Biểu tượng cây trong thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam: cây vật tổ và cây vũ trụ

20180429 cay neu Co tu

Nghi lễ dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang. Ảnh: Lê Trọng Khang

Về hình ảnh, thực thể cây giao tiếp ba cấp bậc của thế giới: dưới lòng đất là nơi rễ cây cắm sâu, giấu mình và lấy tinh chất của đất để duy trì sự tồn tại của cây; mặt đất là nơi thân cây với những cành ngang dọc mọc, che phủ; không gian trên cao của cây là sự vút lên bầu trời đã kiến tạo thế đứng của dạng bản thể vượt lên trên nó, ở đó là những cành cây lan xa và ngọn cây vươn lên hút ánh trời; lá cây hàng năm rụng rồi lại mọc biểu thị tính tuần hoàn của sự sống trong quá trình tiến hoá liên tục, đó là biểu tượng của sự tái sinh trong lụi tàn[1]. Chính sự tồn tại đó đã tạo ra cho cây có một sức sống mãnh liệt, lâu bền, và sức sống ấy đã tạo nên hình ảnh gợi cảm thẩm mỹ và lay động niềm tin vào thế giới tâm linh của con người về sự tồn tại linh hồn trong cây. Vì thế, cây cối từ bao đời nay đã được tâm linh hóa một cách sinh động qua thần thoại và những thực hành nghi lễ. Việc nghiên cứu biểu tượng cây vật tổ và cây vũ trụ sẽ góp phần làm rõ hiện trạng lưu truyền thần thoại về cây vật tổ và cây vũ trụ ở các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ ra ý niệm về tổ tiên tộc người và dòng tộc trong việc gắn với tín ngưỡng thờ cây cối; quá trình khám phá và chinh phục thế giới tự nhiên của con người.

1. Biểu tượng cây - vật tổ: ý niệm về nguồn gốc các tộc người

Thần thoại cây vật tổ kể về loài người sinh ra từ cây, đó là các cây khởi nguyên của loài người. Hiện nay, ở nước ta một số tộc người vẫn còn lưu truyền trong thần thoại và hình thức thờ cúng cây làm tổ tiên của mình. Trong thần thoại và trong sử thi của người Mường, cây si là cây cây tổ tiên của họ. Thần thoại kể rằng, cây si thần bị bão đổ xuống, trong đó bay ra hai con chim lớn là Ác Các Ùa Quê (Hay Ay và Ua). Chúng đến làm tổ ở động Hào và đẻ trăm trứng trong đó có ba cái to dị thường. Nhờ được thần bày cho cách ấp, sau 50 ngày, 97 trứng nở ra người: 50 người đi về mạn đồng bằng thành người Kinh, còn 47 người lên mạn ngược thành tổ tiên các dân Lào, Mường, Mán, Thổ… Còn lại ba trứng ấp đủ 100 ngày nở ra ba người: hai trai một gái. Tá Cần lấy em gái của mình làm vợ, họ sinh ra những đứa con nhưng chúng đều lần lượt chết đi. Tá Cần lấy vợ mới là Bà Chu Bà Chuông đẻ được 18 người con. Trong số 9 trai có một người nối công việc của cha, còn 8 người khác thành bốn họ Đinh, Quách, Bạch, Hoàng chia nhau làm Lang các nơi. Còn 9 gái trở thành vợ các Lang[2].

Ở thần thoại khác của người Mường lại kể rằng, cây si là cây nhờ mặt trời truyền sức sống đã trở thành bất tử, cây toả lá chia cành đến đâu là đất mường lan đến đó. Cây hoá thành Bà Dần-Mẹ khởi nguyên, bà Dần đẻ ra hai chàng Bướm Bạc và Bướm Bờ sau lấy hai nàng con gái trời lại đẻ ra các chúa Mường, đẻ ra chim Tùng chim Tót. Chim đẻ ra trứng, trứng nở thành muôn loài. Bà Dần cũng là nữ thần dạy người cách làm ăn[3]. Theo thần thoại, cây si vốn là cây cổ thụ thiêng liêng, từ mỗi cành si đổ đã tạo ra các mường, thân cây sinh ra chim, chim sinh ra người. Vì vậy người Mường có quan niệm là con người sống trên đời cũng như cây si, khi còn trẻ thì khỏe mạnh, tươi tốt; khi cao tuổi già cả thì già yếu, rũ cành, nghiêng gốc, cần phải kéo cho cây không bị nghiêng để cây lá xanh tươi, thể hiện khát vọng kéo dài sự sống, tăng sức khỏe cho người già. Như vậy, trong thần thoại và trong tín ngưỡng của người Mường, cây si không chỉ là cây vật tổ mà còn được đồng nhất với con người (người già) ở dạng cây – người. 

Trong thần thoại người Mạ, cây rãi rác là cây vật tổ của họ. Thần thoại kể rằng, sau khi thần sinh ra mọi vật và những con người đầu tiên, một số ông tổ của nhiều dòng họ được sinh ra. Từ các bụi cây rãi rác tổ Paang Kha và tổ Paang Khem chui ra. Trong buổi ban đầu con người chung sống với nhau, các tổ Paang lấy làm vợ chồng giữa các anh em trai và chị em gái. Sự sống chung chạ của các cặp vợ chồng của các tổ ấy đã làm Biit và Rling chui ra. Rồi những nhánh người khác do thần K’Boong sinh ra như Doot và Doi. Họ giao hợp với nhau rồi sinh ra nhiều con cái. Cũng như thác và sông, anh trai và em gái lấy nhau. Paang Riing và em gái là Nham kết hợp thành vợ chồng. Từ các tổ này mà con người lại sinh ra thêm nhiều, ở khắp mặt đất[4].

