Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên

20200515 2

Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên (1956 - 1959) ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian. Từ năm 1986 đến năm 2000, ông công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (hiện nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Năm 2000, ông về hưu và chuyển sang làm việc ở Trường Đại học dân lập Văn hiến (TP. Hồ Chí Minh) với trách nhiệm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa.

Năm 1984, ông được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư Văn học.

Tính đến năm 2010, Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Diên đã có 51 năm nghiên cứu, viết sách, giảng dạy đại học và sau đại học, trên hai lĩnh vực chính: a/văn học dân gian; b/văn hóa dân gian và văn hóa. Ngoài ra, ông còn có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực dịch thuật.

I. Những đóng góp của Chu Xuân Diên trên phương diện lí luận văn học dân gian

Với 51 năm liên tục làm việc tại các trường đại học, bên cạnh việc giảng bài theo giáo trình cơ bản về văn học dân gian, Chu Xuân Diên còn đọc bài giảng cho sinh viên, cho học viên cao học, cho nghiên cứu sinh những vấn đề khác hoặc đi sâu hơn. Trong quá trình vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, Chu Xuân Diên là tác giả và đồng tác giả nhiều cuốn sách.

Với tư cách là nhà nghiên cứu, Chu Xuân Diên đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc đề xuất hoặc góp phần giải quyết nhiều vấn đề lí luận văn học dân gian.

A. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết

Năm 1966, trên Tạp chí Văn học (số 1), Chu Xuân Diên nêu lên một số nhận xét về tình hình quan hệ giữa nhà văn và sáng tác dân gian trong thực tiễn văn học Việt Nam và thực tiễn sáng tác của một số nhà văn nước ta. Theo nhà nghiên cứu, mối quan hệ giữa nhà văn với folklore vốn có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử phát sinh và phát triển của mọi nền văn học; tính chất và quy mô của mối liên hệ này biểu hiện ra một cách khác nhau, là do phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Sự chú ý của nhà văn đối với sáng tác dân gian, cũng như con đường theo đó nhà văn tiếp xúc và tích luỹ vốn văn học dân gian, thường có những biểu hiện rất khác nhau gắn liền với những đặc điểm về cuộc sống và công việc sáng tạo nghệ thuật của từng người. Chu Xuân Diên cho rằng giai đoạn nhà văn tiếp xúc và tích luỹ vốn văn học dân gian là "giai đoạn chuẩn bị cho nhà văn sử dụng các tài liệu sáng tác dân gian và đưa vào công việc sáng tạo nghệ thuật của mình những truyền thống nghệ thuật ưu tú của sáng tác dân gian"1. Đây là một nhận xét chính xác; song có lẽ nên nhấn mạnh thêm rằng, trong khi tiếp xúc, tiếp thu và sử dụng truyền thống nghệ thuật dân gian, các nhà văn không chỉ sử dụng chất liệu (thành ngữ, tục ngữ,...), mà còn cảm nhận và thấu hiểu được lối suy nghĩ, cách cảm xúc, vô vàn phong tục, tín ngưỡng, thói quen gắn bó một cách đặc biệt với người dân (chủ yếu là nông dân). Đây chính là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành truyền thống nhân đạo và nội dung chống phong kiến, trong ngôn ngữ thơ ca rất gần với phong cách nghệ thuật thơ ca dân gian của Truyện Kiều. Sau khi công bố bài chuyên khảo Nhà văn và sáng tác dân gian trên Tạp chí Văn học, tại giảng đường trường đại học, Chu Xuân Diên trình bày chuyên đề Sáng tác dân gian và tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu, tiếp tục khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa hai dòng văn học (dân gian và viết), phân tích những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ này trong một tập thơ nổi tiếng1.

B. Vấn đề văn học dân gian hiện đại

Tháng 2 năm 1969, trong Hội nghị bàn về văn học dân gian hiện đại tổ chức tại Viện Văn học, Chu Xuân Diên đã đọc bản báo cáo đề dẫn2. Theo tác giả, khái niệm "văn học dân gian hiện đại" hay "văn học dân gian mới" được dùng để chỉ văn học dân gian thời kì sau Cách mạng Tháng Tám (1945) trở lại đây.

