Miếu thờ Gia Long ở khu vực Nước Xoáy, nơi ông đóng quân sau khi về lại Nam Hà từ Xiêm La - Ảnh: wikipedia
Truyền thuyết là thể loại phản ánh những nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc và của từng địa phương. Với biến cố lịch sử là cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn diễn ra trên chiến trường Nam Bộ gắn với những dấu ấn lịch sử, văn hóa trên vùng đất đã trở thành chất liệu phong phú cho sự hình thành mảng truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ. Dấu ấn đặc biệt của mảng truyện có thể ghi nhận qua nhận định của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh:
“Quả thật Nguyễn Ánh là ông vua để lại nhiều truyền thuyết nhất Nam Bộ, vì trong các vua chúa Việt Nam không có người nào mà vết chân in khắp vùng Nam Bộ như ông ta, đặc biệt là trong thời gian trốn lánh Tây Sơn trước 1788” ([1]).
Tiếp cận với truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ, chúng tôi hướng đến việc xác lập diện mạo, những nét đặc trưng nghệ thuật và giá trị nội dung của nhóm truyện, ghi nhận dấu ấn độc đáo của nó trong hệ thống truyện dân gian Nam Bộ.
1. Đặc điểm thể loại, tư liệu và hệ thống truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ
Việc xác định thể loại truyền thuyết của truyện về Nguyễn Ánh dựa trên dấu hiệu chức năng thể loại, hình thức tác phẩm, nhân vật, thái độ người kể và người nghe, sự gắn kết giữa nội dung với các chừng tích địa danh, lịch sử, văn hóa… Theo đó, truyền thuyết về Nguyễn Ánh là những truyện được kể và lưu truyền ở Nam Bộ gắn với sự kiện quá trình Nguyễn Ánh “bôn tẩu” vào Nam. Đây là những mẩu truyện nhỏ, hình thức ngắn gọn với cấu trúc đơn nhất, mỗi truyện kể về một tình huống sự kiện về nhân vật được xâu chuỗi xoay quanh sự kiện trung tâm là hành trình trốn lánh Tây Sơn của Nguyễn Ánh. Mặt khác, truyện về Nguyễn Ánh phản ánh và lý giải về một nhân vật và sự kiện lịch sử có sức ảnh hưởng ở Nam Bộ. Nhìn chung, các câu chuyện được kể và truyền tụng gắn với niềm tin của người dân đối với những diễn biến sự kiện về nhân vật, đặt trong mối liên hệ với một số địa danh, di tích, tập tục, lễ hội dân gian... ở các địa phương.
Tuy nhiên, truyện về Nguyễn Ánh cũng biểu hiện đặc điểm là “Một thể loại truyện kể ngắn gọn về một tình tiết có thực hoặc được thêu dệt của những nhân vật được nhiều người biết đến”[2]. Không ít tác giả đã gọi đây “những giai thoại kỳ lạ” về cuộc đời Gia Long - Nguyễn Ánh. Nhân vật trung tâm của nhóm truyện là một nhân vật “đặc biệt” theo mô típ nhân vật giai thoại... Như vậy, truyện về Nguyễn Ánh mang tính chất giao thoa giữa truyền thuyết và giai thoại trong tính chất biến đổi, chuyển hóa về thể loại.
Tư liệu ghi chép hệ thống truyện dân gian về Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ tính từ nguồn ghi chép đầu tiên khoảng nửa đầu thế kỷ XIX đến nay có các sách địa chí, lịch sử triều Nguyễn, tư liệu biên khảo, địa phương chí, tư liệu sưu tập văn học dân gian, sưu tầm thực địa… Hệ thống tư liệu khá phong phú nhưng không thuần nhất, đặt ra vấn đề về văn bản tư liệu. Từ nguồn tư liệu trên, chúng tôi tập hợp được 52 đơn vị truyện về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ. Về địa bàn lưu hành nguồn truyện, theo tư liệu sưu tầm và yếu tố địa danh của truyện kể, sơ khởi cho thấy, truyện về Nguyễn Ánh trải khắp Nam Bộ, tương ứng với sự kiện hiện thực về nhân vật.
2. Đặc điểm cấu tạo của hệ thống truyện
2.1. Mô hình cốt truyện
Cốt truyện theo Từ điển thuật ngữ văn học là “Hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [3].
Truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ có mô hình cốt truyện truyền thống với lược đồ gồm 3 phần, gắn với các tiến trình sự kiện sau:
Tiến trình thứ nhất nêu bối cảnh sự kiện, sự xuất hiện của nhân vật, chủ yếu gắn với yếu tố thời gian, bối cảnh cuộc giao tranh với Tây Sơn, trên đường bị truy đuổi trốn lánh vào Nam hay vào địa phận một vùng đất. Tiến trình thứ hai kể những diễn biến sự kiện gây ấn tượng về nhân vật, với những hành trạng, hoạt động thường mang tính chất ly kỳ đã xảy ra, như một sự may mắn bất ngờ hay một sự kiện đặc biệt liên quan đến nhân vật để tạo thành một tên gọi một địa điểm, di tích..., gắn với một hoàn cảnh cụ thể ra sao. Tiến trình thứ ba: kết thúc sự việc, bao gồm kết quả cụ thể liên quan đến nhân vật, như một địa danh, dấu tích lưu lại...
