Tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao người Việt - những hướng tiếp cận

Đặng Quốc Minh Dương1, Đỗ Thị Thìn2

1Trường Đại học Văn Hiến

2 Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM

TÓM TẮT

Khảo sát cho thấy có 2.388 câu ca dao của người Việt xuất hiện tính ngữ chỉ màu sắc. Trong đó, xuất hiện nhiều nhất là màu xanh, màu vàng, màu hồng, màu trắng, màu đỏ,… Bài viết sẽ đề xuất một số hướng tiếp cận về tính ngữ chỉ màu sắc như hướng tiếp cận liên văn hóa, hướng tiếp cận theo thi pháp học, hướng tiếp cận trong tương quan với nghệ thuật khác. Từ thực tế khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng: muốn hiểu được các “thông điệp” từ tính ngữ chỉ màu sắc cần phải đặt nó trong môi trường văn hóa, xã hội và điều kiện địa lý tự nhiên đã sản sinh ra nó.

Từ khóa: màu sắc, tính ngữ, hướng tiếp cận, ca dao.

 

Với giới khoa học quốc tế, đã từ lâu vấn đề tính ngữ trong ca dao không còn là điều mới lạ nữa. Các nhà nghiên cứu thi pháp văn học dân gian thế giới, đặc biệt là các nhà folklore học Nga rất chú ý đến việc nghiên cứu tính từ, tính ngữ trong thơ ca trữ tình dân gian. Chẳng hạn như trong công trình nổi tiếng Thi pháp lịch sử, Viện sĩ A. N. Vêxêlôpxki đã dành hai chương cho việc nghiên cứu tính ngữ. V. M. Xiđennhicốp cũng có bài viết Tính ngữ trong các bài hát trữ tình dân gian. Rồi N.L. Crapxốp cũng có bài Tính ngữ trong các bài hát sinh hoạt trữ tình,… Ở Việt Nam, khi nghiên cứu về thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử đã dành khoảng 10 trang để nghiên cứu, khảo sát về “Màu sắc trong Truyện Kiều”. Ông nhận thấy rằng “Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời, mang đậm màu sắc thời đại và cá tính” [15, tr.257]. Theo Phạm Thu Yến, tính ngữ trong ca dao thường được chia thành ba nhóm là: tính ngữ chỉ màu sắc, tính ngữ giải thích và tính ngữ ẩn dụ [19, tr. 214]. Bài viết này chúng tôi tìm hiểu những hướng tiếp cận tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao người Việt.

  1. 1.      Tình hình khảo sát

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy trong ca dao người Việt, tính ngữ chỉ màu sắc xuất hiện khá nhiều. Theo Đỗ Thị Thìn[1], khi khảo sát Kho tàng ca dao người Việt [4] thấy có 2. 388 câu ca dao có sự xuất hiện tính ngữ chỉ màu sắc. Trong đó, xuất hiện nhiều hơn cả là màu xanh, rồi đến màu vàng, màu hồng, màu trắng, màu đỏ,… Về số lượng cụ thể, xin xem Bảng sau:

Bảng 1: Bảng khảo sát về tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao người Việt [17, tr. 23]

Stt Màu sắc Số lượng Tỷ lệ  %  (trong 5 màu thống kê) Tỷ lệ % (trong kho tàng ca dao người Việt)
1 XANH 711 29.8 5.7
2 VÀNG 700 29.3 5.6
3 HỒNG 397 16.6 3.2
4 TRẮNG 348 14.6 2.8
5 ĐỎ 232 9.7 1.9

Đây quả là con số rất ấn tượng, góp phần tạo nên đặc trưng của thể loại ca dao. Tuy tần số xuất hiện nhiều, nhưng đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thật “để mắt” đến vấn đề này. Thực ra, nói một cách công tâm có thể nhận thấy rằng: từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu “chạm” đến về vấn đề tính ngữ rồi. Tuy nhiên, các bài viết này cũng mới chỉ dừng ở “điểm” – tức tiếp cận theo từng bài ca dao riêng lẻ mà chưa tiếp cận theo hệ đề tài, theo hệ thống do vậy mà vấn đề cũng chưa được giải quyết một cách chuyên sâu và đầy đủ. Đến nay, tình hình nghiên cứu về tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao vẫn chưa được cải thiện là bao. Tuy thế, đây đó đã có một số bài nghiên cứu về một vấn đề nào đó hoặc một vài ý kiến nhận xét, đánh giá với mục đích minh họa cho các công trình nghiên cứu về những vấn đề khác nhưng ít nhiều có liên quan đến tính ngữ chỉ màu sắc.

