Có hay không tiểu loại truyện cổ tích lũy tích ở Việt Nam?

Tiểu loại cổ tích lũy tích là vấn đề ít được nghiên cứu, thậm chí đến này tiểu loại này vẫn chưa được nhiều quốc gia thừa nhận. Khảo sát truyện cổ tích loài vật ở Việt Nam, chúng tôi thấy có 5/11 type truyện Việt Nam tương thích với Bảng phân loại của V. Ia. Propp và 6 type truyện xuất hiện trong truyện dân gian Việt Nam. Căn cứ vào cấu trúc, kết cấu của các truyện khảo sát, chúng tôi tin rằng ở Việt Nam có tiểu loại truyện cổ tích lũy tích. Bài viết cũng cho thấy hướng nghiên cứu truyện cổ tích lũy tích trong truyện dân gian Việt Nam là có triển vọng mà bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc đặt vấn đề.....

Từ khóa: cổ tích lũy tích, bảng phân loại của V. Ia. Propp

            So với các thể loại/tiểu loại khác, tiểu loại cổ tích lũy tích được xem là đứa con “sinh sau đẻ muộn”, thậm chí đến này tiểu loại này vẫn chưa được nhiều quốc gia nghiên cứu, thừa nhận. Riêng ở Việt Nam, chúng tôi chưa thấy bài viết nào về thể loại cổ tích lũy tích, có chăng là trong một số luận án, bài báo nhắc đến kết cấu xâu chuỗi1.

            Ở các nước, tình hình có vẻ khác. V. Ia. Propp đã thống kê được một số bài viết đề cập đến tiểu loại này như công trình Kettenmarchenstudien của M. Haavio (dẫn theo V. Ia. Propp, tr.730) hay như bài viết Formelmarchen của A.Taylor (dẫn theo V. Ia. Propp, tr. 730). Nhìn chung, ở các nước như Hòa Kỳ, Đức, Pháp thuật ngữ truyện cổ tích lũy tích đã được thừa nhận và hơn thế nữa, một số vấn đề liên quan của thể loại đã được nghiên cứu, tìm hiểu. Tiếc rằng các tài liệu này chưa được chuyển dịch sang tiếng Việt.

            Trong tình cảnh khan hiếm thông tin như vậy, chúng tôi may mắn tìm được 02 tài liệu về tiểu loại này, đó là bài viết “Cổ tích lũy tích” của V. Ia. Propp được in trong “Tuyển tập V. Ia. Propp” – tập 2 (phần này do Trần Phương Phương dịch sang tiếng Việt) và một số type truyện của chương IV. Formula tales được in trong The types of the folklore của A. Aarne và S. Thompson. Hai tài liệu này vừa mang tính gợi mở, vừa mang tính định hướng và cũng vừa cung cấp cơ sở lý luận để chúng tôi hình thành bài viết này. Trong tình hình chung đó, bài viết của chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết một số vấn đề sau:

-         Nhận diện về tiểu loại cổ tích lũy tích.

-         Khảo sát truyện dân gian Việt Nam để trả lời câu hỏi có hay không cổ tích lũy tích ở Việt Nam?

  1. 1.Cổ tích lũy tích - như là một tiểu loại2

            Về tên gọi, ngoài tên gọi cổ tích lũy tích, tiểu loại này còn có tên gọi khác là cổ tích xâu chuỗi (chain tales). Thực tế cho thấy rằng, về mặt kết cấu, các truyện kể này có tính chất xâu chuỗi rất rõ: kết thúc hành động này là bắt đầu một hành động khác. Tuy nhiên, so với “nội hàm” của tiểu loại thì tên gọi này “quá hẹp” vì thực tế cho thấy truyện cổ tích lũy tích được xây dựng không chỉ theo nguyên tắc xâu chuỗi, mà còn theo cả những hình thức hết sức đa dạng của sự kết hợp, chồng chất, tích lũy, thường kết thúc bằng một tai nạn vui vẻ nào đó.

            Về mặt từ nguyên, trong tiếng Anh, tiểu loại này thuộc loại formula-tales và được gọi tên cumulative, accumlative stories (từ cumulative có gốc từ từ cumulare trong tiếng La-tinh, có nghĩa “tích lũy, chồng chất, tăng tiến”). Trong tiếng Đức, ngoài thuật ngữ Kettenmarchen còn có hai thuật ngữ khác là Haufungmarchen – cổ tích chồng xếp hay Zahlmarchen – cổ tích liệt kê. Trong tiếng Pháp chúng được gọi là randounées, có nghĩa đen là xoay quanh một vị trí. Đặc điểm chung của các thuật ngữ trên là: đều nói về sự chồng chất nào đó. Như vậy, “điểm nhấn” của tiểu loại này không phải là những “sự kiện” thú vị, hay những nội dung lôi cuốn mà ngược lại, phụ thuộc vào “sự chồng chất dưới những hình thức đa dạng” và “sự tăng tiến kinh khủng của những hậu quả và kết cục thảm hại bắt nguồn từ chúng”. Chẳng hạn một số truyện thường bắt đầu bằng sự kiện quả trứng bị vỡ nhưng nó dẫn đến một kết thúc bi thảm là cháy cả khu làng.

