Tính hai mặt – Một đặc trưng của nhân vật con vật tinh ranh trong truyện dân gian

TS. Đặng Quốc Minh Dương

            Đại học Văn Hiến

TÓM TẮT

Nhân vật con vật tinh ranh là những con vật mà trong quan niệm dân gian được xem là thông minh, tinh quái, mưu trí. Song song với đặc trưng là biết vận dụng lý trí để hành động, nhân vật con vật tinh ranh còn thể hiện một đặc trưng khác, đó là tính hai mặt. Bởi bên cạnh việc sử dụng mưu mẹo để giúp đỡ các nhân vật khác vượt qua thử thách, đôi khi, nhân vật con vật tinh ranh lại lạm dụng mưu kế để chơi khăm, gây hại cho kẻ khác. Tính hai mặt này được thể hiện nhất quán từ mở đầu đến diễn tiến truyện và kết thúc truyện. Tính hai mặt góp phần giúp cho nội dung truyện kể thêm kịch tính, hấp dẫn.

Từ khóa: đặc trưng, thông minh, lý trí, tính hai mặt.

 

Nhân vật trong truyện dân gian thường là nhân vật chức năng, nó có đặc điểm, phẩm chất cố định, sự tồn tại và hoạt động của nó nhằm thực hiện một chức năng trong truyện. Các nhân vật này có “tính chuẩn mực rất chặt chẽ và có khuynh hướng bộc lộ thái độ hết sức phân minh”[1]. Do bị tuyệt đối hóa[2] về tính cách nên chúng ta thấy rằng các nhân vật trong truyện dân gian thường được phân hóa thành hai thái cực rõ ràng: hoặc là cực tốt, cực xấu hay là cực dốt, cực thông minh,… Các nhân vật trong truyện dân gian phân hóa “phân minh” đến mức hầu như rất hiếm có hiện tượng lẫn tuyến[3] (vừa tốt vừa xấu), hiện tượng đổi tuyến3 (xấu trở thành tốt và ngược lại). Tuy nhiên, những khái quát trên không bao quát hết tất cả các kiểu nhân vật. Thỉnh thoảng đây đó chúng ta vẫn gặp trường hợp “vượt khung”, như nhân vật con vật tinh ranh[4] là một minh chứng. Khảo sát cho thấy bên cạnh việc sử dụng mưu mẹo để giúp đỡ các nhân vật khác vượt qua thử thách, đôi khi, nhân vật con vật tinh ranh lại lạm dụng mưu kế để chơi khăm, gây hại cho kẻ khác. Chúng tôi gọi đây là tính hai mặt của nhân vật con vật tinh ranh. Bài viết của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

