Tóm tắt
Trong bài viết này chúng tôi phác thảo tổng quan tình hình sưu tập và đặc điểm trình bày, in ấn cũng như đặc điểm ngôn ngữ, nội dung của các bộ sưu tập ca dao dân ca miền Nam ra đời trước năm 1945 mà chúng tôi tập hợp được, về sự thiếu đồng nhất trong cách gọi tên thể loại, về phương thức sắp xếp và phân loại còn chưa hợp lý của các nhà sưu tầm, về đặc điểm phân loại và đặc trưng tiếng Việt trong ca dao dân ca miền Nam thời kỳ đầu. Đây là bước đầu tiên trong công việc phục dựng và tái bản lại các bộ sưu tập này trong một công trình khác của chúng tôi.
- I.Tình hình sưu tập và vấn đề tư liệu
Từ cuối thế kỷ XX cho đến nay, công tác sưu tầm văn học dân gian đã được triển khai rộng khắp và mạnh mẽ trong cả nước, công việc sưu tầm thường do nhóm các nhà nghiên cứu hoặc các tập thể đông đảo giảng viên, sinh viên chuyên ngành Văn học tham gia trong các chuyến điền dã, về tận các địa phương, gặp gỡ, phỏng vấn, ghi âm và ghi chép lại các tác phẩm văn học dân gian rời rạc từ các nghệ nhân dân gian, từ những người dân mà nhóm sưu tầm bắt gặp trên đường đi điền dã. Ở Nam bộ, việc sưu tầm văn học dân gian nói riêng hay ca dao dân ca nói chung cũng được chú trọng triển khai trong vài mươi năm trở lại đây. Các trường đại học ở các tỉnh thành Nam bộ hay những nhà nghiên cứu cá nhân đã trực tiếp đi thực địa, đến tận vùng sâu vùng xa của địa bàn các tỉnh như Bình Phước, Đắc Nông, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long… sưu tầm và ghi chép lại vốn văn học dân gian còn tồn đọng trong trí nhớ của người dân miền Nam. Việc sưu tầm qua những chuyến đi điền dã như thế này cũng đã thu thập được những kết quả khả quan và nhiều bộ sưu tập văn học dân gian các tỉnh Nam bộ cũng lần lượt được cho xuất bản như bộ Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long của Đại học Cần Thơ hay văn học dân gian các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Châu Đốc, Bến Tre của Đại học KHXH&NV-ĐHQG-HCM. Tuy nhiên đó là nguồn tài liệu sưu tầm được của gần 10 năm trở về trước, còn về sau này, càng lúc sản phẩm thu được càng ít có giá trị về mặt văn học và văn hóa dân gian truyền thống như trước đó. Đó là do quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã lan mạnh đến các vùng nông thôn, số nghệ nhân dân gian càng lúc càng lớn tuổi và gần như chẳng còn ai. Lớp trẻ không quan tâm nên không lưu giữ nguồn văn học dân gian trong trí nhớ đã được ông bà truyền lại. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng khiến cho văn học dân gian ngày càng hiện đại hóa nhanh chóng.
Vì thế vấn đề mà chúng tôi quan tâm hiện nay là rất cần “phục dựng” lại những bộ sưu tập văn học dân gian từ những năm cuối thế kỷ XIX cho đến giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, tính luôn các sưu tập được tái bản là đến khoảng năm 1960. Có thể chọn mốc đầu tiên là năm 1888, khi Trương Vĩnh Ký lần đầu công bố “sáu câu hát” trên số đầu tiên của bộ Miscellane’es, và lần lượt sau đó là các bộ sưu tập ca dao dân ca (được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như tục diêu, câu hát góp, hò rao, hò xạo, hò cấy, câu hò xay lúa, câu hát đối đáp, hát huê tình…) hay các bộ sưu tập câu nói hay, tục ngữ, gia ngôn… do cá nhân các nhà nghiên cứu sưu tầm, tập hợp và cùng các nhà in cá nhân xuất bản như nhà in Xưa Nay, Lê Văn Thịnh, Đức Lưu Phương, Nguyễn Quới Loan…
Nhờ nỗ lực tìm kiếm tư liệu trong các thư viện quốc gia và kho lưu trữ ở các địa phương của nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang, nên hiện nay chúng tôi đã tập hợp được hầu hết bản in (có bản chúng tôi có nhiều lần in khác nhau) của các bộ sưu tập ca dao dân ca Nam bộ trước 1945. Tâm huyết của chúng tôi là muốn phục dựng lại toàn bộ những bộ sưu tập ca dao dân ca này, định danh lại tên gọi thể loại, sắp xếp và phân loại lại toàn bộ ca dao dân ca trong các tuyển tập theo các chủ đề truyền thống đã được các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam thống nhất sử dụng nhằm phân loại nội dung ca dao dân ca trong các tuyển tập hiện nay. Sau đó chúng tôi từng bước tiến hành chỉnh lý lại lỗi chính tả xuất hiện dày đặc trong các tuyển tập do tiếng Việt thời kỳ đầu còn nhiều chỗ chưa thống nhất. Đồng thời chúng tôi còn mong muốn có thể làm rõ nghĩa, giải thích các điển tích, điển cố trong nội dung ca dao dân ca của các bộ sưu tập vì rất nhiều câu ca dao thời kỳ này có nội dung đề cập đến các tuồng tích cổ của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiến hành giải thích những câu ca dao dùng nhiều từ Hán Việt, chú thích địa danh, nhân danh, từ Việt cổ, từ địa phương Nam bộ trong các câu ca dao đó. Đây là công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực về thời gian và kiến thức về ngôn ngữ cũng như kiến thức văn hóa dân gian truyền thống của người phục dựng, do vậy chúng tôi cần đến sự giúp đỡ từ nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Công việc của chúng tôi trước đây đã có các nhà nghiên cứu thực hiện một phần như Lý Khắc Xuyên, Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Xuân Kính và các đồng soạn giả, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng và cần tiếp tục giải quyết.
Có thể kể đến đầu tiên là soạn giả Lý Khắc Xuyên trong công trình Những tác phẩm ca dao, tục ngữ được xuất bản trước đây một thế kỷ (Câu hát góp và Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn) do NXB Khoa học Xã hội phát hành năm 1977. Trong cuốn sách này, Lý Khắc Xuyên đã chép lại toàn bộ nội dung hai cuốn sách đã được xuất bản trước đó của Huỳnh Tịnh Của là Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1896) gồm 95 trang với 1226 câu nói vần và Câu hát góp gồm 32 trang với 1011 câu lục bát (1897). Ông còn thêm vào cuối cuốn sách phần Lời giải thích nhằm chú thích những từ Việt cổ, từ địa phương Nam bộ, các địa danh, nhân danh của vùng đất Nam bộ xuất hiện trong hai tuyển tập trên. Đồng thời ông còn giải nghĩa thêm những từ cổ trong 2 tuyển tập theo cách giải thích của bộ Từ điển Đại Nam quốc âm tự vị cũng do Huỳnh Tịnh Của biên soạn. Trong phần Lời bạt của cuốn sách, Lý Khắc Xuyên còn đưa ra những nhận định, đánh giá của mình về những đóng góp của Huỳnh Tịnh Của với vai trò là một người đi tiên phong trong việc thu thập lời ăn tiếng nói và những câu hát của người dân Nam kỳ lục tỉnh ở cuối thế kỷ XIX. Toàn bộ các câu tục ngữ và ca dao trong hai tuyển tập trên của Huỳnh Tịnh Của đã được Lý Khắc xuyên sắp xếp lại theo vần ABC cho dễ tra cứu.
