Trầm bay nhạt khói

Thắp hương hay đốt trầm có lẽ là hành vi tín ngưỡng quen thuộc nhất với người Việt. Đến lượt vật thể để cắm những que hương hay đựng những mảnh trầm được đốt cũng thành thứ gắn bó với đời sống: bát hương, đỉnh đồng, lư hương…

Mùa thu năm 1940, chàng trai trẻ Lưu Hữu Phước từ miền quê Cần Thơ ra Hà Nội học Trường Y khoa Đông Dương. Vốn liếng của chàng trai là đôi bài hát viết cho học sinh Trường Petrus Ký mang nỗi hoài vọng quá khứ: “Có những đêm kể cho nhau nghe những thành tích đuổi giặc cứu nước ngày xưa, chúng tôi gục đầu lên vai nhau khóc tủi hờn vì nhục nước ngày nay”. 

Ra đến Hà Nội, như được “về thăm quê cũ” khi tìm tới những di tích lịch sử của các thời đại tự chủ, “mỗi di tích như một quyển sử dân tộc”, các chàng trai Nam bộ nhịn bớt ăn, dạy học tư để lấy tiền, chung nhau thuê một gác nhỏ ở góc phố Bùi Thị Xuân và Tô Hiến Thành hiện nay. “Chúng tôi mua một lư hương con, các tối Chủ nhật, anh em tắt đèn, đốt hương trầm lên, và nhắc lại những cảm xúc trong ngày. Nhiều bạn khác dần dần kéo đến chơi với chúng tôi, có các bạn miền Trung, miền Bắc đến trò chuyện, chan hòa trong một niềm thông cảm rạo rực tình yêu đất nước” (hồi ức của Lưu Hữu Phước). Họ tổ chức những chuyến đạp xe về thăm những đền Lý Bát Đế, Cổ Loa, Phù Đổng. Từ đây, những bài hát yêu nước như Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng… ra đời, trở thành tiếng nói của thế hệ sinh viên học sinh thập niên 1940.

20210621 2

Lưu Hữu Phước và các bạn học Đại học Đông Dương đạp xe về nguồn. Ảnh nhỏ, từ trái: Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Lưu Hữu Phước. Ảnh do Mai Xuân Lộc (con trai nhà ngoại giao Mai Văn Bộ) cung cấp

Cùng khoảng thời gian ấy, cũng ở Hà Nội, Nguyễn Tuân đăng báo dài kỳ truyện vừa Chiếc lư đồng mắt cua. Đây là một tác phẩm đặc trưng cho chủ đề xê dịch của tác giả này. Câu chuyện mượn đề tài đời sống các nhà hát cô đầu làm phông cảnh một chặng dừng chân trong chuyến đi vào Nam của nhân vật Nguyễn (thực ra chính là tác giả), rồi cứ mãi quẩn quanh những tỉnh lẻ buồn bã bên hào nước thành Vinh hay Thanh Hóa. 

Ngược chiều với sự hăm hở đạp xe về dấu tích xưa của Lưu Hữu Phước, nhân vật Nguyễn Tuân uể oải đến chán chường cả những chốn lạc thú như kỹ viện. Ở những chốn mà việc hát chỉ là một phần bên cạnh hút thuốc phiện hay trăng gió tình tự với các cô đầu, Nguyễn thành bạn tâm giao với ông Thông Phu, chủ nhà hát. Ông ta tặng cho Nguyễn một chiếc lư đồng.

Đồng mắt cua. Nhỏ thôi. Đường kính rộng nhất nơi thân lư cũng chỉ bằng cái đường kính chiếc mặt tẩu Vân Nam da đá. Trông xinh lắm. Đến chơi gần bàn viết của tôi, thấy chiếc lư đựng kim găm và dùng luôn làm vật chặn giấy cho gió khỏi lật ngửa những trang chữ ướt, nhiều ông bạn nghiện đã nằn nì đòi lấy đem về bày vào khay đèn nhà.

Vẫn hay lư đỉnh nào mà chẳng dùng vào việc đốt trầm. Lư đỉnh nào mà chẳng được đặt trên những bệ các nơi cao nghiêm tôn thờ. Sân nhà Thế Miếu. Đình chùa. Bàn thờ gia tiên.