  1. Giới thiệu nhân vật – một lý lịch nước đôi

            Ngay từ đầu truyện, dân gian đã hé mở một ‘lý lịch ngắn gọn nhưng đầy đủ về tính cách của nhân vật con vật tinh ranh. Trong phần giới thiệu này, dân gian đã sử dụng các tính từ chỉ tính cách để mô tả nhân vật. Chẳng hạn như: Thỏ “nổi tiếng khôn ngoan khắp vùng. Lúc còn bé, Thỏ có tính kiêu căng không coi ai giỏi bằng mình” (Một bài học hay của con Ốc già – Campuchia); “Có một con Cáo khôn ngoan. Khi đói, Cáo ta chạy tới chạy lui sục sạo tìm kiếm cái gì đó bỏ bụng” (Cáo và bầy Cáo – Thổ Nhĩ Kỳ); “Ven một bờ sông nọ có một con Thỏ vừa béo tốt vừa tinh khôn” (Đồng ngô của thỏ - châu Mỹ)… Có thể gom phần giới thiệu này thành hai nhóm: một nhóm gồm các tính từ hàm nghĩa ‘tích cực’ như “khôn ngoan”, “tinh ranh”, “thông minh”, “tinh khôn”,… nhóm còn lại gồm các tính từ hàm ý ‘tiêu cực’ như “ba hoa”, “lười biếng”, “tinh nghịch”, “kiêu căng”,... Trong phần giới thiệu này, dân gian sử dụng các liên từ “nhưng”, “mặc dầu”, “song” để nối hai mệnh đề có ý nghĩa trái ngược nhau. Chẳng hạn “Có con Thỏ rất tinh ranh nhưng lại lười làm việc. Nó đi khắp mọi nơi, lừa dối những con vật khác thậm chí tìm cách lừa dối cả con người để phá phách và được ăn uống” (Thỏ và những người đẽo thuyền – Cơ Ho/VN); “Mặc dầu nhỏ bé, song Hươu chuột rất ranh mãnh và thông minh” (Hươu chuột và Sư tử - Brunây);… Trong truyện Thỏ và Hổ (Ba Na/VN) liên từ “và” lại được sử dụng trong phần giới thiệu này: “Con Thỏ nổi tiếng khôn ngoan tinh nghịch”. Thông thường liên từ “và” được sử dụng để nối các từ loại hoặc cụm từ/nhóm từ cùng loại, hoặc những mệnh đề ngang hàng nhau. Ở đây, dân gian như muốn gửi ‘thông điệp’ rằng hai tính cách trên là đồng đẳng, là hai mặt của một vấn đề, của một nhân vật. Hiện tượng lẫn tuyến này làm cho người nghe có cái nhìn đa diện về nhân vật được giới thiệu. Qua đó hé mở về những độc đáo, đặc trưng của nhân vật này.

Thông thường, trong khi giới thiệu về tính hai mặt của nhân vật con vật tinh ranh, dân gian xếp các tính từ hàm nghĩa ‘tích cực’ lên trước, các tính từ hàm nghĩa ‘tiêu cực’ được xếp phía sau. Đây là một sự sắp xếp có chủ đích, có ý đồ nghệ thuật như để khẳng định rằng: nét tích cực của nhân vật này vẫn là đặc điểm chủ yếu, là nét ‘chính thống’ nhưng đặc điểm này còn được bồi đắp thêm bởi nét tính cách ‘tiêu cực’. Sự ‘vượt khung’ này không phải để phủ nhận mà là để bổ sung thêm vào bức chân dung của nhân vật lắm tài nhiều tật này.

Như vậy, chỉ cần sử dụng một, hai từ, người kể đã khái quát một cách khá rõ nét về tính cách, khuôn mặt của nhân vật con vật tinh ranh. ‘Lý lịch trích ngang’ này cũng mở ngỏ những hành động của nhân vật con vật tinh ranh sẽ thực hiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc: thông qua các “dữ liệu”, người nghe có cơ sở để dự cảm những diễn tiến truyện đầy bất ngờ, thú vị sẽ diễn ra. Hay nói cách khác, qua phần giới thiệu, chúng ta có thể dự cảm về hành động, vận mệnh, kết cục của nhân vật – những điều mà chúng tôi sẽ làm rõ trong các nội dung kế tiếp.

  1. Diễn tiến truyện - sự cụ thể hóa

Nếu phần giới thiệu là sự hé mở về một nhân vật con vật tinh ranh mang tính hai mặt thì diễn tiến truyện, nội dung truyện là sự cụ thể hóa ‘lý lịch’ trên.

Trước hết cần tái khẳng định rằng, ở nhân vật này, nét tích cực vẫn là ‘tính trội’. Nó thể hiện qua việc nhân vật tinh ranh biết sử dụng lí trí, mưu kế chống lại kẻ bề trên, giúp đỡ các con vật khác. Chẳng hạn như Thỏ biết sử dụng mưu trí để xử kiện nhằm lấy lại tài sản cho nhân vật nạn nhân – vốn là kẻ ‘thấp cổ bé miệng’ (truyện Hai cậu cháu – Mạ/Việt Nam, Thỏ giúp người đòi nợ - Cơ Ho/Việt Nam, Thỏ và Y Rít – Ê Đê/Việt Nam, Thỏ xử kiện – Mơ Nông/Việt Nam, Rít – Ba Na/Việt Nam, Trâu đực đẻ con – Chăm/Việt Nam); hay như Sói biết hiến kế để giúp con Chó già không bị ông chủ đuổi ra khỏi nhà (Con chó Sirko - Ukraina); hoặc như Nai biết xử án đúng người đúng tội để cứu khỉ khỏi sự bức bách của Linh cẩu (Khỉ và Linh cẩu – châu Phi); Hươu làm quan toà xử kiện có lý và có lợi cho người dân nghèo (Hươu làm quan tòa – Malaixia)…

