LTS: Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo (Trịnh Lữ dịch, Nxb Dân trí và Đông A) là tác phẩm thứ hai của Graham Collier được dịch và xuất bản tại Việt Nam sau cuốn Hình, Không gian và Cách nhìn (Vương Tử Lâm, Phạm Long dịch, Phạm Văn Thiều hiệu đính, Nxb Mĩ thuật, 2017). VNQĐ số này giới thiệu bài trò chuyện giữa dịch giả Trịnh Lữ và tác giả Graham Collier xung quanh cuốn sách mà dịch giả hứng khởi chuyển ngữ; tiêu đề bài trò chuyện do BBT đặt. Bài trò chuyện này là sản phẩm chắt lọc từ những thư từ và điện thoại qua lại giữa dịch giả và tác giả, được dịch giả gom theo từng tiểu đề để bạn đọc tiện theo dõi. Câu chuyện với tác giả còn khơi gợi nhiều ý tưởng khác rất có ý nghĩa mà dịch giả hi vọng sẽ có dịp giãi bày thành những ghi chú về nghệ thuật dưới dạng nào đó để hầu bạn đọc.
Với bạn đọc Việt Nam
Dịch giả Trịnh Lữ (TL): Thưa cụ, tôi dịch cuốn Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo là để cùng với cuốn Hình, Không gian và Cách nhìn của cụ sẽ thành một bộ sách về nghệ thuật tạo hình, giúp cho việc giảng dạy, học tập, phê bình cũng như thưởng ngoạn và sưu tập mĩ thuật ở Việt Nam có một dẫn đạo theo những câu hỏi chính đáng về nghệ thuật tạo hình.
Giáo sư Graham-Collier (GC): Nếu anh thấy những câu hỏi và nỗ lực giải đáp trong sách của tôi là chính đáng ở Việt Nam, thì tôi tin rằng tâm thức của người Việt vẫn còn chưa bị xa lạ với hiện thực đến mức tự coi mình chỉ là một ngẫu nhiên phi lí, hoặc chưa “tiến hóa” đến mức thấy mình là một đấng thượng tôn toàn năng; và nghệ thuật Việt Nam vẫn có cơ hội tránh thoát những năng lượng tiêu cực đã và đang chi phối nghệ thuật đương đại - ý tôi là ở phương Tây, và những nước vẫn coi phương Tây là mẫu mực.
TL: Vâng, tôi cũng hi vọng thế, vì bản thân cũng thấy vẫn còn nhiều người Việt Nam vẽ, làm tượng, làm kiến trúc, làm thơ... theo thôi thúc của một bản năng sinh dưỡng tâm linh. Vì vậy mà tôi quyết định dịch cuốn sách này của cụ, tin rằng hạt giống tư tưởng của nó sẽ gặp được luống đất tốt ở Việt Nam.
GC: Để tôi nghĩ xem nào... Có lẽ tôi xin nói thế này với bạn đọc Việt Nam mà tôi tin rằng đều là những người yêu nghệ thuật tạo hình và công việc của nghệ sĩ, rằng: Thôi thúc sáng tạo hình ảnh thị giác - bằng bất kì vật liệu gì - những hình ảnh phản ánh tâm ý và cảm giác sâu sắc về những trải nghiệm ngũ quan và tâm lí của mình về cuộc sống... nhờ vậy mà cho chúng có hình hài và được tồn trường, là một trong những thành tựu lớn lao của tâm thức nhân loại. Công việc của người nghệ sĩ đã đánh bại dòng chảy không thương tiếc của thời gian, bảo tồn những trải nghiệm trọng đại mà thoáng qua của cuộc sống. Chúc các nghệ sĩ Việt Nam luôn nghe theo thôi thúc tự nhiên nhất của chính mình. Rất mong bản tiếng Việt này sẽ đóng góp nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo của các bạn.
Hai nguyên tắc lí giải nghệ thuật tạo hình
TL: Trong phần giới thiệu cuốn sách của cụ, Viện sĩ Hàn lâm Pháp René Huyghe có viết rằng tâm lí học nghệ thuật đã giúp tác giả “có thể đi từ nghệ thuật cổ đại đến nghệ thuật hiện đại một cách khách quan, giải thích chúng với cùng những nguyên lí như nhau, và cho phép chúng hòa vào một liên tục sâu thẳm”. Theo chỗ tôi hiểu thì có hai nguyên lí như vậy: 1/ nguyên lí tưởng tượng: hoặc duy lí-cổ điển, hoặc trực giác-lãng mạn; và 2/ nguyên lí chiều hướng: hướng ngoại hoặc hướng nội - mối quan hệ như cầu bập bênh giữa tâm thức cá thể người nghệ sĩ và cảm xúc về ngoại giới của người đó. Cách hiểu của tôi có đúng không, thưa cụ?
