Văn học dân gian những năm kháng chiến chống Pháp

Lực lượng sáng tác văn học dân gian những năm kháng chiến chống Pháp chủ yếu là bộ đội và nông dân. Nông dân trong vùng kháng chiến không chỉ sống cuộc sống gia đình, cuộc sống ở làng quê mình như trước kia, mà còn hòa mình vào đời sống xã hội rộng lớn, làm những công việc mới phục vụ kháng chiến. Thể loại ca dao hết sức phong phú và đặc sắc, trong đó ca dao bộ đội khác về chất so với ca dao do binh lính thời trước sáng tác bởi sự dồi dào về số lượng, bởi tinh thần lạc quan trong nội dung. Truyện cổ tích rất hiếm. Trong giai thoại, đáng chú ý hơn cả là giai thoại về Tạ Đình Đề. Trong các tài liệu sưu tầm văn học dân gian những năm kháng chiến chống Pháp, ca dao nhiều hơn cả; không thấy tục ngữ và truyện cười. Trong các thể loại truyện dân gian, đáng chú ý hơn cả là giai thoại.

I. Ca dao

20201116

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên

(từ trái qua phải là Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân)

Trong phong trào thơ ca kháng chiến

chống Pháp, ca dao và những sáng tác khác của bộ đội, dân công là một mảng đặc sắc. Văn học dân gian cổ truyền là sáng tác của dân chúng, chủ yếu ra đời sau lũy tre xanh và được lưu hành bằng truyền khẩu. Cách mạng đã đổi đời người nông dân vùng kháng chiến. Họ không chỉ sống cuộc sống gia đình, cuộc sống của thôn làng như trước kia nữa mà còn hòa vào cuộc đời rộng lớn hơn. Họ đón nhận những người thành thị về tản cư, chăm sóc thương binh, giúp đỡ cán bộ, bộ đội đi công tác qua. Họ còn đi phá đường, rồi thời gian sau lại làm đường, tăng gia sản xuất, đi dân công, đi cứu thương. Một mặt, họ sáng tác những vần thơ mộc mạc của mình. Mặt khác, họ truyền khẩu những bài ca dao mới do các trí thức như Bùi Hạnh Cẩn, Huyền Tâm, Lê Kim sáng tác:

Chị em du kích Thái Bình

Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn

Người ta nhắc chuyện chồng con

Lắc đầu nguây nguẩy: “Em còn giết Tây!”(1).

+  Lúa tháng năm kén tằm vàng óng,

 Hạt khô giòn, đem đóng thuế nông.

Thúng đầy anh gánh tôi gồng,

 Kĩu cà kĩu kẹt, qua sông qua đò…(2) .

Nhu cầu văn nghệ của quần chúng trong kháng chiến là rất lớn và cấp thiết. Có địa phương, khi bài vè đầu tiên được sáng tác, thì liền đem ra trình bày trong các buổi họp. Nhưng rồi số sáng tác nhiều quá, phải treo một chiếc chiếu ở đình để đón tất cả sáng tác ấy. Rồi một chiếc chiếu cũng không đủ, phải căng thêm một cái cót. Ở nhiều địa phương, nông dân phải chia ra nhiều nơi để dán các sáng tác của mình. Họ chọn nhà ông tổ trưởng nông hội, nhóm trưởng nhóm sản xuất hay là một nhà nào trong xóm thường là nơi tập trung họp hành để không mất công đi xa, kết hợp được văn nghệ với sinh hoạt hằng ngày. Những địa điểm như thế được gọi là những “trạm văn nghệ”(3).

So với nông dân, ca dao của bộ đội phong phú không kém.

Năm 1949, một chiến sĩ xung kích ở An Châu khắc một lời ca dao lên chiếc gậy tày (gậy tre có cắm dao tông):

Chúng tao chỉ có câu này

Thề cùng giặc Pháp có mày không tao

Lời nói sắc tựa nhát dao

Thề cùng giặc Pháp có tao không mày.