Bên cạnh ‘tính trội’ – chủ yếu đã nêu, trong nhiều trường hợp, nhân vật con vật tinh ranh đã lạm dụng mưu kế để chơi khăm, gây hại cho các nhân vật khác. Một số truyện của châu Phi kể rằng: con Nhện đã dùng mưu kế đánh lừa vợ con của mình để giành thức ăn (Nhện cùng vợ làm đồng, Nhện và bù nhìn, Nhện và chị vợ mang thai,…) hoặc như truyện Vợ chồng quạ (châu Úc và châu Đại dương) kể rằng: Trời mưa, Đinevan khẽ đạp đổ vách để hai bà vợ ra sửa lại. Nhờ thế, nó được nằm rộng và ấm. Có nhiều truyện từ đầu đến kết thúc chỉ tập trung kể lại các kế chơi khăm của con vật này, chúng tôi gọi đây là nhóm truyện chơi khăm[5]. Trong những truyện này, con vật tinh ranh thường sắm vai kẻ đi chọc phá, chơi khăm các nhân vật khác, kể cả bà già, trẻ em (Thỏ và bà già nhổ cỏ - Ba Na/Việt Nam, Thỏ và hổ - Ê Đê/Việt Nam; Thỏ Rơ pai – Cà Tu/Việt Nam). Thậm chí có những truyện mà mưu kế trợ thủ xen kẽ với các mưu kế chơi khăm, quấy rối. Chẳng hạn như truyện Thỏ xử kiện (Ê Đê/Việt Nam) kể: Hổ bị chim ăn mất “của quý”. Ông Va gập bắn chim chết nên hằng ngày được Hổ cống nạp thức ăn. Bị nghi có “ma lai”[6], ông tiết lộ bí mật. Hổ đòi ông Va gập nộp mạng. Thỏ giả giọng đọc thư trời phân xử cho thợ săn thắng và được ông kết bạn, chia rẫy. Tuy vậy, Thỏ vẫn ăn vụng lúa của thợ săn và bị mắc bẫy. Ở đây Thỏ vừa là kẻ đáng yêu vì đã giúp người tiêu diệt đối thủ nhưng nó vẫn quen bản tính ăn vụng, phá lúa của thợ săn. Hay như con Cáo biết gởi Gà, Ngỗng, Cừu,… để vu cáo và bắt người đền con vật khác nhưng đồng thời nó cũng là con vật nhát gan (Con cáo ma lanh – Nga, Con cáo mưu mô - Ukraina), biết hù dọa để ăn thịt Sáo nhưng cuối cùng lại bị mắc lừa Sáo và bị Chó ăn thịt (Cáo và chim sao – Nga), biết dụ Gà trống ló đầu ra cửa sổ và bắt Gà nhưng rồi nó cũng bị mắc mưu của Mèo (Mèo và gà trống – Ukraina), biết dùng mưu mẹo để bắt Gà trống nhưng lại tin những lời nịnh ngon ngọt của Gà trống (Cáo – người giáo sĩ nghe xưng tội – Nga),…

Như vậy, bên cạnh những điểm ‘tích cực’ như chống lại kẻ bề trên, giúp đỡ các con vật khác vượt qua tai họa, nhân vật tinh ranh cũng “để lộ” những hạn chế như kiêu căng, tham lam hay trộm cắp hoặc lạm dụng mưu kế để làm hại các nhân vật khác, kể cả những nhân vật có hoàn cảnh đáng thương như người già, trẻ em. Rõ ràng, với nhân vật có tính cách đó “người ta chỉ có thể thích thú chứ không thể yêu mến và tha thứ mãi cho sự ranh mãnh, láu lỉnh ấy”[7].