GC: Đúng. Quả thực là hai nguyên tắc ấy có thể lí giải mọi hình thức nghệ thuật tạo hình từ xưa đến nay, và giúp ta nhận ra sự liên tục phi biên niên của nghệ thuật. Mọi phong cách và trường phái chỉ là hình thức bên ngoài, không có vai trò minh chứng cho cái gọi là “tiến hóa” hoặc “phát triển” của nghệ thuật. Hai nguyên tắc này đều có cơ sở ở mô hình la bàn tâm thức mà tôi đưa ra trong sách này, thể hiện mối quan hệ giữa nội giới với ngoại giới thông qua tâm thức.
TL: Thưa cụ, có thể gọi những luận điểm trong sách này là một lí thuyết về sáng tạo nghệ thuật được không?
GC: Tôi nghĩ là được. Mặc dù tôi không có ý lập thuyết.
Nghệ thuật đương đại
TL: Lí thuyết này có giải thích được những trào lưu hậu hiện đại không, thưa cụ, như pop, op, ý niệm, xếp đặt, trình diễn…
GC: Có chứ. Nhờ nó mà ta thấy hiện tượng nghệ thuật hậu hiện đại là sản phẩm của tâm thức nhân loại đang trong thời kì quá độ đến một cái gì đó hoàn toàn không biết, sau khi đã tàn phá mọi giá trị truyền thống từ sau Thế chiến II. Tâm trạng hậu hiện đại là giễu nhại và tự trào, châm biếm và chỉ trích. Những giá trị đã thường được mô tả là “biểu hiện”, “biểu tượng”, “siêu thực”, “tự nhiên chủ nghĩa”, vân vân, hiện nay không còn áp dụng được nữa. Những giá trị thẩm mĩ - thể hiện ở kĩ năng và kĩ thuật - cũng không còn được nhìn nhận trong một môi trường văn hóa nghệ thuật chỉ sôi sục toàn những nỗ lực “đánh dấu”. Như tôi có viết trong chương cuối, tâm trạng hậu hiện đại sinh ra nghệ thuật hậu hiện đại - cái hay của nó là tiếng kêu chống lại sự nông cạn của cuộc sống hiện đại, còn cái dở của nó là ngụy trang cho mọi tầm thường vụn vặt và giả dối trong nghệ thuật.
Alan Graham-Collier sinh năm 1923 tại Lancaster, Anh quốc, tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Slate thuộc Đại học Luân Đôn, là họa sĩ chuyên vẽ chân dung và phong cảnh. Trong Thế chiến II, ông là phi đội trưởng oanh tạc của Không lực Hoàng gia Anh. Từ thập niên 1960, ông là giáo sư triết học nghệ thuật tại Đại học Georgia, và là thành viên Hội đồng tư vấn của Trường Davenport, Đại học Yale. Những cuốn sách của Graham-Collier chưa xuất bản ở Việt Nam gồm: War Night Berlin, Antarctic Odyssey, What the Hell are the Neurons Up To? |
Hội họa hiện thực
TL: Năm 1974, hai năm sau khi cụ ra cuốn này, Bảo tàng nghệ thuật Đại học Yale có một triển lãm tranh của bảy họa sĩ hiện thực, nhan đề là Seven Realists. Trong bài viết về triển lãm, Hilton Kramer, cây bút phê bình gạo cội lúc đó của tờ New York Time, có nhận định rằng: “Hội họa hiện thực không thiếu gì đồng đảng, nhưng lại thiếu hẳn một lí thuyết có sức thuyết phục. Mà trong cuộc giao đãi có bản chất trí tuệ của chúng ta với các tác phẩm nghệ thuật, thì thiếu lí thuyết có sức thuyết phục là thiếu một thứ cốt tử - một phương tiện để trải nghiệm cá nhân của chúng ta về từng tác phẩm riêng lẻ nối được vào quá trình hiểu biết của chúng ta về những giá trị mà chúng biểu chỉ”. Tom Wolfe đã dùng câu này của Kramer để mở đầu cho cả một cuốn sách về chuyện hội họa đã trở thành văn học như thế nào - cuốn The Painted Word, cho đến giờ vẫn được tái bản. Theo ý cụ, hội họa hiện thực có cần một lí thuyết có sức thuyết phục để người xem có thể hiểu được giá trị của mình không?
GC: Tôi nghĩ bất kì lối vẽ nào có mục đích và cách vẽ thỏa đáng để đạt được mục đích đều tự nó đã có một “lí thuyết có sức thuyết phục”. Chỉ cần nói ra được mình vẽ gì, tại sao, và như thế nào, thì chính là lí thuyết rồi. Nhưng lí thuyết không phải là tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm phải thuyết phục đã, rồi muốn lí giải thế nào là chuyện khác. Những con bò vẽ trong hang thuyết phục ta ngay lúc nhìn thấy chúng, còn lí thuyết về chúng thì vô vàn, có ý nghĩa gì đâu.