Người chiến sĩ vô danh đã hi sinh, chiếc gậy tre đã thất lạc, nhưng lời ca dao vẫn sống mãi(4).

Ở Việt Bắc, mùa Hè năm 1949, nhà thơ Tố Hữu đi với tiểu đoàn Phủ Thông tham gia chiến dịch sông Thao. Trong 15 ngày cùng bộ đội hành quân, nhà thơ lượm được 350 lời, trong đó có nhiều lời có chất lượng cao. Trung đội nào cũng có báo, chiến sĩ nào cũng viết, vừa lau súng vừa lẩm nhẩm sáng tác. Chợt nghĩ ra, họ viết và dán ngay lên súng, lên nồi chảo, ống loa, mìn, bom... Cũng trong chiến dịch sông Thao, các chiến sĩ của tiểu đoàn 79 (thuộc trung đoàn Thủ đô) sáng tác ca dao bằng nhiều hình thức: viết trên một trang sổ tay, trên một mảnh giấy gói thuốc lào, có khi viết bằng bút chì lên lá chuối non, trong lòng máng trắng của những thanh tre. Các tiểu đoàn khác của trung đoàn Thủ đô cũng sáng tác ca dao trên lá non và máng tre như vậy(5). Ở Nam Bộ, trong thời gian đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, các đơn vị quân đội chính quy đem súng ống chiến lợi phẩm tặng cho du kích. Các cán bộ phụ trách văn nghệ trong quân đội đã vận động mỗi chiến sĩ làm một lời ca dao dán vào báng súng trước khi trao cho du kích, thể hiện tâm tình của mình, gửi gắm khẩu súng cho người nhận. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, một tiểu đoàn bộ đội (lúc đó khoảng 400 người) đã viết được trên 500 lời ca dao(6).

Trong chiến dịch Cao Bắc Lạng (1950), một đồng chí cấp dưỡng ghi vào những nắm cơm gánh ra trận địa cho bộ đội chiến đấu mấy câu thơ:

Mời anh xơi nắm cơm chay

Ăn no lấy sức phanh thây quân thù.

Bộ đội chiến đấu ngoài trận địa cũng đáp lại bằng cách dán trả mấy câu thơ vào chiếc đòn gánh gánh cơm:

Hôm nay tớ nhận cơm chay

Ngày mai tớ gửi mười Tây làm quà.

Nhiều đơn vị công tác khác cũng phỏng theo hình thức ca dao báng súng của bộ đội mà sáng tạo nên những hình thức phù hợp với hoàn cảnh sống và chiến đấu của mình, chẳng hạn hình thức vè dán lên túi công văn gắn xi của các đơn vị giao thông liên lạc thuộc Cục Thông tin, Bộ Quốc phòng(7).

Trước Cách mạng Tháng Tám, người phụ nữ nông thôn hầu như chỉ quẩn quanh với việc nhà, với công việc đồng áng. Cách mạng đã đổi đời họ. Họ tham gia các đoàn thể, theo chồng đi phá đường nhằm ngăn cản bước tiến của quân Pháp. Cùng nam giới, họ đi dân công tiếp vận. Khi đi tiếp vận, chị em phụ nữ nhận thấy mặc quần tiện lợi hơn mặc váy; những lúc có máy bay giặc, các chị mặc váy không chạy mau được và té ngã rất bất tiện; vả lại mặc quần cũng hợp thời trang nữa. Một lần kia, tiếng máy bay vừa hết, đoàn người tiếp vận chỉnh đốn lại hàng ngũ, vừa mới tiếp tục đi, thì đã nghe tiếng hò của một nam dân công:

Tàu bay giặc bắn ù ù

Yêu cầu phụ nữ bỏ dù đi thôi.