Qua khảo sát các truyện kể, chung tôi thấy có 16 tình tiết, mô típ biểu hiện trong đề tài - cốt truyện.
2.2. Các tình tiết, mô típ của các nhóm truyện
Hệ thống truyền thuyết có kiểu nhân vật trung tâm là “Người khai sáng vương triều” và quá trình gian nan trước khi lên ngôi, đánh dấu sự kiện giai đoạn còn “tiềm để” của một nhân vật vua chúa, gắn với quá trình lẩn tránh vào Nam của Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Tương ứng với kiểu nhân vật trên, hệ thống truyền thuyết có đề tài - cốt truyện: Những hành trạng ly kỳ của Nguyễn Ánh trong hành trình trốn lánh Tây Sơn. Đề tài - cốt truyện này được xác lập với nhân vật mang đặc điểm: Sự phù trợ thần kỳ cho vị vua tương lai, Con người trợ giúp và Những dấu ấn hành trạng và dấu tích lưu lại.
2.2.1. Nhân vật mang đặc điểm sự phù trợ thần kỳ cho vị vua tương lai
Nhóm này có 11 đơn vị truyện, tiêu biểu như: Chuyện cá sấu cứu Nguyễn Ánh tại vàm sông Ông Đốc, Gành Rái với bầy rái thần và chuyện vua Gia Long, Những chuyện lại về cá Ông, Gốc tích lễ cúng biển Mỹ Long…
Sơ đồ kết cấu cốt truyện của những truyện kể về nhân vật: Nguyễn Ánh bị truy đuổi nguy khốn - nhân vật khấn vái hay chiêm mộng - vật linh, điềm lạ xuất hiện trợ giúp thoát hiểm - về sau đặt tên vật trợ giúp hay sắc phong danh hiệu, thờ cúng.
Một số tình tiết, mô típ của cốt truyện được miêu tả như sau:
Mô típ nhân vật bị truy đuổi
Mô típ đóng vai trò mở đầu đặc trưng của nhóm truyện về nhân vật. Về dấu ấn thực tại, đây là mốc thời gian diễn ra cuộc giao tranh với Tây Sơn, gắn với những địa điểm trong hành trình bị truy đuổi, như: “Lúc Nguyễn Ánh trốn chạy vào đất miền Nam phải cùng đoàn tùy tùng vượt biển vào đây...” (Gành Rái với bầy rái thần và chuyện vua Gia Long); hay “Nguyễn Ánh thua trận đang tìm đường bôn tẩu trước sự truy đuổi ráo riết của Tây Sơn…” (Lễ hội cúng biển Mỹ Long)...
Mô típ “vật linh, điềm lạ” trợ giúp
Mô típ thể hiện việc nhân vật được cứu giúp, được thực hiện thông qua các con vật hoặc hiện tượng có tính chất linh thiêng. Như về cá Ông cứu thuyền, Những chuyện lạ về cá Ông kể: “... Bỗng từ dưới nước nổi lên một cặp cá Ông kẹp hai bên mạn chiếc thuyền, đưa lưng đỡ và dìu thuyền vào đến đất bình an...”(hay: “Dân chài vùng Bãi Ngao (Ba Tri) kể rằng, có lần thuyền của vua Gia Long đến đây gặp sóng to gió lớn và được Cá Ông hộ tống đến Bãi Ngao”)...; hay về cá sấu cứu thuyền: “… bỗng có một đàn cá sấu nổi lên đặc nghẹt cản đường…”. Sau mới biết quả có quân Tây Sơn phục kích ở cửa sông (Chuyện cá sấu cứu Nguyễn Ánh tại vàm sông Ông Đốc)”... Các hình ảnh mang ý nghĩa chức năng sự trợ giúp rất cấp thiết đối với nhân vật. Nhìn chung, những “thế lực” trợ giúp ở đây bao gồm: loài vật thiêng (cá sấu, rắn biển, cá, chim…), các hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ (giông bão, nước ngọt trên biển…). Như vậy, trong lúc nguy nan nhất, Nguyễn Ánh đã có sự trợ giúp tích cực và đắc lực của những yếu tố siêu nhiên như những yếu tố văn hóa được cảm nhận từ tâm thức con người. Các hình ảnh vật linh, điềm lạ xuất hiện trong truyện kể liên quan đến những biểu tượng văn hóa Nam Bộ, Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, các biểu tượng chim, cá, rắn, cây họp lại thành hệ thống biểu tượng mang ý nghĩa báo điềm, biến nguy thành an…[4]. Yếu tố sự linh thiêng gắn với các biểu tượng tâm thức thể hiện nhu cầu về niềm tin. Có thể những câu chuyện bắt nguồn từ sự ao ước, kỳ vọng vào một sự trợ giúp thần kỳ trong những cảnh ngộ bế tắc, cùng đường, cũng có thể là niềm tin trên cơ sở những ý niệm về một “chân mệnh đế vương” trong quan niệm xưa nay của các “thần tử”.
2.2.2. Nhân vật mang đặc điểm con người trợ giúp
Nhóm này có 12 đơn vị truyện, tiêu biểu như: Về tên gọi Tân Lộc Phường, Mũi Ông Đội, Cầu Lính Yển, Sông Cổ Chiên và thôn nữ được sắc ấn, Chúa Nguyễn Ánh và chùa Thiên Tôn, Gia Long sắc tứ Tam Bảo tự...
