Một số nhà khoa học như Heine, Nietzche và Trompf cho rằng lịch sử cũng giống như giấy dán tường hay một mảnh vải vậy. Chúng luôn có xu hướng lặp lại (Historic Recurrence). Những họa tiết nhìn kỹ thì thay đổi trong khuôn khổ vài phân hay thậm chí vài chục phân, nhưng khi ta lùi một bước ra xa, những motif thật ra lặp đi lặp lại. Chúng ta mắc rất nhiều sai lầm giống nhau, từ các xung đột chiến tranh hay sự sụp đổ của các đế chế, cho đến những thứ nhỏ nhặt hằng ngày như quay trở lại với một món ăn đã từng khiến ta đau bụng, hay thậm chí nghiêm trọng hơn là quay trở lại sống chung với chính người tình đã làm ta đớn đau.
Những câu truyện cổ tích vẫn trường tồn hàng ngàn năm, người thời nào đọc cũng thấy như chuyện của mình được phản ánh trong đó. Ấy là bởi lịch sử luôn có xu hướng lặp lại.Tượng truyện cổ tích khổng lồ tại Disneyland, Pháp.
1. Ta không cảm nhận được quá khứ nhưng sẽ cảm nhận được tương lai
Lý do đầu tiên cho hiện tượng này là việc con người có xu hướng ghẻ lạnh với quá khứ và thiên vị tương lai (future bias). Hãy thử tưởng tượng với một thí nghiệm của Derek Parfit. Bạn tỉnh dậy sau hôn mê trong bệnh viện và bác sĩ thông báo rằng có một nhầm lẫn phần giấy tờ, nhưng bạn rơi vào hai trường hợp: một là bạn đã có một cuộc phẫu thuật dài 4 tiếng hôm qua và hai là bạn sẽ có một cuộc phẫu thuật 1 tiếng ngày mai.
Hầu hết chúng ta sẽ hy vọng vào tình huống thứ nhất. Cuộc phẫu thuật 4 tiếng hẳn là nghiêm trọng hơn và dễ để lại hậu quả nặng nề hơn cuộc phẫu thuật 1 tiếng. Nhưng ít nhất là nó đã xảy ra. Chúng ta không nhớ đến sự đau đớn của cuộc phẫu thuật 4 tiếng ngày hôm qua. Tương tự, chúng ta thiếu khả năng cảm nhận được trọn vẹn nỗi đau đồng loại từng chịu đựng trong quá khứ. Hướng đến tương lai, dù là một tương lai bao gồm cả di chứng nghiêm trọng của quá khứ, vẫn là một lựa chọn dễ chịu hơn.
2. Ta không thay đổi được quá khứ nhưng có thể thay đổi tương lai
Lý do thứ nhất về thiên kiến tương lai cũng giải thích tại sao chúng ta có thể bằng sống bằng chết, hy sinh mọi giá, chấp nhận mọi tổn thất để đạt mục tiêu, lặp lại vô vàn những lỗi lầm kinh điển trong quá khứ để trở thành kẻ chiến thắng. Đó chính là lý do thứ hai khiến lịch sử liên tục lặp lại. Tương lai, dù có chắc chắn mang thương tật của quá khứ, cũng là một tương lai mà chúng ta có nhiều quyền năng thay đổi hơn. Nhất là khi đó là một tương lại gần với những lợi nhuận gần có thể vươn tay mà với tới. Đây là lý do thiên nhiên vẫn liên tục bị tàn phá, bất kể sự thật là chúng ta ai cũng đều biết hậu quả của việc làm này, cả trong quá khứ lẫn trong tương lai xa.
3. Ta thay đổi khi thấy có lỗi thay vì hổ thẹn
Lý do thứ ba khiến chúng ta liên tục mắc những lỗi lầm từng có trong quá khứ là cách ta cảm nhận vấn đề. Cụ thể hơn, ta cảm thấy hổ thẹn (shame) hay có lỗi (guilt)? Cảm giác có lỗi mang tính ngoại vi, định hướng vào hành động sai lầm chứ không bao trùm lên cả nhân cách. Ví dụ, bạn là người thành thực, khi nói dối, bạn thấy có lỗi. Điều này khiến bạn nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, có khả năng sửa lỗi nhiều hơn.
