Đọc lại Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam từ một quan niệm rộng về hiện thực trong truyện cổ tích

20170808. truyen co tich

I. Trong những công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa - văn học dân gian của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có một vị trí đặc biệt. Dư luận chung của giới khoa học cũng như của đông đảo bạn đọc xem bộ sách sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam dày tới 2.740 trang(1) ấy là một “công trình nghiên cứu folklore đã trở thành cổ điển”.(2)

Năm 1990, trong một bài viết để tưởng niệm GS Nguyễn Đổng Chi,(3) GS Đinh Gia Khánh có một nhận xét tinh tế như sau: “Cần phải nhấn mạnh rằng trong không ít trường hợp, khi đọc lại lần thứ hai công trình của Nguyễn Đổng Chi, người ta lại thấy một khía cạnh mới của đối tượng khoa học văn hóa được đề cập đến ở trong ấy. Trong cùng một công trình khoa học của Nguyễn Đổng Chi, có thể thâu nhận được những khía cạnh thông tin khác nhau, nếu người đọc xuất phát từ những giác độ tiếp cận khác nhau và nhằm tới những mục tiêu khác nhau”.

Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Nguyễn Đổng Chi, đọc lại bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tôi đã có dịp trải nghiệm “cách đọc Nguyễn Đổng Chi” của GS Đinh Gia Khánh: “thấy được khía cạnh mới của đối tượng khoa học”, “thâu nhận được những khía cạnh thông tin khác nhau… xuất phát từ những góc độ tiếp cận khác nhau và nhằm tới những mục tiêu khác nhau”.

Bài viết ngắn này là một ghi chép sơ lược những “thâu nhận” bước đầu của tôi. Bài viết chỉ xoay quanh vấn đề mối quan hệ của truyện cổ tích với hiện thực, trong vấn đề ấy cũng chỉ nhằm tới một mục tiêu: Tìm lời đáp cho câu hỏi hiện thực trong truyện cổ tích là những hiện thực nào?

II.     Trước hết, xin tóm tắt trong một ít dòng cách tôi hiểu thế nào là quan niệm rộng về hiện thực trong truyện cổ tích.

Trong triết học, hiện thực/thực tại là thuật ngữ dùng để chỉ “toàn bộ những sự vật, sự việc đã biết hoặc chưa biết, bền vững hoặc nhất thời… [nói chung] là toàn bộ những gì đang xảy tới hoặc đang tiếp diễn… [Thuật ngữ] tính hiện thực chỉ tính chất của những gì có thực. Tính hiện thực là đặc điểm của các sự vật, sự việc và cả của toàn bộ các sự vật, sự việc, trong chừng mực mà những sự vật, sự việc ấy tồn tại độc lập với chúng ta… Tính hiện thực đối lập với hiện tượng bề ngoài, với ảo ảnh, ảo tưởng”.(4)

Trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau, có những thuật ngữ khác nhau được dùng để chỉ những sự vật, sự việc “tồn tại độc lập đối với chúng ta” ấy. Thí dụ trong xã hội học, đó là các sự kiện xã hội, trong khoa học lịch sử đó là các sự kiện lịch sử, trong dân tộc học đó là các sự kiện dân tộc học, trong tâm lý học đó là các sự kiện tâm lý.

Về mối quan hệ của con người (chủ thể nhận thức) với hiện thực (khách thể/ đối tượng nhận thức của con người), đã từng diễn ra một cuộc tranh luận kéo dài giữa khuynh hướng gọi là hiện thực/duy thực chủ nghĩa với khuynh hướng gọi là phản/chống chủ nghĩa hiện thực/duy thực (Anti-réalisme). Chẳng hạn quan điểm xã hội học theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa khẳng định sự tồn tại của các sự kiện xã hội độc lập đối với các sự kiện tâm lý/tâm thức cá nhân (như niềm tin, sự ưa thích, các xúc động…) và có thể được giải thích bằng quan hệ nhân quả. Trong các thập niên gần đây, quan điểm này đã nhường chỗ cho những quan điểm được gọi là chống chủ nghĩa hiện thực, cho rằng các trạng thái tinh thần là những sự kiện/hiện tượng có tính độc lập đối với các cơ sở vật lý (não hoặc cơ thể nói chung) hoặc không thể đơn giản quy về các cơ sở vật lý ấy.(5) Trong khoa học về văn chương, Roland Barthes đã nhấn mạnh vào cái mà ông gọi là ấn tượng của hiện thực (l’effet du réel). Quan niệm về “ấn tượng của hiện thực” dẫn đến cách tiếp cận văn bản văn học không chỉ đơn thuần là một sự phản ánh, vì văn bản văn học mang chứa trong nó những sự giống nhau với hiện thực dưới hình thức các chi tiết cụ thể. Những chi tiết cụ thể ấy tạo nên thứ ảo ảnh làm cơ sở cho mỹ học về cái giống như thực. Phát triển quan niệm ấy của Roland Barthes, Pierre Bourdieu cho rằng văn học có khả năng sản sinh ra một thứ ảo ảnh (simulacre) của hiện thực, gợi lên một dạng niềm tin rất đặc thù: Hư cấu văn học, thông qua một sự quy chiếu về một hiện thực nhất định nào đó, vừa cho phép ta biết được thực sự đó là gì, lại vừa không thừa nhận là có thể biết được thực sự đó là gì.(6)

