hope Village. Kiều Chinh cho biết hai ngày sau, bà nhận được điện tín của Tippi, kèm thư và vé máy bay của tổ chức Food for the Hungry mời nữ diễn viên Kiều Chinh sang Mỹ, dự lễ khánh thành Hope Village ở Sacramento (California).
Sau một thời gian ngắn ở Hope Village để ổn định cuộc sống mới, Tippi Hedren còn đưa Kiều Chinh về ở cùng nhà, ở căn phòng của cô con gái là Melanie Griffith (lúc đó mới ra riêng ở với bạn trai) và lo giấy tờ giúp Kiều Chinh được ở lại Mỹ để tiếp tục hoạt động điện ảnh.
Tippi cũng giúp Kiều Chinh vào Hiệp hội Diễn viên Mỹ (Screen Actor Guild) nhờ những hoạt động điện ảnh ấn tượng trước đó tại miền Nam Việt Nam trước 1975 và đặt những bước chân đầu tiên để bà tiến vào Hollywood.
Hai năm sau, Kiều Chinh có vai chính đầu tiên trong một tập phim của bộ phim truyền hình thành công nhất tại Mỹ trong thập niên 1970: M.A.S.H, đóng chung với nam diễn viên kỳ cựu Alan Alda - người đoạt rất nhiều giải Emmy và Quả cầu vàng nhờ bộ phim này.
Từ đó đến nay, Kiều Chinh vẫn tiếp tục hoạt động tại Hollywood và có thêm hàng chục vai diễn lớn nhỏ, trong đó thành công nhất phải kể đến bộ phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội) năm 1993 - bộ phim mà bà đóng một trong những vai chính và rất thành công về doanh thu và nghệ thuật.
Tippi Hedren dành những lời ưu ái và chân thành về Kiều Chinh trong một cuốn sách vinh danh sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần sáu thập niên của bà: "Kiều Chinh là một trong những phụ nữ mạnh mẽ, giàu nghị lực và thanh lịch nhất mà tôi từng gặp trong đời".
Nhà hoạt động nhân đạo tích cực Nhờ quá trình thâm nhập thực tế trong suốt 11 năm để thực hiện bộ phim Roar, Tippi Hedren trở thành một nhà hoạt động tích cực về môi trường và động vật hoang dã. Bà trở thành nhà sáng lập và điều hành của tổ chức The Roar Foundation. Trong những năm của thập niên 1970, 1980, Tippi Hedren đi khắp thế giới và dành nhiều thời gian cho các hoạt động nhân đạo và từ thiện. Bà là điều phối viên cứu trợ quốc tế cho tổ chức Food for the Hungry và thiết lập các chương trình cứu trợ cho nạn nhân sau động đất, bão lũ, nạn đói và chiến tranh. Nhờ những hoạt động không mệt mỏi này, bà đã nhận được vô số giải thưởng nhà hoạt động nhân đạo của thế giới. |
Lê Hồng Lâm
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 26.4.2020.