Tiếp đó là nhà Nam bộ học Huỳnh Ngọc Trảng với công trình Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh mà ông sưu tầm và biên soạn, do nhà xuất bản Đồng Nai in ấn vào năm 1998. Trong tác phẩm này ông đã kể tên ra 13 bộ sưu tập ca dao dân ca Nam bộ xuất bản vào nửa đầu thế kỷ XX và tiếp tục được tái bản mãi cho đến năm 1960. Trong Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh, Huỳnh Ngọc Trảng cho tái bản lại 6 bộ sưu tập bao gồm Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của (theo bản in năm 1901); Hát và hò góp của Nguyễn Công Chánh (bản in 1967); Hò xay lúa của Hoàng Minh Tự (?); Câu hát đối đáp của Phạm Văn Cường (bản in 1969); Câu hát huê tình của Đinh Thái Sơn (bản in lại năm 1966); Hò miền Nam của Phạm Văn Tươi (bản in lại năm 1956). Trước khi in lại nội dung của 6 bộ sưu tập trên, Huỳnh Ngọc Trảng đã viết một bài giới thiệu khá kỹ lưỡng về “Lục tỉnh Nam Kỳ: hát, lý, hò hồi ấy” để giới thiệu về các thể loại ca dao dân ca và tình hình sinh hoạt ca hát của vùng đất mới phương Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận định tổng quát về đặc điểm thể loại của các bộ sưu tập, đồng thời đã đưa ra những khái niệm cơ bản về tên gọi của các thể loại dân ca như hát, hát huê tình, hát đối đáp, hò xay lúa, hò chèo ghe, lý… Ông nhận xét rằng “nhìn chung, các sưu tập ca dao dân ca lục tỉnh Nam kỳ xuất bản hồi cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này là những “ca từ” của các điệu hát câu hò dân gian đã một thời vang vọng khắp trên những cánh đồng, sông rạch, trong các sinh hoạt lao động xay lúa, giã gạo (…) Ở đó, những câu hát câu hò sẽ cung ứng cho chúng ta nhiều dữ liệu về kinh tế - xã hội và nhất là những nét riêng chung về cuộc sống tình cảm, những quan niệm về thẩm mỹ, đạo lý…của các thế hệ trước”[1].
Về phần mình, chúng tôi cũng tiến hành tập hợp các sưu tập ca dao dân ca Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX với mong muốn sẽ cho phục dựng lại toàn bộ trong một bộ sưu tập mới. Dưới đây là danh sách các bộ sưu tập mà hiện nay chúng tôi đã chụp lại được từ các thư viện trong cả nước và dùng để khảo sát trong bài viết này:
- Huỳnh Tịnh Paulus Của; (in lần thứ hai); Sài Gòn; Impr. Commercial Ménard Legros, 1901 - 32trang, 1010 câu ca dao .
- Trương Minh Ký (?) Câu hát An Nam, theo Bằng Giang (VHQN NK): sách này có 32 trang, Ca Văn Thỉnh trong Hào khí Đồng Nai cho biết: tập này có in phụ trang tuồng Kim Vân Kiều (chưa rõ nguồn, nhưng có lẽ chính là cuốn Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của, 1901)
- Đặng Lễ Nghi (1907); Câu hát đối và câu hò tuồng, truyện thơ, xạo, Sài Gòn, Đinh Thái Sơn xuất bản.
- Đặng Lễ Nghi (1929); Câu hát đối theo bạn cấy; Nhà in Xưa nay, 24tr, 635 câu hát (nội dung cuốn này chính là cuốn in năm 1929; Câu hát đối và câu hò tuồng, truyện thơ, xạo của Đặng Lễ Nghi)
- Đinh Thái Sơn (1946); Câu hát huê tình, NXB Thuận Hóa; 18 trang, 316 câu hát (đây là sưu tập được tái bản của Đinh Thái Sơn theo như giới thiệu của Huỳnh Ngọc Trảng trong Ca dao dân ca Nam Kỳ lục tỉnh, chúng tôi không có bản đầu tiên)
- Đặng Lễ Nghi (?); Câu hát huê tình, NXB Phạm Văn Thình (trang bìa có ghi “bổn này M.Đinh Thái Sơn nhường đứt bản quyền cho tôi”, 23 trang, 360 câu hát)
- Nguyễn Bá Thời (1933); Câu hát đối đáp, in lần 2, Impr. Phạm Văn Thình, 18 trang, 300 câu.
- Nguyễn Bá Thời (1933) Câu hát đối đáp, in lần 2, Impr.Đúc Lưu Phương, 14 tr. Tái bản năm 1959, NXB Phạm Văn Cường, 15 trang, 188 câu (chúng tôi có bản 1959)
- Nguyễn Công Chánh Câu hò xay lúa; In lần 2, Nhà in xưa nay, 19 trang, 554 câu ca dao. In lần 3 (1930) Nhà in Xưa nay, 19 trang, 554 câu ca dao, ngoài bìa ghi “Bổn thơ này M.Đinh Thái Sơn đã bán đứt cho tôi”.
- Nguyễn Công Chánh (?) Hát và hò góp (bổn cũ soạn lại), NXB Thuận Hóa, 18 trang, 534 câu ca dao.
- Hoàng Minh Tự (?) Hò xay lúa; NXB Phạm Văn Cường; 16 trang, 160 câu ca dao.
- Khấu Võ Nghi (?); Hát huê tình đối đáp, XB Nguyễn Quới Loan, Nhà in Xưa Nay.
13. Chu Ngọc Chi (1932); Phong dao và ca dao mới; Nhà in Nhật Hưng, Hà Nội, 22 trang, 34 bài phong dao và 46 bài ca dao mới.
- II.Vấn đề tên gọi thể loại, sắp xếp và phân loại:
Như vậy, hiện nay chúng tôi đã tập hợp được tổng cộng 11 bộ sưu tập ca dao dân ca miền Nam được xuất bản trước năm 1945 (khoảng từ 1986 đến 1939 và tái bản sau 1945) với nhiều tên gọi khác nhau như Câu hát góp, Câu hát An Nam, Hát đối đáp, Hát huê tình đối đáp, Hò góp, Câu hát đối theo bạn cấy, Câu hò xây lúa… Dựa vào đặc điểm hình thức và nội dung của các câu hát trong các bộ sưu tập này, chúng tôi nhận thấy rằng đây chính là những câu ca dao được lưu hành trong sinh hoạt hằng ngày hoặc trong môi trường lao động trên cạn và dưới nước như gieo cấy, xay lúa, chèo ghe và được diễn xướng trong các cuộc thi hát đối đáp, hát huê tình giao duyên nam nữ của người dân miền Nam giai đoạn trước 1945. Chúng tôi tạm gọi những câu hát trong các bộ sưu tập này là ca dao dân ca.