Hội họa hiện thực, cũng như văn học hiện thực, ở châu Âu, ra đời cuối thế kỉ XIX như một phản kháng chống lại bất công xã hội và thẩm mĩ của giai cấp quý tộc và tăng lữ. Người ta vẽ và viết về người nghèo khổ, bị áp bức, những số phận hẩm hiu bi đát... và coi đó mới là hiện thực của xã hội, hiện thực của đa số. Giờ người ta hay gọi vẽ tả thực (representational) là hiện thực, tôi nghĩ là hơi dễ dãi. Tả thực chỉ là một lối nhìn lối vẽ, có thể gọi là một phong cách thôi, chưa phải là một chủ nghĩa bao gồm cả từ mục đích, chủ đề và phong cách. Mà bây giờ, với khái niệm “hiện thực” đang được dùng để nói từ hiện thực vật lí khách quan đến hiện thực ảo, rồi hiện thực nội tâm... thì vẽ theo lối gì người ta cũng có thể gọi là hiện thực được.
TL: Cụ là bạn với cụ Henry Moore, và đã dành cho cụ Moore một vị trí khá đặc biệt trong cuốn sách này. Nhưng tôi vẫn muốn xin cụ một vài lời riêng cho độc giả Việt Nam về nghệ thuật điêu khắc của Moore, vẫn rất được hâm mộ ở Việt Nam.
GC: Tác phẩm của Moore là những biến thể của hình thức Con Người, tất cả đều truyền đạt các thái độ và giá trị nhân bản bằng hình thức chắt lọc trừu tượng - đồng thời vẫn rất có ý nghĩa và giá trị thẩm mĩ tự thân.
Nghệ thuật và tiến hóa nhân loại
TL: Mệnh đề của cụ là tâm thức sáng tạo, cả duy lí và tưởng tượng, làm nên nghệ thuật. Trong cuốn The Philosophy of Modern Art (Triết học nghệ thuật hiện đại), cụ Herbert Read có bàn về nghệ thuật giúp con người nuôi dưỡng và nâng cao tâm thức. Có đoạn thế này: “Tôi tin rằng trong số những tác nhân hoặc công cụ tiến hóa của loài người, nghệ thuật là quan trọng bậc nhất. Tôi tin rằng chức năng thẩm mĩ vẫn là phương tiện để loài người có được tâm thức của mình, và khiến nó tinh tế mãi lên. Hình thức, kết quả của việc tổ chức các yếu tố hỗn loạn thành một hình có ý nghĩa, là sản phẩm của nhận thức. Nó có ở tất cả mọi kĩ năng - kĩ năng là bản năng để hình được lộ ra trong hành động. Qua khỏi mức tâm lí và bản năng này, bất kì một tiến bộ nào trong tiến hóa nhân loại đều luôn phụ thuộc vào việc hiện thực hóa các giá trị hình thức”. Cụ nghĩ thế nào về mệnh đề này?
GC: Tuyệt đối đúng. Mệnh đề này vừa là một định nghĩa của toàn bộ quá trình nghệ thuật, vừa là một triết lí sống.
TL: Tôi nghĩ nếu hiểu ý tưởng này của cụ Read theo khái niệm hình (form) của Plato, thì nó đúng cho cả quá trình khoa học nữa, nghĩa là đúng cho mọi quá trình tiến bộ của nhân loại; vì với Plato, form là cái ý tưởng cốt lõi của mọi hiện hữu. “Hiện thực hóa các giá trị hình thức” cũng chính là cốt lõi của quá trình khoa học.
GC: Tôi đồng ý với cách hiểu này của anh. Nhưng với Herbert thì ông chỉ đề cập đến quá trình nghệ thuật mà thôi.
TL: Vâng, tất nhiên rồi. Và tôi nghĩ “các giá trị hình thức” mà cụ Read nói ở đây, trong chu cảnh nghệ thuật tạo hình, đều đã được cụ bàn đến và phân tích khá đầy đủ trong sách này, phải không ạ?
GC: Lúc viết thì tôi không có ý ấy. Giờ anh nói ra, tôi thấy anh nói đúng. Mọi thành tố làm nên một tác phẩm nghệ thuật, cùng với những giá trị biểu hiện và biểu tượng của chúng, đều là những giá trị hình thức mà Herbert nhắc đến.
