Về một bộ phận văn học ngoại biên thời kỳ trung đại nhìn từ góc độ văn học dân gian

20181031 linh TaySon

Ảnh: Tranh Người lính Tây Sơn của William Alexander năm 1793

Dẫn luận

 Trong khoa học văn học dân gian (VHDG) Việt Nam, khi tiếp cận nghiên cứu hệ thống truyền thuyết thời kỳ trung đại có hai chủ đề không thể không nhấn mạnh, vì cho đến nay các nghiên cứu về nó chưa có nhiều thành tựu ở một phạm vi rộng hơn, với một cách nhìn sâu hơn và theo cách tiếp cận đa chiều trong đời sống văn hóa xã hội đương đại. Đó là hệ thống những truyền thuyết phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp qua việc ca ngợi những người anh hùng nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến, đặc biệt là vào những thế kỷ cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, khi mà chế độ phong kiến đã suy thoái sau các cuộc nội chiến Lê – Mạc giằng co, loạn Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn phân tranh. Đó còn là hệ thống những truyền thuyết ca ngợi những người anh hùng đi mở đất và phản ánh quá trình hòa hợp giữa các cộng đồng dân tộc ở những vùng đất mới. “ Trên thực tế, việc Nam tiến là nhu cầu tất yếu của lịch sử. Nó xuất phát từ sự bảo vệ an ninh cho dân tộc trước mọi đe dọa ngoại xâm, mà trên thực tế cha ông ta đã phải đương đầu một lúc với hai thế lực phong kiến phía Bắc và phía Nam. Đó là ý đồ chiến lược phòng vệ cửa ngõ phía Nam nhằm ngăn chặn kẻ thù bọc hậu trong các lần xâm lược. Hơn nữa, việc khai mở các vùng đất mới gắn với cuộc mưu sinh vĩ đại vốn là hiện tượng phổ biến của mọi dân tộc trên thế giới ở thời kỳ cổ đại và trung đại” (Hồ Quốc Hùng). Có thể có những lý do khác nhau mà cho đến nay những bộ phận truyền thuyết nói trên vẫn còn ít được quan tâm. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến bộ phận thứ nhất như là một hiện tượng văn học ngoại biên thời phong kiến trung đại.