Trước khi xem văn học dân gian hiện đại là giai đoạn phát triển của văn học dân gian truyền thống trong những điều kiện lịch sử mới sau Cách mạng, Chu Xuân Diên khẳng định bản chất thẩm mĩ, đặc trưng loại biệt của văn học dân gian nói chung. Ông đã có lí khi cho rằng tính tập thể và truyền miệng không chỉ là những đặc điểm của quá trình sáng tác và lưu truyền, không chỉ là phương thức sáng tác và lưu truyền của văn học dân gian, mà còn là những phạm trù thẩm mĩ của dòng văn học này. Sau khi phân tích các vấn đề: mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, tính tiếp thu của quần chúng đối với những tác phẩm có tác giả ban đầu, tâm lí sáng tác tập thể, tính truyền thống, tác giả viết: "Nếu tính tập thể của văn học dân gian thể hiện nhu cầu sáng tác của nhân dân với tư cách là một tập thể thì tính truyền miệng của văn học dân gian thể hiện nhu cầu sáng tác trực tiếp, nhu cầu giao tiếp trực tiếp bằng phương tiện nghệ thuật, bên cạnh những nhu cầu sáng tác cá nhân và nhu cầu giao tiếp gián tiếp bằng phương tiện nghệ thuật do văn học thành văn làm thoả mãn1.

Những điều nêu trên thuộc loại vấn đề thứ nhất của việc nghiên cứu văn học dân gian hiện đại.

Loại vấn đề thứ hai đề cập đến đối tượng của văn học dân gian hiện đại, bao gồm các vấn đề: sự mở rộng về hệ thống phân loại văn học dân gian mới theo thành phần xã hội; sự tiếp tục thể loại truyền thống và sự hình thành thể loại mới; phân biệt truyền thống tĩnh và truyền thống động,...

Loại vấn đề thứ ba mà Chu Xuân Diên đề xuất là mối quan hệ của văn học dân gian hiện đại với văn học quần chúng và văn học thành văn. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, hai khái niệm "văn học dân gian hiện đại" và "văn học quần chúng" không phải là một, bởi vì văn học dân gian có những đặc trưng của nó, tuy rằng có những giai đoạn cuộc sống của những tác phẩm thuộc hai hình thức nghệ thuật (dân gian và quần chúng) gặp nhau.

Theo Chu Xuân Diên, loại vấn đề thứ tư là loại vấn đề về những điều kiện lịch sử trong đó văn học dân gian tồn tại và phát triển.

C. Sự cần thiết của việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian

Tháng 7 năm 1980, tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về văn hóa dân gian, Chu Xuân Diên nêu định nghĩa và khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian.

Ông xác định: Thi pháp văn học dân gian là toàn bộ các đặc điểm về hình thức nghệ thuật, về phương thức và thủ pháp miêu tả, biểu hiện, về cách cấu tạo đề tài, cốt truyện và phương pháp xây dựng hình tượng con người... Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian bao gồm từ việc khảo sát những yếu tố thi pháp riêng lẻ như phép so sánh thơ ca, các biểu tượng và luật thơ, các mô típ và cách cấu tạo cốt truyện, cách mô tả diện mạo bên ngoài và tâm lí bên trong của nhân vật... đến việc khảo sát những đặc điểm thi pháp chung của từng thể loại, và cuối cùng là việc nêu lên những đặc điểm phổ thông và những đặc điểm dân tộc của thi pháp văn học dân gian nói chung. Nghiên cứu thi pháp văn học dân gian còn bao gồm cả việc khảo sát những đặc điểm phong cách cá nhân của người sáng tạo và diễn xướng trong mối quan hệ với những đặc điểm thi pháp truyền thống1.

Tác giả khẳng định: thi pháp không đơn thuần là những yếu tố hình thức, cần hết sức coi trọng ý nghĩa nội dung của thi pháp văn học dân gian.

Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian nhằm xác lập cho được hệ thống thi pháp của bộ phận văn học này sẽ giúp các nhà nghiên cứu giải quyết những vấn đề cụ thể trong việc phân biệt thực chất sự khác nhau giữa văn học dân gian và văn học viết. Đề cập đến vấn đề này, Chu Xuân Diên đã có những kiến giải xác đáng. Theo ông, trong những sáng tác nghệ thuật dân gian đa dạng, ở những thể loại khác nhau, các thành phần ngôn từ, âm nhạc, nhảy múa, điệu bộ chiếm tỉ lệ không giống nhau nên tuỳ theo tỉ lệ đó mà phân chia thành các lĩnh vực, có thể đặt tên là văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian. Trong văn học dân gian, thành phần ngôn từ là chủ thể; cần xem đối tượng nghiên cứu chính của văn học dân gian là nghệ thuật ngôn từ, còn của âm nhạc dân gian là nghệ thuật âm nhạc, của sân khấu dân gian là nghệ thuật biểu diễn... Đối với âm nhạc dân gian và nhất là sân khấu dân gian thì tính diễn xướng là đặc tính bao trùm và chính nó là bản chất của nghệ thuật ca hát và nghệ thuật diễn trò. Còn đối với văn học dân gian thì không thể nói một cách dứt khoát như có người đã từng viết: "Loại trừ khâu diễn xướng, tác phẩm văn nghệ dân gian chỉ còn là cái xác không hồn"1. Trong văn học dân gian, cái hồn lại chính là ngôn ngữ dù nó được bộc lộ ra bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết. Như vậy, việc nghiên cứu văn bản văn học của những tác phẩm văn học dân gian không phải chỉ là việc khảo sát cái xác không hồn mà chính là phân tích cái hồn tồn tại trong thể xác của nó. Còn cách nghiên cứu văn bản của văn học dân gian khác với cách nghiên cứu văn bản của văn học viết như thế nào, đó lại thuộc về một phương diện khác của vấn đề.