Cuộc tranh luận giữa khuynh hướng của chủ nghĩa hiện thực/duy thực với khuynh hướng chống chủ nghĩa hiện thực/duy thực ấy cũng đã từng diễn ra trong khoa học về folklore. Bàn về mối quan hệ giữa folklore với thực tại, một nhà folklore học Nga nổi tiếng thế giới, V. Ia. Propp đã từng nhiều lần phát biểu một cách rõ ràng và dứt khoát một quan niệm đối lập lại với khuynh hướng diễn giải biện minh cho cái gọi là “sự phản ánh thực tại chân thực” của folklore. Thí dụ trong trường hợp thể loại truyện cổ tích, ông cho rằng “một trong những đặc điểm của thể loại này là có những truyện không thể và không bao giờ có thể xẩy ra được”. Ông gọi đó là những sự kiện khác thường. Cái khác thường là cái mà trong đời sống thực tế không thể xẩy ra được. Theo ông thì đúng là trong truyện cổ tích sinh hoạt là loại truyện đã từng được định danh là truyện cổ tích hiện thực, truyện cổ tích có tính chất truyện ngắn, đa số trường hợp không có sự phá vỡ những quy luật tự nhiên, tất cả những điều mà truyện kể lại, thực ra mà nói thì cũng có thể có xảy ra. Song dù sao đi nữa thì những điều có thể xảy ra ấy vẫn mang tính chất khác thường. Đó là vì trong folklore truyện kể không dựa trên cơ sở miêu tả những hoàn cảnh thông thường hoặc những hành động thông thường trong những hoàn cảnh thông thường mà ngược lại: truyện kể về những điều làm ta phải sửng sốt vì tính chất khác thường của nó. Dựa trên một thí dụ tiêu biểu làm mẫu là truyện cổ tích sinh hoạt về cái xác chết bất hạnh, phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, ông đặt câu hỏi: tại sao một cốt truyện gây căm phẫn như vậy (nếu được tiếp nhận như một truyện “phản ánh thực tại chân thực” - CXD chú thêm) lại được phổ biến rộng rãi như thế? Câu trả lời của ông là: “chỉ có thể tại vì truyện cổ tích ấy chính là một câu chuyện vui nhộn mà thôi. Người kể cũng như người nghe không ai coi câu chuyện ấy có dính dáng gì tới hiện thực. Nhưng đối với người nghiên cứu truyện cổ tích thì lại có thể cần phải liên hệ câu chuyện đó với hiện thực cuộc sống và xác định xem những khía cạnh sinh hoạt nào đã làm nảy sinh ra cốt truyện ấy.(7)

Sự phát triển của khoa học về folklore trên thế giới từ gần một thế kỷ nay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và đã đề xuất được những quan điểm lý thuyết và phương pháp luận có hiệu quả đối với việc giải quyết các nhiệm vụ khoa học của mình, trong đó những kinh nghiệm ứng dụng hướng tiếp cận liên ngành đặc biệt có ích đối với nhiệm vụ phát hiện và xác định các dạng thức hiện thực trong folklore nói chung và trong thể loại truyện cổ tích nói riêng. Chẳng hạn đối với cách tiếp cận liên ngành, kinh nghiệm cho thấy muốn hiểu được các sự kiện folklore, cần phải phát hiện ra được mối quan hệ giữa các sự kiện folklore với các sự kiện dân tộc học, hơn nữa phải xem các sự kiện folklore cũng chính là các sự kiện dân tộc học.

Trên cơ sở những nhận thức rút ra được từ lịch sử cuộc tranh luận giữa khuynh hướng và chủ nghĩa hiện thực/duy thực với khuynh hướng chống chủ nghĩa hiện thực/duy thực, kết hợp với những nhận thức rút ra được từ kinh nghiệm ứng dụng hướng tiếp cận liên ngành trong folklore học, tôi thử đề xuất giả thuyết về sự có mặt của ít nhất là ba phạm trù hiện thực như sau trong truyện cổ tích:

  1. Phạm trù hiện thực xã hội hay cụ thể hơn: hiện thực của những mối quan hệ gia đình và quan hệ xã hội, được miêu tả từ góc nhìn xã hội học.
  2. Phạm trù hiện thực dân tộc học, được miêu tả từ góc nhìn dân tộc học.
  3. Phạm trù hiện thực tâm lý, được miêu tả từ góc nhìn tâm lý học, hay chính xác hơn: từ góc nhìn phân tâm học.

Trong mỗi phạm trù hiện thực trên đây có thể xác định cụ thể những dạng thức hiện thực khác nhau. Truyện cổ tích phản ánh các dạng thức hiện thực ấy thông qua các “sự kiện” thi pháp truyện kể. Thi pháp truyện cổ tích có thể xác định từ góc nhìn của thi pháp văn học nhưng lại có những đặc trưng riêng. Chính đặc điểm của các dạng thức hiện thực trong truyện cổ tích quy định những đặc trưng riêng của thi pháp truyện cổ tích.

Xin tạm coi những định hướng như trên là giả thuyết bước đầu mà tôi dựa vào để đọc lại Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của GS Nguyễn Đổng Chi từ quan niệm rộng về hiện thực trong cổ tích.

III. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được đánh giá là một công trình khoa học lớn không phải chỉ do ấn tượng về số lượng trang sách lên tới gần 3.000 trang, mà chủ yếu là do tầm bao quát rộng lớn rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu truyện cổ tích.

Bộ sách này được hình thành từ kết quả của ba loại công việc:

  1. Sưu tập các văn bản (truyền miệng và thành văn) truyện cổ tích của người Việt, các dị bản hoặc các cốt truyện, motif... tương đương trong kho tàng truyện cổ tích của các dân tộc và các quốc gia khác trên thế giới. Sưu tập này được tác giả dùng để biên soạn phần Khảo dị và là nguồn tài liệu thực tế cho phần nghiên cứu.
  2. Biên soạn 200(8) truyện cổ tích của người Việt được chọn ra từ nguồn sưu tập nói trên. Cách sử dụng nguồn sưu tập để viết lại (văn bản hóa) những truyện đó mang dấu ấn của cách hiểu, cách tiếp nhận truyện cổ tích của người viết truyện. Có thể thấy ở đây có “sự ăn khớp” nhất định giữa quan điểm của người nghiên cứu với văn phong của người kể chuyện. Vì vậy, ở chừng mực nhất định, có thể gọi 200 truyện này là Truyện cổ tích (của) Nguyễn Đổng Chi, phỏng theo cách gọi “Truyện cổ tích Grimm” (Đức) “Truyện cổ tích Perrault” (Pháp)...
  3. Nghiên cứu (phát hiện và diễn giải) những đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam trên hầu hết các phương diện chủ yếu: bản chất thể loại, lịch sử hình thành và phát triển của thể loại, đặc điểm nội dung phản ánh và nghệ thuật của truyện cổ tích Việt Nam, nguồn gốc bản địa và nguồn gốc ngoại lai của truyện cổ tích Việt Nam, v.v..

Như vậy khi bàn về vấn đề các phạm trù hiện thực trong truyện cổ tích Việt Nam qua việc tiếp nhận công trình truyện cổ tích Việt Nam của GS Nguyễn Đổng Chi, là giới hạn trong chỉ một phương diện thành quả nghiên cứu nhiều mặt của ông, và vì thế cần nhận ra được những mối quan hệ giữa các lĩnh vực sưu tập, viết lại nghiên cứu nói trên.