1. Truyền thuyết về các cuộc khởi nghĩa nông dân thời kỳ trung đại

 Về những vấn đề xoay quanh các sự kiện xảy ra xung đột giữa tầng lớp quý tộc phong kiến với nhân dân lao động, chính sử đã ghi lại những cuộc khởi nghĩa của nông dân nhưng được xem là “ giặc cướp”. Sau đây là một trường hợp: Sử chép rằng vào đời Trần Dụ Tông “ Phải mấy năm tai biến mất mùa đói khổ, rồi từ năm Đại trị nguyên niên (1358 ) trở đi…việc chính trị trễ nải. Kẻ gian thần mỗi ngày một đắc chí. Ông Chu Văn An là một danh Nho thời bấy giờ đang làm quan tại triều thấy chính trị bại hoại, làm sớ dâng lên xin chém bảy người quyền thần.Vua không nghe, ông ấy bỏ quan về núi Chí Linh.Vua Dụ Tông về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện, đào hồ đắp núi, rồi lại cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc.Bắt vương hầu công chúa phải đặt chuyện hát tuồng và bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống được một trăm thăng thì thưởng cho hai trật”. Vì thế nên “ giặc cướp nổi lên như ong dấy: Ở Hải Dương thì có giặc Ngô Bệ làm loạn ở núi Yên Phụ; ở các nơi thì chỗ nào cũng có giặc nổi lên cướp phá. Dân tình khổ sở, năm nào cũng phải đói kém. Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy vong từ đấy…”[Trần Trọng Kim : Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp TPHCM, 2005, tr.162]. Đây là đoạn sử nhắc đến cuộc khởi nghĩa của Ngô Bệ đã xảy ra từ cuối thời nhà Trần. Đặc biệt từ giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn, khi giai cấp phong kiến đã dần để mất vai trò lịch sử tiến bộ của nó thì cũng là lúc các phong trào nông dân khởi nghĩa từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc đến Nam liên tục xảy ra.Thế kỉ XVI, cùng với sự hiện diện của “ Vua mặt quỷ” “ Vua mặt lợn” là sự bùng nổ khởi nghĩa nông dân ở Sơn Tây (1511), ở Thanh Hóa (1512) với các tên tuổi Trần Tuân, Lê Hy, Trịnh Hưng và ở Đông Triều với Trần Cảo…Thế kỷ XVII, nội bộ giai cấp phong kiến rạn nứt kéo theo sự chia rẽ, tranh dành thoán đoạt triền miên : loạn Nam - Bắc triều (1540-1592), Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1672), Lê- Mạc giằng co (1621-1677).Thế nên bước sang thế kỷ XVIII, tình hình triều chính đã hết sức rối ren u ám: Thâm cung bê bối, xã hội loạn lạc, kỉ cương đạo lý suy sụp, quan lại tham nhũng mặc sức hoành hành, dân tình như sống trong vạc nước sôi. Nông dân thức tỉnh, tư tưởng dân chủ như luồng gió mới đã được thổi lên ngày một mạnh, tinh thần nhân văn đã hiện hình dần lên và sáng mãi ra.Khởi nghĩa nông dân đã đến lúc rộng khắp như nước triều dâng: Nguyễn Dương Hưng ở vùng Sơn Tây (1737), Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và Võ Trác Oánh ở vùng Hải Dương (1738), Hoàng Công Chất và Võ Đình Dung dấy nghĩa ở Sơn Nam rồi tiến dần lên kiểm soát những địa bàn rộng lớn trong suốt hơn ba thập kỉ ở vùng Tây Bắc (1739-1769), Nguyễn Danh Phương còn được tục gọi là Quận Hẻo ở vùng Tam Đảo, Thái Nguyên, Tuyên quang (1740-1751), Lê Duy Mật vốn là một vị hoàng thân nhà Lê ở vùng Thanh Nghệ (1738- 1770) và Nguyễn Hữu Cầu tức Quận He đã từng huy động được tới hàng chục vạn dân binh là nông dân trên khắp các địa phương đồng bằng Bắc Bộ…Trong khoảng mười năm từ 1741 đến 1751, nghĩa quân của Quận He Nguyễn Hữu Cầu đã tung hoành từ Đồ Sơn, Hải Dương sang Kinh Bắc, Xương Giang, xuống Sơn Nam, vào Thanh Nghệ, có lúc uy hiếp cả kinh thành Thăng Long…và đỉnh cao chính là cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải cờ đào là Nguyễn Huệ ở ấp Tây Sơn. Con đường “quan bức dân phản” là quy luật chung đưa những người nông dân vào những cuộc khởi nghĩa.Tất nhiên, chính quyền phong kiến đương thời xem họ là giặc và cử binh đi đánh dẹp.Ngoại trừ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, còn các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối cùng lần lượt rồi cũng đều bị thất bại. Những thủ lĩnh của họ bị luật pháp phong kiến luận tội nhưng trong ý thức dân gian họ đều được tôn vinh là những người anh hùng.Hệ thống truyền thuyết về người anh hùng nông dân đã ra đời và phát triển thành từng chuỗi trong thế đối lập như thế.Hiện tượng này phản ánh đúng như một ý kiến của V.I. Lênin “Trong mỗi nền văn hóa dân tộc có hai thứ văn hóa dân tộc”. Trong hoàn cảnh giai cấp phong kiến đã tự phơi bày toàn bộ những mặt trái của nó, đã đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì lẽ tự nhiên những người thủ lĩnh nông dân phải đứng lên đảm đương nhiệm vụ lịch sử của giai cấp và dân tộc.Thế nên hình tượng người thủ lĩnh nông dân trong truyền thuyết dân gian là sự kết tinh của ước mơ khát vọng “ tháo cũi sổ lồng” để thay đổi trật tự xã hội thời bấy giờ với tất cả lòng ngưỡng mộ và sự biết ơn của những người cùng khổ nơi ruộng đồng gò bãi, nơi thôn cùng xóm vắng, nơi đầu chợ cuối sông, khi sự bức xúc của họ đã dồn nén đến tột cùng trên luống cày và bên bếp lửa. Thế nên không phải ngẫu nhiên trong những truyền thuyết về Quận He, Quận Hẻo, về Vua Lía, Cố Bu, Hầu Tạo, Nam Cường, Ba Vành, Cai Vàng, Keo Chất, … không chỉ thấy có sự phản ánh tinh thần hưởng ứng nhiệt thành của nhân dân khắp các vùng mà còn biểu hiện rất nổi đậm cảm hứng ngợi ca tài năng kiệt xuất và phẩm chất kiêu hùng của những con người này thông qua những chi tiết hư cấu kì ảo có chủ tâm. Thí dụ: Trong khi chính sử phong kiến thường chép rằng những con người này có lai lịch ngỗ ngược tầm thường thì trong truyền thuyết dân gian lại không phải thế. Nếu như “ Hầu Tạo lúc lọt lòng mẹ đã có dị tướng là một nốt đỏ trong vành tai” thì “ Cố Bu cũng có ba cái lông trắng ở gan bàn chân là dấu hiệu của tài bơi lặn, lại rất tinh thông cả các môn nhâm cầm độn toán”; đến Quận He cũng “ là thần cá biển, tiếng nói vang như sấm, hai tay cầm hai cối đá ném xa cả trăm thước” còn Nam Cường thì “ lại có thói quen ngủ liền ba ngày đêm, thường ngáy to như sấm, lại có phép thuật luyện âm binh và tài xuất quỷ nhập thần…”.Tất nhiên, trong chiều sâu tư tưởng thẩm mĩ của người kể chuyện cũng đã bao hàm cái ý lí giải nguyên nhân sự thất bại của các phong trào nông dân khởi nghĩa.Cái nguyên nhân này nằm ngay trong hạn chế của tầm nhìn giai cấp và tính cách tự phát kiêu hùng của các vị thủ lĩnh.Ví dụ trường hợp Nguyễn Hữu Cầu sau khi dấy binh khởi nghĩa đã đáp lại câu đối của Phạm Đình Trọng tướng tâm phúc của chúa Trịnh rằng Ngọc tàng nhất điểm xuất vi chúa nhập vi vương ý muốn nói rằng người anh hùng đó chỉ có thể là làm chúa hoặc làm vương chứ không chịu đầu hàng. “ Chi tiết này một mặt nói lên ý chí chiến đấu đến cùng nhưng mặt khác cũng thể hiện nhãn quan chính trị còn hạn chế của các vị anh hùng nông dân” (Lê Chí Quế).Tuy nhiên, khi tìm hiểu giá trị nhiều mặt về nội dung tư tưởng thẩm mĩ của toàn bộ hệ thống truyền thuyết lịch sử của dân tộc, các nhà nghiên cứu đều nhất trí đánh giá đây là bộ phận có giá trị đặc biệt. Nó là bộ phận cơ bản thể hiện trực tiếp và mạnh mẽ nhất thái độ phản kháng, tinh thần dân chủ và khát khao giải phóng của nhân dân lao động trong mọi thời đại. Qua đây, chúng tôi chỉ lược điểm lại những giá trị cốt lõi của bộ phận truyền thuyết nói trên.

2. Quan điểm đương thời từ góc độ quan phương trong văn học chính thống và công luận trong dòng ý thức dân gian

 Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn luận qua một trường hợp hết sức điển hình. Đó là trường hợp từ cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu đến truyền thuyết Quận He. Từ góc độ VHDG có thể xem truyền thuyết này như là một “ thông điệp không có người phát” phản ánh công luận về một sự kiện khởi nghĩa nông dân thời bấy giờ trong dòng ý thức dân gian đương thời. Tuy nhiên để luận giải về vấn đề này, cần phải đối chiếu cái tư tưởng thẩm mỹ của nhân dân trong cái thông điệp nghệ thuật ấy với quan điểm chính thống của Nhà nước phong kiến.

 Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu VHDG Kiều Thu Hoạch đã từng bàn luận vấn đề này trong bài viết nổi tiếng của ông có nhan đề “Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến” công bố trong công trình được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 1971- sách viết chung của nhiều tác giả với tiêu đề Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam. Bài được Kiều Thu Hoạch viết xong tháng 5.1969 và hoàn thành vào tháng 9 năm 1969. Trong đó ông triệt để phê phán tư tưởng chính thống phong kiến của các nhà nho là “rất có hại” cho truyền thuyết anh hùng. Ông viết “ Thực chất của tư tưởng này là bắt nguồn từ học thuyết chính danh của Khổng Tử mà nội dung cơ bản của nó là “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con). Khổng Tử nêu ra học thuyết chính danh không ngoài mục đích củng cố danh phận đẳng cấp và trật tự xã hội của nhà nước phong kiến. Tính chất giáo điều cứng nhắc của học thuyết là ở chỗ, nó đã khiến cho nhiều nhà nho của ta ngay cả trong thời kỳ chế độ phong kiến suy tàn nhất cũng không dám bước ra khỏi quỹ đạo của giai cấp thống trị. Từ đấy họ đi tới chỗ cô trung, ngu trung, trung với vua một cách hết sức mù quáng. Lịch sử không thiếu gì ví dụ. Phổ biến hơn cả là trường hợp nhà nho cuối Lê đầu Nguyễn mà Nguyễn Du có thể xem là một thí dụ điển hình. Ông có thể níu áo đi theo Gia Long một cách nhục nhã, nhưng không thể nào chấp nhận được nhà Tây Sơn chỉ vì một lý do đơn giản : anh em Tây Sơn là dân áo vải, không phải thuộc tầng lớp chính thống : Con vua rồi lại làm vua/ Con nhà sãi chùa lại quét lá đa. Câu ấy dường như đã là một chân lý bất di bất dịch trong đầu óc các nhà nho. Bị chi phối nặng nề bởi quan điểm phong kiến chính thống như vậy, các nhà nho đã không thể phản ánh trung thành nếu không phải là xuyên tạc tư tưởng của nhân dân trong khi ghi chép truyền thuyết anh hùng. Qua tay họ, nhân vật anh hùng bao giờ cũng in đậm dấu ấn của giai cấp thống trị. Thánh Gióng là con một bà mẹ nghèo khổ lại trở thành con một phú ông. Đối với các anh hùng nông dân khởi nghĩa thì họ hoặc gạt bỏ không ghi chép, hoặc có ghi chép ít nhiều thì cũng không vượt khỏi cái nhìn của giai cấp thống trị, coi các nhân vật ấy là “đạo tặc”, là “phản nghịch”, là “giặc cỏ”v.v…Điều này có thể thấy rất rõ. Thế kỷ XVIII là thế kỷ của khởi nghĩa nông dân long trời lở đất, ai cũng biết. Vậy mà nhiều nhà nho không chép truyền thuyết về các phong trào này. Một số nhỏ có ghi được chút ít nhưng phần thì xuyên tạc, phần thì rào đón, nên đã làm giảm đi tính chân thực và ý nghĩa tư tưởng của truyền thuyết. Phạm Đình Dục đáng biểu dương khi ông ghi được truyền thuyết Quận He trong Vân nang tiểu sử. Phần kết thúc của thiên truyện khá hay: “…Ngày nay, Hữu Cầu được nhân dân thờ làm phúc thần ở Đồ Sơn. Hàng năm, đến tháng 8, nhân dân mở hội đua tài, thế nào cũng có cuộc chọi trâu, trâu hăng say chọi nhau cho đến chết. Điều đó đủ khiến ta tưởng tượng được phong cách dũng mãnh của Cầu”. Nhưng đáng tiếc, ngay sau đó tác giả lại tiếp thêm một câu, thể hiện rõ tư tưởng phong kiến chính thống của mình: “ Nếu Cầu hành động vì chính nghĩa thì lo gì không làm nên sự nghiệp lớn…”. Những thí dụ tương tự còn có thể kể ra rất nhiều” (Sđd. Tr50, 51, 52).