Như vậy, ở thần thoại của người Mường và người Mạ đều có chi tiết mô tả về việc con người đầu tiên sinh ra từ cây cối, những con người ấy lại trải qua cuộc giao hợp loạn luân, giữa anh em hoặc chị em với nhau từ đó lại sinh ra thêm nhiều người, họ dần dần sinh tồn khắp nơi trên mặt đất. Motif cây sinh ra người và motif cuộc hôn nhân loạn luân của loài người trong thần thoại đã phản ánh quá trình phát triển loài người, đó là quá trình loài người trải qua xã hội bầy đàn, họ đã có nhận thức ban đầu về nguồn gốc của mình, nhìn nhận những loài cây cối vốn gần gũi là bản thể khởi nguyên của mình.

Trên thực tế, nhiều tộc khác nhau ở Việt Nam còn lưu truyền thần thoại kể về cây vật tổ - loài cây khởi nguyên và tái sinh loài người. Trong sử thi Đam Săn của người Ê Đê, loài cây gốc không thấy, ngọn không có, cây sinh ra Hơ Nhị, Hơ Bhị. Đó là cây smuk ở phía đông nhà, cây blang ở phía tây hiên – Những cây này còn sinh ra ông bà xưa cũ[5]. Trong thần thoại của người Sre (một nhóm Cơ ho) thì xương của người khởi nguyên được tạo từ vỏ cứng như thép của cây đa, mạch máu của người được tạo thành từ những thớ dai của cây đa, dòng sữa nuôi nấng người chảy từ nhựa đa…Bên cạnh đó còn có nhiều tộc người lấy tên một loại cây làm họ, người Khmú có họ Cut (rau dớn), người Hoa, H’mông có họ Lê/Li, Đào/Thào. Trong quan niệm tâm linh của người Tây Nguyên, thì con người sinh ra từ cây và do vậy, khi họ chết xác nhập vào bên trong thân cây. Đó là chu trình người-thực vật là quan niệm về thế giới. Đối với người Gia rai thì không chỉ người sinh ra từ cây mà cả thần linh cũng sinh ra từ cây. Vì thế trong thần thoại, khi xảy ra trận đại hồng thủy thì các thần linh cũng phải trốn vào thân cây để trú ngụ và sau đó từ cây mà được tái sinh trở lại[6]. Trong thực hành nghi lễ của người Mnông, hình tượng cây gạo là cây tổ tiên của tộc người, đó là bản thể linh thiêng được đối xử như một vị thần linh[7].

Ngoài các thần thoại kể về cây vật tổ sinh ra con người còn có thần thoại về cây cứu thế được sùng bái là tổ tiên tộc người. Trong thần thoại Lô Lô, cây tre là linh vật cứu thế, cây tre cứu loài người thoát khỏi nạn diệt vong. Thần thoại kể rằng: Xưa kia, Két dơ và Ga gie là hai đấng tạo hoá, sau khi phân ra trời nắng đất đen và làm ra muôn vật mới bắt đầu nghĩ đến chuyện sáng tạo ra con người. Mặt đất xuất hiện đôi nam nữ đầu tiên. Họ thành vợ chồng. Người vợ đẻ ra một quả bầu nậm đem gieo hạt ra thì mỗi hạt hoá thành một người. Loài người bắt đầu sinh sôi nẩy nở nhiều trên mặt đất. Nhưng loài người trải qua một trận đại hạn dữ dội vì mười mặt trời và tiếp đó lại xuất hiện một trận lụt kinh hoàng. Loài người đều chết cả, chỉ còn hai anh em nhà nọ được một ông già đến báo tin nên chui được vào  trống trốn. Khi nước rút, trống bị mắc treo lơ lửng trên một nhánh cây. Hai anh em sống sót bèn gọi một cây tre mọc gần đó nhờ tre đưa ra. Tre bèn cúi xuống cho họ víu vào rồi đặt họ xuống mặt đất. Thoát nạn, họ bèn thờ tre làm vật tổ để nhớ ơn cứu nạn[8]. Biểu tượng cây tre-cây vật tổ là hiện tượng phổ biến diễn ra ở một số tộc người trên thế giới. Người Klao có tục thờ tre vật tổ, gắn với tục này có truyện cổ về tre như sau: Một người đàn bà đang giặt váy ven sông, bỗng thấy một ống tre ba đốt trôi đến quanh quẩn bên chân. Nghe thấy có tiếng khóc trẻ con từ trong ống tre, bà liền bổ ống tre ra, thấy một đứa bé trai, mang về nuôi. Đứa bé lớn lên trở thành một chàng trai văn võ toàn tài, lấy tre làm họ, sau trở thành vua Dạ Lang. Từ đó, người Dạ Lang cũng gọi mình là tre (từ Klao trong tiếng Klao vừa có nghĩa là người, vừa có nghĩa là tre)[9]. Tộc người Papua sống ở vùng Wantoat, Đông Bắc New Guinea có những huyền thoại nguồn gốc của chính bộ lạc họ và những bộ lạc láng giềng, trong đó kể rằng họ được sinh ra từ bụi tre. Bộ lạc nào có bụi tre ấy. Kể từ khi người da trắng đến vùng đất này, người da trắng cũng có bụi tre nguồn gốc của mình, sang thế chiến thứ hai, khi cư dân bản địa biết người Nhật Bản thì nhóm tre Nhật Bản cũng xuất hiện tại đây[10].