Thực ra khi đặt tên gọi cho bộ sưu tập của mình là câu hát góp hay câu hát đối đáp, huê tình, xây lúa… các nhà sưu tập đều dựa vào chức năng hay hoàn cảnh sử dụng câu hát đó trong dân gian, điều này được thể hiện rõ ngay trong lời ghi chú của các soạn giả dưới mỗi tựa đề của bộ sưu tập hoặc trong cách sắp xếp nội dung các câu hát trong bộ sưu tập đó. Theo quan sát chung của chúng tôi thì hầu hết tên gọi của các bộ sưu tập được gọi theo chức năng sử dụng của những câu ca dao được tập hợp trong sách. Các tác giả không phân theo thể loại, không gọi tên theo thể loại một cách thống nhất (hoặc do thời kì đó chưa có nhà nghiên cứu nào đưa ra một khái niệm thống nhất, được chấp nhận và sử dụng một cách phổ biến để định danh những câu hò, câu hát này). Các nhà sưu tập gọi tên những câu lục bát truyền miệng trong dân gian là các câu hát, câu hò, đồng thời đằng sau đó họ còn gắn thêm tên gọi cho câu hát, câu hò dựa theo chức năng sử dụng của chúng trong hoàn cảnh diễn xướng thực tế, trong môi trường lao động thì có hò xây lúa, hò giã gạo, hò chèo ghe, hoặc hát lên để giao đãi tình cảm, trao đổi tâm tình thì có câu hát huê tình, câu hát đối đáp, hát đối đáp giao duyên, hát chèo ghe đối đáp, hát huê tình đối đáp…
Nói về thể loại Hát trong ca dao dân ca miền Nam, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Từ hát trong dân gian Nam bộ, thường dùng để chỉ các hình thức diễn xướng tổng hợp (hát sắc bùa, hát đưa linh, hát bóng rỗi…) hay sân khấu (hát bội, hát cải lương). Đồng thời ở đây, hát dùng để chỉ các thể loại dân ca, hoặc đơn lẻ (hát ru em) hoặc đối đáp (hát huê tình, hát đối)”2. Các câu hát đối đáp trong các bộ sưu tập, theo tên gọi và nội dung các câu hát, ta có thể hình dung ra được môi trường diễn xướng và chức năng giao duyên, huê tình của nó, các câu hát này có thể có hoặc không có gắn liền với một hình thái lao động nào như chèo ghe, xây lúa, cấy lúa hay giã gạo… mà chỉ diễn ra trong môi trường hội hè trong những ngày nông nhàn hay những ngày hội của địa phương hoặc trong các buổi giỗ chạp, cưới xin, mừng ngày mùa… của xóm làng.
- [2]Bộ sưu tập được xem như là mở đầu cho phong trào sưu tầm, tập hợp ghi chép ca dao dân ca Nam bộ là sưu tập Câu hát góp (in lần thứ nhất năm 1897, bản chúng tôi có là bản in lần thứ 2 năm 1901), gồm 1011 câu lục bát trong 32 trang sách. Sau này Trương Minh Ký có cho in lại toàn bộ những câu này trong sưu tập Câu hát An Nam cũng gồm 32 trang, có lẽ đây chính là Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của. Chúng tôi đối chiếu hai bản in của Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký thì thấy giống hệt nhau, đồng thời trong phần lời tựa của bộ sưu tập Câu hát góp, Huỳnh Tịnh Của có viết 12 câu lục bát, lấy tựa là Câu hát An Nam: “Trải xem ca vịnh xưa nay, tự nhiên cảm thán biết bao nhiêu tình. Lạ chi nữ tú nam thanh, nhiều lời ong bướm dỗ dành trăng hoa. Trọng vì đạo chúa nghĩa cha, những điều ta thán cũng là tự nhiên. Chữ rằng: phong nguyệt vô biên, vợ chồng tơ tóc nhơn duyên thâm trầm. Quốc phong xưa có mười lăm, tục diêu mới góp mười trăm câu ngoài. Kinh thanh Vĩ trược rẽ hai, nối diêu vẽ rắn, mực nài khen chê”. Có thể đoán định rằng, khi cho tái bản, Trương Minh Ký đã dùng tựa Câu hát An Nam của bài thơ để đặt tên cho bộ sưu tập. Sưu tập ca dao này của Huỳnh Tịnh Của tuy là có tính mở đầu, xưa nay chưa có tiền lệ in ấn những bộ sưu tập ca dao như thế này ở miền Nam nhưng lại cực kỳ đầy đủ và dày dặn, gồm 1011 câu (theo đánh số của Huỳnh Tịnh Của trong bản in đầu tiên) nên đã được Lý Khắc Xuyên và Huỳnh Ngọc Trảng cho tái bản lại trong 2 tác phẩm của 2 ông mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên. So với các bộ sưu tập khác của các soạn giả khác sau Huỳnh Tịnh Của vài mươi năm, chỉ có từ 200 đến hơn 500 câu lục bát, có thể thấy công phu sưu tầm của ông vào những năm cuối thế kỷ XIX. Chúng tôi có thể lý giải phần nào hiện tượng dày dặn trong sưu tập của Huỳnh Tịnh Của so với các sưu tập khác là do ông không có ý phân biệt thể loại hay chủ đề nội dung của các câu hát. Phần tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn ông gom vào một sưu tập, tất cả những câu thơ lục bát ông đưa vào một bộ sưu tập khác là Câu hát góp. Trong khi đó, các nhà sưu tập đi sau ông, có ý phân biệt thể loại và chỉ chọn những câu nào hợp với tiêu đề của bộ sưu tập như hát huê tình, hát đối đáp, hò cấy, hò giã gạo, hò chèo ghe… cho nên số câu thơ ít hơn hẳn so với bộ sưu tập của Huỳnh Tịnh Của dù họ tiến hành sau ông đến vài mươi năm. Về cách xếp đặt của Huỳnh Tịnh Của trong bộ sưu tập này cũng không theo ABC chữ cái đầu câu, không theo nội dung cuộc hát hay theo phân vai đối đáp nam nữ như các bộ sưu tập khác mà ông cứ xếp theo sự hợp vần nối tiếp nhau giữa các cặp lục bát với nhau, từ câu 1 cho đến câu 1011. Chẳng hạn như:
Câu 1: Dạo chơi quán Sở lầu Tần
Hữu duyên thiên lý ngộ ai dè gặp em
Câu 2: Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc như đèn mới khêu
- Bộ sưu tập Câu hát đối theo bạn cấy (1929) của nhà sưu tầm Đặng Lễ Nghi in tại nhà in Xưa Nay có thể xem là một điển hình cho những tuyển tập ca dao dân ca Nam bộ thời kỳ đầu bởi sự sắp xếp và phân loại cực kỳ phức tạp. Trước bộ sưu tập của ông chỉ có 2 sưu tập Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn[3] và Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của cùng một vài câu hát mà Trương Vĩnh Ký giới thiệu trên báo chí. Bộ sưu tập này của Đặng Lễ Nghi bao gồm 635 cặp lục bát được chia ra thành 4 thể loại khác nhau là: Câu hát đối theo bạn cấy (213 câu lục bát); Câu hò, tuồng, truyện (125 câu lục bát); Hò thơ (96 câu lục bát) và Hò xạo (199 câu lục bát). Tên gọi của bộ sưu tập là Câu hát đối theo bạn cấy khiến ta hình dung chức năng của những câu hát trong tuyển tập này như là những câu hò lao động, cụ thể ở đây là cấy lúa, là một loại dân ca mang tính chất lao động, có nhịp điệu, tiết tấu gắn bó hữu cơ với động tác lao động là cấy cày trên các cánh đồng. Hay có thể đây là những câu hát đối đáp nhằm trao đổi tâm tình nam nữ hoặc để vui chơi giải trí sau những giờ cấy lúa mệt nhọc, nam nữ cùng nhau nghỉ ngơi trên bờ ruộng, tự chia nhóm và hò đối giao duyên với nhau.
Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, ngoài 213 cặp lục bát mà Đặng Lễ Nghi xếp trong phần Câu hát đối theo bạn cấy có vẻ là những câu hát đối đáp giao duyên nam nữ theo tiêu chí phân loại ca dao truyền thống hiện nay thì những phần còn lại là Hò, Tuồng, Truyện, Hò thơ, Hò xạo… là một sự sắp xếp hết sức lộn xộn theo vần câu lục bát này nối tiếp với câu lục bát sau. Câu hát đối đáp truyến thống cũng có, câu hát kể lại những tuồng tích cũ trong truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm Việt Nam như Thạch Sanh – Lý Thông, Phạm Công – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều hay các vở cải lương nổi tiếng Nam bộ thời bấy giờ như Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Chén cơm chan máu, Mùa thu lá bay… cho tới các điển tích điển cố trong tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc như Thuỷ Hử, Tam Quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký… Nói chung, tác giả cứ sắp xếp theo sự hợp vần giữa các câu với nhau, không phân biệt cụ thể nội dung của từng câu cho nên sự phân chia thành các thể loại tích, tuồng truyện hay hò thơ, hò xạo cũng rất lộn xộn, nhập nhằng và vô cùng rối rắm. Theo chúng tôi, để sắp xếp lại những câu ca dao này theo nội dung đề tài và chú thích toàn bộ những điển tích điển cố trong đó cũng không phải là chuyện dễ dàng, cần đòi hỏi một sự am hiểu sâu sắc từ văn hoá dân gian đến văn học cổ điển của cả Việt Nam và Trung Hoa.
- Bộ sưu tập Câu hát huê tình của soạn giả Đinh Thái Sơn do NXB Thuận Hóa tái bản vào năm 1946 gồm 18 trang với 361 câu hát được tác giả đánh số thứ tự lần lượt. Theo như giới thiệu của Huỳnh Ngọc Trảng trong Ca dao dân ca Nam Kỳ lục tỉnh, thì đây chỉ là bản in sau của Câu hát huê tình, tuy nhiên chúng tôi không có bản đầu tiên nên đành dùng bản in năm 1946 này để khảo sát. Tựa đề đầy đủ của bộ sưu tập này là Câu hát huê – tình: có ý vị và tình nghĩa (Góp nhặt những câu hát hoặc kim hoặc cổ để cống hiến cho nam nữ thanh niên lao động cơn hành sự ngâm nga đặng quên cả vất vả và mệt nhọc). Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thời chụp được bộ sưu tập Câu hát huê tình của Đặng Lễ Nghi (bản in lần thứ 2 năm 1928 và bản in lần thứ 3 năm 1930 đều của Nhà in Xưa Nay) gồm 23 trang và 360 câu hát được đánh số. So sánh 2 bản của Đinh Thái Sơn và Đặng Lễ Nghi, chúng tôi thấy giống hệt nhau từ câu đầu là “1-Ông Tổng, ông Xã, ông Cã, ông Chủ, đông dầy, bớ mình ôi. Bậu sánh so trang trọng, với mấy thầy ai hơn” và câu cuối “361- Tại thiên nguyện tác bỉ dực điểu, tại địa nguyện tác liêng lý trí, e là e đó đa nghi, bớ anh ôi. Đây em quyết giữ trọn nghì sắc son”[4]. Đồng thời ngoài bìa sách của Đặng Lễ Nghi còn có câu “Bổn này M.Đinh Thái Sơn nhường đứt quyền xuất bản cho tôi”. Từ đó có thể luận ra, sưu tập Câu hát huê tình do Đinh Thái Sơn soạn đã in trước năm 1928, sau đó Đinh Thái Sơn đã bán lại bản quyền cho Đặng Lễ Nghi in đi in lại nhiều lần. Đến năm 1946, NXB Thuận Hóa đã cho tái bản cuốn này từ bản gốc đầu tiên của Đinh Thái Sơn.
Bản Câu hát huê tình của Đinh Thái Sơn và Đặng Lễ Nghi không có gì khác nhau, gồm 360 câu hát được tác giả đánh số thứ tự, không đề cụ thể câu hát nào nam hát, câu nào nữ hát, nhưng khi sắp xếp tác giả cũng đã có ý đồ sắp xếp lời đối đáp huê tình của nam nữ xen kẽ nhau. Thể thơ trong những câu hát huê tình này đa số là song thất lục bát hoặc lục bát, song thất lục bát biến thể và lục bát biến thể. Các câu đối và câu đáp cứ thế kéo đi từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác, từ sự việc này sang sự việc khác, không được xếp theo nội dung một cuộc hát trọn vẹn như trong các bộ sưu tập khác, cho nên chỉ có thể thấy sự hợp lý trong nội dung của riêng từng cặp đối đáp nam nữ với nhau chứ giữa các cặp đối đáp liên tiếp với nhau thì không có sự ăn ý nhịp nhàng, cảm giác như soạn giả thích đâu thì xếp vào đó, nhớ câu nào thì ghi chép lại câu đó. Trong bộ sưu tập này cũng xen kẻ nhiều tiếng đưa hơi là những hô ngữ trong câu hát huê tình như bớ anh ôi, bớ mình ôi, bớ Bảy ôi, bớ anh Mười ôi, bớ nhơn tình ôi, bớ bậu ôi, bớ em ôi, chẳng hạn như: “Gái Đàng- mới xem tường không mới, Trai Bến Thành xét lại chẳng thành, ngày ngày qua lại em anh, bớ Bảy ôi! Có su có lúi, mới thành gió trăng”, “Thông kinh sử ấy phần nam tử, giữ nết na là phận nữ nhi, xử sao vẹn xướng chữ tuỳ, bớ anh ôi. Tiếng ừ thì dễ, em lo vì ngày sau?”