            Về cấu trúc,  Propp cho rằng “cần phải đặt ra nguyên tắc xác định cổ tích theo cấu trúc của chúng”. Theo đó, ông chia truyện cổ tích lũy tích thành 2 loại:

-                  Một loại có thể gọi theo thuật ngữ tiếng Anh formula-tales truyện công thức. Nhưng truyện cổ tích này là công thức thuần túy, là sơ đồ thuần túy. Chẳng hạn như truyện Ngôi nhà của ruồi3. Ruồi xây (hay tìm thấy) một ngôi nhà. ||: rận xin vào ở (resp4. muỗi, chuột, thằn lằn, thỏ, cáo, gấu) :|| Gấu ngồi lên ngôi nhà, đè bẹp nó (Andr. *282). Tất cả chúng được chia thành những mắt xích cú pháp có hình thức giống nhau được lặp đi lặp lại. Tất cả các câu nói đều rất ngắn và cùng loại. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng cổ tích lũy tích có thể có hình thức không chỉ bằng văn xuôi, mà còn bằng văn vần. Những chuyện như thế có thể gặp không chỉ trong các bộ sưu tầm truyện cổ tích, mà còn trong các bộ sưu tầm bài hát dân gian như đồng dao, ca dao.

-                  Loại thứ hai có thể gọi là “sử thi”. Nó cũng được tạo thành từ những mắt xích tự sự giống nhau, nhưng mỗi mắt xích đó có thể về cú pháp được hình thành khác nhau và tỉ mỉ nhiều ít khác nhau. Tên gọi “công thức” không thích hợp với chúng. Khuôn mẫu của loại cổ tích lũy tích này có thể kể đến truyện Đổi chác. Nhân vật đổi con ngựa lấy con bò, đổi con bò lấy con heo, và v.v… cho đến khi đổi lấy cái kim mà anh ta đánh rơi mất, thành ra phải trở về nhà tay không (Andr. 1415, Bảng tra cứu A-T 1415).

            Như vậy, thủ pháp nghệ thuật chủ yếu của tiểu loại này là ở việc lặp lại nhiều lần một chuỗi hành động hay yếu tố, trong khi chuỗi mắt xích được tạo ra theo cách thức đó còn chưa bị đứt đoạn hay chưa bị tháo tung ra theo trật tự ngược lại.

            Về mặt kết cấu, truyện cổ tích lũy tích bao gồm 3 phần: mở đầu, lũy tích và kết thúc. Mở đầu thường bắt nguồn từ một sự kiện không đáng kể nào đó, hoặc một tình huống hết sức bình thường trong cuộc sống: ông trồng cây củ cải, bà nướng bánh tròn,.. Sự mở đầu như thế không thể gọi là thắt nút của câu chuyện, bởi vì hành động phát triển không phải từ bên trong, mà từ bên ngoài, phần lớn hoàn toàn ngẫu nhiên và bất ngờ. Sự bất ngờ đó là một trong những hiệu quả nghệ thuật chủ yếu của loại truyện cổ tích như vậy. Sau đoạn mở đầu là một xâu chuỗi (sự tích lũy). Các phương thức gắn kết đoạn mở đầu với xâu chuỗi rất đa dạng, phong phú. Chẳng hạn như truyện cổ tích về Cây củ cải (Andr. 1960 * D I), việc xâu chuỗi được tạo ra là do cây củ cải bám chắc xuống đất quá, không thể nào nhổ lên được, và người ta cứ phải gọi thêm những người trợ thủ mới, hết người này đến kẻ khác. Trong truyện cổ tích Nhà của con ruồi (Andr. *282), con ruồi xây nhà hay cư ngụ ở trong một ống tay áo bỏ đi hay trong một cái đầu lâu. Nhưng rồi lần lượt xuất hiện những con vật ngày một to hơn đến xin được vào nhà: ban đầu là con rận, con bọ chét, sau đến con muỗi, con ếch, con chuột, con thằn lằn, tiếp theo là thỏ, cáo và các con thú khác. Cuối cùng là con gấu, kẻ kết thúc mọi chuyện bằng việc ngồi lên trên ngôi nhà đó và đè bẹp tất cả. Việc gắn kết các mắt xích, như đã nói, có thể theo hai cách: khi xuất hiện mắt xích mới thì tất cả các mắt xích cũ được nhắc lại (bởi người kể chuyện hay nhân vật của truyện cổ tích dưới hình thức kể lể hay khoác lác). Sơ đồ của sự tích lũy đó: a + (a + b) + (a + b + c) +... Trong trường hợp này, trước khi liệt kê các mắt xích sẽ có từ respective (tương ứng), ở đây có nghĩa là “sau khi tất cả các mắt xích trước đó được liệt kê”. Mỗi lần mắt xích mới được nối vào thì tất cả những mắt xích trước đó được nhắc lại. Ví dụ  cho kiểu gắn kết này là truyện Ngôi nhà của con ruồi. Mỗi con vật đến nhà đều hỏi: “Nhà ơi, nhà ơi, ai sống ở trong đây?”. Kẻ trả lời kể tên tất cả những ai đã đến, nghĩa là ban đầu là một con, sau là hai, sau đến là ba và cứ như thế. Vẻ đẹp của những truyện cổ tích đó nằm ở chính trong sự lặp lại này. Toàn bộ ý nghĩa của chúng là ở sự trình diễn khéo léo, nghệ thuật. Hình thức tích lũy thứ hai đơn giản hơn: các mắt xích lần lượt nối tiếp nhau không có sự lặp lại các mắt xích trước theo sơ đồ a + b + c +… Ở đây các mắt xích được liệt kê lần lượt theo thứ tự. Nhìn chung, các nguyên tắc xâu chuỗi nhiều khi không đòi hỏi sự hợp lý nào cả. Logic ở đây không cần thiết, người ta không tìm kiếm, không đòi hỏi nó. Sự tăng tiến có thể diễn ra từ xấu đến tốt hay ngược lại. Ở đây, tương ứng với sự chồng chất hay tăng tiến các sự kiện là sự chồng chất, lặp đi lặp lại những đơn vị cú pháp hoàn toàn giống nhau (chỉ khác ở chổ chúng chỉ các chủ thể hay khách thể mỗi lúc mỗi nơi), và những yếu tố cú pháp khác. Đoạn mở nút cũng thường được đặt trong một, hai câu. Nếu như có những trường hợp hoàn toàn không có đoạn mở nút thì mắt xích cuối cùng đồng thời làm kết truyện luôn.