 Đến giữa những năm 70 của thế kỷ trước, trong sách Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Namđược NXB Khoa học xã hội in năm 1974 và tái bản năm 1976, Nhà nghiên cứu VHDG Cao Huy Đỉnh cũng đã từng bàn luận về vấn đề trên, từ góc độ VHDG ông cho rằng “ Bên cạnh Quận He có một nhân vật, một tính cách của giai cấp phong kiến là Phạm Đình Trọng đối lập với Quận He ngay từ lúc đầu cho đến hết cuộc đời người anh hùng này. Đó cũng là hình ảnh sinh động của cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt trong xã hội phong kiến suy tàn.” (Sđd-tr.166). Đây là một nhận định chính xác và có cơ sở bởi vì trong các Bộ sách lịch sử chính thống từ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của các sử thần thời nhà Nguyễn biên soạn đến Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim được viết vào đầu thế kỷ XX, Quan Hiệp Đồng Đốc suất Hải quận công Phạm Đình Trọng đều được đánh giá là một vị tướng đặc biệt trung thành với triều đình Lê-Trịnh và cũng chỉ duy nhất có Phạm Đình Trọng là có gan xông pha trận mạc nhất quyết thề không cùng sống với Nguyễn Hữu Cầu.Trong VHDG, cùng với truyền thuyết dân gian thì vè lịch sử, sử ca dân gian đã từng đồng loạt nôm na lần lượt kể về các thủ lĩnh anh hùng nông dân khởi nghĩa mà đứng đầu danh sách bao giờ cũng là Quận He.Cùng với những câu tục ngữ như “Được làm vua thua làm giặc” hay “ Rồng năm bể cạn phơi râu” còn có những câu hát dân gian : “Đắc thời đắc thế thì khôn/ Sa cơ rồng cũng như giun khác gì!” hoặc “ … Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”…được nhiều nhà nghiên cứu cho là có thể đã ra đời vào thời kỳ bão táp của phong trào khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII. Trong truyền thuyết, Nguyễn Hữu Cầu tục gọi là Quận He được các tác giả vô danh sáng tạo như một thủ lĩnh vốn có dòng dõi là “ Thần cá biển, tiếng nói vang như sấm, hai tay cầm hai cối đá ném xa hàng trăm thước…” như đã dẫn ở trên.Trong chính sử phong kiến thì lại chép “ Nguyễn Hữu Cầu tục gọi là Quận He, người Hải Dương, trước đi ăn cướp, sau theo Nguyễn Cừ làm giặc. Đến khi Nguyễn Cừ bị bắt rồi thì Nguyễn Hữu Cầu đem đồ đảng về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn.Năm Quý Hợi (1743), Hữu Cầu giết được quan Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, rồi tự xưng là Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân, thanh thế lẫy lừng ở mạn ấy. Sau bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc, quan Trấn Phủ là Trần Đình Cẩm và quan Đốc Đồng là Võ Phương Đề đánh thua ở Thị Cầu phải bỏ ấn tín mà chạy…Nguyễn Hữu Cầu là người kiệt hiệt nhất trong bọn làm giặc thời bấy giờ, mà lại quỷ quyệt, ra vào bất trắc lắm; có khi bị vây hàng mấy vòng, mà chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo. Vì rằng ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn đem cho dân nghèo, cho nên đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Các tướng sĩ ai cũng sợ, duy chỉ có ông Phạm Đình Trọng là đánh được…” (Trần Trọng Kim, Sđd, tr 307, 308). Cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu kéo dài đến năm 1749 thì có một sự kiện được sử gia phong kiến chép lại đại ý : Đến năm ấy “ giặc He” đã thế cùng lực kiệt bèn một mặt cho thủ hạ đem vàng bạc đến đút lót cho Đỗ Thế Giai và người nội gián là Nguyễn Thế Phương để xin hàng, mặt khác vẫn hội quân chủ chiến ở đất Sơn Nam. Tiếp được tin này Chúa Trịnh Giang đã chấp thuận và chỉ dụ Phạm Đình Trọng ngừng đánh, nhưng ông này không tuân chỉ, vẫn tiếp tục huy động quân binh các vùng Tứ Kỳ, Thanh Hà, Vĩnh Lại. Sau đó trong một cuộc giao tranh với Phạm Đình Trọng chưa dứt trên đất Cẩm Giàng Hải Dương, Nguyễn Hữu Cầu đương đêm lại ngầm kéo quân về thẳng bến Bồ Đề Long Biên với ý định bất ngờ đánh chiếm Kinh thành Thăng long khiến Chúa Trịnh Doanh phải đích thân cầm quân ra bến Nam Tân trấn giữ.Phạm Đình Trọng tức tốc kéo quân về đánh mặt sau.Nguyễn Hữu Cầu lại lui binh về vùng Sơn Nam, rồi sau mới rút vào Nam Đường Nghệ An.Phạm Đình Trọng lại kéo quân binh vào đánh, Nguyễn Hữu Cầu phá vây ra đến Hoàng Mai thì bị bắt sống chứ quyết không “đem thân về với triều đình”. Phạm Đình Trọng cho đóng cũi giải về Kinh nộp Chúa Trịnh. Bấy giờ là năm TânTỵ (1751) tức là năm Cảnh hưng thứ 12.Lần trở lại ý kiến của Cao Huy Đỉnh, có thể thấy quan điểm chính thống và ý thức dân gian có sự khác biệt đến từng chi tiết. Thí dụ trong khi sử gia phong kiến tìm cách khẳng định tư cách tướng quân trách vụ đến cùng của Phạm Đình Trọng, đã đưa vào chính sử cho rằng ý chí dẹp loạn Quận He của ông có hai lý do: Lý do thứ nhất là ngay từ đầu cuộc chiến đánh dẹp Quận He, vị tướng triều đình họ Phạm đã có thù nhà vì khi thế lực Hữu Cầu đang lên, ông này đã cho đào mả mẹ ông kia đổ xuống sông, thế nên mới có chuyện họ Phạm thề không đội trời chung với giặc Nguyễn. Rất có thể ý thức dân gian không trực tiếp mục đích đối thoại với các sử gia phong kiến nhưng ở truyền thuyết Quận He , hình tượng người anh hùng Nguyễn Hữu Cầu lại nằm trong cùng một kiểu nhân vật theo đó: Các anh hùng đều xuất thân từ tầng lớp nông dân, sớm bị mồ côi để rồi sau đó phải đi ở cho nhà giàu và bị áp bức bóc lột đến cùng cực. Họ đều có một tình cảm nồng nàn thắm thiết đối với mẹ. Đây cũng là một đặc điểm có tính chất truyền thống từ trong thần thoại và truyền thuyết cổ, trong đó nhân vật chính đã chuyển hóa thành con người của thời đại cổ tích. Kiểu nhân vật này được xây dựng theo nguyên tắc cấu trúc hóa loại hình, trong đó cứ có sự khác biệt về tài sản và địa vị xã hội tất sẽ có sự khác biệt về tính cách và từ sự khác biệt về tính cách tất sẽ kéo theo sự khác biệt về số phận. Họ thường mồ côi cha từ tấm bé, sớm phải đi ở hay sống lang thang vô vọng. Quận He cũng như Chàng Lía, Hầu Tạo đều cảm thương mẹ đặc biệt sâu sắc “Chẳng thương được mẹ mẹ ơi/ Làm sao thương được cho người thế gian”. Trong truyền thuyết cũng như trong sử ca dân gian và vè lịch sử đều nhận ra một chàng Lía, một Quận He…gắn tình mẹ với tình yêu làng xóm và những người cùng khổ thật cảm động. Cái chí khí và những nỗi bất bình của những con người này trực tiếp được khởi phát từ thực tế đời thường nơi làng quê của họ, đã khiến họ ngay từ hành động anh hùng có tính khởi nghiệp đã mang ý nghĩa đan lồng kết bện giữa số phận cá nhân với vận mệnh chung của nhân dân và đất nước.Trở lại vấn đề trên tìm hiểu trong chính sử, lý do thứ hai vì sao chỉ có Phạm Đình Trọng là không như các tướng lĩnh phong kiến thời đó “ai cũng sợ Nguyễn Hữu Cầu”, theo sử gia phong kiến ghi lại thì đó chính là lòng tuyệt đối trung quân : “ Năm Bính Dần (1749) Hữu Cầu cho người đem vàng…đến để xin hàng (!). Chúa Trịnh Doanh đã ưng thuận và lại còn phong cho làm Hướng Nghĩa Hầu, lại sai quan Thiêm Tri là Nguyễn Phi Sảng đem tờ dụ ra bảo Phạm Đình Trọng đừng đánh Nguyễn Hữu Cầu nữa. Phạm Đình Trọng khăng khăng một mực không chịu, bảo Nguyễn Phi Sảng rằng: Những người làm tướng ở ngoài dẫu có mệnh vua cũng có điều không nên chịu. Ông vâng mệnh vua đi gọi giặc về hàng thì ông cứ đi, tôi vâng mệnh vua đi đánh giặc thì tôi cứ đánh…Nói rồi Phạm Đình Trọng cất quân đi ngay” (Trần Trọng Kim, Sđd-tr.308).Nhân chuyện họ Phạm chẳng những không tuân chỉ còn chiêu mộ thêm quân binh gia tăng thế và lực, nội gián của Quận He và Đỗ Thế Giai có ý dèm pha với Chúa Trịnh Doanh. “Nhưng Trịnh Doanh vốn biết Phạm Đình Trọng là người trung thành nên không nói gì đến việc ấy, lại còn làm một bài thơ đưa ra cho ông ấy để ông ấy yên lòng” (Trần Trọng Kim, Sđd-tr 308). Lại một lần nữa, hãy đối chiếu với nhân cách anh hùng của một Quận He Nguyễn Hữu Cầu trong truyền thuyết dân gian như Cao Huy Đỉnh đã khái quát “ Người anh hùng ấy cũng như mọi anh hùng nông dân khác, không một chút do dự, một phút hèn kém, yếu ớt nào. Họ không nhượng bộ kẻ thù một ly nào và đánh thẳng vào triều đình, báo hiệu cơn bão táp cách mạng Tây Sơn, lôi cuốn cả nước vào một tình thế mới” (Cao Huy Đỉnh, Sđd-tr166) thì độ vênh lệch đã quá rõ như một đối cực giữa hai chiều tối sáng.