Từ các bản kể thần thoại cây vật tổ, chúng ta có thể tóm tắt vài dạng thức về cây vật tổ như sau: Thứ nhất: Cây-chim-người (cây sinh ra chim, chim sinh ra người trong thần thoại Mường); thứ hai: Cây-người (cây sinh ra người trong thần thoại dân tộc Mạ, Sre, Gia rai); thứ ba: Cây cứu thế (cây cứu loài người thoát khỏi nạn diệt trong thần thoại Lô Lô). Từ thực tiễn lưu truyền thần thoại, cây si là cây vật tổ của người Mường, cây đa là cây vật tổ của người Sre, cây rãi rác là cây vật tổ của người Mạ, cây tre là cây vật tổ của người Lô Lô; ngoài ra còn rất nhiều dòng họ trong các tộc người ở nước ta cũng lấy tên cây cối đặt tên cho tên dòng họ của mình, đó là họ Đỗ, họ Đào của người Việt, họ Cà của người Thái, họ Cút (rau rớn) của người Khmú, họ Lê/Li của H’mông... Có thể nói, trong tâm thức dân gian của các tộc người ở nước ta thì ảnh xạ về tín ngưỡng thờ cây vật tổ vẫn còn lưu giữ hết sức đậm đặc. Các dòng tộc luôn tồn tại ý niệm về tổ tiên của mình theo sơ đồ cây. Từ một cây tổ tiên sẽ đâm ra thành các chi, nhánh, cành, tất cả hợp về một nguồn gốc, cội rễ ban đầu được coi như là từ cây đại thụ. Nó tương ứng với người ban đầu khai sáng dòng tộc được coi là ông tổ dòng tộc ấy.

Tín ngưỡng sùng bái vật tổ diễn ra ở khắp các tộc người trên thế giới, việc khám phá tín ngưỡng này có cả một học thuyết về nó (totemism). Các nhà nhân học cho rằng, trong buổi sơ khai của loài người, khi ý thức về nguồn gốc tổ tiên của mình bắt đầu hình thành, loài người chưa thể lý giải cội nguồn theo quy luật của tạo hóa, họ nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên đều có linh hồn (vạn vật hữu linh) và gắn nguồn gốc của mình với một số loài động vật, cây cối và vật thể gần gũi với họ trong cuộc sống hàng ngày. Các loài cây tồn tại trong sự sinh sôi nảy nở, trở thành biểu tượng của sự sống, biểu tượng người đàn bà sinh nở. Và trên thực tế, cây vốn gắn bó mật thiết và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của các cộng đồng nên cây đã được sùng bái trở thành tổ tiên của một số tộc người ở nước ta. Quan niệm cây cối lớn nhỏ như những sinh vật sống lẽ tự nhiên dẫn tới kết quả thực tế rằng người ta coi những cây đó như những nam giới và nữ giới mà người ta có thể cho kết hôn với nhau một cách thực sự[11]. Chính niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn, niềm tin vào tổ tiên của mình gắn với cây cối đã tạo ra tín ngưỡng sùng bái cây cối làm vật tổ. Tín ngưỡng này diễn ra trong nhiều cộng đồng cư dân Việt Nam, các tộc người thờ cúng cây thiêng-loài cây được sùng bái là vật tổ như những vị thần linh. Họ có niềm tin rằng, các vị thần cây ấy có thể tác động đến cộng đồng, đem lại cho họ niềm an ủi, sự bình yên và thoả mãn khát vọng về sự sinh sôi nảy nở.

Nhìn từ góc độ loại hình, tín ngưỡng thờ vật tổ bao gồm vật tổ tập thể, vật tổ cá nhân, vật tổ tính dục, trong đó mỗi loại vật tổ có chức năng riêng nhằm thỏa mãn từng nhu cầu cụ thể của con người. Theo đó thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam về cây vật tổ thuộc tín ngưỡng vật tổ tập thể, chủ yếu là vật tổ bộ tộc và dòng họ. Các loài cây ấy mang ý nghĩa lớn lao đối với tập thể, đó vừa là vị thần tổ tiên vừa là vị thần bảo hộ cho tập thể ấy. Điều đó cho thấy cây cối trong dạng thức vật thể tự nhiên đã được dùng biểu thị cho tập thể, nó biểu đạt cho sự hợp nhất của cả tộc người. Có thể nói, thần thoại cây vật tổ mang theo tâm thức nguyên thủy và là biểu hiện của tư duy huyền thoại của con người. Thần thoại cây vật tổ chính là một thành tố quan trọng trong hệ thống thờ vật tổ các tộc người thiểu số Việt Nam.