Trước hết có thể nhận ra ngay rằng phạm trù hiện thực trong truyện cổ tích Việt Nam được ông đặc biệt quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn cả, là phạm trù hiện thực xã hội. Về mặt lý thuyết phạm trù hiện thực xã hội được ông xem là tiêu chí chủ yếu phân biệt cổ tích với thần thoại. Ông viết: “Như ai nấy đều biết, truyền thuyết, cổ tích xuất hiện không cùng một thời với thần thoại. Nếu chủ đề của thần thoại thường thiên về giải thích tự nhiên, mô tả cuộc đấu tranh giữa người với tự nhiên là chủ yếu, thì trái lại, chủ đề của truyền thuyết, cổ tích thường thiên về giải thích xã hội, mô tả chủ yếu cuộc đấu tranh giữa người và người”.(9) Ông dẫn lại câu nói nổi tiếng của Mác: “Khi con người đã có thể khống chế được thực sự những lực lượng tự nhiên thì thần thoại sẽ biến mất”.(10) Ông xác định “giai đoạn hình thành của việc sáng tác truyền thuyết và cổ tích là thời kỳ công xã thị tộc tan rã, thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến nối tiếp thịnh hành”.(11) Ông nhận thấy sự xuất hiện của truyện cổ tích thường gắn chặt với những đặc điểm về sản xuất, về sinh hoạt, tư tưởng của một thời đại lịch sử, cho nên cũng như thần thoại, nó có thời kỳ phồn vinh và thời kỳ suy tàn. Thế kỷ của máy móc, của điện tử là thế kỷ suy tàn của truyện cổ tích”.(12)

Trong Phần thứ Nhất (in ở Tập I) nhan đề “Nghiên cứu truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích Việt Nam”, ông đã dựa vào nội dung những truyện cổ tích tiêu biểu và những tài liệu sưu tầm ghi chép quen thuộc trong thư tịch về truyện cổ Việt Nam, phác họa nên một bức tranh “Truyện cổ Việt Nam qua các thời kỳ”, từ “Thần thoại, truyền thuyết, loại truyện xưa nhất của người Việt” qua “Truyện cổ tích thời phong kiến tự chủ” tới “Thời kỳ suy tàn của truyện cổ tích Việt Nam”, và đưa ra nhận định: “Thời kỳ mà chế độ quân chủ ngự trị ở Việt Nam, thời kỳ mà tín ngưỡng phức tạp thịnh hành trong dân chúng, thời kỳ mà nghệ thuật tiểu thuyết chưa phát triển trên văn đàn, đều là thời kỳ hoàng kim của truyện cổ tích” (những chỗ nhấn mạnh là của tác giả).(13)

Trong Phần thứ Ba (in ở Tập V) nhan đề “Nhận định tổng quát về truyện cổ tích Việt Nam”, tác giả cung cấp cho người đọc một sự khảo sát đặc sắc và những kết luận quan trọng về “Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam”.(14) Tuy định hướng của tác giả, như tôi đã hiểu theo cách của tôi là định hướng tập trung vào nghiên cứu nội dung lịch sử xã hội, nhưng những khảo sát và kết luận của tác giả không đơn giản chỉ là những khảo sát và kết luận xã hội học. Tác giả đã có ý thức rất rõ về điều đó khi viết rằng: “không ai đánh đồng các phẩm chất xã hội học với các phẩm chất mỹ học với nhau”(15) và đã nhận ra rằng “trên một chuỗi vận động rất dài, “cái lịch sử” được cải tạo thành “cái thẩm mỹ” là một hiện tượng có ý nghĩa”.(16) Ở đây, tôi sẽ không miêu tả lại cách tác giả đã nghiên cứu “cái lịch sử” được cải tạo thành “cái thẩm mỹ” ấy như thế nào. Việc này đã được Hy Tuệ thực hiện một cách xuất sắc trong bài viết nhan đề “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Từ bình diện một công trình nghiên cứu”.(17) Tôi chỉ muốn khoanh lại ở hai vấn đề có liên quan trực tiếp tới quan niệm về hiện thực xã hội trong truyện cổ tích, vì đối với hai vấn đề này tuy tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã đưa ra kiến giải của mình, song vẫn còn một khoảng trống nhất định cho những ý kiến khác nhau.

Vấn đề thứ nhất có liên quan đến quan niệm về thể loại. Ở trên tôi đã nêu lên nhận xét rằng, về mặt lý thuyết, phạm trù hiện thực xã hội được GS Nguyễn Đổng Chi xem là tiêu chí phân biệt truyện cổ tích với thần thoại. Nhưng khi nói về sự phân biệt này, ông thường ghép cổ tích vào thành một nhóm với truyền thuyết (“chủ đề của truyền thuyết, cổ tích thường thiên về giải thích xã hội”). Cách ghép thành một cặp hai thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích vốn thường được giới nghiên cứu folklore thế giới và cả ở Việt Nam hiện nay nữa xem là hai thể loại khác nhau, dường như chưa được ổn. Chính tác giả cũng nhận xét: “truyền thuyết của ta xuất hiện nhiều nhất vào thời kỳ Bắc thuộc” và “truyền thuyết phản ánh cuộc đấu tranh tích cực của nhân dân nhằm giải phóng khỏi ách áp bức dị tộc”,(18) trong khi “truyện cổ tích xuất hiện trong thời đại tự chủ… hầu hết đều thể hiện rõ đặc điểm, tính cách của người nông dân… nói lên quan điểm của họ về số phận và cuộc đời, về cảnh nghèo túng, nỗi đau khổ, những ước mơ và hy vọng”. Còn về truyện cổ tích lịch sử thì ông không có chỉ dẫn chung nào để phân biệt với truyền thuyết mà chỉ cho biết đó là những truyện hoặc nói về một ông vua (Đinh Tiên Hoàng), một võ sĩ (Lê Phụng Hiểu), một tăng lữ (Từ Đạo Hạnh) hoặc là một thổ hào địa phương (Phạm Bạch Hổ tức vua Mây)...(19)