  1. 2.      Những hướng tiếp cận

Chúng tôi điểm qua một số công trình này, và đặc biệt qua đó đề xuất một số hướng tiếp cận khả dĩ đối với hệ đề tài này.

  1. 2.1.            Hướng tiếp cận theo lối mô tả

Hướng tiếp cận này xem thiên nhiên, con người như là đối tượng để tả. Ở đây, dân gian đã sử dụng các gam màu gốc để mô tả về con người, đặc biệt là miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Theo chúng tôi, đây là mục đích chính, xuất hiện đầu tiên của dân gian khi sử dụng màu sắc. Bởi cái đầu tiên đập vào mắt con người, trước hết, đó phải là các hình ảnh với các hình khối, màu sắc của nó – trực quan sinh động, rồi sau đó phải trải qua quá trình lâu dài mới hình thành được biểu tượng – tư duy hình tượng. Chẳng hạn như các hình ảnh trăng vàng hay đồng lúa xanh trong hai câu ca dao sau hoàn toàn là những hình ảnh thực, đời thương:

-          Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

-          Thành Trì cảnh đẹp người đông

Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh

Hướng nghiên cứu này cũng đã được một số tác giả tiếp cận như Nguyễn Thị Kim Ngân [11], [12], [13], Đặng Thị Diệu Trang [18],…  

  1. 2.2.            Hướng tiếp cận theo lối biểu trưng, biểu tượng

Hướng tiếp cận này xem đối tượng trữ tình không chỉ là đối tượng thẩm mĩ của ca dao, nó còn là phương tiện nghệ thuật góp phần tạo nên, truyền tải cái hay, cái đẹp của câu ca dao. Chẳng hạn:

Tóc xanh tươi tốt rậm rà

Răng đen nhanh nhánh tưởng là hạt na

Ở đây, tóc xanh, răng đen không chỉ là sự tả chân đối tượng một cách đơn thuần mà nó còn mang nghĩa biểu trưng nói về tuổi trẻ (tóc xanh), nói về vẻ đẹp của con người (răng đen). Tiêu biểu cho hướng tiếp cận này là các công trình nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Điệp và Nguyễn Thị Bích Hà, Nguyễn Phương Châm, Lê Thị Nguyệt,… Trong công trình “Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt” [4] nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã phân loại, miêu tả và tìm hiểu hệ thống biểu tượng về nguồn gốc, con đường hình thành biểu tượng, sự vận động của biểu tượng trong từng chỉnh thể đơn vị hoặc nhóm đơn vị ca dao. Trong đó, tác giả đã nghiên cứu một số biểu tượng có màu sắc như: trầu xanh, trầu vàng, cau xanh, biểu tượng gạo trắng- nước trong, biểu tượng chỉ hồng, má hồng,… Qua đó, tác giả giới thiệu với người đọc nguồn thi liệu dân gian phong phú làm cơ sở cho việc tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc, thị hiếu thẩm mỹ dân gian.

  1. 2.3.            Hướng tiếp cận trong sự phối hợp với tính ngữ giải thích

Hướng tiếp cận này nhằm nhấn mạnh, giải thích thêm về một đặc điểm nào đó của đối tượng. Chẳng hạn như khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, dân gian không chỉ nói “mộc” trắng/đen mà thường là trắng “phau phau", hay trắng “ngần” hoặc đen “nhưng nhức",…

-                      Hai má nàng trắng phau phau

Răng đen nhưng nhức như màu hạt dưa

-          Nước trong xanh con cá trắng ngần

Liệu mà kén chọn kẻo nhầm anh ơi”

-          Tóc xanh tươi tốt rậm rà

Răng đen nhanh nhánh tưởng là hạt na

Rõ ràng, nhờ sự phối hợp giữa tính ngữ chỉ màu sắc với tính ngữ giải thích đã làm cho các hình ảnh trở nên tường minh, sống động, góp phần nâng cao giá trị biểu đạt của câu ca dao. Tiếc rằng hướng tiếp cận này chưa được nhiều người quan tâm!