2. Biểu tượng cây - vũ trụ: sự kiến tạo thế giới mới

Trong thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam, biểu tượng cây vũ trụ hay còn gọi là cây thế giới là cách gọi tên một số loại cây được miêu tả với sự đồ sộ, kỳ vĩ, khổng lồ. Các loài cây ấy được gọi là cây vũ trụ/thế giới bởi lẽ rễ cây chìm khuất trong đất và cành thì vươn lên trời, khắp nơi cây được xem như một biểu tượng về những quan hệ đã thiết lập giữa đất và trời. Theo nghĩa ấy, cây mang tính trung ương, đến mức cây thế giới đồng nghĩa với trục thế giới[12]. Sự đồ sộ, khổng lồ của cây vũ trụ trong thần thoại được biểu hiện theo trục dọc và theo chiều ngang. Theo trục dọc, cây vũ trụ kết nối vũ trụ/thế giới trời, đất và trong lòng đất, rễ cây mọc ngược lên trên bầu trời, thân cây cuốn trời và đất gần lại với nhau... Theo chiều ngang, cây vũ trụ lan tỏa khắp nơi trên mặt đất, thân cây to lớn nhiều người không ôm xuể, người đi suốt một năm không hết vòng quanh cây, cành lá tỏa rộng che khuất cả bầu trời khiến cho trời không nhìn thấy trần gian, còn người trần gian thì sống trong bóng đêm bao phủ.

Trong thần thoại của nhiều tộc người ở nước ta, hình tượng cây vũ trụ xuất hiện phổ biến. Ở thần thoại người Mường, cây si là loài cây vũ trụ, cây si mọc lên mơn mởn, lớn lên như thổi, ngày sớm thì bằng cái chiếu, buổi chiều thành cái sọt bốn sọt ba, cây mọc bốn mươi cành, ba mươi chọm, cành lá chót vót vút thẳng lên bầu trời[13]. Thần thoại khác của người Mường kể về cây chu đồng khổng lồ, cành lá xum xuê lan tỏa khắp vùng đất rộng lớn, cây rộng mười bốn sải tay, cây cao tới trời; trái cây bằng đồng, hoa bằng bạc, lá giống như cây “công danh” mỗi khi gió thổi là hoa lá rung lên phát ra tiếng nổ lớn như sấm, thân cây có thể tạo dựng lên cung điện lớn của lang/chúa Mường[14].

Trong thần thoại của người Thái, cây si, cây đa lớn nhanh như thổi, ngày một ngày hai đã thành cây thẳng cành ngang; thành lá, thành ngọn tua tủa; rễ cây đâm khắp mặt đất, bóng râm tỏa năm mươi triệu mường. Thần thoại Thái còn kể về cây dây leo (chựa khau cát), cây mọc lên chỉ trong một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng cây cuốn vào bầu trời rồi lớn lên thành một dây leo khổng lồ gọi là chựa khau cát, do cây lớn mạnh đã kéo trời đất gần lại nhau, nên việc làm ăn của con người trên mặt đất gặp rất nhiều khó khăn: giã gạo vướng chày, phơi thóc may vướng cót, quay sợi trời vướng guồng[15].

Bên cạnh đó, theo thần thoại người Cơ Ho thì cây đa là cây vũ trụ, cây mọc ra mỗi ngày một lớn, nó lớn một cách phi thường che khuất cả bầu trời[16]. Trong thần thoại người Xê Đăng, cây Luông Pling to lớn đã che kín ánh sáng mặt trời, khiến cho cả thế gian sắp bước vào đêm đen vĩnh viễn; cái rễ khổng lồ của cây mọc ngược lên bầu trời làm thành cái thang mà các loài ma quỷ thường lén lút đi lên trời, thần sét cũng thường cầm lưỡi búa thần hạ trần bằng lối đó[17]. Trong thần thoại người Ka Dong, cây Loong Brếc là một cây khổng lồ mọc ở vùng Ngọc Linh, hoa muôn màu sặc sỡ, tán lá rậm rạp um tùm, phủ kín cả vùng người Ka Dong, Xê Đăng lan sang vùng người Cor, người Hơ Rê và vươn tới vùng người Kinh xa xôi[18].

Trong sử thi Đam San của người Ê Đê, cây vũ trụ là cây gốc trong suối, thân trong thung, bóng rợp cả một vùng, tên gọi là gì không rõ. Gốc cây người đi quanh phải một năm, cành cây chim chuyền phải một tháng, tán cây chim bay hết một hơi. Cây cao không cao, thấp không thấp, đủ chọc trời. Gốc cây trong suối, thân cây trong thung, đó là cây tông lông vốn có từ xa xưa, thân do trời trồng, gốc do trời vun, tự nó, nó vực dậy, tự nó, nó vươn lên, một cây của vực thẳm khe sâu, cành lá xum xuê rợp cả một miền. Nó gãy về phía nào, nó ngã về phía nào không hay[19].

Ngoài những cây vũ trụ được mô tả trong thần thoại, sử thi thì tàn dư của tín ngưỡng về cây vũ trụ vẫn còn đọng lại trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc. Nhà nghiên cứu văn học người Nga Niculin nhận định rằng: “Cây cọc cao được trang trí khắp xung quanh dùng để trói con trâu tế thần trong lễ hội của các dân tộc thiểu số trên cao nguyên Tây Nguyên cũng có thể coi là biến thể của cây thế giới. Đó là lễ vật hiến tế các thần linh và linh hồn những tù trưởng đã chết”[20].