 Tuy nhiên, khi bàn luận về quan điểm đương thời từ góc độ quan phương đứng về phía giai cấp phong kiến và công luận trong ý thức dân gian về hiện tượng khởi nghĩa Quận He hay là quan hệ giữa văn học chính thống và văn học ngoại biên thời trung đại nói chung xoay quanh hiện tượng truyền thuyết về các anh hùng nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao phát triển là vào thế kỷ XVIII, chúng tôi cho rằng : Vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, khi các nhà nghiên cứu thế hệ trước như Kiều Thu Hoạch và liền kề sau đó là Cao Huy Đỉnh viết về tiến trình VHDG với vấn đề khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII theo quan điểm thể loại – lịch sử xoay quanh chủ đề ý thức dân gian đã muốn từ giã chế độ phong kiến, tư liệu văn học sử trung đại còn nhiều khuất lấp vì chưa được phát hiện dịch thuật và nghiên cứu như hiện nay.Thế nên các nhận định quyết đoán của các ông đã đúng nhưng đương nhiên là chưa đủ và có những đánh giá vẫn còn là giả thuyết.Hiện nay, chúng ta đã có những chứng cứ để hoàn toàn không quả đoán một chiều đối chiếu giữa hai giai tầng quý tộc phong kiến và các tầng lớp bình dân. Từ đó vấn đề văn học dân gian là gì và tác giả của VHDG là ai, và vai trò sáng tạo và tái sáng tạo VHDG của các nho sĩ lại gợi ra những suy nghĩ mới đa chiều.Trong bài viết ngắn này, dù chúng tôi mới chỉ giới hạn đưa ra một vài cứ liệu theo mục đích chính là nhằm mở rộng thêm biên độ so sánh giữa ý thức dân gian thuộc phạm trù Hệ tâm lý xã hội giữa đời sống dân gian với quan điểm chính thống thuộc phạm trù Hệ tư tưởng của Nhà nước phong kiến trong cùng thời điểm thế kỷ XVIII chúng ta đã thấy không phải chỉ có sự đối lập, mà còn có sự giao thoa. Nét mới của các cứ liệu này là người viết không còn phải nương theo các tác phẩm chính sử phong kiến khi đã có điều kiện căn cứ vào các tác phẩm văn chương viết đích thực thời trung đại (Văn học chính thống) để mở thêm vài ba lớp ý mới như đã nói ở trên.Sau đây là một trường hợp : Năm 2003 bản dịch tiếng Việt sách Niên phả lục của Phó đô Ngự sử Trần Tiến được công bố. Đây là một tác phẩm ký được tác giả hoàn thành vào năm 1765 nhưng phải đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước mới được nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na dày công “ đáy bể mò châu, mà mò ra” (chữ dùng của dịch giả Nguyễn Đăng Na) phát hiện được. Vì những lý do khác nhau nên tác phẩm này cũng phải đến mùa Xuân năm 2003 mới được ông Nguyễn Đăng Na hoàn tất việc dịch thuật và giới thiệu.Sách được Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 7 cùng năm và được chính dịch giả đánh giá “ Niên phả lục là một tác phẩm văn học quý giá” và qua sách này “ Tác giả Trần Tiến đã thực sự mở ra một con đường cho thể ký Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới” (Sđd-tr9&20).

 Đầu mối để lựa chọn tác phẩm Niên phả lục là bắt đầu từ chỗ khi chúng tôi đọc lại chi tiết đã dẫn về sự kiện quan lại triều đình Lê – Trịnh thảm bại để mất thành Kinh Bắc vào tay nghĩa quân Quận He Nguyễn Hữu Cầu mà các sử gia phong kiến đều nhất loạt chép rằng “Quan Trấn Phủ là Trần Đình Cẩm và quan Đốc đồng là Võ Phương Đề phải bỏ ấn tín mà chạy” (Sđd-tr307) thì cứ bị ám ảnh mãi về cái tên ông quan Đốc Đồng người họ Vũ.Đến khi đọc tác phẩm Tục biên công dư tiệp kí của Trần Trợ, thật tình cờ lại được biết khá chi tiết về tác giả của Công dư tiệp kí, từ đó mà tác giả Trần Trợ Tục biên lại cũng chính là Võ Phương Đề (qua lời giới thiệu sách này của dịch giả Nguyễn Đăng Na). Lần tìm theo mạch viết của Nguyễn Đăng Na, ngược thời gian từ Trần Trợ tìm đến thân phụ của Trần Trợ là Tiến sĩ Trần Tiến lại chính là tác giả Niên phả lục.Đọc Niên phả lục, lại nhận ra rất nhiều ý nghĩa liên quan đặc biệt cần thiết đối với vấn đề chúng tôi đang cố gắng muốn được sáng tỏ thêm. Ý nghĩa quan trọng thứ nhất đối với chúng tôi là qua hai phần của tác phẩm văn học đích thực này mà có thể bổ khuyết được thêm rất nhiều điều về quan điểm chính thống của Nhà nước phong kiến được nhận thức lại trong tư tưởng của các nhà nho đương thời đối với các cuộc khởi nghĩa nông dân và các thủ lĩnh của nó mặc dù tác giả vẫn gọi họ gọi là các loại giặc: “ Giặc Nguyễn, giặc He”.Ý nghĩa quan trọng thứ hai khiến chúng tôi muốn tìm hiểu sâu kĩ hơn ở đây là vì hai nhân vật chính của tác phẩm ký trung đại vô giá này lại được thể hiện từ chính nguyên mẫu của hai người trong cuộc: Ở phần thứ nhất có nhan đềTiên tướng công niên phả lục do Trần Tiến viết về chính thân phụ của ông là Diệu Quận công Trần Cảnh-một đại thần thời Lê-Trịnh đã từng Thống lĩnh toàn bộ đạo thủy quân bản triều đi đánh dẹp giặc He (Sđd-tr81), cũng là người đã từng đề bạt Đốc suất Hải Quận Công Phạm Đình Trọng, nhờ đó mà họ Phạm được tiến thân. Trong quan hệ đối với Diệu Quận Công Trần Cảnh, ông này nguyện xin làm “ Kẻ sĩ đền ơn trọng hậu” sau khi kế tục Trần Cảnh “dẹp tan giặc He” và được thăng lên đến chức vị vào hàng“Trưởng quan được Thượng hoàng tin yêu”. Ý nghĩa quan trọng thứ ba mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là được đọc một tác phẩm thuộc thể ký trong đó tác giả đã trước thuật và bàn luận có chọn lựa khá tỉ mỉ chi tiết về các cuộc khởi nghĩa nông dân có liên quan trực tiếp đến thân phụ ông là người đã lĩnh mệnh triều đình trong nhiều năm cuối đời phải gánh trọng trách thân chinh thảo phạt. Hơn nữa, với chính tác giả Trần Tiến tuy không tham gia các trận chiến khốc liệt đương thời cùng cha ông, nhưng trong phần thứ hai nhan đề Trần Khiêm Đường niên phả lục tự viết về chính mình, ông cũng bày tỏ những cảm nhận ưu thời mẫn thế ở nhiều chi tiết có liên quan trực tiếp đến bão táp nông dân khởi nghĩa. Từ đó có thể nói tác phẩm ít nhiều đã dựng lại được không khí thời đại từ năm 1700 đến năm 1765- cũng là thời gian được tác giả chủ ý viết trong suốt độ dài tác phẩm, ôm trọn cả một giai đoạn gọi là thời kỳ lịch sử Nhà nước phong kiến vô cùng bấn loạn như đã nói ở trên. Đặc biệt “ Do tài năng, Trần Tiến không những không bị rơi vào lối biên niên của sử, mà trong chừng mực nào đó đã khơi dậy ở người đọc một cảm giác rằng, đây là một tập nhật ký dùng nhiều thể văn đan xen : ký sự, tùy bút, trữ tình, tự sự, bình luận…Với bút pháp nghệ thuật đa dạng và độc đáo như vậy, tác phẩm của Trần Tiến mang đậm chất văn chương” (Nguyễn Đăng Na, sdd tr 12).Trở lại với bài viết này, thiển ý của chúng tôi là để tiếp tục tìm hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng thẩm mỹ của bộ phận truyền thuyết về các anh hùng nông dân khởi nghĩa mà vòng xoáy trung tâm của nó lại hiển hiện vào thế kỷ XVIII với tư cách là văn học ngoại biên thì việc nghiên cứu so sánh nó với chính vấn đề khởi nghĩa nông dân bằng cách này hay cách khác từng được phản ánh trong một tác phẩm văn học chính thống cùng thời như Niên phả lục là một đề tài đặc biệt mới và rất đáng được quan tâm, nhưng lại cần phải có thời gian. Trong phần sau, chỉ là vài ba cứ liệu được rút ra từ tác phẩm này trong giới hạn từ một góc độ cụ thể để bước đầu làm sáng tỏ thêm một lớp ý nghĩa mới có thể thay cho lời kết của một bài viết ngắn.