  1. Không chỉ có kết thúc có hậu

Theo kết cấu thông thường, truyện dân gian kết thúc có hậu với phần thắng thuộc về nhân vật chính, là nhân vật thiện (trong tương quan với nhân vật ác), là nhân vật thông minh (trong tương quan với nhân vật ngu dốt). Chiến thắng này nhằm khẳng định triết lý và cũng là ước mơ mà dân gian muốn gửi gắm qua nội dung truyện kể. Kết cấu này xuất hiện trong phần lớn truyện kể về con vật tinh ranh, thể hiện qua chiến thắng của nhân vật này trước đối thủ to lớn, độc ác – là đại diện cho kẻ ‘tai to mặt lớn’.

Tuy nhiên không phải lúc nào nhân vật tinh ranh cũng giành được chiến thắng. Trong một số truyện – đặc biệt trong truyện kể châu Phi có hai nhân vật tinh ranh; hai nhân vật tinh ranh tất sẽ có kẻ thắng người thua. Ở đây, thông thường nhân vật xuất hiện sau là kẻ tinh ranh hơn, kẻ thắng cuộc. Truyện Nhện, sói và thỏ kể rằng: Nhện (con vật tinh ranh) dẫn các loài thú đến chỗ Sói và bày cho chúng nói: “Ê! Cô lu bu cu lô” để Sói tụt từ trên cây xuống cho một cú choáng váng. Đến lượt, Thỏ giả vờ quên và bắt Nhện lặp lại. Nhện bực tức hét lên. Sói nhảy xuống, đè bẹp Nhện. Hoặc như truyện Khỉ và rùa kể rằng: Khỉ mời Rùa lên đỉnh núi ăn thức ăn, Rùa (chậm chạp) đành chịu nên Khỉ được ăn một mình. Đến lượt Rùa phải mời lại, Rùa khuyên Khỉ rửa sạch tay trước khi ăn, nhưng Khỉ rửa hoài mà tay vẫn đen, Rùa một mình ăn hết sạch thức ăn. Hai truyện này có hai nhân vật tinh ranh, đó là Nhện/Khỉ và Thỏ/Rùa. Trong đó, nhân vật tinh ranh xuất hiện trước là kẻ thua cuộc; con vật xuất hiện sau – Thỏ/Rùa là con vật tinh ranh hơn, giành được chiến thắng. Xét về tính chất, ở đây nhân vật đối thủ cũng là nhân vật tinh ranh. Bởi nó có tinh ranh mới “trả đũa” kẻ đã chơi khăm mình được. Trong một số truyện kể, nhân vật tinh ranh còn là kẻ giành lương thực của vợ con. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ của nhân vật trợ thủ tư tế[8], con Nhện đã bị thất bại, bị trừng phạt (truyện Nhện và chị vợ mang thai, Nhện cùng vợ làm đồng, Nhện và bù nhìn,…). Dân gian cho rằng lừa dối những người thân là lỗi lầm không thể tha thứ được. Do vậy, nhân vật con vật tinh ranh bị “trừng phạt rất nặng khi ẩn thân ngấu xé thịt con mồi mà ăn một mình trong khi vợ con nó thì đang đói khát”[9].