Sơ đồ kết cấu cốt truyện của những truyện kể về nhân vật: Nguyễn Ánh bị truy đuổi, chạy nạn hay vào địa phận vùng đất - được con người trợ giúp giải nguy - người dân hay Nguyễn Ánh đặt tên địa danh liên quan đến sự kiện hoặc ban tên, ban sắc tứ.
Một số tình tiết, mô típ của cốt truyện được miêu tả như sau:
Mô típ con người trợ giúp
Mô típ gắn với sự kiện nhân vật được trợ giúp bởi những con người cụ thể. Hình thức trợ giúp thứ nhất là sự cứu nguy. Đó là các binh gia, tỳ tướng hy sinh tính mệnh cứu chúa, như: viên Đốc binh liều thân cứu chúa trong trận thủy chiến với Tây Sơn tại vàm Sông Ông Đốc; hay ở làng Nhơn Ngãi, Gia Định, xóm ăn mày đã ra sức cứu giá (Về tên gọi Tân Lộc Phường)... Hình thức thứ hai là ủng hộ vật chất hậu cần, vốn là sự hậu thuẫn không thể thiếu. Đây là những con người cụ thể ở các địa phương, như: ông Hóng ở vùng Vàm Cỏ Tây cho đào con kênh, chở lúa gạo đến cho Nguyễn Ánh suốt ba tháng ròng (Kênh Ông Hóng); hay Cai tổng Hạc tìm thức ăn dân dã dâng đãi chúa (Cù lao Đất và danh từ trái thuỷ liễu)... Về truyện hai thôn nữ buôn tơ sợi giúp cứu thuyền (Sông Cổ Chiên và thôn nữ được sắc ấn) có bản kể tương tự ở miền Trung (Tục hát Châu phê ở hai thôn Dương Thiện và Vinh Quang) (Bình Định) (hay truyện về Nguyễn Hoàng, có truyện Sự tích miếu Bà Tơ). Hình thức thứ ba là giúp chỗ ẩn náu. Địa điểm thường là các ngôi chùa, nơi Nguyễn Ánh đã đến tá túc lúc bị truy đuổi, như: “Trên đường lánh nạn thấy địa thế nơi này thuận lợi, vừa đồi cao vừa có chùa nên chúa Nguyễn đến ẩn náu…”. Diễn tiến sự kiện có yếu tố ly kỳ: “Ba cây hương do thiền sư đốt cháy một lượt và cùng tắt một lượt. Chúa cho đây là điều linh nghiệm....” (Chúa Nguyễn Ánh và chùa Thiên Tôn)...
Các biểu hiện cho thấy con người trợ giúp là một mô típ trung tâm của kiểu truyện, trở thành một mô típ nghệ thuật của hệ thống truyện về các chúa Nguyễn. Sự xuất hiện của nó như một yếu tố tác nhân của sự kiện, đóng vai trò kiến tạo cốt truyện. Sự trợ giúp về cơ bản không có màu sắc thần kỳ, song cũng thể hiện sâu sắc một ý niệm về thực tại. Đây là sự ủng hộ của con người đối với vị chúa lúc gian nan, gắn với ý tưởng về một vị “chân chúa” theo một quan niệm được phổ biến.
Mô típ lưu địa danh, di tích
Mô típ có các địa danh, di tích được tạo lập bao gồm các tên gọi gắn với yếu tố địa lý, địa vật (núi, sông, rạch, bãi, ao, giếng, cầu…). Các địa danh được tạo thành như: Mũi Ông Đội, Kênh Bà Viên, Sông Cổ Chiên, Sông Ông Đốc, Cầu Lính Yển..., Ví dụ: “… con kênh Lòng Ông là con đường thủy mà bà Viên đã cho người chở cháo tiếp tế quân lính Nguyễn Ánh nên gọi là kênh Bà Viên”; “Cây cầu bắc qua con rạch được người dân nơi đây gọi là cầu Lính Yển”.... Tính chất phong phú về loại địa danh, di tích đưa đến những cảm nhận mới về sự tồn tại của nó, mặc dù không phải đã bao hàm tính chất xác thực của sự kiện.
Tình tiết sắc phong, sắc tứ
Về sắc tứ chùa, yếu tố biến đổi là tên gọi địa điểm ở những địa phương khác nhau, nơi nhân vật đã từng tá túc và phát nguyện báo đáp, như truyện về chùa Thiên Tôn ở Bình Dương: “Sau này khi lên ngôi, vua sắc phong rất nhiều ngôi chùa mà trước đây trên đường lánh nạn Tây Sơn vua có ghé qua ẩn náu, trong đó có chùa Thiên Tôn...” (Chúa Nguyễn Ánh và chùa Thiên Tôn) (hay lời kể tương truyền về Sắc tứ Long Huê tự ở Gò Vấp...). Sự kiện này có cơ sở thực tế, xuất phát từ ý đồ sâu xa của Nguyễn Ánh, như nhà nghiên cứu Sơn Nam đã nhận xét:
“Nguyễn Ánh là người mưu trí về chính trị, đã biết bám vào các chùa Phật mà ẩn thân. Về sau này, vua nhà Nguyễn ban cho chùa xưa ở Nam Bộ hai chữ “Sắc tứ” mà người địa phương lấy làm hãnh diện” [5].