- Trong bộ sưu tập Câu hát đối đáp (1933) của soạn giả Nguyễn Bá Thời, ông đã chú thích thêm dòng chữ dưới tên gọi của bộ sưu tập là “Lựa rút những câu hát kim - cổ hay nhứt”[5]. Toàn bộ bộ sưu tập này bao gồm 300 câu hát đối đáp (do chúng tôi đếm, tác giả không đánh số thứ tự) luân phiên giữa nam và nữ. Mỗi lời đối đáp của nam hoặc nữ bao gồm từ 1 đến 2 cặp lục bát hoặc lục bát biến thể, song thất lục bát hoặc song thất lục bát biến thể, nhiều câu hát được thêm các tiếng đệm, tiếng láy và tiếng đưa hơi, giai điệu nhịp nhàng như những câu thơ được hát lên. Nhiều hô ngữ cũng được sử dụng liên tục trong bộ sưu tập này như bớ em nó ôi, bớ anh nó ôi, này em ôi, này anh ôi, em ôi, anh ôi… hầu như trong cặp đối đáp nào cũng được sử dụng.
Ví dụ cặp đối đáp gồm hai câu đầu tiên trong bộ sưu tập:
Nam hát: Nhầm lúc trăng thanh gió mát, mái chèo lúc nhặt lúc khoan, ai xui cho gặp mặt nàng; bớ em nó ôi! Thương ai nên mới lòng vàng héo hon
Nữ hát: Ruộng ai thì nấy đắp bờ, duyên ai nấy gặp, bớ anh ôi! Xin anh chớ có mỏi chờ, tôi nguyện ở vậy phụng thờ mẹ cha
Nhìn chung toàn bộ 300 câu được thể hiện xuyên suốt theo một câu chuyện tình nam nữ, từ thưở ban đầu gặp mặt, buông lời làm quen, ướm hỏi hoàn cảnh gia đình, tán tỉnh, ngỏ lời thương nhớ, ao ước được kết duyên rồi hẹn hò, hứa hẹn chờ đợi nhau. Sau đó sẽ có cảnh giận hờn chia ly, người này phụ tình người kia, cô gái đi theo chồng theo sự sắp đặt của gia đình nhưng lòng còn vấn vương người cũ của thưở ban đầu, hôn nhân không hạnh phúc, gia đình tan nát. Trải qua những đau khổ xót xa của cuộc đời không như ý nguyện, họ gặp lại nhau và vẫn dành cho nhau những lời yêu nồng ấm như xưa. Kết thúc bộ sưu tập là những câu hát diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ bến của đôi trai gái khi họ được về bên nhau sau bao xa cách.
- Bộ sưu tập ca dao dân ca thứ 2 của Nguyễn Bá Thời (1933) là Câu hát đối đáp, in lần đầu năm 1933, lần 2 năm 1934, đều do nhà in Đúc Lưu Phương xuất bản, đến năm 1959 NXB Phạm Văn Cường tái bản gồm 15 trang với 188 câu ca dao (chúng tôi có bản 1959). 188 câu ca dao này cũng được sắp xếp luân phiên giữa vai nam và vai nữ. Đặc điểm của bộ sưu tập này cũng như sưu tập Câu hát đối đáp ở trên cũng của Nguyễn Bá Thời, có thể coi 2 bộ như là tập 1 và tập 2, hình thức trình bày giống nhau, nội dung cuộc hát cũng là diễn biến của một câu chuyện tình nam nữ, cũng chen vào nhiều hô ngữ trong lời đối đáp và sai lỗi chính tả rất nhiều.
- Chúng tôi có trong tay hai bản in bộ sưu tập Câu hò xây lúa (in lần 2 năm 1928 và in lần 3 năm 1930) của Nguyễn Công Chánh ở cùng nhà in Xưa Nay. Có thể thấy đây là một bộ sưu tập dày dặn với 554 câu lục bát, được xếp theo sự hợp vần liên tục từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng, không phân vai nam nữ nhưng theo nội dung câu hát ta có thể thấy được soạn giả có ý sắp đặt câu hát của người nam và người nữ xen kẽ nhau như những bộ sưu tập câu hát đối đáp khác. Tuy nhiên do không phân vai chi tiết và do sắp xếp theo vần nhịp giữa các câu với nhau nên đọc từ đầu đến cuối tuyển tập, cảm giác như đọc một bài thơ lục bát hoàn chỉnh xuyên suốt bao gồm 554 câu thơ. Trước khi trình bày các câu hò xây lúa, Nguyễn Công Chánh đưa ra trước 6 câu rao, thường là do người làm chủ một cuộc hát bắt nhịp trước, mời gọi bạn hò xung quanh cùng tiếp tục hò theo, những câu rao kiểu như: “Tôi là người dạo kiển lê viên, tới đây gặp gái thuyền quyên rủ hò” hay “Anh là người đáo xứ đường xa, nghe em có nghĩa bon ba tới hò”. Nội dung cuộc hát cũng là gặp gỡ chào hỏi, làm quen, trao gởi tình duyên, hứa hẹn, chờ đợi và chia xa... như bao cuộc hát khác. Nguyễn Công Chánh viết lời tựa cho tuyển tập của mình rằng: “Mấy câu trước đấy là mấy câu rao. Hễ khi nào gái với trai sấp đặt rồi, thì trai hay là gái, cất tiếng trước mà rao, rồi bắt cho vần mà hò thì trúng nhiệp nhàn thì mê lắm”[6].
- Bộ sưu tập Câu hát và hò góp (tân soạn – bổn cũ soạn lại) của Nguyễn Công Chánh do NXB Thuận Hoá in lại vào năm 1967, ngoài bìa có chú thêm câu: “Bản này do ông Phạm Văn Thình đã nhường đứt bản quyền cho tôi: Trần Văn Sửu”, chúng tôi phân vân không biết bộ sưu tập này là tái bản của cuốn nào trước đó vì so với tuyển tập Câu hò xây lúa của Nguyễn Công Chánh do Phạm Văn Thình xuất bản gồm 554 câu lục bát mà chúng tôi vừa giới thiệu ở trên thì hai bản hoàn toàn không giống nhau. Bản Câu hát và hò góp gồm 534 câu lục bát sắp xếp theo vần liên tục nhau giữa câu 8 trên và câu 6 dưới, không phân chia lời đối đáp của nam hay nữ như các bộ sưu tập kia. Những câu ca dao trong bộ sưu tập này đều là lục bát, ít trường hợp có biến thể cũng không kèm theo nhiều hô ngữ hay tiếng đưa hơi như các bộ sưu tập khác. Xét về cách trình bày của bộ sưu tập này thấy gần gũi với những bộ sưu tập ca dao trong thế kỷ sau, tiếng Việt trong bộ sưu tập này cũng đã gần đạt đến chuẩn, ít sai lỗi chính tả và ít từ Việt cổ, vẫn dùng nhiều từ địa phương Nam bộ và các điển tích điển cố được nhắc trong câu thường là những câu chuyện, giai thoại về các nhân vật văn hoá lịch sử, văn học phổ biến nhiều người biết.