            Như vậy, các truyện cổ tích lũy tích khác với các loại truyện khác về cấu trúc, kết cấu lẫn phong cách, cách dùng từ, hình thức trình diễn.

            Sau khi xây dựng cơ sở lý luận cho thể loại này, V. Ia. Propp đã giới thiệu các mẫu của bảng phân loại truyện lũy tích Nga do ông lập. Bảng này gồm 11 type truyện. Đó là các type như:

  1. I.Type truyện sai đi hay đuổi theo;
  2. II.Type truyện bị ăn thịt (bị ăn hay thoát được);
  3. III.Type truyện đổi chác;
  4. IV.Type truyện xin được vào nhà hay bị đuổi khỏi nhà (hay không cho vào nhà);
  5. V.Type truyện xin lên xe trượt tuyết;
  6. VI.Type truyện tậu được hay được thưởng;
  7. VII.Type truyện những hành động không đúng lúc;
  8. VIII.Type truyện từ chối giúp đỡ;
  9. IX.Type truyện dính vào nhau, đứng lên trên nhau;
  10. X.Type truyện chết vì những chuyện vớ vẩn;
  11. XI.Type truyện hỏi, liệt kê, kể đi kể lại nhiều lần.
  1. 2.Có hay không cổ tích lũy tích ở Việt Nam?

            Dựa vào cơ sở lý luận vừa trình bày, chúng tôi sẽ khảo sát truyện dân gian Việt Nam – chủ yếu là các truyện kể thuộc kiểu truyện con vật tinh ranh - để trả lời cho câu hỏi có hay không tiểu loại cổ tích lũy tích ở Việt Nam? Chúng tôi sử dụng Bảng phân loại của V. Ia. Propp như là cái khung dựng sẵn, cố định rồi đem các truyện dân gian Việt Nam đối chứng. Nếu truyện nào có sự tương thích thì chúng tôi sẽ xếp vào tiểu loại cổ tích lũy tích; nếu truyện nào không tương thích nhưng có kết cấu, cấu trúc của tiểu loại này cũng được chúng tôi xếp vào nhóm type truyện của Việt Nam. Sau đây là kết quả đối chứng:

  1. 2.1.Các type truyện tương thích với Bảng phân loại cổ tích lũy tích Nga

Type truyện II: bị ăn thịt (bị ăn hay thoát được)

         Có thể có 4 cách kết hợp: chuỗi phủ định cho kết cục khẳng định (nhiều lần thoát bị ăn thịt, nhưng cuối cùng thì bị ăn thịt); chuỗi khẳng định cho kết cục phủ định (việc ăn thịt lặp lại nhiều lần, nhưng cuối cùng mọi người đều thoát ra được); chuỗi khẳng định cho kết cục khẳng định (tất cả đều bị ăn thịt); chuỗi phủ định cho kết cục phủ định (tất cả đều không đem lại kết quả gì).