Trong nhiều truyện kể, nhân vật con vật tinh ranh lạm dụng mưu kế đến mức vượt quá giới hạn cho phép, trở thành kẻ thù nghịch với muôn loài. Và do vậy, theo quan niệm dân gian: gieo gió gặt bão, ở ác gặp ác. Do những hành động quá tay, nó tất sẽ phải nếm mùi thất bại, thậm chí phải chết. Chẳng hạn truyện Thỏ và Hổ (Ê Đê/ Việt Nam) kể rằng: sau khi triệt hạ Hổ cha, Hổ mẹ và Hổ anh, Thỏ xui bẩy Hổ út đi theo những nơi mà dân làng đặt bẫy. Dân làng rượt Hổ – Thỏ ở trên lưng Hổ bám không vững nên đập đầu vào bẫy, chết. Ngoài ra, trong kiểu truyện này còn có một cuộc thi tài không cân xứng giữa một bên là con vật tinh ranh (như Thỏ, Nai, Hươu, Cáo…) và một bên là các con vật nhỏ bé, chậm chạp (như Ốc, Tôm, Vắt, Đỉa, Rùa…). Bất ngờ thay, cuộc chiến này, con vật tinh ranh lại bị các con vật nhỏ bé khác cho nếm mùi thất bại trong một cuộc đua vốn là sở trường của nó! Chẳng hạn, truyện Chuyện con thỏ ranh mãnh (Xê Đăng/Việt Nam) kể sau khi triệt hạ đối thủ, “thỏ không biết sợ ai nữa, nó càng trở nên mánh khóe, ba hoa. Nó rong chơi lêu lổng khắp rừng, khắp núi, chọc tức tất cả bất kể là già trẻ, trai gái”. Sau đó, thật bất ngờ và thú vị, nó thua cuộc một chú Ốc sên, một con Rùa, con Đỉa trong cuộc chạy đua vốn là thế mạnh của nó! Kết thúc này thể hiện triết lý quả báo của dân gian. Dạng kết thúc này có trong các truyện như Ốc được cuộc (Xê Đăng/ Việt Nam, Ka Dong/Việt Nam), Thỏ và Ốc (Khơ Me/Việt Nam, Ê Đê/Việt Nam, Kinh/Việt Nam), Một bài học hay của con Ốc già (Campuchia), Thỏ không uống nước (Lào), Chú sên láu lĩnh (Mianma), Báo và Ốc sên (châu Phi), Vắt và Hươu (Inđônêxia), Con đỉa trâu và con Nai (Malaixia), Cáo và Tôm (Ukraina), Vắt và Hươu (châu Úc và châu Đại dương),…

Cùng với cách mở đầu và diễn tiến truyện, cách kết thúc truyện này tạo nên bất ngờ và thú vị. Rõ ràng, người nghe sẽ rất nhàm chán nếu tính cách và chiến thắng của nhân vật tinh ranh là cố định. Do vậy, việc xây dựng nhân vật tinh ranh mang tính hai mặt, và nhất là với kết thúc nghịch thường như vậy đã tạo được điểm nhấn, góp phần tạo nên đặc trưng của nhân vật cũng như cho kiểu truyện. Kết quả khảo sát cũng cho thấy rằng tính hai mặt này được thể hiện một cách nhất quán từ cách giới thiệu nhân vật đến diễn tiến truyện và kết thúc truyện; các phẩm chất, tính cách của nhân vật có mối quan hệ hô ứng, logic với số phận, hành động của nhân vật; nó là nguyên nhân của số phận, hành động nhân vật.

  1. Hai mặt nhưng một đặc trưng

            Như vậy, tính hai mặt của nhân vật tinh ranh mang tính hệ thống và được thể hiện nhất quán từ mở đầu đến kết thúc truyện. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhân vật con vật tinh ranh lại được dân gian sáng tạo theo cách này? Giá trị nghệ thuật của việc sáng tạo này là gì?