Xét từ quan điểm phân loại dựa trên các phạm trù hiện thực trong truyện dân gian, nếu có sự khác nhau giữa truyền thuyết, cổ tích lịch sử với truyện cổ tích đích thực thì sự khác nhau đó là ở chỗ phạm trù hiện thực trong truyền thuyết và cổ tích lịch sử là phạm trù hiện thực lịch sử (các sự kiện lịch sử) còn phạm trù hiện thực trong truyện cổ tích là phạm trù hiện thực xã hội (các sự kiện xã hội). Chính là từ quan niệm này mà GS Đinh Gia Khánh, ở phần viết về truyện cổ tích trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, ra đời 15 năm sau Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Tập I, đã chủ trương “chia truyện cổ tích làm hai loại chính: truyện cổ tích lịch sử và truyện cổ tích thế sự”. Ông giải thích như sau: “Dẫu nội dung cuộc sống trong truyện cổ tích phức tạp đến thế nào đi nữa thì cũng có hai loại sự kiện. Một loại sự kiện có liên quan đến vận mệnh toàn dân tộc, có ảnh hưởng đến toàn thể xã hội hoặc ít ra có ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn trong đất nước: đó là những sự kiện có tính chất lịch sử. Một loại sự kiện khác tuy không có tác dụng to lớn như loại trên nhưng phổ biến hơn, đa dạng hơn: đó là những sự kiện xẩy ra trong đời sống bình thường của nhân dân. Những truyện về những sự kiện đó là truyện cổ tích thế sự”. Trong bảng phân loại trên đây, GS Đinh Gia Khánh tỏ ý tiếp nhận quan điểm phân loại của GS Nguyễn Đổng Chi, nhưng cho rằng không nên phân thêm một loại cổ tích thần kỳ. Theo ông “không cần phân ra một loại truyện cổ tích hoang đường (thần kỳ) làm gì. Truyện cổ tích lịch sử và truyện cổ tích thế sự cũng có yếu tố hoang đường. Vả lại không có truyện cổ tích hoang đường nào lại không phản ánh lịch sử hoặc phản ánh đời sống thế tục”.(20)

Như vậy ở cả hai bảng phân loại của GS Đinh Gia Khánh và GS Nguyễn Đổng Chi đều có chỗ không ăn khớp với bảng phân loại truyện dân gian được nhiều nước và cả Việt Nam hiện nay áp dụng. Ở GS Đinh Gia Khánh, đó là quan niệm không coi truyền thuyết là một thể loại truyện dân gian. Ở GS Nguyễn Đổng Chi đó là quan niệm xếp chung truyền thuyết và truyện cổ tích vào một loại. Trong bài báo đã dẫn trên, Hy Tuệ cho rằng “thật ra gọi “cổ tích lịch sử” là cách gọi cụ thể hóa hơn nữa đối với một loại hình mà ở Tây Âu vẫn xếp vào một kho chung với cái tên “truyền thuyết (légende)”(21) và cho rằng Nguyễn Đổng Chi “đưa vào bảng phân loại một loại hình chưa được mấy ai nói đến là cổ tích lịch sử, hình như cũng là một loại hình hiếm thấy trong truyện cổ tích nhiều nước Á Âu”.(22)

GS Nguyễn Đổng Chi đã giải thích quan điểm phân loại ấy của ông như sau: “truyện cổ tích lịch sử có thể là một thể loại mang đậm nét đặc thù của truyện dân gian Việt Nam, bởi lẽ con người Việt Nam xưa nay do điều kiện lịch sử luôn luôn phải chống ách đô hộ xâm lược để bảo vệ nền độc lập, nên trong tâm thức vẫn gắn bó với xã tắc và do đó thường xuyên có cái nhìn “lịch sử hóa” đối với mọi hiện tượng sự vật”.(23)

Theo tôi, về phương diện tiêu chuẩn phân loại khoa học, chưa hẳn đã có thể đồng ý với kiến giải của tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, nhưng phải công nhận rằng đó là một kiến giải có ý nghĩa khoa học vì nó phản ánh nhận thức về tính đa dạng của các loại truyện cổ dân gian trên thế giới. Vấn đề là cần nhận ra được góc nhìn khác nhau đối với tiêu chuẩn phân loại giữa GS Nguyễn Đổng Chi và các nhà nghiên cứu khác. Ta có thể nhận ra được sự khác nhau về góc nhìn ấy khi thảo luận tiếp về vấn đề thứ hai, vấn đề về tính hiện thực của folklore nói chung, của các thể loại truyện kể dân gian nói riêng. Đây là một vấn đề có tính đặc thù trong khuôn khổ một vấn đề chung, phổ quát của triết học là vấn đề về mối quan hệ của con người (chủ thể nhận thức) với hiện thực (khách thể/đối tượng nhận thức của con người) mà tôi đã nói tới trong đoạn 2 về cách tôi hiểu thế nào là quan niệm rộng về hiện thực trong truyện cổ tích.

Theo dõi những kiến giải của tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam về đặc điểm tính dân tộc của truyện cổ tích Việt Nam, người đọc có thể thấy có một mối quan hệ giữa kiến giải của tác giả về phạm trù hiện thực xã hội trong truyện cổ tích với kiến giải về tính hiện thực của truyện cổ tích. Mối quan hệ này hiển lộ trong kiến giải của tác giả về cái mà tác giả gọi là tâm lý sáng tạo nghệ thuật dân tộc. Tác giả đã khảo sát tâm lý sáng tạo nghệ thuật dân tộc này trên nhiều phương diện.

Trước hết, tác giả dựa vào sự khảo sát tài liệu thực tế. Tác giả “tạm làm thử một thống kê” những truyện sưu tầm được của bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và đã thấy: 1/ tiểu loại thần kỳ có 10%, 2/ Tiểu loại thế sự có 30% và 3/ Tiểu loại lịch sử có 18%. Nếu thêm vào ba tiểu loại trên một tiểu loại nữa để bao quát những truyện chủ yếu là thế sự nhưng có mang trong nó ít nhiều yếu tố thần kỳ (hay hư ảo) thì tiểu loại này chiếm đến non nửa: 42%. Nếu cộng gộp cả 2 loại thế sự và nửa thế sự thì rõ ràng chúng chiếm đến 2/3 tổng số. Như vậy, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế: không như kho tàng truyện cổ của nhiều dân tộc, truyện cổ tích thần kỳ của ta vốn không nhiều (tác giả nhấn mạnh)”.(24)

Mở rộng sự khảo sát tới những sự kiện tiêu biểu trong lịch sử xã hội và văn hóa Việt Nam, tác giả nêu lên giả thuyết về chiều hướng vận động có tính quy luật của truyện cổ tích Việt Nam là “những biến đổi song hành theo tỷ lệ nghịch giữa yếu tố thần kỳ và ý thức thực tại”; là “sự tăng trưởng về nhận thức lý tính của khối cộng đồng cư dân ở một hình thái xã hội nào đấy thường kéo theo sự suy giảm các yếu tố hoang đường kỳ ảo trong truyện cổ tích thần kỳ, và do đó giảm thiểu số lượng cổ tích thần kỳ và bù đắp vào đấy số lượng cổ tích thế sự”.(25) Chiều hướng vận động mà tác giả miêu tả trên đây, theo tác giả bị chi phối mạnh mẽ bởi “đặc điểm tư duy của người Việt ở chỗ ít khi xa rời lý trí thế tục”.(26) Từ chiều hướng vận động này đã hình thành nên những truyền thống nghệ thuật, những thủ pháp nghệ thuật mang ít nhiều sắc thái riêng, độc đáo của nghệ thuật truyện cổ tích Việt Nam mà tác giả đã phát hiện và miêu tả theo những cách gọi khá độc đáo, thí dụ biện pháp mà tác giả gọi là tính chừng mực về độ trong tư duy nghệ thuật Việt Nam khi sử dụng biện pháp phóng đại hay nói ngoa.(27)