2.2.3. Nhân vật mang đặc điểm những dấu ấn hành trạng và dấu tích lưu lại
Nhóm này có 29 đơn vị truyện, tiêu biểu như: Sông Chắc Băng với Nguyễn Ánh, Mũi Công Chúa Ngọc Du, Hòn Bà, Lời nguyền của vua Gia Long, Núi Cấm, Anh Cả và anh Hai…
Sơ đồ kết cấu cốt truyện của những truyện kể về nhân vật: Nguyễn Ánh bị truy đuổi, chạy nạn hay vào địa phận vùng đất - có những hành trạng hay hoạt động thường là ly kỳ trên đường - kết quả, lưu lại những dấu tích.
Một số tình tiết, mô típ của cốt truyện được miêu tả như sau:
Mô típ nhân vật hay cung quyến trải qua hoàn cảnh bi thương
Mô típ được thể hiện mang ý nghĩa là một biến cố, sự thử thách đặc biệt đối với nhân vật. Về sự kiện biểu hiện, trên đường trốn lánh, bản thân nhân vật hoặc cung quyến trải qua nhiều tình huống, hoàn cảnh bi thương. Chẳng hạn, khi ở Cà Mau, Nguyễn Ánh gặp phải “cơn bệnh ngặt” phải thốt ra câu nói tuyệt mệnh (Sông Chắc Băng với Nguyễn Ánh); ở Hà Tiên, công chúa bị vây bắt phải nhảy xuống biển (Mũi Công Chúa Ngọc Du) hay ở Côn Lôn, do bà Phi Yến can ngăn việc cầu viện người Pháp nên “Nguyễn Ánh không hài lòng và bạc đãi bà...” (Hòn Bà)...
Mô típ dấu tích hoạt động trên đường của nhân vật và binh gia, tùy tướng
Đây là mô típ xuất hiện với tần số cao, đóng vai trò trung tâm của cốt truyện. Trong đó, phổ biến nhất là việc ghi nhận những địa điểm cụ thể gắn với các sự kiện hoạt động của Nguyễn Ánh và binh gia, tùy tướng,. Ví dụ: ở An Giang, nơi lẩn trốn rồi ra lệnh cấm (hay do để lại một kho bạc trên núi) (Núi Cấm); ở Sóc Trăng, quan quân chạy nạn đến đây nấu cơm ăn (hay nơi đồng bào Khmer nấu cơm đãi) nhưng chưa chín lại phải chạy tiếp (Địa danh Bãi Xàu); ở Đồng Tháp, nơi lấy đất lấp “dò” thuyền (Chợ Lấp Vò); ở Hồi Oa (Sa Đéc), nơi hưng vượng cơ đồ (Vùng nước xoáy Long Hưng và sông Long Hồ); trên con rạch sông Cán Gáo (Kiên Giang), nơi di chuyển thuyền binh (Rạch Rọ Ghe)…
Tình tiết con người không trợ giúp
Tình tiết này xuất hiện duy nhất với sự kiện: trong lúc bị truy đuổi, Nguyễn Ánh đã không nhận được sự giúp đỡ khiến người thân bị thiệt mạng. Như truyện Lời nguyền của vua Gia Long kể: “... vua bồng hoàng tử đi xin bú nhờ, nhưng những người phụ nữ quanh đó không hề thương lấy đứa trẻ sơ sinh tội nghiệp...” (chi tiết giống truyện Mộ Bà Lớn Tướng).
Mô típ lưu địa danh, di tích
Mô típ này được lặp lại nhiều lần, ghi đậm dấu ấn về hiện thực. Địa danh được tạo lập có thể là tên gọi địa điểm hay di tích đền miếu, lăng mộ..., như Ấp Giá Ngự, Rạch Long Ẩn, Cạnh Đền... Cách thức đặt tên địa danh chủ yếu nhằm tạo sự “hợp lý” cho câu chuyện. Theo đó, có khi nhân vật đặt tên địa danh với ý thức lưu dấu nơi đã đặt chân đến hoặc do thói quen ban ngự (như Về tên gọi Tân Lộc Phường...) hay đa phần do người dân đặt tên để ghi dấu ấn về nhân vật (như “... người dân đặt tên là núi Ông Cấm để nhớ lại lúc nhà vua trốn ở đây”; hay “... nên sau này người ta mới đặt tên cho con rạch là Rạch Rọ Ghe”...). Địa danh loại này thường gắn với những tên gọi mộc mạc, bởi như nhận xét: “Gia Long không đặt tên đất một cách dân dã như thế” [6] (hiện tượng giống với chuỗi truyện về nhân vật Nguyễn Hoàng ở vùng Trung Bộ, như về địa danh Trộ Bãi Mía ở xã Quảng Lợi, tương truyền là nơi chúa dừng lại ăn mía và vứt lại bã). Liên quan việc đặt tên địa vật, những địa điểm đào tìm nguồn nước được kể có ở nhiều nơi, như Giếng Gia Long, Giếng Ngự ở Phước Tuy, Cà Mau, Phú Quốc, Sóc Trăng, Vũng Tàu...