- Sưu tập Hò xây lúa (?) của Hoàng Minh Tự, nhà in Phạm Văn Cường xuất bản, với câu chú thích ngay trang bìa “xuất bản đúng theo các bản xưa” gồm 225 câu lục bát đối đáp giữa trai và gái, lần lượt nhau theo vần cuối của câu 8 và vần cuối của câu 6, cứ thế liên tục nhau, nội dung của cuộc hát cũng bắt đầu từ việc gặp gỡ làm quen đến ướm hỏi, trao gởi tình cảm và kết thúc bằng sự chia xa. Việc “xuất bản theo đúng các bản xưa” của soạn giả Hoàng Minh Tự là các bản xưa nào thì không thấy ông nhắc đến trong bộ sưu tập, có thể cho rằng ông tham khảo cách trình bày của các nhà sưu tập đi trước và 225 câu lục bát trong tuyển tập là được ông tuyển chọn trong sinh hoạt ca hát của dân gian, cụ thể là trong môi trường lao động – xây lúa?. Vì nếu cho rằng Hoàng Minh Tự đã cho in lại những câu hát trong các tuyển tập xuất bản trước đó thì rất vô lý, do các sưu tập của Đặng Lễ Nghi, Nguyễn Bá Thời hay Khấu Võ Nghi ra đời trước Hò xây lúa của ông đều có số câu từ 300 câu trở lên, nhiều hơn bộ sưu tập của ông cả hơn 100 câu. Có thể hình dung ra môi trường diễn xướng nơi xuất phát những câu hò trong bộ sưu tập của Hoàng Minh Tự là những sân lúa chung của xóm làng sau mùa gặt, trai gái tập trung cùng nhau làm lúa từ ngày này sang ngày nọ. Để nhịp điệu lao động được nhịp nhàng, khẩn trương, đồng thời cũng để giải trí, làm quen, trao đổi tâm tình… nam nữ đã cùng nhau bày trò hò đối, hò đáp cùng nhau. Và có khi biết đâu, sau khi kết thúc vụ mùa chung, sẽ có vài đôi nam nữ vì mến mộ tài năng ứng đối của nhau mà nên duyên chồng vợ. Những câu hò đầu tiên để chào hỏi, làm quen và rủ rê bạn hò cùng hò hát với nhau cho vui thường do người con trai chủ động đánh tiếng:
- “Trai: - Gặp em đây dường như cá nọ gặp mồi, bấy lâu nghe tiếng đứng ngồi không yên. Gái - Em là phận bạc vô duyên, bấy lâu huê giữ nguyên chờ chàng
- “Trai: - Thật là nhơn nghĩa đượm tràng, ngày nay phỉ nguyện tôi với nàng sanh đôi. Gái: - Mình có thương tôi thương cho thiệt bớ chàng ôi, tiết trinh phận gái thân tôi phải thờ”
- Bộ sưu tập Hát huê tình đối đáp của Khấu Võ Nghi
Ví dụ một cặp đối đáp được trình bày trong sưu tập của Khấu Võ Nghi:
“- T. Trọng là trọng tình, quý là quý nghĩa, ai đếm xỉa chi đến cái chữ sang hèn, bớ em ôi! Dầu ai cho anh vàng khối anh cũng chẳng màng, yêu là yêu cái lòng trong sạch của nàng (đối) với anh. – G. Đêm thanh gió mát, mảng lo hát em quên hỏi cho phân minh, gặp nhau đây là bán lộ trình, bớ quân tử ôi! Cho em hỏi thăm quân tử, vậy chớ gia đình ở đâu?”[7]
Cứ thế tiếp tục xen kẻ giữa câu hát của “- T.” và “- G” từ câu 1 cho đến hết câu 359, nội dung của cuộc đối đáp này cũng được hát liên tiếp theo nhiều chặng khác nhau, từ gặp gỡ làm quen đến ướm hỏi, trao duyên, phân trần khó khăn của sự tác thành lứa đôi do những lề thói lễ nghi phong kiến, lệnh mẹ cha, xem tuổi vợ chồng, xem tông, xem giống… càng vào sâu trong cuộc hát, trai gái càng say thơ, say tình, những câu hát càng lúc càng chứa chan nồng đượm như thể hai bên đã nguyện ước từ lâu, đã trao nhau những yêu thương gắn bó thiết tha từ lâu chứ không phải chỉ mới biết nhau từ đầu cuộc hát. Rồi đến giữa cuộc hát, họ nói đến sự chia xa, ly biệt đầy nước mắt: “- T. Ấy việc ước mơ, nặng lòng thương nhớ, nói ra bợ ngợ còn sợ thiên hạ họ chê cười, anh xa em một phút, rã rời tâm can”… Càng về cuối cuộc hát, những lời đối đáp càng nặng nghĩa nặng tình, sắp chia xa nên gái trai mới buông lời hẹn ước, nguyện giữ tình chung trọn nghĩa cùng nhau: “- G. Trăng soi đáy nước, cùng nhau giao ước một lời, nói ra thì có đất trời, ngày ngày nắm giữ nguyện trọn đời với nhau”.
- III.Vấn đề ngôn ngữ và đặc điểm tiếng Việt trong các bộ sưu tập
- Trước khi bàn về đặc điểm của tiếng Việt thời kỳ đầu trong các bộ sưu tập ca dao dân ca Nam bộ, chúng tôi nhận thấy toàn bộ các câu hát trong những sưu tập này đều viết theo thể thơ lục bát, rải rác có thể thơ song thất lục bát ở vài tuyển tập, còn lại cơ bản vẫn là lục bát và biến thể lục bát khi được thêm những tiếng đệm, lót, hô ngữ…trong các câu hát huê tình đối đáp. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khi cho phục dựng lại 6 sưu tập ca dao miền Nam xưa trong tác phẩm Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh cũng đã nhận định rằng: “Trong sinh hoạt hò hát đơn lẻ hay đối đáp cổ xưa, dường như các cặp ca dao lục bát là “ca từ” chủ yếu; và nếu được mở rộng thì cũng gọi trong hai ba cặp lục bát. Đó là những trường hợp thường thấy ở những sưu tập các câu hò, câu hát xuất bản hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”[8].
- Về ngôn ngữ, có thể thấy rằng càng về trước, tiếng Việt trong các bộ sưu tập càng xa chuẩn tiếng Việt hiện nay, lỗi chính tả dày đặc nhưng sai một cách có hệ thống, sai trong sự thống nhất ngôn ngữ chung của thời kỳ đó.