 Trước hết, tác giả đã cho người đọc, chính xác hơn là các thế hệ hậu sinh hiểu về thực trạng một cách chân xác sự suy thoái bên trong của guồng máy vận hành nhà nước phong kiến thời Chúa Trịnh Giang. Lời lẽ văn phạm của tác giả thì hết sức nhũn nhặn khiêm nhường vì đó là lời của một bậc đại thần tiết tháo rất biết tôn thờ đạo làm bề tôi thì phải tôn quân, nhưng ý tưởng chấp bút của tác giả lại nhuần thấm đạo hiếu của người con khi viết để lại cho con cháu các đời sau về tài và đức, về danh và phận của chính thân phụ của mình, thế nên văn chương thể ký trong Niên phả lục lại cũng như máu chảy về tim, chất thực của đời tự nhiên vẫn trào lên đầu ngọn bút, bất chấp ý nghĩa khách quan đời sau cảm nhận. Điều này không phải là tác giả Trần Tiến không nhận ra sau khi ông đã viết đến quá nửa thiên truyện. Người đọc có cảm giác hình như đến đây ông mới chợt nhận ra một điều gì hệ trọng, nhưng điều khả kính ta nhận được ở nơi ông là ông không chữa sách, mà lại chêm vào một đoạn trữ tình “ Kẻ tiểu tử này kể lại sự tích của cha, vì thế có thể bị hiềm nghi. Nhưng lo nhất là công luận. Đời thiếu kẻ tri âm, chính đó là điều có thể nói là các bậc sử quan làm chưa hết trách nhiệm. Trước kia mắt không mục kích sự việc, nhưng bản thân thì đã thấy nỗi vất vả gian lao của cha, không thể không ghi lại; song không thể ghi hết được. Bởi vậy, xót thương cho cha đường đời lao khổ, than cho người đời lòng dạ vô thường. Kẻ tiểu tử tôi ghi rõ sự tích của cha vào sách này để hết sức hết lòng răn dạy cho con cháu sau này hiểu được con đường quan trường mà châm chước cho kẻ làm vua. Kẻ được hưởng phúc ấm phải nhớ đến tổ tiên”. Dứt mạch viết, tác giả cách dòng lưu bút rằng “ Đây là sách riêng của họ TRẦN ta, không được đem ra cho thiên hạ biết, cũng là để tránh hiềm nghi vậy!” (Sđd, tr 91, 92).