Tình tiết thay đổi thói quen xưng gọi
Tình tiết biểu hiện sự thay đổi một thói quen xưng gọi, đó là tục gọi người con đầu là anh Hai chứ không gọi anh Cả: do “tiếng Cả là để dành riêng cho đứa con đầu lòng của vua, người dân đặt cho đứa con đầu lòng của mình là thứ Hai” (Anh Cả và anh Hai). Nội dung sự kiện biểu đạt ý nghĩa văn hóa, bởi cùng với một số lối giải thích khác, nó nhắc nhở những quy ước về nề nếp gia đình có phần cởi mở của cư dân nơi đây. Trong cảm nhận, việc “cất” đi tiếng “cả” như “cất” bớt gánh trách nhiệm và cả sự tôn ti. Còn theo tác giả của Thần, người và đất Việt:“chữ “cả” biến mất ở miền Nam (…) - và hầu như từ thời Đàng Trong trong thứ bậc gia đình không phải vì sự tôn kính Hoàng tử Cảnh theo một cách giải thích mà vì nó được dành riêng cho thần thánh”, như Thầy Cả Bá Đa Lộc (Piere Pigneau de Béhaine) hay Thầy Xế Cả của người Chăm…[7].
3. Những giá trị nội dung của hệ thống truyện
Đánh giá tổng quan, xét yếu tố xác thực của những sự kiện được kể, có ý kiến cho“Đây là truyền thuyết không có cứ liệu lịch sử minh chứng” [8]. Những giá trị cốt lõi biểu hiện ở một số ý nghĩa khách quan đưa đến từ hệ thống truyện.
3.1. Sự thể hiện thái độ tình cảm của người dân Nam Bộ đối với Nguyễn Ánh
Qua những ghi nhận khác nhau, nhìn chung, các truyện kể được sáng tác và lưu truyền đã thể hiện ở bề sâu thái độ tình cảm của người dân Nam Bộ đối với Nguyễn Ánh. Thái độ tình cảm này biểu hiện đậm nét trong những truyện kể liên quan đến địa danh, dấu tích lưu lại. Nổi bật nhất là việc đưa các sự kiện gắn với nhân vật, nhằm giải thích sự hình thành những tên gọi địa danh, dấu tích cụ thể. Về điều này, Trương Thanh Hùng đã chỉ ra rằng:
“Truyện Giếng Gia Long hay Giếng Ngự ở Phú Quốc, vết nứt dưới đáy vũng là vết gươm của Gia Long chém xuống tìm mạch nước, còn phiền đá gần giống như chiếc ghế dựa mà người dân cho là trước đây vua ngự, truyền thuyết không hợp lý lắm nhưng là tình cảm của người dân ở đây đối với Gia Long” [9].
Hay nói về những tên gọi địa danh xuất hiện ở các địa phương, theo Nguyễn Hữu Hiệp, “Nhân dân đặt gọi địa danh để ghi nhớ kỷ niệm nơi Nguyễn Ánh từng đặt chân đến trong thời gian còn lẩn tránh quân Tây Sơn” [10]. Sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca cũng đã nhắc đến những địa danh lưu dấu tình cảm của người dân Nam Bộ đối với Nguyễn Ánh:
“Hòn Đất, Hòn Tre non nước tạc,
Ghe phen giúp đỡ đức Cao hoàng” [11].
Chung quy là sự nhận thức, đặc biệt là thái độ tâm lý của người dân đối với Nguyễn Ánh. Thôn xóm miền Hậu Giang đã lưu truyền câu ca:
“Ngồi buồn nhớ chúa ta xưa,
Long Xuyên bạn cũ bao giờ cho nguôi”.
Được cho là chỉ việc “Tân Chính vương và Thái Thượng vương bị quân Tây Sơn giết ở Long Xuyên” [12]. Có thể do không có điều kiện nào để dân chúng nơi đây hiểu được chính khí của đội quân Tây Sơn, trong khi họ vốn đã dành những tình cảm chân thành cho vị chúa của mình trong bước gian nan. Đây là một mặt tính cách hào hiệp của người Nam Bộ nói riêng. Mặt khác, thái độ tình cảm của dân chúng có cơ sở thực tế từ tình hình chính trị xã hội. Có ý kiến nhận xét:
“Nếu Nguyễn Ánh không trở thành một vị vua đầu tiên của triều Nguyễn thì sự kiện ông ở Phú Quốc sẽ ít người nhắc đến. Nhưng vì sau đó, Nguyễn Ánh đã trở thành vua Gia Long và triều Nguyễn đã dành cho Phú Quốc những chính sách ưu đãi nên dấu ấn của Nguyễn Ánh khá đậm đà trên đảo và có những truyền thuyết về “chân mệnh thiên tử” này” [13].
Còn có một lý do khác về tâm lý, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam:
“Vua Gia Long là vua đầu tiên và là ông vua cuối cùng đã đặt chân đến rừng U Minh. Những chuyện bôn ba tẩu quốc của ông khiến cho người dân cảm thấy đất Rạch Giá dính liền với “sơn hà xã tắc...” [14].