Không ngờ anh ta lại tức cảnh nhanh chóng như thế. Một chị đành phải hò lại một lời ca dao cũ ngày xưa để đánh trống lảng:

Hôm qua em mất chiếc váy thâm

Hôm nay lại gặp anh cầm ô đen(8).

Nhà thơ Lê Kim cho biết thơ ca của bộ đội và dân công phát triển rất rôm rả trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Các chị dân công không biết chữ hoặc biết khá hạn chế nhưng khả năng ứng tác thì thật tài tình và táo bạo:

+   Con đò trong bãi nằm dài

Em tắm sạch lắm đợi hoài các anh

Có đến thì đến đầu xanh

Đừng đến đầu bạc tỏi hành nhau ra...

+ Sông Lô có mấy con thuyền

Bao nhiêu tấc nước mấy nghìn khúc quanh

Bộ đội chủ lực mấy anh

Gặp em đây cũng tan tành khói mây.

Chàng trai Lê Kim là lính chủ lực, tiếng Pháp, tiếng Thái làu làu. Gặp dịp như thế, tài thơ của người chiến sĩ - nghệ sĩ này có dịp bộc lộ. Nhưng quả địch bất chúng (một mình không đối đáp được với số đông), cuối cùng nhà thơ đành xin thua:

Thôi thôi xin nói điều này

Đánh đấm chẳng được cuốc cày chẳng xong

Trồng ngô thì lại ra bông

Tưởng gái tơ, hóa nạ dòng, xin thua!

Khi bộ đội đã xuống nước đấu dịu, chị em dân công cũng rất có tình:

     Kể thì mặt mũi khôi ngô

Có tí chữ nghĩa nhưng khờ quá ta

     Gặp chị em nhớ tránh xa

Gặp giặc hãy đến kẻo mà ăn bom

     Chúng em đây, thực còn son

Bao giờ chiến thắng em còn em cho

     Đừng nghĩ quẩn mà sinh lo

Gạo còn đó rồi sẽ vo có ngày

Chào chủ lực, chúng em đi đây...(9).

Ca dao kháng chiến là bộ phận văn học dân gian đặc sắc của văn học dân gian những năm chống Pháp. Trong ca dao cổ truyền, không phải không có những người phụ nữ bạo dạn vượt qua lễ giáo phong kiến, những nữ danh ca dân gian thắng phái mày râu trong những cuộc hát đối đáp. Tuy nhiên những người phụ nữ đó chỉ được khẳng định trong những sinh hoạt lao động của phường cấy, phường nón, phường dệt... trong các hoạt động ca hát ở làng mình. Họ ít khi có dịp vượt ra khỏi lũy tre làng. Người phụ nữ trong ca dao chống Pháp hoàn toàn khác. Họ đi phá đường, đi dân công phục vụ các chiến dịch lớn như chiến dịch Cao Bắc Lạng (1950), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Họ sáng tác thơ ca thể hiện cảm xúc trước cuộc sống mới, đối đáp với các nam dân công, với cả bộ đội cụ Hồ. Hát đối đáp nam nữ đối với phụ nữ Việt Nam không phải là hoạt động xa lạ, nhưng chỉ ở những năm tháng kháng chiến chống Pháp, những câu hò, giọng hát của họ mới vang lên ở một khung cảnh mới, không chỉ ở ngay trên mảnh đất của làng quê họ. Trong ca dao cổ truyền, những lời ca dao do người lính sáng tác chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, nhiều lời đượm buồn (“Ba năm trấn thủ lưu đồn...”), thậm chí có lời đẫm nước mắt (“Ngang lưng thì thắt bao vàng”). Không có lời nào vui. Vậy mà ca dao của bộ đội không chỉ hết sức phong phú mà còn vô cùng vui tươi, thể hiện tinh thần lạc quan, chí kiên cường của anh vệ quốc. Những hình thức báo tay, báo tường, ca dao báng súng, vè tui xi... “là những dấu hiệu độc đáo về sự xâm nhập mạnh mẽ của văn học dân gian vào văn học thành văn. Bằng những phương tiện thô sơ về ấn loát, quần chúng lao động tự cho “xuất bản” và phổ biến những tác phẩm của mình. Văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và những cán bộ làm công tác chính trị trong quân đội, làm công tác tuyên huấn ở các cơ quan, nhà máy, làm công tác thông tin tuyên truyền ở các địa phương cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến sâu rộng những sáng tác của quần chúng”(10).

