Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam

(Chuyên luận của Trần Thị An. NXB KHXH, H., 2014; 430 trang)

TS. Đặng Quốc Minh Dương

Đại học Văn Hiến, TP Hồ CHí Minh.

So với các thể loại tự sự dân gian khác, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, truyền thuyết dân gian được các nhà nghiên cứu quan tâm muộn hơn cả. Hơn nữa, tư liệu về truyền thuyết dân gian Việt Nam hầu hết tản mát trong tín ngưỡng hoặc trong các tác phẩm văn học thành văn. Mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu nhưng các ý kiến bàn luận về thể loại truyền thuyết dân gian chưa thống nhất, nguyên nhân cơ bản là do có các ý kiến khác nhau về đặc trưng thể loại…

Qua tên gọi Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam[1] cũng có thể đoán định được nhiệm vụ của chuyên luận là nhận diện đặc trưng thể loại truyền thuyết và nghiên cứu việc văn bản hóa truyền thuyết - nhiệm vụ thứ nhất thiên về lý thuyết, nhiệm vụ thứ hai thiên về tính thực tiễn. Để giải quyết nhiệm vụ, chuyên luận chia thành 3 chương:

- Chương 1: Truyền thuyết với tư cách là một thể loại văn học dân gian (tr.11-122) không phải là chương mang tính đề dẫn mà nó đã nhập cuộc và làm tròn một nhiệm vụ quan trọng là xác lập được thể loại truyền thuyết với những đặc trưng như cảm hứng tôn vinh lịch sử, cảm hứng trải nghiệm thế giới siêu hình hay một số đặc trưng thi pháp về thời gian, không gian, nhân vật. Như vậy, không dừng lại việc định danh hay bàn về “những vấn đề tổng quan” mà chương này đã giải quyết các vấn đề định tính, định lượng của thể loại.

- Chương 2: Văn bản hóa truyền thuyết dân gian trong sử và thần tích (tr.123-200) khảo sát và lý giải về việc văn bản hóa truyền thuyết trong sử và thần tích. Do hoàn cảnh lịch sử, truyền thuyết dân gian Việt Nam được các sử gia quan tâm từ rất sớm và đã được chép vào sử để bổ sung cho thời khuyết sử. Từ niềm tin về sự linh thiêng và hiện hữu của linh khí núi sông, của các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước, của các vị thần mà phép thiêng luôn được tin là hiện hữu ở cõi trần, truyền thuyết đã được chép vào thần tích để được dân chúng thờ tự.

- Chương 3: Văn bản hóa truyền thuyết dân gian trong văn xuôi trung đại (tr.201-268) tìm hiểu những đặc trưng thể loại truyền thuyết dân gian trong văn xuôi trung đại và vai trò của nó trong sự hình thành và phát triển của các giai đoạn văn xuôi trung đại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy: giai đoạn thế kỉ X-XIV người ghi chép chỉ chấp nhận cách kể truyền thuyết theo hướng tôn vinh lịch sử một cách tuyệt đối; sang thế kỉ XVIII-XIX, các văn bản truyền thuyết đã chấp nhận nhiều cách kể với tinh thần khảo cứu, phân tích cao.

Ngoài nội dung chính, chuyên luận còn cung cấp cho độc giả danh mục các type truyện truyền thuyết (độc giả đã có dịp tiếp cận trong công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam[2]). Ngoài mảng truyền thuyết của dân tộc Kinh, Bảng tra cứu còn cung cấp thêm bản kể của các dân tộc anh em. Đây là nguồn tài liệu rất đáng quý để các nhà nghiên cứu tìm hiểu, nghiên cứu về các lĩnh vực khác của truyền thuyết dân gian Việt Nam.

Ấn tượng lớn nhất về công trình này là sự hàm súc, sự phong phú về hàm lượng thông tin khoa học. Điều này trước hết thể hiện sự chịu đọc của tác giả. Ngoài việc tiếp cận văn bản truyện kể, tác giả còn nghiền ngẫm cả sách lý luận về folklore, về văn học trung đại và cả các tài liệu tiếng Anh như các công trình của W. Bascom, L. Dégh, A. Dundes, S. Thompson, F. Boas…

Trước mỗi vấn đề, tác giả thường dẫn nhận định của một nhà khoa học nào đó để định hướng cho vấn đề, trong đó mỗi nhận định lại là một thông tin khoa học. Chẳng hạn như khi xác định khung phân tích của thể loại truyền thuyết, tác giả dẫn nhận định của G.N. Pospelov cho rằng, lịch sử văn học thế giới được triển khai theo 4 loại hình nội dung là: thần thoại, dân tộc – lịch sử, thế sự và loại hình nội dung đời tư; trong đó loại hình nội dung dân tộc – lịch sử thể hiện mối quan hệ giữa cộng đồng với cộng đồng hoặc quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng nhằm lý giải sự hình thành dân tộc, biểu hiện sức mạnh và sự cố kết cộng đồng trong việc củng cố và bảo vệ quốc gia. Từ sự khái quát đó nhà nghiên cứu cho rằng: truyền thuyết thuộc loại hình nội dung này (tr.48-49). Dẫn liệu này làm cơ sở để tác giả phân tích “cảm hứng nội dung thể loại” ở phần sau. Không dừng lại ở việc trích dẫn thông tin một cách đơn thuần, tác giả còn cho thấy sự nhạy bén, sâu sắc của mình qua một số nhận định đầy thuyết phục. Chẳng hạn, khi lý giải thời đại nảy sinh truyền thuyết về sự hình thành dân tộc, việc tổ chức cuộc sống cộng đồng dưới hình thức một nhà nước sơ khai, nhà nghiên cứu cho rằng: các truyền thuyết này chủ yếu “tập trung ở những vùng được coi là đất tổ” (tr.56).