Như vậy, ở dạng bản nguyên thần thoại hay mảnh vỡ của nó, hình tượng cây vũ trụ đều hiện hữu sâu đậm trong tâm thức các tộc người. Cây vũ trụ được miêu tả trong thần thoại các dân tộc thiểu số nguyên thủy là cây chứa đựng trong nó hiện thực khác thường thậm chí phi thường. Theo chiều thẳng đứng, cây vũ trụ là dáng hình trung tâm của vũ trụ và về nguyên tác nó gắn liền với việc chia vũ trụ theo công thức tam phân thành thiên giới, địa giới và âm giới[21]. Chính điều đó đã giải thích vì sao cây vũ trụ trong thần thoại là loại kết nối thế giới trời đất và trong lòng đất. Theo mô hình vũ trụ chiều ngang, cây vũ trụ có thân hình khổng lồ, cành lá xum xuê, rễ cây lan tỏa khắp nơi trên mặt đất. Chính những điều đó đã mang đến niềm tin về sự hiện diện của linh hồn, thần thánh trong các loài cây. Có thể nói, sự kỳ vĩ của thiên nhiên, cây cối đã tạo nên tình cảm tôn giáo, và con người đã biến những tình cảm tôn giáo ấy thành những thực hành nghi lễ, những thần thoại lưu truyền trong các cộng đồng cư dân. Mặt khác, bắt nguồn từ đặc tính được miêu tả về cây vũ trụ đã cho thấy ý niệm của con người về sự tồn tại của các loài cây to lớn, khổng lồ, nó đã phản ánh giai đoạn lịch sử phát triển của các tộc người. Đó là giai đoạn con người và thiên nhiên chưa có sự phân tách, thế giới tự nhiên bao quanh con người vừa mang đến sự sống, che chở con người nhưng đồng thời cũng là trở ngại đối với con người. Con người thực sự choáng ngợp trước thiên nhiên kỳ vĩ, bao la. Vì vậy, để kiến tạo không gian sinh tồn, kiến tạo trật tự thế giới, con người đã dùng sức mạnh và trí tuệ của mình chinh phục thế giới tự nhiên ấy. Điều này đã được phản ánh qua motif chặt cây vũ trụ.

Trong thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam, sự xuất hiện motif chặt cây vũ trụ đã phản ánh quá trình chinh phục thiên nhiên hết sức kỳ vĩ nhưng cũng đầy thử thách lớn lao của con người, chính motif này cũng đã góp phần giải thích các hiện tượng trong vũ trụ, tự nhiên; nó giải thích vì sao trời và đất lại tách xa nhau, vì sao con người lại có thể thoát khỏi bóng tối âm u, huyền bí để nhìn thấy ánh sáng mặt trời, giải thích sự hình thành nên các vùng đất, tạo ra những đồ dùng, vật dụng, nhà ở của con người từ chính các loài cây vốn có sẵn trong tự nhiên.

Theo thần thoại, nguyên nhân chặt cây vũ trụ là do các loài cây ấy vô cùng đồ sộ, rễ cây lan tỏa khắp mọi nơi trên trần gian, cành lá che kín bầu trời khiến cho con người và muôn loài sinh tồn một cách khó khăn, người giã gạo chày vướng vào bầu trời, bóng tối bao phủ trần gian,…Ở thần thoại người Mường, cây si che phủ cả bầu trời khiến cho trần gian phơi lúa không khô, phơi rau ngành chẳng ráo, trời thấy vậy, trời muốn dẫm, sấm thấy, sấm muốn đạp. Và để làm cho trần gian bớt khổ thì bố con nhà ông vua Trời đã cạp thép vào miệng con sâu gang, cạp vàng vào miệng sâu hốc, sai sâu hốc xuống ăn ngoài da, sâu hà xuống ăn vào lòng, khiến cho cây si héo rũ nên ràng ràng, héo vàng nên rợ rợ; rễ cây si đã mục, gốc cây si đã đổ, cành cây si ngã lấp dưới thung lũng, đầu cây si ngã vật bên đồi Chu[22]. Thần thoại khác của người Mường còn kể về việc chặt cây chu đồng khổng lồ có bông bằng thau, quả bằng thiếc, cành lá bằng vàng bằng bạc. Lang Cun Cần cùng cộng đồng đi chặt cây Chu đồng khổng lồ hết sức gian nan để đưa về dựng làm nhà[23].

Thần thoại của người Thái kể về cây dây leo (chựa khau cát) cuốn trời và đất gần lại với nhau, người đàn bà góa nọ thấy người trần khổ cực quá, nên sinh bực tức, đem dao chặt đứt “chựa khau cát”. Thế là tự nhiên trời cao lên, cao lên mãi, cao lên đến nỗi bắn tiếp nhau mười phát tên cũng không tới, mười phát song cũng không tận, đem đến mười thớt voi để chồng lên cũng không đến được trời nữa. Nơi “chựa khau cát” leo bị động mạnh, trời giật mình bị đẩy lên cao hơn còn các nơi khác thấp dần nên bầu trời mới có hình thù như ngày nay[24]. Trong thần thoại của người Thái còn kể rằng, sau nạn hồng thuỷ, một cây đa to toả bóng kín mặt đất khiến người không có chỗ làm ăn. Trời cho người mượn rìu vàng để chặt cây, nhưng chặt mãi cây vẫn không đổ vì chặt cành nào, cành đó lại tự liền lại. Người phải chịu bó tay cho đến khi Trời phóng sét vào làm đổ cây[25]. Thần thoại khác của người Thái lại kể về cây vả phủ kín cả bầu trời và cây háy bò lan khắp mặt đất khiến cho trái đất lạnh lẽo tối mịt mù, con người muốn chặt cây đó đi, nhưng không ai dám chặt. Có hai vợ chồng nhà kia nhận lời chặt hộ. Họ mang rìu đến bên hồ chặt liền ba tháng không nghỉ, ba năm không ngơi. Họ chặt đến đâu, máu cây chảy đến đó. Cây than khóc vang trời, lạy xin tha, nhưng họ vẫn tiếp tục chặt. Được năm tháng, năm năm, cây vả cây háy đổ đè chết hai vợ chồng. Từ đấy trái đất tràn ngập ánh sáng[26]