Nhưng chiếc lư của tôi suốt hai đời chủ, chỉ được đặt những nơi không đáng gọi là tôn thờ chút nào. Nó đã tuôn nhả những vòng khói thơm giữa những nơi hôi hám ẩm sũng. Nó đã phải đốt nóng trong hoàn cảnh xóm hát ả đào. Cái rất thanh cao ấy đã phải ở giữa một cái rất tục bạo”.

Nguyễn Tuân năm 1937. Ảnh: TL


Kết truyện vẫn là Nguyễn sống một cuộc đời buồn như cái lư chẳng được đốt lên nữa. Người đọc hiện đại có thể rất ngạc nhiên khi chứng kiến cùng một thứ đồ vật, đôi bên đã xử sự khác nhau. Nhà văn cảm thấy sự tồn tại mòn mỏi ẩn chứa nhiều độc tố quanh cái lư đồng đặt nhầm chỗ. Nhạc sĩ ái quốc tìm thấy sự khơi gợi tự tôn dân tộc qua làn hương trầm, phục hồi lại cảm xúc những chuyến về nguồn. Cùng một thời đại, những chiếc lư hương giúp người ta đọc gì ở những cảm xúc đối ngược ấy? Chúng tựa như có chung mục đích giúp người ta suy tưởng về một lối thoát tinh thần.

Ta hãy thử nghĩ về phương diện công năng quen thuộc của cái lư hương, hoặc thứ gần gũi hơn là bát hương.

Thắp hương hay đốt trầm có lẽ là hành vi tín ngưỡng quen thuộc nhất với  người Việt. Đến lượt vật thể để cắm những que hương hay đựng những mảnh trầm được đốt cũng thành thứ gắn bó với đời sống: bát hương, đỉnh đồng, lư hương… Tất nhiên những dụng cụ này còn dùng cho mục đích khác, song cơ bản vị trí của chúng thuộc về những nơi mang tính biểu tượng tinh thần nhất trong ngôi nhà, chẳng hạn bàn thờ. Trong chốn đó, thắp một nén hương, người ta kỳ vọng kết nối với thế giới tâm linh, gồm các thánh thần cho đến những người đã khuất, thậm chí cả những vong hồn xa lạ.

Để hoàn thiện cảm giác tôn quý, lư hay bát hương cũng được tạo tác trang trọng hơn mức một vật thể có chức năng làm khuôn đựng hay nơi cắm vào. Gia cảnh nghèo khó thì cái bát hay cốc đựng gạo cũng có thể làm chỗ cắm chân hương.

Hình lư hương trên áp phích Hội chợ Hà Nội năm 1932. Ảnh: TL


Lưu Hữu Phước hay Nguyễn Tuân còn có lư hương, trong khi cùng thời, hai cô gái điếm trong truyện ngắn Tối ba mươi của Thạch Lam trọ trong một nhà săm trong đêm ba mươi Tết dĩ nhiên không có cả bát hương chứ đừng nói đến lư đồng. Các cô mua gạo về định đổ vào một cái cốc, rồi chợt nhận ra “cái cốc bẩn ở góc tường, mà cả đến những khách làng chơi cũng không thèm dùng đến, nàng định dùng làm bát hương cúng tổ tiên!”.

Họ đành cắm tạm lên tường trong đêm giao thừa. “Khói hương lên thẳng rồi tỏa ra mùi thơm ngát đem lại cho hai nàng kỷ niệm những ngày cúng giỗ ở nhà, khi hai chị em còn là những cô gái trong sạch và ngây thơ”. Mùi hương trầm là một liệu pháp của ký ức, thanh tẩy thực tại. Nó giúp các cô gái của Thạch Lam bớt ê chề. Nó giúp Lưu Hữu Phước và bạn đồng tâm thoát ly thực tại để hướng đến thế giới lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc. Chiếc lư đồng cũng giúp nhân vật Nguyễn Tuân lưu giữ ký ức phóng dật giữa cảnh đời mòn.