Như vậy, tâm lý trọng thị bậc vua chúa như một nếp nghĩ quen thuộc của người dân nơi đây. Hơn nữa, đây lại là ông vua đầu tiên của Nam Bộ. Khi những lưu dân trải qua biết bao bao gian khổ tạo lập nên thôn ấp nhưng mới là những tổ chức tự quản, phải đến khi có lệnh chúa Nguyễn thiết lập chính quyền, chia lập bộ đinh, bộ điền, thì người dân mới thật sự “có nước”, một niềm hân hoan và trân trọng. Đồng thời, với tính cách trọng nghĩa, người Nam Bộ xem đây là “tấc đất, ngọn rau ơn chúa” thấy có trách nhiệm phải đền bồi. Sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca đã nêu đúng thái độ tinh thần này:
“Thuở Cao hoàng đế Gia Long,
Lắm khi trú tất ruỗi dong lánh nàn.
Sử xanh còn chép rõ ràng,
Ngọn rau tấc đất thấy càng cảm thâm” [15].
Ở một khía cạnh khác, công cuộc xác lập cương thổ, an dân ở vùng đất mới của các chúa Nguyễn Đàng Trong sớm đạt hiệu quả, tạo cơ sở cho mối liên hệ dân - nước lâu bền (còn nhờ ở người thực hiện việc kinh lý, nhân dân ghi nhớ về Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh với công đức, uy danh rộng lớn khắp vùng). Đây cũng là điều Tây Sơn thiếu vắng. Dấu ấn của nhà Tây Sơn ở vùng đất này chủ yếu chỉ là những lần tiến đánh, truy đuổi, với khổ nạn can qua mà người dân phải gánh chịu. Do đó, trong cuộc đối đầu lịch sử giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn, ý thức về “chân mệnh thiên tử” định theo khuôn khổ giáo dục chung thì hầu hết người dân đã sớm dành cho chúa Nguyễn. Nhất là tầng lớp địa chủ, phú nông, với những lợi ích thiết thân, họ đã hết lòng ủng hộ thế lực này. Vì vậy, bước đường bôn tẩu lẩn tránh Tây Sơn của chúa Nguyễn đã được sự giúp đỡ, hậu thuẫn của người dân. Từ gốc rễ đã sinh ra nhiều cành lá, những câu chuyện về Nguyễn Ánh mở rộng trong dân chúng, ngày càng dày thêm trong thời gian cuộc giao tranh và về sau.
3.2. Ý nghĩa văn hóa
Đến nay, đứng trên quan điểm đổi mới, đánh giá về những thành tựu đóng góp to lớn nhất của nhà Nguyễn, các nhà nghiên cứu lịch sử đã nhận định: “nhà Nguyễn đã để lại một di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ bắc chí nam”, “Trên lãnh thổ đó là một di sản văn hoá đồ sộ” [16]. Xét tổng thể hiện tượng truyện, về giá trị văn hóa, đây cũng chính là một phần văn hoá phi vật thể đã được xây dựng, kiến tạo của di sản văn hóa dân gian Nam Bộ.
Nhóm truyền thuyết ghi nhận hành trình trốn lánh Tây Sơn của Nguyễn Ánh, với những hành trạng ly kỳ trong một không gian rộng lớn suốt từ Gia Định đến những nơi tận cùng xứ sở phương Nam. Điều này thể hiện dấu chân Nguyễn Ánh đã in hầu khắp Nam Bộ hoặc cách nhìn nhận của người dân Nam Bộ đối với Nguyễn Ánh. Các truyện kể được ghi chép một phần trong sử sách triều Nguyễn và được truyền tụng, trong đó có một phần có mối liên hệ gắn kết với các chứng tích văn hóa bao gồm địa danh, di tích thờ cúng, tín ngưỡng, lễ hội dân gian... trên nhiều địa phương Nam Bộ, họp thành một không gian văn hóa của hệ thống truyện. Như về địa danh, có Cà Mau, Bạc Liêu với Ấp Giá Ngự, Rạch Long Ẩn..., Hà Tiên, Phú Quốc với Chùa Hang, Mũi Công Chúa Ngọc Du…; An Giang với Núi Cấm…, Sóc Trăng với Sông Mỹ Thanh...; Sa Đéc với Long Hưng và sông Long Hồ…, Vĩnh Long với Kênh Bà Viên…; Bến Tre với Sông Cổ Chiên…; riêng Giếng Ngự hay Giếng Gia Long thì có nhiều nơi (Vũng Tàu, Trà Vinh, Phú Quốc, Sóc Trăng, Cà Mau...)... Về di tích, tín ngưỡng, lễ hội, có Định Tường, Kiên Giang với Sắc tứ chùa Long Nguyên, Sắc tứ Tam Bảo tự…; hay Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh với Lăng Ông, Lăng Ông Nam Hải, lễ cúng biển Mỹ Long...
Tuy nhiên, sự gắn kết mang ý nghĩa hư cấu, thêu dệt là chủ yếu, bởi không ít địa điểm, sự việc không bao hàm tính chất xác thực. Như về các dấu tích liên quan Nguyễn Ánh ở Hà Tiên, Phú Quốc, Huỳnh Ngọc Trảng đã nhận định:
“Phú Quốc là một trong những nơi Gia Long tá túc trong thời kỳ bôn tẩu vì sự truy kích của Tây Sơn. Chính vì vậy mà ở Phú Quốc - giống như Hà Tiên có một số di tích được gắn với Nguyễn Ánh” [17].