Ngược lại, sự hổ thẹn không bó gọn trong hành động mà bao trùm lên cả tư cách con người. Rất khó để hổ thẹn với chính mình, bởi đó là cảm giác tội lỗi. Sự hổ thẹn đúng theo định nghĩa là khi ta đặt mình trong mối quan hệ với cộng đồng và sự đánh giá khắt khe của họ lên tư cách của chính mình. Cộng đồng sẽ không dễ dàng phân biệt một hành động có lỗi và một con người hư hỏng. Điều này khiến ta mất đi khả năng chủ động nhìn nhận vấn đề và dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thay đổi một hành động dễ hơn nhiều thay đổi tư cách, bản chất và danh tính của một con người.
Nghiên cứu của Tangney (2014) cho thấy những tù nhân có cảm giác tội lỗi tái hòa nhập và tái phạm tội ít hơn những tù nhân có cảm giác hổ thẹn. Một nghiên cứu nổi tiếng khác cho thấy những bác sĩ mổ tim mắc lỗi khi phẫu thuật và cảm thấy hổ thẹn không hề khá hơn trong những cuộc phẫu thuật sau, họ tiếp tục mắc lỗi y như cũ. Đó là vì những bác sĩ này không thể tách biệt hành động và nội hàm con người của chính mình. Thay vì tìm hiểu tại sao cuộc phẫu thuật không thành công, họ đi tìm những lý do ngoại biên như bệnh nhân già, hay có tiền sử bệnh nặng. Ngược lại, những bác sĩ quan sát và rút ra bài học từ các lỗi đó có tỉ lệ thành công cao hơn, do họ không có cảm giác hổ thẹn.
Chúng ta có nhiều quyền năng thay đổi tương lai hơn là quá khứ. Nhất là khi tương lai đó lại gắn liền với những lợi nhuận trước mắt. Đó là lí do ta tiếp tục tàn phá thiên nhiên, dù hiểu những hậu quả trước mắt.
Điều này cũng đúng với một cộng đồng. Chúng ta sẽ học được những bài học từ quá khứ nếu đi kèm với nó là khả năng tách biệt hành động và bản chất của một dân tộc. Đó là lý do tại sao các phong trào cực hữu, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thượng đẳng khiến ta có thể trở nên mù lòa với quá khứ. Việc tự cho mình bản chất là cao quý hơn kẻ khác, dân tộc mình ưu việt hơn kẻ khác khiến ta mặc nhiên chấp nhận những hành động sai trái đi kèm với danh tính đó (Đức Quốc xã, phát xít Nhật, các phong trào da trắng thượng đẳng whitesupremacy). Sự trỗi dậy của các phong trào cực đoan, bất kể tôn giáo, chính trị, hay văn hóa đều ít nhiều được xây dựng trên nền móng của việc định vị bản chất của chính mình khác biệt, cao quý hơn so với đồng loại. Đương nhiên, đi kèm với nó là việc bôi đen bản chất của cộng đồng khác: người da đen bản chất là bạo lực; người da vàng bản chất là không cởi mở; người latin bản chất là lười biếng; người theo đạo Hồi bản chất là cực đoan. Điều này cũng đúng với kỳ thị vùng miền trong cùng một dân tộc. Việc người Do Thái bị gán cho bản chất xảo quyệt luôn là lý do xâu xa để cộng đồng này bị kỳ thị qua nhiều giai đoạn của lịch sử.
Ngược lại, điều này cũng đúng với các nạn nhân, nhất là khi ta tự vận vào mình. Một danh tính cộng đồng, một danh tính văn hóa, thậm chí là một danh tính gia đình đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách ta suy nghĩ và hành động. Đó là khi một người da màu nghĩ rằng đằng nào thì người da màu cũng sẽ bị phân biệt đối xử, vậy cố gắng đấu tranh để làm gì, và thế là lịch sử lặp lại. Đó là khi một phụ nữ nghĩ rằng, đằng nào thì cũng phải ở nhà chăm con, vậy học để làm gì, và lịch sử lặp lại.