Chu Xuân Diên coi trọng việc khảo sát và nghiên cứu các hình thái sinh hoạt thực tiễn, các kiểu trình diễn nghệ thuật dân gian. Song, ông cũng lưu ý rất đúng rằng, ngày nay các nhà nghiên cứu ngày càng có ít khả năng trực tiếp chứng kiến các kiểu trình diễn nghệ thuật của vốn văn học dân gian cổ truyền. Vậy, nếu coi những hình thức trình diễn đó là tất cả những gì phân biệt văn học dân gian với văn học viết, và chỉ có chúng mới làm nên giá trị nghệ thuật độc đáo của văn học dân gian thì chẳng hóa ra chúng ta ngày càng ít hy vọng được tiếp xúc với giá trị thẩm mĩ của văn học dân gian hay sao? Thực ra thành phần chủ yếu trong tổng thể sinh hoạt văn hoá nghệ thuật dân gian, văn bản văn học dân gian in đậm dấu vết của những thành phần không phải văn học của tổng thể đó.

D. Đặc trưng của văn học dân gian và đặc trưng của một số thể loại văn học dân gian

Trong khi tham gia biên soạn giáo trình Văn học dân gian (bộ sách nổi tiếng xuất bản lần đầu: 1972 - 1973)1, không phải ngẫu nhiên Chu Xuân Diên được chủ biên Đinh Gia Khánh phân công chấp bút mục "Những đặc trưng của văn học dân gian". Với tri thức phong phú của mình và với dung lượng số trang cho phép (70 trang), Chu Xuân Diên đã phân tích kĩ nhiều vấn đề, đã lí giải thành công nhiều vấn đề, chẳng hạn: Tính nguyên hợp về loại hình nghệ thuật của văn học dân gian; mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và tập thể trong quá trình sáng tạo, mối quan hệ giữa truyền thống và ứng tác và vấn đề tâm lí sáng tạo tập thể trong văn học dân gian.

Cũng trong bộ sách vừa nêu, chương "Cấu tứ trong thơ trữ tình dân gian và những truyền thống nghệ thuật của ca dao dân ca Việt Nam" (do Chu Xuân Diên viết) đã làm rõ đặc trưng thể loại của các thể loại trữ tình dân gian.

Năm 1975, Tục ngữ Việt Nam do Chu Xuân Diên chủ biên được xuất bản2. Trong phần tiểu luận (gần 200 trang do Chu Xuân Diên chấp bút), các chương "Tục ngữ là một hiện tượng ý thức xã hội"; "Tục ngữ và lối sống của thời đại"; "Tục ngữ và lối nghĩ của nhân dân" là kết quả của những đề xuất lí luận mới mẻ và quá trình nghiên cứu, lí giải thoả đáng những đề xuất đó.

Cuốn sách Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học (1989) đã vượt mục đích ban đầu do Chu Xuân Diên tự giới hạn (giới thiệu một vài nét chính lịch sử nhận thức khoa học về truyện cổ tích). Ở đây, một số vấn đề lí luận như phân loại truyện cổ tích; mối quan hệ của truyện cổ tích với thực tại; những sai lầm của việc áp dụng những quy phạm của văn học viết vào việc nghiên cứu truyện cổ tích được phân tích sâu sắc. Dưới đây là một vài thí dụ về sự phân tích sâu sắc đó1.