Hay về dấu tích thờ tự ở Côn Đảo được cho là liên quan đến nhân vật bà Phi Yến (Hòn Bà), nhà nghiên cứu Đinh Văn Hạnh đã đưa ra sự kiến giải:
“Lịch sử tồn tại 113 năm của nhà tù thực dân đã phủ che lớp văn hóa dân gian hiếm hoi trên đảo để viết nên những câu chuyện khác”, theo đó, “Câu chuyện về bà Phi Yến là một truyền thuyết lịch sử, nhưng lại quá xa lạ với sự thật lịch sử…” [18].
Hoặc cùng là Lăng Ông Nam Hải nhưng khác với Gò Công, Bến Tre, Lăng (hay Dinh) Ông Nam Hải ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc thì gắn với câu chuyện tương truyền thuần chất về cá Ông... Điều này cho thấy xu hướng đưa sự kiện về nhân vật hơn là sự giải thích gốc tích thật.
3.3. Về mối liên hệ với lĩnh vực sáng tác văn chương thành văn ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX
Truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ tồn tại trong những hình thức văn bản khác nhau có những tác động, sự ảnh hưởng lâu dài. Dư âm của nó không chỉ thể hiện thái độ, cách đánh giá của người dân về sự kiện lịch sử cụ thể mà còn trở thành dấu ấn sự kiện tác động vào tư tưởng, nhận thức như một ý thức chính trị. Đến giai đoạn về sau, khi có điều kiện nó đã tái hiện lại như một phần của lịch sử, nhằm bộc lộ tư tưởng, tình cảm người đương thời đối với “sơn hà xã tắc”. Điều này đã được thể hiện với bộ phận văn học quốc ngữ Nam Kỳ giai đoạn đầu của tiến trình hiện đại hóa với mảng tiểu thuyết lịch sử. Nói như nhận xét của Cao Tự Thanh:
“Ý thức chính trị này (xem họ Nguyễn là vương triều chính thống - chúng tôi chú thích) sẽ được tái tạo qua các tiểu thuyết dã sử như Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc, mang hàm ý chống Pháp xuất hiện trong văn học viết bằng chữ quốc ngữ Latinh ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX” [19].
Về thể loại, tiểu thuyết dã sử lấy sự kiện lịch sử làm khung cảnh, nhân vật là người có thật trong lịch sử hoặc được hư cấu thêm nhưng phải phù hợp với sự thật lịch sử, ngoài ra, có thể hư cấu ở các chi tiết thuộc về tình cảm, tâm lý (như Việt Nam anh kiệt của Phạm Minh Kiên, xb 1926). Tính chất của nó có điểm khác biệt với ngoại sử, chỉ lấy không gian và thời gian lịch sử dựa vào chính sử hoặc ngay trong điều kiện lịch sử xã hội hiện tại, những sự kiện và nhân vật cụ thề chủ yếu là hư cấu (như Phan yên ngoại sử của Trương Duy Toản). Việc viết tiểu thuyết lịch sử nói chung bấy giờ mục đích là làm cho “quốc sử ta càng ngày càng được phổ thông”. Chính Tân Dân Tử, nhà viết tiểu thuyết lịch sử tiên phong của văn học Việt Nam khiđề cao vai trò tiểu thuyết đã nêu quan điểm một cách trực tiếp:
“Vậy nếu muốn cho lịch sử nước nhà phổ thông thì chẳng chi hay hơn là dùng tiểu thuyết làm mai nhơn để dẫn dắt quốc dân vào con đường lịch, đó là một phương pháp rất anh linh, và một phương pháp rất công hiệu”; cũng theo tác giả, “tiểu thuyết về lịch sử thì cần nhứt cho quốc dân ta trong lúc này hơn hết” [20].
Hay như thái độ của Trương Duy Toan trước đó về những “đề xưa chuyện cũ” (của truyện Tàu): “Phương chi mình lại ôm cả đống ấy về Nam Bộ mà diễn dịch ra làm của mình” [21].
Theo đó, Hoàng tử Cảnh như tây nói về công cuộc khôi phục cơ nghiệp, cũng như sự kiện thâu phục cơ nghiệp của Gia Long phục quốc được cho là mang ý nghĩa sâu xa hơn việc phục hồi cơ nghiệp tổ tiên nhà Nguyễn, có mối liên hệ với thời cuộc trước mắt (với nhân vật Quang Trung và Gia Long, tác giả đều gọi là “đại anh hùng” của Việt Nam). Nhân vật Quốc mẫu có tiếng nói trong những ghi chép chính sử (sự cảm thán, lời khen ngợi chúa thánh), có khả năng là phát ngôn của các sử gia, đến đây được nhà văn tiếp tục đưa vào thành nhân vật văn học. Trong Gia Long phục quốc, ý kiến của nhân vật nói đến cái hại của việc cầu viện Pháp thực tế là phát ngôn của tác giả tiểu thuyết, thể hiện sự nhận thức đối với sự kiện lịch sử quá khứ đồng thời là thái độ đối với nhà cai trị thực dân đương thời (cũng như trường hợp Phan Yên ngoại sử, các nhà nghiên cứu đã nói đến sự bóng gió của việc “chống Tây Sơn”, hay Tam Yên di hận của Nguyễn Văn Vinh, với những tên gọi theo lối mô phỏng, ám chỉ “việc thực dân Pháp cướp nước”). Như vậy, nhóm truyện kể dân gian về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ nói riêng trong sự vận động, phát triển đã được mở rộng ý nghĩa, trong mối liên hệ với lĩnh vực sáng tác của văn chương thành văn đầu thế kỷ XX trong tiến trình phát triển của văn hoá, lịch sử Nam Bộ.