- “Đi ngan cửa bạn liết xem, thấy chồng gần vợ anh đem lòng mừng”
- “Hiêu hiêu gió thổi bờ đê, cữa nhà bỏ phế, mảng mê lời mình”
- “Lôi thôi nay nổi mai chiềm, bớ bạn ơi, chọn nơi gá nghĩa, ngặc tiềm chưa ra”
- “Chẵng thà em than thở cho phĩ long, kẽo mà uất ức, ngày đêm vắng vẽ lang phòng, bớ anh ôi. Nhớ thương đến đổi má hồng ốm đau”
- “Củng vì em phân rẻ cơn nầy, tại em căng trở, vợ chồng chẵng đặng sum vầy, bớ em ôi. Chắc là chịu thát, chẵng khuây tấm lòng”
Thay vì dấu hỏi sẽ là dấu ngã và ngược lại, thay vì kết thúc từ bằng “t” thì sẽ là “c” và ngược lại, “n” thay cho “ng”, “iêm” thay cho “im”… rất nhiều những từ sai chính tả tương tự nhưng lại được thống nhất và sử dụng toàn miền Nam, xuất hiện nhiều trong các bộ sưu tập văn học dân gian khác, có thể cho rằng đây là tiếng Việt mà người dân Nam bộ đã sử dụng trong thời kỳ đầu, càng về sau, tiếng Việt trong các bộ sưu tập càng gần với chuẩn hơn. Khi tìm hiểu về sự thống nhất cao trong ngôn ngữ toàn vùng ở miền đất phương Nam, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho rằng: “có thể coi lịch sử khai phá đất Nam bộ, sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ là một trong những nguyên nhân của sự thống nhất ngôn ngữ này” và “Chính môi trường chữ quốc ngữ đã làm cho phương ngữ Nam bộ sớm có được sự thống nhất về không gian, khắc phục các khác biệt địa phương (…) Đến đây, dù người Bắc Hà, người xứ Nghệ hay người Ngũ Quảng đều sớm bị đồng hoá bởi tiếng nói Nam bộ”[9].
3. Trong rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ của ca dao miền Nam trước 1945, theo chúng tôi lỗi sai chính tả là vấn đề có thể được giải quyết một cách dễ dàng và triệt để nhất. Bên cạnh đó là sự xuất hiện khá nhiều những từ Việt cổ mà tới nay rất hiếm thấy xuất hiện trong cả văn học dân gian lẫn văn học viết, để tra nghĩa của các từ ngữ này, chúng tôi phải nhờ đến Đại nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của và những từ điển tiếng Việt chung lẫn từ điển từ Nam bộ nói riêng để tra cứu cho tường tận và chú thích cho đầy đủ khi tiến hành chỉnh lý. Chẳng hạn có nhiều từ cổ dưới đây hiện nay hiếm thấy xuất hiện trong cả văn học viết lẫn văn học truyền miệng:
- “Nước còn khi chảy khi ương, gẩm tui với bậu lương khương quá chừng”
- “Anh ôi anh đừng có lắm tiếng thở than, làm cho em nát tấm lòng vàng, anh khá về thưa với thung đàng cưới em”
- “Em cũng muốn cho Tấn Tần nhứt gia, anh về bẫm lại này bớ anh ôi. Đầu đuôi khá tõ bày, mẹ cha ưng chịu duyên hài sẻ vui”
- “Mặc ai tham ván bán thoàn, anh gìn lời thệ hải minh san tới già”
- Đồng thời trong các bộ sưu tập ca dao dân ca Nam bộ còn thấy sự xuất hiện dày đặc của phương ngữ miền Nam – những từ ngữ mới mẻ và phóng khoáng của vùng đất mới, sự vay mượn ngôn ngữ Pháp, Chăm, Hoa, Khmer trong quá trình giao lưu với văn minh phương Tây, Trung Hoa và sống cộng cư với các thành phần dân tộc khác đã dần dần hình thành nên một hệ thống từ vựng mới lạ. Một phần do môi trường sông nước, đặc điểm của địa lý vùng đất hay môi trường sinh thái Nam bộ cũng khá lạ so với các vùng miền khác trong cả nước nên xuất hiện hàng loạt những từ chỉ địa danh vùng sông nước hay các loại động thực vật trên cạn, dưới nước hết sức phong phú… hệ thống từ vựng này đã được đưa trực tiếp vào ca dao khiến cho ngôn ngữ ca dao vùng đất này trở nên mới mẻ và đa dạng.
- “Le le vịt nước bồng bồng, con cua, con rạm, con còng: sáu con”
- “Rô rê lóc sặc dầy dầy, rồng rồng hủng hỉnh, lộn bầy thia thia”
- “Cơn ngộ nạn gió rung bẩy bẩy, lúc giựt giàng chạy lịa băng cung”
- “Quần lủng đấy đi đâu xớ rớ, áo rách te nói chuyện bốc chài”
- “Nước ròng bỏ bải bày gành, nầy bậu ôi, bậu đem duyên đi bán đất châu thành đều hay”
- Quá trình khai hóa văn minh của phương Tây và giao lưu buôn bán với người Hoa cũng đã đưa vào tiếng Việt ở miền Nam những từ mới hoặc vay mượn nguyên âm của Pháp, hoặc đã được Việt hóa, hoặc nhiều từ Việt được dùng để chỉ người Trung Quốc, người Chăm, Khmer mà chỉ miền Nam mới hay dùng…. thông qua hệ thống ngôn ngữ đó, ta cũng phần nào có thể hình dung ra được toàn cảnh văn hoá miền nam thời kỳ này:
- “Trách A-lơ-măn nó lăn xăn làm loạn, thiếp đưa chàng lai láng dòng châu”
- “Nhà hát bóng chào rào chộn rộn, sở chụp hình ngồi đứng chỉnh tề, thăm em một chút anh về, chơi khuya lính bắt khó bề phận qua”
- “Nhà lạc-xon chộn rộn, mặc tình khách vãn lai, ai ai cũng vụ chữ tiền tài, liều thân liễu yếu, bỏ ngoài mái hiên”
- “Thân em lấy Khách không suy, chàng rể kiêu cha vợ, tao mi anh thấy thường”
- “Duyên nợ đâu xe tới bên Tàu, bớ mình ôi, hay là mình thấy Chệt giàu mình mê”
- “Làm chi lăn liếu hởi ba, bậu ham đồng bạc trắng, bậu bán hoa cho Chà”
- Bên cạnh phương ngữ thì từ gốc Hán cũng được sử dụng trong phần lớn câu ca dao trong các bộ sưu tập. Có những câu lục bát chỉ toàn là từ gốc Hán, hoặc có những cặp lục bát có một câu là từ gốc Hán, một câu là từ thuần Việt. Khi cần trang trọng hoá một số tên gọi hay chi tiết lời ca, người dân miền Nam lại dùng bằng từ gốc Hán như phụ mẫu, mẫu thân, quân tử, hiền thê, thê tử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Phương Châm khi nghiên cứu về ngôn ngữ ca dao Nam bộ đã nhận xét rằng: “Ca dao Nam bộ sử dụng từ gốc Hán khá thành thục theo xu hướng chủ đạo là kết hợp với những từ thuần Việt để làm trang trọng lời ca dao về hình thức, sâu sắc về tầng ý nghĩa. Bên cạnh đó cũng tồn tại một xu hướng là minh họa giải thích từ gốc Hán bằng ngôn ngữ rất thông dụng, đời thường”[10]
- “Lộ bất thành bất đáo, chung bất đã bất minh, lâu nay tôi chẳng biết ý mình, ngày nay minh bạch, nhơn tình tri tri”
- “Nhứt ngôn trúng, vạn ngôn dụng, nhứt ngôn bất trúng, vạn sự bất thành, em không có dạ gạt anh, bớ anh ôi. Nỡ nào em trao thảm cho đành dạ em”
- “Kìa mã phùng bá lạc, nọ bàn điểu ngộ phong, qua muốn tường đó dạ đục trong, cho tường long bưởi dạ bòng thuyền quyên”
- “Tiền tài như phấn thổ, nhơn nghaĩ tợ thiên kim, anh nghinh tân yểm cựu sau tìm đặng đâu”
- “Hữu phu phụ như hữu hà dư, hai đứa mình chồng vợ ưu tư đêm ngày”
- Một đặc điểm nổi bật nữa của ngôn ngữ ca dao miền Nam thời kỳ đầu là rất nhiều những từ ngữ dùng để chỉ các điển tích điển cố gắn với các nhân vật trong các tuồng tích nổi tiếng của Việt Nam như Tiên Bửu, San Hậu, Lục Vân tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Bàng Lê Huê hay trong các bộ tiểu thuyết chương hồi kinh điển của Trung Hoa như Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa…
- “Theo thầy Tam Tạng thỉnh kinh, đi qua nhiều động yêu tinh đón đàng”
Điển tích trong câu ca dao này là tác phẩm văn học kinh điển Tây Du Kí của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, bộ sách viết về hành trình đi đến đất Phật ở Tây phương để thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tam Tạng
- “Phạm Lãi dùng nàng Tây Thi, Ngô Vương đẹp dạ chẳng chi đâu là”
Câu chuyện về cuộc đời Tây Thi là một trong những điển tích hết sức nổi tiếng trong văn chương Trung Hoa và các nước bị ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, trong đó có Việt Nam. Những giai thoại truyền thuyết, các câu chuyện lịch sử về bộ ba Phạm Lãi – Tây Thi – Ngô Phù Sai cũng đã được nhiều lần đưa lên sân khấu ở nước ta trong các vở tuồng hay các kịch bản cải lương ở miền Nam.