Phát hiện lại tâm thức
TL: Trong cuốn sách gần đây nhất của cụ - What the Hell are the Neurons up to? (Bọn Nơ-ron thần kinh đang định làm cái quái gì đây?) - tôi thấy cụ bàn về tâm thức, tâm trí và não bộ, thậm chí về tâm thức ngoài não bộ, động đến nhiều vấn đề của triết học tâm trí. Cụ có nghĩ tâm thức là sản phẩm của não bộ không?
GC: Không. Tôi nghĩ não phục vụ ngũ quan, cho ngũ quan có những phản xạ có ý thức với cái hiện thực có hình thức trong thời gian và không gian của chúng. Còn tâm thức thì cho những phản xạ ấy có ý nghĩa và giá trị - một hệ thống giá trị cho từng cá nhân, mà Jung gọi là tự thức.
TL: Nghĩa là sản phẩm của não khác với sản phẩm của tâm thức?
GC: Tôi nghĩ vậy. Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo hiện nay đã chứng minh não bộ là một hệ thống thu thập và xử lí thông tin tương tự như hệ thống computer. Nhưng tâm thức và sản phẩm của tâm thức thì khoa học vẫn chưa thể lí giải được. Người máy tinh vi nhất hiện nay vẫn chỉ có thể thay thế con người trong những lĩnh vực cần phải làm tốt hơn - optimizing works, nhưng không thể làm thay con người trong những việc cần đến sáng tạo và tình yêu. Tôi nghĩ tâm thức thuộc về chủ thể con người. Mà chủ thể thì không thể nghiên cứu chính mình được.
TL: Vâng. Nhưng hình như chính tâm thức lại bắt người ta không thể chấp nhận điều đó. Trong hai mươi năm trở lại đây, nhiều nhà triết học khoa học đã đặt vấn đề phải tìm lại tâm thức với nhiều cách tiếp cận khác nhau, trong đó có một cách mà tôi thấy rất gần với quan điểm Phật học, coi tâm thức là một cấu phần cốt lõi của cả vũ trụ - như thời gian và không gian. Với cách nhìn này, tâm thức cá nhân là một phần của tâm thức hoàn vũ, gắn với cả hiện hữu vật lí khách quan và hiện hữu tâm linh chủ thể. Mà nếu đã có cách nghiên cứu thời gian và không gian, thì sẽ có cách tìm hiểu tâm thức.
Homo Deus và nghệ thuật
GC: Khi viết sách này, gần năm mươi năm trước, tôi có nhận định tâm thức hậu hiện đại đang trong giai đoạn quá độ hoang mang không biết mình đang trôi dạt về một tương lai như thế nào. Nhưng giờ thì tôi cảm thấy rằng tương lai nhân loại đang tự hình thành từ năng lực tiến hóa của mình, chứ không còn dựa vào mơ ước như xưa. Giai đoạn quá độ hậu hiện đại có vẻ sắp chấm dứt, với sự thắng thế của tâm thức duy lí và quyền lực của khoa học.
TL: Vâng. Homo Sapien đang dần trở thành Homo Deus(1), thưa cụ. Người ta cũng đang bàn luận sôi nổi về hiện tượng này. Nhiều người sợ nhân loại sẽ bị hủy diệt bởi chính những sản phẩm trí tuệ nhân tạo của mình. Nhiều người khác thì cũng như cụ, tin rằng những sản phẩm trí tuệ nhân tạo không bao giờ có tâm thức người, do đó không bao giờ biết yêu, biết sáng tạo.
GC: Anh nghĩ loài Homo Deus này sẽ vẫn sáng tạo nghệ thuật chứ, hay là không?
TL: Tôi thích nghĩ rằng Homo Deus, dù có tạo ra những hình thức sống vô cơ có thể thay thế mình trong rất nhiều lĩnh vực; dù có sống trong những hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị khác hẳn bây giờ, thì vẫn cứ có một thân phận giống như thân phận của các đấng sáng tạo trong truyền thuyết - đầy đủ mọi ái ố hỉ nộ; và sáng tạo nghệ thuật vẫn là một bản năng cá thể để tham dự và khẳng định cuộc sống, dù có thể có những hình thức hoàn toàn khác.
Khi tâm thức sáng tạo vẫn còn, thì nghệ thuật vẫn còn, khao khát tạo hình vẫn còn. Và cuốn sách này của cụ sẽ còn nguyên giá trị cốt lõi của nó.
Trịnh Lữ thực hiện
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 16.12.2020.
…………..
1. Homo Sapien (Người Khôn) và Homo Deus (Người Thượng đế) là hai cuốn sách của Yuval Noah Harari, và cuốn mới ra nữa của ông là 21 Lessons for the 21st Century (21 bài học cho thế kỉ 21); đều đang được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn khoa học, lịch sử, triết học... Homo Sapien đã có bản tiếng Việt tại Việt Nam (Sapiens - lược sử về loài người, Nxb Tri thức, 2017).