Thần thoại của người Cơ Ho lại kể về việc chặt cây thế giới là cây đa. Truyện kể rằng, K’Jung và K’Jang chuyên sống bằng nghề xúc tôm, tép. Một hôm K’Jung xúc được một cái trứng của con ó, K’Jang xúc được một hạt cây đa. K’Jung mang trứng ó về nhà ấp, nở ra một con ó con. K’Jang mang hạt đa về trồng và mọc lên một cây đa rất tươi tốt. Cây đa mỗi ngày lớn một cách kì lạ. Con ó cũng thế, K’Jung cho nó ăn gà hết gà, cho ăn trâu hết trâu…Hoảng quá, K’Jung sợ con ó ăn luôn cả thịt con người nên bàn với mọi người làm cây cung để bắn nó. Người bắn hạ con ó là Ha Đơ – Ha Đa. Nhưng hạ xong con ó thì lại lo về cây đa. Cây đa lớn nhanh như thổi, cao lớn phi thường khiến con người không thể sinh sống được, người muốn hạ cây đa là Ha Túc nhưng không hạ nổi. Cậu của K’Jung mượn búa con khỉ để hạ nhưng búa con khỉ không hạ được, mượn búa con ong cũng hạ không xuể. Sau đó họ họp nhau mượn búa và nhờ cóc trời chặt cây. Cóc trời chặt bảy ngày bảy đêm mới hạ cây đa khổng lồ. Trước khi cây ngã, dân làng đều lấy dây buộc trâu, heo, bò lại để chúng nó khỏi chạy. Nhưng đến ngày cây ngã, thú vật sợ quá bứt dây chạy cả. Heo chạy vào rừng thành heo rừng, bò chạy vào rừng thành bò rừng, trâu chạy vào rừng thành trâu rừng… Khi cây đa khổng lồ đổ, người Cil lấy gốc đa, người Kơ Đu lấy thân cây, người Dong và người Mạ lấy cành cây với lá cây, mỗi người đi một ngả lấy cây đó dựng nhà cửa, buôn làng và sinh sống cho đến ngày nay [27].        

Thần thoại của người Xê Đăng kể về việc chặt cây Luông Pling. Đó là loài cây đã che kín cả bầu trời, khiến cho thế gian như sắp bước vào một đêm đen vĩnh viễn. Loài kiến đen quyết định họp muôn loài để hạ cây Luông Pling cho ánh sáng rọi tới trần gian. Thế là các loài cùng nhau đi chặt cây Luông Pling. Chặt mãi mà cây không đổ, cho đến khi tất cả các loài đều bỏ cuộc nhưng các chàng kiến vẫn hăng say làm việc. Cuối cùng cây Luông Pling đã đứt lìa khỏi gốc nhưng cây không chịu ngã. Loài sóc hiến kế rủ tất cả con loài vật lên ngọn cây xem xét thì thấy cây Luông Pling có một cái rễ mọc ngược nối với trời. Cái rễ khổng lồ này làm cái thang mà các loài ma quỷ thường lén lút đi lên trời. Thần sét cũng thường cầm lưỡi búa thần hạ xuống trần bằng lối đó. Các chàng sóc được lệnh của chúa sóc phải cắn đứt cái rễ khổng lồ đó. Rễ gần đứt, trời biết được bèn sai thần sét xuống tóm lũ sóc, sóc khôn ngoan thoát được và cắn đứt rễ cây. Cây Luông Pling đổ xuống, gốc nó cắm sừng sững ở vùng người Tơ Đrạ thành một trái núi lớn, những mảnh vụn của cây do rìu chặt bắn ra thành những mảnh đá rất cứng, người Tơ Đrạ mang về làm rìu làm rựa. Vùng người Mơ Năm là chỗ ngọn cây đổ xuống thì hái được bông cây. Họ đem về kéo sợi, dệt váy, khố. Vùng người Xê Teng thì thân cây ngả xuống, lâu ngày hóa ra từng dãy núi trùng trùng, điệp điệp gối chồng lên nhau. Sau khi cây Luông Pling đổ, ánh sáng mặt trời chiếu rọi chan hòa khắp thế gian. Cây cỏ đâm hoa, kết trái, mùa màng tươi tốt. Muôn loài tụ họp nhau lại ca ngợi công lao của họ nhà kiến và sóc[28].