- “Vân Tiên tính lại cố nhơn, Hớn Minh đưa mấy dặm đường lui chơn”
Vân Tiên và Hớn Minh được nhắc đến trong điển tích này là hai huynh đệ trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, có một thời người dân miền Nam thuộc làu làu tác phẩm này và ngâm nga trên những cánh đồng hoang vu mênh mông của miền Nam thời mở cõi, hình thành một điệu dân ca nổi tiếng thời bấy giờ là điệu nói thơ Vân Tiên, từ điệu nói thơ Vân Tiên, người Nam bộ đã dùng làn điệu này để ngâm những bài thơ Nôm bác học khác hoặc ngâm những câu ca dao trong dân gian. Điệu nói thơ này thường do cá nhân một người ngâm ngợi trong lúc thảnh thơi, nghe văng vẳng trong đồng ruộng mênh mông như giãi bày tâm trạng nhớ nhung quê hương xa xôi của những người dân Ngũ Quảng lưu lạc phương Nam, đoạn thơ Vân Tiên khóc thương cha đến mù loà và gặp bao tai nạn trên đường về quê như nói hộ tâm trạng đau đáu nhớ thương của những con người xa xứ ở vùng đất mới nhiều gian khó này.
- “Phạm Công đi tìm Cúc Hoa, dốc lòng xuống chốn Diêm la mới đành”
Phạm Công Cúc Hoa cũng là một truyện thơ nôm dân gian mà một thời người dân miền Nam hay rộng ra là cả nước ai ai cũng biết. Câu chuyện đã được làm kịch, làm phim và đặc biệt là lấy bao nước mắt của người xem trong những vở cải lương kinh điển. Rất nhiều nghệ sĩ cải lương từ tuồng tích này mà thành danh và truyện thơ này cũng là cảm hứng cho nhiều truyện thơ Nôm bác học ra đời sau này.
Tạm kết
Nhìn chung, trong bài viết này chúng tôi chỉ mới phác thảo được tổng quan tình hình sưu tập và đặc điểm trình bày, in ấn cũng như đặc điểm ngôn ngữ, nội dung của các bộ sưu tập ca dao dân ca miền Nam ra đời trước năm 1945. Vấn đề chính tả tiếng Việt, từ Việt cổ, từ Hán Việt, từ địa phương Nam bộ hay các điển tích điển cố văn học cả dân gian lẫn bác học, cả Việt Nam lẫn Trung Hoa xuất hiện trong trong nội dung ca dao dân ca Nam bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì nhiều vô kể. Sau này khi tiến hành phục dựng và cho tái bản lại các bộ sưu tập này, chúng tôi sẽ tiến hành chỉnh sửa lỗi sai tiếng Việt, chú thích tỉ mỉ từng từ Việt cổ, từ Hán Việt, từ địa phương hay từng điển cố, điển tích để có thể làm rõ nghĩa nội dung của ca dao thời kỳ này. Chúng tôi cũng xác định đây là một công việc đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian cũng như cần được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia văn hóa và ngôn ngữ.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Khắc Xuyên (1977); Những tác phẩm ca dao, tục ngữ được xuất bản trước đây một thế kỷ (Câu hát góp và Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn); Nxb Khoa học Xã hội, HN
- Ngô Đức Thịnh (cb, 1993); Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Nxb KHXH HN.
- Huỳnh Tịnh Paulus Của (1998), Đại Nam quốc âm tự vị, Nxb Trẻ (chụp lại theo ấn bản 1895 – 1896).
- Huỳnh Ngọc Trảng (1998), Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh; Nxb Đồng Nai.
- Nhiều tác giả (2004); Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam bộ, Nxb KHXH, HN.
- Nguyễn Xuân Kính (2007); Thi pháp ca dao; Nxb Đại học quốc gia, HN.
La Mai Thi Gia
Nguồn: Sách Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB Đại học quốc gia TPHCM, 2016, trang 190 – 201.
[1] Huỳnh Ngọc Trảng (1998); Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh, NXB Đồng Nai, tr.8
[2] Huỳnh Ngọc Trảng (1998); Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh, NXB Đồng Nai, tr.16
[3] Huỳnh Tịnh Của (1896) Tục ngữ, Cổ ngữ, Gia ngôn (những câu nói hay) – Maximes et Proverbes, Sài Gòn, Impr. & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 95 trang. Vì bài viết của chúng tôi là về thể loại ca dao dân ca nên chúng tôi không đưa cuốn này vào khảo sát
[4] Chúng tôi trích nguyên văn trong Câu hát huê tình của Đặng Lễ Nghi, tr.1 và tr.23
[5] Nguyên văn: “lựa rút nhửng câu hát kim-cỗ hay nhứt” (lỗi chính tả do chúng tôi tự sửa lại).
[6] Dẫn nguyên văn trong Nguyễn Công Chánh (1928), Câu hò xây lúa, Nhà in Xưa Nay, tr.1
[7] Nguyên văn xin xem Khấu Võ Nghi, trang 4. T là trai, G là gái, chúng tôi đã sửa lỗi chính tả.
[8] Huỳnh Ngọc Trảng (1998), Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh; NXB Đồng Nai, tr.1
[9] Ngô Đức Thịnh (cb, 1993); Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, NXBKHXH HN, tr .314
[10] Nguyễn Thị Phương Châm; “Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của ca dao sưu tầm ở Nam bộ”, trong Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam bộ, tr.364 (Nhiều tác giả, NXB KHXH, HN, 1004)