II. Truyện kể

Bên cạnh ca dao, giai thoại khá phong phú. Cán bộ, bộ đội, nhân dân kể cho nhau nghe những câu chuyện đẹp, thú vị về Bác Hồ, về đại tướng Võ Nguyên Giáp... Trí tưởng tượng phong phú của họ đã tạo nên huyền thoại về Tạ Đình Đề. Có giai thoại kể rằng, ông Đề là một điệp viên hoàn hảo được địch cử về ám sát Bác Hồ. Nhưng do tài cao đức trọng, Bác Hồ đã cảm hóa được ông Đề. Không những đi theo cách mạng, ông Đề còn trở thành người bảo vệ tài ba của Bác Hồ. Kẻ địch đã dùng trăm phương ngàn kế để tiếp cận, ám sát vị Chủ tịch của Chính phủ kháng chiến nhưng đều bị Tạ Đình Đề chặn đứng và tiêu diệt chúng. Tác giả dân gian kể rằng, trong một lần Bác Hồ tiếp phái bộ ngoại giao nước ngoài ở chiến khu, Tạ Đình Đề phải đứng cách vị Chủ tịch nước khoảng 5 mét khi các nhà ngoại giao đến chào Bác Hồ. Khi đang nói chuyện bằng tiếng Pháp, nhà ngoại giao nọ mời Bác Hồ hút thuốc. Tạ Đình Đề nhận ra nhà ngoại giao đó là một điệp viên kì cựu mà trước đây ông đã từng gặp; đồng thời ông còn hiểu rằng điếu thuốc lá đã tẩm độc. Tình thế đòi hỏi phải hành động khẩn cấp, nếu để chậm, Bác Hồ sẽ nhiễm độc. Nhanh như cắt, khi Bác Hồ vừa nhận điếu thuốc, châm lửa chuẩn bị hút thì Tạ Đình Đề giương khẩu súng giảm thanh, bắn bay điếu thuốc lá mà xung quanh không ai việc gì. Bác Hồ rất ngạc nhiên. Tạ Đình Đề giơ tay chỉ về kẻ địch và cúi đầu xin lỗi. Mọi người hiểu ra, người chiến sĩ tình báo tài ba đã thêm một lần phá tan âm mưu của kẻ thù. Còn nhiều giai thoại khác kể về việc Tạ Đình Đề thi bắn súng với sĩ quan Tàu Tưởng, về việc ông đã răn đe, cảnh cáo bọn sĩ quan Pháp tàn bạo và những tên Việt gian bán nước.

Tạ Đình Đề xuất thân nghèo khổ, đi làm công nhân và được giác ngộ cách mạng thực sự. Chưa bao giờ ông ở trong hàng ngũ địch. Nhưng văn học dân gian đã xây dựng nên một Tạ Đình Đề của huyền thoại. Đúng như lời giải thích của một vị tướng, cấp trên của ông trong kháng chiến chống Pháp: “Huyền thoại về anh Đề cũng một phần do nhân dân ta khát vọng anh hùng, khát vọng yêu nước, thương dân nên đã truyền tụng cho nhau nghe những câu chuyện đó. Nhưng một phần cũng do chính bọn lính Pháp và ngụy quân trong thời tạm chiếm vì nơm nớp lo sợ nên thêu dệt nên những huyền thoại thần xuất, quỷ nhập”(11). Những câu chuyện về Tạ Đình Đề thời chống Pháp sẽ tiếp tục được kể lại trong thời chống Mỹ sau đó.