Khi nói đến những bộ đồ thờ bao gồm những lư hương hay đỉnh đồng, người ta nghĩ tới sự hoa mỹ cầu kỳ mang tính trang trí ban đầu nhằm tôn vinh thần linh và thế giới siêu nhiên. Nhưng dưới cái nhìn duy lý mà thế giới hiện đại đem lại, vẻ đẹp của các sản phẩm này có thể đo đếm. Chiếc lư đồng thành món cổ ngoạn, hô ứng với những quan niệm mà người Pháp đem vào thông qua những hoạt động bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Chùa chiền dưới mắt họ không chỉ là chức năng tôn giáo mà còn là di sản kiến trúc. Ở góc độ nào đó, tư duy này đã tạo ra một truyền thống thẩm mỹ mới và giảm đi lớp sương khói của tín ngưỡng.

Nguyễn Tuân thuộc lớp người đã thừa kế cái nhìn hiện đại hóa đó. Thay vì quan tâm đến vầng nhang khói hư ảo và mục tiêu thần thánh trú ngụ trên lư hương, đỉnh đồng hay bát nhang, ông săm soi cái lư đồng một cách kỹ lưỡng với cái nhìn lý tính và trực quan hơn. Trong khi đó, người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa về sau Mác-xít hóa như Lưu Hữu Phước lại viện dẫn đến quyền năng của hương khói cùng những thư tịch mang tính giáo khoa thư về các dấu tích cội rễ: “Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng” (Tiếng gọi thanh niên, 1941). Trên bìa tờ nhạc bản tiếng Pháp của bài ca này, Marche des Etudiants (“Hành khúc sinh viên”, bài ca của Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương, xuất bản 1943) in một chiếc lư hương nghi ngút khói.

*

Nhưng đỉnh, lư, hay lò hương, trong vốn văn chương kinh điển Á Đông, lại là thứ tiêu dao gắn với đời sống phù hoa hoặc cõi ẩn lánh trốn đời của kẻ sĩ. Truyện Kiều, danh tác trung đại Việt Nam quen thuộc nhất, đầy ắp những khói hương phi tín ngưỡng. Có thể nói, việc thắp hương hay đốt trầm là một hành vi thường nhật trong đời Kiều, nhiều đến mức có thể trở thành một biểu tượng thẩm mỹ của việc xây dựng nhân vật của Nguyễn Du.

Trong hơn ba ngàn câu thơ, nếu có 13 lần thắp hương thờ cúng với các đồ dùng như “nồi tâm hương”, “hương đèn” hoặc “dầu hương”, thì việc đốt hương trầm gắn với tình tự trai gái nhiều hơn hẳn, 22 lần. Nhiều cụm từ đã thành nhãn tự của tác phẩm này, có thể từ đó luận ra những mốc thăng trầm trong cuộc đời mười lăm năm lưu lạc của nhân vật chính: hương nguyền, hương thề, hương sớm trà trưa, hoa thải hương thừa, phấn thừa hương cũ, hương lửa đương nồng, hương lửa ba sinh, trầm bay lạt khói, hương bay dặm phần, đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa, vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa, khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa… Những câu như “đốt lò hương ấy so tơ phím này” hay “phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa” thành một thứ điển cố, tạo ra một truyền thống trích dẫn suốt hai trăm năm sau.

Lò hương nguyền tỏa khói cùng với những yên hoa, yên ba (khói sóng), phong sương, vân yên, mây khói… chồng lấn nhau về trường ý, tạo ra một màn sương huyền ảo của khung cảnh vẫn còn đủ sức phủ lên ngôn từ dòng văn nghệ lãng mạn thế kỷ XX, thậm chí đến tận thi ca đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn. Tập hồi ức văn chương của Đinh Hùng xuất bản sau khi ông mất mang cái tên xuất phát từ biểu tượng này: Đốt lò hương cũ (1971).