Thần thoại đồng bào Ka Dong kể về việc chặt cây Loong Brếc, đó là một cây khổng lồ mọc ở vùng Ngọc Linh, hoa muôn màu sặc sỡ, tán lá rậm rạp um tùm, phủ kín cả vùng người Ka Dong, Xê Đăng lan sang vùng người Cor, người Hơ Rê và vươn tới vùng người Kinh xa xôi. Được trời chỉ rõ, các làng của người Ka Dong, Xê Đăng, Cor và Kinh mới họp nhau mang rìu rựa đi chặt. Họ chặt suốt mấy tháng trời dòng mà cây không đổ, mọi người đều mệt lả. Bỗng có con chim Blic từ đâu bay đến bày cách cho người chặt. Mọi người làm theo thì quả nhiên cây Loong Brếc đổ. Bầu trời trở lại sáng sủa, cây cối xanh tươi. Cây Loong Brếc đổ, quả của nó rơi vào vùng người Ka Dong, mỗi quả hóa thành một trái núi chồng chất lên nhau, vì thế vùng Ka Dong bây giờ mới lắm núi, lắm đồi. Ở vùng người Chàm, người Kinh thì hoa và lá của cây rơi vào, vì vậy họ biết giồng bông kéo sợi và dệt được vải đẹp màu sắc rực rỡ. Vùng người Cor thì cành cây rơi vào nhiều vì thế mà vùng này cũng có nhiều núi đã hiểm trở[29].

Trong sử thi Đăm San của người Ê Đê cũng đã miêu tả việc chặt cây vũ trụ hết sức gian nan. Đăm San cho gọi tôi tớ đến cùng nhau đi chặt cây. Đăm San nói với tôi tớ, hãy dũi như lợn, bạng như dê, hãy tới tấp vung tay rìu tay dao như chớp giật trong đêm tối... Dân làng chặt thì cầm đèn nến, Đăm San chặt thì cầm đuốc. Bóng cây tối như đêm. Cây đung đưa nhè nhẹ, rồi lắc lư từ gốc đến ngọn. Khi cây ầm ầm ụp đổ, tiếng dội đến trời xanh, cây cối khắp nơi đều gẫy theo, rừng gần, rừng xa đều tan tác. Các cây cổ thụ cũng gẫy, cành toác ra như bão giật, thân gục xuống như bị lốc xô[30].

Như vậy, ở motif chặt cây vũ trụ trong thần thoại các dân tộc thiểu số, việc chặt cây mà người và muôn loài thực hiện hết sức gian nan, đòi hỏi sức mạnh và trí tuệ của thủ lĩnh và cả cộng đồng, sự trợ giúp của thần và trời, ở một số thần thoại thì những nhân vật là người và vật đi chặt cây vũ trụ đã phải bỏ cả sinh mạng của mình, nhưng cuối cùng tất cả vượt qua thử thách của tự nhiên để kiến tạo nên địa bàn sinh sống, một trật tự thế giới mới được hình thành. Theo thần thoại, khi cây vũ trụ đổ xuống là lúc ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp thế gian, trời và đất tách xa nhau, thân cây, cành cây, lá cây, vỏ cây, rễ cây đã tạo ra những vùng đất, bản mường để con người có thể quần tụ, cư trú; những vùng đất hoang vu trở thành địa bàn sinh tồn tại của con người… Có thể nói, sự xuất hiện motif chặt cây vũ trong thần thoại đã phản ánh một thời đại lịch sử sơ khai loài người - thời đại con người hoang dã đã bắt đầu quá trình chinh phục thiên nhiên và dần hướng tới làm chủ thế giới tự nhiên của mình.

Biểu tượng cây vật tổ và cây vũ trụ trong thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chỉ ra ý niệm về tổ tiên, nguồn gốc các tộc người; quá trình khám phá và chinh phục thế giới tự nhiên của con người. Theo quan sát dân tộc học thì những cây được tôn sùng là cây vật tổ và cây vũ trụ đều là những loài cây to lớn, có độ tuổi cao (cây cổ thụ), có hình dáng độc đáo, thân cây thì chằng chịt, đan mắc vào nhau, có khi lại tách ra, xé lẻ để rồi lại nối sát vào nhau; có cây thì thân hình khúc khuỷu, cành vặn vẹo uốn quanh, rễ treo lủng lẳng như một dải tóc lưng lửng trên không, tán lá sà quét xuống đất rồi lại vươn xa, phủ bóng dày đặc bí ẩn. Chính kích thước to lớn của cây, tuổi thọ lâu dài, hình thù kỳ lạ và sự vươn lên bầu trời một cách kỳ vỹ, đầy sức mạnh đã tạo ra cho các cây ấy có một quyền lực siêu nhiên, nhiệm mầu. Do đó trong trí tưởng của con người, họ dễ dàng gán cho một chút gì đó nhiệm mầu đủ để biến cây từ một thế giới tự nhiên bỗng nhập vào một thế giới siêu nhiên[31]. Đó là lý do vì sao các loài cây như cây tre, cây đa, cây si, cây gạo…được sùng bái trên địa bàn rộng lớn ở khắp các tộc người trên thế giới. Nó minh chứng cho tính phổ quát của tín ngưỡng thờ các loài cây này.