Sau khi phân tích lí thuyết phân tâm học, Chu Xuân Diên đánh giá mặt mạnh và chỗ yếu của khoa học mác xít về folklore. Những tìm tòi của phương pháp nghiên cứu mác xít đã đem lại nhiều tiến bộ cho việc giải quyết vấn đề quan trọng của truyện cổ tích với thực tại, đã dựa vào phản ánh luận duy vật để phát hiện ra những nội dung lịch sử - xã hội và ý nghĩa thẩm mĩ của truyện cổ tích. Nhưng nếu chỉ vận dụng những nguyên lí chung của phản ánh luận thì chưa đủ, và sẽ sa vào xã hội học dung tục. Ở Việt Nam, khi nhận xét về cách miêu tả và ý nghĩa của nhân vật người hoá vật trong truyện cổ tích "Thần Lợn", "Nghè hoá cọp", tác giả bài nghiên cứu "Người nông dân Việt Nam trong truyện cổ tích" đã viết như sau: "Óc tưởng tượng dồi dào của người nông dân đi tới lãng mạn cách mạng, bắt nguồn từ sự căm thù của giai cấp, đã làm cho họ có con mắt khác thường đối với giai cấp đàn áp bóc lột họ. Với lòng tin tưởng rất mạnh, coi địa chủ như thú vật, người nông dân đã thú vật hoá địa chủ trong sáng tác của họ. Đó là những truyện cổ tích "Thần Lợn", "Nghè hoá cọp", trong đó những tên địa chủ cường hào đã được người nông dân điển hình hoá bằng những nét sắc sảo, mạnh dạn bóc trần hết những tính chất bỉ ổi của giai cấp bóc lột và ngoan cố"1.

Một nhà khoa học khác, tác giả chuyên luận Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám đã từng khẳng định:

1/ "Truyện "Tấm Cám" miêu tả hiện thực" và đó là hiện thực đấu tranh giai cấp trong xã hội phong kiến.

2/ Truyện cổ tích được sáng tác theo phương pháp lãng mạn. Tính chất lãng mạn của truyện cổ tích thể hiện lí tưởng xã hội và tư tưởng lạc quan của người nông dân.

3/ "Phải cần đến yếu tố ngẫu nhiên hoặc kì diệu" là chỗ yếu của phương pháp lãng mạn so với phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Từ đó suy ra đấy cũng là "chỗ yếu" của truyện cổ tích2.

Từ tài liệu của V.Ia. Propp, Chu Xuân Diên đã dẫn ra một số nhận xét tương tự trong giới nghiên cứu xô viết ở những năm 50 về sự thù địch giai cấp trong truyện cổ tích. Theo Propp, đó là "những ý kiến kì cục, song đó lại không phải là những ý kiến duy nhất, có nhiều người khác cũng có quan điểm như vậy", vào thời gian đó, "những quan niệm như vậy đã được coi là nhất thiết phải có và có tính chất tiến bộ".

Chu Xuân Diên cho rằng: "xét đến cùng, những quan niệm "được coi là nhất thiết phải có và có tính chất tiến bộ" ấy là biểu hiện của cách nhìn thô thiển về phản ánh luận duy vật nói chung và sự phản ánh hiện thực trong văn học dân gian nói riêng. Đồng thời đó cũng là những biểu hiện của khuynh hướng coi phương pháp miêu tả thực tại trong văn học thành văn là không có gì khác nhau"1.

Chu Xuân Diên chia sẻ với quan niệm của Propp, quan niệm này khác về cơ bản so với các quan niệm vừa nêu trên. Theo cách nhìn của Propp, cái kì diệu, cái ngẫu nhiên trong truyện cổ tích không phải là chỗ yếu, chỗ kém của phương pháp lãng mạn (nếu coi như truyện cổ tích được sáng tác theo phương pháp này) so với phương pháp hiện thực chủ nghĩa, mà chính lại là chỗ mạnh của truyện cổ tích. Giả sử ta loại bỏ hết những yếu tố ngẫu nhiên, yếu tố kì diệu đó và thay toàn bộ những tình tiết phi lí của truyện cổ tích bằng những tình tiết hợp lí, "hiện thực chủ nghĩa", thì lúc đó chắc sẽ không còn ai muốn nghe, muốn đọc truyện cổ tích nữa, và nói chung sẽ không còn truyện cổ tích nữa.

Năm 1999, trên Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, ông công bố bài viết “Về cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện Tấm Cám”. Đây là một cái mốc rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam.

II. Những đóng góp của Chu Xuân Diên trên phương diện nghiên cứu văn hóa dân gian và văn hóa

Tháng 12 năm 1979, tại Hà Nội, Ban Văn hóa dân gian (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập, đánh dấu sự ra đời của một ngành khoa học mới. Năm 1989, GS. Đinh Gia Khánh công bố chuyên luận Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian1.

Trong sách này, tác giả giới thuyết khái niệm văn hoá dân gian, khẳng định văn hoá dân gian là một nghệ thuật nguyên hợp, phân tích các thành tố chủ yếu của văn hoá dân gian, trình bày về các loại lớn của khoa folklore học, bàn về vai trò của ngành nghiên cứu văn hoá dân gian trong việc xây dựng nền văn hoá mới. Tuy dưới nhan đề có vẻ khiêm tốn ("Trên đường tìm hiểu...") nhưng về thực chất, cuốn sách của GS. Đinh Gia Khánh có giá trị đặt nền móng của khoa nghiên cứu văn hoá dân gian ở nước ta.