  1. 2.4.            Hướng tiếp cận theo tính biểu cảm

Mới đây, chúng tôi đã hướng dẫn Đỗ Thị Thìn thực hiện thành công luận văn Thạc sĩ “Tính biểu cảm của màu sắc trong ca dao người Việt”. Đây là công trình khoa học đầu tiên, mang tính chuyên sâu nghiên cứu về tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao người Việt. Qua công trình này, tác giả luận văn đã có một số đóng góp như có sự thống kê khá đầy đủ về các câu ca dao có sự xuất hiện của màu sắc. Đây sẽ là một tham khảo rất quý cho những ai tiếp tục nghiên cứu về đề tài này. Không dừng lại, đề tài cũng có những kiến giải rất thú vị về tính biểu cảm của các tính ngữ miêu tả và ít nhiều bắt đầu tiệm cận tính biểu tượng, biểu trưng của các màu sắc này. Tuy nhiên, trong giới hạn của một luận văn Thạc sĩ nên còn rất nhiều hướng tiếp cận khác như mối tương quan giữa tính ngữ chỉ màu sắc và các nghệ thuật khác, màu sắc tâm trạng, màu sắc trong sự phối hợp với tính ngữ giải thích,… vẫn chưa được tác giả luận văn luận bàn.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy trong ca dao cũng xuất hiện một số hình ảnh màu sắc nhưng không liên quan trực tiếp với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là những câu ca dao nói về màu sắc nhưng không liên quan (hoặc có quan hệ xa với tâm trạng của nhân vật trữ tình). Đây là những bài ca dao thuộc thể hứng - là một phương thức biểu hiện trong nghệ thuật. Hay nói cụ thể hơn, đó là các bài ca dao có kết cấu theo lối “đối cảnh sinh tình” (nêu cảnh vật, sự việc trước, bộc lộ tâm tư, tình cảm sau). Với thủ pháp này: một (hoặc một số) câu đầu nói sự vật khác rồi lấy đó để bắc cầu cho lời ca vịnh. Nó là “khai đoan” (mở đầu) của một bài thơ hoặc một đoạn thơ. Kết cấu của các bài ca dao này thường có hai phần: Phần hứng và phần chính. Phần hứng và phần chính có lúc liên quan đến nhau, có lúc không liên quan. Chẳng hạn như:

-                      Trời cao nước biếc non xanh

Trách người quân tử bạc tình không thương

-                      Trời cao cao mấy trời xanh

Giời sai cú xuống đỗ cành quế mai

-                      Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch bát tràng về xây

….

  1. 2.5.            Hướng tiếp cận trong sự tương quan với các nghệ thuật khác

Đây là hướng tiếp cận tính ngữ chỉ màu sắc trong tương quan với nghệ thuật điêu khắc, điện ảnh,… và nhất là với hội họa. Chẳng hạn như hướng tiếp cận trong tương quan với hội họa sẽ giải mã được một số vấn đề thú vị như: tìm hiểu sự xuất hiện của các sắc tố (là những màu gốc như xanh, đỏ, trắng, vàng,…), hay sự phối hợp, sáng tạo của dân gian về các sắc loại (là hỗn hợp của các sắc tố được biểu hiện dưới dạng riêng biệt và được gọi theo liên tưởng ví dụ: cánh sen, lá mạ, hoa cà, nước biển... hay có khi đó là sự kết hợp/xuất hiện của hai, ba màu sắc trong cùng một bài, thậm chí là một câu ca dao), hoặc khám phá về các sắc độ (chỉ mức độ đậm nhạt của màu sắc – khá tương đồng với tính ngữ giải thích), hay có khi là nghiên cứu về các sắc thái để hiểu thêm về tâm lý dân tộc, văn hóa các vùng miền (là vẻ khác nhau của những màu có cùng một gốc như: đỏ cờ, đỏ sen, mười giờ...).