Biểu tượng cây vật tổ và cây vũ trụ trong thần thoại như đã trình bày ở trên còn biểu đạt ý niệm của con người về linh hồn cây cối. Ý niệm này nảy sinh từ rất sớm, khi con người coi cây cối cũng giống với động vật, như sống và chết, khỏe mạnh và bệnh tật, nên họ gán cho chúng một loại linh hồn nào đó là khá tự nhiên. Đặc biệt là ở những nấc văn hóa thấp thì linh hồn cây cối đã được đồng nhất với linh hồn động vật ở một mức độ cao hơn. Như vậy, chính ý niệm về linh hồn cây cối trong trường vật linh của tín ngưỡng vật linh đa thần giáo đã tạo ra biểu tượng cây tổ tiên và cây vũ trụ. Nó đã phản ánh quan niệm cổ sơ của loài người về thế giới thần linh, về nguồn gốc của mình và quá trình nhận thức thế giới tự nhiên của con người. Cho nên, ẩn chứa đằng sau biểu tượng đó chính là hình ảnh con người cổ đại trước thế giới tự nhiên vẫn còn nguyên sơ và đầy trắc trở.  


[1] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới (nhiều tác giả dịch). Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997, tr. 141-142.

[2] Nguyễn Đổng Chi: Lược khảo thần thoại Việt Nam. Ban nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, H, 1956, tr. 67-68.

[3] Tạ Đức: Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc - biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. Hội Dân tộc học Việt Nam, H, 1999, tr. 174.

[4] Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng: Văn hoá người Mạ. Nxb Văn hoá Thông tin, H, 2013, tr. 360.

[5] Nguyễn Văn Hoàn (chủ biên): Đam San - Sử thi Ê Đê. Nxb Khoa học xã hội, H, 1988, tr. 197

[6] Ngô Đức Thịnh: Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, H, 2006, tr. 75.

[7] Georges Condominas: Chúng tôi ăn rừng. Nxb Thế giới, H, 2008, tr. 44-45.

[8] Nguyễn Đổng Chi: Lược khảo thần thoại Việt Nam. Ban nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, H, 1956, tr. 64-65.

[9] Tạ Đức: Nguồn gốc người Mường – người Việt. Nxb Tri thức, H, 2013, tr. 748.

[10] Th.P. Van Baaren: Tính uyển chuyển của huyền thoại. (Lê Thụy Tường Vy dịch), in trong sách Huyền thoại và văn học. Nxb Đại học Quốc gia, tp HCM, 2007, tr. 51

[11] James George Frazer: Cành vàng bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy (Ngô Bình Lâm dịch). Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2007, tr. 196.

[12] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới (nhiều tác giả dịch). Sđd…, tr. 141.

[13] Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Phạm Tố Châu, Lê Thành Hiểu:  Mo (sử thi và thần thoại) dân tộc Mường. Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1997, tr. 1265.

[14] Quách Giao, Hoàng Thao (sưu tầm, biên dịch): Truyện cổ dân gian Mường. Nxb Văn hóa dân tộc, H, 2011, tr. 11-22.

[15] Đặng Thị Oanh (chủ biên): Huyền thoại Mường Then. Nxb Văn hóa dân tộc, H, 2010, tr. 73.

[16] Nguyễn Thị Huế (chủ biên): Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 3 - Thần thoại. Nxb Khoa học xã hội, H, 2009, tr.104.

[17] Ngô Vĩnh Bình (sưu tầm, biên soạn): Truyện cổ Xê Đăng. Nxb Văn hóa, H, 1981, tr. 29-34.

[18] Ngô Vĩnh Bình (sưu tầm, biên soạn): Truyện cổ Xê Đăng. Sđd…, tr. 35-36.

[19] Nguyễn Văn Hoàn (chủ biên): Đam San - Sử thi Ê Đê. Sđd…, tr. 197-198.

[20] N.I.Iuniculin: Thần thoại Việt- Mường về cây thế giới và sự hình thành văn học in trong sách Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế. Nxb Giáo dục, H, 2000. tr.41.

[21] E.M.Meletinsky: Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 2004, tr. 284-285.

[22] Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Phạm Tố Châu, Lê Thành Hiểu:  Mo (sử thi và thần thoại) dân tộc MườngSđd…, tr. 1268.

[23] Hoàng Anh Nhân, Dương Anh, Bùi Thiện (sưu tầm, biên soạn): Truyện cổ Mường. Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1978, tr 31-33.

[24] Đặng Thị Oanh (chủ biên): Huyền thoại Mường Then. Sđd…, tr.74.

[25] Nguyễn Thị Huế (chủ biên): Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 3 - Thần thoại. Sđd…, tr. 446-447.

[26] Đặng Thị Oanh (chủ biên): Huyền thoại Mường Then.Sđd…, tr.75-76.

[27]Nguyễn Thị Huế (chủ biên): Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 3 - Thần thoại. Sđd…, tr. 104.

[28] Ngô Vĩnh Bình (sưu tầm, biên soạn): Truyện cổ Xê Đăng. Sđd…, tr. 29-34.

[29] Ngô Vĩnh Bình (sưu tầm, biên soạn): Truyện cổ Xê Đăng. Sđd…, tr. 35-36.

[30] Nguyễn Văn Hoàn (chủ biên): Đam San - Sử thi Ê Đê. Sđd…, tr. 199-200.

[31] Leopold Cadiere: Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, tập 2 (Đỗ Trinh Huệ dịch). Nxb Thuận Hoá, 2010, tr.69

Nguồn: Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, năm 2016.

Thông tin truy cập

63693862
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14154
23426
63693862

Thành viên trực tuyến

Đang có 462 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website