            Type truyện này tương thích với truyện Chàng sếu (Khơ me). Hạn hán, cá lóc nhờ sếu đưa ra sông. Sếu lần lượt ăn thịt từng con một. Đến phiên mình, tôm kẹp vào cổ sếu và bắt sếu phải chở về sông. Sếu bị dìm chết. Type này còn tương thích với truyện “Thỏ làm chúa tể sơn lâm” (Nùng): Sư tử “ra lệnh cho các loài thú phải lần lượt thay phiên nhau đến nộp mạng cho sư tử. Mỗi lần, hễ có một con nào đến phiên phải đi nộp mình cho sư tử thì cả rừng đều rủ nhau tới chia buồn và tìm lời an ủi” [5, tr 129]. Đến phiên, thỏ bày mưu cho sư tử ăn con vật to hơn là bóng của sư tử dưới nước. Sư tử lao xuống nước vồ bóng mình, chết. Cả hai truyện này đều thuộc cách kết hợp: chuỗi khẳng định cho kết cục phủ định.

            Type truyện III: đổi chác

          Việc đổi chác có thể thực hiện theo hướng đi lên (từ xấu đến tốt) hoặc ngược lại đi xuống (từ tốt đến xấu).

            Type này tương thích với truyện Chàng ngốc được kiện (Kinh): Làm thuê cho trọc phú một thời gian dài, chàng ngốc được trả công bằng ba nén vàng (giả)5 sáu thỏi bạc (thực ra là chì) nghìn tờ giấy một cái chong chóng con niềng niễng à bay mất và được bồi thường “đủ số vàng bạc”. Còn truyện Thỏ và Hổ (Cơ ho) cũng có chi tiết kể rằng: Thỏ dụ đưa thỏ đến nhà M’tao đổi trâu bò, của cải. Vào gặp M’tao trước, thỏ nói “đổi 1 cô gái trẻ, xinh lấy một chiêng núm” và giao hẹn: không nghe tiếng chiêng mới được gặp cô gái (thực ra là bà già Rít). Thỏ đổi chiếc chiêng lấy tử thi. Đổi cô gái đẹp xinh (tử thi) lấy hai trâu. Rồi xui hai trâu giết nhau để ăn thịt.

            TruyệnThỏ chọn bạn đổi công (Ê đê) kể rằng: Thỏ đổi công cho những con vật biết đẻ trứng để ăn trứng của chúng. “Hay là chúng mình lấy trứng của bạn rùa luộc ăn trước đi” [6, tr. 129]… Khi công đẻ trứng, đi làm cho công thì được ăn trứng công, đến lượt gà đẻ, đi làm cho gà thì được ăn trứng gà [6, tr 130]. Đến phiên, công đề nghị ăn trứng thỏ. Thỏ chạy đi lấy nhộng của ong vò vẽ cho các con vật ăn, tông tổ ong và bị ong cắn gãy đuôi. Chúng tôi xếp truyện này vào type mở rộng của type đổi chác.

            Type truyện VII: những hành động không đúng lúc

            Type này tương thích với các truyện Làm theo lời vợ dặn (Kinh), Chàng ngốc săn hươu (Hà Nhì), Chàng rể ngốc (Tày). Các truyện này kể về chàng Ngốc với hàng loạt hành động ngu ngốc của anh ta trong khi làm theo lời vợ dặn. Hay nói rõ hơn, chàng ngốc máy móc áp dụng lời vợ dặn cho sự cố lần này vào tình huống của lần kế tiếp. Tất nhiên, đây là “những hành động không đúng lúc” cho nên anh đã gặp thất bại.

            Ngoài ra, trong truyện dân gian Việt Nam, chúng tôi còn thấy xuất hiện một truyện mà những hành động vô tình nhưng lại… đúng lúc. Đó là truyện Chàng ngốc học khôn. Truyện kể rằng: thấy chồng quá ngốc nên vợ bỏ về nhà bố mẹ đẻ và định cưới chồng khác. Sau khi học lóm được một số câu như “Thênh thênh ngồi đám cỏ xanh hơn ngồi chiếu hoa”, “thập thò, thập thò, lo chẳng chết”, “thượng điền tích thủy hạ điền khan”, “đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố”, “Thôi, cơm no rượu say, tôi xin vô phép, mai ta lên quan sớm”,… chàng ngốc qua nhà bố mẹ vợ - đúng lúc gia đình này đang bày tiệc để cưới chồng mới cho con gái. Nhờ những câu nói vô tình nhưng lại…đúng lúc đó làm cho mọi người tưởng anh hết… ngốc nên họ nể sợ và trả lại vợ cho anh! Truyện này thuộc type mở rộng của type những hành động không đúng lúc.

            Type truyện IX: dính vào nhau, đứng lên trên nhau

         Trong type truyện này, chúng ta có một xâu chuỗi (cơ thể) con người hay con vật. Chuỗi đó tạo thành hoặc theo hàng ngang (dính vào nhau), hoặc theo chiều dọc (chồng lên nhau), hoặc xuống dưới (tụt xuống dưới, treo mình vào nhau).