Điều đáng chú ý ở đây là khi vận dụng quan niệm chung về tư duy nghệ thuật và ứng dụng những khái niệm về các thủ pháp nghệ thuật vào việc phân tích truyện dân gian Việt Nam, tác giả không phân biệt những trường hợp phân tích ấy theo cách phân loại hiện nay giữa truyện cổ tích với truyền thuyết (hay cổ tích lịch sử như cách gọi của tác giả). Sự không phân biệt ấy còn đặc biệt được biện minh qua các khảo sát và lý giải hiện tượng được gọi là lịch sử hóa truyện cổ tích. Vậy là ở cách phân loại truyện cổ tích của tác giả, tiêu chí phân loại không dựa vào các phạm trù hiện thực mà dựa vào tính hiện thực của các thể loại. Vì tính hiện thực ấy là chung cho cả truyện cổ tích và truyền thuyết lịch sử, nên cổ tích lịch sử (tức truyền thuyết lịch sử) cũng thuộc phạm trù thể loại truyện cổ tích.

Để kết thúc mục 3 nói về phạm trù hiện thực xã hội và tính hiện thực của truyện cổ tích Việt Nam, tôi xin nêu một nhận xét - một cảm nhận thì đúng hơn vì chưa được chứng minh bằng sự khảo sát cụ thể - về cách kể, cách viết (văn bản hóa) truyện cổ tích của GS Nguyễn Đổng Chi. Có thể gọi cách kể, hay cụ thể hơn, phong cách nghệ thuật kể chuyện cổ tích của ông là một phong cách hiện thực, nó tô đậm tính hiện thực của truyện cổ tích. Phải chăng phong cách hiện thực này một mặt phản ánh quan niệm của ông về tính hiện thực của truyện cổ tích, mặt khác lại cũng góp phần vào thúc đẩy chiều hướng vận động (về phía tính hiện thực) của truyện cổ tích Việt Nam.

IV. Có một mối quan hệ khá độc đáo giữa phạm trù hiện thực xã hội và phạm trù hiện thực dân tộc học trong truyện cổ tích. Trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của GS Nguyễn Đổng Chi, phạm trù hiện thực dân tộc học không được tác giả nói đến một cách hệ thống, do đó không hiển hiện ra rõ ràng trong diễn ngôn của ông như phạm trù hiện thực xã hội, nhưng bằng cách đề cập riêng của ông, ông đã gợi ý cho ta thấy phạm trù này lại rất quan trọng đối với việc hiểu truyện cổ tích. Vì vậy, tôi sẽ trình bày những nhận xét của tôi theo thứ tự như sau:

Đầu tiên tôi sẽ thử xác định xem bằng cách nào tác giả đã lôi cuốn chúng ta vào vấn đề phạm trù hiện thực dân tộc học. Sau đó tôi sẽ thử tìm xem ở những nội dung nào của công trình có chứa đựng những hiểu biết về phạm trù này. Cuối cùng tôi thử đưa ra giả thiết về vai trò của phạm trù này trong sự hình thành đặc trưng thể loại của truyện cổ tích. Trong phạm vi của một bài viết ngắn, hầu hết các nội dung trên đây chỉ mang tính chất là những phác họa, những gợi ý.

Trước hết, như đã nói ở trên, trong công trình của GS Nguyễn Đổng Chi, tôi không thấy có chỗ nào ông phát biểu trực tiếp quan niệm xem hiện thực dân tộc học trong truyện cổ tích như một thành tố cấu tạo đặc thù của thể loại. Nhưng trong quan niệm của ông về “ba đặc điểm” với tính chất là ba tiêu chí dùng để nhận dạng thế nào là một truyện cổ tích, có thể xem tiêu chí thứ nhất là tiêu chí có quan hệ trực tiếp với phạm trù hiện thực dân tộc học. Ba tiêu chí đó được tác giả diễn đạt như sau: “Một là, tính chất cổ của sự việc. Truyện cổ tích được xác định trước tiên ở phong cách cổ của nó… Hai là, trong sự việc dùng để kể đừng có yếu tố gì quá xa lạ với bản sắc dân tộc… Ba là, truyện cổ tích ít nhiều phải thể hiện tính tư tưởng và tính nghệ thuật” (tác giả nhấn mạnh).(28) Tôi sẽ không bàn về hai tiêu chí sau, vả lại cũng có thể thấy hai tiêu chí ấy không chỉ có thể áp dụng cho truyện cổ tích mà còn cho nhiều thể loại khác nữa, do đó không thể coi là những tiêu chí thể loại đặc trưng của truyện cổ tích. Chỉ có tiêu chí thứ nhất mới đóng được vai trò là tiêu chí thể loại đặc trưng ấy.