Góp phần vào việc xây dựng ngành khoa học trên, năm 1995, PGS. Chu Xuân Diên công bố giáo trình Văn hoá dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành2.

Cuốn sách gồm ba chương:

Chương 1: Sự hình thành khoa học về folklore;

Chương 2: Hướng tiếp cận nhân học văn hoá;

Chương 3: Hướng tiếp cận ngữ văn học.

Trong cuốn sách, tác giả đề cập đến một số vấn đề chưa có sự thống nhất ý kiến của giới nghiên cứu. Đó là vấn đề đối tượng của khoa folklore học, vấn đề mối quan hệ giữa folklore học và nghiên cứu văn học, giữa folklore học và dân tộc học, giữa folklore học và nhân học văn hoá.

Năm 2000, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham gia Hội thảo Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức, Chu Xuân Diên lại có dịp bàn về vấn đề đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của khoa nghiên cứu văn hoá dân gian  trong khi phân tích những quan điểm học thuật của GS. Đinh Gia Khánh.

Nhìn lại toàn bộ tư tưởng học thuật của GS. Đinh Gia Khánh trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá dân gian, chúng ta thấy vấn đề xác định hai nghĩa rộng, hẹp của khái niệm văn hoá dân gian và vấn đề phương pháp nghiên cứu là những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo GS. Đinh Gia Khánh, những mặt, những "bộ phận" trong văn hoá dân gian với nghĩa rộng (folk culture) được tiếp cận từ giác độ thẩm mĩ, tạo thành văn hoá dân gian với nghĩa hẹp (folklore), cụ thể là "bao gồm văn nghệ dân gian (ngữ văn, âm nhạc, vũ đạo, hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật trang trí v.v...) và những hiện tượng cũng như vật phẩm mang tính chất thẩm mĩ nảy sinh từ sản xuất và chiến đấu". PGS. Chu Xuân Diên nhận xét rằng, quan niệm này "được tóm gọn lại trong công thức folklore là folk culture được tiếp cận với giác độ thẩm mĩ"1.

Chu Xuân Diên đã phân tích rất đúng rằng trong folklore không chỉ gồm loại sự kiện, hiện tượng được tiếp cận dưới giác độ thẩm mĩ, mà còn có những sự kiện, hiện tượng khác như lễ thức, phong tục, tri thức dân gian bản địa. Ở Việt Nam, bên cạnh giới thuyết của GS. Đinh Gia Khánh về folklore, còn có những tác giả khác như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tấn Đắc mở rộng quan niệm ấy. "Điều phân biệt quan trọng khiến cho quan niệm mở rộng về folklore nói trên khác với quan niệm coi "folklore là folk culture được tiếp cận dưới giác độ thẩm mĩ" không phải là sự mở rộng về danh mục các sự kiện (các hình thức) văn hoá mà là sự khác nhau về hướng tiếp cận nhân học văn hoá2. Chu Xuân Diên nhận xét: "Hướng tiếp cận nhân học văn hoá của quan niệm mở rộng về folklore dường như ngày càng rõ nét trong thực tiễn sưu tầm, miêu tả và nghiên cứu văn hoá dân gian ở Việt Nam"3. Chính khuynh hướng nghiên cứu này nhằm mục đích phát hiện ra hệ giá trị văn hoá và hệ biểu tượng của folklore vừa bao gồm được cả mục đích phát hiện ra những giá trị thẩm mĩ của folklore vừa điều chỉnh được phương pháp nghiên cứu phù hợp với những đặc điểm của những giá trị thẩm mĩ ấy. Cũng theo Chu Xuân Diên, phương pháp tổng hợp (theo cách gọi của GS. Đinh Gia Khánh) còn được gọi là phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp tiếp cận tổng hợp, phương pháp tiếp cận chỉnh thể,... "Quá trình hình thành các phương pháp nghiên cứu đặc trưng cho từng bộ môn folklore trong mối quan hệ với phương pháp tiếp cận tổng thể về folklore, chính là một quá trình thử thách và trưởng thành của folklore học Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề về phương pháp luận cần được làm sáng tỏ"1.