            Trong truyện dân gian Việt Nam có truyện Thỏ, Y Rít và các con vật (Ê đê) có nhiều nét tương thích: Thỏ sai Y Rít trùm chăn và ngồi trên thân gỗ mục giữa ao. Thấy lạ, mang “gặp con gì cũng kể cái điều nó vừa trông thấy. Một lúc, hươu, nai, khỉ, gấu, voi, hổ,… kéo nhau đến bờ ao đứng nhìn” [9, tr 298]. Lần lượt mang, heo rừng, nai, hổ, beo, trâu, gấu, voi,… để rùa leo lên lưng đoán xem con vật kỳ lạ kia là con vật gì?! Đúng lúc này, Y Rít nhận được ám hiệu của thỏ quẩy mạnh và hét lớn. Các con vật sợ quá, xô nhau chạy xéo lên nhau chết. Thỏ bảo Y Rít nhặt về mà ăn thịt. Truyện này thuộc type mở rộng của type dính vào nhau, đứng lên trên nhau.

              Type truyện XI: hỏi, liệt kê, kể đi kể lại nhiều lần

           Loại này gồm những truyện, trong đó sự tích lũy được tạo nên chỉ bằng các đối thoại. Các cuộc đối thoại thực ra cũng có trong các truyện cổ tích khác, nhưng ở đó, ngoài đối thoại còn có hành động. Còn ở đây, toàn bộ truyện cổ tích dựa trên những câu hỏi và câu trả lời, rồi lại hỏi lại.

            Type này tương thích với đoạn đầu của truyện Thỏ và hổ (Ê đê): Ăn vụng cá bị phát hiện, thỏ lấy số đông để hù dân làng: “À, đây những ba người cơ! Các anh có tài giỏi thì hãy thử đấu sức đã… Lát sau, họ kéo tới, cả thảy bốn người… À, đây những năm người cơ! Các anh có tài giỏi thì hãy thử sức đã… Giằng giai đi đi về về mỗi lần một đông hơn, nhưng lần nào số người đi lấy cá vẫn cứ ít hơn bọn người lên tiếng hăm dọa, thách thức” [2, tr 228].

         Như vậy, có 5/11 type truyện của Việt Nam tương thích, tương cận với Bảng phân loại của V. Ia. Propp. Các type truyện không thấy xuất hiện trong truyện dân gian Việt Nam gồm type sai đi hay đuổi theo, type xin được vào nhà hay bị đuổi khỏi nhà (hay không cho vào nhà); type xin lên xa trượt tuyết (xe ngựa, thuyền); type tâu được hay được thưởng; type từ chối giúp đỡ và type chết vì những chuyện vớ vẩn.

  1. 2.2.Các type truyện lũy tích khác trong truyện dân gian Việt Nam

            Trong công trình của S. Thompson (1928), các truyện cổ tích lũy tích đã được dành cho 200 mục (từ 2000 – 2199, Culmulative tales). Tuy mới chỉ dẫn được 22 type truyện nhưng tác giả dành khá nhiều “đất” cho tiểu loại này. Điều này có nghĩa là tác giả ý thức được rằng các type truyện thuộc tiểu loại này trong truyện dân gian các nước còn rất nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tác giả mời gọi chúng ta “lấp kín dần6” các Bảng tra cứu này. Liệt kê một số type truyện cổ tích lũy tích trong truyện dân gian Việt Nam là một nổ lực để góp phần khắc phục tình trạng trên.