Do đặc trưng trong việc nghiên cứu folklore cũng như do đặc thù của chuyên luận, bên cạnh việc am hiểu chuyên môn về văn học dân gian, văn học trung đại, tác giả còn phải nghiên cứu cả sử học, văn hóa học. Ngoài việc nghiên cứu trên văn bản, tác giả còn phải đi điền dã nữa. Hàm lượng thông tin này cũng là kết quả của một quá trình gần 20 năm miệt mài nghiên cứu. Công trình này vốn là luận án tiến sĩ, sau khi đã được bảo vệ (năm 2000), tác giả tiếp tục nghiên cứu những vấn đề còn đang dang dở, mà sản phẩm cụ thể là hơn 20 bài báo khoa học được công bố. Các bài báo này vẫn tiếp nối mạch nghiên cứu và tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra trong luận án nhưng đã “mở rộng việc nghiên cứu truyền thuyết trên văn bản sang nghiên cứu truyền thuyết trong bối cảnh của nhiều mối quan hệ: truyền thuyết trong các văn bản, truyền thuyết trên văn bản và truyền thuyết truyền miệng, truyền thuyết và di tích, truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian” (tr.32). Là sản phẩm của một quá trình như vậy nên chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào tính khoa học của chuyện luận.

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí về văn phong của một công trình khoa học, chuyên luận của Trần Thị An được xem là giàu chất văn. Chất văn trước hết thể hiện ở nghệ thuật dẫn dắt vấn đề. Cảm giác đầu tiên của tôi khi cầm một cuốn sách dày, lại là sách nghiên cứu về thể loại – một lĩnh vực khá khô là ngán! Nhưng thú thật, khi vừa đọc tôi bị cuốn hút liền bởi tài kể chuyện, kể rất khéo, ma mị của Trần Thị An. Thông thường, tác giả không đi thẳng vào vấn đề mà từ từ mời gọi, dẫn dắt người đọc nhập cuộc. Chẳng hạn như trong Mục 2 của Chương 1 là Cảm hứng nội dung thể loại, nhưng trước khi giải quyết nhiệm vụ, tác giả lần lượt khai mở các vấn đề liên quan như khung phân tích, mối quan hệ giữa đề tài và thông điệp của người kể truyền thuyết,… Nghệ thuật này vừa làm cho người đọc hồi hộp, mặt khác cũng giảm bớt sự bỡ ngỡ, qua đó chuẩn bị tâm thế cho người đọc “tiêu thụ” nội dung chính một cách tốt nhất. Cuối mỗi chương, mục, tiểu mục tác giả đều có phần mời gọi chuyển tiếp sang phần sau. Một kết cấu có nét hao hao tiểu thuyết chương hồi rất phù hợp với một công trình nghiên cứu folklore và cũng là cách tạo phong cách riêng của tác giả.

Đây đó trong chuyên luận, người đọc có thể gặp nhiều nhận xét đầy chất văn như: “Bắt nguồn từ thần thoại, tồn tại dai dẳng như một ký ức nghệ thuật của nhân loại, ý nghĩa biểu tượng không gian sống lâu hơn cuộc đời của những người sáng tạo ra chúng” (tr.110), hay như: “Khả năng nhìn thấy sự cao cả trong những câu chuyện đời thường và khả năng nhìn thấy sự phi thường ở những con người cụ thể đã làm cho truyền thuyết thấm đẫm chất thơ của tưởng tượng, đã tạo nên những vầng hào quang lung linh quanh những nhân vật lịch sử” (tr.271),… Bên cạnh đó, chuyên luận cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc qua cách đặt tên tiêu đề như “đá – sự sống trong trạng thái tĩnh” (tr.97), “cây – sự sống trong trạng thái động” (tr.101), “sông và sóng nước – sức mạnh của cả khối” (tr.107),…

Công trình Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam có thể chưa đáp ứng hết mọi vấn đề mà người đọc mong muốn, như còn một số lỗi chính tả như Texax à Texas (tr.68), thực à thực hiện (tr.115), motip à motif (tr.188) và chưa nhất quán trong cách ghi tài liệu tham khảo… Tuy nhiên, một số lỗi vừa nêu không ảnh hưởng đến chất lượng khoa học của công trình. Tóm lại, có thể kết luận đây là một chuyên luận có bố cục hợp lý, logic, có hàm lượng khoa học cao nhưng cũng đầy chất văn. Chuyên luận thể hiện sự công phu, niềm say mê, tâm huyết và trí lực của tác giả, vừa có giá trị thực tiễn vừa mang tính khoa học cao.

___________

  1. Trần Thị An: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H., 2014. Các trích dẫn trong bài đều theo sách này.
  2. Nguyễn Thị Huế (Chủ biên): Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb. Lao động, H., 2012.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 2/ 2017, trang 111-114.

 


 

 

Thông tin truy cập

63687675
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7967
23426
63687675

Thành viên trực tuyến

Đang có 1006 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website