Hình lư hương trên những bản nhạc của Lưu Hữu Phước. Ảnh: TL


Khung cảnh hương khói của Truyện Kiều cũng tạo ra những điển mẫu về mô tả. Đầu thế kỷ XIX, lầu xanh của Tú Bà: “Giữa thì hương nến hẳn hoi/ Trên treo một tượng trắng đôi lông mày”, thì hơn một thế kỷ sau, cảnh nhà hát cô đầu ở phố Khâm Thiên được đặc tả nhiều ngụ ý gợi nhớ chốn thanh lâu: “Trên tủ, đỉnh đồng, hoa giấy, lư hương. Hai bên phòng, tràng kỷ, mắc áo tủ gương; lại vẩn vơ vài chiếc đàn lủng lẳng giữa tường vôi xanh lợt. Kể ra bày biện rất sơ sài, nhưng trông sạch mắt, phong lưu lắm. Chị Đốc thực là người lịch duyệt!” (TchyA, Cõi nát bàn của dân bẹp, Hà thành ngọ báo 23.8.1932).

Ở đây, có đến mấy làn hương: hương trầm, hương thơm son phấn và hương khói thuốc phiện. Một người từng là “dân bẹp” cũ, Vũ Bằng, đã gọi những khung cảnh các xóm hát cô đầu này là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba chục năm về trước”. Sự hoài niệm này cung cấp bằng chứng về sự có mặt ở chốn ca kỹ phấn hương của rất nhiều văn nghệ sĩ làm nên chân dung nghệ thuật Việt Nam thời 1940, nó thấp thoáng ánh xạ của những ca lâu tửu điếm Paris quen mặt các văn nghệ sĩ tìm thú “hội hè miên man” (Hemingway) hay những xóm Bình Khang, nơi lui tới của các tân khoa tấn sĩ thành Trường An.

Sự chuyển hóa câu chuyện hương khói thờ phượng sang hương khói tình tự được kế thừa bằng tính cổ điển tựa như một truyền thống của giới trí thức Tây học kế thừa các nhà nho tài tử, có từ những truyện tài tử giai nhân như Tú Uyên gặp Giáng Kiều ở chốn thiền môn. Người đọc gặp lại môtip này trong bài thơ Chùa Hương (1934) của Nguyễn Nhược Pháp, dưới dạng “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Cô gái tuổi mười lăm đi hội xuân chùa Hương cũng như nàng Kiều tuổi cập kê đi lễ Thanh minh hội ngộ chàng Kim. Mùi hương cầu khấn Trời Phật hay khóc người bạc mệnh Đạm Tiên đều thoắt hóa hương tình. Cùng một tâm thế với phút gặp gỡ “trăm năm có biết duyên gì hay không” của Kiều, sau cuộc hội ngộ với chàng văn nhân, cô thiếu nữ đã động tâm lãng mạn hóa một mùi hương tôn giáo: “Đêm hôm ấy em mừng! Mùi trầm hương bay lừng… Em mơ, em yêu đời!”. Mùi hương đã nhuộm cho ái tình sắc thái hư ảo.

*

Lịch sử đã làm công việc biến thiên của nó khi bối cảnh đất nước đầu thập niên 1940 sôi sục những bài ca ái quốc của Lưu Hữu Phước đẫm hương khói viếng Hồn tử sĩ: “Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ… Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng” hay cầu nguyện Người xưa đâu tá: “Hồn con hương ngát kính cẩn dâng lên Hai Bà”. Trên bìa những tờ nhạc này thời kỳ đầu, hình ảnh minh họa tiếp tục là một lư hương. Những buổi biểu diễn những bài ca ái quốc của nhóm Hoàng Mai Lưu gồm ban đồng ca 10 người, “mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề đứng sau một bộ lư đồng tỏa hương nghi ngút đặt trên bục cao” (Huỳnh Văn Tiểng). Với lời kêu gọi Lên đàng hay Xếp bút nghiên, Lưu Hữu Phước thành người dấn thân vào cuộc cách mạng tự giác trước khi gặp cuộc cách mạng của xã hội.