  1. Type truyện mang thách thức cho hai đối thủ xuất hiện trong một số truyện như: Thỏ và hổ (Ba Na), Thỏ và hổ (Ê Đê), Thỏ Rơ Pai (Cơ, Mạ), Chuyện con thỏ ranh mãnh (Xê Đăng). Thỏ gặp trâu đen bảo “trâu trắng nói xấu trâu đen”. Gặp trâu trắng thì nói ngược lại. Hay như truyện Thỏ, trâu và heo rừng (Ê Đê) thì kể rằng: Sau khi lừa đổi được hai trâu, thỏ xúi hai con vật húc nhau. Nó đến bên trâu trắng nói “này, trâu đen đang mài sừng để húc anh đó”. Đến gần trâu đen, thỏ lại nói “Coi chừng trâu trắng ghen ăn muốn húc anh chết đó. Hai trâu “xông vào húc nhau chí tử”.Type này cũng tương thích với type 59* của Bảng tra cứu A-T.
  2. Type truyện cuộc chiến giữa thỏ và ốc. Trong cuộc chiến này, thỏ - con vật chạy nhanh lại thua cuộc con ốc – là con vật chậm chạp. Trong cuộc đua này, ốc sắp xếp cho cả họ nhà ốc dàn sẵn trên đường đua nên chay đến đâu thỏ cũng nghe tiếng ốc phía trước: “Có tôi đây”, “tôi ở đây rồi”, “tôi đến đây rồi kia mà”[8, tr. 181]. Type này còn xuất hiện trong một số truyện khác như Ốc được cuộc (Xê đăng và Ka dong), Thỏ và ốc (Ê đê).
  3. Type mẹo tâm lý. Con vật thông minh thuyết phục rằng ngồi bên cạnh tổ chim, cái mà nó gọi là trống của vua, đã được cho canh giữ, và còn phỉnh lừa rằng hãy chơi trống. Tổ ong thì nói là cái trống; con trăn thì lại bảo là chiếc khăn;cây tre thì lại bảo là chiếc kèn… Type này xuất hiện trong các truyện như: Thỏ và hổ (Ba ntđê), Thỏ và cọp (Cơ hđăng).
  4. Type xui bẩy. Do chơi khăm, nhân vật tinh ranh bị đối thủ rượt đuổi. Nó trốn trên cây, trong ché rượu, trên nóc nhà, trong kho lúa,… và xui đối thủ phá hỏng các vật dụng mới giết được nó. Các vật dụng hỏng hóc còn nhân vật tinh ranh thì chạy thoát. Hình thứcxui bẩy này có trong các truyện Thỏ và cọp (Cơ hnông).
  5. Type truyện nhờ vả và giao nhiệm vụ. Truyện Con thỏ đi săn thịt cho chằng tinh ăn/Đàn thú đi săn thịt (Chăm), Con thỏ đi chài cá (Cơ ho) có cùng nội dung: Thỏ lần lượt đến gặp heo, nai, trâu, voi và nhờ sắm giúp cá để cúng: “Cậu bây giờ có việc phải cúng bảy ngày, bảy đêm. Mọi thứ con gà, con chuột, con dím,… cậu sắm sửa đủ các rồi, chỉ thiếu con cá thôi. Muốn nhờ cháu kiếm cho ít cá đây! [9, tr 565]. Các con vật thay phiên nhau phơi cá và đều bị Ó đánh. Đến phiên, thỏ dùng mưu và bắt được Ó. Khác với type truyện sai đi hay đuổi theo trong Bảng phân loại của Propp (kẻ đầu tiên gặp từ chối, bảo đến kẻ thứ hai, kẻ thứ hai bảo đến kẻ thứ ba… như chuỗi hiệu ứng Đôminô), ở đây chỉ có con vật tinh ranh chủ động nhờ các con vật khác theo công thức lũy tích. Và nữa, việc giao nhiệm vụ canh cá cũng được thực hiện theo công thức lũy tích.
  6. 6.Type truyện tự thưởng xuất hiện trong truyện Hai con rái cá. Hai con rái cá chưa thống nhất cách chia cá. Sói chia hai phần. Hai rái cá lại so bì. “Sói bỏ cành cây buộc làm chiếc cân để cân thăng bằng, rồi bỏ hai miếng cá lên hai đầu. Hễ miếng cá bên nào nặng thì nó cắn bớt một miếng rõ to, để cho lệch đòn cân về phía bên kia. Cứ như thế, sói hết cắn bên này một miếng, lại cắn bên kia một miếng cho đến khi chỉ còn lại hai khúc xương” [8, tr 189]. Khác với type truyện tậu được hay được thưởng trong Bảng phân loại của V. Ia. Propp, ở type truyện này con vật tinh ranh lại dùng mưu kế để “tự thưởng” hay nói chính xác hơn là để chiếm đoạt một cách tinh vi.

            Ngoài các truyện lũy tích có hình thức bằng văn xuôi, còn có nhiều truyện cổ tích lũy tích bằng văn và thậm chí nó còn xuất hiện cả trong một số bài ca dao, đồng dao, các bài hát nữa. Sau đây xin dẫn chứng bằng một số bài đồng dao:             

Chim ri là dì sáo sậu

Sáo sậu là cậu sáo đen

Sáo đen là em tu hú

Tu hú là chú bồ các

Bồ các là bác bồ nông

Bồ nông là ông sáo sậu

Sáo sậu là cậu chim ri

Chim ri...

Hay:

Kỳ nhông là ông kỳ đà

Kỳ đà là cha cắc ké

Cắc ké là mẹ kỳ nhông

Kỳ nhông...

Hay:

Bí ngô là cô đậu nành

Đậu nành là anh dưa chuột

Dưa chuột cậu ruột dưa gang

Dưa gang cùng hàng dưa hấu

Dưa hấu là cậu bí ngô

Bí ngô...

Và đặc biệt là bài đồng dao:

Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo

Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút

Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa

Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính

Ông trăng xuống chơi đền thánh thì cụ chánh cho mõ.

Ông trăng xuống chơi nồi chõ thì nồi chõ cho vung

Ông trăng xuống chơi cành sung thì cành sung cho nhựa

Ông trăng xuống chơi con ngựa thì con ngựa cho tầu

Ông trăng xuống chơi cần câu thì cần câu cho lưỡi

Ông trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa

Ông trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái

Ông trăng xuống cô gái đẹp thì gái đẹp cho chồng

Ông trăng xuống anh đàn ông thì đàn ông cho vợ…

 

Ông trăng trả vợ đàn ông trả chồng cô gái trả trái cây cà

Trả hoa cây bưởi trả lưỡi cần câu trả tầu con ngựa

Trả nhựa cây sung trả vung nồi chõ trả mõ ông chánh

Trả lính nhà vua trả chùa cho bụt trả bút học trò.