4. Thói quen khiến ta bỏ qua quá khứ
Lý do thứ tư để lịch sử liên tục lặp lại là sự vận hành vô thức của thói quen. Về mặt cá nhân, thói quen khiến ta dù thấy rõ ràng hậu quả của hành vi nhưng không thể hoặc khó có thể dứt bỏ. Từ việc hút thuốc, ăn uống không điều hòa, lười vận động, cho đến cách dạy con bằng quát tháo, cách điều hành công ty bằng đe dọa, hay cách trao đổi với gia đình bằng sự cộc cằn. Biết là sai mà khó sửa. Thói quen vì vậy là kẻ tội đồ của rất nhiều những lỗi lầm mà ta liên tục mắc đi mắc lại, cho đến khi ta tự nhủ rằng, thôi Trời sinh ra thế, hoặc tử vi bảo thế.
Tương tự, với một cộng đồng, thói quen văn hóa là phương cách tự động xử lý tình huống, kể cả khi phương cách đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, người Nhật thừa biết là việc coi thường phụ nữ tại công sở và gán việc nhà cho phụ nữ khiến họ không thiết tha đi làm và sinh con, đẩy dân số và kinh tế đến bờ vực nguy hiểm. Tuy nhiên, thói quen văn hóa khiến những chính sách về phụ nữ chậm gây tác dụng. Một ví dụ khác, chúng ta lao vào các cuộc chiến tranh khi bị kích động, ăn miếng trả miếng khi bị lừa phỉnh, trả thù khi dân mình bị hại. Ai cũng biết kết quả của sự leo thang nhưng việc đi ngược lại thói quen tâm lý và văn hóa đòi hỏi ý chí cao độ mà không phải lãnh đạo và cộng đồng nào cũng có được.
5. Cái tôi và quyền lực khiến ta bỏ qua quá khứ
Cuối cùng, sự khao khát muốn thỏa mãn cái tôi và cám dỗ của quyền lực khiến những bài học trong quá khứ trở nên vô nghĩa. Để bảo vệ cái tôi của chính mình, ta có thể chịu đau đớn, thiệt thòi, thậm chí hy sinh bản thân và gia đình. Đó là khi sự suy xét đúng sai không quan trọng bằng danh dự của chính mình hoặc cộng đồng. Nếu cộng đồng ấy chịu ảnh hưởng của những cá nhân cùng suy nghĩ và khát khao quyền lực, ta sẽ thấy lịch sử lặp lại những motif cả vinh quang lẫn đau thương. Ví dụ rõ nhất là khi người dân Đức cảm thấy danh dự bị tàn phá bởi thua trận sau Thế chiến thứ nhất, và Hitler lên nắm quyền với lời hứa sẽ làm đất nước hùng mạnh trở lại. Kết quả là Thế chiến hai còn thảm khốc và khiến nước Đức thua đau đớn hơn cả Thế chiến thứ nhất.
Như vậy, với mỗi cá nhân cũng như cộng đồng, việc chúng ta lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ có thể giải thích bởi năm lý do trên. Ta thường quên nỗi đau trong quá khứ, và ta thiên vị tương lai vì tương lai có thể đổi thay còn quá khứ coi như đã xong. Ta cũng lặp lại lỗi lầm khi đánh đồng hành động với bản chất. Ta bị ràng buộc bởi thói quen dù biết điều mình làm quá khứ đã chứng minh là sai. Và cuối cùng, danh dự cũng như quyền lực có thể làm lu mờ ý chí và cách nhìn nhận khách quan với quá khứ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta là những học trò vô vọng. Thế giới chưa bao giờ an toàn như ngày nay, con người ngày càng văn minh hơn, khỏe mạnh và sống lâu hơn. Có lẽ chúng ta đã và đang tiến bộ một cách chậm rãi, đôi khi đi thụt lùi, nhưng về tổng thể, may thay, loài người không hoàn toàn giống như chiếc chăn con công - nhìn gần thì đa dạng, nhìn xa thì chỉ là những con công giống hệt nhau con sau nối chân con trước.
Chính vì thế, lịch sử và khả năng phán xét phân tích lịch sử khiến chuyên ngành này xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng hơn nhiều trong cuộc sống hiện đại của loài người. □
Nguyễn Phương Mai
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 04.02.2021.
------
Tác giả là PGS.TS. Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
Tài liệu tham khảo
Parfit, Derek. (1984). Reasons and Persons. Oxford: Oxford University Press.
Tangney, J. P., Stuewig, J., & Martinez, A. G. (2014). Two faces of shame: The roles of shame and guilt in predicting recidivism. Psychological science, 25(3), 799-805.