 Thế nên thứ hai là qua những trang truyện ký, tác giả đã dựng được rất thành công chân dung một nhân vật mà nguyên mẫu là một bậc đại công thần- tức thân phụ của tác giả- đã từng hai lần giữ chức Tể tướng, bốn lần giữ chức Thượng thư bốn Bộ quan trọng vào bậc nhất của triều đình (Công, Hình, Binh, Lễ ), hàng chục lần cầm quân bản triều đốc thúc tiên phong đánh dẹp “ Giặc Nguyễn (Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Danh Phương tức Quận Hẻo), giặc He (tức Quận He)”, từng thắng trong tất cả những trận đánh lớn nhưng sự nghiệp nào rồi cũng không được thỏa chí, để cuối đời phải quyết dâng sớ từ quan ôm hận cầu yên xoay quanh triết lý một chữ “Nhàn”, để mong được thanh thản về cõi thiên thu.Cái hận lớn nhất của con người này là ngoài trận mạc muốn phải thắng và thắng được mà không được thắng, ở chốn quan trường muốn giữ yên mà không được yên, khi tuổi cao muốn từ quan mà cũng phải dày công khó nhọc lắm mới thoát về được.Từ góc nhìn của một công thần của triều đình, đối mặt với cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, tác giả viết đại ý : Vào trung tuần tháng 8 năm Nhâm Tuất (1742), vì giặc He càng ngày càng cuồng rỡ, nên triều đình triệu Đại thần Trần Cảnh về cung để hỏi cơ mưu.Trần Cảnh trình bày đầy đủ địa thế và tình hình của giặc và cách phối hợp hai đạo quân thủy bộ để đánh thắng. Triều đình chuẩn tấu, bèn bàn đến việc chọn tướng. Khi ấy Hoàng thượng bỗng nói : Danh tướng ở ngay trước mặt, phải đi tìm ở đâu ! Ngày 23 tháng 8 năm ấy Tướng quân Trần Cảnh vâng mệnh làm Thống lĩnh đạo thủy quân, lãnh lá cờ Bình khấu đại tướng quân, ấn Binh nhung đại tướng quân và một hộp vàng đựng kiếm, kính chiếu xa ngàn dặm, kèn gọi quân một chiếc…Ngày 28 tháng ấy đại phá giặc He ở các xứ Kinh Cú, Độ Liêu.Nhân từ sự kiện này mà trước sau người đọc có thể nhận được qua Niên phả lục khá đầy đủ thông tin về tình hình binh lực, vật lực, vũ khí, cách đánh trận của cả hai bên rất đáng tin cậy. Có những trang trần thuật về một số trận giao tranh giữa đôi bên rất sống động chi tiết, kể cả những trận đại bại của tướng Vũ Khâm Lân giữ đạo lục quân, lại có cả những lời bàn luận về nguyên cớ đánh trận Đồ Sơn chẳng những không thắng mà tướng triều đình Án Thọ bá còn tử trận…Lần theo từng trang viết theo quan điểm quan phương trongNiên phả lục, toàn cảnh cuộc khởi nghĩa của Quận He cũng như những nguyên nhân thất bại nặng nề của quân bản triều được nhìn từ phía triều đình phong kiến cứ hiện hình dần lên và sáng mãi ra.Ngòi bút bi tráng của Phó đô ngự sử Trần Tiến không lạnh lùng mà vẫn khách quan, không lỗi đạo mà vẫn thẳm sâu nhân nghĩa.Khi ông lý giải sự không toàn thắng của chính cha mình mà lẽ ra cha ông đã thắng ngay từ khi thế giặc He còn đang cường thịnh (tr.123) mà người đọc dẫu có đứng về phía Quận He cũng không thể phản bác.Tướng quân Trần Cảnh đạo ngay lời thẳng, thương lính yêu dân, tuyệt nhiên không nghe lời siểm nịnh, không nhận của hối lộ nên đến các quan to chức trọng đương triều cũng đều phải kính nể.Thế nên trong lúc bấy giờ khi mà “ Quan quân không ai không phạm luật.Tướng thì không nghe theo vua. Về danh nghĩa là đi đánh giặc nhưng thực chất là đi cướp của dân…” (tr.65) thì con người này như một trái núi cô đơn. Chân dung của Đại thần Trần Cảnh rất khác với hình ảnh Quan Đốc suất Hải Quận công Phạm Đình Trọng, người được ông đề bạt đã thắng Quận He như đã nói ở trên. Tính cách của con người này đã lý giải vì sao cho đến khi Đại tướng quân Trần Cảnh đã “rửa đao gác kiếm” về làm trí sĩ viết sách Minh nông mà chợt nghe tin thủ lĩnh “Giặc Nguyễn” và quân thủ hạ đến 800 người bị bắt về Kinh đô sắp bị nhất loạt đem ra hành quyết, đã vội ngồi dậy giữa lúc nửa đêm để gấp viết tờ Khải tâu lên Đức Vua rằng “ Nay ngửa trông: Đức lớn điếu dân phạt tội. Đồn rằng đã tan, bọn giặc cũng là dân của triều đình. Cúi xin mở đức hiếu sinh lớn lao của trời đất, thể lòng bất sát của oai thần vũ. Bọn giặc Cừ phải xử theo trọng tội, quyết chẳng có dung, còn bọn ác bá giảm cho một bậc, phải chặt chân để chúng khó bề làm giặc mà trở thành người, còn người các xã thì phạt đánh bằng trượng rồi phóng thích, hoặc giao cho hàng xã nhận về để cho rộng thêm đức cả hiếu sinh, khiến người người biết được thánh đức cao hơn bọn tầm thường vạn vạn.Thần không dám xốc nổi, mạo muội dâng lời cuồng dại, kính cẩn sợ hãi tâu lên” (tr.145).Tờ khải vừa được dâng lên, Nhà vua đã lập tức ngợi khen và làm theo.Song trong các tướng có người lại vô cùng phẫn nộ nhạo báng (tr.109).

 Thứ ba là trong chuỗi cứ liệu trên chúng tôi thấy cần phải khai thác thêm trong bài viết ngắn này một số cảm nhận của chính tác giả Trần Tiến trong phần viết thứ hai có liên quan đến vấn đề bùng phát các cuộc khởi nghĩa nông dân đã được phản ánh lại trong các truyền thuyết về thời kỳ này.Trong tiết truyện ghi sự kiện năm Kỷ Mùi (1733) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 là khi Trần Tiến mới ở tuối 31, vào tháng 11 ông chỉ chọn viết có một ngày 21: Sau khi tác giả lược điểm tình hình vào thời điểm đó đại ý cho biết giới quan chức trấn thủ ở các xứ thì dung túng cho bọn ác nhân, lòng người thì bộn bề ly tán, kẻ mong loạn lạc rất nhiều, giặc cướp đã nổi lên, khắp nơi nhiễu loạn thì tác giả viết tiếp rằng chính ngày hôm đó “ Tôi cùng người làng tuần hành, phòng bị giữ bản xã. Đến khuya tôi trở về, ngồi trên ghế gỗ ngoài hành lang trước nhà, bỗng thấy ánh sáng lạ chiếu rực mặt đất, vội xuống nhìn xem. Không biết nó từ đâu xuất hiện thành một luồng khí dài như tấm vải, xanh , trắng lấp lánh như bức tường chắn ngang thiên hạ, đầu thì ở mạn đông bắc, đuôi thì ở mạn tây nam. Một khắc luồng khí đã hóa thành mây trắng, rồi mây đen trùm lên nhấn chìm. Tôi không hiểu thiên văn, nhưng thấy hình của nó nhọn tựa như điềm đại binh nổi lên” (tr.227).Vẫn theo mạch viết của tác giả thì được biết ngay lúc bấy giờ Nguyễn Tuyển đương là một võ quan quản lĩnh đội Hữu nhuệ đã giả danh nghĩa vâng mệnh triều đình truyền lấy đinh phu đi đánh giặc mà thực hiện được mưu gian, hợp cùng bọn giặc Ninh xá là Nguyễn Cừ làm loạn.Nguyễn Cừ cũng vốn là dòng dõi của Tổ phụ Tiến sĩ Hoàng giáp Nguyễn Mại, người từng giữ các chức Đốc trấn Cao Bằng, Trấn thủ Sơn Tây nên về sau dư đảng rất đông.Lại được Viên Giám sinh Vũ Trác Oánh kết bạn, mưu phản đã định sẵn. Đặc biệt là sau ngày 21 tháng 11 là ngày chính tác giả mục kích sở thị điềm báo đại binh nổi lên thì vẫn theo văn mạch ông viết, ta được biết chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 26 tháng 12 quả nhiên ứng nghiệm. Đó là ngày “Giặc Nguyễn” đã“ lấy ngày hôm đó để lập minh ước…dương cờ xanh với hai chữ Ninh dân (làm cho dân yên ổn) làm khẩu hiệu, để rồi cũng chưa đầy một tháng sau, vào ngày 20 tháng giêng năm Canh Thân (1740) “ Bọn giặc đại hội quân ở chợ Thị Đáp, Thạch Lâm để minh thệ. Tuyển ngụy xưng là Minh chủ, còn nghịch Cừ ngụy xưng là Tiết chế, ngoài ra, cũng đều xưng ngụy hiệu…” (tr.230).Sau này như ta biết trong đội binh hùng tướng mạnh bắt đầu khởi sự như thế đã có một Quận He Nguyễn Hữu Cầu.Đặc biệt đọc đoạn văn sau đây được viết vào cùng ngày trên, người đời nay càng thấu hiểu vì sao công luận trong ý thức dân gian về sau đã mặc nhiên tôn vinh các thủ lĩnh của bách tính đồng loạt nổi dậy chống lại triều đình thuộc đủ mọi thành phần và địa vị trong xã hội lúc bấy giờ là anh hùng: “Trước đây nhân dân 7 huyện đã chịu cảnh phu phen tạp dịch khổ sở hơn 20 năm trời. Đói thì ăn vụng, đưa đến làm liều. Họ đã theo hoàng tử làm việc phản nghịch nhưng chưa quyết, bèn tụ tập thành bầy, gian dâm cướp đoạt. Bọn giặc nhân đó dụ dỗ chúng…Người đi theo rất đông…Hôm sau cống Oánh cũng đem theo lính Thanh Hà đến Thích Lý, đốt địa phận Phủ Từ, chia vàng lụa cho nhân dân sở tại. Bởi vậy, vùng Hồng Châu (nay là phủ Ninh Giang) cũng bị khổ sở vì việc lao dịch nhiều năm. Lòng người oán trách đã lâu, do đó mà dồn ép họ mới dễ dàng như thế” (tr.228, 229). Ở một đoạn được viết liền kề sau đó, có một chi tiết cũng rất đáng được kể lại “ Ngày mùng 5…Giặc bị thua, một chi chạy qua bản xã. Trấn binh đuổi theo, định đốt cả làng. Tôi sai người bản xã sắp xếp thịt gạo đợi, rồi mạo muội xông pha tên đạn đến khẩn khoản xin đừng đốt, bèn được.Trấn binh ngủ lại…hôm sau họ lên đường” (tr.229).