Trả mo cây cau ! Trả mo cây cau ! Trả mo cây cau !

            Như vậy, ở trên chúng tôi đã liệt kê được 06 type truyện cổ tích lũy tích xuất hiện trong truyện dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã dẫn ra 04 bài đồng dao được xem là có “yếu tố” lũy tích.

  1. 3.Một số kết luận rút ra

            Căn cứ vào kết quả khảo sát trên, chúng tôi tạm rút ra một số kết luận sau:

-   Ở trên, chúng tôi khảo sát truyện dân gian Việt Nam – chủ yếu là các truyện kể thuộc kiểu truyện con vật tinh ranh. Kết quả đối chiếu cho thấy có 5/11 type truyện Việt Nam tương thích với Bảng phân loại của V. Ia. Propp và 6 type truyện xuất hiện trong truyện dân gian Việt Nam (có thể 6 type này cũng xuất hiện trong truyện dân gian các quốc gia khác?). Tổng cộng có 11 type truyện cổ tích lũy tích (với hơn 34 truyện kể) xuất hiện trong truyện dân gian Việt Nam. Ngoài một số truyện kể này, nhiều khi “sự tích lũy có thể là một thành phần, một yếu tố trong truyện cổ tích thuộc bất kỳ hệ thống kết cấu nào khác”[3, tr 739]. Do vậy, chúng tôi tin rằng khi mở rộng diện khảo sát thì số lượng truyện kể thuộc tiểu loại truyện cổ tích lũy tích sẽ không dừng lại ở con số trên, và tất nhiên còn nhiều vấn đề thú vị liên quan đến tiểu loại này sẽ được khai thác. Điều này chứng tỏ rằng, cổ tích lũy tích xứng đáng là vấn đề cần được nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn.

-   V. Ia. Propp cảm nhận nguyên tắc lũy tích “như một nguyên tắc rất cổ xưa. Chúng là sản phẩm của những hình thức ý thức nào đó xa xưa hơn” [3, tr. 741]. Trải qua thời gian dài lưu truyền, số lượng truyện kể đã bị mai một7 và kết cấu ban đầu cũng không được bảo lưu trọn vẹn. Do đó, khi nghiên cứu về tiểu loại này cần xem sự khác biệt giữa truyện kể các quốc gia, khu vực như một điều mặc nhiên, là một nét đặc trưng; và nhất là, cần chú ý về sự lắp ghép “chất lũy tích” vào các tiểu loại, thể loại khác để có cái nhìn đa diện, toàn diện về tiểu loại này.

-   Trong truyện cổ tích lũy tích, các hành động hoàn toàn ngẫu nhiên, mang tính bất ngờ và không có sự gắn kết như các thể loại, tiểu loại khác. Tuy nhiên, khi khảo sát truyện dân gian Việt Nam, chúng ta lại thấy phần lớn các xâu chuỗi trong truyện được dẫn chứng có sự logic với nhau. Sự ngẫu nhiên được giảm thiểu nhiều; sự lặp lại có khi dừng lại ở con số 2 – là con số mang tính biểu tượng8. Điều này không khó để giải thích vì phần lớn các truyện được khảo sát là thuộc kiểu truyện con con vật tinh ranh – một kiểu truyện mà tư duy duy lý đã phát triển. Đây là kiểu truyện xuất hiện trong giai đoạn muộn sau này. Điều này cũng chứng tỏ rằng truyện này đã có sự vận động phát triển.

-   Trở lại câu hỏi chính của bài viết: vậy có hay không tiểu loại cổ tích lũy tích ở Việt Nam? Căn cứ vào cấu trúc, kết cấu của các truyện khảo sát và số lượng truyện có trong tay, chúng tôi tin rằng ở Việt Nam có tiểu loại truyện cổ tích lũy tích. Bởi về mặt số lượng, tuy bước đầu chỉ mới khảo sát nhưng cũng đã cho thấy số lượng các truyện kể thuộc tiểu loại này là khá nhiều, và có những đặc trưng riêng. Đó là chưa nói đến “sự lũy tích” đã/đang lắp ghép, tháp nhập vào một số thể loại, tiểu loại khác mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận. Như thế, qua một vài “điểm nhãn” trên để thấy rằng hướng nghiên cứu truyện cổ tích lũy tích trong truyện dân gian Việt Nam là có triển vọng mà bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc đặt vấn đề.