Từ thập kỉ thế giới phát triển văn hoá (1988 - 1997) trở lại đây, việc nghiên cứu văn hoá được chú trọng hơn trước. Ngày 10 tháng 1 năm 1995, tại công văn số 173/VP Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc tăng cường giáo dục các giá trị văn hoá dân tộc và di sản văn hoá Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên đới chuẩn bị hệ thống giáo trình, đưa vào chương trình đại học, cao đẳng, môn Văn hoá học và Cơ sở văn hoá Việt Nam, để phục vụ việc học tập của sinh viên. Năm 1994, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Tổ bộ môn Văn hoá học trực thuộc Khoa Ngữ văn và Báo chí để đảm nhiệm một phần môn học ấy.

Từ năm 1997 cho đến năm 2002, có ba cuốn giáo trình đại học đều có tên là Cơ sở văn hoá Việt Nam. Cuốn thứ nhất của GS. Trần Ngọc Thêm do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) công bố năm 1997; đây là lần in thứ ba, có sửa chữa và rút gọn. Cuốn thứ hai do GS. Trần Quốc Vượng chủ biên, cùng với các tác giả Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Mỹ Dung và Trần Thuý Anh, do Nxb. Giáo dục công bố năm 1997. Cuốn thứ ba của PGS. Chu Xuân Diên, do Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh công bố năm 2002.

Trong giáo trình vừa nêu, sau khi trình bày kĩ một số khái niệm, GS. Trần Quốc Vượng và các đồng tác giả tập trung viết về diễn trình lịch sử của văn hoá Việt Nam (88 trang) và sáu vùng văn hoá (65 trang). Cuốn sách của GS. Trần Ngọc Thêm không khảo sát vùng văn hoá, không thiên về cách tiếp cận lịch đại. Mục "Tiến trình văn hoá Việt Nam" chỉ chiếm 11 trang. Ông dành 227 trang để miêu tả và phân tích các thành tố văn hoá trên cơ sở lí thuyết về loại hình văn hoá. Ở đây, người học sẽ tiếp xúc với những trang viết về phần triết lí âm dương, về tổ chức nông thôn, tổ chức quốc gia, tổ chức đô thị, về cách ăn, mặc, ở và đi lại của người Việt; những nội dung này chưa được trình bày trong giáo trình do GS. Trần Quốc Vượng chủ biên.

Cách hiểu và cách trình bày của PGS. Chu Xuân Diên về môn Cơ sở văn hoá Việt Nam dựa trên quan niệm của tác giả về mối quan hệ giữa văn hoá và xã hội, và sự cụ thể hoá quan niệm ấy thành quan niệm về các giai đoạn văn hoá với các cấu trúc văn hoá tương ứng với các hình thái kinh tế - xã hội mà xã hội Việt Nam đã từng trải qua từ thời kì tiền sử cho tới ngày nay1.

Những năm gần đây, nhà nghiên cứu văn học dân gian, văn hoá dân gian Chu Xuân Diên "bị cuốn hút vào một phạm vi các vấn đề rộng hơn. Bởi vì những biến đổi văn hoá xã hội thời kì đổi mới ở nước ta tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của khoa học về văn hoá - văn học dân gian đến mức không thể đề cập đến những vấn đề khoa học của chuyên ngành này mà không đặt nó vào trong phạm vi rộng lớn hơn của nhiệm vụ xây dựng một nền văn hoá hiện đại mang bản sắc dân tộc"1. Những vấn đề mà ông quan tâm đó được thể hiện qua các bài viết có hàm lượng khoa học cao:

+ "Văn hoá dân gian và những biến đổi văn hoá - xã hội hiện nay";

+ "Về khái niệm văn hoá dân tộc và nền văn hoá hiện đại mang bản sắc dân tộc";

+ "Ý thức cộng đồng và ý thức cá nhân trong sự hình thành tâm lí - tính cách người Việt Nam"2.

III. Những đóng góp của Chu Xuân Diên trong lĩnh vực dịch thuật

Tham gia dịch thuật, Chu Xuân Diên là đồng dịch giả các cuốn sách:

1. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (dịch chung với Dương Tường, từ tiếng Pháp), Nxb. Văn nghệ, H, 1961;

2. Sáng tác thơ ca dân gian Nga (dịch chung với Đỗ Hồng Chung, từ tiếng Nga), Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1983, hai tập;

3. Tuyển tập V.Ia. Propp (dịch chung với Phan Ngọc, Nguyễn Thị Kim Loan,..., từ tiếng Nga), Nxb. Văn hoá dân tộc, H, 2003 - 2005, hai tập.

Chu Xuân Diên chưa một lần được đặt chân đến Liên Xô (cũ), chủ yếu tự học tiếng Nga, nhưng đã dịch thành công nhiều công trình về văn học dân gian Nga. Trước khi được công bố rộng rãi, nhiều bản dịch (đánh máy) của ông dùng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ nghiên cứu chuyên ngành và sinh viên năm thứ tư làm khoá luận tốt nghiệp.