Trong mệnh đề GS Nguyễn Đổng Chi dùng để phát biểu về tiêu chí thứ nhất, có sự tập trung vào hai cụm từ: một là “tính chất cổ của sự việc”, hai là “phong cách cổ của truyện”. Ông giải thích cách hiểu của ông về hai cụm từ đó như sau: “Mặc dầu không có mốc giới hạn về thời gian rõ rệt, nhưng một truyện cổ tích cố nhiên không thể là một truyện đời nay và cũng không thể là một truyện dĩ vãng nhưng phù hợp với đời nay hơn là đời xưa, phù hợp với trạng thái sinh hoạt hiện đại hơn là trạng thái sinh hoạt của xã hội cũ. Cái chất liệu dĩ vãng chứa đựng trong đấy thực tình chưa lắng xuống và chưa được đại đa số nhân dân công nhận là ở bên kia biên giới của cái “mới”. Sở dĩ có những câu chuyện mới sáng tác gần đây có thể liệt vào truyện cổ tích là vì bối cảnh, khí hậu xã hội, phong cách sinh hoạt và tâm lý nhân vật mà chúng được xây dựng so với bối cảnh, khí hậu xã hội, phong cách sinh hoạt và tâm lý của người đời xưa tuyệt không có gì là trái ngược”.(29) Đây là một cách hiểu rất tinh tế về tính chất cổ của truyện cổ tích, được diễn đạt một cách uyển chuyển mà nếu không tìm ra được khái niệm có tính chất chìa khóa để giải mã được cái gọi là tính chất cổ ấy thì không thể tiếp cận được đặc trưng thể loại quan trọng hàng đầu của truyện cổ tích. Tôi đã dựa vào sự chỉ dẫn của chính GS để tìm ra cái khái niệm chìa khóa ấy. Ông nhận xét: “hai khái niệm “cổ” và “kim” trong cổ tích không khỏi có lúc lẫn lộn”.(30) Như vậy, không thể coi khái niệm “cổ” là khái niệm chìa khóa được, vì hàm nghĩa của khái niệm ấy rất dễ hướng ta vào cách xác định thời điểm lịch sử của câu chuyện. Theo ông “vấn đề xác định tính cổ của truyện cổ tích… không nhất thiết căn cứ vào thời điểm lịch sử của câu chuyện”.(31) Như cách tôi hiểu ý của ông trong câu trên, thì thời điểm lịch sử của câu chuyện cũng rất quan trọng nếu xác định đặc điểm thể loại truyện cổ tích từ góc độ phạm trù hiện thực xã hội với tính cách là đối tượng phản ánh của truyện cổ tích. Nói “không nhất thiết”, có nghĩa là còn một phạm trù hiện thực khác nữa cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc xác định đặc điểm thể loại của truyện cổ tích. Từ cách hiểu như vậy của tôi về tư tưởng của ông, tôi cho rằng khái niệm chìa khóa để giải mã cái gọi là tính chất cổ, phong cách cổ ấy chính là khái niệm “chất liệu dĩ vãng”. Ở mục “Đặc điểm truyện cổ tích”, ông đã xác định các dạng thức của chất liệu dĩ vãng ấy trong cốt truyện là “các phương thức cấu tạo hình tượng, sự sắp xếp, xâu chuỗi cốt truyện và motif”.(32) Tính cổ, phong cách cổ của truyện cổ tích phải được thể hiện ở chỗ “mỗi nhân vật, mỗi tình tiết, mỗi hình ảnh của cổ tích đều nhất thiết phải là một nhân vật, một tình tiết, một hình ảnh vốn có trong truyền thống nghệ thuật xa xưa của văn học dân gian được nhân dân coi là quen thuộc, đã thấm sâu vào tiềm thức của mọi người.(33) Về vai trò của những “chất liệu dĩ vãng” này, ông viết: “những motif nghệ thuật đã trở thành tiêu biểu của văn học dân gian… thường xuyên được tái sinh có chuyển dịch ít nhiều trong nhiều thời đại làm thành kiểu tư duy nghệ thuật đặc trưng của văn học dân gian, và đó là điều kiện thuận lợi để truyện cổ tích sinh sôi nẩy nở theo phương thức ứng diễn và tìm thấy mối quan hệ loại hình với nhau”.(34)

Như vậy để có thể cảm nhận được tính chất cổ của truyện cổ tích, người nghe, người đọc truyện cổ tích cần có một quá trình tích lũy trong trí nhớ, trong tư duy của mình những “chất liệu dĩ vãng” đã được hình thành từ rất lâu đời trong lịch sử truyện cổ tích của dân tộc và của thế giới. Sự tiếp xúc với “chất liệu dĩ vãng” ấy không chỉ là một điều cần thiết mà còn là một nguồn hứng thú đối với người nghe, người đọc truyện cổ tích.

Phần “Khảo dị” trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã cung cấp cho người đọc chính cái nguồn hứng thú đó. Đó là phần đọc không thể thiếu đối với những ai muốn hiểu thấu được truyện cổ tích Việt Nam từ trong bản chất thể loại của nó. Giá trị của phần khảo dị này không chỉ dừng lại ở chỗ là giá trị của một loại tài liệu tham khảo mà còn là giá trị của một thứ truyện kể kéo dài thêm ra từ truyện chính, một thứ truyện kể kéo dài giúp người đọc có cơ hội thâm nhập được vào một thế giới rộng lớn về không gian và sâu thẳm về thời gian.

Có thể nhận ra được rằng chính cách trình bày phần khảo dị này trong từng truyện kể chính của GS Nguyễn Đổng Chi đã giúp ta đọc được nó như là một thứ truyện kể kéo dài. Không đơn thuần chỉ là một thứ liệt kê tài liệu mà là một thứ xâu chuỗi tài liệu, những văn bản khảo dị cho từng truyện này dẫn dắt người đọc theo một đường dây do tác giả chăng ra, nối những điểm dừng là những văn bản khảo dị ấy với nhau, để người đọc khỏi sa vào tình trạng lang thang vô định trong cái rừng dị bản ấy, ngõ hầu hướng tới được cái đích cuối cùng mà tác giả đặt ra: thâm nhập được vào cái thế giới cổ tích, một thế giới cổ xưa, một thế giới được đặc trưng bởi vô vàn “chất liệu dĩ vãng”.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của GS Nguyễn Đổng Chi, điều gì đã dẫn tôi đến giả thiết xem “chất liệu dĩ vãng” nói trên chính là một cách diễn đạt phạm trù hiện thực dân tộc học, hiện diện như một thành tố tạo thành đặc trưng thể loại của truyện cổ tích?

Trước hết, xin nhắc lại định nghĩa về phạm trù hiện thực dân tộc học mà tôi đã đề xuất (ở đoạn 2 bài viết này) như một khái niệm công cụ trong cách tiếp cận của tôi: phạm trù hiện thực dân tộc học là một phạm trù được miêu tả từ góc nhìn dân tộc học. GS Nguyễn Đổng Chi không xa lạ gì với chuyên ngành dân tộc học. Ông đã từng cùng với anh trai mình cộng tác nghiên cứu, viết một cuốn sách - một công trình dân tộc học - giới thiệu phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của tộc người Ba-na, xuất bản lần đầu năm 1937 với nhan đề Mọi Kontum, năm 2011 được tái bản song ngữ dưới nhan đề Người Ba-na ở Kon Tum.(35) Tri thức dân tộc học nói chung, tri thức về các trường phái dân tộc học trong folklore nói riêng của ông in dấu rất rõ trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, không chỉ ở các nội dung khảo sát nghiên cứu mà ở cả phần sưu tầm, viết truyện và biên soạn các văn bản khảo dị.