Ngược lại, chiếc lư đồng tương tự không nhả một làn khói tương tự với Nguyễn Tuân. Ông kể lại, "Nhật đảo chính Pháp, không khí khắp nơi sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa, tôi vẫn không hề hay biết gì. Chiều ngày 9.3.1945, tôi còn nằm bẹp tại nhà một cô đầu ở Khâm Thiên. Đêm, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, tôi vẫn nằm ở nhà hát bà Chu. Sáng ra, sau khi ngớt tiếng súng, tôi mới khăn đóng áo the ra đường, về nhà ở phố Cầu Mới. Thấy tôi về, cả nhà rất mừng, muốn giữ tôi ở nhà lâu lâu, chờ cho tình hình yên ổn. Nhưng chỉ được mấy hôm, tôi lại lặng lẽ xuống phố, lại vào nhà cô đầu...". (Ngọc Trai, Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân). Dường như Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn của Chiếc lư đồng mắt cua. Dù chào mừng cách mạng, ông vẫn là người “tư tưởng không vững vàng” như chính ông tự kiểm điểm vì đã viết trong một bài báo năm 1946: “Bây giờ, hễ thấy chỗ nào có treo cờ, bất kể là cờ gì, tôi đều sợ”. Tất nhiên, Nguyễn Tuân rốt cục cũng “chung một bóng cờ” với Lưu Hữu Phước, cho dù là trên một con đường “gập ghềnh xa”.

Bìa cuốn Tục lụy (Khái Hưng, 1937) và phiên bản chỉnh sửa sau này có tên Trần duyên của Thế Lữ và Lưu Hữu Phước. Ảnh: TL


Ngay cả với một người ôm mộng làm tráng sĩ như Lưu Hữu Phước, con đường sáng tạo của nghệ sĩ không một chiều. Nó còn có những ngã rẽ lãng mạn. Đón Tết Quý Mùi 1943, các nữ sinh Trường Đồng Khánh Hà Nội muốn dựng kịch thơ Tục lụy của Khái Hưng do nhà thơ Thế Lữ chuyển thể. Trần Văn Khê kể lại: “Theo đề nghị của Thế Lữ, ngại rằng nếu ngâm thơ suốt cả giờ đồng hồ sẽ khiến khán giả nhàm chán, đoàn kịch phái cô Minh Nguyệt đại diện đến tìm Lưu Hữu Phước để nhờ phổ nhạc các bài thơ trong vở kịch”.

Đầu tiên Lưu Hữu Phước từ chối vì chỉ sáng tác nhạc chứ chưa bao giờ phổ thơ, song người đẹp tươi cười khẩn khoản: “Xin ông cố một tí giúp chị em tôi ông nhé!”. Lưu Hữu Phước xiêu lòng và thức ba đêm trắng để phổ nhạc “Khúc Nghê Thường” với những nhân vật Nhã Tiên, Thi Tiên và Diễm Tiên cho kịp biểu diễn ngày 23.1.1943. Ở đây, Thế Lữ và Khái Hưng là những tác giả của nhóm Tự lực Văn đoàn, dường như đối nghịch thẩm mỹ nghệ thuật với Lưu Hữu Phước, song sự kết hợp đã tạo ra thành tựu khai mở cho thể loại ca kịch Việt Nam.

Lưu Hữu Phước còn có một bài hát “tặng cô J. Thu Hương” trên bối cảnh dòng sông Hương: “Làn hương ơi! Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong mơ” (Hương Giang dạ khúc, 1943). Trên bản nhạc do nhóm Hoàng Mai Lưu của chính Lưu Hữu Phước chủ trì xuất bản năm 1946, ghi “nhạc sĩ vô danh” và bài hát cũng không có mặt trong các tuyển tập nhạc khi tác giả còn sống. Sau này ông trở thành tác giả nổi bật của dòng nhạc cách mạng, thậm chí còn là chính khách. Liệu có phải ông đã chối từ những “mảnh hương nguyền” của mình? Phải chăng cảm hứng từ nàng thơ trường Đồng Khánh chỉ đủ tạo ra một góc diễm ảo nhỏ trong đời ông? Những bài hành khúc dường như đã lùi vào đền đài kỷ niệm của các cuộc chiến tranh. Nhưng dù hương khói đã tan, bất kể lý do gì, chiếc lư trầm chàng trai 19 tuổi Lưu Hữu Phước thắp lên ở một gác trọ Hà Nội đã thực sự làm nên một biểu tượng lãng mạn của thời đại ấy.

Nguyễn Trương Quý

Nguồn: Người đô thị, ngày 19.6.2021.

Thông tin truy cập

63687121
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7413
23426
63687121

Thành viên trực tuyến

Đang có 995 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website