 Như thế, nếu người đời sau có thời gian cứ nhẩn nha suy đi ngẫm lại từng câu từng ý toàn bộ thiên truyện Niên phả lục, chắc hẳn người đọc qua mỗi trang văn sẽ soi thấy rất chân thật một tấc lòng người viết, một nho gia chính thống thuộc về tầng lớp quý tộc phong kiến, chẳng những được sinh ra trong một gia đình đại quý tộc dòng dõi từ vương triều Trần mà còn có danh phận ở một ngôi vị hiển quý của triều đình đương thời.Tất nhiên, chúng ta đều biết hiện thực cao trào khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII và quan điểm chính thống của giai cấp phong kiến đương thời về hiện tượng này không phải là một chủ đề của Niên phả lục nhưng khi nghiên cứu so sánh giữa VHDG và văn học viết (VHV) như là hai bộ phận văn học ngoại biên và văn học trung tâm nhìn từ góc độ VHDG qua một trường hợp, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể xác lập được mối quan hệ hai chiều giữa hai hệ thống thẩm mĩ độc lập nhưng không đối lập. Trong tiến trình văn học Việt Nam thời kỳ trung đại, đó là sự phát triển song hành giữa một bên là bộ phận VHDG khi đã có chữ viết và VHV, là kết quả của vốn sống trải nghiệm và sự nhạy cảm đời thường với một bên là VHV, là kết quả của vốn chữ bác học và sự hiểu biết hàn lâm; giữa một bên phản ánh cái ý thức dân gian giữa dòng đời chảy trôi từ từ chậm chạp không có bến bờ, được vận hành thường xuyên có quy luật theo sự tác động tự nhiên của Hệ tâm lý xã hội với một bên tất yếu phản ánh theo quan điểm chính thống trong sự định hướng của Hệ tư tưởng của giai cấp thống trị tạo thành bộ phận văn học trung tâm của một thời đại. Đề khẳng định những giá trị tư tưởng thẩm mĩ có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhất và ý nghĩa thời sự dài lâu nhất của văn học qua mọi thời đại nhìn từ góc độ VHDG trong thời kỳ trung đại, có một hướng đặc biệt là đòi hỏi người nghiên cứu cần và phải tìm hiểu phát hiện nó ở sự giao thoa giữa hai hệ thống thẩm mĩ của một thời mà giữa hai bộ phận văn học này còn có rất nhiều điểm tương đồng về chức năng nhận thức và đặc điểm tư duy trong sáng tạo nghệ thuật nói chung.  

 Thay cho lời kết

 Thế nên nếu chúng ta không có Niên phả lục thuộc bộ phận văn học chính thống và là văn học viết hay còn gọi là văn học trung tâm, chắc hẳn việc tìm hiểu nội dung tư tưởng và giá trị lịch sử mà ít nhiều các truyền thuyết về các anh hùng nông dân khởi nghĩa thuộc dòng văn học dân gian hay còn gọi là văn học ngoại biên có mối liên hệ trực tiếp tương quan đã giới thuyết ở trên thì chắc hẳn sẽ còn rất nhiều khía cạnh nhận định chưa thể nói là đã thật đầy đủ và sâu sắc.Trong bài viết ngắn này, chúng tôi mới chỉ gợi lên được một vấn đề./*.

       

Tài liệu tham khảo chính

1.Đào Duy Anh : Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học, H, 1964.

2.Trần Trọng Kim : Việt Nam sử lược. Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xb năm 2004.

3.Cao Huy Đỉnh : Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, H, 1976.

4.Kiều Thu Hoạch : Văn học dân gian người Việt góc nhìn thể loại. Nxb Khoa học xã hội, H, 2006.

5.Trần Tiến : Niên phả lục. Sưu tầm, khảo dịch, chú thích và giới thiệu của Nguyễn Đăng Na. Nxb Văn học, H, 2003.

6.Trần Trợ : Tục biên Công dư tiệp ký.Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Thanh Chung dịch, Nguyễn Đăng Na chú giải và giới thiệu. Nxb Văn học, H, 2008.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn hoá dân gian, số 1 năm 2013.

Thông tin truy cập

63694136
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14428
23426
63694136

Thành viên trực tuyến

Đang có 484 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website