Truyện cổ tích quá hiếm. Mục “Tư liệu sưu tầm truyện cổ tích hiện đại”, trong Văn học dân gian hiện đại (2015), quyển 1, của Trần Gia Linh, gồm 37 truyện, chỉ có 1 truyện kể về thời chống Pháp, truyện này tên là “Đóa hoa chanh”. Truyện kể rằng: Cô gái 19 tuổi xinh đẹp lấy chồng được hơn một tháng thì làng cô bị giặc chiếm đóng. Người chồng ra vùng tự do của ta, còn cô ở lại bí mật tham gia du kích và được giao nhiệm vụ tình báo. Cô phải giả vờ lẳng lơ, tìm cách gần gũi bọn địch để thu thập các tin tức bí mật. Trong hai năm liền, cô đã cung cấp nhiều tin tức quý giá cho ta, nhưng cũng phải chịu sự ghét bỏ, phỉ nhổ của bố mẹ chồng, họ hàng và dân làng. Một lần cấp trên cử cán bộ bí mật trở về làm việc với chị. Họ gặp nhau ở khu vườn hoang, dưới gốc một cây chanh. Người cán bộ quân báo ấy chính là chồng chị. Sau khi bàn bạc công tác, họ chuyện trò âu yếm dưới gốc chanh, rồi chia tay. Từ đó người vợ có mang. Tiếng đồn chị chửa hoang lan khắp vùng. Chị cắn răng chịu đựng, không thể thanh minh. Khi đứa bé sinh ra, nó giống chị như lột, song bàn tay trái bị dị tật, không sao mở ra được. Sáu tháng sau, quân ta mở chiến dịch lớn, đồn bốt giặc liên tiếp bị hạ, quê hương giải phóng. Nhưng trong những làn đạn địch chống trả, chị đã bị sát hại. Người chồng trở về, nghe tin vợ mất, đau xót vô cùng. Dân làng ai ủi và báo cho anh biết chị đã chửa hoang. Nhìn thấy bố, đứa con gái đưa hai bàn tay lên, bàn tay trái mở ra, giữa bàn tay có bông hoa chanh tươi rói(12).

Truyện cổ tích về thời chống Pháp quá hiếm nên trong các sách sưu tầm đã xuất bản chỉ có truyện “Đóa hoa chanh”. Ở đây có sự phù hợp giữa thực tế văn học dân gian và kết quả sưu tầm. Trong các cuốn sách sưu tầm vắng bóng tục ngữ, truyện cười. Đây chưa hẳn là thời gian này thiếu vắng hai thể loại vừa nêu. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này có lẽ nằm trong công tác sưu tầm.

CHÚ THÍCH

(1). Vũ Ngọc Phan (2008), Tuyển tập, tập 3, Nxb. Văn học, H, tr.536. Bài này của Bùi Hạnh Cẩn.

(2). Vũ Ngọc Phan (2008), sđd, tr.556. Bài này của Huyền Tâm.

(3). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, tr.345.

(4). Trần Gia Linh (2015), Văn học dân gian hiện đại, quyển 1, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr.38.

(5). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.359.

(6). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.359.

(7). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.346.

(8). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.352.

(9). Phùng Văn Khai (2012), “Đời cứ tươi cứ thơ vui chiến sĩ”, Báo Văn nghệ, số 47, ra ngày 24 tháng 11, tr.23.

(10). Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), sđd, tr.346-347.

(11). Dương Thanh Biểu (2014), Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời, Nxb. Hội Nhà văn, H, tr.220.

(12). Trần Gia Linh (2015), quyển 1, sđd, tr.157-159.

Nguyễn Xuân Kính

Nguồn: Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1/2020, tr.3-tr.7 và tr.15

Thông tin truy cập

63688781
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9073
23426
63688781

Thành viên trực tuyến

Đang có 910 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website