Để có thể nói rõ hơn về nhận định trên đây, tôi xin trích dẫn một đoạn ông viết về truyện Tấm Cám, và thử diễn giải cách ông thực hiện góc nhìn dân tộc học của ông về truyện cổ tích:

“Truyện Tấm Cám như ta biết, là kiểu truyện rất phổ biến trên thế giới. Từ lâu các nhà cổ tích học gần như đều thừa nhận truyện được phát sinh từ Ấn Độ… Riêng truyện của ta do người miền Nam kể, được sưu tập từ năm 1886… Trong truyện có tình tiết: khi Tấm chết, Cám mặc nhiên vào triều thay thế Tấm, và nhà vua cũng mặc nhiên coi Cám là vợ. Truyện không hề lý giải thêm bằng một hình ảnh cưới xin nào. Trường hợp của ta, người Champa, Khmer, Tày và các dân tộc ở Đông Dương đều có tình tiết này, trong khi nhiều truyện của các dân tộc khác thì không thấy có. Có khả năng là cả loạt truyện đều từ một cốt truyện ban đầu và phân ra nhiều nhánh, và khi đến cư ngụ ở phía Nam bán đảo Đông Dương, chính cốt truyện ban đầu đã hội nhập ngay với một phong tục phổ biến: vợ chết, chồng có thể lấy luôn chị hoặc em của vợ (levirat) mà ở nhiều dân tộc trong vùng, ví dụ người Ba-na (Bahnar) ở Tây Nguyên cho tới thời Cận đại vẫn chưa biến mất”.(36)

Nếu xuất phát từ sự quan tâm đến cách GS Nguyễn Đổng Chi khảo sát mối quan hệ giữa truyện kể cổ tích như một kiểu nhận thức của tư duy nghệ thuật và hiện thực như một đối tượng của sự nhận thức đó, thì có thể nhận ra trong phân tích trên đây của ông, có ba loại sự kiện sau: 1/ Sự kiện nghệ thuật (tình tiết, yếu tố tạo nên diễn biến của cốt truyện: Khi Tấm chết, Cám mặc nhiên trở thành vợ vua...); 2/ Sự kiện xã hội học (quan hệ chị em, vợ chồng với tính chất là quan hệ gia đình, nhận ra qua sự đối chiếu với tình tiết của cốt truyện); 3/ Sự kiện dân tộc học (chế độ hôn nhân levirat, cũng được nhận ra qua sự đối chiếu với tình tiết của cốt truyện).

Hãy thử xem cách GS Nguyễn Đổng Chi đã nhận dạng đặc điểm của ba sự kiện đó như thế nào. Về sự kiện thứ nhất, ta có thể nhận ra được sự chú ý của ông đến tính khác thường của tình tiết truyện kể: Cám mặc nhiên vào triều thay thế Tấm, vua cũng mặc nhiên coi Cám là vợ; truyện không hề nói đến hình thức cưới xin nào cả. Điều này theo nhận thức của người nghe/đọc truyện cổ tích là trái với hiện thực xã hội (tức quan hệ vợ chồng phải được luật pháp xác nhận qua thủ tục cưới xin), truyện lại không hề lý giải gì cả. Về sự kiện thứ hai, ông không có lời bình luận nào, nhưng qua những gì chúng ta đã tiếp nhận được về mối quan hệ của truyện cổ tích với hiện thực xã hội mà ông đã phân tích rất sâu sắc từ góc nhìn xã hội học thì có thể suy ra rằng ông đã coi sự kiện/tình tiết cốt truyện ấy là những yếu tố nghệ thuật phản ánh sự kiện/hiện thực xã hội; Trong mối quan hệ ấy, ý nghĩa xã hội của truyện là chính, tình tiết chỉ là phương thức nghệ thuật để đạt tới mục đích ấy. Về sự kiện thứ ba, ông chú ý đến đặc điểm tộc người của sự kiện xã hội. Quan hệ chị - em được gọi là một sự kiện xã hội theo cách nhìn xã hội học; Ở một số tộc người, trong đó có tộc người Ba-na, quan hệ gia đình này do mang đặc điểm tộc người qua phong tục hôn nhân chị em vợ (levirat) nên lại được gọi là một sự kiện dân tộc học. Ở sự kiện thứ ba này ông chú ý đến căn rễ/nguồn gốc dân tộc học của tình tiết cốt truyện (em mặc nhiên thay thế chị làm vợ vua, không có cưới xin gì cả).

Xét mối quan hệ giữa sự kiện thứ nhất với sự kiện thứ ba này, dường như ông muốn cho thấy cảm nhận cái tình tiết/cốt truyện ban đầu tưởng như khác thường, vô lý, hóa ra lại bình thường, hợp lý, vì nó phản ánh chân thực một sự kiện dân tộc học: cái sự kiện tình tiết/cốt truyện ấy không phải đơn thuần chỉ là một hình tượng nghệ thuật, mà còn chính là một sự kiện dân tộc học. Như vậy ta có thể nói: trong truyện Tấm Cám, có phạm trù hiện thực xã hội học (như đã phân tích khi nói về sự kiện thứ hai) đồng thời cũng có cả phạm trù hiện thực dân tộc học (như vừa phân tích khi nói về sự kiện thứ ba). Đây là một nhận thức quan trọng đối với cách tiếp cận truyện cổ tích.

Xét về mặt lịch sử, sự kiện dân tộc học mang tính chất một quá khứ xưa hơn nhiều so với sự kiện xã hội học, còn xét về mặt chế độ xã hội thì các sự kiện dân tộc học nhấn mạnh đặc trưng của các xã hội cổ xưa. Trong các chế độ xã hội phát triển hơn sau đó, nếu các sự kiện dân tộc học vẫn còn tiếp tục được duy trì thì thường được xem như là những tàn dư văn hóa, những sự kiện xã hội đã hóa thạch.

Trong truyện cổ tích có rất nhiều sự kiện thuộc truyền thống nghệ thuật dân gian lâu đời có căn rễ, có cốt lõi, có nguyên hình là những sự kiện dân tộc học cổ đó. Đó là lý do dẫn đến hình thành tính chất được GS Nguyễn Đổng Chi gọi là tính chất cổ, phong cách cổ của thể loại truyện cổ tích, những chất liệu dĩ vãng trong truyện cổ tích. Đó cũng là lý do dẫn đến sự hình thành một hướng nghiên cứu, một cách tiếp cận truyện cổ tích, được gọi là hướng nghiên cứu, hướng tiếp cận dân tộc học. Hướng nghiên cứu này đã phát hiện được vô số chứng cứ biện minh cho sự hiện diện trong truyện cổ tích, đặc biệt là trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, một phạm trù được gọi là phạm trù dân tộc học. Những phát hiện như thế đã làm cơ sở cho một cách tiếp nhận rất nhiều hình tượng truyện cổ tích không phải chỉ như là những sản phẩm của trí tưởng tượng mà như là những sự kiện có thật, là những hiện thực, những hiện thực dân tộc học.