Về sắc loại, tuy chưa bàn đến vấn đề này nhưng trong luận văn của mình, tác giả Đỗ Thị Thìn đã có công trong việc xây dựng “Bảng thể hiện các biểu tượng màu sắc sóng đôi xuất hiện nhiều trong ca dao người Việt”. Chẳng hạn như một số câu ca dao:

-                      Thấy cô má đỏ răng đen

Nam mô di Phật lại quên mất chùa

à màu đỏ đi cặp với màu đen.

-                      Ngó lên mây bạc trời hồng

Anh không biểu bậu bỏ chồng theo anh

à màu trắng đi cặp với màu hồng.

  1. 2.6.            Hướng tiếp cận văn hóa

Hướng tiếp cận trước này cũng có một số nhà nghiên cứu đề cập đến – nhưng là từ hướng tiếp cận văn hóa, lịch sử như Trần Ngọc Thêm , Trần Quang Đức  hay cũng được Phạm Thu Yến nhắc đến khi nhà nghiên cứu lưu ý cần phải tìm thấy “đặc điểm tâm lý dân tộc qua cách miêu tả”, cách sử dụng các tính ngữ chỉ màu sắc để biết rằng dân gian ta thường “thiên về miêu tả những gam màu tươi tắn, sáng sủa” [19, tr.214]. Hướng nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta giải mã được hiện tượng: tại sao màu vàng xuất hiện nhiều trong ca dao nhưng chủ yếu được sử dụng để miêu tả về thiên nhiên, còn khi nói về con người, màu sắc này lại mạng nghĩa biểu trưng (đá vàng, bạn vàng, tim vàng, mâm vàng, lòng vàng,…) hay tại sao không thấy ca dao nói về trang phục màu vàng của người dân? Rõ ràng điều này liên quan đến vấn đề kiêng kị, phản ánh rõ nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam. Cũng ở hướng tiếp cận này, nếu có điều kiện tìm hiểu vấn đề màu sắc trong văn hóa phương đông – nhất là màu sắc theo ngũ hành trong phong thủy cũng sẽ giúp chúng ta khám phá được rất nhiều điều thú vị.

  1. 2.7.            Hướng tiếp cận tâm lý

Xét về trình tự thời gian, đây là hướng tiếp cận đã được các nhà nghiên cứu bàn đến đầu tiên. Đó là những bài cảm nhận, phân tích về một số bài ca dao được xem là hay nhất trong kho tàng ca dao Việt Nam, như “Hoa cúc vàng”, “Trèo lên cây bưởi hái hoa”,… Trong các bài ca dao này xuất hiện hiện tượng trái với quy luật sinh học: hoa cúc VÀNG nở ra hoa cúc TÍM/XANH; Nụ tầm xuân nở ra XANH biếc. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn đều thống nhất, cho rằng sự vô lý sinh học – sự biến đổi màu sắc của hoa cúc, của nụ tầm xuân là do tâm trạng của nhân vật trữ tình. Chính cái phi lý này đã nói lên cái điều hữu lý của một tình yêu trái ngang. Hay nói cách khác: màu XANH BIẾC, màu TÍM/XANH ở hai bài ca dao trên đúng là màu sắc tâm trạng, sắc màu của ảo giác qua lăng kính tình yêu.

Hướng nghiên cứu này đã được các tác giả như Nguyễn Thành Thi [16], Nguyễn Xuân Kính [8], Lê Tấn Thích [20], Lam Hà [6],… tiếp cận. Tuy nhiên, cũng phải chân nhận rằng, ngoài hai lời ca dao tiêu biểu trên còn rất nhiều bài ca dao khác có cùng motif. Và nhất là còn rất nhiều điều còn để ngỏ như vấn đề tâm lý lứa tuổi với thị hiếu màu sắc, so sánh sở thích màu sắc giữa các vùng miền với nhau,… Do vậy, chúng tôi tin chắc rằng khi có điều kiện mở rộng nghiên cứu về màu sắc tâm trạng trong ca dao chúng ta sẽ “ngộ” ra được rất nhiều điều thú vị.