*

*       *

Chu Xuân Diên là người mê nhạc cổ điển, có nguyện vọng được nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, ông lại được phân công giảng dạy văn học dân gian.

Tại thời điểm hiện tại, khi đọc lại những trang viết của chính mình cách đây hơn bốn thập kỉ, ông nhận thấy "có những sự kiện và quan điểm lí thuyết được trình bày trong các bài viết nay đã chỉ còn có ý nghĩa lịch sử"1. Như vậy, những thành công của Chu Xuân Diên không tách rời với những bước vươn lên của ngành folklore học Việt Nam. Điều dễ nhận thấy là, trong hơn bốn chục năm qua, cùng với bước đi của ngành, ông luôn luôn là một trong số ít người đứng ở vị trí đề xuất hoặc góp phần giải quyết những vấn đề lí luận về văn học dân gian nói riêng, về văn hoá dân gian nói chung. Ông thuyết phục mọi người bằng vốn tri thức phong phú, bằng sự cập nhật những thông tin mới. Cùng công tác với ông, ai cũng biết ông là người thường xuyên mua và mua nhiều sách, báo. Trong nhà ông có không ít sách báo ngoại văn do ông gửi mua ở nước ngoài, do bạn bè hoặc học trò biếu tặng. "Các học trò của ông, dù ở những cương vị công tác nào và ở bất cứ đâu trên mọi miền Tổ quốc đều nhắc đến ông với tình cảm quý mến và kính trọng sâu sắc về sức đọc và thực đọc khiến cho ông có một tri thức khoa học - văn hoá phong phú và chắc chắn cũng như những kiến giải khoa học có tính thuyết phục"1. Sức thuyết phục mà ông đạt được không chỉ vì ông có tri thức rộng, mà còn vì sự chân thành và khiêm tốn. Vì chân thành và tôn trọng chân lí cho nên khi ông phân tích những chỗ yếu, những ý kiến chưa chính xác của những uy tín lớn, người đọc không thấy phản cảm và ngay cả các bậc có tên tuổi được nêu cũng không có phản ứng tiêu cực. Cũng chỉ với sự chân thành và lòng trung thực, Chu Xuân Diên mới có thể viết những dòng như sau: "Tài liệu nghiên cứu về truyện cổ tích vô cùng phong phú. Một số ít những tài liệu ấy tác giả đã giới thiệu ở thư mục cuối sách. Song ngay cả số ít tài liệu ấy, tác giả cũng lại chỉ được đọc trực tiếp một phần. May thay trong cái phần được đọc trực tiếp, có những tài liệu khái quát được lịch sử nghiên cứu truyện cổ tích"1.

Với 51 năm liên tục giảng dạy, nghiên cứu, dịch thuật, với những đóng góp như đã phân tích, Chu Xuân Diên - một nhà giáo với đôi mắt sáng, vóc dáng nhỏ nhắn, không ưa hùng biện - là một trong những gương mặt đáng kính của ngành folklore học Việt Nam.

NHỮNG CUỐN SÁCH, BÀI VIẾT ĐÃ CÔNG BỐ CỦA PGS-NGƯT CHU XUÂN DIÊN

I. Sách in riêng

1. Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xb, 1989.

2. Văn hoá dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xb, 1995.

3. Cơ sở văn hoá Việt Nam,Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2002.

4. Văn hoá dân gian mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, tái bản Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006 (sách này Nxb. Giáo dục in lần đầu năm 2001).

5. Mấy vấn đề về văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2004.

6. Nghiên cứu văn hóa dân gian, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.

II. Sách in chung

1. Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1962.

2. Văn học dân gian, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972 - 1973, hai tập.

3. Tập nghị luận và phê bình văn học chọn lọc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1973.

4. Tục ngữ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

5. Sáng tác thơ ca dân gian Nga (dịch giả), Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, hai tập.

6. Từ điển văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983 - 1984, hai tập.

7. Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987.

8. Văn lớp 10 (sách giáo khoa), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1990.

9. Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam(Đặng Văn Lung tuyển chọn một số công trình), Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1997.

10. Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2001.

11. Văn hoá dân gian và sự phát triển văn hoá đô thị, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

12. Văn học dân gian Sóc Trăng: Tuyển chọn từ tài liệu sưu tầm điền dã, chủ biên, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2002.

13. Tuyển tập V.IA. Propp,V.IA. Propp, (dịch giả), Nxb. Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật xb, Hà Nội, 2003 - 2005, hai tập.

14. Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004.

15. Văn học dân gian Bạc Liêu: Tuyển chọn từ tài liệu sưu tầm điền dã, chủ biên, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005.