Thành tựu nghiên cứu truyện cổ tích nói riêng, truyện dân gian nói chung của nhiều nhà nghiên cứu folklore nổi tiếng trên thế giới như J.G. Frazer, A. Landes (Anh), E. Cosquin, Saintyves (Pháp), V.Ia. Propp, E.M. Meletinxki (Nga)…. (mà GS

Nguyễn Đổng Chi đã nhiều lần nhắc đến trong công trình nghiên cứu của mình) bằng cách tiếp cận dân tộc, phát hiện được rất nhiều sự kiện cực kỳ hấp dẫn có liên quan đến phạm trù hiện thực dân tộc học trong truyện cổ tích.

Trong công trình nghiên cứu truyện cổ tích của mình, GS Nguyễn Đổng Chi đã có những gợi ý và cả một số kết luận nữa liên quan đến phạm trù dân tộc học. Song đối với phạm trù này, ông chỉ dừng lại ở mức ấy mà thôi. Vì vậy, đọc ông, tôi như cảm nhận được lời nhắn nhủ cần tiếp tục sự nghiệp của ông theo hướng nghiên cứu ấy cho cân xứng với thành tựu mà ông đã đạt được ở hướng nghiên cứu xã hội học, có liên quan đến phạm trù hiện thực xã hội mà tôi đã thử phác họa ở đoạn 3 bài viết này.

*

*         *

Ở đoạn 2 bài viết này, tôi có đưa ra giả thiết về ba phạm trù hiện thực trong truyện cổ tích, phạm trù thứ ba được gọi là phạm trù hiện thực tâm lý, được phát hiện qua cách tiếp cận phân tâm học (tâm lý học chiều sâu). Đây là một phạm trù hiện thực trong truyện cổ tích còn rất ít được nghiên cứu ở Việt Nam. Ở nhiều nước đã có những công trình nghiên cứu truyện cổ tích theo hướng tiếp cận này, trong đó, để dẫn ra như một thí dụ, có công trình nghiên cứu nhan đề Phân tâm học truyện cổ tích thần kỳ của Bruno Bettelheim,(37) một chuyên gia tâm thần học người Mỹ gốc Áo. Công trình này đặc biệt giúp ta phát hiện ra được một dạng hiện thực tâm lý vô thức ở trẻ em thông qua sự tiếp nhận truyện cổ tích của chúng, điều này rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu nguyên nhân tại sao trẻ em say mê truyện cổ tích.

Nhưng trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tôi không tìm thấy những biểu hiện nào chứng tỏ có sự chú ý của tác giả đến phạm trù hiện thực tâm lý (phân tâm học) này. Vì vậy, tôi xin được dừng lại bài viết ở đây.

TP Hồ Chí Minh, tháng 01/2015

CXD

CHÚ THÍCH

  1. Theo bản in lần thứ 7 gồm 5 tập, Viện Văn học, Hà Nội, 1993. Các trích dẫn ở sau đều lấy từ bản in này.
  2. Hy Tuệ, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Từ bình diện một công trình nghiên cứu”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (102). 2013, tr. 119.
  3. Đinh Gia Khánh, “Tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Đổng Chi”, tạp chí Văn hóa dân gian, số 1-1990.
  4. André Comte - Sponville, Dictionnaire philosophique, PUF, 2013, tr. 847.
  5. Le dictionnaire des sciences humaines, Sous la direction de Sylvie Mesure et Patrick Savidan, PUF, 2006, tr. 963-965.
  6. Le dictionnaire du littéraire, Sous la direction de Paul Aron, Denis Saint-Jacques et Alain Viala, PUF, 2010, tr. 637-639.
  7. V. Ia. Propp, Tuyển tập V. Ia. Propp, Tập 2, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004, tr. 409-414.
  8. Có một truyện được tác giả đưa vào từ lần in thứ nhất (1957), nhưng đến lần in thứ tư (1972) thì ông lại bỏ ra, đó là truyện số 50, Giết chó khuyên chồng. Nhưng đến lần in thứ bảy (1993), con trai ông là GS Nguyễn Huệ Chi lại khôi phục lại và đặt trong ngoặc vuông con số 50. Vì vậy, thực chất bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam bao gồm 201 truyện chính.
  9. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập I, Sđd, tr. 83. Những chữ in nghiêng là do người trích dẫn nhấn mạnh.
  10. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập I, Sđd, tr. 84.
  11. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập I, Sđd, tr. 97.
  12. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập I, Sđd, tr. 98.
  13. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập I, Sđd, tr. 135.
  14. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd, tr. 2.417-2.518 (mục “Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam”).
  15. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd, tr. 2.498.
  16. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd;  tr. 2.498.
  17. Hy Tuệ, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Từ bình diện một công trình nghiên cứu, Bđd, tr. 119.
  18. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 116.
  19. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 118.
  20. Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, Tập 2, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973, tr. 93.
  21. Hy Tuệ, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Từ bình diện một công trình nghiên cứu, Bđd, tr. 121-122.
  22. Hy Tuệ, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Từ bình diện một công trình nghiên cứu, Bđd, tr. 121.
  23. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 76-77.
  24. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd, tr. 2.418.
  25. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd, tr. 2.426.
  26. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd, tr. 2.426.
  27. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd,  tr. 2.427.
  28. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 66-70.
  29. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 67.
  30. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 66.
  31. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 67.
  32. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 67.
  33. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 66.
  34. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 67. Những chữ in nghiêng do người trích dẫn nhấn mạnh.
  35. Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011.
  36. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 5, Sđd, tr. 2.571. Những chữ in nghiêng do người trích dẫn nhấn mạnh.
  37. Nhan đề này tôi dịch theo bản dịch tiếng Pháp: Bruno Bettelheim, Psychanalyse des contes de fées, Collection Pluriel, Robert Lafont, 1976. Nguyên văn nhan đề tiếng Anh là The uses of enchantement - Một đoạn trích dịch tác phẩm này đã được giới thiệu trên tạp chí Văn học nước ngoài số 6-2007 dưới nhan đề “Bàn về cổ tích (qua mắt nhìn của một nhà tâm lý học)”, tr. 135-150.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (119), 2015

Thông tin truy cập

63735581
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
33675
22198
63735581

Thành viên trực tuyến

Đang có 361 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website