***

Ở trên chúng tôi đã đề cập đến 07 hướng tiếp cận về tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao người Việt. Một cách ngắn gọn hơn có thể gộp chúng thành 03 nhóm: tiếp cận theo thi pháp học (các hướng tiếp cận 2.1, 2.2, 2.3 và 2.4), tiếp cận theo hướng mỹ học – nghệ thuật (hướng tiếp cận 2.5) và hướng tiếp cận liên văn hóa (hướng tiếp cận 2.6 và 2.7). Từ một vài điểm nhãn trên cho thấy việc nghiên cứu tính ngữ trong ca dao người Việt là một hướng nghiên cứu rất thú vị, có nhiều triển vọng mà bài viết này, cũng như luận văn Thạc sĩ “Tính biểu cảm của màu trong ca dao người Việt” chỉ dừng lại ở việc đặt vấn đề. Như vậy, khi nghiên cứu về tính ngữ chỉ màu sắc trong ca dao người Việt, chúng ta cần đặt nó trong môi trường văn hóa, xã hội và điều kiện địa lý tự nhiên đã sản sinh ra nó, có như vậy mới hiểu và nắm bắt hết được các thông điệp mà cha ông đã trao gửi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Phương Châm, “Biểu tượng hoa hồng trong Văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1, Hà Nội.

[2] Nguyễn Phương Châm, “Biểu tượng hoa sen trong Văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, Hà Nội.

[3] Nguyễn Phương Châm, “Biểu tượng hoa đào trong Văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, Hà Nội.

[4] Nguyễn Thị Ngọc Điệp, 2002. Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

[5] Trần Quang Đức, 2013. Ngàn năm áo mũ, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới, Hà Nội.

[5] Lê Văn Đường, 2011. “Một cách cảm và hiểu bài ca dao Bông cú vàng”, Giáo dục & Thời đại, số ra ngày 20/7/2011.

[6] Lam Hà, “Màu sắc của tình yêu”, http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/tap-but-van/200904/mau-sac-cua-tinh-yeu-71675/.

[7] Nguyễn Thị Bích Hà, 2014. Nghiên cứu Văn học dân gian từ mã Văn hóa dân gian, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

[8] Nguyễn Xuân Kính, 2006. Thi pháp ca dao, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[9] Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), 2009. Kho tàng ca dao người Việt, Tập 1 -2, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[10] Nguyễn Thị Kim Ngân, 2014.  “Cái đẹp của thiên nhiên và phong cảnh trong ca dao truyền thống”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Viện nghiên cứu Văn hóa.

[11] Nguyễn Thị Kim Ngân, 2011. “Hoa trong ca dao”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, Viện nghiên cứu Văn hóa.

[12] Nguyễn Thị Kim Ngân, 2015. “Người đẹp và thị hiếu thẩm mĩ dân gian qua ca dao”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, Viện nghiên cứu Văn hóa.

[13] Lê Thị Nguyệt, 2008. Nét đẹp của người phụ nữ trong ca dao cổ truyền người Việt, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm, ĐH Thái Nguyên.

[14] Trần Đình Sử, 2002. Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[15] Trần Ngọc Thêm, 1999. Cơ sở văn hóa, NXB Giáo dục.

[16] Nguyễn Thành Thi, 1992. “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…”, Tạp chí Nha trang, số 11/1992.

[17] Đỗ Thị Thìn, 2016, “Tính biểu cảm của màu sắc trong ca dao người Việt” Luận văn thạc sĩ văn học – Thư viện trường ĐH Văn Hiến.

[18] Đặng Thị Diệu Trang, 2006. Thiên nhiên trong ca dao trữ tình đồng bằng Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện KHXH Việt Nam.

[19] Vũ Anh Tuấn (chủ biên), 2014. Giáo trình Văn học dân gian, NXB Giáo dục Việt Nam.

[20] Lê Tấn Thích, “Dải yếm – biểu tượng văn hóa của người Việt trong ca dao về tình yêu”, http://www.maxreading.com/

Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến, số 5 (3)/2017 (tháng 7/2017)

 

 

Thông tin truy cập

60857795
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17574
13943
60857795

Thành viên trực tuyến

Đang có 524 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website