            Để giải mã các câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu về nguồn gốc của nhân vật con vật tinh ranh. Theo các nhà nghiên cứu, nhân vật này có nguồn gốc từ nhân vật văn hóanhân vật trung tâm của thần thoại mang tính nguyên hợp nguyên thủy. E. X. Kốtlia trong lời giới thiệu Truyện kể dân gian châu Phi nhận thấy rằng trong quá trình phát triển, nhân vật văn hóa “tách ra hai khuynh hướng chính của sự phát triển hình tượng – khuynh hướng hài kịch (nhân vật – người láu cá) và khuynh hướng anh hùng (nhân vật – người chiến thắng quái vật). Người láu cá, nhân vật thần thoại ranh mãnh trở thành trung tâm của chùm truyện cổ về loài vật”[10]. Do có nguồn gốc từ “nhân vật – người láu cá” thuộc khuynh hướng hài kịch nên rất nhiều mưu kế của nhân vật con vật tinh ranh chỉ hướng đến mục đích gây cười, mang lại niềm vui cho người nghe hay nói như nhà nghiên cứu folklore người Pháp - Claude Bremond là nhiều mưu kế của nhân vật này chỉ “để mà lừa”, không có mục đích rõ ràng. Ở đây, một lần nữa chúng ta thấy rằng việc răn dạy đạo đức, gửi gắm các bài học nhân sinh không phải là mục đích của tất cả các truyện kể này (hoặc nó thuộc giai đoạn muộn về sau). Thực ra, điều này trước đây cũng đã được V.Ia. Propp lưu ý, khi ông nhận xét về các mưu kế của con Cáo trong truyện cổ tích Nga. Ông cho rằng: “Sự lừa dối ở đây thể hiện ưu thế vượt trội của kẻ khôn ranh so với người ngu đần hay nhẹ dạ, cả tin. Theo quan điểm của chúng tôi, sự lừa dối thường bị phán xét và định kiến về mặt đạo đức. Nhưng trong truyện cổ tích về loài vật, ngược lại, sự lừa dối lại tạo sự thán phục, như là một hình thức thể hiện sự khôn ngoan vượt trội (chữ in đậm do người viết nhấn mạnh) của kẻ yếu so với kẻ mạnh”[11].

            Xuất thân từ khuynh hướng hài kịch, trong quá trình vận động phát triển, nhân vật con vật tinh ranh đã được bồi đắp thêm chất liệu mới: tính duy lý. Khi đã được định hình rõ nét, nhân vật này “không có yếu tố thần kỳ nào cả, mà chỉ có trí tuệ”[12]. Cần phải xem đây như là đặc trưng mang tính cốt lõi, là chìa khóa để xem xét, đánh giá mọi vấn đề liên quan thì mới có cái nhìn thấu đáo. Như vậy, nếu phân tích, đánh giá nhân vật theo cái nhìn duy lý thì chúng ta thấy rằng, nhân vật nào chiến thắng không quan trọng bằng việc nhân vật chiến thắng bằng cách nào? Hay xem xét theo kiểu nhân vật chức năng của Propp thì ở đây chức năng của nhân vật là thể hiện sự khôn ngoan, thể hiện lý trí thì vẫn không thay đổi (tuy nhân vật thực hiện đã có sự đổi thay). Nói thế để biết rằng, trong các truyện kể trên, có thể các nhân vật hành động có thay đổi nhưng cách thực hiện – tính duy lý thì vẫn không đổi. Hay nói cách khác, nhân vật là các biến số trong lúc đó phương cách thực hiện là một hằng số.

            Xét về nghệ thuật kể chuyện, việc thay đổi nhân vật thực hiện đã làm cho cốt truyện gay cấn, ly kỳ hơn. Khác với màn độc diễn trong các truyện kể khác, ở đây nhân vật tinh ranh đã gặp được đối thủ cân xứng. Việc nhân vật đối thủ trả đũa vừa làm cho kết cấu truyện bớt đơn điệu vừa làm cho diễn tiến truyện kịch tính và thú vị hơn.

***

            Như vậy, song song với đặc trưng là biết vận dụng lý trí để hành động, nhân vật con vật tinh ranh còn thể hiện một đặc trưng khác, đó là tính hai mặt. Tính hai mặt này được thể hiện nhất quán từ mở đầu đến diễn tiến truyện và kết thúc truyện. Tính hai mặt góp phần giúp cho nội dung truyện thêm phần kịch tính, hấp dẫn, cuốn hút.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, số 22 (47) tháng 12/2016.