Tóm lại, truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Ánh ở vùng Nam Bộ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa địa phương của một vùng đất phương Nam. Nghiên cứu của chúng tôi miêu tả, phân tích sự phong phú, sự tồn tại thực tế và đặc điểm của nhóm truyền thuyết về nhân vật này. Nhóm truyện có dấu ấn riêng về mặt tư liệu, địa bàn lưu hành, đặc trưng nghệ thuật… Nguồn truyện phong phú nhưng chưa ổn định. Khái quát về nghệ thuật, chúng tôi xác định kiểu nhân vật của nhóm truyện, theo đó, phân loại, miêu tả theo đặc điểm nhân vật trong hệ thống truyện, nhằm cụ thể hóa các đặc điểm, thuộc tính kiểu nhân vật. Có thể thấy, một số tình tiết, mô típ có tính chất đặc trưng có tần số xuất hiện khá cao, thể hiện mối liên hệ gắn kết trong các nhóm truyện kể. Cách thức khảo sát này bao quát nguồn tư liệu truyện kể. Những so sánh, liên hệ với nhóm truyện cùng loại hoặc gần gũi ở các vùng miền khác cho thấy rõ thêm những nét đặc trưng của hệ thống truyện về nhân vật. Tựu trung, những nét riêng về diện mạo, đặc trưng nghệ thuật và giá trị nội dung của nhóm truyền thuyết về Nguyễn Ánh đã ghi nhận dấu ấn độc đáo của nó trong hệ thống truyện dân gian Nam Bộ. Sự tồn tại của truyện kể trên các hình thức văn bản, trong lời truyền tụng đã minh chứng cho sức sống và giá trị của nó trong đời sống thực tiễn. Đặc biệt, dấu ấn tồn tại của nhóm truyện thể hiện trong văn bản văn học của thời kỳ sau cho thấy một giá trị đặc sắc. Đây chính là biểu hiện của sự tương tác giữa văn học dân gian và văn học viết, được coi là quy luật chung của mọi nền văn học. Mặt khác, nghiên cứu này cũng góp phần tô đậm thêm đặc điểm địa phương của văn hóa dân gian Nam Bộ trên nền thống nhất và đa dạng của văn hóa dân gian Việt Nam.
[1]. Cao Tự Thanh, Lịch sử Gia Định – Sài Gòn trước 1802, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007, tr145.
[2]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (Chủ biên) (2012), Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.132.
[3]. [3]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (Chủ biên) (2012), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.99.
[4].Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch, Nxb Đà Nẵng, tr.23.
[5].Sơn Nam (2008), Một vài nét xưa và nay của Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, trong Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP.HCM, tr.27.
[6]. Trương Thanh Hùng (2008), Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc, Nxb Phương Đông, tr.49.
[7]. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr.216.
[8]. Huỳnh Ngọc Trảng (2002), Sổ tay hành hương đất phương Nam, Nxb TP. HCM, tr.375.
[9]. Trương Thanh Hùng (2008), Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc, Nxb Phương Đông, tr.49.
[10]. Nguyễn Hữu Hiệp (2001), Một số dấu ấn giai thoại về Nguyễn Ánh trên vùng đất phương Nam, trong: Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.75.
[11]. Nguyễn Liên Phong (1909), Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Sài Gòn, Phát Toán, tr.89.
[12]. NguyễnVăn Sâm (1972), Văn học nam hà (Văn học xứ Đàng Trong), xb Lửa Thiêng, tr.287.
[13]. Trương Thanh Hùng (2008), Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc, Nxb Phương Đông, tr.124.
[14]. Sơn Nam (1963), Đất khởi nghĩa và vài giai thoại về Nguyễn Trung Trực, Tập san Sử Địa, Nxb Khai Tri, Sai Gon, số 6, tr.94.
[15]. Nguyễn Liên Phong (1909), Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Sài Gòn, Phát Toán, tr.90.
[16].Phan Huy Lê (2008), Báo cáo đề dẫn trong Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.11.
[17]. Huỳnh Ngọc Ttảng, (2002), Sổ tay hành hương đất phương Nam, Nxb TP. HCM, tr 377.
[18]. Đinh Văn Hạnh (2008) Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai ?, Thông báo văn hóa dân gian, Nxb Khoa học xã hội, tr.390.
[19]. Cao Tự Thanh (2007), Lịch sử Gia Định - Sài Gòn trước 1802, Nxb Văn hóa Sai Gòn, tr.145.
[20]. Nguyễn Kim Anh (Chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, tr.76.
[21]. Nguyễn Kim Anh (Chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, tr.76.
Lê Thị Diệu Hà, TS., Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ
Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.60-70