CHÚ THÍCH

[1] Kết cấu xâu chuỗi xuất hiện nhiều trong những truyện cổ tích sinh hoạt về đề tài trí khôn, đặc biệt là nhóm truyện “Trạng”. Chuỗi truyện này có dung lượng lớn, thường gồm nhiều tình tiết. Mỗi tình tiết kể về một sự kiện, một cuộc phiêu lưu “nhỏ” kết thành một truyện nhiều “chương hồi” kể về cuộc phiêu lưu “lớn” của nhân vật đóng vai chính xuyên suốt câu chuyện. Ví dụ: Chuỗi truyện “Ông Ó” gồm khoảng 30 mẫu truyện; chuỗi truyện “Trạng Quỳnh” gồm khoảng 40 mẫu truyện; chuỗi truyện “Trạng Lợn” gồm khoảng 20 mẫu truyện... Chúng ta cũng có thể gặp những nhận định này trong bài viết “Phức thể truyện Hài – Ngụ ngôn Tây nguyên qua trường hợp Mạ - K’Ho” đăng trong Nghiên cứu Văn học, số 3/2006, tr. 82 – 96, HN của Lê Hồng Phong hay luận án tiến sĩ “Kiểu truyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian Việt Nam và thế giới” của Đặng Quốc Minh Dương, Thư viện Quốc gia Việt Nam, tr. 58 – 59. Khi bài viết này hoàn thành, chúng tôi đọc được bài viết của Phan Xuân Viện “Về loại truyện cổ tích lũy tích ở các dân tộc Trương sơn – Tây nguyên” (đăng trong Bình luận văn học, niên san 2015, do Tạp chí Đại học Sài Gòn in). Bài viết phân loại các truyện cổ tích lũy tích của các dân tộc Trường sơn – Tây nguyên thành: loại sai đi hay đuổi theo, loại đổi chác-bắt đền, loại đổi chác-được đền.

[2] Nội dung phần này được chúng tôi lược trích trong phần “Cổ tích lũy tích” của Tuyển tập V. Ia. Propp – tập 2, phần này do Trần Phương Phương dịch, Nxb Văn hóa Dân tộc, H, 2004 từ trang 727 đến trang 758.

[3] Các truyện minh họa trong phần 1 được Propp dẫn từ Sách chỉ dẫn các đề tài – cốt truyện cổ tích theo hệ thống của Aarne, L. 1929. Chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận tài liệu này.

[4] Từ này viết tắt của từ trong tiếng Anh respective, nghĩa là tương ứng.

[5] Chúng tôi dùng ký hiệu với ý chỉ là trao đổi qua lại.

[6] Lê Chí Quế (2001), Văn hoá dân gian – khảo sát và nghiên cứu, Nxb Đại học Quốc gia HN, HN, tr 171.

[7] Trong truyện dân gian Nga, V. Ia. Propp cũng chỉ liệt kê được 11 type truyện với 31 truyện kể; Trong bảng tra cứu A- T cũng chỉ có 22 type truyện

[8] Trong tiếng Anh, hai là danh từ số nhiều. Theo Jean Chevalier và Alain Gheerbrant thì số 2 là “biểu tượng của sự đối lập, sự xung đột, của sự phản hồi và phản hưởng (…) Nó là con số của mọi tính hai mặt và mọi sự tách đôi. Nó là sự phân chia đầu tiên và cơ bản nhất trong mọi sự phân chia (người sáng tạo và vật thụ tạo, trắng và đen, đực và cái, tinh thần và vật chất,…), mà từ đấy phát sinh mọi sự phân chia khác” – Từ điển biểu tượngvăn hóa thế giới– Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch (2002), Nxb Đà Nẵng, tr.375.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 2, Nxb GD, Tp.HCM.
  2. Y Điêng, Hoàng Thao (1978), Truyện cổ Ê Đê, Nxb VHDT, HN.
  3. Propp V. Ia (Chu Xuân Diên, Nguyễn Quang Lê, Nguyễn Thị Kim Loan và Trần Phương Phương dịch) (2004), Tuyển tập V. Ia. Propp, tập 2, Nxb VHDT, HN.
  4. Lê Chí Quế (2001), Văn hoá dân gian – khảo sát và nghiên cứu, Nxb Đại học Quốc gia HN, HN.
  5. Hoàng Quyết (1986), Truyện cổ Tày – Nùng, Nxb Văn hóa, HN.
  6. Y Thith và Y Thi (1985), Truyện cổ dân gian Ê đê – tập 2, Sở VHTT Đăk Lăk, Đăk Lăk.
  7. Tạ Văn Thông - Võ Quang Nhơn sưu tầm – biên soạn (1988), Truyện cổ Cơ Ho, Nxb VHDT, HN.
  8. Huỳnh Ngọc Trảng(1983), Truyện cổ Khơ Me Nam Bộ, Nxb Văn hóa, HN.
  1. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường sơn Tây nguyên, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội.
  2. Viện Văn học (2001), Truyện cổ các dân tộc Việt Nam, tập 1, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  3. Phạm Thu Yến (2002), “Kiểu nhân vật “chàng ngốc” trong kiểu truyện cổ tích các dân tộc

Việt Nam”, Nghiên cứu Văn học, số 4, tr. 68 – 72, HN.

  1. Aarne A. & Thompson S. (1973) The Types of the Folktale (A Classification and

Bibliography), Helsinki.

Nguồn: Tạp chí khoa học ÐH Sài Gòn số 18 (43), tháng 7/2016

Thông tin truy cập

60533377
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14870
10018
60533377

Thành viên trực tuyến

Đang có 391 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website