           


[1] Nôvicôva A. M. (Đỗ Hồng Chung – Chu Xuân Diên dịch) (1983), Sáng tác thơ ca dân gian Nga, tập 1, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, HN, tr. 277 – 278.

[2] Chẳng hạn, chúng ta gặp một Thạch Sanh hiền lành, nhẹ dạ liên tục bị Lý Thông gian ác, nham hiểm lừa gạt (truyện Thạch Sanh); hay một chàng ngốc không biết để đâu cho hết, liên tục vướng phải những chuyện ngớ ngẩn (truyện Làm theo vợ dặn); hoặc ông Trạng cực kỳ thông minh có thể ứng đối, giải quyết tất cả các thử thách đặt ra (Trạng Quỳnh, trạng Trình, trạng Hiền,…).

[3] Từ dùng của Nguyễn Xuân Đức (2003), Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, Nxb KHXH, HN, tr. 59.

[4] Nhân vật con vật tinh ranh là những con vật mà trong quan niệm của dân gian được xem là thông minh, tinh quái, mưu trí. Nó thường dùng lý trí để hành động. Truyện kể về nhân vật này xuất hiện phổ biến trong truyện dân gian Việt Nam và thế giới. Chúng tôi đã tập hợp được 512 truyện kể thuộc kiểu truyện con vật tinh ranh. Xem thêm luận án tiến sĩ Ngữ văn: Kiểu truyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian Việt Nam và thế giới của Đặng Quốc Minh Dương, Thư viện Quốc gia Việt Nam.

[5] Theo thống kê, trong tổng số 512 truyện kể thuộc kiểu truyện con vật tinh ranh, có 77 truyện kể thuộc nhóm này (chiếm 15%). Xem thêm luận án tiến sĩ Ngữ văn: Kiểu truyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian Việt Nam và thế giới của Đặng Quốc Minh Dương, Thư viện Quốc gia Việt Nam.

[6] Theo Lê Hồng Phong, Đặc điểm truyện cổ Mạ – K’Ho (Lâm Đồng), luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Thư viện trường ĐH KHXH&NV, Tp. HCM thì người Chăm gọi ma lai là kamưlai, người Raglai gọi là kamalai, người Mơ Nông gọi là km’lai, ka mlai, còn người Mạ - Cơ Ho gọi là că malai, chà ma lai, ómalai. Trong Từ điển Việt – Chăm, ma lai là ma, quỷ hay ma quỷ nói chung, nhưng theo quan niệm của Mạ - Cơ Ho và một số người Tây Nguyên thì ma lai là kẻ ăn người, thậm chí mang lốt người tr. 142.

[7] Y Điêng, Hoàng Thao (1978), Truyện cổ Ê Đê, Nxb VHDT, HN, tr. 208.

[8] Nhân vật trợ thủ tư tế là nhân vật đặc trưng của truyện kể châu Phi. Đây là những thầy bói, phù thủy. Nhân vật này sử dụng phép thuật để giúp đỡ nhân vật nạn nhân.

[9] Paulme D (1960). "Typologie des contes africains du Décepteur", Cahiers D’Études

africaines, (XV – 4), pp. 569 – 600, tr. 570]

[10] Kốtlia E. X. (Trần Nho Thìn, Nguyễn Thị Hảo dịch) (1986), Truyện kể dân gian châu Phi, ba tập, Nxb KHXH, HN , tr. 29.

[11] Propp V. Ia (1984), Truyện cổ tích, Nxb Đại học Tổng hợp Leningrađ – Leningrađ, tr. 310 .

[12] Nguyễn Tấn Đắc (2009), Vài nét tinh hoa văn học, Nxb KHXH, HN, tr 392.

Thông tin truy cập

63694389
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14681
23426
63694389

Thành viên trực tuyến

Đang có 576 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website