16. Bình luận văn học: Niên giám 2005, Nxb. Văn hoá Sài Gòn và Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh xb, 2005.

17. Huyền thoại và văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

III. Bài tạp chí, tập san

1. “Tìm hiểu giá trị bài ca Chàng Đam San”, Tập san Nghiên cứu văn học, Hà Nội, 1960, số 3.

2. “Nhà văn và sáng tác dân gian”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1966, số 1.

3. “Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1969, số 4.

4. “Về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1981, số 5.

5. “Những vấn đề lí luận folklore” (dịch giả), Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1984, số 2.

6. “Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kì” (dịch giả), Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1989, số 3.

7. “Phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hoá dân gian”, Tập san Khoa học (chuyên đề Đông phương học), Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xb, 1994, số 1.

8. “Về cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện Tấm Cám”, Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1999, số 2.

9. “Văn hoá dân gian và những biến đổi văn hoá - xã hội hiện nay”, Nguồn sáng dân gian, Hà Nội, 2002, số 1.

10. “Con người và không gian (một cách tiếp cận văn hoá học)”, Văn hóa dân gian, Hà Nội, 2008, số 3*

Nguyễn Xuân Kính

Nguồn sáng dân gian, Hà Nội, 2005, số 1. Bổ sung tháng 12 năm 2010.

Đăng ở Văn hóa Nghệ An, ngày 24.4.2020.


1. Chu Xuân Diên (1966) "Nhà văn và sáng tác dân gian ", Tạp chí Văn học, số 1, tr. 20.

2Chu Xuân Diên, Sáng tác dân gian và tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu, Giáo trình chuyên đề, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, in rônêô, 68 tr.

3. Chu Xuân Diên (1969), "Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại", Tạp chí Văn học, số 4, tr. 34 - 53.

4. "Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại", bđd, tr. 43.

5. Chu Xuân Diên (1981), "Về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian", Tạp chí Văn học, số 5, tr. 19 - 26.

6. Nguyễn Hữu Thu (1979) "Thế nào là một tác phẩm văn nghệ dân gian và đặc trưng chủ yếu của nó", Nghiên cứu nghệ thuật, số 5, tr. 16.

7. Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972 - 1973), Văn học dân gian, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, hai tập. Sách này được tái bản nhiều lần.

8. Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri biên soạn (1975), Tục ngữ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

9. Chu Xuân Diên (1989),Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản. Đây là cuốn sách có giá trị. Đáng tiếc là có quá nhiều lỗi in sai! Ở đây, chúng tôi sẽ dẫn xuất xứ tài liệu này từ cuốn sách cũng của Chu Xuân Diên (2006), Văn hoá dân gian mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

10Xem: Văn hoá dân gian mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, tr. 90 - 91.

11. Xem: Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, tr. 385.

12. Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, tr. 386.

13. Đinh Gia Khánh (1989), Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

14. Chu Xuân Diên (1995), Văn hoá dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xb.

15. Chu Xuân Diên (2001), “Nhìn lại một vài quan điểm lí thuyết và phương pháp nghiên cứu văn hoá dân gian ở Việt Nam”, trong tập sách nhiều tác giả: Một thế kỉ nghiên cứu sưu tầm văn hoá văn nghệ dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 28.

16. Chu Xuân Diên (2001), bđd, tr. 31.

17. Chu Xuân Diên (2001), bđd, tr. 31.

18Chu Xuân Diên (2001), bđd, tr. 36.

19. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, xem “Lời nói đầu”...

20Chu Xuân Diên (2004), Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 363.

21. Ba bài viết này đều in trong sách Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam.

22. Chu Xuân Diên (2004), sđd, tr. 362.

23. Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, bản in năm 1989, tr. 3.

24Nguyễn Ngọc Quang (2004), “Lời giới thiệu”, trong: Chu Xuân Diên, Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, sđd, tr. 6.

* Ở phần thứ hai của sách này, chúng tôi viết về sáu tác gia. Trong đó, đối với tác gia Nguyễn Đổng Chi, chúng tôi chỉ phân tích về đóng góp lí luận của ông trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, văn hóa; đối với GS. Bùi Văn Nguyên, chúng tôi chỉ bàn về khuynh hướng bóc tách và nhận diện những giá trị văn hóa, những nhân vật lịch sử, văn hóa của người Việt bị đồng hóa, bị xuyên tạc hoặc ngộ nhận là của đế quốc Hán. Về những tác gia khác như Cao Huy Đỉnh, Đỗ Bỡnh Trị, Ninh Viết Giao, Hoàng Tiến Tựu,... xin dành một dịp khỏc. N.X.K

Thông tin truy cập

60736155
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
60
9486
60736155

Thành viên trực tuyến

Đang có 276 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website